Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.233.802
 
Sông Hàm Luông
Thanh Giang
Chương 5

Năm Tâm trang phục bà ba đen, khăn rằn phất qua vai, phù hợp cách ăn mặc  giản dị để đưa Chị Ba Nguyễn Thị Định đến thăm nhà má Năm. Chị Ba, Phó Bí thư Tỉnh ủy, năm ấy ba mươi chín tuổi, người đậm đà cân đối, mặt tròn đầy đặn, trắng trẻo, tóc bới tròn, mái trước quăn dợn sóng. Vừa thấy Chị Ba bước vào, má Năm ôm chầm, khóc kể nỉ non:

– Cô Ba! Chịu hết nổi rồi cô Ba ơi! Cô đến đây liều quá! Lộ Bí thơ Chi bộ Hai Thành ở cái nhà nầy, nó truy bức gắt lắm! Sao mà Năm Tâm dám đưa cô Ba đến đây?!

– Cô Ba đòi đi! - Đáp xong Năm Tâm chạy ra đường. Chị Ba lau nước mắt cho má:

– Đi công chuyện, nghe cái nỗi nhà… ghé thăm má. Út Hường đâu?

– Trong buồng. Khóc mắt sưng húp!

Hay cô Ba vào, Út Hường chồm dậy ôm chầm, nấc từng cơn. Chị Ba cũng chỉ biết vuốt ve. Má Năm theo vào, nói cộc lốc:

– Thà Đảng cho làm võ trang như hồi năm: năm mươi tư đi! Bà con không chỉ dám chứa mà còn xông ra phụ đánh nữa; bằng dao xắt chuối, búa bửa củi cũng dám đánh nữa! Cô Ba làm lớn, cho lịnh “làm” đi !?

Với giọng kim trong trẻo, cảm thông, Chị Ba ân cần động viên:

– Làm gì cũng phải có lịnh. Đảng ở tỉnh, còn có Đảng ở trên nữa, ở Trung ương. Bà con ráng chờ.

– Ráng lâu rồi! Chờ tới sáu năm hòa bình đen tối rồi! Nó bất chấp hiệp nghị Giơ-neo, còn mình đấu tranh chánh trị với cái máy chém!

Năm Tâm vào giục:

– Thôi đi, cô Ba!

Chị Ba vuốt ve Út Hường rồi ôm vai má Năm, vừa tự lau nước mắt bước theo Năm Tâm. Chị muốn nói gì đó nhưng nghẹn ngào, chỉ đưa mắt nhìn thắm thiết hai mẹ con. Đôi mắt đen huyền, sắc sảo, long lanh ánh nhân từ, u buồn.

Đưa đến nút giao liên nhà bà Sáu Quýt, Năm Tâm nói để cô Ba yên tâm:

– Nhà bà Sáu có hat-bê-em, chưa lộ, nhưng cô Ba coi êm, biểu nhỏ Chanh đưa qua nút Bình Khánh. Từ đó xuống Minh Đức mấy nút giao liên cũng đỡ găng rồi. Giờ con trở về. Cô Ba đi bình yên! Mà nếu…- Năm Tâm thì thầm - nếu anh em có làm lén diệt ác, trên nghe cũng đừng kỷ luật nghen, cô Ba?

Chị Ba bậm môi rồi hơi mỉm cười, bước vào nhà. Năm Tâm kêu nhỏ Chanh ra bàn giao cô Ba. Bà Sáu mừng người cán bộ quen thuộc bằng nước mắt, vừa kể lể:

– Ba sắp nhỏ bị bắt đi làm khu trù mật Thành Thới, bắt bốn người khiêng nguyên cây dừa tơ có trái, khiêng không nổi bị lính đạp giày đinh ói máu! Nay ổng chỉ còn da bọc xương!

Chị Ba vào thăm ông Sáu. Ông ráng ngồi lên thều thào:

– Tôi chết không nhắm mắt cô Ba! Bởi không biết Đảng mình có phương sách gì để lấy lại cái thế như hồi năm: năm mươi tư? Đó là đợt chuyển vùng. Quần chúng nổi dậy tác động, binh lính địch tan rả, mình giải phóng đồn bót mà vẫn giữ thế hơp pháp.- Ông Sáu dừng lời, thở hổn hển, ráng nói tiếp - Còn bây giờ! Tôi bị nó trả thù kháng chiến cũ đã đành. Nhưng… đảng viên của chi bộ nầy chỉ còn… vài ba ngoe, mà coi bộ cũng sắp xóa sổ rồi! - Nói xong ông Sáu mệt, bà Sáu đỡ ông nằm xuống.

Với nhãn quan chính trị là Hội trưởng Hội Phụ nữ Cứu quốc Tỉnh thời chống Pháp được phân công ở lại bám phong trào, Chị Ba đầy tự tin động viên:

– Thế nào rồi Đảng cũng …Mà nỗi tình nầy chắc là Trung ương đã rõ và hổng chừng đã dự thảo nghị quyết rồi cũng nên? Tức nước-vỡ bờ! Bão nổi-sóng dậy! Chú Sáu ráng tịnh dưỡng đi rồi sẽ tới ngày đó!

Vừa lúc Chanh, con ông Sáu, cô gái mười tám tuổi, tóc kẹp gọn, mặt sáng sủa bước vào, hơi dụ dự rồi thưa:

– Thưa cô Ba! Bây giờ đi được rồi. Phải qua nhiều nút giao liên, kẻo không kịp trời tối! Đi đường du kích, nhưng cô Ba nên thay áo bà ba đen và cất khăn rằn đi.

– Được rồi, cô hiểu!... - Chị Ba an ủi ông Sáu lần nữa rồi bước trái qua buồng bên thay áo bà ba màu cánh cưỡng, cho hành lý vào giỏ xách nhựa bà Sáu vừa đưa và đội nón lá che mái tóc quăn.

Ra tới cửa ngõ, Chị Ba được cô bé cỡ mười hai tuổi, mặt nhu mì mủ mỉ, khoanh tay chào cô Ba. Chanh giới thiệu đó là Bé Ngọt, em kế mà cũng là em út, rồi hối em đi “thám thính”, có lính làm cu gáy báo động. Chị và cô Ba đi tắt đường vườn. Chanh bỏ mấy trái quýt vào giỏ và đưa cô Ba cầm tay một trái, dặn thêm:

– Cô Ba cầm tay giải khát. Cô cháu mình giả như bạn hàng chợ, vô miệt vườn dọ mối mua trái cây. Đi đường ngoài cũng được, có Bé Ngọt đi “thám thính” rồi. Nhưng mình đi tắt đường vườn cho cô Ba đỡ gặp bà con quen họ chào hỏi, lộ cô về Mỏ Cày. Hồi nầy thám báo nghều như cá kèo nước rong.

Vẻ hài lòng, Chị Ba đánh yêu lên gò má hồng đào của Chanh, rồi rảo bước theo sau. Lòng vui vui đầy tin cậy, Chị Ba bình phẩm:

– Cha tên Quýt, con gái đầu tên Chanh, con út thì tên Ngọt. Chắc là sợ con chị  chanh chua lắm nên cho con em nó ngọt dịu lại!

Đang đi, Chanh ngoái lại nhìn cô Ba trìu mến, cười ngặt nghẽo. Hàm răng hơi hô  phơi ra cái răng duyên lòi xĩ. Cô gái có cái càm bầu âu như là mụ bà khéo nặn để cho khuôn mặt dài được cân đối trở lại, trông có nét nhí nhảnh đáng yêu.

Đường vườn mát rượi, lúc qua cầu khỉ bắc qua mương, lúc xuyên vào vườn cam quýt sầm uất, chen chúc trái trên cành.

 

2

Bà Năm Lượng, tuổi gần bảy mươi (dân gian còn gọi là bà Năm Điên - con gái Cụ Hồ), lúc nào cũng thấy mặc bà ba lụa đen, đeo xâu chuổi hột đen, mang đôi guốc sơn đen. Bà đang phơi cây thuốc Nam ngoài sân trước ngôi nhà lá ven đồng. Trực nhìn thấy Ngoan, con trai bà năm ấy khoảng mười ba tuổi, thân hình gầy gò nhưng tác phong rất nhậm le, đang dẫn Chị Ba Định về tới, bà liền bước ra mừng rỡ, vừa dẫn vô nhà, vừa tăng lăng tíu líu:

– Lâu nay em trông Chị Ba và lo quá trời, Chị Ba ơi! Chị vẫn bình yên mạnh giỏi hả Chị Ba? Cụ Hồ ba em cũng mạnh giỏi bình yên hả, Chị Ba?

Chị Ba được đưa thẳng vô buông, ôm vai bà Năm:

– Má khỏe hả? - Chị liền quay ra bảo Ngoan - Em đi “móc” Chín Bê về đây.

– Biểu đừng kêu em bằng má - Bà Năm chu đôi môi khô vẻ hờn - Ba em ở Hà Nội nghe, ba em rầy em chết! Mấy anh mấy chị đi kháng chiến, em ở nhà có bổn phận nuôi dưỡng. Bồ lúa nè, cũng là của Cụ Hồ, ba em! Ruộng bà con làm ngoài kia cũng  của ba em. Chớ hồi trước làm tá điền hội đồng Sĩ, nó thu lúa ruộng một công bảy giạ. Có mùa gặt đập xong, đong lúa ruộng rồi hết trơn! Thôi Chị Ba nghỉ mệt nghen, em xuống biểu con Mới nấu cơm.

Bà Năm xuống nhà vừa lúc Hai Mới đi xúc về, thì thào:

– Chị Ba về! Con coi có con gà giò nào bắt làm thịt?

Hai Mới Tuổi trạc hăm lăm, người đề đạm, mặt hiền hậu,  thoáng vẻ băn khoăn:

– Chỉ còn có con gà mái đang ấp chớ đâu còn con gà giò nào ?!

– Thì cứ bắt nước làm thịt đi!

Cô Mới biết tánh má, lặng lẽ đi bắt con gà mái ấp. Con gà kêu á á… Trong buồng Chị Ba nghe, xuống  giựt lại con gà, đem thả nó trở vào trong ổ. Bà Năm không chịu, lại bắt con gà đưa cho Hai Mới. Chị Ba lại bắt con gà thả trở vào ổ, nói ngọt:

– Ăn  như vầy bỏ lại cả chục cái trứng sắp nở gà con là thất đức, má ơi! Má không nghe thì con không về đây nữa!

– Chị cũng lại cứ má má, con con! - Bà Năm mặt giận hờn, chợt có tiếng động trước nhà, thùng thẫy nện guốc lốp cốp bước ra.

Hai Mới trút cá tép trong bầu đi xúc ra, đưa mắt trìu mến nhìn Chị Ba:

- Mấy anh chị cán bộ lần nào tới, má cũng biểu lo đồ ăn bồi dưỡng. Gà nuôi không kịp lớn. - Nói tới đó, mắt Hai Mới bỗng tối sầm rồi bỏ trái bầu xuống, ôm Chị Ba khóc nức nở - Chồng người ta đi tập kết, thấy lâu lâu gởi bưu thiếp, gởi thơ về. Chồng em sao bặt tin, hả chị Ba? Không biết có chuyện gì ở ngoài đó không? Chị Ba ơi!

– Ra Bắc có Cụ Hồ, được học tập xây dựng quân đội chánh qui hiện đại, mơi mốt kéo quân trở về cùng đồng bào miền Nam đánh tụi nó. Không có chuyện gì đâu! Bởi vài năm đầu Mỹ- Diệm giả bộ thi hành hiệp nghị Giơ-neo, còn chuyển ít chuyến thơ từ, bưu thiếp. Sau rồi nó lật lọng. Bây giờ hô hào Bắc tiến thì mong gì chuyện tổng tuyển cử! Thôi! Ráng chờ em ơi!…

Chị Ba trở vô buồng khi nghe phía trước bà Năm lên tiếng:

– Mấy chị đi đâu đây? Đi hốt thuốc hả? Có phải vợ lính hông ?

Một trong hai chị phụ nữ trẻ vừa đến, ngập ngừng đáp:

– Dạ…Vợ lính, bà Năm!

– Vợ lính thì đi về đi! Thuốc tôi, ai làm phách, ở ác thì uống không hết bịnh đâu!

– Dạ vợ lính mà ở hiền, bà Năm. Chồng con đi lính vì bị bắt quân dịch, trốn hoài mà không khỏi, bà Năm! - Vẫn giọng chị A chân thành đáp.

– Ờ, nếu thiệt vậy thì vô  đây. - Bà Năm vừa đưa hai chị vào, vừa nói - Uống thuốc tôi thì phải ăn ở hiền lành, tu nhơn tích đức thì mới hết bịnh, nghe chưa?

– Dạ nghe rồi, bà Năm - Hai chị đồng thanh đáp và theo bà Năm bước vào nhà, nơi gian trên có kê kệ thuốc Nam bừa bộn dựa tấm vách ngăn, bên trong là buồng ngủ mà hiện giờ Chị Ba đang có mặt trong đó.

Vừa bắt mạch, bà Năm vừa nói láp giáp như cố tật:

– Âm binh đang về. Thánh thần soi xét. Ma quỉ hiện hình!…

Khi nầy, Ngoan đưa Chín Bê, huyện ủy viên Mỏ Cày vào cửa sau. Hai Mới đón, ra hiệu im lặng và chỉ vào trong buồng. Chín Bê khoảng ba mươi tuổi, mắt sáng, mũi cao, da dẻ hồng hào, trông dáng dấp như dân thầy chú, nhè nhẹ bước vào buồng. Còn Ngoan thoắt chạy ra trước “ho ho” báo hiệu với má, rồi thoắt chạy ra đường gác lính.

Bà năm coi mạch cho chị A xong, trải tờ giấy bốc thuốc và lại nói lảm nhảm:

– Hồi ta lên chùa trị bịnh, nửa đêm ta nghe tiếng kêu bên tai: “Nầy con! Ta là Quan Thế Âm Bồ Tát. Ta đầu thai xuống phàm hóa thành Cụ Hồ cứu dân độ thế. Con là con gái ta, tức con gái Cụ Hồ. Con ở chùa đây trị hoài không hết bịnh đâu! Con hãy về tìm Cụ Hồ trị cho và Cụ còn dạy cho phương thuốc trị bịnh cứu người!” Đó rồi ta trở về, ta cầm ngọn đuốc lá dừa, ta đi soi khắp trong vườn, ngoài xóm. Người ta hỏi ta tìm kiếm gì? Ta trả lời rằng: Em tìm kiếm ba em. Hỏi ba em là ai, em nói ba em là Cụ Hồ. Từ đó bà con kêu ta là: bà Năm Con gái Cụ Hồ”. Không tin đi hỏi người ta trong làng ngoài chợ thử coi?

– Dạ tin, bà Năm. Tụi con có nghe người ta kể vậy nên mới tìm đến bà đây. Bà còn nuôi con nít “xấu hái” khó nuôi, bà nuôi mạnh cùi cụi!

– Đây! Thuốc của chị nầy. Còn chị kia? Đưa tay ra ta coi mạch nào! - Bà Năm lim dim đôi mắt nhăn rẻ quạt, trên gương mặt gầy sạm màu sương gió, lại lầm rầm - Âm binh trổi dậy. Thánh thần xét soi. Ma quỉ hiện hình…

Trong buồng, chen lẫn trong những lời lảm nhảm của bà Năm, Chị Ba và Chín Bê trao đổi công việc hệ trọng.

– Khu trù mật Thành Thới nó làm tới đâu rồi? - Chị Ba hỏi.

– Làm lam nham, bởi động mồ, động mả, dân phản ứng, phá ngầm. - Chín Bê đáp - Nhưng về hình thức coi có vẻ như xong, cũng có nhà chợ, bệnh xá, trường học, đường đi trồng dừa tơ đã có trái, cốt cho đúng hạn để vài ngày nữa Ngô Đình Diệm xuống cắt băng khánh thành.

– Vận động bà con chuẩn bị sẵn sàng đơn tố cáo, kiến nghị đòi bồi thuờng, đưa tận tay Ngô Đình Diệm. Thế nào cũng có cố vấn Mỹ đi theo, bởi đây là khu trù mật thí điểm do người Mỹ là cha đẻ ra nó. - Chị Ba dừng lời lắng nghe động tĩnh, rồi tiếp - Nhưng tổ chức phải khéo, lồng nòng cốt, đảng viên lãnh đạo từng xóm ấp. Tránh quá khích như vụ Khánh Thạnh Tân hồi tháng chín năm năm mươi tư bị đàn áp đẫm máu. Còn về tinh thần tư tưởng cán bộ và quần chúng thế nào?

– Chị bên Bảo mới qua, không nói chắc chị Tỉnh ủy cũng dư biết rồi.

– Thì hãy nói cụ thể đi? - Chị Ba hơi mỉm cười - Cậu Chín chỉnh khéo tôi chi vậy?

– Không dám! - Chín Bê trầm ngâm - Địch chủ trương “bóp lòi” thâm độc! Là đánh vào đối tượng bảng đen để lòi cán bộ. Điển hình là gia đình má Năm ở Định Phước.

– Nỗi đau chung, đau lắm! - Chị Ba thoáng chau đôi mày hơi đậm, giọng nghèn nghẹn - Tôi vừa mới ghé thăm! Thấy con Út Hường nó khóc mà mình não lòng!

– Cho nên cán bộ tới nhà là bà con “đỡ ngực”! Từ mới của cán bộ nằm vùng đó, chị Ba! Là bà con họ đuổi thẳng, bảo: “Mấy chú đi mà đấu tranh chánh trị với cái máy chém! Chừng nào cho làm võ trang đánh Mỹ-Diệm đi thì về đây bà con nuôi chứa, tan cửa nát nhà cũng vui lòng!” Còn cán bộ bị truy lùng có súng không dám bắn tự vệ, để bị bắt. Có người nói với tôi: “Chỉ cần Đảng cho tôi cầm súng đánh tụi Mỹ-Diệm trong năm ngày thôi rồi đem tôi ra bắn, tôi cũng cam!”…

Ngoài trước giọng bà Năm ngân nga như đọc kinh vọng vào:

Ba Hồ dạy tôi: không ưa sự ghét lẫn, không chịu sự gian tham. Giàu nghèo coi như nhau. Bao nhiêu anh em coi như một anh em. Người khôn biết thương người nghèo khó - đó là nòi giống của ta. Cho nên các ông thánh để lại rằng:

 

Đời nầy chớ theo thời đế quốc. Tham phú phụ bần;

chớ sợ người chức quyền mà phải thương yêu người có tội.

Phải thương nhớ lá quốc kỳ

Ba tôi dựng cờ lên

Cờ đuổi Tây, đánh Mỹ…”

– A!… Chị nầy đâu có bịnh gì? - Bà Năm đổi giọng, kêu lên.

Chị B. nhìn bà Năm, thán phục, trần tình:

– Dạ, là con đi coi bịnh cho con của con. Da!…Từ hồi đẻ nó tới giờ cứ èo uộc, mắc tôm tích bụng binh rỉnh. Nghe nhiều người có con khó nuôi, đem bà Năm nuôi thì mạnh giỏi sởn sơ mau lớn. Vậy bà Năm nuôi dùm con của con đi! Con đội ơn bà Năm!

– Con ai, chớ con của lính thì ta không nuôi đâu! - Rồi bà lại ngân nga:

Ba tôi dựng cờ đuổi Tây, đánh Mỹ

không thể có người xấu

vì có người xấu là xấu lá cờ…”

Trở lại giọng thường, bà nói:

– Nếu ta nuôi con của lính, lính cầm súng Mỹ-Diệm bắn giết đồng bào, ta mang tội! Về kêu chồng trả súng, bỏ lính, rồi chính chồng chị bồng con ra đây, ta xin phép ba Hồ ta nuôi con cho.

– Dạ, dạ! Con xin nghe lời bà Năm!

Hai người vợ lính ra về. Trong buồng, Chị Ba hạ nhỏ giọng trong trẻo, rành rọt:

– Hai Thành bị truy lùng ngặt lắm! Lo trốn, không biết khỏi không?! Cậu Chín cải trang khéo, về Định Phước hổ trợ giữ vững phong trào. Thử vận dụng kinh nghiệm của Hai Hà - Tỉnh ủy viên nằm vùng Định Thủy - tổ chức bộ phận nhỏ, đóng giả bộ đội giải phóng về, lấy nòng cốt đoàn viên Thanh Lao của Phớc Hiệp qua Tân Thành Bình, rồi ngược lại, để bà con không nhận ra quen mặt con cháu trong làng; có thể tưởng bộ đội miền Bắc về. Chỉ cốt ổn định tinh thần quần chúng, thu thẻ căn cước, xé tờ khai gia đình. Sau đó để tự bà con họ lấy cớ hù dọa ác ôn, đấu lý với bọn tề. Nhớ là chưa được diệt ác rồi thành lớn chuyện. Cứ nhóng thử vậy đi, coi ảnh hưởng ra sao đã. Mà phải tuyệt đối bí mật, lộ ra là hư bột, hư  đường hết!

Bỗng từ ngoài đường, Ngoan chạy vào  hớt hãi:

  Chị Hai! Heo ăn lúa, chị Hai! Ột ột! - Nhanh chân, Ngoan tót ra vườn rượt con heo đang nằm ngủ chẳng có tội tình gì.

Thoắt cái Hai Mới vào buồng dở khạp gạo lên, nhắc nắp hầm bí mật rồi sang qua mở cửa vách hai ngăn đưa Chị Ba vào, quay lại thì Chín Bê đã xuống hầm bí mật rồi. Động tác thuần thục như máy, Hai Mới ngụy trang xong ngay.

Vừa lúc tốp lính vào tới nhà, trêu chọc bà Năm như thói quen:

– Bà già điên con gái Cụ Hồ ơi! Sao bà không hát: “Ba tao lo nước lo dân” mà đứng nhìn lom lom đi đâu vậy?

Bà Năm đứng chấp tay, mắt lộn thinh dễ sợ, miệng niệm thần chú lầm rầm. Nghe hỏi, bà giả bộ giật mình, chạy vào buồng thấy yên ổn, xách cái mõ tre ra đánh lên chóc chóc, vừa la bài hãi:

– Bớ làng xóm,  làng xóm ơi! Việt cộng! Việt cộng!

Bọn lính chạy dớn dác. Có tốp đang bẻ dừa sau vườn tụt xuống, chạy tản ra. Tên chỉ huy tỉnh hơn, sừng sộ với bà:

– Việt cộng đâu? Bà hù tụi tôi hả?

– Đó đó! - Bà Năm chỉ tay lung tung - Họ đi dài dài theo bờ ranh ngoài đồng kia kìa! Đó, họ đi trong vườn nữa kia kìa! Đó đó! Hồi khuya nầy cũng có một tốp mang súng y như mấy chú vầy. Thì cũng mấy ông biểu thấy Việt cộng về oánh mõ la làng?

Dù không tin, nhưng vẫn bị ám ảnh, tụi lính ngó theo tay bà, có tên xông vào buồng dòm ngó trên xà, dưới gầm giường. Dĩ nhiên là chẳng thấy gì, bọn chúng  cười ha hả cho đỡ sượng bộ. Tên chỉ huy muốn trêu, đưa súng cho bà, nói khích:

– Nè! Súng đây, bà đem ra cho Việt cộng đánh với tụi tôi đi? Chớ sao trốn chui trốn nhủi hoài vậy?

– Họ phục kích mấy người đó! Ừ, thì tròng súng đây tôi đem ra cho Việt cộng.

Nói xong bà Năm đứng dạng chân, giăng tay ra. Bọn lính cười nghí ngố xúm tròng súng vào, cốt cho bà ngã té chơi. Nhưng bà quây vòng tròn, súng văng tứ tung. Bọn lính sợ dơ súng, la lối, chạy đi lượm. Còn bà đứng chống nạnh cười ngặt nghẽo, chê bai:

  Súng đó là đồ bỏ, cho làm củi chụm Việt cọng hổng thèm! - Rồi bà lại hát:

“Ba Tao lo nước lo dân

Chớ đâu như quỉ mặt rằn tụi bây

Ba tao là một bực thầy

Chớ đâu như thể một bầy ác ôn…

Một tên lính mới, xôm vô định đánh bà, tên chỉ huy ngăn lại và bà vẫn hát tiếp:

“Ba tao trời đất suy tôn

Có đâu thánh oán, thần hờn chúng bây!…”

Tên lính đòi đánh bà Năm hầm hừ bỏ ra sau vườn ăn dừa với đồng bọn, văng tục:

– Bà già giả điên! Điên gì khôn trật đời vậy? Bảo xếp còng đầu bả lại đi!

– Tụi tao rình bả nhiều đêm trắng dờ con mắt - Tên lính cũ kể với vẻ huyền bí - Thường đêm, bả leo lên cái bàn tròn ngoài sân, cầm dao xắt chuối múa hát vậy suốt. Rình riết cũng vậy, mỏi mệt rồi thôi. Kệ bả! Ở trong xóm làng, nhà ai có đám giỗ đám tiệc gì đều mời bả tới để bả nói chuyện Cụ Hồ, nói chuyện kháng chiến đánh Tây. Có mặt mấy ông hội tề, hương chức thường được mời ăn giỗ, bả càng nói hăng. Chuyện không ai dám nói, bả nói…

Tên lính cũ ngắt lời:

– Làm gì có chuyện đó? Bộ mấy ông hội tề làng chịu để yên?

– Chuyện nầy cả mấy làng đều biết tiếng bả. Có lần ông Chủ tịch hội đồng hương chính đòi còng đầu bả thì chủ nhà mời đám giỗ với xóm làng họ binh; bảo chấp nhứt làm gì bà già điên. Còn bả thì càng được nước chửi xiên chửi xéo. “Ơ quan có chức, quan có chức thì quan cứ bắt con điên nầy”. Có chức, nói láy là gì mầy biết không?

– Cứt chó!

Tên lính cũ kể tiếp:

– Mầy mới đổi về hổng biết. Có lần bả đi chợ qua ngang bót, hỏi tao đang  gác: “Ê chú! Trong nầy có bán heo không? ” Tao nạt bả: “Đồn bót người ta, heo gì trong đó!” Bả nói tỉnh bơ: “Tại thấy rào gai giáp vòng, tưởng đâu trong đó là chuồng heo chớ!…” Mầy nghe có dễ tức không? Nhưng trưởng đồn không cho đụng. Đụng bả, bả la làng tối trời đất. Bắt nhốt bả, chòm xóm dậy giặc thêm phiền. Có lần bả ra chợ gặp buổi chào cờ, bả dám chổng mông lên lá cờ, hô lớn: “Cờ Mỹ-Diệm còn dơ hơn đáy quần của tao!” Tụi tao chạy lại định bắt trói bả. Bà con dân chợ xúm bu lại bảo vệ. Cảnh sát Đậu cũng phải kêu lính vô. Nhịn bà điên cho êm.

– Thôi! Ăn bao nhiêu đó đủ rồi! - Bà Năm chợt xuất hiện - Dừa đó của ba tao, ăn phải nhớ ơn Cụ Hồ nghe hông!

Tên lính mới vẫn hầm hừ, cầm dao bước lại dọa bà. Tên lính cũ níu lại. Bà Năm thản nhiên nói tiếp:

– Chớ hổng phải sao? Hồi làm tá điền hội đồng Sĩ, tới mùa đông lúa ruộng rồi xách cái thúng không về, nông dân nghèo săc máu! Nhờ ba tao dựng cờ lên, Việt Minh cấp đất, mới có lúa ăn, có cây trái ăn. Thôi! Còn chừa cho người khác ăn nữa chớ!

Nghe bà Năm la um sùm khó chịu, tên xếp kéo lính đi xóm khác.

Một lát sau, Hai Mới nấu cơm xong, dọn ra bàn tròn ở nhà dưới. Chị Ba và Chín Bê lên hầm bí mật, ngồi vào bàn ăn cơm. Một cảm xúc yên lành, Chị Ba nở nụ cười hiền, hàm răng trắng đều trân, trông trẻ đẹp như  thời con gái:

– Chà! Cơm gạo mới, canh rau bù ngót, cá bóng dừa, thơm quá! Lại còn món cá lòng tong kho tộ nữa! Ăn vầy còn ngon hơn thịt gà!

– Ngon nữa là lính vừa đi khỏi, mình đã ngồi đây ăn cơm; cơm sốt canh nóng đàng hoàng! - Chín Bê cười, song mắt vẫn liết chừng ra sân, trông thấy Ngoan gác tịnh, hào hứng tiếp - Chiến tranh thế giới không có được cảnh nầy!

– Vậy mới thấy thế chánh trị hợp pháp của quần chúng là cực kỳ quan trọng. - Chị Ba bình luận thực tiễn  - Địch đánh vào dân, “bóp” mà không “lòi” cán bộ, chính nhờ cái thế nầy. Tuy bà Năm “Điên” độc đáo, kỳ bí, nhưng cũng là nhờ dựa vào cái thế, cái lý chánh trị của quần chúng bảo vệ bà. Phải ráng giữ vững và củng cố thế chánh trị hợp pháp nầy.

– Nhưng tôi mới vừa báo với chị là dân họ đòi cho làm võ trang. Vô họ “đỡ ngực!”

– Đỡ ngực, không chứa trong nhà, nhưng dân không bao giờ bỏ cách mạng, bỏ cán bộ Đảng. Họ vẫn bày cách cho cán bộ ở lùm, ở ngọn dừa rồi qui ước mật khẩu, ám hiẹu để liên lạc, tiếp tế cơm nước. Cứ nói thẳng với bà con là: phải chờ lịnh trên. Làm lẻ tẻ nó khủng bố, mất thế hợp pháp, nguy hiểm! Nhờ thế chánh trị mà xây dựng cơ sở binh vận, thông qua gia đình binh sĩ cũng là bà con trong xóm làng, móc con em họ ra  giáo dục, rồi cài trở vô nằm im chờ thời cơ. Đây là kinh nghiệm của Hai Hà, đã cài nội tuyến vào đồn Vàm Nước Trong. Cả cảnh sát, tề cũng là người của ta. Nhưng nhớ cho một điều là tuyệt đối bí mật! - Chị Ba ngẫm nghĩ một lúc

- Ờ! Hai Hà thông qua tôi, bàn giao một cơ sở binh vận trong đồn Phước Hiệp cho Hai Thành, mang bí số: P.38. Cậu Chín nhớ truyền đạt cho Hai Thành tiếp nhận và chỉ đạo hành động. Bây giờ tôi trở về Bảo, hội ý Tỉnh ủy với anh Tám. Có tình hình gì liên lạc bằng bạch thơ.      

Chị Ba đứng lên, uống nước xong nói thêm với Chín Bê:

– Còn vấn đề quan trọng chút xíu nữa tôi quên. Hiện nay nhiều Đoàn viên Thanh Lao mất thế hợp pháp, hầm hừ lắm, kềm bớt anh em manh động, nhưng đừng làm nguội tinh thần. Tổ chức họ thành từng tổ kêu bằng …Tổ tự vệ ngầm. Chỉ nhằm bảo vệ cán bộ, đánh giải vây khi bị bắt thôi. Đó là lực lượng nồng cốt chờ sẵn, để khi có lệnh cho “làm” là ta có lực lượng võ trang. Thôi chia tay!

Chị Ba mới nhìn tới Ngoan là em hiểu ý, chạy ra đường quan sát, rồi chạy trở vào, đưa chị Ba đi cửa sau. Chín Bê cùng theo ra luôn.

Chương : 1    2    3    4    5  
Thanh Giang
Số lần đọc: 1640
Ngày đăng: 01.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh