Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.067
123.234.058
 
Trên một cung đường
Anh Động
Chương 7

Gần một tuần lễ phân đội "Sáu Mươi" của Minh vẫn bám quanh núi Cô Tô. Họ luôn lách trong hang động hiểm trở để tránh giặc, dưỡng quân. Dường như những đơn vị bộ binh của địch đứng chân chận các mạch giao thông ở đồng nước hầu hết quay trở lên đánh vào núi. Mật độ chiến tranh ác liệt như vậy nên đồng bào ở các khu dồn dân không bám về thăm vườn rẫy được, do đó cánh của Minh vẫn không vận động lương thực được, họ đành ăn rau, trái, củ mà chịu trận.

 

Bây giờ là thời cơ để trở lại đồng nước tổ chức vận chuyển chuyến hàng về bên kia lộ Cái Sắn. Họ vừa về đến địa điểm cũ thì nghe tin Long đã hy sinh ! Đêm nay vào khoảng tám giờ, cánh Năm Hoa chạy về người ngợm ướt loi ngoi tìm gặp Minh ở khu vực Lung Sình, báo tin những vậy. Thái độ Năm Hoa vừa bộp chộp, vừa lúng túng khó hiểu. Sau khi Năm Hoa phân công ba chiến sĩ về bám khu vực kinh Đường Tắt, nơi căn cứ của đại đội hậu cần, còn lại một mình ở với phân đội của Minh, anh ta mới tường thuật lại sơ lược cho tất cả nghe về việc đụng độ khiến cho Long và một số chiến sĩ hậu cần hy sinh. Chuyện đơn giản thôi. Năm Hoa vừa dẫn cánh của mình rời khỏi khu vườn Tam Giác như Minh và Nhị đã biết, chở chiến thương đi một đỗi thì đụng một cánh quân bảo an ngụy đánh xuyên hông. Anh dắt đơn vị chạy tạt qua cánh đồng Mỹ Hòa, lại đụng nhằm một chi đội xe lội nước của địch chặn đầu. Thế là chiến đấu, thương vong, cánh anh buộc phải di tản xuống lung “chém vè”. Lại một số bị bắt, bị giết... Sau đó Năm Hoa đề nghị Minh với Nhị đưa lực lượng đột vào ấp chiến  lược Mỹ Đông, móc đồng bào nhờ mua gạo. Anh cũng tham gia cùng đi, vì đơn vị anh đang đói meo, còn nằm tại kinh Đường Tắt.

 

Năm Hoa là người rất thông thạo vùng nầy. Anh ta có một số cơ sở mật trong ấp chiến lược Mỹ Đông. Theo lời đề nghị của Năm Hoa, Minh và Nhị trao đổi nhau cũng thấy hợp lý. Việc lấy gạo là điều bức xúc của đơn vị mình lâu nay nên Minh vội vã tổ chức một chuyến đi dưới sự hướng đạo của Năm Hoa và Tỷ, một chiến sĩ trong phân đội, có gia đình trong ấp chiến lược ấy. Kế hoạch đi lấy gạo lần nầy do Minh vạch ra cộng với sự góp ý của Năm Hoa. Toàn bộ lực lượng khuân vác tập trung giữa đồn gần ấp, chỉ để Năm Hoa, Tỷ và Bình đột vào, móc bà con cơ sở đưa gạo ra. Khi nhận gạo xong, Năm Hoa tách đoàn mang phần gạo của anh thẳng về Đường Tắt, còn cánh Minh trở lại vị trí của mình. Khai thông cho toàn đơn vị quán triệt ý nghĩa, yêu cầu, mục đích của chuyến đi. Minh truyền lệnh chuẩn bị lên đường. Một chuyến đi gay go, nên Minh tập trung lực lượng ưu tú của phân đội để tung vào thực hiện cho kỳ được công việc phức tạp nầy. Minh trực tiếp chỉ huy chuyến đi. Sơn Nâu, Nhị hai cán bộ phân đội phó cũng có mặt.

 

Trong đoàn đi có Bình, một con người bao giờ cũng tươm tất. Đột ấp, phải vượt qua bao nhiêu đạn pháo, bùn lầy, thế mà Bình cứ chưng diện. Áo quần giặt giũ sạch sẽ, súng đạn lau chùi bóng loáng. Bình còn mượn mảnh lưỡi lam của Nhị để cạo sơ lớp lông tơ trên mép. Trông Bình cứ như người sửa soạn đi ăn cưới. Có người bạn cười trêu, Bình bảo :

 

- Ăn mặc sạch sẽ, nghiêm chỉnh làm mình tăng thêm lòng tự tin.

 

Bình đi bên Minh. Nhị, Sơn Nâu, Năm Hoa,Tỷ lên phía trước. Cơn sốt kinh niên trong người Minh lại nóng lên âm ỉ. Da rát bỏng, từng khớp xương mỏi nhừ. Hơi thở của anh bắt đầu ngắn và mạnh. Trời đổ mưa. Nhưng mưa chỉ ào qua tưng luồng nhỏ. Qua hết đoạn lung lầy đến một khoảng đồng hơi bằng, Bình vượt lên thì thào với Minh :

 

- Em sẽ xin bà con một ít lưỡi câu và nhợ, độ nầy nước đồng sẫm đỏ, cá lớn lên mặc sức mà câu với kéo.

 

Minh không để ý đến câu nói của Bình, anh cứ lầm lũi đi trong trạng thái mệt mỏi chập chờn. Chung quanh đoàn người vẫn là đêm tối mịt mùng, vẫn là cánh đồn xám xịt, ướt sũng, vẫn là bóng tối với vô vàn hình thù quái dị. Chếch hướng đông có vài ánh lửa vật vờ, có lẽ là ánh đuốc hoặc ánh đèn dầu của nhà ai trong ấp chiến lược Mỹ Đông. Mặt đất với chân nép mình vắng lặng, im lìm. Tỷ và Năm Hoa dắt đoàn người đi ngược về hướng tây một đỗi để tránh bãi đậu của bọn xe lội nước của địch, rồi bất ngờ ngoặt thẳng sang hướng bắc đâm mũi ngay vào bờ thành ấp.  Khu vực nầy ngoài Tỷ và Năm Hoa ra, Sơn Nâu cũng biết rành, nhưng Minh thì chưa hề đột vô lần nào, thỉnh thoảng có hành quân ngang anh chỉ trông thấy xa xa. Nói tóm lại, từ vị trí đến phương hướng ở đây Minh phải cố gắng ghi nhận lần đầu.

 

Theo phân công, Minh cùng Nhị, Sơn Nâu và một số chiến sĩ dừng lại một điểm ở ngoài đồng để chờ bà con đưa gạo ra cảnh giới phía đồng Mỹ Lâm, phía ấy có một căn cứ địch nằm trên bờ kinh xáng, do một đại đội bảo an đóng giữ. Bọn nầy có một tốp thám báo trên mười tên, thường đêm hay xuất đồn lùng sục và ăn ngủ luôn trong ấp. Bọn trong căn cứ, khi nhận được điệp báo có lực lượng ta đột nhập, chúng liền xuất quân phối hợp truy đuổi.

 

- Bình và Tỷ cùng tôi đột vào ấp, hai cậu ấy bố trí mặt trên phòng tụi thám báo luồn lũi bất tử. Sau đó tôi liên hệ lấy gạo xong, cho Bình và Tỷ hay cùng tập trung đưa gạo ra chỗ Minh để mang về. - Nín lại, Năm Hoa bứt một cọng cỏ đưa vào miệng cắn cắn rồi phun phèo phèo trong đêm - Nếu đụng giặc, nhóm nào nấy tự lực. Điểm tập kết chỗ cây chòi mòi lớn trên bờ đìa mà hồi nãy tôi có chỉ. - Không nghe ai có ý kiến gì, Năm Hoa đứng dậy khoát tay - Đi !

 

Bình và Tỷ theo Năm Hoa đột vào ấp chiến lược Mỹ Đông.

 

Để Nhị đứng canh ở đầu quân, Minh giữ chừng mặt ngoài đường, vì theo lời Năm Hoa bảo là nên chú ý mặt nầy. Tình hình có động chúng thường đưa một mũi vòng ngoài ruộng chận đường rút của ta. Sau đó một giờ, trời lại đổ mưa. Trận mưa ào qua thật lớn rồi tạnh. Minh ôm súng ngồi co ro trên một nắm đất có lẽ đây là một gò mả lạng của ai. Gió thổi tạt ngang. Cơn gió lạnh cắt ruột ập vào người làm quai hàm Minh đập vào nhau lập cập. Chó trong ấp sủa vang, cứ như tất cả chúng chực nhảy xô vào cắn nhau với bóng đêm, gió vẫn thổi. Minh cố cựa quậy để chống lại cơn lạnh tê dại cả người. Có lẽ trong đời, anh chưa bị một cơn lạnh nào hành hạ như đêm nay. Do mệt mỏi và tiếng gió xao xác trong cỏ dại, đầu Minh ù lên, tai thoang thoảng như có tiếng người nói lao xao ở đâu...

