Buổi "Trò chuyện về sức khỏe thị trường nghệ thuật", do Hanoi Grapevine tổ chức, Lân Tinh Foundation và Complex 01 đồng hành, vừa diễn ra tại Hà Nội đề cập rõ nét vấn đề này.Buổi trò chuyện (diễn ra trong 2 ngày 4 và 5.1) có sự tham dự của 3 diễn giả: nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn, giám tuyển - sử gia nghệ thuật Ace Lê, giám đốc Hanoi Studio Gallery Dương Thu Hằng, cùng phần điều phối của nhà báo Trương Uyên Ly - chuyên gia độc lập, cố vấn của Hanoi Grapevine.
Xuất hiện nhiều nhà đầu tư, sưu tập tranh trong nước
Theo nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn, để phân biệt người sưu tập, người mua hay nhà đầu tư tranh, cần nhìn vào mục tiêu của họ. Trước đây, đội ngũ này thường là người nước ngoài, từ khi nền kinh tế VN phát triển, nhân tố trong nước bắt đầu xuất hiện.
Giám tuyển Ace Lê nhận định: "Giai đoạn vừa mở cửa, người nước ngoài đến VN thập niên 1990 thường mua tranh souvenir các gallery Bờ Hồ với nhu cầu lưu niệm, trang trí, lúc bấy giờ chiếm 90% doanh thu mỹ thuật VN. Hiện nay, cán cân đã đổi lại, với đa số là người mua, nhà sưu tập và nhà đầu tư nội địa. Theo tôi, không ai cảm nhận một bức tranh Việt tốt hơn người Việt. Đó là tiền đề cho làn sóng hồi hương tranh Đông Dương trong khoảng 10 năm đổ lại, với một danh sách tác phẩm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh… lần đầu gõ búa đạt mốc triệu USD. Đây là phong trào đã diễn ra tại Trung Quốc, Indonesia hay Philippines từ 15 - 20 năm trước, và hiện giờ tới lượt chúng ta. Những tín hiệu này rất đáng mừng, bởi cộng đồng yêu tranh nội địa đã và đang dần dần nắm vững kiểm soát thị trường cung cầu. Sức mua nội địa là một điều kiện cần cho một thị trường nghệ thuật vững mạnh".
Giám đốc Hanoi Studio Gallery Dương Thu Hằng cho biết rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài từng đến VN thu mua tranh. "Họ đã truyền kinh nghiệm cho chúng tôi để hình thành gallery, cách mua bán hay đầu tư tranh. Rất nhiều tác phẩm của VN được các nhà sưu tập hay đầu tư nước ngoài mua từ cách nay 30 - 40 năm. Hiện VN đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư, sưu tập tranh trong nước, có những người còn trẻ và đây là động lực để phát triển thị trường", bà Hằng nói.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, tranh là loại hàng hóa đặc biệt. Việc định giá một tác phẩm nghệ thuật mang tính chủ quan. "Các nhà đầu tư Hàn Quốc từng mua tranh của Bùi Xuân Phái những năm 1980 - 1990 chỉ với giá 100 - 200 USD. Vài chục năm sau, giá trị bức tranh tăng lên gấp nhiều lần. Họ không giỏi gì hơn chúng ta mà chỉ vì họ có thời gian đi trước nên nhiều kinh nghiệm", ông Tuấn nói thêm.
Từng bước minh bạch hóa thị trường nghệ thuật
Nhà báo Trương Uyên Ly đặt vấn đề: Người mua, sưu tập hay đầu tư có trách nhiệm xã hội như thế nào với việc hình thành cũng như phát triển một thị trường tranh Việt trong tương lai?
Giám tuyển Ace Lê cho rằng minh bạch hóa thị trường nghệ thuật là bước đi ban đầu để phát triển, bắt đầu từ những sàn đấu giá. Thông thường, gallery tư nhân hay nghệ sĩ không niêm yết giá, trong khi nhà đấu giá theo luật sẽ luôn đóng vai trò trung tâm khám phá giá với trách nhiệm công khai mức giá trên các kênh truyền thông.
Trong khi đó, nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn nhìn nhận: Muốn phát triển thị trường nghệ thuật bền vững, phải đầu tư cho giáo dục kèm các chính sách liên quan. "Ai cũng mong muốn có một thị trường minh bạch, giảm nạn sao chép tranh giả. Do đó, cần có thị trường thứ cấp hoạt động đủ chức năng. Các nhà đấu giá như Sotheby's vào VN sẽ giúp minh bạch thị trường này. So với Trung Quốc, các nhà đầu tư hay sưu tập VN còn quá ít. Khi thị trường đủ lớn mới tạo ra động lực tác động đến chính sách, thuế", ông Tuấn bày tỏ.
Theo bà Dương Thu Hằng, công chúng sẽ là người thẩm định tính minh bạch thị trường nghệ thuật. Nếu bán tác phẩm giả sẽ sớm bị nhận biết. Thị trường nghệ thuật cũng đòi hỏi sự tác động của các nhà hoạch định chính sách, tài chính. "Giá tranh Việt tăng lên do ảnh hưởng giá cao của dòng tranh Đông Dương. Tuy nhiên, chúng ta hiện có nhiều người vẽ nhưng hiếm tác giả cũng như tác phẩm đúng nghĩa mang tầm văn hóa cho đất nước, để từ đó mới để lại dấu ấn, tạo ra lịch sử nền mỹ thuật VN, tiếp nối thế hệ họa sĩ Đông Dương, thời kháng chiến và cả thời đổi mới, mở cửa", bà Hằng nhận xét.
Chúng ta hiện có nhiều người vẽ nhưng hiếm tác giả cũng như tác phẩm đúng nghĩa mang tầm văn hóa cho đất nước, để từ đó mới để lại dấu ấn, tạo ra lịch sử nền mỹ thuật VN.
Giám đốc Hanoi Studio Gallery DƯƠNG THU HẰNG
CƠ HỘI CHO NHÀ ĐẦU TƯ
Nhìn lại 5 năm gần đây, thị trường nghệ thuật thứ cấp, mà đại diện tiêu biểu nhất là các nhà đấu giá, đã giúp làm gia tăng tính thanh khoản tác phẩm nghệ thuật với các buổi đấu giá công khai. Chục năm trở lại đây, dòng tranh Đông Dương đã xuất hiện ít nhất 20 tác phẩm giao dịch công khai vượt mức triệu USD. Cứ mỗi năm, tranh Đông Dương lại tăng giá khoảng 20% so với năm trước. Tuy nhiên,
3 năm hậu Covid-19 gần đây giá tranh Đông Dương có chững lại, do tình hình kinh tế toàn cầu gặp khó khăn chung. Đây là khoảng lặng tốt để bình ổn mức giá, tái thiết lập thanh khoản và cũng là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước.
Giám tuyển Ace Lê