Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.031
123.235.535
 
Đêm trắng của Đức Giáo Tông
Trầm Hương
Chương 31

Nhưng cùng với nỗi đau đớn khôn cùng ấy là niềm tự hào về “ Chú Tám” tỏa sáng lặng lẽ Tòa Thánh. Giam mình khổ hạnh trong căn phòng vuông vức, mỗi bề chỉ 3 thước, Đức tin đã giúp Đức Giáo Tông nhìn thấy từ căn phòng giam số 7 của nhà tù Catina, đứa con trai yêu quý của ông đang đứng diễn thuyết giữa hàng trăm bạn tù nhân ngày sinh nhật lần thứ 59 của chủ tịch Hồ Chí Minh. Tù nhân đứng cả ngoài sân và cả những cu-loa. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, khám đường im phăng phắc. Sau nghi lễ chào quốc kỳ và mặc niệm chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì tổ quốc là giọng nói truyền cảm của Ngọc Nhựt vang lên. Anh đã chuẩn bị bài diễn thuyết ấy trong nhiều đêm, cố mài sắc  vũ khí khi ra trận. Anh chân thành nói về những ngày ngộ nhận tổ quốc ở Paris, anh đã vô tư sống trong nỗi nhục của người vong quốc mà nghĩ mình được may mắn, được ưu đãi. Rồi ảnh hưởng của Ngọc Bích, người anh trai dám phá những chiếc cầu từng là niềm tự hào của anh để ngăn đường tiến quân của quân Pháp, rồi được gặp chủ tịch Hồ Chí Minh mùa đông năm 1946… Chính  cuộc gặp gỡ ấy đã trở thành một bước ngoặt, một định mệnh của đời anh. Hai tiếng “tổ quốc” thiêng liêng từ lâu trở nên xa xôi, mơ hồ được giấu kín, dẹp bỏ chợt trỗi dậy mãnh liệt trong anh. Chính Bác Hồ là một hình ảnh đầy thuyết phục của tổ quốc… Anh nhìn lại cuộc sống tiện nghi, đầy đủ của mình, chợt cảm thấy  vô cùng hổ thẹn bởi ao tù của giấc mơ riêng tư tầm thường, bé nhỏ. Khi anh sống những ngày vong quốc trên chính  đất nước đang xâm chiếm đất nước anh, chọn nước Pháp làm quốc tịch, thì nơi chôn nhau cắt rún của anh là một làng quê bé nhỏ chìm trong sông nước mịt mùng của dãy đất cong cong hình chữ S… Chính chủ tịch Hồ Chí Minh và những thành viên trong phái đoàn của chính phủ Việt Nam đã giúp anh nhìn ra cội nguồn của mình. Anh Cảm thấy tủi hổ vì  tổ quốc để anh dốc sức phụng sự lại chính là “ Nước mẹ đại Pháp”- một tổ quốc  đang cố gắng khôi phục những thuộc địa nằm trên bán đảo Đông Dương. Anh nói về những ngày đầu tiên ra chiến khu, những ấu trĩ ban đầu, những khoảng cách và ngộ nhận không sao tránh khỏi… Nhưng anh đã vượt lên những điều tưởng chừng như không dễ dàng và đơn giản ấy một cách khá nhẹ nhàng chính nhờ vào  hình ảnh đầy thuyết phục của chủ tịch Hồ Chí Minh. Và khi bị bắt vào nhà tù, chính hình ảnh của một em bé vị thành niên dũng cảm  nhận những trận đòn thù, quyết giử bí mật tổ chức đến cùng đã truyền thêm cho anh sức mạnh. Anh nói rằng anh biết rất rõ, khi anh bị bắt, nhiều anh em trong chiến khu không hẳn tin anh, sợ rằng anh sẽ không chịu đựng nổi. Ngay cả bản thân anh khi mới bị bắt vào tù, anh còn hoang mang tự hỏi, liệu rằng anh có chịu đựng nổi những ngón đòn tra tấn của kẻ thù không, đáng sợ hơn cả những nhục hình thể xác là những ngón đòn hiểm độc của kẻ thù nhằm đánh vào tâm tư sâu kín của anh. Nhưng nhà tù quả là một trường học lớn. Và anh đã học được nhiều điều ngay từ chính những con người rất bình thường, bé nhỏ. Đến bây giờ anh nói anh rất tự hào khi đặt câu hỏi: “ Đồng đội có tin tôi không?!”…

 

Sự chân thành trong bài diễn thuyết  của anh có sức lay động dữ dội, khiến những người bạn tù đã trải qua nhục hình quên đi đau đớn nuốt lấy từng lời của anh. Không khí trang nghiêm trong phòng giam nơi Ngọc Nhựt diễn thuyết truyền nhanh ra ngoài. Tên gác ngục điều quân lính đến trước cửa khám. Hắn đọc rõ hàng chữ  của tù nhân viết trên tường: “ Tù nhân Catina kỹ niệm sinh nhật lần thứ 59 của chủ tịch Hồ Chí Minh- ngày 19.5.1949, do kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt- Ủy viên Ủy ban  kháng chiến Hành chánh Nam bộ  chủ tọa và thuyết trình”. Khi nhận ra vẻ bình thản và sẵn sàng lao vào bảo vệ chủ tọa của tù nhân, tên gác ngục thầm nghĩ: “ Trong trường hợp này lờ đi là thượng sách. Hơn nữa, chỉ có một tên tù  đứng ra nói mà thôi, chúng chỉ lắng nghe, chẳng gây mất trật tự đáng kể”. Nhưng hắn biết rõ sự nghiêm trọng của buổi diễn thuyết ấy khi Ngọc Nhựt đi qua từng người bạn tù, bắt tay từ biệt họ  với sự thinh lặng rất đỗi tha thiết, thiêng liêng. Hắn đệ trình lên Bazin.  “ Không thể để một tên tù nhân nguy hiểm như Ngọc Nhựt ở lại bót Catina. Tinh thần gang thép của hắn sẽ làm ảnh hưởng những tên tù nhân mới bị bắt, mới đưa vào khai thác”. Bazin  bộc lộ chính kiến của mình lên viên Tư lệnh quân đội Pháp ở Nam Kỳ. Boyer De La Tour đồng tình với quan điểm của tên trùm mật thám dày dạn kinh nghiệm khai thác tù binh cộng sản. Chỉ một thời gian ngắn sau khi xác định sự “ngoan cố” của Ngọc Nhựt, Bazin ra lệnh giải anh về Khám Lớn Sài Gòn…    

 

Đức Giáo Tông tự hào về thái độ rõ ràng của Ngọc Nhựt,  ngay trong cuộc đối đầu với  Boyer De La Tour. Bazin không muốn hối tiếc trước khi thực thi một âm mưu cuối cùng dành cho Ngọc Nhựt, hắn bố trí cho anh gặp Boyer De La Tour một lần nữa. Sự thâm nghiêm, đồ sộ của tòa nhà dành cho ngài Uy viên cộng hòa, Tư lệnh Nam Kỳ nằm trên đường La Gơ-răng-đi-e ( 34 ) không làm Ngọc Nhựt cảm thấy mình bé nhỏ, run sợ. Boyer De La Tour đi  thẳng vào vấn đề với thái độ trịch thượng, kẻ cả:

 

- Nước mẹ Đại Pháp chỉ công nhận chính  phủ do Hoàng đế Bảo Đại đứng đầu, còn Việt Minh là “phiến loạn”. De La Tour nhấn mạnh hai chữ “ phiến loạn”. Hắn gằn giọng, nói thêm- Tôi lấy làm hối tiếc vì anh đã đi lầm đường và nhà nước Pháp thật quá sai lầm  vì đã dày công đào tạo một công dân ngu xuẩn như anh!  

 

Ngọc Nhựt đập lại lý lẽ ấy của hắn:  

 

- Tôi rất lấy làm tự hào khi được đứng trong hàng ngủ “ Quân phiến loạn”, bởi một lẽ rất giản dị, trước khi trở thành kẻ cứu rỗi nhân loại, Chúa Giê-su đã từng bị đóng đinh vào cây thập ác. Chính phủ của “ Quân phiến loạn” chỉ có ý nghĩa khi nước Pháp tìm cách loại trừ. “Mông-sừ” có cần tôi đọc lại lá thư của Đốc phủ Chương gửi lại cho các ông trước giờ ra bưng biền không: “Người Pháp từng bị mất nước  trong thế chiến chắc chắn hiểu rõ thế nào là cái nhục mất nước. Tự do của một quốc gia phải được giành lại bằng máu biết bao người… Để giành lại tự do cho đất nước, chỉ có kháng chiến và phải kháng chiến. Tôi hy vọng rằng sẽ gặp lại các ông vào một ngày gần đây với một tư thế khác…”. Đó cũng chính là tuyên ngôn, là câu trả lời duy nhất, cuối cùng  của tôi!

 

De La Tour đập mạnh tay xuống bàn, gầm lên giận dữ. Hắn không còn đủ kiên nhẫn để tỏ ra là một vị tướng chịu mất nhiều thời gian đi thuyết phục những kẻ ngu xuẩn tin vào “lẽ phải”. Khi bị tổn thương, hắn lộ nguyên hình của con hổ trong tư thế sẵn sàng ăn tươi nuốt sống con mồi … Cuộc gặp hôm ấy đối với De La Tour đã quá đủ để hiểu về Ngọc Nhựt. Khi Bazin được hắn triệu tới, sau một lúc bàn bạc, trên môi hai con người  đầy quyền lực ấy nở nụ cười nham hiểm rất giống nhau…

 

Boyer De La Tour làm một cử chỉ dứt khoát:

 

-  Nhà nước Pháp có công đào tạo nên một trí thức tuyệt vời như  hắn thì cũng có quyền hủy diệt trí thức ấy nếu như hắn đi cùng quân “phiến loạn”. Cho dù có được trả tự do thì hắn cũng trở thành kẻ vô dụng. Đó cũng là  cái giá để người cha “ Đức Giáo Tông” của hắn phải trả khi ông ta tôn trọng “ sứ mạng của nó. Hừm, thì “sứ mạng của nó” đã đến hồi kết thúc. Bazin, “Mông-sừ” hiểu ý tôi rồi chớ?

 

Bazin khoác tay, làm một dấu hiệu kết thúc:

 

- Biến nó thành một kẻ điên rồ ít tổn thất hơn để nó tiếp tục ngu xuẩn. Đó là việc làm dễ dàng nhất, thưa ngài, một khi…

 

Bazin hình dung ra cảnh một liều hóa chất hỗn hợp sẽ  được tiêm vào tên  tù nhân “ngu xuẩn”. “ Hành vi bí mật này sẽ  được thực thi trong phòng hỏi cung, khi “nó” đã gục xuống mềm nhũn như một miếng giẻ rách. Trước mặt Boyer De La Tour, Bazin tỏ ra rất có kinh nghiệm khi muốn cho tên tù ngoan cố nào đó hóa rồ**. Hắn bất lực, tức tối:

 

-“ Ngọc Nhựt”!. Gã tù cộng sản này có cái tên rất đẹp. Nhưng cũng kể từ hôm nay, khi liều hóa chất này được dùng đến thì số phận  “nó” đã được quyết định. Ha, ha, cũng kể từ ngày hôm nay, có một “vầng mặt trời” ở khám đường Catina sẽ tắt …

 

Boyer De La Tour và Bazin chạm cốc nhau. Rượu vang trong hai chiếc ly cao cổ bằng thủy tinh sóng sáng một màu đỏ bầm như máu…

Chương : 1    7    8    14    24    25    26    27    28    29    30    31   32   
Trầm Hương
Số lần đọc: 1467
Ngày đăng: 16.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên