Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
387
123.251.739

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Âm nhạc cổ truyền trong bối cảnh toàn cầu hoá
Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, mỗi thời đại luôn mang những dấu ấn riêng. Song có lẽ chưa bao giờ diễn trình lịch sử thế giới lại có một thời đại mang trong nó nhiều sự phong phú, sự phức tạp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như ngày nay.

Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin, thời đại mà toàn cầu hóa được nhìn nhận như một tất yếu của sự phát triển xã hội loài người. Những khái niệm Trái đất ngôi nhà chung của chúng ta, Làng thế giới ngày một trở nên quen thuộc với các công dân của hành tinh trái đất. Mỗi sự kiện xảy ra trên thế giới, chỉ sau giây lát đã xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu, nhiều vấn đề không chỉ là của một quốc gia mà có ý nghĩa toàn thế giới.

Bên cạnh những thuận lợi về phương diện tiến bộ khoa học kỹ thuật là những thách thức thật sự quyết liệt mang ý nghĩa sống còn với mỗi số phận của con người thời đại. Con người mới Việt Nam có khả năng/phẩm chất đáp ứng được những yêu cầu mang tầm thời đại, là con người có văn hóa, thấm nhuần bản sắc truyền thống của dân tộc.

Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa là một tất yếu của lịch sử phát triển xã hội, cũng là một vấn đề lớn và phức tạp. Trong thời gian qua, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã có nhiều chính sách văn hóa nói chung, chính sách về nghệ thuật nói riêng nhằm khẳng định vị trí của văn hóa truyền thống Việt Nam trong xu thế hội nhập với toàn thế giới, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCHTƯ Đảng (khóa VIII) về việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đối với mỗi quốc gia, dân tộc, khi mà nhiều lĩnh vực của đời sống và khoa học kỹ thuật đang chứa đựng trong nó những giá trị mang tính toàn cầu, thì văn hóa là khẳng định sự tồn tại một cách ý nghĩa nhất của quốc gia, dân tộc đó trên thế giới. Là một thành tố quan trọng cấu thành văn hóa, âm nhạc cổ truyền với những giá trị tiềm ẩn mang tính bản sắc cũng thật sự là “chứng minh thư” của một dân tộc trong xu thế hội nhập mang tính toàn cầu. Âm nhạc cổ truyền ra đời và tồn tại như một thành tố quan trọng, thiết thân và không thể thiếu được của sinh hoạt văn hóa dân gian Việt Nam, gắn bó với mỗi con người từ thuở lọt lòng trong lời ru của mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay trong tiếng kèn tiễn biệt về nơi vĩnh hằng, và là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của nền âm nhạc mới Việt Nam.

Ngay từ khi mới ra đời vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, nền âm nhạc mới Việt Nam đã kế thừa và phát triển với nhiều tìm tòi trên cơ sở các âm điệu dân gian truyền thống. Đây cũng là định hướng trong suốt nhiều thập kỷ sau đó và cho đến ngày hôm nay. Trong thời đại của sự giao lưu giữa các nền văn hóa và xu thế toàn cầu hóa, nền âm nhạc mới Việt Nam đã tiếp nhận một cách sáng tạo các khuynh hướng, trào lưu, trường phái sáng tạo nghệ thuật âm nhạc trên thế giới để làm giàu thêm phương tiện biểu hiện ngôn ngữ sáng tạo âm nhạc của chính mình. Nhiều sáng tác âm nhạc theo hướng này đã thành công, đã khẳng định sự cần thiết của việc tiếp thu những những kỹ thuật sáng tác, những tư duy vốn là tinh hoa của sáng tạo nghệ thuật âm nhạc thế giới nhiều thế kỷ qua. Không chỉ bằng các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam chúng ta mới có thể biểu đạt được tâm tư, tình cảm của người Việt Nam, mà có thể bằng cả các nhạc cụ vốn là truyền thống của âm nhạc châu Âu được du nhập vào Việt Nam trong thế kỷ vừa qua. Vấn đề ở đây là khả năng sáng tạo của nhà soạn nhạc qua việc thể hiện những âm điệu vốn mang tính bản sắc của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Cùng sự phát triển của nhiều dòng âm nhạc khác, âm nhạc cổ truyền Việt Nam thời gian qua cũng đã chứng minh được những giá trị mang tính bản sắc của mình. Những làn điệu dân ca, dân vũ đã không chỉ vang lên nơi thôn quê, giữa các phòng hòa nhạc ở Việt Nam, mà hơn thế, đã đến và làm say lòng bè bạn năm châu bốn bể. Là người Việt Nam, dù ở nơi đâu chúng ta cũng luôn nhớ và tự hào về di sản văn hóa âm nhạc truyền thống mà cha ông đã để lại.

Để gìn giữ những giá trị văn hóa âm nhạc cổ truyền, nhiều năm qua Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã giao cho Bộ Văn hóa - Thông tin nhiệm vụ thực hiện Chương trình quốc gia về Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Rất nhiều giá trị văn hóa âm nhạc cổ truyền đang đứng trước nguy cơ mai một bởi thời gian và cơ chế thị trường đã được nghiên cứu, bảo tồn bằng các phương tiện khoa học hiện đại. Tuy đây là công việc đã được tiến hành từ lâu một cách có hệ thống trên phạm vi toàn quốc nhưng vẫn còn một số vấn đề đáng bàn.

Trên thực tế của công tác nghiên cứu âm nhạc có nhiều ý kiến rất khác nhau về phương thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Có người cho rằng: Đối với di sản âm nhạc cổ truyền điều phải làm và bắt buộc phải làm là bảo tồn, bảo tồn nguyên vẹn những di sản còn lại bằng nhiều giải pháp khác nhau. Cũng có người cho rằng: “công tác kế thừa - phát triển đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền âm nhạc truyền thống phát triển theo xu hướng tiên tiến và hiện đại. Có phát triển và phát triển mạnh mẽ, nền âm nhạc truyền thống mới có khả năng phản ánh đời sống một cách sinh động đáp ứng nhu cầu thưởng thức của con người hiện nay”. Mỗi nhóm ý kiến có những lý do, những cơ sở lý luận khác nhau xuất phát từ thực tiễn của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc cổ truyền nhiều năm qua ở Việt Nam và trên thế giới. Phải nhìn nhận rằng những tác giả của các nhóm ý kiến khác nhau đó đã rất có lý khi đặt vấn đề và kiến giải quan điểm của nhóm mình về tương lai của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Điều này không có gì lạ với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên thế giới nhiều thế kỷ qua. Những tìm tòi, tranh luận, thể nghiệm về một hướng đi hữu hiệu cho việc bảo tồn và phát triển âm nhạc cổ truyền là điều luôn tồn tại. Chính vì vậy, tôi cho rằng cần phải có sự kết hợp giữa hai quan điểm trên cùng sự tiếp thu một cách có chọn lọc kinh nghiệm công tác này trên thế giới để có giải pháp tối ưu trong từng trường hợp cụ thể.

Như vậy, trước hết, phải gấp rút sưu tầm, lưu giữ những giá trị văn hóa âm nhạc cổ truyền đang có nguy cơ ngày càng mai một. Đây là một công việc vô cùng quan trọng bởi thời đại chúng ta đang sống mang trong nó những tiêu chí mới của giá trị cuộc sống xã hội loài người. Đó là một thời đại mang tính phát triển cao, thời đại của sự giao lưu và hội nhập giữa các nền văn hóa, với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên toàn thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Việc nhanh chóng bảo tồn một cách hệ thống ở tầm nhìn chiến lược đang là vấn đề nóng bỏng, là cơ sở cho sự phát triển của âm nhạc truyền thống trong tương lai.
Trong nhiều chục năm vừa qua, những người làm công tác âm nhạc Việt Nam, đặc biệt nhiều thế hệ nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam đã rất cố gắng và đạt được nhiều thành tựu trong việc sưu tầm, bảo tồn âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, một hiện tượng âm nhạc dân gian bao giờ cũng tồn tại trong môi trường, không gian văn hóa của nó. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không thể nghiên cứu một hiện tượng âm nhạc dân gian thuần túy về phương diện âm thanh, mà phải nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện những thành tố cấu thành hiện tượng văn hóa âm nhạc dân gian đó. Chính vì vậy, theo chúng tôi, ngay trong khi sưu tầm cũng đã đòi hỏi ở nhà sưu tầm những tư duy ở một mức độ cao của người làm công tác nghiên cứu âm nhạc. Chỉ có như vậy, người sưu tầm mới có thể hiểu rõ và bảo tồn một cách hiệu quả nhất những giá trị đích thực mang tính bản chất của hiện tượng văn hóa âm nhạc dân gian.