 

Đợi thêm một lúc khá lâu, Minh bỗng nghe có tiếng người lao xao trong đêm từ phía ấp chiến lược. Với tinh thần cảnh giác, anh cho lực lượng triển khai theo đội hình chiến đấu. Chốc sau, Minh nghe ngóng, quan sát cẩn thận và anh đánh tín hiệu với đám người kia. Minh thấy họ đáp lại đúng qui định. Anh lên tiếng gọi khẩu ám. Đằng khai đáp đúng. Thế là hai bên cùng xáp lại, những túm gạo được chuyển qua vai nhau. Rồi một tốp vội vã rút ra căn cứ, một tốp quay trở về ấp chiến lược. Minh ra lệnh cho anh em phải tải gạo về là chính. Có gặp trường hợp nào thì cũng phải bảo vệ gạo và đánh tháo rút về tập kết tại tàng cây chòi mòi đã qui định.

 

Minh thấy Năm Hoa vai quảy một túm gạo bước đi khệnh khạng, anh bảo :

 

- Này ! Hay nghỉ tại phân đội mình đêm nay, sáng mai sẽ về Đường Tắt ?

 

Năm Hoa khoát tay, anh ta đã tách đoàn, đi một mình về hướng Đường Tắt, nói lui lại :

 

- Yên chí ! Mình về có việc gấp. Phân đội cứ y đường cũ mà trở lại chỗ tàng cây chòi mòi trên bờ đìa ấy.

 

Và Năm Hoa mất dạng trong đêm. Minh nghĩ : “Sao đêm nay anh ta tích cực quá ! Một điều mà lâu nay mình chưa thấy bao giờ. Hay là anh ta biết hối lỗi những hành động vừa qua của mình ? Cũng có thể anh ta cố gắng tích cực lên để chứng minh là mình không có gì quan hệ đến Mười Tiếu, tên anh em cô cậu đầu hàng phản bội ấy ?”

 

Minh ngẩng lên hít khí trời đêm một hơi dài rồi thở ra. Anh lắc đầu quay lại đuổi theo đơn vị. Minh gặp Nhị, hỏi :

 

- Anh em có đủ mặt chưa ?

 

- Có. Em cho Bình và Tỷ vượt lên dẫn đầu. Đi về Gò Tranh chứ không đến tàng cây chòi mòi.

 

- Sao lại vậy ?

 

- Sẽ báo với anh sau.

 

- Thôi, được ! Nhị theo sát anh em, để anh đi đoạn hậu.

 

Nhị cũng vọt nhanh lên, lẫn khuất trong đêm. Minh cứ nghe tiếng chân người đi phía trước mà lần theo.

 

Đoàn đi bộ, đi độ hai mươi phút, bỗng Minh thấy phía trước có một chớp lửa lóe lên chói mắt. Mìn lay-mo nổ ! Anh cắp súng chạy lên định đánh thốc vào hông địch để gỡ rối cho anh em. Nhưng vừa chồm lên vài mươi mét Minh liền bị một luồng gió nóng bỏng quạt thẳng vào mặt, làm anh bật ngửa. Tên giặc nào đó chõi ẩu vào Minh một loạt M.16. Lăn qua một vòng, Minh nâng súng lên quạt trả nguyên băng. Có mấy tên giặc tháo chạy, nhảy xồn xộn xuống một con mương. Bây giờ có hai luồng đạn đa chéo cánh sẻ vào Minh. Minh lùi lại một đỗi, gặp Nhị đang ngồi bẹp trên đất, nâng súng bắn từng loạt ngắn về phía giặc. Đạn AK của các chiến sĩ ta cũng đang quạt trả quyết liệt về phía địch. Thế là ta ngộ chiến rồi, phải rút nhanh theo đơn vị.

 

Minh khom xuống định lôi Nhị đi, nhưng anh bị cô hất ra :

 

- Anh đi trước, em chận hậu. Đơn vị ta đã rút lui an toàn rồi.

 

- Bị thương à ?

 

Minh ngồi xuống bên Nhị. Nhị thì thào :

 

- Bị vào bàn chân.

 

- Đâu ?...

 

Minh quàng lấy Nhị, xốc cô lên vai, bước đi.

 

- Đạn bắn thấp, phải toài !

 

Minh nằm xuống, câu ngang người Nhị, bò đi. Một tay cầm súng, một tay lôi Nhị rất bất tiện. Thân hình Nhị ướt sũng, nặng tuồn tuột. Với kiểu nầy cứ xà nhẹo hoài không tài nào chạy thoát được.

 

Hai người đã bò hơn một phút mà không xa quá mấy mét. Nhị vùng ra :

 

- Buông ra nào !

 

- Không !

 

Minh chợt nhớ : Nhị bị thương ở bàn chân, chạy không được chứ bò sao lại không ? Vì quýnh quá anh lôi Nhị đi cho mau. Minh cười :

 

- Thôi thì bò.

 

Hai người bò hàng dọc, nằm dán người trên mặt đất, hai tay cầm súng đưa ra phía trước, họ chõi cánh tay nương tới. Nhị trước, Minh sau. Mật độ hỏa lực của địch thế nầy Minh và Nhị khó sống sót một khi Nhị không bị thương. Do đó bọn giặc dự tính sai lầm, chúng cứ bắn đuổi theo tốc độ của người lành mạnh chạy tháo thân. Đạn bay qua đầu hai người, phà hơi nóng hầm hập, nhưng cứ cắm về phía trước. Đánh nhau có cái rủi mà cũng có cái may. Rủi vì chân Nhị bị thương nên hai người cứ ì ạch chậm chạp vậy hóa hay. Toài thêm được vài mươi mét, hai người lọt xuống một khoảng ruộng nước xâm xấp. Rồi dần dần nước sâu độ khoảng một gang tay. Nhị mệt nhoài, người cứ lắt lư chậm chạp. Minh chồm tới, cầm bàn chân Nhị đẩy tiếp. Làm kiểu nầy trông cũng khá. Minh lại tiếp tục. Lần nầy anh nắm nhầm chân phải của Nhị mà đẩy tới thật mạnh. Nhị rú lên thất thanh, toàn thân cô buông thả, mặt úp xuống nước. Quýnh quá, Minh bật dậy, xốc Nhị lên. Thân thể Nhị mền nhũn, mũi thở è è tựa một người phụ nữ lên máu sản hậu. Đạn giặc bắn thấp quá, Minh nằm xuống, gác đầu Nhị lên đùi mình. Chốc sau, Nhị rên khe khẽ, quờ tay nắm lấy Minh :

 

- Anh làm động bàn chân mạnh quá. - Nhị định ngồi dậy, nhưng bị Minh đè xuống. Cô tiếp - Ta có thể bị giặc bắt sống không anh ?

 

- Chuyện đó thì... nhất định là không. Minh cười, vỗ vào khẩu súng - Ta còn đạn, hết đạn còn lê.

 

Nhị cười, rướn người nằm gối đầu sâu vào bụng Minh :

 

- Cho em nghỉ một chút nghe !

 

- Yên chí !

 

Nhị lắc đầu, nhùi nhụi mặt vào bụng Minh. Minh sờ mặt Nhị, anh vụt kêu hoảng :

 

- Sao lạnh toát thế nầy ?

 

Nhị lặng thinh. Tiếng súng của địch thưa dần. Bây giờ chúng mới bắt đầu truy kích. Một pha xáp lá cà, đâm lê lộn nhào trên bãi cỏ hiện ra trước mắt Minh, rùng rợn quá ! Một người con gái nằm quằn quại, bất lực. Gương mắt nhìn một tên giặc hung hăng cầm súng đấu có gắn lê xộc thẳng vào giữa ngực mình. Minh bỗng giật thót, chới với. “Không ! Tương quan trận đấu như vậy ta chỉ còn chấp nhận lấy cái chết. Không. Phải sống ! Phải chiến đấu đến cùng”.

 

Minh nhẩm tính lại tất cả những vũ khí của mình còn trong tay để đối phó với quân thù, loại nào là lợi hại nhất : tinh thần !

 

Minh đứng dậy định xốc Nhị lên vai, nhưng bị cô giằng xuống :

 

- Chúng sẽ bắn ngã !

