Một tháng sau ngày Phượng xuất viện về nhà Hoàng, Hai Nguyên cho đón con gái và cháu ngoại bằng chiếc xe con đời mới vừa được cấp cho Ủy ban.
Phượng nhìn thấy đôi mắt Hoàng nhòe lệ khi ẵm cháu bé trao cho cô lúc từ biệt. Hoàng mấp máy môi định nói gì với cô rồi im lặng, gương mặt đắm chìm trong uẩn khúc, suy tư. Lãm mỉm cười giơ tay chào gia đình cô… Chiếc xe đã rời nội thành, lao vút với một vận tốc đáng nể trên quốc lộ nhưng người ngồi trong xe cảm thấy thật an toàn, thoải mái. Thân ngồi băng trước xuýt xoa :
- Xe tư bản đời mới có khác.
Ngồi bên cạnh Phượng là bà Thuần và cô người làm. Phượng ôm trên tay bé Trung. Dường như mọi giác quan cô đều tập trung cho bé. Phượng nựng nịu, vỗ về, ve vuốt bé để đừng phải nghe, trò chuyện với những người xung quanh. Đột nhiên Phượng cảm thấy khó chịu trước tấm lưng to rộng của chồng, gương mặt rạng rỡ, thỏa mãn của bà Thuần vì có được cháu trai. Phượng chua chát thầm nghĩ : “ Nếu mình sinh con gái thì sao ? Bà sẽ sắp đặt cho Thân có cơ hội lấy một người phụ nữ nào đó để sinh cho bà đứa cháu nối dõi. Điều ấy chắc chắn là có thật. Thân phận đàn bà thời nào cũng thật đáng buồn !”. Đáng lẽ vui sướng, Phượng lại đâm ra chán ngán cho hoàn cảnh của mình. Cô nghĩ đến kỳ nghỉ hậu sản dài đằng đặc, phải tuân thủ theo những lề thói “dân gian” dành cho sản phụ trong ăn uống, tắm rửa. Thôi thì xông, hơ, mọi thứ kiêng kem. Phải giam mình mấy tháng liền trong ngôi nhà đồ sộ, cổ kính, phải xa bệnh viện dù nghèo nàn, nhiều điều nghịch lý nhưng thật sự là hơi thở, máu thịt cuộc đời cô…
Chiếc xe con chở gia đình Phượng với biển số đặc biệt được ưu tiên lướt xuống phà, đậu phía sau một chiếc xe con màu rêu mang biển số thành phố. Cánh cửa xe mở ra. Người đàn ông bước xuống… Phượng nghe đau thắt ở ngực : “ Trời ơi, Trung Thành. Anh lại về quê chung một chuyến phà với em sao ?!” Trung Thành dắt theo một bé gái trạc 3 tuổi. Một phụ nữ xinh đẹp loay hoay tìm vật gì trên xe rồi cũng bước xuống. Trung Thành chụp ảnh cho vợ và con gái. Trông họ thật viên mãn, hạnh phúc. Phượng cắn chặt môi nhớ ngày đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng đến nhà anh. Người phụ nữ kia là Trang hay là Oanh gì đó, học đại học kinh tế, con gái một người bạn thân bà Bình Minh đã chọn cho Trung Thành. Anh nói rằng suốt đời anh chỉ yêu cô, anh rất đau khổ khi mất cô… Nhưng rồi anh vẫn phải chiều theo ý muốn của mẹ lấy một phụ nữ không phải là cô, rồi cũng sinh con, cũng tạo dựng một gia đình hạnh phúc với vẻ ngoài thật đáng thèm. Phượng mỉm cười chua chát : “ May mà chiếc xe được lắp loại kính đặc biệt, giúp ta nhìn thấy được anh nhưng anh không thể thấy được ta”. Phượng chảy nước mắt nhớ ngày cô xách trên tay chiếc giỏ đầy hoa bí vàng đi trên con đường quê, bắt gặp cái nhìn đăm đắm của Trung Thành, những năm tháng yêu thương, gần gũi và chia sẻ với anh trong công việc ỏ bệnh viện mà cô thực tập, ước mong được sống suốt đời bên nhau… Nhưng nghịch cảnh đã đẩy cô và anh về hai phía của số phận. Vì cái gì ư ? Vì anh ấy yếu đối không thể vượt qua sự cấm đoán của mẹ, vì lời nguyền, vì hận thù đời kiếp nào của hai dòng họ. Với Phượng, tất cả những điều đó thật vô lý. Cô ngậm ngùi lau vội nước mắt : “ Ừ, vô lý, nhưng người ta không thể vượt qua”. Nhưng anh vẫn tồn tại trong suốt cuộc đời cô bằng duyên nợ đi cùng cô trong cuộc vượt cạn thập tử nhất sinh. Anh đã để lại dấu ấn trong cuộc đời cô bằng vết sẹo đẹp trên bụng. Phượng lại mỉm cười chua chát : “ May mà anh không thấy ta. Giờ đây, ta cũng có một vẻ ngoài hạnh phúc thật đáng thèm lắm, cũng có đức ông chồng đẹp trai ngời ngời bên cạnh, có mẹ chồng, có con bồng trên tay… Nhưng mục đích chuyến trở về của ta và anh đã khác. Có lẽ anh đưa vợ con về thăm quê, còn ta tiếp tục trở về với tù ngục hạnh phúc cuộc đời mình”. Thân đang ngủ ở băng trước chợt vươn vai thức dậy. Anh mở cửa xe bước xuống… Mắt Thân sáng lên khi nhận ra bác sĩ Trung Thành. Thân vội vã đi về phía Thành, với sự bặt thiệp vốn có, bắt tay Thành :
- Thật là một điều ngạc nhiên thú vị khi anh chị cùng đi chung chuyến phà với chúng tôi.
Người phụ nữ kéo đứa bé vào lòng, mỉm cười chào Thân, cũng với nụ cười lịch sự , đúng mực của một người quen giao tiếp trong kinh doanh. Thành nhìn về phía chiếc xe của Phượng. Cô có cảm giác nụ cười của anh ẩn chứa một nỗi đau :
- Quả thật, tôi không nghĩ… chiếc xe ấy là của gia đình anh. Tôi thành thật chúc mừng anh, một người chồng, người cha hạnh phúc !
Họ đứng tựa lan can chiếc phà nói nói cười cười với nhau… Những năm tháng Phượng và Thành quen biết, yêu thương nhau, không bao giờ cô nghĩ có một ngày họ sẽ gặp lại nhau trên bến phà trong hoàn cảnh này. Cô ôm chặt đứa bé vào lòng, nựng nịu, vỗ về khi bé khóc, mắt nhìn ra hai bên bờ sông, bên lở bên bồi…
Mắt Phượng nhòa đi…
Kết quả bầu cử năm ấy, Thân được bầu vào chức chủ tịch huyện. Năm ấy, Nhà nước đang thực hiện chính sách mở cửa, kêu gọi đổi mới. Những bài báo đầy bức xúc, khẩn thiết của tác giả N.V.L về “ Những việc cần làm ngay” thổi vào đất nước bầu không khí mới mẻ. Sự kiện Thân được đắc cử vào Hội đồng Nhân dân, được bầu làm chủ tịch đã chứng minh hùng hồn cho chính sách đổi mới. Hàng ngũ lãnh đạo cần phải có những người trẻ, khỏe, có đạo đức, năng lực. Thân đã hội đủ những yếu tố đó. Mấy năm qua, vừa công tác, anh vừa hoàn thành khóa học chính trị đào tạo cán bộ cao cấp. Với vốn kiến thức những năm học Luật dang dở, Thân tỏ ra là một cán bộ trẻ có đầu óc sắc sảo, bén nhạy, đầy tâm huyết, hoài bão. Tất nhiên, con đường công danh của Thân được sự giúp đỡ dù thầm lặng nhưng không kém phần quan trọng của Hai Nguyên. Anh được vì nể, ưu ái, công việc trôi chảy, thuận lợi một phần không nhỏ vì anh là con rể của chủ tịch tỉnh. Phượng nhìn thấu điều đó cho dù Thân có giỏi che đậy. Chỉ mình cô là nhìn sự thành đạt của chồng bằng con mắt lãnh đạm, hờ hững. Bà Thuần mở một buổi tiệc lớn mừng con trai được ngồi vào ghế chủ tịch, mừng con dâu sinh con trai. Hai Nguyên từ trên tỉnh vội vã về thăm con gái cùng với bà Đức Hạnh. Ông lóng ngóng ôm đứa bé vào lòng, nước mắt trào ra vì vui sướng. Ông đớt đát nựng nịu : “Chà, cháu ngoại ông kháu khỉnh quá, xấu, xấu quá. Ái chà, cháu ngoại ông giống ba quá, giàu ba họ rồi. Lớn nhanh lên, lớn nhanh lên, chừng về hưu, ông ngoại cõng cháu đi chơi !” Phượng giấu nỗi buồn, đóng vai một người vợ hạnh phúc, một bà mẹ mãn nguyện, một nàng dâu hiếu thảo trước mặt cha. Cô tự nhủ : “ Thôi, ta đã hết phương vùng vẫy, dù sao thì số phận đã an bài. Ta không còn cách nào khác hơn là chịu đựng. Dù sao thì ta cũng có một cuộc sống bề ngoài với hạnh phúc thật đáng thèm !” Chưa bao giờ Hai Nguyr6nvui như hôm đó. Ông nhìn Phượng, ngầm trách :
- Con thấy không, chồng con rất khá. Nó thành đạt, yêu vợ, thương con, đạo đức. Con đòi hỏi gì nữa. Chỉ tại con gái ba phức tạp. Hạnh phúc là bằng lòng với điều mình có, con gái ạ !