Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.055
123.234.948
 
Tâm sự tướng lưu vong
Hoành Linh Ðổ Mậu
Chương 2 - vào đường đấu tranh

Trong những năm đầu tiên của đệ nhị thế chiến, có hai biến động xảy ra ngoài nước Việt nam nhưng lại đặc biệt liên hệ chặt chẽ đến vận mệnh nước ta vào lúc đó. Liên hệ chặt chẽ vì hai biến động này xảy ra trong hai quốc gia và cho hai dân tộc đã từng xâm chiếm và đặt nền đô hộ trên lãnh thổ Việt nam: Biến cố thứ nhất xảy ra vào ngày 19 tháng 6 năm 1940 khi gót giày sắt của quân đội Đức quốc xã giẫm nát vỉa hè thủ đô Paris tiến vào chiếm điện Elysées và bắt đầu khống chế nước Pháp bằng một chế độ quân quản sắt đá, chấm dứt uy thế và quyền lực của chính phủ Pháp không những trên lãnh thổ Pháp quốc mà còn làm suy yếu thực lực và tinh thần của các bộ máy chính trị quân sự tại các nước thuộc địa.

Biến cố thứ hai xảy ra tại Trung Hoa vào đầu năm 1940 khi Nhật Bản, khởi đầu bằng cuộc đổ bộ ở Lư Câu Kiều vào năm 1937, điều động đoàn quân tinh nhuệ với những vũ khí hiện đại đánh tan các lộ quân của Thống chế Tưởng Giới Thạch tràn xuống miền Nam Hoa, chiếm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây và chuẩn bị kế hoạch tấn chiếm Đông Dương để hoàn thành các mắt xích chiến lược của kế sách địa lý chính trị “Đại Đông Á”.

Kết quả hỗ tương và nhịp nhàng của hai biến cố đó đã chấn động tình hình chính trị tại Việt nam và đẩy bộ Chỉ huy quân sự của Nhật Bản đến quyết định đặt yêu sách đòi chính quyền của Pháp tại Đông Dương phải chấm dứt giao thương với Trung Hoa và giành quyền thiết lập một lực lượng kiểm soát việc thực thi quyết định này tại cảng Hải Phòng. Lúc bấy giờ Decoux mới thay Catroux trong nhiệm vụ toàn quyền Đông Dương và được chính phủ Pháp, trong cơn ngặt nghèo lúng túng của chính nội tình mẫu quốc, ủy nhiệm toàn quyền chỉ huy quân sự, chính trị để giữ vững bán đảo Đông Dương.

Ban đầu Decoux nhất định chống đối quyết định đó của Nhật Bản nên ngày 22.9.1940, ngày quân Nhật từ Quảng Đông phối hợp hỏa lực mạnh mẽ của Lục quân và đoàn quân cơ giới thần tốc xua quân đánh tan một số căn cứ quan trọng tại biên giới và tấn chiếm Lạng Sơn (Vốn là bộ Chỉ huy trung ương của Pháp, phụ trách tuyến phòng ngự Việt Bắc) và bắt Pháp phải nhượng bộ. Quân Nhật không những đã ngang nhiên đóng quân tại nhiều địa điểm chiến thuật ở sâu trong vùng đồng bằng mà còn sử dụng đường hỏa xa, các hải cảng, các phi trường và mua với giá rẻ cao su gạo, nhiên liệu cùng nhiều sản phẩm địa phương cần thiết để cung ứng cho nhu cầu quân nhu và vận tải của quân đội viễn chinh Nhật (mà đường tiếp liệu xa chính quốc gần mười ngàn cây số càng lúc càng khó khăn).

Ngược lại, Nhật Bản tôn trọng tư cách và quyền hành cai trị của Pháp tại Đông Dương cũng như tư cách và quyền hành của vua Bảo Đại tại Trung Kỳ.

Trong biến cố này, vì những hứa hẹn chính trị và yểm trợ vũ khí của Nhật Bản, một lực lượng Phục quốc quân do Trần Trung Lập chỉ huy đã giúp quân đội Nhật Bản tấn công căn cứ Lạng Sơn và chiếm đóng thành phố này. Đau đớn thay sau khi đã được Pháp nhượng bộ, Nhật phản bội lực lượng Việt nam này và trao lại toàn bộ đơn vị Phục Quốc quân cho người Pháp như một điều kiện trong thỏa hiệp Nhật Pháp. Chí sĩ Trần Trung Lập hy sinh và hầu hết Phục quốc quân Việt nam kẻ bị tử hình, người bị tù chung thân, chỉ một số ít liều mình vượt thoát dược qua Trung Hoa.

Song song với việc thiết lập những cơ sở quân sự và nắm chặt tình hình an ninh tại Đông Dương. Nhật Bản vẫn khôn ngoan duy trì hệ thống hành chính và hư danh của bộ máy Bảo hộ Pháp để có thì giờ chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chính trị ở tầng lớp quần chúng qua cơ quan phản gián Kempeitai, qua tờ báo Tân Á xuất bản bằng tiếng Việt nhằm tuyên truyền chống Pháp, đề cao chủ nghĩa “Đông Á của người Á Đông”, hô hào một nước Việt nam “độc lập trong khối thịnh vượng Đại Đông Á”. Họ tổ chức các lớp học Nhật ngữ nhằm chuẩn bị một lực lượng cán bộ hành chính bản xứ, họ tuyển mộ một số thanh niên Việt nam vào đội Hiến binh và thông ngôn của họ và đặc biệt họ ngấm ngầm tuyên truyền cho sự trở về tất yếu của Kỳ ngoại hầu Cường Để, lúc bấy giờ đang lưu vong trên đất Nhật.

