Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
939
123.136.933

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
2.000 năm trước, người Sa Huỳnh cổ làm muối như thế nào?
Một góc Trảng Muối ở Sa Huỳnh TRANG THY TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, vừa phát hiện khu vực người Sa Huỳnh cổ làm muối với niên đại khoảng hơn 2.000 năm trước.

 

 

Điều này có ý nghĩa lớn, là căn cứ quan trọng để so sánh khu vực làm muối của cư dân văn hóa Sa Huỳnh và các vùng làm muối của khu vực Đông Nam Á, châu Á...

 

Làm muối trên… đá

 

Vùng đất Sa Huỳnh nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi gắn với nền văn hóa trứ danh có niên đại khoảng 3.000 năm trước. Nơi đây có những ngọn núi vươn ra biển tạo nên khung cảnh thơ mộng làm say lòng người. Nhìn từ biển vào đất liền thấy những bãi bờ thơ mộng cùng núi non hùng vĩ đẹp tựa tranh vẽ. Trong đó, có bãi đá gần làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) nổi chìm trong nước chứa bao điều kỳ thú. Bãi đá được gọi là Trảng Muối, rộng chừng 10 ha, nằm giữa rừng xanh thẳm và biển cả bao la.

Sắp vào tuổi thất tuần, bà Bùi Thị Vân ở làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ vẫn khá nhanh nhẹn. Trưa nắng, bà quảy đôi thúng cuốc bộ ra Trảng Muối cách nhà hàng trăm mét. Đến nơi, bà buông đôi thúng, tay xách gàu nhựa và cầm chiếc gáo dừa bóng láng múc nước châm vào ruộng muối trên đá. Bà cẩn thận kiểm tra độ kết tinh của muối rồi nâng niu những hạt muối trắng như bao đời tổ tiên đã từng như thế.

"Nghe ông bà kể lại thì cách làm muối trên đá ở đây có từ lâu lắm rồi. Khi tôi còn nhỏ thì bà cố tôi cũng làm, rồi đến bà nội tôi. Sau này đến mẹ tôi và rồi đến tôi...", bà cho biết.

 

Trảng Muối có hai khu vực: hồ chứa nước biển khá lớn và ruộng muối trên đá. Thủy triều dâng cao và những cơn sóng vỗ ầm ào đưa nước vào hồ chứa. Nước được dang nắng nên mặn hơn bình thường. Cư dân làng Gò Cỏ múc nước này cho vào vũng dang nắng bước hai. Sau đó, họ múc nước từ vũng đổ vào túi vải lọc sạch trước khi chảy vào ruộng muối. Hằng ngày, họ châm nước biển vào ruộng để tăng thêm độ dày của muối.

 

Ruộng muối là những hố trũng hay được be bờ bằng đất sét trên nền đá. Họ mang đất sét từ rìa làng ra Trảng Muối nhào nặn với nước biển rồi be bờ thành những ruộng muối be bé xinh xinh. Lần đầu, muối kết tinh sau cả tuần nắng chang chang. Do độ mặn tăng cao nên những lần sau chỉ 3 ngày nắng là đã có muối trắng tinh vô cùng bắt mắt. Muối nơi đây hạt to hơn hẳn những nơi khác, vị mặn nhưng không gắt, dùng để nêm thức ăn rất thơm ngon.

 

Nhiều người chuộng dùng loại muối này để muối mắm và trụng cá trước khi chuyển đến những vùng xa bán cho khách hàng. Cá cơm, cá nục, ruột cá ngừ... kết hợp với muối nơi đây cho ra những mẻ mắm thơm ngon vô cùng.

