Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.141.913

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Bảo vật quốc gia: Xứng đáng hàng quốc bảo
Hơn 100 năm khánh thành và mở cửa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng ngày càng tăng sức hút vì giá trị các hiện vật Hoàng Sơn Suốt chiều dài 105 năm mở cửa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chứng kiến hàng loạt hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Các nhà chuyên môn đánh giá rất nhiều trong số hơn 3.000 hiện vật tại bảo tàng xứng đáng được liệt vào hàng quốc bảo.

 

 

Bảo tàng đầu tiên của VN

 

Khi viết về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cho biết từ đầu thế kỷ 20 người VN mới bắt đầu làm quen với khái niệm bảo tàng. Và thật tự hào, Đà Nẵng là nơi có bảo tàng khai trương đầu tiên trong cả nước. Năm 1902, Henri Parmentier của Trường Viễn Đông bác cổ đề xuất dự án rồi 2 kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair thực hiện. Bảo tàng được khởi công năm 1915 và hoàn thành, mở cửa phục vụ từ năm 1919. Trong khi đó, Bảo tàng Lịch sử VN tại Hà Nội được khởi công năm 1926, hoàn thành 1932; Bảo tàng Lịch sử TP.HCM được khởi công 1927, hoàn thành 1929.

 

"100 năm rồi, Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn đứng đó, thanh nhã, sâu thẳm, cuốn hút bởi kho báu bên trong và dáng vẻ độc đáo bên ngoài. Chắc rằng, 100 năm sau rồi 100 năm sau nữa, nếu không có sự ứng xử thô bạo của những người thiếu văn hóa, thì bảo tàng vẫn đứng đấy, thanh nhã, sâu thẳm, cuốn hút... Thời gian không ngừng trôi, chỉ có những công trình văn hóa thực thụ mới sống mãi với thời gian. Bảo tàng Điêu khắc Chăm chắc chắn sẽ là một công trình như vậy", NSND Huỳnh Hùng nhận định.

 

Tòa nhà đầu tiên của bảo tàng được xây dựng vào năm 1915, nhưng thật ra hơn 20 năm trước đó nhiều hiện vật điêu khắc Chăm tìm thấy trong vùng Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận đã được tập trung về địa điểm này với tên gọi Công viên Tourane. Trên cơ sở gợi ý ban đầu của Henri Parmentier và trải qua nhiều lần mở rộng, đến nay các tòa nhà của bảo tàng vẫn mang đậm đường nét kiến trúc Chăm với màu sơn vàng.

Đến năm 2016, một dự án tổng thể do TP.Đà Nẵng đầu tư đã trùng tu toàn diện các tòa nhà và chỉnh lý, nâng cấp các phòng trưng bày như hiện nay. Năm 2011, bảo tàng đã được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng 1 tại VN. Để khẳng định, ghi nhận những giá trị của bảo tàng, đầu năm 2021 Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định xếp hạng Bảo tàng Điêu khắc Chăm là di tích lịch sử cấp thành phố.

 

"Dư địa" bảo vật còn rất lớn

 

Phó giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Trần Đình Hà cho hay cùng với việc giới thiệu hiện vật tại các phòng trưng bày, việc đưa hiện vật đi triển lãm, trưng bày ở các địa phương trong nước cũng như ở nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá phát huy giá trị bộ sưu tập hiện vật cũng được bảo tàng quan tâm. Tiêu biểu là hợp tác triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Vienna (Áo), Bảo tàng Lịch sử Hoàng gia Brussels (Bỉ) vào tháng 6.2003 và tháng 10.2004; Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp) vào năm 2005 - 2006; Bảo tàng Houston - bang Texas và Bảo tàng Hội Châu Á - New York (Mỹ) năm 2009 - 2010; Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York, Mỹ) năm 2014...

 

Đáng chú ý, trước khi được công nhận là bảo vật quốc gia, các hiện vật như phù điêu Đản sanh Brahma, tượng thần Ganesha… đã từng ra nước ngoài để tham dự các triển lãm. Điều này cho thấy các bảo tàng quốc tế đã sớm đánh giá được giá trị của các hiện vật để "mượn" đi trưng bày. Ông Trần Đình Hà cho biết cuối tháng 1 vừa qua, với việc được Chính phủ công nhận thêm 3 bảo vật quốc gia, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã có đến 9 bảo vật quốc gia. "Trong số khoảng hơn 3.000 hiện vật đang được trưng bày tại các phòng chuyên đề và kho, còn rất nhiều hiện vật xứng đáng được làm hồ sơ bảo vật quốc gia. "Dư địa" bảo vật của bảo tàng còn rất lớn. Hằng năm, bảo tàng đều quan tâm chọn những hiện vật để làm hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia theo thứ tự ưu tiên", ông Hà nói.

 

Nguyên quản thủ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Trần Kỳ Phương đánh giá hầu hết các hiện vật được bảo tàng mang ra trưng bày tại các phòng đều có thể trở thành bảo vật quốc gia bởi tính độc bản, hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt tiêu biểu cho một phong cách, thời đại… Ông Phương điểm danh một số hiện vật là "ứng viên" bảo vật quốc gia: cặp tượng hộ pháp Đồng Dương, tượng rồng đá, một số tượng tròn, phù điêu…

 

Chia sẻ thêm về tình hình của bảo tàng, ông Trần Đình Hà cho biết đối với một di tích đã trên 100 năm tuổi, bản thân công trình bảo tàng hiện đang xuống cấp tại nhiều vị trí. Năm 2016, mặc dù đã được cải tạo, nâng cấp nhưng đến nay bảo tàng đã bị thấm dột nhiều nơi. "Tòa nhà đã bị dột, các phòng trưng bày thì bị thấm nước. Do độ ẩm cao nên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến cổ vật, gây phong hóa bề mặt đá. Đơn vị tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động. Trong khi đó, từ khi dịch Covid-19 đến nay, bảo tàng gặp khó khăn do không bán được vé nên rất cần kinh phí để duy tu các hạng mục", ông Hà nói.

 

Thú vị với biển chỉ đường đến bảo tàng

 

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chính thức mở cửa vào năm 1919, đến năm 1936 người Pháp đổi tên thành Bảo tàng Henri Parmentier để vinh danh nhà khảo cổ. Ngày nay, tại TP.Đà Nẵng, tại ngã ba đường Thành Điện Hải và Bạch Đằng vẫn còn biển chỉ đường đến Bảo tàng Henri Parmentier bằng bê tông, cốt thép. 

Hiện biển chỉ đường này vẫn còn giữ được nguyên mẫu thiết kế của gần 100 năm trước, tuy vậy những ký tự trên biển chỉ đường đã bị phai mờ.

Du khách khi đến tham quan TP.Đà Nẵng thường tò mò về công trình này và tỏ ra thú vị khi biết đó là biển chỉ đường đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm xưa. (còn tiếp) 

 

 

Hoàng Sơn - TN0
Tin tức khác