Khi ông Diệm từ quan vào năm 1933, trong gia đình ông cũng đã có nhiều tranh luận sôi nổi, người theo, kẻ chống quyết định này. Dư luận trong giới quan trường tại Huế có xôn xao một dạo rồi biến cố đó cũng chìm dần vào quên lãng; người thì khen ông Diệm cứng rắn chống nhà nước Bảo hộ mà từ quan, người thì cho rằng ông Diệm chống nhau với Thượng thư Phạm Quỳnh bị thua nên uất ức mà từ chức. Riêng ngoài quần chúng, ngay cả tại Huế, không mấy ai để ý đến chuyện lên voi xuống chó trong chốn Triều Trung vì họ cho rằng Nam triều chỉ đóng vai bù nhìn của Pháp, việc lên hay xuống, ở hay đi của các vị quan lại chẳng qua chỉ là việc tranh giành địa vị, đua chen lợi danh chứ không ảnh hưởng gì đến chính sách của Pháp, lại càng không ảnh hưởng đến đời sống quần chúng hay vận mệnh quốc gia. Thật vậy, kể từ ngày Kinh đô thất thủ (1885) làm cho vua Hàm Nghi bôn đào, rồi vua Thành Thái bị truất biếm, và nhất là kể từ khi vua trẻ tuổi Duy Tân mưu đồ cách mạng bi thất bại rồi cả ba vị vua Việt nam bị Pháp bắt đi lưu đày, thì người dân Huế đâm ra bi quan. Họ nhìn về tương lai mịt mù với tất cả chán chường và thất vọng. Họ nhìn rêu phủ trên thành quách, lau mọc bên bờ sông, trăng tàn trên nội điện mà cảm thương cho vận nước lao lung.

Hầu như tất cả người dân xứ Huế đều thuộc lòng 5 câu thơ mà sau này trở thành câu hò rất phổ biến trong nhân gian:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu

Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,

Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông

Thuyền ai thấp thoáng bến sông?

Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non

Họ mượn câu hò để ghi lại một biến cố đau buồn của lịch sử và đồng thời cũng để ký thác nỗi niềm tâm sự của mình. Nỗi niềm thương tiếc một nhà vua yêu nước mà bị gian truân, một bậc trung thần can trường mà bị đầu rơi máu chảy, tâm sự của một người dân nhìn đất nước suy vong mà chỉ biết đưa câu mái đẩy để chạnh lòng nước non !

Họ càng trở nên chai lỳ hơn với những đổi thay của thời cuộc kể từ khi vua Khải Định hành xử một tên Việt gian vô trách nhiệm, chỉ biết cúi đầu vâng dạ người Pháp đề có cơ hội tiêu xài phung phí công quỹ. Từ đó về sau, người dân Huế xem những buổi tế lễ ở đàn Nam Giao, những buổi thiết triều trong Đại nội với áo mão xênh xang, tiền hô hậu ủng cũng giống như những xuất hát bội trên sân khấu của rạp hát bà Tuần. Họ sống với hiện tại nhưng lòng thì chỉ hoài niệm về quá khứ, một quá khứ mà quê hương còn vắng vóng ngoại nhân đô hộ, còn có vua quan là minh quân lương tướng. Vì vậy, việc ông Diệm từ quan hay ông Quỳnh thắng thế không làm xúc động hay gây được sôi nổi trong đời sống vón rất trầm mặc của họ.

***

Mùa xuân năm 1942, khi mà những cơn sóng ngầm đấu tranh bắt đầu chuyển động trong những sinh hoạt chính trị của người Việt thì tôi được thuyên chuyển về Huế làm huấn luyện viên cho các lớp hạ sĩ quan. Đối với tôi, về Huế là về kinh đô của quốc gia, là về với cung đài diễm lệ của trung tâm đất nước. Vì thuở thiếu thời chỉ biết lũy tre làng và đồng ruộng khô, thời niên thiếu thì bận học hành, lớn lên gia nhập quân đội chỉ biết kỷ luật thép và hàng rào sắt, nên khi được đổi về Huế, tôi đã lợi dụng dịp này để ngao du khắp các ngõ ngách của kinh thành.

Phong cách đất Thần Kinh vừa u trầm cổ kính, vừa thơ mộng hữu tình rất phù hợp với tâm hồn vốn bảo thủ và nặng lòng hoài cổ của tôi. Những ngày nghỉ lễ, tôi thường lang thang đi bộ viếng thăm những danh lam thắng cảnh của kinh đô như hồ Tịnh Tâm, chùa Thiên Mụ, đàn Nam Giao, cửa Ngọ Môn, thôn Vĩ Dạ, vườn Ngự Viên, cầu Bạch Hổ, núi Ngự Bình, chùa Diệu Đế, làng Kim Long, trường Quốc Tử Giám... Ở đâu vào lúc nào, tôi cũng tìm được những rung cảm tuyệt vời. Từ tiếng chuông thu không của những buổi chiều băng lãng đến tiếng hò não nùng trong sương mù của buổi sáng sông Hương, từ cô gái giặt áo ở mặt nước ven sông đến tà áo tím Đồng Khánh của mùa thu tan trường về, từ hàng cau thôn Vĩ đến tiếng thông reo đỉnh Ngự, tất cả đều có sức thu hút lạ lùng và đều để lại trong tâm tưởng tôi những hình ảnh không quên. Lần băng cầu Lò Rèn để đi Phú Cam thăm ngôi giáo đường nguy nga ở đó, tôi đi ngang qua nhà ông Diệm và thầm cảm phục vị Thượng thư đầu triều, tuy còn trẻ tuổi mà không màng danh lợi, dám cởi áo từ quan trong giai đoạn mà nhiều người bán hết gia tài để mua chút phẩm hàm, hoặc dâng vợ cho giặc để kiếm thức Tri huyện.

Đời sống của tôi tại Trung tâm huấn luyện hạ sĩ quan càng ngày càng trở nên căng thẳng và bực bội. Những va chạm với các quân nhân Pháp trong lúc điều hành công tác giảng huấn, những hành vi hống hách kỳ thị của họ đối với quân nhân Việt nam, những áp bức và bất công trong đời sống trong và ngoài doanh trại, và nhất là thái độ khúm núm sợ hãi đến độ tội nghiệp của một số đồng ngũ người Việt nam... như biến thành giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước của thời thơ ấu thôn quê của tôi, mà giết chóc, đốt phá, hãm hiếp, tù đày do người Pháp và tay sai của họ gây ra chồng chất bấy lâu nay.

Thế rồi vào một đêm mưa phùn cuối năm 1942, khoảng 11 giờ khuya, ông Tráng Liệt đến gặp tôi và rủ đi gặp ông Ngô Đình Diệm. Chúng tôi đi dọc theo tả ngạn sông Hương hướng về phía Phú Cam và dừng lại trước ngôi nhà cổ kính, từ đường của gia tộc Ngô Đình.

Được người vào báo, ông Diệm ra tận bậc cấp trước cửa nhà để đón chúng tôi. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông Diệm. Ông trông rất trẻ so với tước vị và những huyền thoại về ông. Dù đã khuya, ông vẫn mặc áo lương, khăn đóng, giày hạ, ra mời chúng tôi vào phòng khách chính, nơi có bộ bàn ghế mây xưa mà chú Phẩm, người đày tớ trung thành của ông, đã dọn ra ba chén nước chè xanh để mời khách.

Dưới ngọn đèn mờ, trong một phòng khách cổ kính, trước một nhân vật đã từng là Thượng thư đầu triều, đã từng cởi áo từ quan, và bây giờ đang thay mặt Kỳ ngoại hầu Cường Để cầm đầu một tổ chức chống Pháp, tôi có cảm tưởng như mình lạc vào một thế giới khác, xa lạ hẳn với thực tế sôi động của tình hình đất nước. Sau khi mời chúng tôi dùng nước chè xanh, ông Diệm bắt đầu hỏi về gia thế và sinh hoạt của tôi, cũng như hỏi về đời sống và tinh thần của quân nhân Việt nam trong mối tương quan với quân nhân Pháp.

Có lẽ nhờ đã được ông Tráng Liệt giới thiệu trước về hoàn cảnh và ước vọng của tôi cũng như có lẽ nhờ có người anh vợ của tôi vốn đã là thành viên trong tổ chức nên sau phần mở đầu đó của câu chuyện, ông Diệm tỏ ra tin tưởng và thân tình với tôi hơn. Vì vậy, ông bắt đầu kể chuyện đời ông như để trang trải tâm sự hơn là để khoe khoang nhằm thuyết phục: ông nói nhiều về giai đoạn ông làm tri huyện rồi tri phủ mà công tác chính là cùng với trưởng đồn người Pháp đi thanh sát ở làng quê, hoặc khám phá và lùng bắt những tổ Cộng sản thời 1929-30 khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp. Ông cũng trình bày chuyện ông từ bỏ quan trường vì người Pháp đã không thực tâm khai hóa nhân dân Việt nam. Cuối cùng, ông đi vào trọng tâm của buổi nói chuyện là khơi dậy lòng yêu nước, nung nấu chí căm thù thực dân Pháp và tay sai như Bảo Đại và ba ông Thượng thư đồng triều mà ông thù ghét là ông Phạm Quỳnh, Thái Văn Toán, và Hồ Đắc Khải. Ông cũng đề cập đến cuộc đời và con đường hoạt động của Kỳ ngoại hầu Cường Để và của cụ Phan Bội Châu để kết thúc câu chuyện đã quá dài.

Suốt buổi gặp gỡ, ông Tráng Liệt và tôi nghe nhiều hơn nói. Riêng tôi, tuy có ý chờ ông trình bày về tổ chức ông phụ trách nhưng vì ông không đề cập đến nên tôi cũng chưa tiện hỏi. Đêm đã quá khuya, ông Tráng Liệt bèn xin phép ra về. Ông Diệm tiễn chúng tôi đến tận cửa hẹn gặp lại tuần sau và dặn kỹ không nên vào bằng cửa chính để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp mà nên đi bằng cửa bí mật ở vườn sau gần đường xe lửa, lối vào chỉ có một số đồng chí được ông cho biết mà thôi.

Trên đường về, trong cái rét buốt của xứ Huế buổi trọng Đông, tôi cảm thấy xúc động lạ thường vì buổi gặp gỡ đó. Buổi gặp gỡ mà tôi cho là một xác tín cá nhân về tư cách của một đảng viên trong một phong trào cách mạng, có một vị lãnh tụ thuộc gia đình vọng tộc đã dám từ quan để đấu tranh cho quê hương dân tộc. Trong cái tâm trạng mang mang của một người từ nay có tổ chức để nương tựa, có một lãnh tụ để được hướng dẫn, có một lý tưởng để đấu tranh, tôi vẽ ra cho mình những ước mơ sáng tươi trong cái tươi sáng chung của tương lai dân tộc.

Từ đây, hầu như mỗi tuần lễ tôi đều đến ngôi nhà ở Phú Cam, vốn được xem như trụ sở trung ương tổ chức, để sinh hoạt và thảo luận cùng ông Diệm và các đồng chí của ông. Trong số này có hai người cốt cán là ông Hoàng Xuân Minh làm Tham tá ở tòa Khâm sứ Huế và ông Nguyễn Tấn Quê làm thư ký cho sở mật thám Trung kỳ. Hai người này đặc biệt được ông Diệm trọng vọng và tin tưởng, nhất là ông Nguyễn Tấn Quê, tuy chỉ mới đỗ Trung học nhưng là người được ông Diệm xem như mưu sĩ chính.

Sau gần nửa năm hoạt động với ông Diệm và các đồng chí tôi đi đến nhận xét rằng sinh hoạt và phương thức tổ chức của nhóm về mặt nội dung lẫn cơ cấu có vẻ là một phong trào chính trị hơn là một đảng cách mạng chặt chẽ. Nhóm không có một hệ thống tổ chức với các cơ cấu và chức năng rõ ràng, không có chủ thuyết chỉ đạo cũng như không có một sách lược đấu tranh với các kế hoạch giai đoạn nhất định. Tại các tỉnh, và đặc biệt tại Huế, bất cứ ai đồng ý chung chung với chủ trương thân Nhật và kính phục ông Diệm thì đều có thể gia nhập phong trào của ông.

Nói tóm lại, ngay từ lúc đó, tôi đã đánh giá được bản chất của tổ chức là một bản chất chính trị vận dụng chứ không phải cách mạng đấu tranh như các đảng khác. Tổ chức đó được kết tinh sau lưng uy tín của một lãnh tụ và hoạt động theo sự biến chuyển của tình thế.

Dù nhận định như vậy, tôi vẫn quyết định hợp tác với ông Diệm vì lý do tình cảm nhiều hơn là vì một chọn lựa chính trị có ý thức. Công tác của tôi được ông Diệm giao phó là tổ chức một lực lượng quân nhân khố xanh trong khắp cơ binh thuộc xứ Trung kỳ, bao gồm từ Thanh Hóa vào đến Phan Thiết và các tỉnh Cao Nguyên. Vê quân nhân khố đỏ thì do Thiếu úy Phan Tử Lăng đang phục vụ trong Mang Cá ở Huế phối hợp với ông đội khố đỏ Nguyễn Vinh (mà sau này, khi ông Diệm mới chấp chánh, là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn danh dự, tiền thân của Liên Binh Phòng vệ Tổng thống phủ) phụ trách việc liên lạc và thông tin các cơ sở quân sự đóng tại Huế và Phú Bài.

Đặc biệt ông Diệm giao cho tôi thảo một kế hoạch hoạt động chi tiết để phối hợp với quân đội Nhật Bản khi nào Nhật làm cuộc đảo chính tấn công quân Pháp, và một dự án dài hạn khác về việc tái tổ chức quân đội Bảo An cho quốc gia sau khi Hoàng thân Cường Để lấy lại chính quyền trong tay người Pháp. Hai dự án này, nhờ sự hội ý của hai ông Hoàng Xuân Minh và Nguyễn Tấn Quê, và nhất là nhờ được sử dụng những tài liệu quốc phòng của Pháp tại Trung tâm huấn luyện, đã được tôi hoàn tất đúng kỳ hạn và trình cho ông Diệm nghiên cứu. Độ hai tuần sau ông cho biết là đã đọc kỹ và đồng ý hoàn toàn.

Nhờ uy tín và vị thế huấn luyện viên của các khóa hạ sĩ quan, tôi thiết lập được liên lạc và tổ chức một hệ thống các tổ gồm từ 5 đến 7 người trong suốt 20 cơ binh của miền Trung. Những học trò, những.bạn bè của tôi được tổ chức vào phong trào Cường Để do ông Diệm lãnh đạo, nhiều người được các ông Võ Như Nguyện, Trần Văn Hương hay Phùng Ngọc Trung hiện ở hải ngoại biết rõ.

Ngoài ra, lợi dụng 15 ngày nghỉ phép thường niên của tôi, ông Diệm còn giao cho tôi công tác đi khắp các tỉnh Trung kỳ để liên lạc với các đồng chí có uy tín và thực lực khác. Tôi đã từng đi Thanh Hóa liên lạc với cụ Nguyễn Trác (là thân phụ của kỹ sư Nguyễn Luân và cũng là nhạc phụ của luật sư Nghiêm Xuân Hồng một nhân sĩ có tinh thần cách mạng đã từ chức tri huyện để hoạt động) đi Hà Tĩnh liên lạc với ông Trần Văn Lý đang làm Tuần vũ tại đây, đến Qui Nhơn gặp bác sĩ Lê Khắc Quyến, đến Phan Thiết gặp ông Trần Tiêu, một người đồng hương đang giữ chức Kinh lịch v.v...

Nhờ những chuyến đi này và kinh qua những lần tiếp xúc với các vị đàn anh, tôi được học hỏi nhiều thêm về ý thức chính trị và khả năng phân tích tình hình. Cũng nhờ những chuyến đi này, tôi được biết không những người trong giới quan lại ủng hộ ông Diệm, đặc biệt là cụ án sát Phan Thúc Ngô ở Quảng Bình, mà còn có một số trí thức tân học, tuy không ở trong phong trào, nhưng cũng có cảm tình với ông Diệm như bác sĩ Ưng Vi ở Phan Thiết hay kỹ sư Đặng Phúc Thông ở Nha Trang.

Ngoài hai công tác chính này, riêng tại Thừa Thiên, tôi cũng đã đẩy mạnh công tác kinh tài cho tổ chức bằng cách tuyên truyền và vận động một số các thương gia giàu có tình nguyện đóng góp cho ông Diệm. Có người đóng góp 4 đồng bạc Đông Dương mỗi tháng, riêng có một vị lương y (là thân phụ của trung tá Nguyễn Mễ, hiện ở Mỹ) tình nguyện đóng góp đến 6 đồng (một đồng bạc Đông Dương, vào thời đó, có giá trị rất lớn).

Trong suốt thời gian này, không bao giờ tôi thấy ông Diệm rời khỏi Huế. Và ngay tại Huế cũng không bao giờ thấy ông xuất hiện hoạt động trong giới chính trị công khai hoặc bí mật. Hàng ngày ông đi lễ nhà thờ và buổi chiều thường mặc áo lương đen đi lang thang một mình dọc bờ sông Phú Cam để hóng mát. Cũng trong suốt thời gian này (cho đến năm 1948), dù thường đến nhà ông Diệm tôi cũng không thể thấy mặt ông Ngô Đình Cẩn. Tôi gặp ông Nhu hai lần: một lần vào năm 1943 trong dịp tang lễ của cụ Thân Thần Tôn Thất Hân (khi tôi dẫn một trung đội lính đi dàn chào lúc làm lễ động quan), và lần thứ hai gặp cả hai vợ chồng tại phòng Văn khố và tòa Khâm sứ Huế khi tôi đến thăm ông Tráng Liệt. Ông Tráng Liệt cho biết cứ hai hay ba ngày bà Nhu lại đến văn phòng chồng để gặp gỡ và nói chuyện. Bà Nhu đến bằng xe kéo gọng vàng do một người đày tớ thân tín và lực lưỡng kéo. Xe kéo của bà Nhu là một trong những chiếc xe sang nhất ở cố đô mà các cậu ấu và cô chiêu trong triều đình nhà Nguyễn thường dùng để di chuyển trong thành phố.