"Làm muối trên đá năng suất không cao nhưng bù lại muối tốt lắm, để dành dùng trong gia đình, muối mắm hay trụng cá, còn dư mới bán cho khách hàng. Muối ở đây bỏ vào chảo nước sôi rồi trụng cá thì cá trắng lắm. Thời trước, trụng xong gánh đi bộ cả trăm cây số lên tận các huyện miền núi như Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi) nhưng cá vẫn không hư, bà con mua đem vô nhà kho ăn ngon lành. Muối này làm mắm cũng ngon lắm. Giờ có nhiều người mua với giá mỗi cân ba mươi ngàn đồng nhưng không đủ muối bán...", bà Vân cho biết.

Nghe vậy, bà Nguyễn Thị Gá góp chuyện: "Ngày công làm muối trên đá thấp lắm, chỉ vài chục ngàn thôi. Dẫu vậy, tụi tui vẫn làm để có muối ăn và cho mọi người biết ở đây có nghề làm muối độc đáo như thế này".

 

Từ 2.000 năm trước

 

TS Đoàn Ngọc Khôi, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, hào hứng khi phát hiện "vùng đá nở hoa" mà người dân nơi đây gọi là Trảng Muối. Ông sờ nén từng phiến đá, nếm vị mặn mòi của hạt muối trắng tinh khôi. Hầu hết các ô ruộng muối cổ có đặc điểm clorua xâm nhập với thời gian lâu dài vào lớp vỏ đá làm mòn và có màu đen sẫm chứa bao điều huyền bí xa xưa.

 

Sau nhiều ngày tìm hiểu, ông Khôi cho rằng, nghề sản xuất muối trên đá ở tại nơi này có niên đại khoảng hơn 2.000 năm trước. Truyền thống làm muối ở nơi đây liên tục kéo dài từ cư dân Sa Huỳnh cổ đến người Chămpa và Đại Việt. Đây được xem là một phát hiện quan trọng, góp phần làm rõ kỹ thuật sản xuất muối của người tiền sử. Điều này cung cấp thêm bằng chứng về 3 phương pháp làm muối của cư dân Sa Huỳnh. Đó là phơi nước biển trên đá tạo muối kết tinh, nấu nước biển trong các nồi gốm để thu muối và làm muối trên các cánh đồng. Sau khi phát hiện, nhiều nhà nghiên cứu, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành ở Quảng Ngãi đã đi thực địa tại Trảng Muối giữa trời nắng chói chang.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu tiếp tục thu thập mẫu hiện vật để sử dụng phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm nhằm xác định niên đại chính xác của nghề làm muối nơi đây. Việc phân tích bao gồm: các mẫu sò thu thập tại Trảng Muối hoặc phân tích thạch học để hiểu rõ cấu trúc mặt nền ruộng muối; độ bào mòn của đá. Bên cạnh đó, việc phân tích thành phần hóa học của muối trên đá cũng sẽ cung cấp thông tin hữu ích về các nguyên tố chứa trong muối.

 

"Việc phát hiện Trảng Muối cổ này chứng minh người tiền sử ở Việt Nam đã nắm bắt kỹ thuật làm muối từ rất sớm. Cách làm muối của người Sa Huỳnh cổ tương đồng với phương pháp làm muối bằng cách phơi nước biển trên đá tại đồng muối cổ Dương Phố (Hải Nam, Trung Quốc) có niên đại khoảng năm 800 sau Công nguyên. Việc nghiên cứu, khảo cổ nơi làm muối, con đường cổ, nơi nghỉ ngơi của người Sa Huỳnh cổ cùng những hiện vật liên quan được phát hiện trước đó sẽ bổ sung quan trọng cho hồ sơ đề nghị công nhận di sản thế giới đối với di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh...", TS Khôi tâm sự.

 

Bao đời, người dân Gò Cỏ cần mẫn làm muối trên bãi đá cạnh làng. Đến một ngày, họ vô cùng mừng vui khi hay tin nghề sản xuất muối ở nơi này có từ hàng ngàn năm trước, góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của người xưa.

 

 

 

 

Trang Thy - TN0
Tin tức khác
Lời ru tao nôi (01.07.2024)