Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
598
123.133.907

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Những ngọn núi thiêng: Hội thiêng Hòn Chén
Núi Ngọc Trản hay còn gọi là Hòn Chén, trên núi có điện thờ linh thiêng ẢNH: V.T "Tháng bảy vía cha, tháng ba vía mẹ" là câu nói nhắc nhở mọi tín đồ đạo Mẫu nhớ về hội thiêng điện Hòn Chén tại cố đô Huế, nơi có ngọn núi thiêng Ngọc Trản.

 

 

Núi Ngọc Trản là ngọn núi nhô ra giữa sông Hương, nằm giữa ranh giới 2 làng Hải Cát (xã Hương Thọ) và Ngọc Hồ (P.Hương Hồ, trước đây thuộc TX.Hương Trà, nay thuộc TP.Huế). Trên núi có điện thờ linh thiêng, có tên điện Hòn Chén. Núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi tên là Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc) vì nó ngay ngắn tròn trĩnh như hình chén ngọc úp sát bờ sông.

 

"Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ/Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu", 2 câu thơ mở đầu trong bài thơ Tạm biệt Huế của nhà thơ Thu Bồn nhắc đến giai thoại chén ngọc nơi núi Ngọc Trản. Giai thoại kể rằng vua Minh Mạng trong một lần ngự thuyền trên sông Hương, khi đến khúc sông trước điện Hòn Chén đã lỡ tay đánh rơi một chiếc chén ngọc xuống sông sâu. Những tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên, ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Giai thoại là vậy, nhưng trong các văn bằng, sắc phong chính thức của các vua Nguyễn thì ngôi điện vẫn xuất hiện với tên chính thức "Ngọc Trản Sơn Từ" (đền thờ ở núi Ngọc Trản).

 

Năm 1885, sau khi lên ngôi, vua Đồng Khánh đã cho tu sửa lại điện Hòn Chén và... "hạ mình" xưng thần dưới trướng của bà Thiên Y A Na. Giai thoại kể lại rằng trước khi đăng quang, vua Đồng Khánh từng lên đây cầu nguyện và chính bà Thiên Y A Na đã báo quẻ cho hoàng tử biết ngày đăng quang lẫn ngày tạ thế. Sau khi lên làm vua, thấy linh nghiệm, vua Đồng Khánh đã cho xây lại đền khang trang, đổi tên ngôi đền là Huệ Nam điện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu. Huệ Nam có nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam. Kể từ đó, nghi lễ điện Hòn Chén được tổ chức long trọng.

Sách Đại Nam thực lục ghi: "Vua (Đồng Khánh) khi còn ẩn náu thường đến chơi xem núi ở đây. Mỗi khi đến cầu khẩn, phần nhiều có ứng nghiệm. Đến nay vua phê bảo rằng: Đền Ngọc Trản thực là núi Tiên Nữ, linh sơn sáng đẹp muôn đời, trông rõ là hình thế như con sư tử uống nước sông, quả là nơi chân cảnh thần tiên. Đền ấy nhờ được linh khí đắc nhất, cứu người độ đời, giúp cho phúc lợi hàng muôn, giúp dân giữ nước, vậy cho đổi đền ấy làm điện Huệ Nam để biểu hiện ơn nước một phần trong muôn phần".

Điện Hòn Chén trên núi Ngọc Trản là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau, nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương. Công trình kiến trúc chính là Minh Kính đài tọa lạc ở giữa; bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát viện, chùa Thánh; bên trái là dinh Ngũ hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại cảnh. Sát mép bờ sông còn có am Thủy phủ. Trong phạm vi của cụm công trình còn có nhiều bệ thờ, nhiều am nhỏ nằm rải rác. Chính kiến trúc của đền cùng với dòng sông, làng mạc, núi non, tạo nên không gian của điện Hòn Chén thêm tâm linh huyền bí. Điện Hòn Chén được Bộ VH-TT

(nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 26.9.1998.

 

LỄ HỘI CARNIVAL ĐA SẮC MÀU TRÊN SÔNG HƯƠNG

 

Điện Hòn Chén vốn từ xưa là để thờ nữ thần Thiên Y A Na (Po Yang Ino Nagar, gọi tắt là Po Nagar) của người Chăm. Theo truyền thuyết của người Chăm, Po Nagar hay còn gọi Thần Mẹ xứ sở, là vị thần đã sáng tạo ra đất đai, cây cối, rừng gỗ quý, lúa, bắp... và dạy dân cách trồng trọt. Sau này, người Việt đã đồng nhất vị nữ thần này với Thánh Mẫu Liễu Hạnh và tổ chức lễ hội tâm linh vừa mang nét văn hóa tín ngưỡng người Việt hòa trộn với văn hóa người Chăm xưa.

Hằng năm, cứ vào đầu tháng 3 (ngày 2 - 3.3 âm lịch) và tháng 7 (ngày 8 - 10.7 âm lịch), lễ hội điện Hòn Chén thu hút hàng vạn du khách, tín đồ đến hành lễ, cầu nguyện. "Tháng bảy vía cha" là nghi lễ tri ân người cha sông núi, "tháng ba vía mẹ" là nghi lễ tri ân người mẹ xứ sở, cũng là Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Lễ hội điện Hòn Chén được tổ chức trùng với dịp xuân tế và thu tế của người dân làng Hải Cát, nên giữa hai nghi lễ này có sự hòa trộn. Dân làng tổ chức tế tại đình, trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả các vị thần trong làng về đình.

Lúc này, những người theo tín ngưỡng Thánh Mẫu tổ chức đám rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu từ Hòn Chén đến đình làng Hải Cát để tổ chức trọng thể lễ nghinh thần. Những chiếc thuyền được kết hoa trang trí màu sắc rực rỡ, trên đó có bàn thờ Thánh Mẫu cùng với long kiệu. Trên long kiệu có hòm sắc của vua ban Thánh Mẫu, liền kề đó có bàn thờ, kiệu và hòm sắc của nhị vị Thượng Ngàn và Thủy Cung Thánh Mẫu. Sau đó là những chiếc thuyền chở tự khí, bửu tán, cờ quạt... Ðám rước đầy màu sắc rực rỡ, không khí trang nghiêm... như một lễ hội carnival rực rỡ sắc màu trên sông Hương.

 

Sau khi nghinh thần lên và tổ chức tế lễ tại đình làng Hải Cát, sẽ diễn ra lễ rước Thánh Mẫu hồi loan, trở về lại điện Hòn Chén. Tại đây, bắt đầu nghi lễ chính với nhiều nghi thức cúng, hầu đồng, phóng sanh, phóng đăng... Suốt đêm, trên mặt sông Hương từ khu vực điện Hòn Chén đến trước đình làng Hải Cát diễn ra các cuộc chầu văn, hầu đồng, hầu bóng, khiến đoạn sông trở nên rộn ràng sắc màu lễ hội.

Hiện nay, lễ hội điện Hòn Chén đã trở thành một trong những lễ hội chính của chuỗi lễ hội Festival bốn mùa. Trước ngày diễn ra lễ hội, từ địa điểm Thánh đường thờ Mẫu (ở địa chỉ 352 Chi Lăng) có nghi lễ rước thần đi bộ đến bến thuyền trên sông Hương, sau đó lên thuyền để diễu hành lên điện Hòn Chén, tạo nên lễ hội carnival dân gian độc đáo và có quy mô lớn tại Thừa Thiên-Huế. (còn tiếp)

 

 

 

Bùi Ngọc Long - TN0
Tin tức khác
Lời ru tao nôi (01.07.2024)