Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.235.393
 
Đêm trắng của Đức Giáo Tông
Trầm Hương
Chương 30

Rõ ràng, lòng kiên nhẫn của Boyer De La Tour có hạn. Khi những thủ đoạn mua chuộc và đe dọa không còn hiệu quả đối với Ngọc Nhựt, khi dùng sinh mệnh người con trai yêu quý làm áp lực buộc Đức Giáo Tông phải chịu đứng ra bảo lãnh cho Ngọc Nhựt không đạt được mục đích, quân đội Pháp vô cùng phẫn nộ. Khi nhận được lá thư phúc đáp của Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương chỉ với mấy dòng võn vẹn, ngoan cố và đanh thép “ Con trai tôi đãtrưởng thành. Tôi không thể dùng quyền lực người cha để ép buộc nó. Nó có sứ mạng của nó” từ tay viên Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Nam Kỳ trao lại, Bazin vô cùng căm phẫn, tức tối. Hắn cảm thấy người “An-Nam” thật khó hiểu, vô cùng khó hiểu. Sống ở đất Nam Kỳ thuộc địa này quá lâu, hắn cũng quá thấu hiểu mối quan hệ chằng chịt huyết thống trong từng gia tộc. Hắn chìm trong dòng suy nghĩ:

 

- Đã nhiều lần ta đã thành công trong việc đánh gục những” tên cộng sản đầu sỏ”.  Dù con  nữ cán bộ Việt Minh kia  gan lì đến đâu, một khi đem đứa con còn đỏ hõn của nó bỏ vào ổ kiến lử; dù tên  cộng sản kia có trung kiên đến mấy, đem mẹ nó phơi nắng, để chết dần, mòn trước mặt nó?!… Vậy là khai, là đổ gục…

 

Khi Nhà nước Nam Kỳ bổ nhiệm những vị chủ huyện, chủ tỉnh, người Pháp cũng rất cân nhắc và tìm cách hoán chuyển các vị công chức cao cấp kia ra khỏi quê hương, bản quán của mình. Nền hành chánh của Nam Kỳ được áp dụng theo khuôn mẩu nước Pháp. Người Pháp cần sự khách quan trong công việc. Nhưng dù đi đâu, sống ở đâu, quê hương  nơi chôn nhau cắt rún vẫn là một mảnh đất thiêng liêng, bất chấp mọi biến động thời cuộc, bất chấp máu lửa chiến tranh, họ vẫn tìm về, dù đôi khi quê hương chỉ còn lại một gốc cây cổ thụ, vài nấm mồ hoang cỏ lạnh. Người “ An-Nam” trọng huyết thống, gia tộc như vậy, cha mẹ yêu thương con rất mực, con cái tuân thủ theo lời cha mẹ rất mực, vậy mà trong trường hợp đánh vào mối dây gia tộc của Đức Giáo Tông, hắn đã thua cuộc. Không chỉ riêng hắn, mà ngay cả Clodine cũng đã đau đớn nhận ra mình thất bại hoàn toàn. Lòng kiêu hãnh của người phụ nữ Pháp ấy đã tắt chỉ trong một thời gian ngắn đặt chân lên xứ sở thuộc địa miền nhiệt đới này. Có một cái gì đó ập đến, quá lạ lẫm, ngỡ ngàng, làm lòng cô vỡ ra… Cùng với nhận thức đó là nỗi tuyệt vọng xâm chiếm toàn bộ cõi lòng cô. Nếu như cuộc hội ngộ với Ngọc Nhựt chỉ làm cô cảm thấy mình thua cuộc trước sự bảo thủ và xuẩn ngốc” của  anh, thì trong cuộc gặp gỡ Đức Giáo Tông, lòng cô rơi vào đáy vực hun hút của nỗi tuyệt vọng. Cho đến lúc đó, Clodine mới nhận ra những thế giới vô cùng xa lạ trong con người gần gũi với cô nhất. Trái tim cô và Ngọc Nhựt đã  cùng hòa chung nhịp, họ đã từng có những cái chung trong đời sống chồng vợ. Nhưng, tổ quốc vẫn không thể nào đồng nhất. Chính vì sự không đồng nhất ấy mà cô không thể hòa nhập với nền văn hóa  của gia tộc Ngọc Nhựt. Trong đáy lòng, cô đã bất bình và nén lại sự phẫn nộ… Cô không thể hòa nhập với lòng tin một cách cực đoan, cô cũng không ý thức quá lớn vào “danh dự” mà chồng cô cố giữ lấy. Cô đã  thống thiết khẩn cầu:

 

- Hãy nghe em, anh cứ làm giấy đầu thú để người Pháp có cớ thả ra anh ra. Rồi sau đó, anh  đi đâu cũng được, chọn con đường nào cũng được. Anh có thể ở lại Việt Nam, trở về với kháng chiến, hoặc trở về Paris, tùy theo sự chọn lựa của anh. Em tôn trọng  quyết định riêng của anh. Trước mắt, anh chỉ cần viết những dòng cam đoan là sẽ từ bỏ chính phủ kháng chiến và đi cùng người Pháp…

 

Clodine cơ hồ đã quỳ sụp dưới chân Ngọc Nhựt để thuyết phục, van xin anh. Ngọc Nhựt đã lặng lẽ nghe cô nói, đã đáp lại thái độ chân tình của cô bằng nụ cười khinh bạc, cay đắng. Và cô đã hoàn toàn thua cuộc… Clodine không còn đủ kiên nhẫn nữa. Lá thư “Nó có sứ mạng của nó” của Đức Giáo Tông là giọt nước tràn cốc khiến lòng kiên nhẫn của Clodine bị sụp đổ. Khi biết mình đã hoàn toàn tuyệt vọng, cô vội vả rời bỏ xứ sở Nam Kỳ thuộc địa bay về Pháp trong trạng thái của một kẻ trốn chạy khỏi thất bại của mình…

 

Clodine trở về Paris với nỗi lòng ngỗn ngang. Cô càng cảm nhận ra cuộc đời mình thật trống trải khi không còn Ngọc Nhựt bên cạnh. Khi cô sống trong nỗi nhớ nhung và tiếc nối hạnh phúc những ngày qua, khi lòng cô đêm ngày không  nguôi lo lắng cho sinh mệnh của anh, khi cô còn đặt muôn vàn câu hỏi về tương lai của Ngọc Nhựt, về những ngày sắp tới của cô thì tại xứ sở thuộc địa, cũng chính trong căn phòng Bazin đã bố trí cho cô gặp Ngọc Nhựt, người chồng thân yêu của cô phải chịu đựng những trận đòn trở mặt vô cùng tàn khốc. “ Khi lòng kiên nhẫn của viên Tư lệnh quân đội Pháp ở Nam Kỳ không còn chịu đựng được nữa…”. Hắn ra lệnh và Bazin lập tức thi hành. “ Đi tàu bay”, đánh tứ trụ”, “lộn mề gà”, “ đánh vào gang bàn chân cho bầm tím, sưng vù rồi bắt dẫm lên mặt đường trải đầy đá sỏi”… Những cực hình ấy rồi cũng đã  trở nên quá cũ dành cho con trai của Đức Giáo Tông. “ Con không hiểu vì sao một người chưa từng trải qua những thử thách khắc nghiệt như Chú Tám lại chịu  đụng được những trận đòn khốc liệt của Bazin. Chúng đánh “ Chú Tám” đến không còn ra hình thù gì nữa...”. Đóng chặt cánh cửa,  giam mình trong căn phòng Vào tịnh nơi Nhà Thiên Lý Mật Truyền, những tin tức về đứa con trai yêu quý vẫn liên tục dội vào lồng ngực ứ máu của Đức Giáo Tông. Đó cũng là những ngày Đức Giáo Tông bị đày đọa trong địa ngục, đã oằn người trước vạt dầu sôi sục từ đáy chão tâm linh. Những âm thanh mang dáng dấp tử thần từ Catina, từ Khám Lớn… Đức Giáo Tông đã từng nghe và bị ám ảnh chợt vọng vào căn phòng trong những đêm khuya thanh vắng, âm âm, nhức nhối. Đức Giáo Tông hành lễ ở “ Hiệp Thiên Đài”, lo việc Đạo, sắp đặt lại nhiều thứ ở Tòa Thánh… bằng một sự chu đáo khác thường. Đâu ai biết giấu bên trong vẻ điềm tĩnh của một Đức Giáo Tông là nỗi đau thầm lặng, vò xé dữ dội lòng người cha. Ông cố  giữ mình đừng bị phóng tâm nhưng tâm hồn ông có lúc như sóng cồn bão động. Và Đức Giáo Tông cố nén giữ… Có nhiều đêm Đức Giáo Tông phân thân, đặt mình vào vai trò Ngọc Nhựt, phải chịu  đựng nhục hình  tàn bạo của người Pháp… Chỉ tưởng tượng ra những hình phạt đó được áp dụng vào đứa con trai yêu quý nhất của mình, Đức Giáo Tông đã có cảm giác như có bàn tay ai thọc sâu vào lồng ngực nắm lấy trái tim ông dứt lìa… Mồ hôi tuôn ra ướt đẫm “Đạo phục” Đức Giáo Tông đang mặc. Ông quỳ xuống,  khẩn cầu “ Thiên nhãn” hãy cho ông sức mạnh và nghị lực để vượt qua trạng thái yếu đuối, chinh nghiêng  mà ông đang phải lâm vào…

Chương : 1    7    8    14    24    25    26    27    28    29    30   31    32   
Trầm Hương
Số lần đọc: 1473
Ngày đăng: 16.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên