Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.082
123.232.982
 
Trên một cung đường
Anh Động
Chương 8

Cái gì vừa mất hoặc sắp mất người ta cứ day dứt nhớ nhiều về nó. Bình, một cậu bé đi vào cách mạng bằng con đường khá ngộ nghĩnh. Khi mới lập phân đội vận tải, Minh nhận hai cậu thiếu niên vốn là chiến hi đường dây huyện Giồng Riềng có đến gần hai tuổi quân.

 

Lý cao nghều ngào, đôi tay dài quá gối, áo quần xập xệ, mồn hay nói tía lia, phần nhiều chuyện tiếu lâm, thỉnh thoảng xen vào vài câu chữ nho. Ngược lại, Bình ăn mặc tươm tất nịt vòng thắt lưng băng đạn CKC sạch bóng, thường xuyên đỏ nhừ vì cả thẹn. Một chiếc khăn “giao liên” trắng bong có thêu chỉ hồng quàng cổ, một chiếc nón tai bèo màu xanh lá cây đội trên đầu, trông Bình như cậu công tử bột. Nếu không được Lý thuật những trận đụng độ của hai cậu với giặc gay go là chừng nào, thì Minh rất ngại cậu tân bình loại con út nầy.

 

Bình là con trai độc nhất của bà mẹ góa và cũng là đứa em trai út của sáu chị gái trong một gia đình trong rạch Cái Bát. Nơi đây là vùng tranh chấp, nhưng người ta bảo nó nằm trên mảnh đất hàm rồng nên chiến tranh ít đụng tới. Hai bên bờ rạch có nhiều tàn cây cổ thụ che bóng cho những ngôi nhà ngói cổ. Mùa sa mưa, vào những chiều nắng ráo, người đi qua trông thấy những tàn cây cao đòng đưa đầy tổ ong bần và tổ chim dòng dọc. Tiếng gia cầm hào với tiếng chim rừng tạo thành một âm thanh êm ả, ngời gợi trong không khí thanh bình thôn dã. Bình lớn lên trong một ngôi nhà ngói cổ như vậy và trong vòng tay sáu chị gái, luôn được dạy dỗ, ăn học đàng hoàng.

 

Một hôm Bình bảo mẹ và các chị rằng mình sẽ đi tòng quân. Rồi chiều hôm sau Bình cương quyết ra đi dưới trận mưa nước mắt của đám đàn bà, con gái trong nhà. Các chị nhét vào ba lô Bình hàng khối tiền và sáu chiếc khăn khác nhau với sáu chai dầu thơm hiệu Huê Lạc...

 

Bây giờ những kỷ niệm êm đềm ấy đối với Bình trở thành dĩ dãng...

 

Bị một viên đạn gãy ống chân trái, nếu Tỷ không buộc Bình phải rút trước, Bình vẫn ngồi tại chỗ bắn nhau với bọn giặc phục kích đến viên đạn cuối cùng. Vì nhiệm vụ hậu vệ phải chặn giặc cho đồng đội rút lui, dù hy sinh Bình vẫn không rời trận địa.

 

Bình bò qua mấy con bờ cao một cách khá vất vả. Có những lần Bình phải gượng đứng dậy bằng đầu ống xương chân để nâng mình lấy đà trèo qua bờ. Vì sức nặng của cơ thể trì xuống, thịt bắp chân và bàn chân còn dính lại bị tuột lên, đùn lên, ống xương chân cắm sâu vào đất. Giữa trời đêm với những cơn mưa tầm tã. Súng và đạn quàng lên lưng, Bình hết bò lại nghỉ. Trong ý nghĩ Bình luôn cho rằng mình đang bò đúng hướng chỗ Gò Tranh nơi địa điểm tập trung mà Nhị đã ra lệnh thay đổi và cậu cũng tin ràng chốc nữa thôi Tỷ sẽ đuổi kịp rồi cả hai cùng rút về. Nhất định Bình phải về gặp đơn vị ngay, cậu đang có một sự kiện quan trọng : phải gặp phân đội trưởng Minh và bí thư chi bộ Nhị để báo cáo sự kiện quan trọng nầy. Lúc nãy, từ trong ấp chiến lược ra, vừa gặp Nhị  thì Bình được lệnh vọt lên đi đầu, chưa báo kịp với Nhị việc ấy : thằng Năm Hoa...

 

Đi một đỗi, Bình dừng lại định dùng khăn băng bó vết thương. Sờ nắm một lúc, Bình thất vọng ! Bàn chân chỉ còn là một món của nợ đeo đẳng theo nhùng nhằng, vướng víu mà thôi. Bình sờ soạn khắp mình định tìm một vật gì bén có thể cắt bỏ. Nửa mảnh lưỡi lam của Nhị mà Bình mượn cạo lông mặt, còn đây. Mấy cuộn chỉ nhợ và mớ lưỡi câu vừa xin được trong nhà Tỷ, thì làm gì được ? Cuối cùng Bình tháo cuộn chỉ quấn chặt quanh ống chân làm kiểu thắt ga-rô. Bình dùng mảnh lưỡi lam định cắt bỏ đi bàn chân mà bây giờ chỉ còn là một túm thịt lầy nhầy nhưng không làm nổi. Thôi thì cứ bó túm nó lại, mang theo đến đâu hay đến đó. Khi dùng khăn băng vết thương xong, Bình ngất đi một lúc thật lâu mới tỉnh lại. Rồi tiếp tục tục bò, Bình cứ nhích dần tới. Nhưng chỉ một chút sau, Bình nghe toàn thân lạnh buốt, đầu choáng váng, mắt mờ dần trong mưa.

 

Khi tỉnh lại, Bình bò về hướng Gò Tranh trong tưởng tượng. Cậu thấy rất rõ tàn cây chỗ điểm hẹn ngay trước mặt mình. Đói thì chẳng có gì ăn, nhưng khát thì có sẵn nước dưới bụng, tha hồ uống. Lúc bị choáng ngất thì nằm, khi tỉnh dậy thì bò. Gò Tranh mỗi lúc một hiện rõ ngay trước mắt. Và Tỷ, người đồng chí ấy nhất định một chút nữa sẽ đuổi kịp, rồi cả hai cùng về điểm hẹn. Trên đường, có chỗ nước xâm xấp, có chỗ qua những vạt đất gò cao và trống trải, lại có chỗ phải vượt qua một con lung bùn nước sâu. Những đoạn nầy Bình phải nắm cỏ, nghểnh đầu lên, bườn tới...

 

Không biết tỉnh lại lần thứ mấy, Bình thấy mình nằm trong một đám cỏ rất dày và trời đã sáng trắng. Trên mình Bình ai đã phủ lên một lớp cỏ, rõ là có ai đó cố che giấu mình. Chung quanh đây, có tiếng người nói chuyện lao xao, thỉnh thoảng có tiếng súng nổ cắc bùm. Bình nghĩ : “Chắc có người tốt bụng đi đồng, thấy mình nằm mê man họ tưởng mình là xác chết nên hốt cỏ đậy lại cho diều quạ khỏi xé thây”.

 

Đến lúc trời nắng gắt, Bình thấy khát. Từng phút cứ nghĩ đến chuyện uống.  Nắng càng lên, chuyện uống cứ nghĩ đến dồn dập trong từng giây, từng nhịp tim đập. Người chiến sĩ đường dây ở vùng đồng bằng nầy đã từng chịu đựng mọi thứ : ngâm nước, dang nắng, đói và đau... nhưng cái khát giờ đây lồng lộn trong cơ thể vật vã không tài nào chịu nổi ! Ban đầu Bình cảm thấy như bị xát ớt vào đầu lưỡi, kim đâm vào miệng, vào cổ họng. Sau đó như có ai nung lửa đốt cháy hết ruột gan, rồi lửa bùng lên đôi mắt, hốc mũi, vòm miệng và cả bầu trời ngùn ngụt lửa đỏ và máu đỏ. Bình uốn mình nôn mửa nhưng không tháo ra được tí chất nhờn nào, vì trong miệng đã khô quánh và nóng bỏng. Và Bình quằn quoại...

 

Nhưng cũng nhờ chết ngất, Bình mới chống lại được cơn khát tàn bạo ấy. Đến trời xẩm tối. Bình không nhích đi được thêm một mét nào nữa. Đêm lại đêm. Có những đợt mưa lâm thâm. Bình cảm thấy cảm thấy trong người khỏe khoắn, tỉnh táo. Lại tiếp tục bò. Đêm Bình bò đi là vì biết mình còn sống, còn làm được cái gì trên cõi đời nầy. Thế thôi, Bình không hy vọng gì đến được nơi điểm hẹn có tàn cây ở Gò Tranh. Sức lực dần dần rơi lại theo con đường đi lên. Đôi tay mỏi rã rời, cảnh vật trước mắt Bình mập mờ, chập choạng. Dù sao cũng mặc, Bình cứ bò lên. Nói đúng hơn là Bình chỉ còn cựa quậy, đun lên từng chút một như một con sâu rộm bò. Có điều kỳ lạ là suốt trong đêm thứ hai nầy Bình ít bị choáng, thiếp đi đôi chút cũng chỉ vì quá mệt mỏi sinh mê man từng chập mà thôi. Bình mỗi lúc tiến dần lên vạt đất khô, có nhiều rau đắng biển trơn mát và những lùm cây lức lá có vị chát tê đầu lưỡi mỗi khi người ta nhai lấy nó. Bình nhờ nhai những thứ nầy mà đỡ khát nước. Món gì để ăn ? Bình không còn nghe đói, nhưng mỗi lần nắm được một thứ rau đồng nào cậu ta cứ cho vào miệng nhai thử. Lần lượt Bình thấy không cần làm vậy nữa, chỉ biết đun người lên theo bản năng trong trạng thái lơ mơ. Thường, những cơn kiệt sức đến Bình chẳng hề hay biết, ngược lại khi hồi sức Bình cảm thấy rất rõ. Và sau đó với động tác quen thuộc, Bình cứ “đun” người lên. Hai cánh chỏ của Bình đã tuột da, tuôn đầy máu. Xé vạt áo bó lại, và Bình cứ dùng hai cánh chỏ bám xuống đất, kéo người tới.

 

Sáng ngày thứ hai sau khi bị thương, Bình không còn nhớ rõ đêm qua có cái gì đến với mình. Tất cả chỉ loáng thoáng qua trí nhớ bằng một xâu chuỗi dài những giấc chiêm bao. Một ông thần râu dài, mắt to, người cao lêu nghêu, đứng trên tàn cây chòi mòi nơi điểm hẹn, vẫy gọi... Một luồng chớp giật chới với... Một tốp lính ngụy la hét, truy đuổi, chúng bắn nhiều súng... Một con dao ngâm nhọn hoắc chực đâm vào giữa bụng... Cây đàn măng-đô-lin cũ kỹ, điệu nhạc du dương của bài “Lỡ chuyến đò”. Ơi, sao buồn rười rượi nao nao lòng người ! Đôi mắt đen ủ rủ, đôi lông mày hình vòng cung, màu mi thâm quàng của Thế, người bạn gái thân thương, người diễn viên văn công khu... Không ! Ánh mắt của mẹ và sáu chị gái ở phương trời nào xa lắm ! Cái gì vấn vương ? Cái gì tiếc nuối ? Đi qua... Còn lại một màng lưới vô hình, một luồng gió hắc hiu... Hay là mình tự cắn lưỡi đi cho thoát cảnh nầy ? Bình tự hỏi rồi lại tự giải đáp. Chết ư ? Đành rồi ! Nhưng không ! Phải cố gắng ! Phải tìm gặp đơn vị để báo cho các đồng chí biết cái sự kiện quan trọng mà chỉ có mỗi một mình mình biết, để các đồng chí cảnh giác một con người, nó dường như đã... Thằng Năm Hoa... Và Bình lại ngất đi.

 

Bình tỉnh hẳn khi mặt trời xuyên xuống nhiều tia nắng chói chang. Nắng xốn mắt. Nắng rát bỏng toàn thân, rát bỏng trong cổ họng. Một vài cánh cò bay qua, chao lượn, dường như chúng định đáp xuống một nơi nào gần đây. Bầy ruồi nhặng bay quanh mình vo ve.  Mùi hôi thối từ vết thương chân bốc lên hừng hực. Bình quờ quạng, sờ nắm. Cái bàn chân và cả vết thương thối rữa lầy nhầy. Bình uể oải lắc đầu, nằm úp mắt xuống thảm cỏ rau đắng biển thổn thức...

 

Những ngày sống bình thường trên cuộc đời, có biết bao nhiêu chuyện để cần đến sự bình thản để mà chiến đấu với khó khăn. Những giờ phút sống trong mơ, có lắm điều rạo rực trong nhu cầu sinh thái, nhưng trong những khoảnh khắc cuối đời, người ta cố sống để mà chườm cái chết đến. Ơi, thật khủng khiếp hơn bất cứ khủng khiếp nào! Nhưng ở Bình, một con người vốn là bình thản, nhu cầu của cậu ta trong lúc nầy chỉ còn nhớ có hai thứ : ăn và uống. Phải chăng hai thứ ấy là con nợ bám riết vào cuộc sống người ta cho đến lúc không còn hơi thở ? Cái chết đến nơi Bình chẳng phải lạ lùng gì. Đã biết cầm súng đánh nhau hơn ba năm rồi, Bình không bao giờ nghĩ cái chết đến với mình. Mình không bao giờ chết được ! Có thế thôi ! Chiến đấu khó khăn, gian khổ đó là phận sự của mình, còn cái chết là phận sự của những kẻ đã làm xong nhiệm vụ. Đơn giản vậy thôi ! Bình có biết bao cái đáng yêu, không thể chết được; chết là tội lỗi. Những ý nghĩ riêng tư ấy có lúc Bình cảm thấy tự xấu hổ : Mình ích kỷ quá ! Cái gì người khác làm được tại sao mình không dám làm ? Các đồng chí chết. Mình lẩn tránh nó, dồn nó về cho các đồng chí ư ? Rồi Bình cảm thấy cũng có thể chết được một khi cần thiết phải làm cái việc mà trên đời nầy chẳng có một động vật nào muốn làm. Bây giờ đã đến lượt mình rồi, đến lượt mình phải làm nhiệm vụ như Lý Sên, như Mai, như Lý, Bá... và các bạn khác đã từng làm mỗi người một lần. Việc ấy gọi là “làm nên cái chết”. Bình hoàn toàn bình thản và chấp nhận điều ấy một lần như các bạn vừa qua. Nhưng có một điều là trước cái chết thì cái đói khát, đau đớn nó hành hạ con người một cách quá tàn khốc !

 

Nhưng cuối cùng Bình cũng chẳng lấy gì làm lạ với ba con quỉ : đói, khát và đau đớn ấy. Những cái gì khó chịu cũng chỉ là lúc ban đầu thôi rồi dần quen hết. Hơn ba năm qua đã từng được chỉ huy và bạn bè khen là : “Sống và chiến đấu tươm tất và đàng hoàng”. Bình nghĩ : “Thì bây giờ có chết thì mình cũng chết sao cho đoàn hoàng. Thế thôi!”. Bình nhấm nháp từng cọng để nghe hết cái vị đắng cuối cùng trên thế gian nầy. Bình phải cố sống để gặp đơn vị báo cho các đồng chí một sự việc vô cùng quan trọng : thằng Năm Hoa...

 

Một lúc lâu, nghe trong người dễ chịu Bình ngủ một giấc ngon lành trên thảm cỏ dưới ánh mắt trời gay gắt. Những cái gì day dứt nhất, người ta thường mang nó vào giấc ngủ. Trong mơ Bình thấy mình được uống nước, uống lấy uống để, uống thừa mứa, uống đổ tháo, uống vội vàng, uống ồng ộc qua những ca nước trong, mát thật lớn, thật đầy nhưng vẫn không thấy đã khát. Khi tỉnh thì Bình lại thấy cổ họng rát đắng nhiều hơn. Tình thế khắc nghiệt như vậy, Bình biết không còn cách nào tốt đẹp hơn, đành vơ vào miệng vài cọng rau đắng biển để tiếp tục nhấm nháp. Dù thế nào Bình cũng cố giữ cho mình còn đủ tư cách một người chiến sĩ Giải phóng quân lãnh một trọng trách. Dù đó là một chuyến đi ra khỏi thế giới nầy, Bình cũng thanh thản tổ chức cuộc đi với tư thế người chiến sĩ tình nguyện. Bình tự nhủ và cứ nằm im để chờ cái chết đến như những lúc nằm im trong công sự chờ lúc xung trận với kẻ thù. Tội gì không nằm ngửa mặt nhìn ngắm bầu trời có nhiều cụm mây biến dạng qua những hình thù lộn xộn ? Những đoạn ký ức trẻ con cùng các chị thuở nào lần lượt trở về với Bình... Bình chợt nhớ ngày xưa các chị thường kể rằng...

 

Những người nằm chết giữa trời, đầu quay về hướng tây, linh hồn sẽ lên mây bay qua cõi phật, những người nằm quay đầu về hướng đông linh hồn sẽ bị thổi tạt mù ra muôn trùng sóng nước mà chịu đói lạnh rã rời. Những người chết nằm trong nhà, hồn thư dậy thành con đom đóm đực thật lớn, có màu xanh lập lòe bay lượn là quanh giường thờ để thăm viếng người thân. Hồn ma trơi ấy bay đụng vào người thì người chết, đụng vào đồ vật thì mọi thứ bị ngã đổ ầm ầm...

 

Lại có hai cánh cò bay qua. Chúng sà thấp, đảo lộn muốn đáp xuống gần chỗ nào đây. Bình cứ nằm lặng lẽ không quan tâm đến vợ chồng cò, và man mác nhớ về tuổi thơ... Chốc sau lại có tiếng cò kêu, không xa lắm. Bình ngẩng đầu dậy tìm xem. Chưa xác định chắc chắn tiếng cò kêu chỗ nào, Bình lại gục xuống. Chốc sau tiếng cò lại kêu. Nơi cò đánh nhau tất nhiên là có một mương nước hoặc một đầm lầy chứa nhiều cá, là vì chúng tranh ăn chỗ ấy. Bình cố gượng dậy một lần nữa. Chếch về tay phải không xa, có nhiều cây lức mọc chen nhau xông lên thành một dãy, nơi ấy đúng là một chỗ bờ đìa lạn hay con mương cũ. Phải cố bò tới nơi ấy sẽ được nước uống. Nước uống bây giờ là một phương thuốc hồi sinh cho Bình. Nghĩ vậy, Bình cố đun người lên về phía bờ cây lức có nhiều tiếng cò kêu.

 

Bình đến được cạnh mương nước bên bờ cây lức ấy sau mấy lần ngất đi. Lúc đến nơi, phần vì mệt, phần vì thấy nước uống, xúc động quá, Bình lại ngất đi một lần nữa. Vốn là một con người cẩn thận, lúc tỉnh lại, Bình quan sát kỹ xung quanh. Một khẩu đìa lạn chứa đầy nước trong veo, có nhiều cá rô quẫy bọt. Mép bên kia đìa giáp với một đồng cỏ ống, mép bên nầy, nơi Bình nằm là một con bờ khá cao, mé hẩm, bậc đất cách xa mặt nước. Bình không còn đủ sức để bò xuống đìa lấy nước uống được. Suy tính một lúc, Bình lấy ra cuộn nhợ xin của gia đình Tỷ, tháo lấy một khúc, xé vạt áo vo tròn, cột vào. Cầm đầu nhợ, Bình ném cục giẻ xuống nước, rồi lôi lên, cứ làm như thế, Bình hút lấy nước trong cục giẻ mà uống.

 

Qua một giấc ngủ dài chập chờn. Đêm khác lại đến. Những nỗi đau đớn và đói khát Bình cảm thấy chúng không còn phải là một thảm họa đối với mình nữa. Còn một nỗi là lạnh, lạnh thấu xương ! Lạnh buốt ruột gan ! Trong ảo giác chập chờn càng thấy lạnh, những lúc tỉnh lại càng nghe lạnh hơn. Nỗi lạnh khó chịu lạ lung ! Bình cứ ngỡ là cơ thể của mình đã hóa băng đi rồi. Tỉnh táo càng chịu cực hình, Bình cứ để cho mình mê man trong giấc ngủ, vậy mà đỡ hơn. Hết lạnh lại đến nóng... Bình nhớ rằng mình đang còn sống sót đến ngày thứ ba sau cái đêm bị thương.

 

Lúc mặt trời lên nửa buổi. Lần nầy Bình cảm thấy mình đang tỉnh táo nhất. Cơ thể hầu như hoàn toàn tê liệt, nhưng đầu óc thì minh mẫn lạ. Ruồi nhặng đánh theo xèo xèo bên chân. Vết thương đã thối rữa, dòi đục nhung nhúc. Ngay giờ phút nầy mà mình cũng vẫn còn sống trên cõi đỡi này ư ? Bình tự hỏi - Như thế này thì may hay rủi ? Sao không được chết ngay trong loạt đạn đầu khi đụng địch, có nhẹ nhàng hơn không ? Bình khóc ! Những giọt nước mặt đặc sánh ứa tròn hai bên khóe mắt. Bình ôm mặt nức nở như một đứa trẻ chịu đòn oan.

 

Nhưng cái sống cực kỳ khốn khổ ấy nhất định không buông tha cho Bình. Chẳng những nó hành hạ đủ điều về tinh thần, nó còn đem đến những cơn sốt nóng bừng bỏng môi, mờ mắt; nó còn đem đến sự đói khát cồn cào thắt ruột, xé cổ.

 

Lúc cái chết đến gần thì Bình nằm mê, khi cái sống hồi phục cậu ta lại ngồi dậy nhìn quang cảnh chung quanh. Để đốt thời gian chờ chết, Bình lấy một lưỡi câu tóm vào nhợ rồi bắt những con dòi lớn đang đục khoét ở vết thương chân, làm mồi, quăng xuống đìa câu cá. Lôi lên được con cá rô thứ nhất, lại thêm con thứ hai, con thứ ba... Cơn mệt mỏi dần dần kéo đến làm đôi mắt mờ hẳn, và Bình thiếp đi. Rồi không biết bao lâu, cơn đói cồn cào lại kéo đến lôi Bình tỉnh dậy. Trong cơn sốt bừng, những con cá rô mề mềm mun múp trông chúng béo bổ lắm ! Nước dãi Bình tứa ra, hàm cứng lại, vị ngọt từ dâu đọng lại đầu lưỡi và cuống họng. Bình chép miệng nước suông nước bọt đến nhiều lần. Rồi bỗng đôi mắt Bình sáng rỡ, cậu ta dùng một que cây cào bỏ lớp vẩy cá. Vị ngọt của thịt cá thấm vào đầu lưỡi, vào cuống họng và dường như có một sức mạnh hồi sinh lại cả thân thể...

 

Sau khi tìm về đơn vị. Minh phân công Sen Nâu cùng một chiến sĩ trở lại ấp chiến lược Mỹ Đông vào đêm sau. Minh bảo họ đột vào ấp, đến chia buồn cùng gia đình đồng chí Tỷ và hỏi thăm cặn kẽ những chi tiết về Bình. Rồi theo sự chỉ dẫn của cha Tỷ, họ lần tìm xem Bình sống chết thế nào. Minh không trực tiếp cùng Sơn Nâu đi tìm Bình được, vì anh còn phải cùng đơn vị tổ chức một chuyến mở đường máu để vượt vượt vòng vây địch đưa Nhị đến quân y. Minh cứ chờ mãi cho đến chiều hôm sau vẫn không thấy Sơn Nâu trở về đơn vị để báo cáo tình hình, tin tức về Bình. Chuyến đưa Nhị đi vào quân y đã chuẩn bị xong, Minh buộc phải ra lệnh xuất phát vào đêm thứ ba sau trận đụng độ với giặc ở ấp chiến lược Mỹ Đông không còn ở lại chờ tin tức Sơn Nâu được nữa.

 

Riêng Sơn Nâu, anh cùng một chiến sĩ đột vào ấp. Theo sự chỉ dẫn của gia đình Tỷ, hai người lần dò theo dấu mà tìm  kiếm Bình đến sáng, vẫn mù mịt tăm hơi. Họ quyết tâm trụ lại, “chém vè” vào cỏ rậm, chờ đến “tan phèn”, lại đứng lên, cởi áo bọc lấy súng giả làm người đi đặt lọp, tìm Bình thêm suốt một ngày ấy. Họ tìm thấy những dấu vết đáng khả nghi : có nơi cỏ bị quần nát và có dấu máu. Nhưng mãi đến chiều tối, thêm một ngày, cũng vẫn chẳng tìm thấy móng vó gì. Tìm ra chăng thì chỉ để đến ban ngày thôi. Sơn Nâu quả quyết như vậy, và hai người lại nằm đến ngày thứ ba để quyết lòng tìm Bình cho kỳ được, xem sống chết thế nào mới yên tâm. Đêm ấy, cánh Sơn Nâu nằm lại trên một bãi cỏ hoang cạnh bên ấp chiến lược Mỹ Đông chờ trời sáng. Nâu nghĩ : một người đã bị thương, dù cho còn sống đang nằm nấp đâu đó, đến hai ngày, ba đêm rồi thì cũng không thể còn cứu vãn nổi.

 

Nửa chiều ngày thứ ba, sau đêm Bình bị thương, Sơn Nâu mới tìm gặp được cậu ta, lúc tình cờ đến khấu đìa nầy tìm nước uống. Nhờ đàn ruồi nhặng bu ở vết chân Bình đánh lên ào ào chỉ điểm, anh thấy cậu ta nằm mê man bên mấy thân con cá rô đã bị vết răng cắn nham nhở. Bình ôm chặt lấy Sơn Nâu. Thoạt đầu đôi mắt cậu ngơ ngác như một người mộng du. Sau hồi lâu, Bình úp mặt vào ngực Nâu, nức nở. Ống xương chân của Bình bị bùn xảm vào dầy đặc. Toàn bộ vết thương bị dòi đục đầy nhun nhút.

 

Trong lúc Sơn Nâu tạm buộc vết thương cho Bình, cậu ta thều thào với anh :

 

- Thằng Năm Hoa ! Anh Nâu ! Thằng Năm Hoa nó... nó...

 

Nói được bấy nhiêu, người Bình ỉu xìu ra, mặt úp gục vào lòng Sơn Nâu. Im lặng. Bầu trời nhẹ nhàng và lên cao. Một cánh cò bay qua, bay qua...

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8  
Anh Động
Số lần đọc: 1602
Ngày đăng: 25.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Nắng quái - Trầm Hương
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)