Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
366
123.251.573

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Gần 20 cuộc khai quật lớn trong năm 2004
Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 29 đã khai mạc sáng nay (29/9) tại Viện KHXH Việt Nam. Theo thống kê của Viện Khảo cổ, trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm ngoái đến nay, có hơn 500 thông báo khảo cổ và gần 20 cuộc khai quật tương đối về quy mô hoặc tầm quan trọng.

Trong số đó, khảo cổ học thời đại đá có 4 cuộc khai quật, thời đại kim khí có 7 cuộc khai quật, khảo cổ học lịch sử tiến hành 5 cuộc khai quật và khảo cổ học Champa - Óc Eo có 2 cuộc khai quật.


Nhiều mộ táng đã được phát lộ tại hang Chổ (Hoà Bình), hang Đồng Chương (Anh Sơn - Nghệ An)... góp nhiều tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu thời tiền sử Việt
Nam. Đáng chú ý là cuộc khai quật hang Đồng Chương ở Nghệ An, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hai tầng văn hoá: lớp dưới có vết tích văn hoá Hoà Bình dạng sơ khởi và mộ táng có niên đại 1 đến 1,2 vạn năm. Lớp trên, thuộc văn hoá  tiền Đông Sơn và Đông Sơn có tuổi từ 2000 đến 3000 năm DP. Ngoài ra di chỉ vùng lòng hồ thuỷ điện Plei Krông ở Kontum cung cấp nhiều hiện vật quý. Dự kiến sẽ có một dự án khai quật di dời lớn đối với các hiện vật tìm thấy tại di chỉ này.


Khảo cổ học lịch sử vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn nhất của công luận. Không cần phải nói thêm về những gì giới khảo cổ đạt được tại
di tích Hoàng thành Thăng Long (HTTL). Sự quan tâm đối với phát hiện này vừa giảm đi một chút vào đầu năm nay sau buổi đầu choáng váng (hồi cuối năm 2003), lại kịp được hâm nóng lại xung quanh những luận bàn, tranh cãi ròng rã suốt nửa năm nhằm tìm một tiếng nói thống nhất trong giới khoa học cả nước về giá trị cũng như phương án bảo tồn. Một loạt hội thảo đã làm báo chí được một phen tốn nhiều giấy mực. Nhưng không chừng, dư luận sẽ sớm mệt mỏi nếu việc tìm một giải pháp cư xử với khu di tích lớn này cứ giậm chân tại chỗ trong khi thông tin về nó đã trở thành một "món ăn" sắp sửa nhàm chán vì xuất hiện quá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.


Ngoài HTTL, các hố thám sát nhỏ trong khuôn khổ di tích thành nhà Hồ đã có những phát hiện khảo cổ thú vị nhất trong 9 tháng đầu năm 2004. Ban Quản lý di tích Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ, Viện Bảo tồn di tích đã bước đầu tìm thấy một số di tích kiến trúc và di vật của
đàn Nam Giao trong thành nhà Hồ rộng khoảng 2 ha và có niên đại chính xác năm 1402. Đáng chú ý hơn nữa là cuộc khai quật phần trung tâm thành nhà Hồ do Viện Việt
Nam học và khoa học phát triển cùng Đại học Nữ Chiêu Hoà (Nhật Bản) thực hiện. 4 hố thám sát đầu tiên đã mở ra những dấu tích cung điện nhà Hồ. Một chi tiết thú vị là ở đây đã tìm thấy những viên gạch có ghi tên của 21 xã tham gia sản xuất vật liệu xây dựng. Đây là lần đầu tiên khảo cổ học phát hiện một vật liệu có ghi nhiều địa danh như vậy.


Hội nghị tiếp tục chiều nay và cả ngày mai, báo cáo diễn biến và kết quả các cuộc khai quật sẽ tiếp tục được trình bày.
Đ.D.H - VietNamNet
Tin tức khác