Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.017
123.235.584
 
Nắng quái
Trầm Hương
Chương 37

LỜI NÓI ĐẦU :

 

Gần một thế kỷ, những người con gái của dòng họ Nguyễn Kim sống trong lời nguyền độc địa của một tá điền nghèo khổ và bất hạnh: “ Những đứa con gái dòng họ Nguyễn Kim nhà chúng mày đời đời kiếp kiếp, dù có tài sắc giỏi giang đến đâu cũng có đường chồng con chẳng ra gì, cũng bất hạnh, cũng chết thảm !”.

 

Phải chăng vì bị ám ảnh lời nguyền ấy mà ông bà Hào Năm đã răn đe, giữ gìn, gò bó, áp đặt lên số phận những đứa con gái. Những đứa con gái của dòng họ Nguyễn Kim đã vùng vẫy mong thoát khỏi lời nguyền bằng những cách khác nhau. Kim Nguyệt bị gia đình từ chối, ghẻ lạnh vì cái án hoang thai. Hoang mang, đau khổ, nàng rơi vào chứng bệnh trầm uất sau khi sinh con. Nàng chết, khi Kim Phượng, đứa con gái bé bỏng mới vừa 6 tháng tuổi. Kim Hoàng mạnh mẽ, dám chọn lựa hạnh phúc và đối mặt với bất hạnh. Nàng trở thành trụ cột chống đỡ cho gia đình vượt qua những ngày đầy biến động. Kim Phượng thèm khát được sống thật với mình, dù nàng đã sai lầm, vấp ngã trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc …

 

Tôi muốn gửi đến độc giả những dòng chân thật với những biến động xã hội thu nhỏ trong một gia đình những con người ấy đã kể nên câu chuyện của cả một thế kỷ …

 

Trích tiểu thuyết Nắng quái của Trầm Hương

 

37.

 

- Ba ơi, con không còn chịu đựng nổi nữa. Con đã suy nghĩ… Có lẽ là … con sẽ ly dị !

 

Phượng lao vào căn phòng làm việc của Hai Nguyên như một cơn lốc. Cô đổ gục xuống vai của Hai Nguyên, nước mắt đầm đìa trên má. Hai Nguyên sững người, đẩy nhẹ Phượng ra. Cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ông, khóc thút thít. Sau ngày lấy chồng, Phượng chỉ về thăm Hai Nguyên vào những dịp hiếm hoi cô lên Sở Y tế họp. Chưa bao giờ cô tỏ ra không hài lòng với cuộc sống gia đình. Sao bỗng dưng hôm nay cô lại nói ra cái điều mà ông cấm kỵ, sợ hãi nhất. Hai Nguyên trợn tròn mắt nhìn Phượng.

 

- Phượng, con hãy bình tĩnh đã. Chuyện đâu còn có đó. Chuyện gì đã xảy ra với con, nói đi. Ba nghe đây…

 

Chuyện gì đã xảy ra ư ? Đến lượt Phượng ngẩn ngơ. Bề ngoài, cô và Thân là cặp vợ chồng lý tưởng, tràn ngập hạnh phúc. Nhưng cô không biết giãi bày như thế nào cho Hai Nguyên hiểu được cõi lòng đầy sóng ngầm, bão tố của cô. Cô không chịu được cái không khí gia đình tù đọng, ngôi nhà cổ xưa với những con người và những thứ đồ vật bất di bất dịch. Mỗi sáng, ông nội chồng cô phải ngồi vào cái ghế tựa dành cho ông đã mấy mươi năm. Cô không chịu nổi ánh mắt sắc như dao cau của bà mẹ chồng. Cô không chịu nổi sự giả dối hoàn hảo của Thân trong Ban Tuyên huấn huyện để đi dần lên những bước thăng tiến. Thân đang cố gắng chứng tỏ sức mạnh của anh ta đối với cô. Anh ta có lỗi gì ư? Đó là một con người đạo đức, đầy triển vọng… Nhưng chỉ duy nhất có Phượng là nhìn thấu cái con người thật của chồng. Bản chấy ấy bộc lộ rõ nhất khi anh ta trút bỏ mọi lớp áo, mọi bộ mặt để hiện nguyên hình con người thật của anh ta trong căn phòng riêng của hai vợ chồng. Phượng ghê tởm và chịu đựng. Cảm giác ấy tăng dần ngày này sang ngày khác, cho đến lúc cô không còn chịu đựng được nữa, òa khóc với Hai Nguyên. Nhưng để nói một điều gì cụ thể về hoàn cảnh bi đát, những bất đồng lớn để đi đến ly dị thì Phượng cũng ấp úng. Hai Nguyên cố trấn tĩnh :

 

- Ba nghĩ là mọi việc không đến nỗi quá xấu như con nghĩ. Chuyện vợ chồng đôi khi phải chịu đựng để nương tựa nhau. Ba cũng rất hiểu là con cũng sẽ mất một thời gian dài mới hòa nhập được cuộc sống ở nông thôn, hòa nhập với lối sống, nếp nghĩ trong một gia đình xa lạ. Nhưng chồng con là người từng trải, hiểu biết. Tiếp xúc với nó, ba thấy đâu đến nỗi nào. Đừng chuyện bé xé ra to, con gái ạ.

 

Hai Nguyên vuốt tóc, vỗ về con gái. Nghe ông buông lời khen ngợi Thân, Phượng càng cảm thấy uất ức, phẫn nộ. Cô hét lên :

 

- Ba khôngbiết gì hết. Có những điều con không thể nói được, con không thể nói hết. Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận, ba à. Con đã dứt khoát…

 

Hai Nguyên không dằn được cơn giận, đập bàn đứng lên :

 

- Phượng, ba cấm con. Con có biết làm như vậy là con bôi tro trát trấu lên mặt ba không ? Đám cưới của con rình rang như thế nào, bao nhiêu là khách đến dự. Ba còn mặt mũi, uy tín nào mà làm việc, hả ?

 

Phượng cắn chặt môi đến rướm máu. Cô nén lại một điều gì đó đang trỗi dậy, một sự phẫn nộ cũng không kém cha cô để phản kháng :

 

- Nhưng đâu phải vì những điều phù phiếm ấy mà con phải chịu đựng cả một đời. Ba đâu thể thay con sống quãng đời làm dâu, làm vợ mà con đang sống. Con muốn được chia sẻ với ba thì vì thứ danh dự hão huyền, ba chẳng muốn đếm xỉa đến nỗi đau của con. Ba chỉ lo cho ba thôi !

 

- Phượng, không được hỗn !- Hai Nguyên giận dữ đứng phắt dậy, môi run run. Ông thẳng cánh tát vào má Phượng- Con không chịu hiểu ba. Con không thông cảm cho hoàn cảnh của ba. Người cha nào không mong muốn những điều tốt đẹp đến với con mình. Nếu như ba có can thiệp điều gì, đều xuất phát từ lòng mong muốn đó. Điều ba muốn nói là con cần có thời gian để suy nghĩ. Ba cũng cần muốn gặp chồng con trước khi ủng hộ hay phản đối quyết định của con !

 

Phượng giấu gương mặt bỏng rát vào đôi lòng bàn tay. Cô cắn chặt môi lì lợm :

 

- Cũng không cần thiết phải thận trọng như vậy đâu ba. Chuyện hôn nhân, quan hệ tình cảm con người khác hẳn với những kế hoạch tác chiến theo thứ tự từng bước cụ thể. Biết đâu, ba không còn có cơ hội nào để ủng hộ con nữa !

 

Phượng lau nước mắt. Đã đến giờ họp ở bệnh viện tỉnh, Phượng từ giã Hai Nguyên ra đi. Bà Đức Hạnh nấpsau cánh cửa phòng làm việc của Hai Nguyên đã nghe tất cả. Bà bước vào phòng, nhìn Hai Nguyên bĩu môi :

 

- Các cô các cậu bây giờ quen với nhịp sống mới, mở miệng ra là ly dị. Anh đâu biết gia đình chồng của Phượng rất danh giá, đàng hoàng. Anh có biết người ta phải khó nhọc như thế nào mới cưới được con Phượng không ? Thật ra thì người ta nể tui. Qua tui, người ta muốn cưới con Phượng. Bây giờ con gái anh nằng nặc đòi ly dị, tôi còn mặt mũi nào về quê hương bản quán chớ ?!

 

Những lời chì chiết của bà Đức Hạnh càng làm Hai Nguyên đau đầu. Ông cau mày :

 

- Được rồi, tôi đâu có ủng hộ nó chuyện ly dị. Cái gì cũng phải suy xét cho có gốc ngọn. Nếu thằng chồng nó chẳng ra gì tui sẽ xui nó ly dị chớ không ai khác. Tôi đang nhức đầu lắm. Bà có chuyện gì cần nói với tôi nữa không ?

 

Bà Đức Hạnh khoác chiếc túi lên vai, hờn dỗi và mai mỉa :

 

- Tôi phải đi họp ngay đây. Tôi xin lỗi không ở nhà chăm sóc bệnh đau đầu của ông được.

 

Bà quày quả bỏ đi. Hai Nguyên nhìn theo tấm lưng to thô của vợ, ngao ngán. Bất chợt, có gì nhói lên trong ngực khiến ông suy nghĩ trước sự bức xúc và những giọt nước mắt của con gái. “ Nếu Phượng không hạnh phúc thì sao ? Ta cũng nào có hạnh phúc nhưng ta giỏi chịu đựng. Một chủ tịch tỉnh như ta mà ly dị thì thật khó mở miệng giãi bày chuyện riêng với cấp ủy. Ly dị là không đạo đức, cần phải xét lại con người đó ! Những con người như bí thư Giao có quan điểm cứng nhắc về đạo đức. Hơn nữa, Đức Hạnh có quan hệ bà con họ hàng với bí thư Giao, là người vợ tổ chức đã cưới cho mình. Bây giờ mà ly dị thì chuyện gì sẽ xảy ra. Trăm thứ rắc rối. Ta không đủ sức để tung hê cái gông cùm trĩu nặng những năm tháng đời người. Ta đã đóng vai là một người chồng mẫu mực, hoàn hảo. Nhưng ai biết cho ta phải ngậm bồ hòn. Vì danh dự của một chủ tịch ta không thể. Nhưng con gái ta không thể nào chịu đựng được một cuộc sống gia đình tù ngục, không hạnh phúc. Không, ta phải gặp chồng Phượng mới tìm ra mọi lẽ. Mà thằng rể mình trông rất đạo đức, nghiêm chỉnh. Nó đã vào được cấp ủy của huyện. Từ huyện cất nhắc lên cao nữa đâu có khó khăn gì. Nó tỏ ra một mực yêu vợ. Nó rất mong có với con gái mình đứa con. Vậy thì vết rạn hạnh phúc xuất phát từ đâu nhỉ ?!” Hai Nguyên ôm đầu băn khoăn, nghĩ ngợi…

Chương : 37   38    39    40   
Trầm Hương
Số lần đọc: 3178
Ngày đăng: 01.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh