Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
933
123.236.162
 
Thời áo trắng
Hoàng Mai Quyên
Chương 5 - Bữa cơm vùng sông nước

Thằng Dũng chẳng hiểu sao lại nghỉ học nữa. Tôi thấy nhỏ Bích lại nhăn nhó nhưng chưa có thời gian rảnh đề vô nhà Dũng được. Không biết Dũng có bệnh hay lại gặp điều gì khó khăn trong cuộc sống chăng. Bữa nay trống đánh báo hiệu tiết học thứ ba đã bắt đầu được 5 phút rồi mà vẫn chưa thấy cô Trang dạy Hóa đâu cả. Bọn con trai lớp tôi đã hối hả thúc giục Hiệp lớp trưởng:

 

- Ông lên văn phòng coi có cô không? Làm lớp trưởng là chỗ tụi này nhờ cậy lúc này mà ông chậm rì hà. Bộ muốn tụi này phế truất hả.

 

Khi Hiệp quay trở lại báo tin cô Trang nghỉ vì đi họp Hội đồng bộ môn thì tiếng của Hiệp như bị chìm đi trong tiếng xếp tập vở rào rào, tiếng la hét, tiếng cười và cả tiếng hú khoái trá. Bích chợt nảy sáng kiến:

 

- Vậy là tụi mình đựơc nghỉ hai tiết lận. Hay bây giờ lớp mình vô nhà Dũng thăm nó ha Hiệp.

Đúng là "nhất cử lưỡng tiện" vì nếu không đi hôm nay thì nhỏ Bích phải đơn phương độc mã thân chinh một mình đến nhà Dũng. Nghe chừng có lý, Hiệp vội nói lớn:

 

- Bạn Dũng đã nghỉ học một bữa rồi mà chúng ta không biết lý do. Sẵn bữa nay trống hai tiết, lớp mình vô thăm Dũng. Bạn nào đi thì giơ tay lên.

 

Đa số đều giơ tay đồng tình nhưng nhỏ Hồng thì đã la lớn:

 

- Bọn tui bận áo dài như vầy đi bất tiện lắm. Hay là chờ bọn tui về nhà thay áo khoảng nửa tiếng sau hãy đi nha.

 

- Trời ơi, bố chỉ việc cột hai tà áo lại là xong. Có gì đâu?

 

Tiếng la của tên tóc ngắn nào đó nhưng Hiệp đã đồng ý chờ bọn tôi về thay đồ. Và thế là nửa tiếng sau, bọn tôi đã ung dung cưỡi ngựa sắt thẳg đường kinh bảy trực chỉ. Dẫn đầu đoàn quân 12A9 vẫn là Thịnh mỏ vịt. Trên chiếc xe của Thịnh còn gắn một cây cờ mà cậu ta đã chế ra từ lúc nào. Vừa chạy, cái miệng tía lia của cậu ta vừa la toang toác:

 

- Xin bà con tránh vô nhường đường cho đoàn đua 12A9 đang trên đường về đích.

 

Mấy bạn nam chạy xe đằng sau hò hét hưởng ướng gây sự huyên náo cả con đường quê. Chỉ đến khi mấy con chó vừa sủa vừa chạy theo xe khiến cho mấy bạn nam hoảng hồn co chân lên không dám đạp xe nữa thì lúc ấy họ mới chịu im. Cuối cùng bọn tôi cũng đến được nhà của Dũng. Hóa ra Dũng nghỉ học vì đi cắt lúa mướn. Khi bọn tôi tới thì Dũng cũng vừa về. Nhìn thấy bọn tôi, nụ cười vẽn lẽn nở trên khuôn mặt đen nhẻm của Dũng:

 

- Tui nghỉ học hai bữa đi cắt lúa kiếm gạo ăn. Mai là tui đi học liền mà. Hiệp thở phào nhưng nét mặt đăm chiêu. Cũng tội Dũng, không còn cha mẹ nên hai anh em phải tự lực kiếm sống. Họ đã vượt qua bao khó khăn để Dũng có thể theo học đến lớp 12. Mặc dù nhà trường đã miễn tiền học phí, xây dựng và quỹ khuyến học đã giúp đỡ phần nào cho Dũng nhưng trong cuộc mưu sinh đầy gian truân này, hai anh em Dũng phải đương đầu với bao sóng gió.

 

- Đói bụng quá rồi Dũng ơi. Có gì ăn không?

 

Lũ con trai đã đi quanh nhà và kêu la thảm thiết như bị bỏ đói mấy ngày rồi. Dũng ngại ngùng lên tiếng :

 

- Nhà chỉ còn gạo thôi. Hay là tụi mình ra đồng bắt cá nha. Nhà tui có cái chài nè.

 

Bọn con trai hớn hở chất cả đám lên chiếc xuồg. Hiệp lắc đầu:

 

- Đi cả đám như vầy thì còn chài nỗi gì. Coi chừng chìm xuồng bây giờ.

 

Còn lũ con gái bọn tôi cũng nhao nhao đòi được ra đồng. Dũng phải chạy qua nhà hàng xóm mượn thêm một chiếc xuồng thế là lũ con gái vội vã chen nhau lên xuồng. Hiệp phải la to:

 

- Nước ngoài đồng sâu lắm nha các bạn. Ai không biết lội thì làm ơn ở nhà dùm đi, kẻo ra đó chết chìm không ai vớt được đâu.

 

Có lẽ nhờ khuôn mặt trang nghiêm ít khi cười của Hiệp mà một vài bạn nữ vội vã lên bờ. Nhỏ Hồng không bỏ lỡ thời cơ đã kịp thời phân công:

 

- Tụi bây ở nhà bắc nồi cơm lên nha. À mà nấu hai nồi đi. CHờ tụi tao đi bắt cá về ăn.

Mặc kệ tụi ở lại trề môi một cách tiếc rẻ nhỏ Hồng khoái chí tử cười thật lớn rồi bơi mạnh mái chèo thật điệu nghệ để đưa chiếc xuồng ra xa. Mấy thằng con trai ở xuồng trước quay lại chọc:

 

-Trời ơi, mũi xuồng chỗ nhỏ Hồng ngồi chúi sâu xuống nước rồi kìa. Nội chở một mình nhỏ Hồng cũng sắp chìm rồi, mấy bồ ngồi chung hổng sợ sao.

 

Nhỏ Hồng giơ mái dầm lên dứ dứ vào đám con trai. Khuôn mặt tròn quay rất baby của nó ửng đỏ coi thật dễ thương. Được cái nhỏ Hồng chẳng giận ai bao giờ vì nghe nói từ thuở nhỏ, Hồng đã "phì nhiêu" như thế rồi. Cả lớp ai cũng mến cái tính "hiệp sĩ" của nó. Tôi nhìn theo động tác bơi xuồng của các bạn thấy thật dễ dàng nhưng tôi không sao có thể bơi được. Hôm trước, nhỏ Bích đã hướng dẫn tôi một lần nhưng chiếc xuồng chỉ xoay vòng tròn không tiến mà cũng chẳng lùi. Nhỏ Bích đã từng nói:

 

- Mày về đây mà không biết bơi xuồng thì mãi mãi vẫn là dân miền Đông thôi, nhóc ạ.

Tôi nhìn theo cánh tay bơi nhịp nhàng của Hồng để ghi nhớ động tác mà không dám xin bơi thử. Không phải tôi sợ lũ bạn cười mình mà tôi sợ cái viễn cảnh cả chiếc xuồng sẽ lật úp thì tai hại đến dường nào. Thế rồi chiếc xuồng của bọn tôi cũng ra được đến đồng. Trước mắt tôi đồng ruộng ngập nước rộng lớn như một bờ biển mênh mông. Gió từ mặt nước thổi lên lành lạnh. Hồng bơi xuồng cặp vô đám rau muống đồng và bọn tôi thi nhau hái những đọt rau muống non mượt. Hồng hò hét như một vị tướng chỉ huy:

 

- Hái nhiều nhiều đi các bạn, lát nữa nấu canh chua là hết xẩy luôn. À, bẻ thêm cọng bông súng nữa nha.

 

Tôi đang mê mải rút từng cọng bông súng ở sâu dưới lòng nước kéo lên. Những cánh hoa súng tim tím với những chiếc nhụy vàng như ngạc nhiên mở to mắt nhìn bọn tôi. Tôi tưởng như nó đang thầm hỏi "Bạn từ đâu đến vậy". Tôi khẽ ngắt chiếc bông mới hé mở và dự tính sẽ đem về nhà cắm trên cái bình đặt trên góc học tập của mình. Chợt tiếng nhỏ Hà la to:

 

- Ê, tụi bay nhìn thằng mỏ vịt chài cá kìa bay.

 

Tôi nhìn lên và nhận ra ngay điệu bộ chài cá lúng túng của Thịnh. Hóa ra lớp tôi có nhiều chàng công tử chưa từng biết tung chài là gì. Có lẽ vì thế mà khi quăng tay chài ra xa, người cầm chài cũng quăng luôn mình xuống nước. Bọn con gái bên này la ó, chọc quê Thịnh:

 

- Ê, ê… đồ công tử bột. Coi chừng té xuống mùi hôi của mi làm cá chết hết bây giờ.

 

Thằng Thịnh được một bữa quê điếng người. Mặt mũi nó đỏ lừ và nó cũng quyết phục thù bằng cách tát nước lên xuồng lũ con gái. Bọn tôi cũng không chịu thua. Chẳng lẽ lại ngồi im chịu trận và thế là cuộc đại chiến đã xảy ra. Hai bên thi nhau tát nước và kết quả không còn ai quần áo khô ráo nữa.

 

- Lội đua mấy ông ơi.

 

Bọn con trai thi nhau lao xuống nước và thách thức bọn tôi. Tôi chỉ biết ngồi im trên xuồng nhìn các bạn tôi ra tay, xuất chiêu. Thì ra con gái bơi cũng chẳng kém gì con trai cả. Đúng là cuộc sống vùng sông nước đã ban tặng cho họ những khả năng thích ứng thật tuyệt. Chẳng bù cho tôi, tập bơi trong bể bơi đã mấy năm thế mà bây giờ giữa sông nước mênh mang này, tôi chẳng dám lội xuống. Nhìn các bạn tôi hò hét chơi trân giả dưới nước, tôi thấy họ thật hồn nhiên đáng yêu làm sao. Chẳng còn những khuôn mặt nghinh nghinh ra vẻ bất cần đời, những câu trả lời cộc lốc ngang tàng hay những hành động tỏ ra anh hùng rơm giữa lớp nữa. Đàng xa xa kia, chỉ có Hiệp và Dũng đang cặm cụi chài cá để lo cho gần hai chục cái bao tử rỗng tuếch đang mải mê chinh chiến. Cuối cùng khi nghe lệnh rút quân của Hiệp, tụi thằng Thịnh mới chịu ngưng chiến trận. Thằng Thịnh hô to:

 

- Thả tàu về, anh em ơi.

 

Đến môn thả tàu này thì tôi chịu thua. Nhìn các bạn nằm ngửa trên mặt nước, khoanh tay và từ từ trôi về khiến tôi tròn mắt thán phục. Môn này tôi đã tập bao nhiêu lần mà không thành công.

 

Bọn con gái tụi tôi phải chia làm hai xuồng bơi về. Cũng may Hiệp và Dũng chia nhau bơi ở hai xuồng nên bọn tôi chỉ việc ngồi để phơi đồ cho khô, lúc này bọn tôi mới quan tâm đến chỗ chiến lợi phẩm mà Hiệp và Dũng thu được từ sông nước. Thôi thì "tả pí lù", trong xuồng có cả cua, ốc, tép, cá nhưng nhiều nhất là cá linh. Những con cá tươi rói bơi lội tung tăng trong khoang xuồng. Hiệp vừa bơi vừa nói:

 

- Các bạn tranh thủ mần cá để lát nữa về mình chỉ việc nấu thôi.

 

Bọn tôi xúm lại bóp ruột cá linh. Hiệp và Dũng quả là những tay chài lành nghề. Mới khoảng gần một tiếng đồng hồ mà bọn tôi đã có gần 2 kg cá, đủ để làm một bữa tiệc đồng quê thịnh soạn. Khi về tới nhà Dũng đã hơn 11h trưa. Bọn con trai vừa chạy ra sân phơi đồ cho khô vừa hối thúc lũ con gái:

 

- Nấu cơm lè lẹ đi mấy bà ơi. Tụi này đói muốn gần chết đây nè.

 

- Cho mấy ông chết luôn đi. Biểu chài cá không chài bây giờ có cá đâu mà ăn.

