Lánh cư ở cù lao Dài
Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý đất Gia Định, chiêu mộ dân tới ở và lập làng xã. Năm 1732, thấy vùng này quá rộng, chúa Nguyễn bèn chia cắt, lập thêm châu Định Viễn và dinh Long Hồ. Bấy giờ, lỵ sở dinh Long Hồ đóng tại thôn An Bình, xứ Cái Bè. Đến năm 1765, lỵ sở châu Định Viễn và dinh Long Hồ dời đến xứ Tầm Bào (Vĩnh Long bây giờ). Lúc này, cù lao Dài đã được cư dân xứ Quảng vào khai phá, lập nghiệp.
Bấy giờ, cù lao Dài được lập thành 5 thôn, gồm: Phú Thái, Phước Khánh, Thái Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh. Vì vậy vùng đất này còn có tên là cù lao Năm Thôn. Tại thôn Thái Bình (nay là xã Thanh Bình) có họ Nguyễn vào Nam từ thế kỷ 18. Đời sau có ông Nguyễn Hậu Tấn đậu cử nhân khoa Ất Dậu (1825) tại trường thi Gia Định. Người này từng được bổ nhiệm làm Bố chánh Nam Định. Tại thôn Phước Lý (xã Quới Thiện) có Bát phẩm y sanh Trần Nhựt Tân, người có công xây dựng đình miếu, được tôn là "Tiền viên quan hữu công", hiện nay còn miêu duệ.
Theo thư tịch, Nguyễn Văn Thoại sinh năm 1761, là con ông Nguyễn Văn Lượng và bà Nguyễn Thị Tuyết. Ông Lượng người làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam (nay thuộc Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).
Chuyện xưa kể rằng năm 1776, trong lúc cùng Trần Quang Diệu tắm sông thì có quan sở tại đi qua. Thoại tinh nghịch tát nước làm ướt áo quan nên bị đánh đòn. Diệu vì bênh bạn nên nhảy vào đánh rồi trấn nước quan. Do vậy mà Thoại và 2 người em được mẹ đưa vào lánh cư tại cù lao Dài. Năm 1777, lúc mới 16 tuổi, Thoại đầu quân theo chúa Nguyễn Ánh tại Ba Giồng (Định Tường).
Xông pha ở vùng đất mới
Sách Đại Nam liệt truyện chép năm Giáp Thìn (1784) Nguyễn Văn Thoại phò chúa Nguyễn sang Vọng Các, khi về theo quân đi chinh chiến, từng giữ các chức vụ Khâm sai cai cơ, Khâm sai thống binh cai cơ, trấn giữ đồn Long Hưng (nay thuộc Lấp Vò, Đồng Tháp). Năm 1798 kiêm làm phó quản doanh Ngũ Thủy. Năm 1800 được bổ làm Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân.
Năm 1801, vì tự ý bỏ Thượng đạo về Gia Định không đợi lệnh vua khi nghe tin tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu (bạn cũ) kéo binh mã theo Thượng đạo ra giải cứu Phú Xuân nên Nguyễn Văn Thoại bị giáng xuống làm Cai đội. Sau đó được phong làm Khâm sai thống binh cai cơ, trông nom việc quân ở Bắc Thành. Năm 1802 làm trấn thủ Lạng Sơn rồi trấn thủ Định Tường (1810).
Năm Minh Mạng thứ 2, Nguyễn Văn Thoại lãnh quốc ấn bảo hộ Cao Miên, kiêm quản việc ngoài biên ở Hà Tiên và coi giữ thành Châu Đốc. Trước đó, vào cuối năm 1817, công trình đào kinh Đông Xuyên hoàn tất, được vua đặt tên là Thoại Hà. Núi Sập bên dòng kinh được đặt tên là Thoại Sơn. Trong thời gian làm trấn thủ Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại chỉ huy dân binh đào kinh từ Châu Đốc tới Hà Tiên dài 100 km. Khi hoàn thành vào năm 1824, vua Minh Mạng lấy tên vợ ông đặt tên cho con kinh là Vĩnh Tế. Năm 1825, Nguyễn Văn Thoại còn mở đường từ Châu Đốc đi Sóc Vinh, Châu Đốc - Lò Vò và Châu Đốc - Núi Sam…
Cuối đời bị án oan
Nhờ Nguyễn Văn Thoại có công bảo hộ Chân Lạp, năm Minh Mạng thứ 5, vua Phiên đưa thư xin cắt đất 3 phủ để đền ơn. Năm 1829, Nguyễn Văn Thoại qua đời tại Châu Đốc, thọ 68 tuổi, được truy tặng Đô thống. Con là Lâm được tập ấm là Ân kỵ húy. Đến năm 1832, theo lời vu cáo của Võ Du, vua xuống chiếu truy giáng 5 phẩm hàm, thu lại chức tập ấm của con, tịch thu gia sản. Về sau, phát hiện Du tố sai nhưng Du chỉ bị cách chức và đày ra Cam Lộ.
Khu mộ gia đình Thoại Ngọc Hầu ở cù lao Dài hoàn thiện vào năm 1828. Nhưng từ khi ông bị hàm oan, tịch thu gia sản, không còn ai trông nom, thừa tự. Đại Việt tập chí số ra ngày 16.12.1943 có bài của tác giả Ngạc Xuyên thuật lại việc gặp Hương bái Nguyễn Khắc Dụ ở cù lao Dài và được xem tờ bẩm của làng ngày 10.8.1832 có 8 hương chức đứng tên "nhận thiệt là theo lịnh quan trên phát mãi gia tài cố Nguyễn Văn Thoại một sở sơn điền (ruộng gò) cho tú tài Huỳnh Tăng Quang, giá bạc 650 quan".
Mãi đến năm 1924, vua Khải Định mới sắc phong cho Thoại Ngọc Hầu chức "Đoan Túc Dực Bảo Trung hưng tôn thần" thờ ở ngôi đền tại Núi Sam. Năm 1943, vua Bảo Đại sắc phong chức "Quang Ý Dực Bảo trung hưng đẳng thần" và được thờ tại ngôi đền Thoại Sơn (Núi Sập).
Năm 2017, UBND tỉnh Vĩnh Long có quyết định xếp hạng khu mộ là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến năm 2019, tỉnh đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo khu mộ và xây dựng mô hình nhà thờ họ Nguyễn, nhà thờ họ Châu. Từ cổng vào bên trái là mộ mẫu thân Thoại Ngọc Hầu, bà Nguyễn Thị Tuyết và mộ bà Nguyễn Thị Định (con gái bà Tuyết). Ở góc trái khu mộ có miếu Thổ Thần trước tấm bình phong hậu. Trước cửa khu mộ có 2 trụ biểu vuông vức, trên đắp búp sen. Mặt trước và sau đều khắc chữ Hán, hai mặt chạm hoa văn. Khu mộ họ Châu cũng có kiến trúc tương tự. Bên trong có mộ ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán, thân sinh bà Châu Thị Vĩnh Tế.
Tương truyền, ông Huy là một nhà Nho dạy học ở làng nên có thêm mô hình lớp học. Bia công đức được dựng ở khu mộ, đồng thời bắc thêm cầu nối liền 2 khu mộ. Cổng tam quan và tường rào được xây mới nhưng các ngôi mộ khi tôn tạo vẫn giữ nguyên hiện trạng như cửa mộ, trụ biểu, bình phong, hương án, miếu thổ thần. Sau khi tu sửa, di tích trở nên khang trang. (còn tiếp)