Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.057
123.234.470
 
Sông Hàm Luông
Thanh Giang
Chương 4

Bưng cái rổ xúc trong đựng trái bầu khô gài nắp bằng mo cau, Út Hường đến bên bờ rạch, để rổ xuống vo quần lên khỏi gối, lội xuống rạch xúc tép. Cô xúc đi lần vào sâu con rạch đầy lá dừa nước rồi leo qua con rạch khác.

Trưa trong khu vườn yên tĩnh. Tiếng gà eo óc gợi người đầy tâm sự nỗi buồn xốn xang. Trong một lùm ô rô rậm được vạch thành cái ổ to, Hai Thành lót lưng cái bao bố tời, nằm ngữa mặt lom lom nhìn lên vòm lá chật chội. Một tiếng nổ của loại súng bắn chim làm anh lắng tai.

Trên bờ vườn, Phi Hùng đeo máy ảnh, cầm tay khẩu súng săn, mắt dáo dác trên tầng cây kẽ lá. Bảy Ngón đi sau xách xâu chim. Phi Hùng nổ một phát, Bảy Ngón râm vô vườn lượm chim. Con chim chìa vôi giẫy chết, máu ròng ròng.

Giữa lùm chuối kín đáo, Út Hường gõ ba tiếng vào cái bầu. Nhận ra tín hiệu, Hai Thành dương đôi mắt sâu lặng im giây lát; nghe lần thứ hai anh mới tróc lưỡi đáp rồi thận trọng nhổ từng cây ô rô lần ra gặp Út Hường. Vừa nhìn thấy mặt  Hai Thành hôm nào đầy đặn, giờ hai má tóp rạt, mắt thụt sâu, da xanh chành, Út Hường khóc, vừa giở cái bầu lấy gói cơm đưa cho anh. Ngồi nhìn anh ăn, Út Hường vẫn khóc sục sùi, thủ thỉ:

– Trưởng đồn thả anh Ba Vàng về kèm theo điều kiện là gả em gái cho nó! Anh Hai Rô bị neo đá! Có bề gì chắc em chết theo anh Hai Rô! 

Hai Thành nghẹn ngang, gói cơm lại:

– Đừng nói dại! - Chợt nghe tiếng súng bắn chim nổ gần, Hai Thành bảo - Thôi em về đi! Cẩn thận! Nói với Năm Tâm là ráng củng cố Ba Vàng, giữ vững tinh thần quần chúng và kềm Tư Đỏ manh động. Má Năm yếu tim, để ý chăm lo cho má!

Nói xong Hai Thành lùi vào lùm ô rô, trồng lại các cây nghi trang. Út Hường tụt nhanh xuống rạch tiếp tục xúc tép.

 

2

Bảy Ngón đi lượm con chim, chợt phát hiện dấu vết khả nghi, lần lần tới gần lùm ô rô Hai Thành, quần vào lùm chuối...

Phi hùng đứng giữa nhịp cầu nhìn theo hướng Bảy Ngón vào lượm chim, trực nhìn xuống rạch từ xa, thấy Út Hường đang chao rổ xúc, hắn gọi lớn hai ba tiếng, nhưng cô lờ như  không nghe, xúc lần đi xa nữa. Phi Hùng chạy theo bờ rạch đón đầu, chân đi ủng nên bước trên đầu những bập lá chuyền ra mé rạch, gọi xuống:

– Út Hường! Xúc tép hả? Thôi lên đây với anh đi! Anh có chuyện muốn nói với em. - Mặc Út Hường lầm lũi xúc, hắn vẫn lải nhải - Anh Ba về chắc đã nói gì rồi hả? Em còn phải nghĩ đến thương anh Ba, thương má nữa. Em lên đây đi, đừng để anh nài nĩ lâu mà em! Người đẹp xứ dừa lẽ nào không ngọt ngào như nước dừa?

Dụ dự hồi lâu rồi Út Hường cũng vớt trái bầu bỏ vào rổ xúc, leo lên bờ. Phi Hùng chuyền bập lá trở vào, đưa tay rước, nhưng Út Hường không nắm. Hắn móc ví lấy tiền, làm bộ giở bầu coi cá, lén bỏ vào, bông lơn:

– Đi xúc lạnh lẽo, cực quá! Thôi về đi em, kẻo bị cảm lạnh, mai đi chợ mua ăn. - Vừa nói hắn liếc nhìn đôi chân Út Hường trắng tươi, tròn trĩnh, mịn trơn thật là ngon mắt. Út Hường lấy tiền đưa trả lại, nói khéo:

– Ngài thiếu úy làm vầy bà con họ dị nghị tôi!

Hồi chụp hình còn xa, giờ quá gần, Phi Hùng nhìn ngây Út Hường, nhận ra trên gương mặt thùy mị đôi mắt mí đôi đen huyền được viền rèm mi cong vảnh vẻ ngây thơ mà sắc sảo, kiêu kỳ. Cầm lại tiền, mắt dán vào bàn tay mảnh dẻ với những ngón thon gầy, trắng xanh do dầm nước mới dễ cảm làm sao, giọng hắn chùng xuống, mặt buồn:

– Có chút đỉnh để em đi chợ, ai nhìn thấy đâu. Thề có trời đất, anh yêu em thiệt tình! Sẽ có ba má anh vô đi nói rồi cưới hỏi đàng hoàng. Thôi! Em về đi kẻo lạnh. Bữa nào anh sẽ tới nhà thưa chuyện với má...

– Chuyện nầy không được đâu, ngài đừng tới mắc công. - Dứt lời, Út Hường bưng rổ quay đi.

Đứng nhìn mãi theo thân hình gái mới lớn nở nang trong áo quần ướt bó sát sắc nét những đường cong  mỹ miều, uyển chuyển, Phi Hùng đâm mê mẩm thẫn thờ; để Bảy Ngón gọi mãi chẳng hay làm hắn phải chạy lại, lắp bắp nói hào hển:

– Thiếu úy, theo tôi mau!

  Chuyện gì? - Phi Hùng hoàn hồn, nạt.

– Có mấy hột cơm còn mới, rơi trong lùm chuối và có đường cỏ mẹp dấu chân…Nghi có người vừa mới đem cơm, liên lạc với Hai Thành? Đi theo tôi mau đi!

Phi Hùng miễn cưỡng đi theo mà lòng thì còn bàng hoàng trước một vẻ đẹp thôn dã, mà thông thái, cho dù kiêu kỳ mấy đi nữa thì vẫn cứ  là đầm thắm nết na, rất đáng yêu! Cái đó mới là làm lụy anh hùng! Tới nơi Bảy Ngón chỉ những dấu nghi ngờ Hai Thành ẩn nấp và đòi bắn báo động kêu Tư Râu Xồm dẫn lính tới bao cái lùm ô rô. Phi Hùng hết hăng bắt bớ gì ai, phì cười, bảo:

– Nếu  đúng là có Hai Thành trong đó, thì anh ta chỉ có một, còn mình đây có hai mà có súng nữa, vậy anh Bảy thử vạch lùm ô rô bò vô đi, tôi hờm súng bảo vệ cho. Hay là không dám?

Nghĩ chắc nãy giờ nghe động không ai dại gì còn ở lỳ đây, Bảy Ngón tỏ ra cũng ta đây, theo đường cỏ mẹp  vào nhổ cây ô rô lần vô đúng chỗ trú ngụ của Hai Thành và lôi ra được cái bao bố tời. Buồn cười, nhưng Phi Hùng kềm chế, không nỡ làm Bảy Ngón tự ái, dù sao cũng là người lớn tuổi, nói lấy lòng:

– Phát hiện được chỗ nầy cũng giỏi! Thôi, rút kinh nghiệm kiểu như  vầy, tìm chỗ khác; ở đây hôi ổ rồi. Về thôi, nhớ xách xâu chim.

Hôm sau. Với máy ảnh đeo vai và khẩu col 12 dấu trong lưng, Phi Hùng một mình đến nhà má Năm, lấy giọng nhỏ nhẹ thân tình:

– Thưa bác Năm. Đáng lẽ chuyện hệ trọng nầy là ba má cháu trong Mỏ Cày phải ra thưa hỏi. Nhưng bởi cần biết trước hết là ý bác và cô Út… 

Má Năm đang ngồi tước tàu cau bó chổi trước thềm, dừng tay, tỏ vẻ lạ, hỏi:

– Ngài đồn trưởng nói chuyện gì hệ trong, tôi chưa hiểu?

– Đó là chuyện mà anh Ba Vàng về chắc đã có nói rồi với gia đình. Cháu xin lỗi bác. Đây là chuyện vui mà bác!

– Vậy xin mời ngài đồn trưởng vô nhà uống nước. - Vừa nói má Năm đứng dậy vào nhà với vẻ trầm tĩnh, tuy trong lòng cũng rất băn khoăn.

Phi Hùng vẫn đứng ở hàng ba ngắm cảnh. Đối xứng hai bên nhà là hai cây bưởi đường, sà oằn la đà những trái to vàng tươi. Sân trước cũng đối xứng hai bên hai cây sapôchê lùn thấp mà tàng lớn tròn sum suê, trái nhiều cỡ màu nâu xám chen chúc giữa cành lá xanh mướt. Sát thềm kê hai chậu mai chiếu thủy cổ thụ và cây đinh lăng, phất dủ trồng xen dài dài. Cảnh trí thôn quê bình dị mát mắt, đáng coi là nhà có nề nếp. Khi quay vào, bất chợt nhìn bên bẹ cửa hai tấm bảng treo, một tấm màu vàng chữ đỏ: Nhà ai chứa chấp Cộng sản…bị tử hình bằng máy chém và một tấm sơn đen viết một chữ C màu trắng, Phi Hùng thuận tay gỡ tấm bảng đen cầm tay bước vô nhà. Được má Năm mời ngồi ghế bên cái bàn dài giữa nhà kê trước bàn thờ chồng và tổ tiên, Phi Hùng tỏ vẻ khép nép, đợi mời lần nữa mới ngồi. Tiếp tách trà còn để đó, hắn chìa ra tấm bảng đen, nói với vẻ thật lòng:

– Từ nay cháu thu tấm bảng gia đình loại C nầy và sẽ đổi bảng B cho gia đình.- Thấy má Năm hơi e dè, hắn nói thêm - Xã Hoành phải theo lịnh cháu thì còn ai khó dễ gì. Bởi gia đình lọai C đối với bác đã hết, vì chỉ có bác trai là Cộng Sản mà ổng đã qua đời rồi. Giờ chỉ còn anh Hai Xanh đi tập kết thì gia đình xuống loại B là phải. Cũng như từ nay về ruộng đất thì nguyên canh, nguyên cư, cốt  là lo cho dân yên, đoàn kết xóm làng. Dân yên ổn làm ăn thì một vài phần tử lén lút sách động cũng chẳng ăn thua gì. Dân đừng ai nuôi chứa họ, hoặc khai báo họ để chánh quyền tiểu trừ thì lại càng yên ổn hơn. Dân yên, việc tư càng dễ, nếu bác và em Út Hường thuận tình thì ba má cháu sẽ đến trầu rượu làm lễ coi mắt ?

Má Năm giọng buồn rầu,  nói nước đôi :

– Ông đồn trưởng nói vậy, tôi nghe vậy, để rồi tôi hỏi con tôi coi sao. Bữa nay nó đi cấy vần công cho bà con hôm  nọ. 

– Trời ơi! - Phi Hùng kêu lên tha thiết - Sao bác cứ kêu cháu bằng ông hoài. Chức vụ gì cũng là con cháu trong làng.  

– Thưa, cũng nên  tôn trọng người có chức mới phải đạo - Má Năm ôn tồn - Mời ngài cảnh sát dùng trà đi. 

Phi Hùng vị tình uống tách trà, thòng một câu để cáo từ:

– Thôi, cháu hẹn cho gia đình một tuần để suy nghĩ. Chào bác!

 

3
Xách giỏ trái cây ra sau vườn , Út Hường  nhìn sau trước rồi bước qua cầu , rẻ vào vườn dừa xen cây tạp rậm rập. Cô không hay bảy Ngón đứng rình sau hè rồi bám theo không để mất hút. Đến một gốc dừa, cô dừng lại quan sát rồi làm tu hú kêu. Hai Thành trên ngọn dừa thòng cái giỏ xuống . Cô thả gói cơm vào. Cái giỏ được kéo lên.

Một bóng dị dạng đen như cột nhà cháy bám theo Bảy Ngón. Khi hắn lập cập bước qua cầu, bị người dị dạng  câu cổ , kéo lộn nhào xuống rạch. Con nước rong lên đầy. Mặt nước xao động khua lủm chủm . Cái mặt nạ bằng mo cau trôi bập bềnh. Bóng đêm lờ mờ . Một mái đầu tóc phủ mặt, đuổi theo chiếc mặt nạ. Chiếc mặt nạ được gắn lên mặt một con người lưng nách gân bắp bóng nhẫy , thoắt biến trong rừng dừa.

Vừa sáng , đã được tin  dữ, Tư  Râu Xồm bước vào phòng trưởng đồn, giọng cọc cằn:

– Bảy Ngón đi đời rồi!

– Bàn tay ai? -Phi Hùng sửng sốt.

– Họ ném đá giấu tay rất tài!  Mất tích êm rơ!

– Hay thằng chả say rượu té cầu? Báo lên quận và cho mò xác các con rạch. Mất Bảy Ngón mình co tay!

  Râu Xồm bước ra. Phi Hùng bóp trán suy nghĩ. Lát sau đồn phó trở vào báo:

– Trên quận trả lời: ở đâu giải quyết đó. Đến cảnh sát Đa, cảnh sát Cái còn bị đập đầu, huống gì có một tên chỉ điểm. Bảo cảnh sát Phi Hùng hay đi một mình chụp ảnh, bắn chim, tìm gái hãy coi chừng! Họ còn cho hay ở An Định, cảnh sát Hớn bị đập, ở Tân Trung, cảnh sát Lượng bị giết và ở đâu nữa đó…

– Thôi! - Phi Hùng nổi dóa - Đừng hòng hù dọa thằng nầy. Bây giờ anh dẫn lính đi bắt Ba Vàng về đây làm con tin.  Nhớ lời lẽ tử tế, cấm đánh đập.

Ba Vàng lên tới, Phi Hùng mời vào phòng riêng, trà nước, vào đề:

– Bàn tay nào thủ tiêu Bảy Ngón của tôi? Mà cho dù tôi biết có thể là Tư Đỏ, tôi cũng lờ. Điều tôi muốn là anh nên khuyên Má Năm và em gái anh hãy biết điều. Và nếu anh không tác thành  được cuộc hôn nhân nầy êm đẹp thì anh phải trả giá: hoặc Út Hường, hoặc Hai Thành và  cuối cùng sinh mạng anh. Giờ thì anh hãy nghỉ ở phòng bên đây, lính tôi sẽ phục vụ cơm dâng nước rót đàng hoàng.

Với đòn cân não phủ đầu, Ba Vàng bước sang phòng bên  hãy còn choáng váng. Một lúc sau, tên lính cầm vào giấy bút, bảo:

– Đồn trưởng nhắc anh sớm viết thơ về gia đình.

Ba Vàng ôm đầu ngồi lỳ cả buổi. Phi Hùng vào thấy tờ giấy trắng, cười gằn:

– Vậy là chính anh bảo tôi tự hành động!

Phi Hùng trở ra, lịnh cho Tư Râu Xồm đi bắt Út Hường, dặn dò:

– Mời đàng hoàng nghe chưa? Bảo anh Ba cần gặp. Chỉ một mình cổ thôi. Ngăn cản thật khéo bà già ở lại nhà. Vừa cứng, vừa mềm. Giỏi về trọng thưởng.

Út Hường vừa tới, Phi Hùng thân hành dẫn đến phòng tạm giam cho gặp Ba Vàng. Phòng bày biện khá sang: salon, giường ngủ, bàn viết, tủ gương và tranh ảnh, sách báo. Phi Hùng tươi cười ra hiệu cho Út Hường ngồi vào salon cùng phía với Ba Vàng  đang ngồi; dịu ngọt nói:

– Thời gian từ nhờ cậy anh Ba về nói, đến gặp trực tiếp Út Hường, cho đến thưa chuyện cùng bác Năm tận nhà, mặc dù hẹn một tuần, nhưng đã hơn vài tháng, cũng đủ dài cho một lời hứa. Đó là một bên muốn xóa bỏ hận thù, còn một bên vẫn cố chấp hận thù. Tuy nhiên việc hôn nhân là hệ trọng, vẫn còn chưa muộn. Lần cuối cùng, tôi mong anh Ba biết ứng xử êm đẹp cho gia đình mình. Thôi, hai anh em nói chuyện với nhau đi! Nhớ lấy ba điều phải trả giá?

Phi Hùng bước ra, đóng cửa, sai lính đứng canh. Trở về phòng, y viết thư, kêu đồn phó vào bảo:

– Đem tối hậu thư nầy xuống cho bà già Năm: nếu gả Út Hường thì mọi chuyện êm xuôi, bằng không, chỉ chỗ bắt được Hai Thành thì hai con bà mới được thả về. Đi đi!

Tư Râu Xồm dạ rõ lui ra, ngoắc Ba Gà Nòi đang đá gà với bọn lính, chìa ra phong thư, dặn dò. Ba Gà Nòi bắt con gà nòi bỏ vào cái túi đệm có khoét lỗ, mang đi như dân đá gà chuyện nghiệp. 


4

Cô gái bạn cùng tuổi Út Hường tóc kẹp nửa lưng, mặt trái xoan thùy mị, thời trang áo xanh da trời vai phùng, tay ngắn, có tên là Lý. Là đoàn viên Thanh Lao, Lý được Năm Tâm giao thay Út Hường đem cơm cho Hai Thành ở bìa rừng lá. Tình cảm như Út Hường, vừa thấy mặt Hai Thành gầy gò xanh xao, Lý bật khóc:

– Anh Ba Vàng bị bắt làm con tin; chưa kịp gì nó bắt luôn Út Hường; còn gởi tối hậu thư cho má Năm! Tư Đỏ lặn vô thế bất hợp pháp rồi! Bà già chết lên chết xuống!   

– Vườn nhà em, hoặc trong nhà đào hầm bí mật có được không?

– Nhà em cũng “hôi ổ”!  Hổng được đâu! Má em nói: Tao không sợ chết. Chỉ sợ cho cán bộ. Cứ để nó hoành hành, nó bắt riết hết trơn! Nó có thèm thi hành hiệp định Giơ-neo-giơ-niếc gì mà phải chánh trị với nó hoài thì có nước chết tới thằng Việt Cộng cuối cùng thôi! Bà con ai cũng đòi Đảng cho làm võ trang mới được!  

– Thôi  em về đi kẻo tụi nó theo dõi nguy hiểm! - Hai Thành tiếp gói cơm, giục hối.

Trên đường trở về, lo âu việc anh Hai Thành phải có hầm bí mật để ở, Lý đến thẳng nhà bác Bảy. Vừa vào gặp bác, Lý hỏi ngay:

– Có anh Hai Rô ở nhà không bác Bảy ơi?

Ngẫm nghĩ một lúc, bác Bảy tĩnh tuồng đáp:

– Không! Không có!

– Anh Tư  Đỏ có lại đây không, bác?

– Không! Cũng không thấy Tư Đỏ!

– Thôi bác ơi! - Lý giọng hờn mát - Con mà bác cũng giấu nữa ha?!

– Mà bây kiếm hai thằng đó mần chi? 

– Bác có biết chuyện gì đằng nhà má Năm chưa?

– Biết rồi! Sắp làm sui gia mà sao hổng biết!

– Hổng phải vậy đâu! Bác giả bộ! Lâu nay nhà má Năm bảo bọc anh Hai Thành, giờ lộ rồi! Phải tính cách nào đưa anh Hai Thành ra khỏi vòng nguy hiểm ?

– Ờ ! Vậy thì chỉ có hai thằng đó mới lo nổi chuyện nầy. Ở ngoài cù lao Cây Gáo ấy. Bây có ra đó phải ngó trước dòm sau cho kỹ nghe hôn!

Lý “dạ” nhanh rồi  khắp khởi te đi.

Cù lao Cây Gáo thành danh bởi có cây gáo lâu đời, thân cành sù sì khẳng khiu sống giữa rừng lá dừa nước cùng ô rô cóc kèn và nhiều loại cây tạp khác. Đây là cù lao con nằm trên sông nhánh Phước Hiệp, nước ròng trong ngọn chảy ra sông Hàm Luông ngang qua đồn dân vệ của Phi Hùng. Cù lao gần bờ phía bên ấp nhà, Lý chỉ qua cây cầu tréo là đến, rồi men theo con đường mòn nhỏ dẫn vào ngôi chùa lá đơn độc. Bà sư già chừng bảy mươi tuổi đang chăm hoa kiểng trước sân. Ý thức cảnh giác giúp sư già tinh mắt, từ xa đã nhìn lom lom đứa con gái diện như dân chợ xồng xộc đi vào. Lý đến gần lễ phép cúi chào. Sư Bà “Mô Phật!” đáp, chợt nhận ra hơi quen mặt, hỏi:

– Cháu in là con Lý, con bà Ba Tại phải không?

– Dạ phải!

– Lâu quá không thấy bây theo má đi chùa. Năm nay lớn đại, lại ăn diện, bà nhận muốn không ra. Sao? Có đám nào đi nói chưa?  

Đôi má đầy đặn của Lý đỏ hồng lên, cười cười hàm răng trắng muốt, chưa kịp đáp gì thì Tư Đỏ nghe động, từ trong chùa chạy ra, ngạc nhiên:

– Em đi đâu đây Lý? Coi chừng tụi thám báo Ba Gà Nòi bám theo là tiêu anh!

– Tiêu anh thì em cũng chẳng còn! Chỉ lo cho anh Hai Thành!

– Các con vô chùa đi! - Sư Bà chắt lưỡi - Trẻ người hay dễ ngươi!

Tư Đỏ đưa Lý vô chùa gặp Hai Rô đang đào hầm bí mật dưới điện Phật. Ba người rì rầm với nhau. Bấy giờ Lý mới biết hai anh đang chuẫn bị chỗ cho anh Hai Thành ra đây. Nghe tin Út Hường bị bắt lên đồn, đôi mày rậm Hai Rô sầm xuống, miết chặt hai hàm răng đến nổi vồng lên những đốt xương gồ ghề trên khuôn mặt vuông gân guốc. 

Phần sông phía ngoài cù lao Cây Gáo gian cách rộng, vọng vào tiếng xuồng máy của lính đồn đi tuần tra, nổ bành bạch chạy vào trong ngọn.


5

Trong phòng tạm giam, hai anh em Ba Vàng ngồi lặng im. Mâm cơm ê hề thịt cá vẫn y nguyên, nguội lạnh. Chừng không lặng im nổi, Ba Vàng giọng buồn thâm trầm:

– Hôm đó, anh đem ảnh về cho em là nó gởi thì cầm, chớ còn đâu phải nhận lời gì! Anh vẫn biết rằng em và Hai Rô… Giờ đây chắc là anh phải chọn giải pháp cuối cùng! Trả giá bằng sinh mạng của mình!                                      

– Anh Ba! - Út Hường day qua ôm anh, òa khóc.

Cánh cửa phòng sịt mở. Phi Hùng bước vào, trở về vẻ mặt hiền quan sát, bước nhè nhẹ ngồi dối diện hai anh em. Chờ  Út Hường dịu cơn xúc động, hắn mềm mỏng:

– Ra điều kiện vậy chớ nở nào xử tệ với anh Ba sao? Thôi, anh Ba về nhà đi nhé!  Về luôn. Để tôi nói chuyện với cô Út lần nữa coi sao? - Hắn day ra cửa gọi lớn - Lính đâu? Vào đưa anh Ba Vàng về tận nhà!

– Không! - Ba Vàng cưỡng lại - Tôi chấp nhận trả giá bằng biện pháp cuối cùng thì  phải thả em gái tôi về! Tại sao không thả?

– Coi kìa! - Vẫn giọng bình tĩnh, Phi Hùng thuyết phục - Là bắt đâu mà bảo thả? Tôi đã nói là chỉ ra điều kiện thế thôi. Rồi đằng nào tôi cũng cho về nhà hết kia mà! Tôi hứa nói chuyện tử tế với cô Út rồi sẽ cho đưa về sau. Thôi anh Ba vui lòng về trước đi! Anh yên tâm. Tôi hứa dứt khoát mà!

Theo cái hất hàm của trưởng đồn, tên lính vào đẩy vai Ba Vàng ra khỏi phòng. Phi Hùng bước ra chốt cửa lại, nói ngay với Út Hường:

– Em nên biết rằng, từ nơi em, nghĩa là chấp nhận thành hôn, sẽ là sự bình yên cho anh Ba và cả gia đình; quan trọng  nữa là việc truy ra Hai Thành cũng bỏ lơ luôn.   

– Tôi có quan hệ gì với Hai Thành đâu mà! - Út Hường cố gắng chế ngự hồi hộp để bình tĩnh đối đáp sao cho an toàn - Còn chuyện hôn nhân thì tôi đã hứa hôn với anh Hai Rô; coi như là gái đã có chồng. Thiếu úy là người có học chẳng lẽ đi ép uổng vợ người hay sao?

– Chà! Lý lẽ thông minh quá! Nhưng cũng chỉ là mới hứa. Mà Hai Rô đi làm khu trù mật đã bỏ trốn bị lính bắn chết rồi.

– Nói láo! - Uất ức, Út Hường đâm mất bình tĩnh - Mấy người dã man neo đá Hai Rô quăng xuống sông bên đồn nầy! Thả cho tôi về!

– Anh  chỉ nghe ông đồn phó nói vậy, biết vậy. Nhưng nếu thật vậy thì Hai Rô cũng đã chết rồi. Lo là lo cho những người còn đang sống. - Phi Hùng vẫn kiên trì dịu ngọt  - Còn anh thì tha thiết yêu em! Trong tay quyền lực, nhưng anh không ra tay, bao lần giao hẹn cũng bỏ qua, vậy chưa đủ để chứng minh cho tình yêu chân thành của anh hay sao? Giờ đây anh có thể bỏ hết chức quyền để yêu em, anh có thể cùng em đi thật xa, đến một nơi an nhàn không bị ai quấy rầy. Thôi em cứ bình tâm suy xét, anh chờ!

Nói xong Phi Hùng đứng lên bước ra cửa. Út hường bước theo kêu lên thảng thốt:

– Không! Tôi không ưng lời cầu hôn của ông! Dù Hai Rô chết rồi! Thả cho tôi về!

– Ai bắt đâu mà thả! Tất nhiên là cho về, nhưng khi nào tôi biết được sự đồng ý của em. Nếu không thì cũng phải được biết mật khẩu và điểm hẹn với bí thư Hai Thành mà cô Út đã từng đi xúc tép, liên lạc.

Dứt lời hắn bước ra, đóng nhanh  cửa lại, cho lính đứng canh  bên ngoài.

Ở nhà nóng ruột con  gái, má Năm bấy giờ đang ở ngoài cổng đồn, đòi vào. Phi Hùng cho lính đóng cửa, không tiếp. Bà ba Tai má của Lý, bà Sáu Quýt má của Chanh, cùng một số bà con lên hổ trợ,  hô la:

 “Yêu cầu trưởng đồn Phi Hùng thả Út Hường về nhà với má!”

Phi Hùng bảo lính:

– Mặc kệ cho họ gào la. La riết mỏi miệng khắc thôi.

Trời tối dần. Các xóm kéo lên đỏ đuốc rừng dừa. Bà con dân chợ kéo đến hổ trợ cùng hô la. Hô mặc hô trong đồn vẫn im lặng. Một số bà con bàn tán: “Chánh quyền trong tay người ta, họ lộng hành quá! ”

Rồi đuốc tàn. Lẻ tẻ bà con tản dần, chỉ còn lại có bà Ba Tai, bà Sáu Quýt ngồi trước cổng đồn cùng má Năm không biết đến bao giờ! Sương đêm mỗi lúc càng lạnh...

 

6

Tư Râu Xồm thấy Phi Hùng trăn trở trên ghế bố ở bên lô-cốt mẹ, buông lời phỉnh nịnh:

– Ngài thiếu úy nhỏ tuổi hơn tôi nhiều, nhưng cho tôi tôn làm đại ca. Chỉ cái việc

 cám treo để heo nhịn đói” cũng đủ bái phục! Tội gì với con nhỏ con Việt Cộng mà thiếu úy phải chiều lòn ngon ngọt với nó dữ vậy?

Phi Hùng chép miệng:

– Con nhỏ đẹp quá, lại đằm thắm nết na! Nhưng anh làm sao hiểu nổi sự ảnh hưởng chánh trị đối với cái gia đình nầy bị đánh gãy bằng thu phục nhân tâm. Hơn nữa, nói xin lỗi anh Tư, chắc là anh cũng chưa từng chịu đựng sự rung động của trái tim?

– Đúng! Tôi võ biền, tán gái chỉ bằng sức mạnh. Thiếu úy thừa sức và cả thế mạnh. Tại sao không dùng?

– Dùng sức mạnh chỉ chuốc lấy oán thù, không thu phục nổi trái tim. Phải chính bằng trái tim mới thu phục được trái tim.

– Thưa thiếu úy. Với tình thế nầy, cách đó là ảo tưởng!…

Chợt nhớ hôm về quận, ông chú cũng đã nói:…thực tế nó không theo như ý mình muốn…Rồi thực tế sẽ cho cháu sáng con mắt!… Đang trầm ngâm chợt lọt tai câu nói của đồn phó làm Phi Hùng giật mình:

– Coi cái mòi nầy không đời nào thu phục trái tim được đâu mà hổng chừng bức bách quá, con nhỏ dám tự vận chết à?         

Phi Hùng tốc dậy chạy bay vào phòng tạm giam Út Hường. Vừa kịp lúc Út Hường đập vỡ cái khung kính lộng ảnh mình được phóng rất to, toan lấy mảnh kính rạch vào bụng. Hắn nhào tới chụp tay Út Hường giữ lại, vừa năn nỉ:

– Anh đang cầu mong em đưa tay cứu vớt một linh hồn sắp sa vào vòng tội lỗi! Một linh hồn đam si tình yêu chân thành! Vậy nếu như anh không giữ được lời tốt đẹp ban đầu thì…thì là lỗi tại em! - Giành được mảnh kính và trong tay còn đang ôm tấm thân Út Hường mềm mại kiều diễm, Phi Hùng bằng chiêu độc trong làng võ, điểm huyệt làm cho cô rũ riệt tay chân, thả ngồi xuống ghế, rồi nhanh tay thu lượm hết những mảnh kính vỡ, hé cửa đưa ra ngoài kêu lính dọn. Trở lại salon ngồi đối diện Út Hường, hắn dằn cơn dục vọng vừa trổi dậy, mặc cả lần cuối cùng - Như lời đã hứa với anh Ba, anh rất muốn để em trở về vẹn toàn trinh tiết. Nhưng cái thế của anh bây giờ nếu không thành duyên nợ cùng em thì… đương nhiên không có lý do gì để từ bỏ quyền chức, dù rằng không ham, chỉ vì cần tròn bổn phận với cấp trên. - Hắn dừng lời hơi lâu cho kịp ngắm vào người nghe rồi rành rọt tiếp - Vậy em có thể cho biết mật tín hiệu, cùng điểm hẹn với Hai Thành? Đó là cái giá trinh tiết của em?  

  – Tôi không biết Hai Thành nào hết! - Út Hường long tròn mắt, gào thét - Thà chết còn hơn! Ông giết tôi đi! Tôi xin ông cho tôi một phát súng?

Phi Hùng vòng qua bụm miệng Út Hường, buông lời cợt nhã:

– Em đẹp lắm! Ai đành lòng nào giết em chết, em ơi!

 Sẵn bụm miệng Út Hường, hắn rút khăn nhét cứng vào, rồi nâng niu bồng tấm thân hằng đem vào mộng đặt lên giường. Út Hường giẫy giụa dữ dội, song rồi đuối dần, tuyệt vọng…

 Trong khi nầy, ngoài cổng đồn ba bà già ngồi bên nhau, than thở. Bà Ba Tại nhà bên cạnh ngấp nghé chuyện sui gia giữa con Lý và Tư Đỏ, mở lời khuyên:

– Thôi bề gì cũng…Ta về kẻo sương gió rồi cảm lạnh, chị Năm!

Má Năm vẫn ngồi lặng im, nước mắt lăn xuống đôi má răn reo từng dòng, từng dòng. Bà Sáu Quýt ở tuốt xóm trong ngọn cũng hết tình với gia cảnh má Năm, lấy miếng trầu têm sẵn đưa mời má Năm ăn cho đỡ lạnh, vừa chép miệng :

– Ước gì Cụ Hồ cho mấy đứa bộ đội tập kết miền Bắc trở về đánh võ trang như hồi đó! Chánh trị, nói miệng tài với cái máy chém hết xiếc rồi!

Sương mùa đông trên tầng lá dừa rơi lộp độp trên tàu lá chuối ở vườn bên. Bầu trời mùa khô trong vắt, đầy sao. Từng luồng gió mang khí lạnh lùa qua làm ba bà già rùng mình. Tiếng súng canh ở mấy đồn lân cận Định Thủy, Bình Khánh… lâu lâu nổ chát-đùng!

Chợt cổng đồn mở ra. Hai người lính kè Út Hường như người say lảo đảo, giao cho ba bà già ngồi chầu chực từ chiều hôm qua cho đến bây giờ. Tiếng khóc nấc nghẹn của Út Hường chan hòa tiếng khóc rấm rức của ba bà già. Bà Sáu liền thắp đuốc, quơ quơ đi trước soi đường. Má Năm và bà Ba dìu Út Hường loạng choạng bước theo sau.

Ánh đuốc chập chờn trong rừng dừa. Tiếng khóc hòa trong tiếng lửa đuốc quơ xé gió ù ù, cháy nổ lắc rắc. Lúc tỏ ngọn, lúc chực lụi tàn, rồi được mồi ngọn đuốc mới, lửa lại cháy tỏ phừng phừng, nổ lắc rắc to hơn. Gió đêm từ sông Hàm Luông thổi lộng rừng dừa xạc xào liên miên, nghe như lời ai oán từ cõi âm vọng lên, như lời oan hồn người thân khuất mặt vọng về!…

Tâm trạng Út Hường tan nát! Hẹn nhau xong mùa cấy mà nay lúa đã ngậm sữa rồi! Sẽ chẳng bao giờ có cảnh: vợ bơi xuồng, chồng chài cá trên sông! Những mẻ chài anh quăng mới tròn làm sao! Rồi những bữa cơm gạo mới ăn với tôm càng nướng làm gỏi củ cải nhai dòn rụm, vợ chồng nhìn nhau đầm ấm biết bao! Thôi hết rồi mộng mơ!   Giờ đây anh nằm dưới đáy sông, cá tôm đang rỉa dần thi thể! Chắc rồi em cũng sẽ theo anh!… 

Trên đường vườn, nước mắt rơi theo cùng tàn đuốc dài  dài…

Chương : 1    2    3    4   5   
Thanh Giang
Số lần đọc: 1502
Ngày đăng: 01.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh