Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
886
123.236.402
 
Thời áo trắng
Hoàng Mai Quyên
Chương 3

Thằng Dũng "hắc công tử" ở tổ tôi đã nghỉ học hai ngày mà không có một tờ giấy phép. Cô chủ nhiệm đã hỏi cả lớp nhưng không ai ở gần nhà Dũng nên chẳng một ai biết lý do nghỉ học của nó cả.

 

- Sao lại gọi là "hắc công tử" vậy Bích?

 

- Nhỏ không chú ý nước da đen bóng hàng độc của nó sao. Nó mà đóng vai bao công thì khỏi hóa trang.

 

Quả thật là Dũng có nước da đen hơn mức cho phép. Tôi không ưa Dũng lắm vì tính nó trầm lặng. Hầu như bao giờ nó cũng đi học trễ và chẳng nói năng gì với ai cả. Nhưng Dũng lại ở tổ tôi mà nó đã nghỉ học tới hai ngày không phép rồi. Vì thế cô chủ nhiệm bắt buộc lớp trưởng và tổ trưởng phải tới nhà dũng để tìm hiểu lý do. Bích là tổ trưởng tổ tôi nên vừa nghe cô phân công như vậy, nó đã rên rỉ như sắp lên đoạn đầu đài không bằng:

 

- Khổ cái thân gìa tao rồi Mai ơi, chiều nay toi một buổi đi làm công quả rồi. Ê, đi với tao nghe nhỏ chứ để mình tao đi với thằng Hiệp chắc tao chết mất.

 

Tôi phải hứa đi với nó thì nhỏ Bích mới thôi cái điệp khúc ca cẩm ấy. Buổi chiều sau khi học xong thể dục, bộ ba chúng tôi lên đường. Nhưng ngặt một nỗi, bọn tôi chẳng ai biết nhà Dũng cả. May sao thằng Thịnh "mỏ vịt" cứu nguy kịp thời:

 

- Để tao chỉ cho. Tao cũng không biết nhà nhưng biết hướng. Vừa đi vừa hỏi là tới chứ gì?

 

Hóa ra nhà "hắc công tử" cũng xa thật. Chúng tôi đạp xe tới vàm sáng Vịnh Tre rồi còn phải đi khoảng 7 cây số nữa mới tới kinh 7. Hèn gì mà ngày nào nó cũng đi học trễ. Hỏi thăm mãi bọn tôi mới tìm được nhà của Dũng- một căn nhà lá tuềnh toàng cặp sát bờ kênh.

 

- Dũng ơi, Dũng

 

Thằng mỏ vịt cất giọng oang oang.

 

- Nó ở trong nhà đó mấy cháu. Nó bị sốt mấy bữa rày. Vô đi, nhà nó không có ai ở nhà đâu.

 

Tiếng bà hàng xóm vọng sang. Bọn tôi rón rén bước vào nhà Dũng và thấy nó đang nằm đắp mền trên giường. Căn nhà chỉ có một cái tủ thờ nhỏ, một cái giường đã cũ và phía bên trái là chỗ nấu ăn với hai ông táo lạnh tanh. Chẳng hiểu sao cả bọn đều ngỡ ngàng và bối rối trước gia cảnh của Dũng. Ngay cả Thịnh mồm miệng tía lia không kịp lên da non thế mà bây giờ cũng lúng túng.

 

- Mấy bạn ngồi đỡ xuống đây đi

 

Dũng mệt mỏi nói. Hiệp vội vàng đỡ Dũng ngồi dậy.

 

- Bạn đừng ngồi chi cho mệt, cứ nằm đi mà. Bạn bị bệnh gì mà coi xuống sức quá vậy?

Giọng của Hiệp đầy ân cần và lo lắng. Hóa ra trong cái anh chàng lớp trưởng lúc nào cũng nhăn nhăn cái mặt kêu gào trật tự cũng có một trái tim biết rung cảm trước bạn bè, đó chứ.

 

- Tui cũng chẳng biết bệnh gì nhưng cứ sốt hoài. Anh hai tui mắc đi mần nên không đưa tui đi khám được.

 

Hiệp rờ trán Dũng rồi la lên:

 

- Trời ơi, bạn nóng quá trời. Hôm qua tới giờ bạn có kẹp nhiệt độ gì không? Dũng lắc đầu. Tôi hiểu ngay nhà nghèo như Dũng chắc chẳng có cây kẹp nhiệt độ đâu. Thịnh đi đi lại lại rồi ngoắc bọn tôi ra sân, nói nhỏ:

 

- Nó sốt bữa nay là bữa thứ ba rồi, mà sốt cao như vậy không chừng sốt xuất huyết đó nha. Em tui hôm bữa cũng sốt li bì như vậy. Lúc đem ra bệnh viện là sốt xuất huyết. Mà sốt này nguy hiểm lắm. Nếu để vô sốc là không cứu được đâu.

 

- Tui đề nghị hai đứa mình chở Dũng ra trạm xá khám còn Bích và Mai coi xem nấu cháo gì đó cho Dũng nha.

 

Bọn tôi đều gật đầu đồng tình trước phương án của Hiệp. Đỡ Dũng ra xe, Hiệp chạy cầm tay lái còn Thịnh ngồi sau đỡ Dũng. Chiếc xe Chaly bé nhỏ của nhỏ Bích phải chở ba ông tướng coi thật tức cười. Tôi và Bích quay vào với hai ông táo lạnh tanh. Giọng Bích như chùn xuống.

 

- Học với Dũng hai năm tao chỉ biết nhà nó nghèo nhưng ai ngờ nghèo đến mức này. Tội nghiệp nó quá ha nhỏ…

 

Tôi mở lu gạo của nhà Dũng chỉ thấy còn ít gạo, còn ở gần đó có một chút muối, đường. Nồi cháo trắng chỉ còn ít cháo còn sót lại. Chắc anh hai của Dũng nấu vội cho em rồi đi làm.

 

- Tính sao bây giờ Mai?

 

- Thôi hai đứa mình chạy ra chợ mua ít thịt về nấu cháo cho Dũng đi. Bệnh thế này mà ăn cháo trắng không thì làm sao mau lại sức được.

 

Bọn tôi chạy xe đạp ra chợ xã. Chợ chiều chỉ còn lèo tèo vài gian hàng. Thịt cũng chẳng còn. May mà còn một gian hàng cá. Bọn tôi mua con cá lóc, mua thêm ít gia vị rồi chạy về nhà. Giọng nhỏ Bích lo lắng:

 

- Nè, nhà mi có biết nấu cháo cá không vậy?

 

- Sao lại không.Bộ Bích không biết nấu hả?

 

- Hồi nào giờ ta có biết nấu gì đâu. Tất cả có chị người ở mần hết.

 

Tôi bật cười trước lời "thú tội" của nhỏ Bích. Chơi với Bích mới gần hai tháng nay tôi cũng chưa kịp hiểu gia cảnh của Bích mà chỉ cảm nhận Bích là con nhà khá giả, tính tình thẳng thắng, bộc trực.

 

Về tới nhà Dũng, tôi vội kiếm dao thớt mần cá. Còn Bích loay hoay nhóm bếp củi bắc nồi cháo.

 

- Sao, nhúm được chưa tiểu thư?

 

- Cho tao mua hai từ tiểu thư đi nhỏ. Mày mần cá rồi chưa vô tiếp coi. Củi gì mà không chịu cháy làm chảy nước mắt nước mũi gần chết đây nè…

 

Tôi bật cười trước những tiếng càu nhàu của nhỏ Bích.

 

- Bộ mấy cháu học cùng thằng Dũng hả?

 

Tôi ngước lên và nhận ra bà hàng xóm của nhà Dũng khi nãy. Sau khi nghe bọn tôi kể lại mọi việc, bà chép miệng:

 

- Tội nghiệp hai anh em nó. Cha mẹ nó ly dị nhau, mỗi người một phương, hai anh em nó rau cháo nuôi nhau. Thằng anh đi mần nhà máy nên đi suốt. Còn thằng Dũng một bữa đi học, một bữa đi mần mướn để kiếm thêm tiền ăn học. Bà con lối xóm ai cũng thương, qua lại giúp đỡ ít nhiều. Ưa mà tới tối anh hai của nó mới tan ca được.

 

Tiếng xe dừng lại, bọn tôi nhận ra Hiệp đã chở Dũng và Thịnh trở về. Thịnh vừa đỡ Dũng vào nhà vừa oang oang cái miệng:

 

- Sốt xuất huyết độ một rồi đây nè. Mau đem nước sôi lên đây, bọn tôi lau cho Dũng giảm sốt nè. Trời ơi, giờ này mà nhóm lửa chưa xong. Đúng là những đồ tiểu thư không biết mần gì ráo

trọi. Hiệp xuống giúp tụi nó coi.

 

Dũng đang sốt cũng phải phì cười trước những lời lẽ oang oang như loa phát thanh của Thịnh. Hiệp vui vẻ xăn tay áo vào bếp với bàn tay thành thạo của Hiệp, hai bếp lửa đã nhanh chóng cháy phừng phừng. Đúng là hai lúa có khác, giỏi giang thật.

 

- Bộ sốt xuất huyết thật hả? Giọng Bích hạ thấp, hỏi nhỏ.

 

- Ừ nhưng độ một thôi, không sao bác sĩ dặn phải cho Dũng uống nhiều nước để giảm sốt, ăn cháo và lau nước nóng mỗi khi nó sốt trở lại. À tui tính như vầy: ngày mai vô lớp mình báo cáo với cô trường hợp của Dũng, kêu gọi các bạn quyên góp tiền cho Dũng, rồi phân các bạn chép bài cho nó, mấy bạn thấy được không?

 

- Được quá đi chứ, tao xung phong chép bài cho.

 

- Trời ui, ông mà chép chắc bạn Dũng phải tốn tiền mua cặp kiếng cận quá.

Nhỏ Bích trề môi chê làm khuôn mặt của Thịnh đỏ rần. Cái mỏ vịt của nó trề ra chống chế:

 

- Bà dám nhạo báng lòng tốt của tui hả, có biết cái này là cái gì không.

 

- Thì cây củi…

 

- Ai bảo cây củi hả. Nó là thiết đầu long nhá lửa đó nha. Không tin phải không, cho nhà ngươi biết thế nào là công hiệu của cây thiết đầu long nè…

 

Thịnh vác cây củi rượt nhỏ Bích chạy vòng vòng. Hiệp phải ra tay ngăn cản:

 

- Thôi, thôi đi mấy bạn. Bây giờ ba bạn về trước đi, tui ở lại với Dũng chờ anh hai của Dũng về rồi tui về sau. Với lại, hình như Dũng đang sốt lại thì phải. Tôi vội vàng kiếm thau rót nước nóng cho Hiệp và đứng nhìn Hiệp vừa thổi phù phù vào hai cái khăn cho bớt nóng rồi lau lên trán và người Dũng. Nhìn Hiệp, tôi như thấy cả sự ấm áp tin cậy tỏa ra từ con người vốn ít nói của Hiệp. Hóa ra bạn bè của tôi nơi miền sông nước này không chỉ là những con người chân chất mà còn tiềm ẩn trong đó cả những tấm lòng hiệp sĩ cao thượng. Hôm sau, đáp lại lời kêu gọi của Hiệp, bạn lớp tôi đều vui vẻ móc túi góp những đồng tiền ít ỏi vào cái nón của Thịnh mỏ vịt, kể cả "bọn ác" ở xóm nhà lá nơi cuối lớp cũng hào hứng đóng góp. Sau khi tổng kết, cô chủ nhiệm đã lấy tiền của mình góp thêm vào quỹ những tấm lòng vì bạn. Trưa hôm đó, hầu như cả lớp tôi đều có mặt ở nhà Dũng. Có lẽ ông trời cũng cảm động nên đã giúp cho Dũng bớt bệnh chăng. Dũng đã bớt sốt và qua bảy ngày nguy hiểm, Dũng đã trở lại lớp học. Dũng vẫn thế trầm lặng và ốm đi nhưng cặp mắt của Dũng sáng lấp lánh trong niềm vui.

Chương : 1    2    3   4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14    15   
Hoàng Mai Quyên
Số lần đọc: 1541
Ngày đăng: 21.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Thời áo trắng (truyện dài)