Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
326
123.252.260

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Còn ai réo rắt giọt cầm châu sa
Sự xuất hiện của cây đàn organ có khả năng bắt chước nhiều âm thanh phong phú đã vô tình thu hẹp đất sống của nhạc cụ dân tộc. Đây chính là nguyên nhân ngày càng khan hiếm sinh viên theo học nhạc cụ dân tộc tại các trường chuyên nghiệp

Ngày 15-8 tới, Nhạc viện TPHCM sẽ công bố kết quả trúng tuyển, song với 22 người dự thi, xem ra mùa tuyển sinh năm nay khoa âm nhạc dân tộc vẫn rơi vào tình trạng thiếu người học. Đó là chưa kể đến việc số sinh viên nhËập học lại thấp hơn như trường hợp niên khóa 2001-2002 đã xảy ra. Không có người để đào tạo thì lấy gì để bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc trong thời gian tới?

Cửa trường rộng mở nhưng không ai vào!

Tại TPHCM, Nhạc viện TPHCM là nơi duy nhất có khoa đào tạo chính quy bậc đại học về nhạc cụ dân tộc (khoa âm nhạc dân tộc) gồm 8 loại nhạc cụ: đàn kìm (nguyệt), cò (nhị), tranh, bầu, tam thập lục, tì bà, sáo và guitar dân tộc (guitar phím lõm). Các bậc học gồm: trung học ngắn hạn (4 năm), trung học dài hạn (9 năm) và đại học (4 năm). Dịp tuyển sinh tháng 7-2004 cả 3 bậc học chỉ có 22 thí sinh dự thi. Những năm 1980 về trước, số thí sinh thi và trúng tuyển vào khoa luôn dao động từ 40-50 người, nhưng mấy năm gần đây ngày càng ít đi, niên khóa 2001-2002: 58 người, 2002-2003: 25 người. Nếu chia đều cho 3 bậc: trung cấp 4 năm, 9 năm, đại học và chia đều cho 8 loại nhạc cụ kể trên thì số sinh viên học một nhạc cụ chẳng bao nhiêu. Hiện nay tại khoa, môn đàn tì bà có số người học ít nhất: 2 người (1 đại học, 1 trung học), đợt tuyển sinh vừa rồi môn này không có người dự thi. Môn đàn cò hiện có 4 sinh viên trong đó có 2 người theo học bậc đại học.

Mặc dù Nhạc viện đã ưu đãi, tạo mọi điều kiện để mở rộng cánh cửa chào đón thí sinh học các nhạc cụ dân tộc bằng nhiều cách như điều kiện thi vào không khó: tốt nghiệp THCS (lớp 9), biết chút nhạc lý, ký- xướng âm và đã chơi qua một trong các loại nhạc cụ kể trên; học phí “mềm”: 600.000 đồng/năm tức chỉ 50.000 đồng/tháng; dành nhiều học bổng như học bổng của trường (100.000 đồng -200.000 đồng/phần), học bổng Huỳnh Thị Dương (20 triệu đồng/suất), học bổng Nguyễn Trường Tộ (120 USD/suất), chưa kể những học bổng đột xuất khác... nhưng số người học vẫn rất ít. Thầy Huỳnh Khải, phó chủ nhiệm phụ trách khoa, cho biết thêm: “Trong khi các khoa thanh nhạc, piano... lúc tuyển sinh chấm điểm rất khắt khe phần ký-xướng âm thì ở khoa âm nhạc dân tộc, do muốn khuyến khích thí sinh vào học, chúng tôi không đòi hỏi cao đối với phần này”.

Cử nhân âm nhạc dân tộc sống bằng nghề buôn, sửa đàn

Một trong những lý do khiến lượng sinh viên học nhạc cụ dân tộc ngày càng trở nên khan hiếm là việc học xong không có “đất dụng võ” bởi nhạc trẻ và nhạc phương Tây hầu như đang “thống trị” các điểm diễn hiện nay. Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang hoặc các đài phát thanh- truyền hình... không phải lúc nào cũng còn chỗ để nhận sinh viên tốt nghiệp. Hơn nữa, nếu may mắn được vào làm, với mức lương khoảng 300.000 đồng/tháng, các sinh viên cũng khó yên tâm theo đuổi nghề dù yêu thích đến mấy. Các nhà hàng, khách sạn sang trọng lại là nơi nuôi sống đội ngũ này nhưng không có nhiều. Với mức thù lao 50.000 đồng - 70.000 đồng/đêm (từ 19 giờ đến 21 giờ) vậy mà các điểm diễn này không phải là nơi dễ chen chân. Thầy Huỳnh Khải tâm sự: “Chỉ một số ít sinh viên tốt nghiệp (khoảng 7-8 người) may mắn được Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen nhận về công tác như Hoàng Anh, Cao Hồ Nga, còn lại nhìn nhiều học trò của mình sau khi ra trường phải kiếm sống bằng nghề khác như buôn bán, sửa đàn... thấy tội các em lắm”.