Về trường hợp ông Nhu, ông Diệm thường dặn dò chúng tôi: “Chú ấy theo Tây, ham ăn sung mặc sướng, không thiết gì đến chính trị hay cách mạng đâu, các ông chớ nên gặp gỡ hay thân thiết với chú ấy làm gì”. Lúc đầu chúng tôi thật sự ngạc nhiên vì lời dặn dò lạ lùng ấy, tự hỏi tại sao anh thì muốn làm cách mạng mà em thì lại hủ hóa như vậy; nhưng từ từ chúng tôi mới hiểu rằng lời dặn dò đó là một trong những biện pháp an ninh xuất phát từ tình cảm gia đình mà ông Diệm chỉ muốn một mình chịu trách nhiệm và hậu quả về hoạt động thân Nhật và chống Pháp của ông chứ không muốn làm liên lụy cả gia đình. Hơn nữa, ông Nhu mới ở Pháp về, và cũng vừa lập gia đình với một người vợ còn son trẻ (bà Nhu sinh năm 1924) của Hà thành hoa lệ ông ta cần có thời gian để củng cố địa vị của một công chức Bảo hộ cao cấp và củng cố đời sống gia đình mà người vợ vốn quá tự do tân thời, tự thấy bị tù túng mà lại còn phải ganh đua giữa một kinh kỳ có nhiều mệnh phụ quí phái.

Cuối năm 1943, những hệ quả chính trị và kinh tế của đệ nhị thế chiến thật sự ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống hàng ngày của những người như tôi. Giá sinh hoạt leo thang vùn vụt, đồng bạc Đông Dương bị mất giả thảm hại, gạo từ 25 xu lên đến một đồng một ký khiến lương hàng tháng 40 đồng của một quân nhân trung cấp như tôi quả thật không đu cho tiểu gia đình của tôi sống đủ. Vì vậy, và cũng vì không muốn vướng bận thê nhi trong sinh hoạt đấu tranh của mình, tôi phải bùi ngùi quyết định cho vợ tôi và hai đứa con trai nhỏ về quê sống với bên ngoại. Về quê, tuy đời sống thanh đạm thiếu thốn hơn, tuy có phải tần tảo cực khổ một nắng hai sương nhưng ít ra vợ con tôi còn có một mảnh vườn để trồng rau cỏ, một hồ nước có tôm cá, một rừng tràm có củi nứa và nhất là có bà con thân thuộc để có thể đắp đổi sống qua ngày. Buổi biệt ly, nhìn chiếc xe đò cũ kỹ chập chừng đưa vợ con về cố quận thân thương, người cán bộ 26 tuổi đời như tôi không khỏi có một chút xao xuyến xót xa. Được biết quyết định đó của tôi, ông Diệm hân hoan lắm và khen tôi làm cách mạng thì phải biết hy sinh cá nhân, phải biết thoát ly gia đình để có nhiều thì giờ và năng lực cống hiến cho đại cuộc.

Đại cuộc đó, hay nói đúng ra là những vận động chính trị của nhóm ông Diệm trong khuôn khổ cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa Nhật và Pháp tại Việt nam, vẫn tiếp tục thăng trầm theo nhịp độ thắng hay bại của phía người Nhật. Quân đội Nhật Bản, chiến thắng oanh liệt trong những năm đầu của thế chiến, từ cuối năm 1943 trở đi, đã trở về thế phòng ngự thụ động. Và tại các mặt trận lớn ở ấn Độ, Miến Điện, Nam Dương... quân Nhật hứng chịu những thết bại quân sự nặng nề đến nỗi phải rút lui ra khỏi những quốc gia bị chiếm đóng... Đầu năm 1944, chuyện phải đến đã đến, mật thám Pháp và Thượng thư Phạm Quỳnh tổ chức vây bắt ông Diệm và nếu không nhờ Hiến binh Nhật, với khả năng tình báo của sở gián điệp Kempeitai, kịp thời can thiệp để cứu thoát trong đường tơ kẽ tóc thì có lẽ sinh mạng và chính tổ chức của ông Diệm cũng không còn.

Nguyên tổ chức có một đồng chí tên là Khang làm thư ký ở sở bưu điện Huế, đêm đó trực ở phòng điện tín đến khuya mà vẫn còn thấy viên trưởng sở bưu điện người Pháp ở lại đích thân thảo và đánh điện tín, ông bèn tìm cách lén đọc được một số công điện mà trong đó có công điện mang nội dung về việc bắt ông Diệm. Ông liền báo cho một anh em có liên hệ đến bên tình báo của Nhật biết tin này (cũng có thể có nhiều đường dây khác nữa mà tôi không được biết).

Khoảng gần 11 giờ đêm thì ba người Hiến binh Nhật Bản đến nhà ông Diệm ở Phú Cam và độ nửa giờ sau thì họ ra về trước cặp mắt xoi mói của nhân viên mật thám Pháp đang canh chừng nhà ông Diệm. Mãi đến quá nửa đêm, các nhân viên mật thám Pháp mới bố trí xông vào nhà bắt ông Diệm nhưng họ chỉ gặp được cụ thân mẫu của ông người đầy tớ tên là Phẩm và một người Hiến binh Nhật Bản... Thì ra ông Diệm, vốn người thấp lùn, nên đã giả trang mặc quân phục Hiến binh trốn theo cùng với hai người Hiến binh Nhật kia đi ra từ lâu, làm mất công viên chánh sở mật thám Đông Dương là Louis Arnoux từ Hà nội vào đích thân điều khiển công tác vây bắt nhân vật thân Nhật Bản quan trọng nhất tại Trung kỳ. Nhóm mật thám Pháp dọa dẫm bà cụ Thân mẫu ông Diệm, tra tấn anh Phẩm một hồi rồi hậm hực ra về .

Hiến binh Nhật đưa ông Diệm về tạm trú tại tòa Lãnh sự Nhật của ông Ishida vài tiếng đồng hồ rồi chở ông đến thẳng trụ sở Hiến binh tại trường Hồ Đắc Hàm cũ để được an toàn hơn và để tránh nhưng va chạm ngoại giao có thể có với người Pháp. Cụ Thái Văn Châu (nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mãi Sài gòn và hiện tị nạn tại Pháp), lúc bấy giờ là một thương gia có khuynh hướng thân Nhật và đang được đấu thầu cung cấp thực phẩm cho quân đội Nhật biết tin nên vội vàng vào thăm và mang một ít đòn chả Huế cho ông Diệm dùng chung với khẩu phần đạm bạc tại sở Hiến binh Nhật. Theo lời cụ thì ông Diệm có vẻ suy tư và nỗi lo âu lộ trằn ra mặt.

Được vài ngày, người Nhật bèn hộ tống ông Diệm bằng ô tô nhà binh vào Đà Nẵng và từ đó chở ông bằng phi cơ quân sự vào Sài gòn. Ban đầu họ để ông tạm trú tại trụ sở trung ương của Hiến binh Nhật, sau đó họ di chuyển ông đến văn phòng chính của Đại Nam công ty, vốn là bề mặt ngụy trang của bộ chỉ huy trung ương của ông Matsuisita, trùm gián điệp của Nhật tại Đông Dương. Thời ông Diệm làm Tổng thống, ông Matsuisita trở lại miền Nam Việt nam làm ăn buôn bán và đã giúp ông Diệm rất đắc lực trong quan hệ ngoại thương của VNCH và Nhật Bản. Sau ngày chế độ ông Diệm bị toàn dân lật đổ, ông Matsuisia bị Hội đồng tướng lĩnh làm khó dễ trong vấn đề tài sản và các thương vụ của ông tại Sài gòn, nhưng vì nghĩa tình xưa giữa ông Diệm và ông ta, tôi đã tìm cách can thiệp và giúp đỡ.

Sau ngày ông Diệm bị bắt hụt và được Nhật che chở mang đi mất vào Sài gòn, viên chánh sở mật thám Trung kỳ Perroche, vốn cụt một tay và nổi tiếng tàn ác, bắt đầu nghi ngờ có nhân viên chìm của ông Diệm trong sở mật thám Huế, bèn yêu cầu với trung ương cho biệt phái ông Lombert, viên chánh sở mật thám Vinh vốn thông thạo về tình hình đảng phái và nhân sự Việt nam, vào Huế và thành lập một Uỷ ban đặc nhiệm phụ trách điều tra “vụ án Ngô Đình Diệm”. Ông Hoàng Đồng Tiếu, (hiện ngụ tại Portland, tiểu bang Washington) lúc bấy giờ còn đang có cảm tình với cá nhân ông Diệm và đang làm phán sự tại sở mật thám Huế, tuy có thông báo sự kiện này cho một số người trong tổ chức ông Diệm biết, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng một số chiến hữu lần lượt bị sa lưới mật thám Pháp.

Trước hết là cụ án sát Phan Thúc Ngô bị lột chức và bắt giải vào giam ở Huế, rồi đến ông Tuần Vũ Hà Tĩnh Trần Văn Lý suýt bị bắt nhưng nhờ có bà vợ là bà con gần với Nam Phương Hoàng hậu nên chỉ bị hạ tầng công tác, thuyên chuyển vào Phú Yên và vĩnh viễn không được đề nghị thăng thưởng. Ông Võ Như Nguyên và ông Lương Duy Vỹ (sau này làm tỉnh trưởng Phú Yên và Vĩnh Bình dưới thời ông Diệm) hai đồng chí thân thiết nhất với tôi lúc bấy giờ, cũng bị bắt đày lên Dakto. Ngoài ra, một số các đồng chí khác tại Huế và các tỉnh Trung kỳ, người thì vào vòng lao lý, người thì bị truy lùng.

Về phía quân nhân bên khố đỏ chỉ có mấy người Đội cao cấp bị bắt giữ, còn bên khố xanh, từ Thanh Hóa vào đến Phan Thiết, bị mật thám Pháp bắt giữ rất nhiều. Có người bị tra tấn đến gãy cả hai hàm răng và xương quai hàm như anh Đội Lộc ở Phú Bài, có người bị đánh què chân như anh Đội Xứ ở Quảng Trị. Đa số các hạ sĩ quan khố xanh bị bắt và giam tại các nhà lao Bái Thượng ở Thanh Hóa, nhà lao Lao Bảo ở Quảng Trị hoặc tại các nhà lao khác ở Cao Nguyên Trung phần.

Riêng phần tôi, vì là người lãnh đạo toàn bộ nhóm quân nhân Khố xanh nên bị bắt giam và tra tấn tàn bạo ở sở mật thám Huế và tống giam ở lao Thừa Phủ gần hai tháng trước khi bị đày lên Di Linh để biệt giam trong một nhà lao do lính Thượng canh giữ.

 

Đầu năm 1945, quân đội Nhật Bản bị phản công và bị dồn vào thế tuyệt vọng tại mặt trận Trung Hoa cũng như trên các tuyến phòng vệ Đông Nam Á. Trong khi đó, trên chiến trường Âu Châu, sau cuộc đổ bộ ngày 6 tháng 6 năm 1944 tại bờ biển Normandie của quân lực Đồng minh, tướng Degaulle dẫn toàn bộ chính phủ lâm thời từ Algiers trở về Pháp nắm chính quyền vào tháng 8 cùng năm đó.

Trên mặt trận Thái Bình Dương, tướng Mac Arthur đã chiếm xong Phillippines và đang tung quân chiếm các quần đảo phòng vệ chiến lược của xứ Phù Tang, yểm trợ cho một kế hoạch tái chiếm Đông Dương của liên quân Anh Pháp. Trước nguy cơ có thể bị nội công ngoại kích đó, quân đội Nhật Bản tại Việt nam bèn đảo chính chính quyền Pháp vào đêm 9 tháng 3 năm 1945 bắt toàn quyền Decoux và thiết lập nhiều trại tập trung để giam giữ công chức và quân nhân Pháp tại nhiều địa điểm trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Tại Bắc Kỳ, một số đơn vị Pháp chống lại cuộc đảo chính này đều bị đàn áp, kẻ thì bị bắt, kẻ thì trốn qua Tàu.

Thế là sau gần 100 năm đô hộ Việt nam, tiến hành một chính sách thực dân tàn ác để khai thác tối đa tài nguyên và nhân lực của nước ta, tiến hành một chính sách cai trị dựa trên bạo lực và phân hóa, chỉ cần một đêm và một đêm thôi, toàn thể bộ máy thống trị của Pháp hoàn toàn bị sụp đổ. Huyền thoại về “nhiệm vụ khai hóa” đầy nhân đạo của các cơ quan toàn quyền và các vị cố đạo theo lá cờ Tam tài rơi rũ xuống đất. Sau thất bại chính trị nói trên, ông Ngô Đình Diệm buồn rầu chán nản vô cùng, nhất là khi chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, hầu như ông không còn nghị lực để tiếp tục cuộc đấu tranh nữa. Mang tâm trạng của người thất thế, ông lui về sống cô đơn không tiếp xúc với ai nữa tại nhà người em là ông Ngô Đình Luyện ở Chợ lớn, hoặc thỉnh thoảng xuống thăm người anh là giám mục Ngô Đình Thục ở Vĩnh Long. Gia đình và tình anh em luôn luôn là pháo đài kiên cố làm nơi nương dựa cho ông trong hoạn nạn cũng như trong đắc thắng.

Trong lúc đó thì tại Huế, vì vấn đề liên lạc cách trở, thông tin chậm chạp, người anh tưởng là ông Ngô Đình Khôi vẫn không nắm vững tình hình để thấy rằng “lá bài Ngô Đình Diệm và giải pháp Cường Để” đã hoàn toàn bị Nhật Bản xóa bỏ, vẫn tiếp tục hoạt động chuẩn bị cho ngày về của ông Cường Để và nội các của ông Diệm. Số đồng chí của ông Diệm, mà một số lớn đã được phóng thích khỏi nhà giam Pháp nhờ cuộc đảo chính của Nhật, vẫn tiếp tục sinh hoạt tại nhà ông Khôi để đợi chờ ông Diệm.

Vê phần tôi, sau khi cùng với các nhà chính trị khác ở trại tù Di Linh được quân đội Nhật phóng thích, tôi bèn trở về quê cũ thăm gia đình, làng xóm độ nửa tháng rồi trở lại Huế cùng sinh hoạt với các đồng chí cũ dưới sự điều hành của ông Ngô Đình Khôi. Tư dinh của ông Khôi tọa lạc tại tả ngạn sông Phú Cam, là một dinh thự to lớn, huy hoàng và lộng lẫy như lâu đài của các vị hầu tước châu Âu. Mỗi khi họp, ông Khôi thường cho trải sáu tấm phiếu cạp điều giữa phòng khách rộng lớn để mọi người cùng ngồi tròn quanh ông chẳng khác gì một sòng sóc đĩa lớn tại các nhà phú hộ ở thôn quê. Trong các buổi họp, ông Khôi thường nói nhiều, nói lưu loát và luôn luôn mềm dẻo khi có mâu thuẫn về lý luận. Tuy tính tình của ông vui vẻ và hòa đồng, nhưng ông vẫn được tiếng là người nhiều thủ đoạn nhất trong tám anh chị em Ngô Đình.

Vào khoảng một tuần lễ sau khi nội các của cụ Trần Trọng Kim ra đời, ông Nguyễn Tấn Quê và tôi được ông Khôi cử vào Sài gòn để gặp ông Diệm và để tổ chức cuộc đón tiếp Kỳ ngoại hầu mà ông Khôi tưởng sẽ trở về Việt nam. Ông Khôi còn trao cho chúng tôi một chiếc khăn đóng và một chiếc áo gấm màu tím để ông Diệm mặc trong dịp nghênh đón nhà cách mạng đã từng bôn ba nơi hải ngoại hơn bốn mươi năm trời. Chúng tôi đến được nhà ông Luyện ở số 2 đường Armand Rousseau tại Ngã Sáu Chợ lớn, nơi ông Diệm đang cư trú sau một cuộc hành trình hết sức gian lao, nguy hiểm, vì trên suốt chặng đường một ngàn cây số đó, nhất là đoạn ở miền Trung, phi cơ Đồng Minh liên tiếp oanh tạc ngày đêm làm gián đoạn đường sá và làm các toa xe lửa đổ ngổn ngang nhiều nơi.

Gặp lại ông Diệm sau hơn một năm trời mà tưởng như một khoảng thời gian xa cách lâu lắm. Những thất bại chính trị và sự tan tác của tổ chức vì quá nhiều nhân sự cốt cán bị tù đày đã làm cho chúng tôi sung sướng bàng hoàng trong buổi hội ngộ này. Sau khi trình bày đầy đủ chi tiết các tin tức liên quan đến tổ chức tại miền Trung, và sau khi trả lời cho ông Diệm biết tình hình chính trị Huế, ông Nguyễn Tấn Quê còn cho biết là dọc đường, trong một phần phi cơ Mỹ ném bom suýt nữa cả hai chúng tôi tan xác, hành lý của chúng tôi, trong đó có khăn đóng và tấm áo gấm của ông Khôi gởi vào, đã bị thất lạc. Ông Diệm không tỏ vẻ trách móc gì, chỉ cười buồn chua chát mà thôi.

Cũng tại ngôi nhà này, lần đầu tiên chúng tôi gặp ông Ngô Đình Luyện, linh mục Lê Sương Huệ, và ông Võ Văn Hải. Ông Luyện còn rất trẻ, ít tham gia những cuộc thảo luận chính trị, còn Võ Văn Hải chỉ là một thanh niên mới lớn, giúp ông Diệm các công việc giấy tờ vừa như một thư ký, vừa như một tùy phái . Ban ngày, ông Quê và tôi về khách sạn để ông Diệm tiếp khách hoặc nghỉ ngơi, chỉ vào buổi chiều, chúng tôi mới trở lại ngôi nhà ở Armand Rousseau để dùng cơm tối với anh em ông Diệm và linh mục Huệ rồi tiếp tục thảo luận. Dù biết chúng tôi trông chờ, tuyệt nhiên ông Diệm vẫn không đề cập đến hoàn cảnh của Kỳ Ngoại Hâu Cường Để và những dự tính tương lai.

Ở Chợ lớn vào khoảng gần một tuần lễ ông Diệm cho chúng tôi ngày mai sẽ khởi hành đi Đà Lạt. Sáng hôm sau, khi Sài gòn bắt đầu trở mình thức dậy với những sinh hoạt rộn rịp thì bốn người chúng tôi là ông Diệm, linh mục Huệ, ông Quê và tôi lên đường. Lúc xe ngừng lại tại Blao để ăn trưa, ông Diệm mới trình bày việc người Nhật đã phản bội không cho Kỳ ngoại hầu Cường Để về nước và cắt đứt mọi liên lạc chính trị với chính ông, rồi ông tỏ ý buồn phiền vua Bảo Đại đã mời “tên đồ nho Trần Trọng Kim” làm Thủ tướng. Lúc bấy giờ ông Quê và tôi mới thực sự hiểu rõ tình hình và trạng huống bi đát cua ông Diệm và của tổ chức chúng tôi. Sách lược nắm chính quyền bằng con đường thân Nhật của ông Diệm đã đi vào bế tắc và hoàn toàn thất bại, hệ quả chính trị của nó không những là mất đi những ưu thế phát triển mà quan trọng hơn cả, còn là sự tê liệt của tổ chức.

Xe đến Đà Lạt vào buổi chiều, sương núi mờ mờ phủ xuống thành phố vừa lên đèn và không khí lạnh lùng vào dịp đầu thu càng làm cho nỗi buồn của chúng tôi thêm sâu đậm. Sau khi chạy xuyên qua trung tâm thành phố và vượt mấy ngọn đồi, xe đến thẳng dinh Tổng đốc của ông Trần Văn Lý. Dinh Tổng đốc vốn là tòa Đốc lý cũ của Pháp, kiến trúc theo lối Tây phương, tọa lạc trên ngọn đồi cao, nhìn khắp thành phố Đà Lạt. ồng Lý ân cần đón chúng tôi vào phòng khách và cho người dọn trà thơm dùng cho ấm bụng. Biết rằng chúng tôi mệt mỏi sau cuộc hành trình nên ông cho người thu xếp phòng để chúng tôi đi ngủ sớm.

Đêm đầu trên thành phố Cao Nguyên này mà càng về khuya trăng càng mờ, sương càng lạnh, trời đất thì bàng bạc mơ huyền như tâm sự mông lung của những người vừa thất bại sau cuộc đấu tranh. Thành phố Đà Lạt chìm xuống sau những rặng thông im lìm như chia sẻ nỗi thất vọng của chúng tôi. Trước khi ngủ, ông Nguyễn Tấn Quê còn tâm sự với tôi rằng một khi Bảo Đại đã tiếp tục cầm chính quyền để củng cố thế lực thì tổ chức khó thể thay đổi được tình hình, huống gì ông Diệm, người lãnh đạo của tổ chức lại không phải là một loại nhân vật “anh hùng tạo thời thế”. Tôi còn nhớ mãi mấy lời phê phán cuối cùng của ông như một tiếng than não nùng trong đêm vắng: “Chúng ta đã vớ phải cái bè nứa mục rã trôi xuôi theo con nước lữ'. Nhận định và tâm sự của ông Quê như vậy, chẳng trách gì 10 năm sau, ông đã bị anh em Diệm thẳng tay hạ sát khi họ có quyền lực trong tay. Đến năm 1948, 1949 Nguyễn Tấn Quê còn nhắc lại những nhận xét trên cho nhiều bạn bè. Trong số bạn bè đó có cả ông Võ Như Nguyện... Mấy hôm sau, linh mục Huệ lấy xe đò đi Phan Rang để từ đó trở lại Sài gòn, ông Nguyễn Tấn Quê đáp xe lửa về Huế mang theo một lá thư riêng của ông Diệm gửi về cho ông Ngô Đình Khôi, còn ông Diệm và tói thì vẫn ở lại Đà Lạt.

Ông Diệm ở lại Đà Lạt cho đến đầu tháng 8 thì quyết định trở lại Sài gòn. Buổi chia tay giữa ông và tôi thật buồn, mỗi người một tâm sự, mà tâm sự nào cũng liên hệ đến cơn sóng gió vừa qua của tổ chức và cũng đều phản ánh cái tương lai vô định của những ngày sắp tới.

Chương : 1    2   3    4    5    6    7   
Hoành Linh Ðổ Mậu
Số lần đọc: 1917
Ngày đăng: 31.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Cùng một tác giả