Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
476
123.250.928

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Thỏa mãn sự đam mê mạo hiểm
Biết võ thuật, thích sự mạo hiểm, lăn lộn trên phim trường ngay cả khi không có cảnh diễn, họ là những cascadeur chuyên đóng thế cho những pha mạo hiểm trong phim. Tất cả đều “nuôi” sự đam mê, liều lĩnh của mình bằng một nghề khác…

Cũng là diễn viên nhưng cái thua thiệt của người đóng thế là khán giả không biết được họ là ai. Những con người gan dạ, thầm lặng giấu mặt sau ống kính này sẽ tạo nên sự hấp dẫn cho phim, cống hiến cho khán giả những pha mạo hiểm thót tim, đầy ngoạn mục. Đây là công việc nhưng còn là niềm vui vì có dịp dụng nghề của hơn 20 con người trót đam mê mạo hiểm. Hiện công việc của những cascadeur chuyên nghiệp ở Việt Nam chỉ mang tính thời vụ. “Nhiều nhất cũng chỉ 2 phim/năm, thỉnh thoảng tham gia một vài phim quảng cáo” - Nguyễn Quốc Thịnh, cascadeur có tuổi nghề hơn 10 năm, tâm sự.

Đó là cơ hội của những người hành nghề lâu năm như anh, còn các bạn trẻ thì lấy phim trường làm kinh nghiệm chính. Quốc Thịnh gắn đời mình với võ thuật, anh tốt nghiệp khoa đạo diễn năm 2003 và đang làm chỉ đạo võ thuật trong các phim hành động. Phạm Hoài
Nam, 18 tuổi, thành viên nhỏ nhất nhóm, chưa một lần vào vai vẫn tỏ vẻ tự hào, sung sướng khi các đàn anh tiên đoán cậu sẽ là một cascadeur liều lĩnh trong tương lai.

Một công việc đối mặt với nguy hiểm, phải gan dạ, liều lĩnh trong những vai đóng thế thầm lặng nhưng không chỉ có nam giới mà phái nữ cũng đam mê, đó là trường hợp của Ngọc Thúy. Thúy chỉ từ giã niềm đam mê này khi đã lập gia đình và làm mẹ. Hiện nhóm cascadeur chỉ còn lại Tuyết Trinh là nữ duy nhất. Có lẽ vì quá “độc quyền” nên Trinh không bị cạnh tranh như các đồng nghiệp nam.

Dù có một công việc ổn định ở Phòng Quan hệ quốc tế Trường ĐHDL Hồng Bàng nhưng cô gái nhỏ nhắn trông rất tiểu thư này đã có 4 năm trong nghề. Trinh cho biết, cô học võ từ bé, cá tính thích phiêu lưu, Trinh tham gia làm cascadeur cũng chỉ để rèn luyện ý chí và thỏa tính liều lĩnh của mình. Đam mê là chính, còn làm nghề để sống thì các cascadeur ngậm ngùi “số phim có cảnh đóng thế rất ít trong khi tiền cát xê lại thấp”.Thường thì tiền cát xê được tính theo pha diễn, trung bình từ 200.000 đến 300.000 đồng cho một pha tương đối nguy hiểm. Còn ký hợp đồng đóng cả phim nhiều nhất cũng chỉ 2,5 triệu đồng.

Thậm chí tham gia phim nước ngoài, thù lao họ trả cho cascadeur Việt Nam cũng không chênh lệch mấy. Phim “Người Mỹ trầm lặng”, ngoại trừ những vai thật sự nguy hiểm còn lại được trả 30 - 40 USD/người/ngày. Cái cực nhất của cascadeur là phải diễn lại pha nguy hiểm nhiều lần để có được những góc quay khác nhau.

Đôi lúc cảnh diễn không có trong kịch bản nhưng đạo diễn bất thình lình “đẻ” ra nên các cascadeur phải cố gắng làm liều dù không được trang bị đầy đủ. Khi quay bộ phim “Người Bình Xuyên” ở Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu, người có kinh nghiệm và từng trải như Hồ Thiện Hiếu cũng phải xanh mặt khi đứng ở độ cao 10m trên vách núi đá lởm chởm để chuẩn bị cho pha phi thân xuống núi. Sẽ rất bình thường khi cảnh đóng thế trên có “điểm đáp” ngay từ đầu..., rất may chỗ nhà nghỉ đã cho mượn 6 tấm nệm giường.

Chuyện trầy xước, đổ máu là thường, an toàn ở chỗ xử lý mau lẹ trong đường tơ kẽ tóc trước những tình huống nguy hiểm. Thiện Hiếu rùng mình kể lại, khi đóng thế cho diễn viên Quyền Linh trong phim quảng cáo xe máy FX, anh đã kịp bay khỏi xe vì biết mình đã rồ ga đi quá bãi đáp. Kết quả là chiếc xe máy nát vụn, còn anh bị thương và trầy xước khắp người.

Phải đối mặt với gian khổ, nguy hiểm đó là sự thật mà những người làm cascadeur hiểu rõ. Họ đang “nuôi” sự đam mê, liều lĩnh của mình bằng một nghề khác nhưng khi có phim họ lại sẵn sàng khăn gói lên đường, chờ đợi ở phim trường để được diễn cho dù đó là một vai rất nhỏ.
Mỹ Hạnh - Sài Gòn On line
Tin tức khác