Bảo tồn âm nhạc truyền thống bằng cách nào?

Cuộc hội thảo “Âm nhạc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa” do Viện Âm nhạc VN tổ chức vào ngày 8, 9-8 với sự tham gia của 11 nước ASEAN đã đặt ra nhiều vấn đề mà những người quan tâm đến nền âm nhạc dân tộc nước nhà phải trăn trở và suy tư. Đó là tình trạng âm nhạc dân tộc đang ngày càng mai một, bị nhạc phương Tây lấn át. Sự xuất hiện của cây đàn organ có khả năng bắt chước nhiều âm thanh phong phú như tiếng sáo, tiếng đàn bầu, đàn tranh... đã vô tình thu hẹp đất sống của nhạc cụ dân tộc. Chỉ cần một cây đàn organ và một nhạc công sử dụng thành thạo là đã có thể thay thế cả một dàn nhạc. Điều này dẫn đến hệ quả là ngày càng khan hiếm những người học nhạc cụ dân tộc và vì thế việc bảo tồn, phát huy nền âm nhạc truyền thống xem ra khó thực hiện. Kinh nghiệm từ một số nước làm tốt công tác này như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy cần xây dựng những kênh riêng về âm nhạc dân tộc trên sóng phát thanh, truyền hình, đưa nhạc cổ truyền vào giảng dạy ở các trường học như một quy định bắt buộc...

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

. TS So Inhwa, Hàn Quốc: Đưa âm nhạc truyền thống vào nhà trường là sự lựa chọn hợp lý nhất. Tại Hàn Quốc, có thể thấy rõ nỗ lực gia tăng nội dung về âm nhạc truyền thống trong các SGK phổ thông. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân Hàn Quốc và người nước ngoài cảm thấy xa lạ với âm nhạc truyền thống. Trước hiện tượng đó, giải pháp trung hòa là vừa phải cố gắng giới thiệu âm nhạc của các nước khác trên thế giới vào Hàn Quốc vừa phải giới thiệu âm nhạc truyền thống Hàn Quốc ra nước ngoài.

. PGS-TS Simeda Takasi, Nhật Bản: Tận dụng tính ưu việt của các phương tiện truyền thông để đưa các giá trị âm nhạc truyền thống vượt ra khỏi biên giới địa phương rồi để những giá trị đó dội ngược lại về nơi chúng đã được sinh ra, đó là điều kỳ diệu mà nhóm song tấu RU - gồm 1 người Mỹ, 1 người Anh gặp nhau tại quần đảo Ryukyu của Nhật Bản. Họ đã làm được bằng cách remix âm nhạc truyền thống địa phương rồi phát tán cho những người quen tại các nước khác thông qua các file nén MP3.

Y.A (ghi tại hội thảo “Âm nhạc cổ truyền dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa” ở Hà Nội)

Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC

Hồng Duyên, tốt nghiệp đàn tranh khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TPHCM tháng 6-2004

Vì miếng cơm manh áo mới vào biểu diễn ở nhà hàng

“Ngoài công việc giảng dạy ban ngày ở Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3, hằng đêm tôi còn biểu diễn ở khách sạn Majestic, Blue Ginger. Nói thật, cực chẳng đã vì miếng cơm manh áo mới vào nhà hàng biểu diễn chứ chẳng ai muốn diễn ở những nơi đó. Khách thì cứ cắm đầu ăn uống chẳng thiết gì đến việc thưởng thức nghệ thuật, thậm chí có người còn có những hành vi khiếm nhã, bất lịch sự. Họ coi khinh mình lắm”.

Nghệ sĩ Tuyết Mai, nhà hát ca múa nhạc bông sen:

Nghệ sĩ lâu năm cũng không sống được với mức lương của nhà hát

“Ngay bản thân tôi đã có thâm niên công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen 12 năm nhưng mức lương cũng chẳng đủ nuôi sống gia đình chứ nói chi đến mấy em sinh viên mới ra trường. Nhiều người sau thời gian làm việc ở đây cũng phải làm nghề khác kiếm sống như anh Tường (thổi sáo). Sắp tới chúng tôi đang có kế hoạch phối hợp với Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy ở các trường đại học”.

Hương Nhu - Báo
Tin tức khác