 

Thế là hai người tiếp tục bò đi. Làm cách nào cho Nhị bò được nhanh hơn ? Nhị cứ loi ngoi như một con ễnh ương no nước thế nầy nhất định hai đứa không thoát. Bọn địch đã đuổi theo, kêu la í ới. Minh nảy ra một sáng kiến, anh trườn tới trước, nắm tay Nhị đặt vào lưng mình :

 

- Nắm chắc vào thắt lưng !

 

Hai người cùng trườn tới như một chiếc tàu kéo ghe. Làm như vậy lại hóa hay, tốc độ tiến lên nhanh rõ rệt. Mặc dù vậy vẫn còn cái gì vướng vít, Minh đề nghị :

 

- Nhị quàng súng lên lưng, chồm tới nắm cả hai tay vào anh.

 

Hai người lại trườn lên được vài mét nữa, mỗi lúc nước dưới bụng một cạn dần. Thật tai hại ! Minh và Nhị đã qua hết một vũng quằn của mặt đồng. Đến chỗ mặt bùn nhão, chiến thuật “kéo tàu ghe” của họ không còn tác dụng nữa. Tiếng giặc truy đuổi thúc sau lưng. Nhiều ánh dèn pin quơ loang loáng bên kia vạt ruộng quằn nước. Lợi dụng lúc địch bắn thưa, Minh đứng dậy xốc Nhị chạy một mạch lên gò khô. Đến một thảm cỏ thấp, để Nhị xuống, anh lấy lại hơi thở và nâng súng lên định bắn. Nhị giàng tay Minh xuống :

 

- Nổ súng là tự sát !

 

Nhị nói đúng. Địch cách ta không quá năm mươi mét trên mặt đồng trống như ván, nổ súng chẳng khác là mời chúng phát hỏa tập trung vào mục tiêu. Trong lúc giặc chưa nhìn thấy, họ còn nhiều cách để rút lui. Minh xốc Nhị lên, chạy nữa. Nhưng Nhị bảo :

 

- Anh cứ để Nhị lại đây !

 

- Tại sao ? - Minh nổi giận đến sôi máu. Nhị dẫn giải :

 

- Đừng để phân đội hy sinh một lúc hai cán bộ chỉ huy.

 

Minh không còn giữ được bình tĩnh nữa, xốc Nhị lên, bồng ngang cô tựa con mèo tha con chuột.

 

Nhị vùi mặt vào ngực Minh, nấc lên. Minh cũng nghe ngực mình đang đau nhói, đầu óc anh vụt sáng rực ra. Anh bồng Nhị chạy cấn sang phía phải, theo bìa thảm cỏ một đỗi rồi ngoặt trở lại tạo thành đường gấp chữ V. Bây giờ trời lại đổ ào xuống một trận mưa thật lớn. Minh chạy như vậy tốn rất nhiều sức lực và thời gian, rốt cục anh cũng trở lại ngay mũi quân địch đang càn tới. Mặc dù vậy anh đã có mưu tính, yên tâm và chủ động lừa địch. Minh để Nhị xuống, hai người cách địch chừng ba mươi mét. Trời càng lúc càng mưa lớn. Bọn địch đã vượt qua vạt ruộng quằn, chúng đang soi đèn pin tìm dấu vết. Có vài tên giặc quát nạt vu vơ, kêu gọi đối phương đầu hàng. Minh rút chốt một quả lựu đạn M26, ngồi chờ. Bọn giặc chần chừ một chút, có một tên ra vẻ chỉ huy, hất đèn pin về phía phải, hô lớn :

 

- Bọn nó chạy lướt cỏ về hướng nầy, đuổi nhanh theo !

 

Cả lũ chạy ào theo hướng ấy, và hàng loạt súng nổ vang lên. Đã đúng ý đồ, Minh đứng thẳng dậy, nghêng người che khuất tia chớp kíp nổ, anh vung tay ném trái lựu đạn thật mạnh về phía phải. Một quả M26  tròn và nặng thế nầy, Minh ném đi xa không dưới bốn mươi mét. Quả lựu đạn bay bổng qua đầu bọn giặc, nổ chồm về phía trước mặt chúng. Bọn giặc đã bị Minh đánh lừa, cứ ngỡ là đối phương từ phía chính diện ném lại nhưng lựu đạn chưa bay đến đúng tầm. Vì thế bọn cứ hô hào và nổ súng, tiến tới mãi. Minh thư thả xốc Nhị lên vai chạy ngược hướng tiến của giặc.

 

Và trời cứ tiếp tục mưa. Ít gió, hạt mưa lớn và nặng. Một lúc Minh nghe chân mình sụt dần xuống mặt bùn. Nhưng vẫn còn may, lớp bùn nhão chỉ ná trên mặt đất khá cứng, bước đi không bị thụt sâu lắm, thường vẫn còn nhấc chân bước được, chỉ đôi chút vướng vào đường rãnh của dấu xích xe lội nước địch, bùn mới lún xuống tới gối. Qua khỏi vũng bùn, Minh men theo một vạt cỏ bắc nhám nhúa. Mưa bắt đầu yếu. Bầu trời có sáng hơn đôi chút. Bóng đêm mười ảo, xám xịt; chung quanh giãn ra xa hơn. Gió bắt đẩu thổi. Minh đã bỏ bọn giặc xa hơn hai trăm mét về phía sau, và dường như chúng đã bị mất dấu, cứ tìm kiếm loanh quanh một chỗ. Cố đi thêm chút nữa, khi chắc chắn giặc không còn đuổi, Minh để Nhị xuống.

 

Mưa ngớt hột. Gió lạnh thấu xương. Minh đứng lom khom để xác định phương hướng. Trên trời không một vì sao. Bóng những rặng cây khuất trong màn đêm mười mịt. Phía nào đó, còn có mấy ngọn đèn lắt lay, không biết là ở một xóm nào xa tít. Minh và Nhị đã hoàn toàn lạc mất phương hướng. Thế nào thì mặc, Minh xem lại vết thương của Nhị cái đã. Bàn chân phải của Nhị bị một mũi chông đinh xuyên thủng, đầu nhọn của mũi chông còn ngậm trong gan bàn chân, chưa trổ thấu lên phía trên.

 

- Nó chạm gân thế nào ấy, cả chân em bị tê liệt hẳn rồi.

 

- Để anh cõng đi vậy.

 

Minh kề vai cõng Nhị đi tiếp. Khẩu súng của Nhị quàng ngược ra sau nhưng yếm đạn cứ cấn vào lưng Minh. Anh cõng Nhị tựa trẻ con cõng em. Chân Nhị buông thõng, kéo lếch thếch trong cỏ. Chốc sau Nhị đề nghị Minh thả cô ra. Rồi Nhị bám vào vai anh nhấc cò cò đi thử. Cũng không ổn. Thế nầy hai người cứ lấn quấn nhau đến sáng cho giặc phân thây à ? Không còn cách nào khắc phục được sao ? Nhị đứng tần ngần trong bóng đêm, im lặng một lúc khá căng thẳng. Rồi cô xẵng giọng ra lệnh cho Minh :

 

- Để khẩu súng nằm nghiêng xuống đất xem !

 

Mặc dù chưa biết để làm gì, nhưng Minh riu ríu chấp hành lệnh Nhị. Hai tay Nhị bợ vào nhượng chân Minh, dở lên, Nhị cân sức quyết liệt tựa một đấu thủ thi một câu vật. Đùi chân phải Nhị bật lên, cô dùng hết sức nặng của cơ thể để cân bàn chân gác lên báng súng đang để nằm nghiêng dưới đất. “Ái ôi !” Một tiếng kêu dội nôn nao lồng ngực Minh. Nhị lộn nhào. Minh vội ôm Nhị đỡ dậy. Nhị quằn quại, run giần giật người và chết ngất trong vòng tay Minh. Mũi chông sắt ở bàn chân Nhị, cả ngạnh bén xuyên thủng lên phía trên bàn chân, Minh phải giải quyết nhanh. Người đang chết ngất, cơ thể chưa thấm đau, như thể được gây mê vậy. Minh gấp rút lấy một viên đạn AK cắn bẻ đầu nhọn, trút ra hết thuốc, dùng miệng bì đạn tra vào đầu mũi chông. Một tay Minh kềm cứng thân cây chông, một tay cầm bì đạn, anh nạy liền mấy cái, mũi nhọn của cây chông mới chịu gãy ngang ngạnh bén. Một dòng nước âm ấm chảy nhớp nháp từ bàn chân Nhị truyền sang bàn tay Minh. Anh biết chắc chắn đó là máu. Minh chợt nhớ ra chiếc khăn tay mà Nhị kỷ niệm cho anh, lâu nay anh còn cất kín trong ngực áo. Minh dùng vạt áo lau quanh bàn chân Nhị rồi lần túi lấy khăn tay băng cho Nhị. Lúc nầy Nhị đã tỉnh lại. Ngồi nghỉ một chút, hai người lại tiếp tục đi. Minh bảo Nhị sửa yếm đạn cho quay lại sau lưng để anh cõng khỏi bị cấn vào vai.

 

Đêm tối mênh mông. Những ánh đèn phát hiện lúc nãy đã tắt ngấm đâu mất. Không còn trông thấy nữa. Hai người không biết phải đi về hướng nào. Mải loay hoay, họ không để ý toán giặc đuổi theo mình nãy giờ đang ở đâu. Chắc chúng đã bỏ về rồi. Bây giờ họ phải đi về tàn cây chòi mòi, nơi điểm tập trung mà Năm Hoa lúc đầu hôm có quy định. Minh nghĩ nó đang ở gần đâu đây, cứ đi hướng nầy là tới. Đi trên con đường không quen thuộc thường có ý nghĩ như vậy. Quãng nào còn nhớ mập mờ ta cảm thấy con đường ấy rất gần. Minh cứ đi, mặc dù Nhị đang nằm vắt ngang vai, anh lần bước đi mỗi lúc một nặng nề. Nhiều luồng gió tạt đến dữ dội. Gió quét rin rít qua mặt đồng cỏ thấp dưới chân. Đường đi càng lún sâu xuống bùn nhão. Cơn sốt lạnh bây giờ đang chuyển qua sốt nóng. Ngược lại, thân thể Nhị trên vai Minh thì lạnh toát. Nhị cựa mình, bứt rứt khó chịu. Cô đề nghị dừng lại nghỉ. Nhị nấc lên như nuốt cục gì trong cổ :

 

- Anh à, nếu không có em thì anh đã đi xa rồi. Ta hãy đi về hướng Gò Tranh, nghe anh ! Đừng đi đến tàng cây chòi mòi, có hại...

 

- Đừng nói xúi quẩy.

 

Minh bụm miệng Nhị lại giả vờ như giỡn để cô bỏ đi ý nghĩ ấy. Nhị sờ trán Minh, tiếp :

 

Anh lại chuyển sang sốt nóng rồi ?

 

- Em thì đang lạnh khủng khiếp, có biết không ?

 

Hai người ngồi lặng thinh, họ không thừa nhận cũng không chối cãi. Tay chân Minh mỏi nhừ, từng khớp xương nhức nhối, hơi nóng trong mình anh tràn ra đôi mắt và đôi tay. Sống lưng và xương cổ của anh nghe uể oải sắp gục. Minh sẽ gục thật, nếu không vì anh đang căm giận cái bờ đìa có tàn cây chòi mòi chó má kia nó cứ lẩn trốn trong đêm.

 

Minh lại bồng Nhị đứng dậy, đi tiếp. Cả hai khẩu súng và yếm đạn anh quàng ngược ra sau lưng, một tay luồn dưới vai, một tay xốc dưới hai nhượng chân Nhị, bước đi một cách lưỡng thưỡng. Nói bồng chứ thật ra là “tha” - con mèo tha con chuột cống có sức nặng ngang bằng với mình - Minh bước đi chậm chạp, đòng đưa, lử thử. Chợt nhớ lại một câu chuyện cũ, Minh vụt bật cười :

 

- Anh cười gì ?

 

- Nhớ hồi nhỏ anh cùng cha ra một bờ đìa ngoài hậu đất để tìm con heo nái đang đẻ. Đến nơi, thấy một con chim gà đãy đã nuốt trọng ba chú heo con vào bầu diều. Con gà đãy thấy anh và cha đến, nó tốc chạy. Vì cái bầu diều của nó nặng nên nó không bay nổi. Cha và anh rượt, nó bỏ chạy đòng đưa như điệu bộ của anh bây giờ.

 

Nhị cười, đưa tay sờ lên trán, lên má và vuốt mớ tóc ướt sũng nước trên đầu Minh. Bàn tay Nhị lạnh tựa ngâm nước đá. Có lẽ do bàn tay lạnh giá truyền sang làm dịu bớt cơn sốt nóng đang lên của Minh. Anh nghe trong người khỏe lại đôi chút.

 

- Người Nhị lạnh quá ! Tay cũng lạnh. - Minh hỏi - Chỗ chân đau đưa ngược lên thế nầy, đỡ chứ ? - Nhị đồng ý. Minh lại tiếp - Mỗi lần anh bị cá ngát đâm vào chân, phải treo ngược nó lên mới chịu nổi cái nhức nhối của nọc cá hành.

 

Đi thêm một chút nữa, Minh thấy mệt nhiều. Hơi thở anh phì phò bên cổ Nhị. Mắt anh sắp hết thấy đường, bước đi loạng choạng chỉ chực ngã. Minh nói đùa :

 

- Nhị để bàn tay lạnh lên cổ anh cho nó hút bớt hơi nóng ra chút nào đỡ chút nấy !

 

Nhị ngỡ thật, áp hai tay mình lên cổ, lên má Minh. Cơn sốt nóng của Minh có đôi chút dịu bớt. Nếu không thật như vậy thì nó cũng có cái gì êm dịu làm Minh thấy dễ chịu.

 

- Em nghe lạnh đến khủng khiếp ! - Nhị nói - Lạnh trong xương sống lạnh ra, nhờ có hơi nóng của nah truyền sang thấy đỡ.

 

- Anh cũng vậy, cũng nhờ...

 

Minh trượt chân té quỵ xuống bùn. Tai và mắt anh không còn nghe thấy gì nữa. Hai khẩu súng, hai yếm đạn đè lên lưng, Minh ngồi bẹp, gục đầu lên người Nhị, thở hồng hộc :

 

- Cho anh nghỉ mệt chút nghe !

 

Mệt mỏi, đói khát mấy ngày qua làm cho anh kiệt sức. Đầu anh ù lên hỗn độn. Một thứ tiếng động mơ hồ nào đó xao xác loáng qua.

 

Minh bật dậy, lầm bầm nguyền rủa như một người mê sảng :

 

- Cái cây chòi mòi quỉ quái kia, mày lẩn trốn tao.

 

Nhị vỗ tay vào gáy Minh, cô gọi, và cứ gọi :

 

- Anh ! Anh ơi ! Anh ! Dậy đi thôi  ! Anh nói gì lảm nhảm vậy ?

 

À, ra mình đang nói trong mê. Minh xốc Nhị lên, đứng dậy đi. Đi một đỗi lại quỵ. Lại đứng dậy đi. Lại vài bước, té quỵ. Lại ngượng dậy, đi. Lại té...

 

Nhị run cầm cập. Minh nóng bừng bừng. Giữa cánh đồng bùn lầy và cỏ dại, họ lịm đi trong hôn mê. Lúc choàng dậy, nhìn lên, Minh thấy có mấy vì sao hiện lù mù trên vòm trời. Tiếng gà gáy eo óc đâu đó làm anh phải ngó quanh để tìm định hướng. Đầu óc Minh đã tỉnh táo nhưng cơ thể anh vẫn còn mỗi nhừ.

 

Bỗng Minh muốn reo lên thành tiếng, vì anh vừa nhận ra một vầng trăng mỏng manh tựa vỏ nghêu treo dàng dạng trên một vệt đen mấp mô đậm hơn đêm tối, bò ngang chân trời. Đó là một giăng cây xa xa. Tiếng gà gáy là phía ấp chiến lược Mỹ Đông. Trăng ! Thấy nó Minh tưởng chừng như có thêm một người thứ ba đến nhận chung số phận với anh và Nhị.

 

Nhị còn ngủ say. Chốc chốc toàn thân Nhị run giật, rên ư ư trong mơ. Minh nghiêng tai sát vào mặt Nhị để lắng nghe hơi thở bệnh hoạn của cô. Trán Nhị, nhiệt độ đã trở lại bình thường. Trong bóng đêm, mặt Nhị trông nhợt nhạt dễ sợ. Minh lay Nhị dậy. Nhị giật mình, người run bắn, chới với. Rồi Nhị từ từ mở mắt ra và mỉm cười. Nhị bảo là toàn thân đang mỏi nhừ, quai hàm rã rời và mắt chỉ còn nhận được bóng dáng lờ mờ.

 

Minh đề nghị đi tiếp. Nhị bảo :

 

- Tùy anh. Em bây giờ chỉ là một cây thịt còn cử động nhẹ thôi, tuy vết thương bớt nhức.

 

Minh bồng xốc Nhị lên, bước đi. Được vài chục mét, anh nghe bùn dưới chân lần lượt bớt nhão. Cứ ngó chừng theo hướng có vệt trăng mà đi. Đi một đỗi, Minh dừng lại, anh bàng hoàng tưởng chừng sắp đánh rơi Nhị xuống đất. Và Minh ngồi xuống, thở dài thườn thượt :

 

- Đằng đông đã đâm mây ngang rồi !

 

Nhị hiểu ngay nỗi cực kỳ bất lợi đến với hai người, cô buông xuôi theo Minh một câu tuyệt vọng :

 

- Thế là hết rồi...

 

Nói xong, Nhị trở mình, úp mặt vào ngực Minh khóc tức tưởi. Nước mắt Nhị xoáy riết vào tim anh đau buốt. Anh vuốt tóc Nhị, an ủi :

 

- Chúng ta có khốn đốn đến tuyệt vọng đâu, sao Nhị vội mất tinh thần ?

 

- Không phải em mất tinh thần. - Nhị khó rấm rức - Tại em, tại em hết thảy. - Nhị ôm cứng Minh một chút rồi buông ra - Anh đi đi ! Đằng nào hai đứa cũng phải hy sinh một, đừng bận bịu mà mất cả hai.

 

Minh lắc đầu :

 

- Không được, không đời nào anh lại bỏ em lại đây.

 

Suy nghĩ một chút, Minh bảo :

 

- Anh đi tìm một địa hình nào đó có thể “chém vè” được cho ngày mai. Nhị nằm đây chờ, nhớ giữ đừng ngất để nghe anh gọi.

Minh đỡ Nhị nằm ra đất, anh đi.

 

Minh chạy một mạch rồi dừng lại quan sát bốn phía, rồi lại chạy. Tại sao vẫn cứ đồng trống mênh mông ? Lúc Năm Hoa dẫn đi, thỉnh rhoảng có một chòm cây hoặc vài cái lùm rậm trên bãi tha ma, tại sao bây giờ tìm mãi không ra ? Minh tiếp tục chạy và quan sát. Vài phút sau anh vấp phải một rãnh xích xe lội nước, dấu bùn còn mới tinh khôi. Chúng mới chạy qua hồi chiều nầy. Minh khom người chạy theo dấu xích xe, để về hướng đông. Được một quãng, Minh lại nằm xuống xem xét bốn phía. Trước mặt anh có một bóng cây lờ mờ. Minh ghìm súng nhè nhẹ men tới. Nơi ấy rực lên một đốm lửa, dường như có ai đang đứng hút thuốc. Minh mừng thầm : “Có thể đây là tàn cây chòi mòi, các bạn còn đứng đón mình”. Đốm lửa lại lóe lên lần nữa. Minh hơi hoài nghi, anh ngồi lại thận ttrọng phán đoán : “Người đứng hút thuốc không bao giờ đầu đóm cao hơn ngọn cây và cạnh bờ đìa có mà cây chòi mòi không có dấu xe lội nước, lại nữa sắp sáng, các bạn không thể ở lại, vì làm vậy không khi nào về kịp”. Ba điều nghi vấn mà Minh đặt ra cho “tàn cây chòi mòi” trước mặt Minh. Và Minh nhớ lại lời Nhị bảo : “Đừng đến tàn cây chòi mòi, có hại... ” nghĩa là có ý gì ?...

 

Cẩn thận hơn, Minh chìm súng, men lần đến. Tiến thêm mươi mét, anh chợt thấy có vật gì trăng trắng nằm trên đất. Sờ thử : bọc cơm sấy ! Minh mừng rơn, lượm bọc cơm cất đi. Thế là đóm thuốc đằng “tàn cây” lại lóe lên, và có tiếng húng hắng ho. Bây giờ Minh mới cảm thấy có mùi khói thuốc ru-bi, mùi dầu za-đôn, mùi lạnh của thép và mùi khét của lính ngụy. Rõ ràng là một tên lính ngụy ngồi trên một chiếc xe lội nước canh gác và hút thuốc. Minh quay trở lại, vừa đi vừa nghĩ : “Mình bế tắt thật rồi sao ?” Không ! Một tiếng vang âm thầm như một mệnh lệnh. Minh cắm đầu chạy một mạch. Phải tìm một lùm cây, đám cỏ nào thật um tùm để “chém vè” cho qua một ngày sắp tới. Bám vào gần vùng địch chúng càng sơ hở.

 

Minh chạy một đỗi đến vùng khô ráo. Và rồi anh chạy đến một vạt ruộng gò, có nhiều cỏ địa lên tới gối. Ngồi xuống sờ thử, toàn là cỏ ống và cỏ tranh. Cỏ tuy không cao nhưng rất nhiều ủ khô. Minh thở phào nhẹ nhõm, “Hai đứa chém vè vào đây sẽ sống mọc râu”. Minh vội vã quay trở lại chỗ Nhị đang nằm chờ.

 

Trời đã hừng đông. Màu hột gà và màu tím than tranh nhau vạch nhiều lằn ngang dưới vầng trăng mỏng. Đám xe lội nước của địch đang rù máy định đi đánh một điểm nào. Đặt Nhị ngồi trên đám cỏ khô, Minh vẫn chưa thỏa mãn, anh định tìm một nơi nào lý tưởng hơn. Nhìn xa về hướng ấp chiến lược Mỹ Đông, dường như có nhiều bụi cây lúp xúp. Minh lội đến. Những chòm cây muối lòa xòa. Phía trước có một mô đất nhô cao, Minh đến xem. Không phải mô đất mà là hai cái mả. Đầu mả day ra phía xấp, mỗi cái có khoét hõm vô xây mộ chí bằng xi măng hình con bướm nằm đâm đầu vào nắm đất. Kiểu mộ của những Hoa kiều.

 

Lần đến một gốc cây me keo lớn, phải vạch nhiều chà gai, Minh thấy trong đó dường nhức một túp chòi hoang. Đến xem, anh mới biết đó là một ngôi mộ gạch xây đã cũ, bên trên mọc đầy cỏ tranh. Đêm đã sáng màu lãng mạn, mọi thứ bày ra lờ mờ. Minh đi vòng ra sau ngôi mộ gạch. Phía nầy tranh ủ phủ xuống sùm sụp như một mái rơm, có thể len người vào nằm ém rất tốt. Dùng bá súng ướm thử vào vách mộ, Minh vụt mừng quính ! Không phải ngôi mộ. Đây là chiếc kim tỉnh xây bán lộ có cửa vào, mộ chưa chưa chôn người. Thế nầy thì tuyệt trần đời !

 

Nắng lên. Nắng sau một cơn mưa, nắng khá trong vào ấm. Mọi thứ tiếng ồn ào của ngày bắt đầu. Tiếng rú của xe lội nước, tiếng súng đại bác, tiếng mìn, tiếng bom, tiếng máy bay...  Tiếng chim kêu chim chíp, tiếng cúm núm gù nghẹn ngào, tiếng dế ngân nga rỉ rả, tiếng người kêu réo nhau ngoài đồng khơi... Minh và Nhị nằm sát bên nhau trong chiếc kim tĩnh. Nhị đang trong tình trạnh hôn mê. Dưới lần tấm vải mủ là lớp bùn nhảo của chuột đùn ra lâu ngày quyện với cỏ mục. Bên trên, chung quanh - trừ phía cửa vào - là những bức tường cũ hồ vữa đã rữa nát bày ra sống cạnh của những viên gạch loang lở. Mùi đất ẩm, mùi cỏ mục, mùi phân chuột cống cộng với mùi xác chết của một con gì xôn lên hăng hắc, nồng nồng. Ban đầu có lẽ vì lạ hơi, những con mò, con kiến chung quanh lũ lượt kéo ra bu cắn ngứa náy làm Minh khó chịu, dần rồi cũng quen. Nằm đây, Minh rất yên chí. Anh nảy ra một ý nghĩ khá khôi hài : “Hai đứa đã nằm dưới đáy mộ rồi còn sợ cóc gì mọi thứ trên đời ?”

 

Chốc chốc Minh phải nhổm dậy vì Nhị hay kêu ú ớ trong mơ. Trong lòng mộ rất hẹp, anh phải để cho Nhị nằm ngửa xuôi tay, thẳng chân thoải mái. Minh chỉ được nằm nghiêng người, lúc trở qua bên nầy, khi trở qua bên kia, chân tay mỏi rã. Nhị thỉnh thoảng co rúm người lại, giật giãy tê tê, mũi phát ra những tiếng kêu hừ hừ không chủ động. Minh cứ phải đặt tay lên trán, lên người Nhị để kềm chế cô qua những cơn hoảng hốt ấy. Nhị trở chứng sốt nóng. Có lẽ vết thương của cô đã nhiễm trùng. Minh lần mở chiếc khăn tay băng chân Nhị ra xem. Một bàn chân mất máu xanh nhợt như chân người chết. Vết thương không sưng lắm nhưng tím bầm, dấu xuyên chênh chếch giữa gan bàn chân; miệng phía dưới bầm đen một quầng lớn bằng đồng xu. Minh dùng vạt áo Minh lau lớp bùn nhớp nháp quanh chân Nhị rồi giũ chiếc khăn băng lại.

 

Nhị cựa mình, mở mắt. Ánh mắt Nhị ngơ ngác có pha chút dò hỏi. Chốc sau cô mỉm cười :

 

- Có lẽ ta được hưởng thêm một ngày trời nữa, hở anh ?

 

- Đúng ! - Minh cũng cười - Nhưng một ngày nằm trong lòng mộ chưa hẳn là một ngày của trời. - Nhị bật cười. Minh lại tiếp - Có điều muốn hưởng trọn ngày ấy thì Nhị cố giữ đừng bật ra những tiếng kêu bất ngờ.

 

- Em sẽ cố gắng. Nhưng anh giúp em. Trường hợp em không tự chủ được anh cứ bụm miệng lại, hoặc nùi cỏ khô tọng vào.

 

Minh vui đùa :

 

- Anh không nỡ bóp mũi cho Nhị chết, vì những lúc ấy phần nhiều Nhị kêu bằng đường mũi và dường như có gọi tên anh.

 

- Tai hại thật !

 

Nhị hiểu lầm rằng Minh có ý trách mình. Cô thở ra, tủi thân, rân rấn nước mắt. Minh vuốt má Nhị an ủi, pha chút phàn nàn :

 

- Cứ hay làm dỗi, bộ có mình Nhị khổ đó chắc ?

 

Nước mắt Nhị ứa ra, lăn xuống má. Nhị nói xót xa :

 

- Anh còn nhớ cái dáng nằm rất bình thản của con Mai hôm ấy không ? Nét mặt rạng rỡ, đôi mắt nhắm một cách mơ mộng và đôi môi như cứ tươi cười.

 

Nhị nín lại để nuốt nỗi u uất vào cổ :

 

- Em cũng hiểu chút ít “chuyên môn”, một người bị thương khi nhiễm trùng phong đòn gánh thì khó cứu sống được, lại nữa hoàn cảnh ngặt nghèo như thế nầy lại càng không có thể... Em không biết vết thương của mình có nhiễm trùng phong đòn gánh chưa ?

 

Minh bỗng nghe lòng mình đau nhói, mắt cay xè. Anh vội bịt miệng Nhị lại :

 

- Cứ nghĩ vớ vẩn. Anh thấy mấy trường hợp người bị phong đòn gánh mà vẫn còn sống, có sao đâu ? - Rồi Minh cười, bẹo vào cằm Nhị - Mặt mũi Nhị còn tươi rói như thế nầy mắc phong đòn gánh sao được?

 

Nhị nhắm mắt nằm im. Sực nhớ bọc cơm sấy lượm được của bọn xe lội nước hồi hôm, Minh lấy ra, rủ Nhị ăn. Hột cơm bị nước ngấm âm ẩm, mền, nghe mùi thơm dễ chịu. Minh ăn thử rồi đưa cho những. Vừa nhóm một mớ cho vào miệng bỗng Nhị giật nẩy người, chới với. Cô cong queo đôi tay, mũi bật ra tiếng kêu ư ử, ấm ớ ghê sợ ! Minh vội ôm chặt người Nhị, xoa tay vào chân cho cô. Sau đó Nhị lắt đầu, cười :

 

- Cử động nó phản xạ ghê quá !

 

- Nhị cứ nằm yên vậy.

 

Minh vừa bốc cơm sấy cho mình, vừa nhóm cho những từng miếng bỏ vào miệng. Hai người ăn hết bọc cơm sấy ngấm nước nặng gần một ký lô. Trông người Nhị khỏe ra, vẻ mặt hồng hào lên, Minh cũng nghe “bầy kiến” trong bụng mình bỏ đi đâu hết.

 

Không việc gì để làm, Minh loay hoay một lúc bỗng phát hiện ra miệng hang của giống rắn hổ đất trổ qua lớp gạch lở. Lượm những mảnh gạch vụn trám miệng hang rắn hổ lại, anh bảo :

 

- Sào huyệt của những tên “biệt kích Mỹ” đây. Nhị có biết không ? Thứ rắn nầy rất sợ buổi sáng, cứ ru rú trong hang. Đến chiều lại bò ra kiếm ăn. Không khéo chiều nay chúng khỏi phải đi kiếm ăn như chúng ta hồi hôm vậy.

 

Trong lúc đang làm việc ấy, anh nghe có nhiều tiếng thổi hơi khò khè của những con rắn hổ đất đang ẩn trong lớp gạch nền mộ. Có lẽ vì cơm đã ngấm vào máu nên Minh cảm thấy buồn ngủ lạ. Đầu óc mụ mẫm, người bần thần, đôi mắt cứ ríu lại. Minh nằm ép vào Nhị, ngáp dài :

- Giặc bắn cũng chết, rắn cắn cũng chết, đằng nào cũng phải chết một lần. Ngủ một giấc cho no rồi hảng chết.

 

Nhị sờ trán Minh, bảo :

 

- Cứ ngủ ngon, em thức nghe ngóng cho !

 

Minh ngủ một giấc như chết, anh hoàn toàn không chút chập chờn trong ảo mộng. Lúc thức dậy, Minh thấy Nhị đang nằm bên cũng ngủ vùi. Minh rón rén ló đầu ra khỏi cửa mộ, nhìn lên. Mặt trời đã đứng đúng đỉnh đầu, buông xuống một thứ ánh sáng vàng nhợt nhạt. Nhiều cụm mây đen lởn vởn báo hiệu chiều hoặc tối sẽ có những trận mưa lớn. Quơ mớ cỏ khô đội lên đầu, Minh nhô người quan sát chung quanh. Trên quãng đồng trống cách chừng ba trăm mét, hướng về Mỹ Lâm có sáu chiếc xe lội nước đang đạu im. Những tên lính ngụy mặc đồ cỏ úa đang ngôi trên nắp xe nấu nướng món gì, làn khói bếp bay phất phơ. Phía đồn Mỹ Đông, căn cứ địch rào ráp lô nhô những cột sắt và dây thép gai lởm chởm lên bầu trời. Rồi một dải nhà trong ấp chiến lược Mỹ Đông, những mái lá màu hung, mái dựng màu vàng nhạt, mái tôn màu cứt cò cứ nối nhau kéo dài. Minh rảo mắt về những cụm rừng chồi hướng Tràm Dưỡng, Bệ Dây Heo rồi lần xuống hướng Đồng Giữa. Anh muốn reo lên khi thấy một nà cây xanh đậm như chiếc lộng xa xa : tàn cây chòi mòi trên bờ đìa chỗ điểm hẹn ! Khoảng cách xít xoạt năm trăm mét, vậy mà nó làm cho anh và Nhị phải trải qua một đêm vô cùng vất vả. Minh ước lượng tầm xa và ghi nhận phương hướng, mục tiêu lại lần nữa, rồi nhìn ngược lên ấp chiến lược Mỹ Đông. Ở mé hậu vườn, có vài người đi lang thang ra hướng những con lung lầy dường như họ đang tìm kiếm cái gì. Xế đằng nầy, chỗ có mấy nóc nhà lá nâu sậm, có một tốp người lao xao khiêng vác thứ gì, mở hướng đi ngay lại phía anh. Trông nhóm nầy là sắc dân thường chớ không phải lính ngụy.

 

Minh ngụy trang kỹ lại cửa mộ, anh bò vào đánh thức Nhị :

 

- Tàn cây chòi mòi cách ta khoản năm trăm mét thôi, vậy mà... Nếu hồi hôm tập hợp lực lượng về đó thì nguy. Những chiếc xe lội nước của giặc còn lảng vảng chung quanh nơi ấy.

 

Đôi mắt Nhị đang rực sáng trong lúc cô lên cơn sốt, mặt mũi đỏ nhừ, vụt sa sầm. Nhị cắn môi ngẫm nghĩ một hồi lâu :

 

- Vậy à ? Phải chân em không đau, ra xem thử. Quả rồi...

 

- Yên chí ! - Minh sờ trán Nhị - Nóng lên quá rồi đó ! - Anh tiếp - Dường như phía ấp chiến lược có một số đồng bào đang khiêng vác thứ gì đi về hướng chúng ta.

 

- Nếu dân thì không có gì đáng ngại.

 

- Địch cũng chẳng có gì đáng ngại. - Minh cười đùa - Với hai khẩu súng và hàng trăm viên đạn như thế nầy nó cũng đủ tống táng hai đứa mình linh đình chán.

 

- Nghĩ tội nghiệp cho ông cụ hay bà cụ chủ ngôi mộ nầy. - Nhị cười đùa lại trông thật hiền - Đã tốn của lại tốn công chờ chết được chôn, bỗng hai đứa “Việt Cộng” đến chiếm phần trước.

 

- Chúng ta chết thì thế nào thằng giặc cũng ưu tiên cho nằm giữa ngã ba đường ngắm trời đất và chào vĩnh biệt bà con qua lại, chớ bao giờ chúng chịu để cho mình mồ yên mả đẹp ở đây.

 

Nằm một chút không chuyện gì để nói với nhau, Nhị chíp môi :

 

- Em đang nghĩ đến cái chết nhiều quá anh à. - Giọng nói của Nhị se lại - Kiếp sống trót vấng vương nhiều chuyện, cõi chết chắc người ta phải mang theo nhiều điều dang dở, anh nhá ? - Nhị ngừng một chút, lau nước mắt rồi thuật cho Minh nghe câu chuyện hồi cô còn bé - “Hồi ấy, lúc em còn nhỏ lắm, cuộc sống trôi nổi ở thị xã Rạch Giá, có lúc về kinh Ba xã Vĩnh Hòa ở nhà một bà cô. Bấy giờ máy bay địch hay ném bom đốt phá làng xóm. Dượng ba em giấu một lu đựng gạo ngoài bờ cây bình bát. Cạnh lu gạo có một gốc cây bình bát lớn, cao tới ngực, đã bị đốn lâu ngày nên giữa đầu gốc có một lỗ mục thành hốc ổ gà. Cũng vào dạo đầu mùa mưa nầy, có một cặp chim quốc đến làm đẻ trứng trong lỗ gốc cây mục ấy. Những lần ra lấy gạo, em cứ đứng ngắm say sưa trứng chim quốc. Ơi, như những hòn đá hoa cương nền trắng ngà có hoa văn đỏ thẫm, đẹp tuyệt vời ! Sau đó em định bắt quốc mẹ và cả ổ trứng đem về nuôi. Làm một khuyết bẫy, em đặt ngay cửa ra vào của quốc mẹ. Khi ra thăm, thấy quốc mẹ vướng bẫy vào cổ chết tự hồi nào. Chiều lại, dĩ nhiên là quốc mẹ và sáu trứng được nằm trong đĩa cạnh ly rượu của dượng Ba. Em buồn đến mấy ngày, buồn nhất là mỗi chiều chạng vạng, mỗi buổi sáng bình minh, quốc chồng cứ đứng trên cành cây cạnh miệng lu gạo mà ra rả gọi quốc vợ. Ngày lại ngày, tiếng quốc chồng kêu nghe đến cùng kiệt, thảm nảo làm sao ! Rồi bẵng đi mấy hôm, em ra gốc bình bát để lấy gạo, thấy xác quốc chồng nằm trên nắp lu, dòi bu đầy hai hố mắt... - Nhị nín lại, nghẹn ngào - Loài vật cũng có lòng chung thủy quá, hở anh ?

 

- Thôi, Nhị đừng nói nữa !...

 

Minh nói ngồn ngột trong mũi và quay mặt đi nơi khác. Anh sợ Nhị thấy được nét mặt đầy thương tâm và hai dòng nước mắt của mình.

 

Có tiếng người nói chuyện lao xao ngoài cánh đồng, Minh bảo Nhị cứ nằm im để anh nhóng ra xem. Chốc sau Minh vào báo :

 

- Có lẽ đang khiêng một chiếc quan tài đến để chôn vào bãi tha ma nầy.

 

Thái độ Nhị chợt cuống lên :

 

- Xui xẻo gì đúng ngày hôm nay họ lại giành mất cái lòng mộ nầy với mình sao ?

 

- Quả vậy, chúng ta sẽ gặp thêm một tình huống khốn đốn.

 

Nhị đưa mắt thăm dò thái độ xử lý của Minh. Suy nghĩ một chút, Minh bảo :

 

- Cũng có thể là một trường họp ngẫu nhiên vậy...

- Em mong sao không phải là người chủ mộ đến tranh chỗ với ta.

 

- Anh cũng mong vậy. Là một người khác thì thân nhân họ sẽ đào huyệt chôn người chết ở bên kia hai ngôi mộ nầy, vì ở đó có khoản đất trống và nhiều nấm mộ mới. Miễn sao ta giữ được bí mật.

 

Đúng như lời Minh dự đoán. Họ đã đến và xuống vá đào huyệt cách chỗ hai người vài mươi mét. Tiếng vá xắn đất bầm bập, tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng vãi đất ào ào vào cỏ tranh. Lẫn trong tiếng khóc nỉ non của vài người phụ nữ. Sau đó, có lẽ đến lúc họ hạ gọng quan tài, Minh nghe tiếng mấy người đàn ông hô hào. Bỗng một người đàn bà khóc ré và bà ta kể lể rất thê thảm :

 

- Người ta đông như kiến cỏ, con có mấy anh em sao cự nổi, con ơi ! Mới mười tám tuổi mà con đành bỏ cha, bỏ mẹ đi sao đành, con ơi! Là Tỷ ơi !

 

Nghe người phụ nữ gọi đến tiếng “Tỷ ơi”, Minh giật mình, anh khều tay vào Nhị, láy mắt về phía có tiếng khóc. Nhị hiểu ý, gật đầu.

 

Sau đó là tiếng một người đàn ông :

 

- Bà bớt khóc đùm tôi chút đi ! Con mình chết, có mấy thằng ác ôn chết theo đền mạng, xứng đáng rồi.

 

Người đàn bà :

 

- Ông nói... Dễ một đứa con mình sao ? Còn có một thằng xin lưỡi câu nữa. Con nhà ai mà trắng trẻo, ngộ nghĩnh làm sao ! Nghe mấy đứa chăn trâu nói gặp xác thằng con đó nằm ngoài lung, chúng nó ôm cỏ đậy kín lại, không thì bọn ác ôn gặp được, mổ bụng thằng nhỏ đi.

 

Người đàn ông :

 

- Tụi chăn trâu có nói với tôi, thằng con đó còn sống, lúc tủ cỏ, chúng thấy thằng nhỏ nhúc nhích. Tôi giả bộ đi đâm rắn, kiếm cả buổi không ra. Để chiều về kiếm nữa.

 

Một người đàn ông khác :

 

- Thằng Lơn nói là chúng bắn chết một cặp vợ chồng bỏ nằm ngoài ruộng, tôi làm bộ đi lùa bò, kiếm dữ cũng không thấy. Nó nó có một người con gái lẹ tợ bóng ma. Cô ta bỏ tóc xõa ngồi trên bờ kinh, bắn tụi nó một băng ngã liền mấy đứa. Cô nhảy qua mương, lết qua bắn một băng, lết lại bắn một loạt. Tụi nó xúm bắn cô đỏ lửa quanh mình mà chẳng thấy cô hề hấn gì. Tụi nó rượt theo cặp vợ chồng đó ra ngoài đồng xa mới bắn hạ được. Thằng Lơn nói, nó bỏ xác hai người chồng đống ngoài kia, ai có bà con thì ra nhìn.

 

Qua lời họ nói, Minh và Nhị hiểu được phần nào tình hình ở ấp chiến lược Mỹ Đông trong đêm hôm qua. Sau đó là những tiếng ồn ào, lao xao lẫn tiếng khóc, tiếng tuôn đất xuống huyệt... Rồi im.

 

Họ đã về. Vắng lặng. Minh quan sát cẩn thận rồi cõng Nhị bò ra tiễn biệt Tỷ, người đồng chí, mà lúc nãy họ khó lòng lộ mặt để chia buồn với gia đình. Như thế là Bình cũng chắc hy sinh rồi. Hai người cứ ngồi bên nấm mộ mới nhất trong bãi tha ma, cúi đầu lặng lẽ. Gió chiều hiu hiu thổi. Đồng nước mênh mông, xôn xao tiếng nhái và tiếng cúm núm tắc nghẹn...

 

Mặt trời đã hạ xuống gần chí mí rặng cây xa. Minh đưa Nhị trở vào nằm lại trong lòng mộ. Họ biết chắc rằng mình đã sống thêm một ngày. Rồi thời gian tới, ban đêm ưu thế nghiêng về phía họ. Minh nghĩ: anh điều Nhị từ đây tới tàn cây chòi mòi trên bờ đìa kia chẳng khó khăn gì. Họ sẽ được các bạn chờ sẵn, đón tiếp. Nhị sẽ được đưa đi bệnh viện. Rồi thì sao nữa ?...

 

Minh không dám nghĩ tới những cái kế tiếp. Có cái gì đang đau nhói ở vùng ngực phía trái anh, nó se thắt làm anh phải cắn môi chịu đựng. Cơn bệnh phong đòn gánh của Nhị ? Nếu có, rồi sẽ ra sao ? Biết Nhị có qua khỏi không ? Không thì anh và Nhị sẽ vĩnh viễn xa nhau. Nhưng qua khỏi thì... Nhị đã tàn phế, được chuyển công tác khác. Ôi, chiến tranh biết kéo dài đến chừng nào ? Hai đứa làm sao gặp lại nhau, làm sao sống gần gũi nhau nữa ? Trái tim Minh nhói lên đau thắt đến nghẹn thở. Những nhịp đập bồi hồi cứ buông mạnh và chậm làm trán anh vã tứa mồ hôi. Minh nhìn chăm vào khuôn mặt bình thản của Nhị. Hai mắt Nhị nhắm một cách yên tĩnh, đôi mày, sống mũi, khóe miệng, chiếc cằm... Ôi, sao mà thân thương quá vậy ? Tất cả đều chứa chan trìu mến ! Lồng ngực Nhị đang phập phồng theo hơi thở : cái lòng ngực chứa trái tim của người mẹ, người chị và người yêu, làm sao xa cách cho nổi ?...

 

Trong con người có lúc vụt nẩy ra một ý nghĩ đen tối bế tắc, họ muốn trốn khỏi thế gian nầy để đi tìm một cõi nào đó có thể dễ chịu hơn chăng ? Nếu không vậy, họ đang nghĩ rằng cõi đời nầy không còn một ý nghĩa gì đẹp đẽ đáng yêu mà níu giữ lại nữa !

 

Đó chính là tâm trạng của Minh ngay lúc nầy. “Thôi thì đắng cay, gian khổ, thương yêu trên cuộc đời nầy bao nhiêu đó cũng đủ rồi, kéo dài thêm chi nữa ? Chết là yên ổn tất cả, là hai đứa được nằm bên nhau mãi mãi,  trong lòng mộ thế nầy đến vạn kiếp là ấm cúng, là trọn vẹn lắm rồi ! Nhị ơi ! Mở mắt ra nhìn lại cõi đời nầy lần chót rồi chúng ta cùng đi, em nhá !’

 

Minh bật khóc...

 

Nhị choàng dậy, ôm ghì lấy đầu anh áp sát vào ngực mình :

 

- Thôi anh... Sao lại yếu mền như vậy ?

 

Nhị trách Minh như một mẹ hiền. Và cô nhè nhẹ vuốt tóc anh. Lâu lắm, anh mới hỏi Nhị được một câu :

 

- Ngày độc lập nếu cả hai chúng ta còn sống thì sao ?

 

- Thì dù ở cuối đất cùng trời em vẫn đợi anh.

 

- Nếu hai chúng ta còn một thì sao ?

 

Nhị mỉm cười, liếc yêu Minh, cô cố phá tan không khí căng thẳng vô ích nầy :

 

- Thì sao đó hãy viết thư về cho mẹ để tiến hành việc hôn nhân với cô Hiền, chớ sao ?

 

Câu nói đùa của Nhị dường như không đúng chỗ. Cô thấy mặt Minh tối sầm lại, ngó nơi khác. Nhị liếc nhìn trộm Minh rồi bật cười khúc khích. Vừa bực bội vừa tức cười, Minh quay lại :

 

- Rầu muốn chín ruôt, bộ có chuyện gì vui lắm sao ?

 

Minh quay lại hỏi Nhị và anh cũng mỉm cười.

 

- Nghĩ đến những ngày độc lập em sẽ xin phụ trách một nhà giữ trẻ. Trẻ con mà dạy chúng đúng cách, chúng ngoan và dễ yêu lắm anh à. - Nín lại một chút Nhị lại hỏi Minh - Đến ngày độc lập anh sẽ làm gì?

 

- Anh dốt thấy mồ, văn hóa chưa hết lớp ba, phải đi học bổ túc...

 

- Nhưng sao đó rồi cũng phải...

 

- Đúng ! Phải học để mà lái máy cày. Anh sẽ cải tạo cánh đồng cỏ nầy thành nông trường lúa xanh mát mắt cho em xem. Đất mình bỏ hoang nhiều, uổng quá !

 

- Rồi sau đó nữa ?

 

- Anh xin một khoảng đất nho nhỏ để xây nhà, làm vườn trồng vú sữa, trồng cam nầy...

 

- Ở vùng đất phèn nầy mà trồng cam thì...

 

- Thì... để hái trái chọi chó chơi vậy.

 

Cả hai bật cười thành tiếng. Minh vội đưa tay ra dấu bảo im để giữ bí mật. Hai người chợt nhớ lại hoàn cảnh hiện tại, họ lại im lặng. Nhị ngồi dậy, sờ nắm nhè nhẹ vào bàn chân bị thương :

 

- Chắc nó chịu yên rồi, anh hả ? Hết chết rồi. - Nhị lục túi áo tìm cây lược nhỏ xíu cô thường cất giữ - Nhưng có chết cũng phải chết cho “đẹp gái” chớ.

 

Nhị khom đầu chải tóc, từng lọn tóc suông óng hoe hoe màu nắng chảy tuột theo kẽ tay cô. Minh cũng mơn man mớ tóc của Nhị đang tấp vào cổ anh :

 

- Bao giờ độc lập anh sẽ mua cho Nhị một chai dầu nhuộm tóc để nó đen mượt trông mới đẹp hơn.

 

Nhưng như chợt nhớ ra điều gì, Nhị hất mớ tóc về sau, nhìn Minh có vẻ hối lỗi :

 

- Anh à ! - Nhị ngập ngừng - Có một chuyện nầy mấy bữa nay định báo với anh, nhưng chưa kịp. - Nhị nín lại đắn đo rồi tiếp - Thằng cha Năm Hoa... Sao em có những điểm nghi vấn quá.

 

Nhị thuật cho Minh nghe câu chuyện về Năm Hoa biết trái gài ở khu vườn tam giác kinh Đường Tắc mà còn xúi chiến sĩ Mậu càn vào cho nổ để anh ta có cớ chạy bỏ trận địa, như lời của cậu em nuôi của Nhị báo lại. Sau đó Nhị tiếp :

 

- Thằng Quí, cậu em nuôi của em ấy mà, nó bảo với em hồi đầu hôm, lúc Năm Hoa dắt bọn nó về gấp phân đội ta rằng, Năm Hoa mới vừa bắt liên hệ với địch.

 

- Năm Hoa liên hệ với địch là thế nào ?

 

Minh kinh ngạc, chồm tới như định nuốt sống Nhị.

 

Nhị :

 

- Xe lội nước càn ngay, Năm Hoa đứng lên giơ tay. Sau đó độ vài giờ, anh em thấy Năm Hoa bươn bả chạy về đơn vị. Anh ta bảo, lợi dụng lúc địch sơ hở, anh đánh tháo, thoát thân. Từ hoài nghi nầy em mới bảo thằng Bình dẫn mũi về Gò Tranh chứ không trở lại tàn cây chòi mòi như Năm Hoa bảo.

 

Minh ngớ người ra :

 

- Sao em không bảo sớm với anh ? Đêm qua, không hiểu, anh cõng em về điểm tàn cây chòi mòi thì sao ?

 

Nhị lớ ngớ như người mất hồn, cô vỗ tay lên trán :

 

- Tại sao em đoản trí như vậy kìa ?

 

Minh do dự một chút, rồi ngập ngừng :

 

- Anh nói chuyện nầy chắc em không cho anh có thành kiến với Năm Hoa chớ ?

 

Nhị nhìn vào mặt Minh, ra vẻ hờn trách. Minh tiếp :

 

- Em có biết Năm Hoa là em cô cậu với tên Mười Tiếu không ? Hắn có dây mơ rễ má với tên trung tướng tư lệnh vùng Bốn chiến thuật Đặng Văn Quang đó.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7   8   
Anh Động
Số lần đọc: 1665
Ngày đăng: 25.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Nắng quái - Trầm Hương
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)