Tóm lại, nghiên cứu âm nhạc dân gian phải là sự nghiên cứu đối tượng dưới nhiều giác độ khác nhau, mang tính liên ngành bởi một hiện tượng âm nhạc dân gian luôn mang trong nó thuộc tính tổng thể nguyên hợp.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian cổ truyền là con đường tất yếu đối với sự phát triển văn hóa âm nhạc của mỗi dân tộc trong sự hội nhập với các nền văn hóa khác trên thế giới.
Tuy nhiên, việc truyền dạy những âm điệu âm nhạc cổ truyền cho thế hệ trẻ ở Việt
Nam hiện nay là một vấn đề còn nhiều bất cập. Tại nhiều địa phương mà chúng tôi có dịp khảo sát, nghiên cứu, những làn điệu dân ca đã được tạo dựng và gìn giữ từ bao thế hệ cha ông chỉ còn được lưu giữ ở thế hệ những nghệ nhân lớn tuổi. Thế hệ trẻ vẫn tràn đầy tình cảm và thái độ trân trọng di sản văn hóa âm nhạc dân gian truyền thống của quê hương, nhưng không có khả năng diễn xướng được những giai điệu đó một cách chính xác theo đúng phong cách. Các em cho rằng lời ca cổ lạc hậu, khó hiểu và với nhận thức như vậy, thanh niên rất khó thuộc những lời ca cổ đó. Rõ ràng, hình thức sinh hoạt nghệ thuật âm nhạc dân tộc cổ truyền thường gắn với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên tương xứng. Thanh niên ngày hôm nay rất khó học thuộc và cảm thụ được hết vẻ đẹp những bài hát ví về các loài cá nếu như họ không làm nghề chài lưới, hoặc không hiểu hết ý nghĩa của những lời ca từ các tích cổ.

Nói chung các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn di sản văn hóa âm nhạc truyền thống của quê hương mình. Nhiều nơi các cấp lãnh đạo và nhân dân đã tổ chức thường xuyên các cuộc thi, các câu lạc bộ sinh hoạt âm nhạc dân gian. Tuy nhiên, để có thể bảo tồn một cách có hiệu quả những giá trị văn hóa phi vật thể trong chính không gian hiện hữu của hiện tượng văn hóa dân gian này đang rất cần một định hướng, một hoạch định mang tính khoa học, tính khả thi cao cùng sự quan tâm đầu tư cả về tinh thần và vật chất của toàn xã hội.

Tại Bắc Ninh, nơi có những làn điệu quan họ nổi tiếng, Trường trung học văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đã mở một khoa đào tạo hát dân ca quan họ với sự tham gia giảng dạy của các nghệ nhân quan họ. Chính việc làm này trong nhiều năm qua đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian vốn là niềm tự hào của vùng Kinh Bắc. Theo chúng tôi, các trường văn hóa nghệ thuật địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc truyền dạy những di sản văn hóa âm nhạc cổ truyền ngay trên quê hương của mình. Đây không chỉ là thế mạnh của các trường văn hóa nghệ thuật địa phương, mà còn là một phương thức hữu hiệu để bảo tồn các giá trị văn hóa âm nhạc dân tộc cổ truyền trên chính quê hương của mình.

Tất nhiên, chúng tôi cũng nhận thức được nhiệm vụ của các cơ quan hữu quan ở Trung ương trong việc đề ra những chủ trương, chính sách hợp lý nhằm tạo điều kiện để có thể bảo tồn và phát triển âm nhạc cổ truyền Việt Nam một cách hữu hiệu.

Từ các vấn đề đã nêu ra ở trên, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, giới những người làm công tác âm nhạc sẽ thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn những di sản văn hóa âm nhạc trong bối cảnh toàn cầu hóa, làm sao để di sản văn hóa âm nhạc của mỗi dân tộc không chỉ chứng tỏ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn góp phần làm giàu, làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng văn hóa âm nhạc thế giới.

Phạm Lê Hòa - Hội dân tộc học Việt Nam