 

Nhỏ Hồng tru chéo nhưng cũng xăn tay áo vào bếp. Số cá linh đã được bọn tôi mần sẵn, một nửa nấu canh chua, một nửa kho. Mỗi người một tay một chân góp vào bữa ăn khiến cho nhà Dũng rộn ràng như có đám tiệc. Tiếng dao bằm tỏi để làm mỡ tỏi bỏ vào nồi canh chua nấu với rau muống, tiếng bằm ớt, hành bỏ vào chảo cá kho nghe cứ nhộn nhịp rộn ràng. Tốp thì hối hả quét nhà trải chiếu dọn cơm. Tội nghiệp Dũng phải chạy qua nhà hàng xóm mượn thêm chén đũa. Cũng may nhờ các bạn ở lại chuẩn bị trước nên hai nồi cơm đã chín, chờ nồi canh chua và nồi cá kho thơm lừng bưng xuống là nhập tiệc. Cả bọn vừa ăn vừa thổi phù phù vì nóng. Thịnh vừa ăn vừa quệt nước mắt nhăn nhó:

 

- Cha nào chơi ác để ớt vô chén tui cay muốn xé họng đây nè. Bới chén nữa coi.

 

- Trời ơi, mấy ông ăn như máy suốt cửu long ai bới cho lại. Í là dể ớt cay mà tui bới cho ông hai chén rồi, tui đã ăn được chén nào đâu. Thôi bây giờ ai ăn người đó ra bới đi. Mỏi tay quá trời.

 

Nhỏ Bích la oai oái làm cả bọn cười rần rần. Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ mà hai nồi cơm, canh chua và nồi cá kho đã hết sạch sành sanh. Thằng Tùng "đại dâm tặc" giơ cao cái chén quơ qua quơ lại trước mặt mọi người pha trò.

 

- Ở quê tôi, trái chanh to bằng ngần này lận.

 

Nhỏ Bích cũng giơ cao nồi cơm, nồi canh trống không đáp lại:

 

- Ở quê tôi, trái chanh to bằng cái nồi này lận.

 

Cả bọn cười đến chảy nước mắt. Dũng nói như phân trần:

 

- Lần sau các bạn vô phải báo trước. Tui sẽ đãi các bạn món mắm chưng hết xẩy luôn. Mắm này mà ăn với bông điên điển, bông súng, giá, rau muống là quên nó luôn.

 

- Thôi mày đừng nói nữa, tao đã bắt đầu thấy đói đây nè.

 

- Hay là mình luộc ốc với cua ăn nha.

 

- Thôi, mấy bạn đùa cho vui thôi chớ no hết cả rồi. Mai Dũng đi học nha. Mình đem tập đến cho bạn chép bài nè.

 

- Công nhận lớp trưởng lớp mình số dzách à nha. Lúc đầu đến đây tui cũng nhớ là hỏi lý do vì sao Dũng nghỉ học nhưng đói quá quên luôn. Nhưng công nhận bữa nay vui quá sá là vui nha. Bữa cơm này, đúng là nhớ đời. À mấy bồ còn nhớ hôm du khảo về nguồn ở dinh Đức cố không. Tụi mình ăn hết mấy chảo cơm chay lận.

 

Cả bọn cười ồ vì cái miệng láu lỉnh của Thịnh. Ai đó đã đặt biệt hiệu mỏ vịt cho Thịnh quả không sai. Thịnh có khiếu ăn nói khiến người ta phải bật cười nhưng Thịnh đã nói dùm tôi một điều mà tôi vừa cảm nhận được : Tất cả những điều vừa xảy ra hôm nay sẽ mãi mãi trở thành kỉ niệm khó quên nhất đối với tôi và của tất cả mọi thành viên 12A9 này nữa.

 

6. NHỮNG NHÀ CẢI CÁCH TÁO BẠO…

 

Thế rồi nước cũng rút. Cơn thịnh nộ của chàng Thủy Tinh cũng vẫn nhận hậu quả thất bại trước sức lực của con người như từ ngàn năm trước. Ở đây, người ta đã làm hệ thống đê bao ngăn lũ nên tác hại của lũ chẳng đáng là bao. Năm học đã bắt đầu được gần hai tháng rồi. Chẳng biết giọng đọc của tôi có sức truyền cảm như thế nào mà cô chủ nhiệm và ban chấp hành Đoàn trường đã bắt tôi vào chức phát thanh viên của chương trình phát thanh học đường. Thực ra công việc cũng khá đơn giản. Mỗi tuần vào giờ ra chơi sau hai tiết, tôi xuống văn phòng Đoàn và chỉ đọc những tư liệu mà thầy bí thư Đoàn trường đã chuẩn bị sẵn .Lúc đầu tôi cũng cố gắng đọc cho thật hay để không phụ lòng tin cậy của cô nhưng câu nói của Hiệp làm tôi xuống tinh thần:

 

- Mai khỏi cần tốn công sức cho việc đọc diễn cảm.

 

- Sao bạn lại nói vậy?

Lòng tự ái dâng tràn khiến tôi cảm thấy tên lớp trưởng này thật là nhiều chuyện. Trong khi thầy Bí thư Đoàn trường mỗi khi gặp tôi đều chỉ khen mà thôi.

-Mai đừng nóng nẩy. Tui không dám bình phẩm gì về giọng đọc của Mai mà tui chỉ tiếc Mai đổ công sức vào việc đọc mà kết quả thu được chẳng bao nhiêu.

-Thì Hiệp cứ nói thẳng đi, việc gì phải vòng vo tam quốc vậy?

Khuôn mặt của Hiệp đỏ lên nhưng giọng nói của anh chàng vẫn rất từ tốn:

-Tui thấy giờ ra chơi, các bạn đều đi xuống căn tin ăn uống, nói chuyện. Hơn nữa chương trình lại chẳng có gì hấp dẫn người nghe vì toàn là đọc báo, đọc tài liệu không hà. Nói thật nha, nhiều khi tui chẳng muốn nghe chương trình của Mai đọc.

Tôi ngồi thừ người khi nghe những lời lẽ chân tình của Hiệp. Dẫu cho lời nói của Hiệp là sự thật nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn cảm thấy có cái gì đó thật phũ phàng. Có lẽ hiểu được tâm trạng của tôi, Hiệp vội nói như để xóa đi nỗi buồn trong tôi.

-Thật ra, đây cũng là điều bình thường trong các chương trình phát thanh học đường. Hồi tui học cấp hai cũng vậy. Dẫu cho phát thanh viên có giọng đọc hay đến đâu chăng nữa nhưng nội dung của chương trình không hay thì cũng không thu hút được người nghe tui có ý định là mình nên cải tổ lại chương trình.

-Cải cách chương trình… công việc này nghe to tát quá. Với lại tôi nghĩ mình cũng chỉ làm cho xong nhiệm vụ thôi.

-Mai không thấy chương trình của đài phát thanh tỉnh sao. Họ đâu có đọc trực tiếp như mình mà đọc thu vào băng rồi mới phát. Hơn nữa chương trình của họ có nhạc hiệu, có nhiều chuyên mục. Mình có thể bắt chước họ và chọn những chuyên mục phù hợp cho việc học tập, sinh hoạt của trường mình. Mỗi tuần mình chỉ thu một lần vào các băng và phát vào giờ chơi. Như vậy đỡ cực hơn không?

Tôi ngạc nhiên nhìn chàng hai lúa lớp tôi chẳng biết sao khi thấy ánh mắt của tôi nước da ngăm ngăm đen trên khuôn mặt xương xương của hắn ta lại đỏ nhừ. Thảo nảo mà nhiệm kỳ nào anh chàng cũng được bầu là phó bí thư Đoàn trường. Có lẽ cảm nhận được sự đồng tình của tôi nên anh chàng hào hứng bàn tiếp:

-Mai thấy ý tưởng đó được không? Tôi nghĩ mình sẽ chọn thêm một phát thanh viên nam nữa, việc nay để tui lo được. Còn nội dung như thế nào chắc tui phải nhờ Mai lên chương trình dùm. Tui thấy nhiều chuyện mình có thể đưa lên chương trình như: tệ nạn, đi trễ, cúp cua, tình hình điểm đen, quay cóp khi thi cử hay những quan niệm về tình yêu…

-Bộ Hiệp yêu rồi hay sao mà biết…

-Mai chỉ có tài chọc tui thôi hà. Thấy tui hiền là ăn hiếp phải không?

Anh chàng lúng túng bào chữa. Phải công nhận là Hiệp có óc sáng tạo của một cán bộ Đoàn. Cậu ta biết quan sát, đánh giá những hiện tượng xảy ra quanh mình thật tinh tế. Đúng là những gợi ý của Hiệp khá hay nhưng đưa vào chương trình như thế nào cho hấp dẫn người nghe lại là cả một vấn đề không dễ chút nào.

-Mai cứ thử đề xuất một chương trình thí điểm, tuisẽ bàn kỹ hơn với Ban chấp hành xem sao.

Những đề xuất của Hiệp đem đến cho tôi bao dự tính, bao suy nghĩ mới mẻ. Quả thật, nếu bình tĩnh dẹp lòng tự ái qua một bên thì những điều Hiệp nói có phần đúng. Ngay cả những lần đọc tư liệu, bản thân tôi cũng  cảm thấy chán nản vì đó chỉ là những con số, những số liệu vô cảm. Giá như có thời gian, chỉ cần viết lại những tự liệu ấy thì hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn nhiều. Nhưng viết như thế nào, hình thức truyền đạt như thế nào… quả là một điều nan giải. Và thế là một cuộc họp Ban chấp hành thường vụ Đoàn mở rộng được triệu tập. Dân ngoại đạo như tôi và cô Lan cũng được mời dự. Hóa ra anh chàng Hiệp này đã trình bày những băn khoăn của tôi cho thầy bí thư Đoàn và ý tưởng táo bạo của hắn được thầy bí thư ủng hộ. Cô Lan được mời với tư cách cố vấn của chương trình. Hiệp trình bày dự kiến thành lập nhóm phát thanh học đường tới đâu, tôi thấy thầy cô và các bạn đều gật đầu tán thưởng. Nhiệt huyết của Hiệp như lan tỏa sang tất cả mọi người trong phòng họp. Nhưng đến phần nội dung, Hiệp ấp úng "pát-xê" cho tôi chẳng hiểu sao tôi cảm thấy run run khi trình bày những dự tính mới mẻ của mình:

-Em thấy nội dung phát thanh của mình còn rất đơn điệu. Nó chỉ gói gọn ở phần đọc tư liệu nên gây sự nhàm chán cho người nghe. Về nội dung, em đề nghị nên xoáy vào chủ đề lớn của từng tháng ví dụ như chủ đề 20/11, mừng ngày nhà giáo Việt nam, 22/12 là ngày thành lập quân đội, ngày thành lập Đảng 3/2 v.v… Bên cạnh những chủ đề lớn thì chương trình cần gắn với những nội dung sinh hoạt của Đoàn trường như tháng bộ môn, chúng ta sẽ phỏng vấn các thầy cô bộ môn về phương pháp học tốt môn đó như thế nào rồi phỏng vấn những bạn học giỏi bộ môn đó. Rồi lớp nào có phong trào thi đua tốt, mình sẽ phỏng vấn kinh nghiệm lãnh đạo của bạn lớp trưởng. Về hình thức, theo em chúng ta có thể viết những câu chuyện truyền thanh do nhóm phát thanh đóng.

Tôi ngồi xuống trong tiếng vỗ tay tán thưởng của thầy cô và các bạn. Thầy bí thư hồ hởi nói:

-Thầy rất vui trước những suy nghĩ táo bạo và rất hay của Hiệp của Mai. Để làm được những điều ấy đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả chúng ta trong đó phụ trách chính là Hiệp và Mai, thầy sẽ hỗ trợ tích cực về tinh thần và kinh phí còn cô Lan sẽ hỗ trợ với vai trò cố vấn. Cô Lan sẽ duyệt các chương trình phát thanh và sẽ cũng các em biên soạn các chương trình.

Tôi nhìn sang Hiệp và bắt gặp nụ cười thật tươi của anh ta cũng đang hướng về mình. Nụ cười đồng cảm của những nhà cải cách táo bạo. Nhưng tôi hiểu để biến những điều đó thành hiện thực sẽ là cả một chặng đường gay go,vất vả ở phía trước. Nhưng trong cuộc hành trình ấy tôi và Hiệp không hề cô đơn, vì đã có thầy cô và bạn bè cùng chung sức, chung lòng…

Chương : 1    2    3    4    5   6    7    8    9    10    11    12    13    14    15   
Hoàng Mai Quyên
Số lần đọc: 1587
Ngày đăng: 21.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Thời áo trắng (truyện dài)