Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.231.773
 
Bụi đời
Triệu Xuân
Chương 1

Lời tác giả

 

Đầu năm 1976, tôi thực hiện một phóng sự về tệ nạn xã hội ở Sài Gòn. Viết xong, lòng tôi day dứt mãi, nhiều đêm thức trắng vì hình ảnh, thân phận của những con người mang tiếng là bụi đời cứ lởn vởn, bám riết lấy tâm trí. Thế là từ đấy, tôi dành thời gian tìm hiểu, ghi nhận, mong đến một ngày nào đó sẽ viết được một cuốn sách về đề tài này.

Tháng 6 năm 1988, tôi bắt tay thực hiện tiểu thuyết Bụi đời. Tôi không có nhiều thời gian, ban ngày phải làm công việc của một nhà báo, đêm về mới được viết văn. Đến tháng 6 năm 1989 viết xong, tôi bỏ bẵng đi ba tháng để đến tháng 9 mới đọc lại và hoàn chỉnh bản thảo. Năm 1990, sách được xuất bản. Tính ra hơn mười ba năm tôi đeo đuổi đề tài này!

Câu chuyện thương tâm về cuộc đời của nhân vật Diệp trong tiểu thuyết Bụi đời chỉ là một phần nhỏ của thực tế đời thường. Bạn đọc, khi đọc tác phẩm này, có lẽ sẽ nhiều lần phải rùng mình ghê sợ vì cuộc đời, lối sống, cách cảm, cách nghĩ của những người ghiền ma túy, gái mại dâm, quân trộm cướp… Miêu tả, phơi bày cuộc sống trụy lạc của những nhân vật như Diệp, Phi, Tuấn… trong tác phẩm này là một việc bất đắc dĩ. Song, tôi muốn thông qua đó mà cảnh báo với những ai sống buông thả, thác loạn, không kiểm soát được bản năng và dục vọng của mình, rằng: Hiện thực trong thế giới bụi đời là một hiện thực tàn nhẫn, ở đó người ta tất yếu phải gánh chịu hậu quả thật khốc liệt, ê chề, và cuối cùng là cái chết thê thảm do chính mình gây nên bởi ma túy, mại dâm, HIV/AIDS...

Từ năm 1983, các nhà khoa học Hoa Kỳ đã phát hiện ra virus HIV và căn bệnh AIDS. Kể từ đó đến khi tôi viết Bụi đời chưa đầy sáu năm mà nhân loại đã có hàng triệu người bị nhiễm và chết vì căn bệnh thế kỷ này. Đây là thảm họa của loài người. Tôi đã có dịp trực tiếp tìm hiểu giới bụi đời ở Liên Xô (cũ), ở Australia, ở Hoa Kỳ. Giống như ở Việt Nam, họ rất cần được che chở, thương yêu. Các nước phát triển đã và đang dành những khoản tiền rất lớn cho việc phòng chống ma túy, chống mại dâm. Tôi ước mong những đồng tiền (vốn dĩ không nhiều) mà Nhà nước ta chi ra cho công việc này, được sử dụng ngày càng có hiệu quả hơn. Đáng ca ngợi biết bao những người đang thầm lặng sống và chiến đấu trong cuộc đấu tranh với ma túy, mại dâm để giành lại từng Con Người!

Công việc của người viết tiểu thuyết khó khăn chẳng khác nào trói voi bỏ rọ! Nhưng từ tấm lòng trắc ẩn của mình, tôi muốn nói với bạn đọc: Những người mang danh bụi đời đáng giận bao nhiêu thì cũng đáng thương bấy nhiêu! Họ cũng là những con người như chúng ta, mà sao thân phận họ hẩm hiu đến vậy? Tôi muốn nói rằng, gia đình và xã hội phải chịu trách nhiệm rất lớn trong việc con người bị tha hóa. Không thể thờ ơ với nỗi đau của đồng loại, vì có nỗi đau nào là của riêng ai. Tôi đã không cầm nổi nước mắt rất nhiều lần trong khi viết cuốn tiểu thuyết này!

Tôi xin nói lời cảm ơn ông Nguyễn Quang Văn, nguyên Giám đốc Trường Giáo dục lao động thanh niên mới (Bình Triệu - FATIMA), cảm ơn những người trong ngành Công an phòng chống ma túy, chống tệ nạn xã hội; ngành Lao động - Thương binh Xã hội… đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong suốt thời gian tôi thâm nhập thực tế để viết Bụi đời.

Triệu Xuân

 

 

Trên trần gian này, có gì khó khăn hơn

và tuyệt vời hơn là Sống làm Người?

 

Tác giả giữ bản quyền

Giấy chứng nhận Bản quyền Tác giả số 808/2003/QTG, do Cục Bản quyền Tác giả Văn học Nghệ thuật cấp ngày 04-9-2003 tại Hà Nội.

 

 

Chương một

 

Nắng chiều nhễ nhại trải trên thảm cỏ và những lùm cây phơi tùm lum đủ loại áo quần của cánh bụi đời tại vườn hoa Gia Long. Có hai người vừa thấy nhau đã nhào tới hỏi han rối rít. Không, không phải hai người mà chỉ là hai phiên bản rất tồi của con người. Trước đây vài năm, họ là hai thiếu nữ đầy quyến rũ mang tên Ngọc Diệp và Phi. Một năm qua đối với Ngọc Diệp là chặng đường cuối cùng đi tới địa ngục. Với Phi, số phận cũng vậy. Thời tiểu học, họ là bạn thân. Bước vào trung học đệ nhị, họ xa nhau. Mãi tới năm Ngọc Diệp học lớp mười hai mới gặp lại Phi trong cảnh: Phi bán thân để hút chích, còn Diệp vừa bỏ nhà đi hoang. Rồi cả hai trở thành nô tì của ông chủ Nam Hải. Vì giành nhau sái á phiện với đứa cháu ông chủ, Phi bị vu tội ăn cắp của gia bảo, bị đuổi đi. Hai đứa xa nhau lần thứ hai. Cuộc chia ly ấy cách nay đúng một năm. Phi đi rồi, chỉ còn Ngọc Diệp ở lại hầu hạ ông chủ. Công việc vẫn chỉ là tắm rửa cho ông chủ, bồi tiêm cho chủ hút, và lâu lâu... ngủ với ông chủ. Rồi ông chủ chết đột ngột trên bụng nô tì. Ngọc Diệp bị hất ra lề đường. Ngay trong đêm đầu tiên, tại vườn Gia Long này, một gã Sở Khanh hiện đại đã lột sạch số tài sản mà cô dành dụm suốt ba năm trời làm nô tì "cưng" của Nam Hải. Đề phòng Diệp tỉnh dậy quá sớm, gã Sở Khanh sau khi thỏa mãn, đã chụp chiếc mùi soa thấm đẫm thuốc mê lên mũi cô.

Diệp bị lột sạch, không còn một mảnh vải che thân. Cô ngủ mê mệt trong gốc cây đa cổ thụ, nơi mà gã Sở Khanh đã đưa cô vào, nói với cô những lời ngọt ngào. Mười giờ sáng hôm sau, cô mới tỉnh và đành phải rúc sâu vào gốc cây đa cổ thụ để chờ tối. Đêm thứ hai sau khi rời khỏi nhà Nam Hải, Diệp thèm thuốc dữ dội. Cơn vật vã hành hạ mãi đến khi một "đồng nghiệp" ấn cho cô điếu thuốc lá có trộn lẫn chút sái á phiện. Diệp được "cấp" một quần dài, một áo pull. Cô không có đồ lót. Trong bộ cánh ấy, cô làm ra tiền. Cô phải mang ơn "đồng nghiệp" suốt cả tháng trời và trả ơn bằng cách chia "tứ - lục". Kẻ ấy chính là một mụ Tú Bà. Mụ dắt mối cho Diệp, chỉ cho Diệp "động"(1) an toàn; và quan trọng nhất, quyết định sự sống của Diệp, là mụ đã dắt Diệp đến "ổ" chích á phiện ngon nhất. Mỗi "ca" đi đêm hoặc đi dù(2), phần của mụ: sáu, phần của Diệp chỉ có bốn. Qua một tháng bị mụ trấn lột êm dịu, Diệp được chị em cùng cảnh mách nước. Và Diệp thoát khỏi mụ Tú Bà.

Ngày, Diệp chích thuốc bốn cữ rồi kiếm chỗ nằm để phiêu du trong thế giới mơ tưởng.

Đêm, Diệp mong nhất là có khách. Nếu không thì đi dù vài "ca", rồi Diệp phải rúc vào xó xỉnh nào đó chờ sáng. Sài Gòn rộng lớn là thế, mà đối với Diệp chật chội quá, không tìm ra nổi một xó cho riêng mình. Chỗ nào cũng có "chủ". Nhiều đêm, Diệp phải ngủ với một thằng ma cô để được trú nhờ trong xó của hắn. Những đêm như vậy, Diệp kiệt sức, đau rát, có lúc phải thét lên, phải chửi rủa. Đã ba bốn lần Diệp "đeo" được những vị khách có nhà cửa đàng hoàng. Nhưng lâu nhất là một tuần, sớm nhất là sau một đêm, Diệp lại bị bỏ rơi. Té ra đó chỉ là "sân bay" của các vị ấy. Lâu lâu, các vị ấy mới có cơ hội "đáp xuống".

Đã ba lần Diệp bị bắt lên Trường Phục hồi nhân phẩm. Cả ba lần, Diệp đều giả bệnh, được đưa đi nhà thương và trốn trót lọt. Rất may là chưa lần nào Diệp bị bắt khi đang chích hoặc đang đói thuốc...

Hai đứa gặp nhau, mừng tủi, bô lô ba la kể cho nhau nghe chuyện mình, chuyện đời.

Đến lượt Phi kể, Diệp ngáp liền mấy cái, nước mắt ứa ra, vai so lại.

- Mày đến cữ à?

- Ừ. Còn tiền không?

- Còn. Đi lẹ lên.

Phi nắm tay Diệp nhảy lên xích lô. Cô nhường Diệp ngồi trước để ôm bạn. Đầu Diệp ngả vào ngực Phi. Phi nhìn thấy tóc bạn đã bắt đầu rụng từng mảng, môi thâm sì. Bộ quần áo nó mặc thật khủng khiếp. Có lẽ cả tuần lễ không được tắm giặt.

- Tao ế cả bốn ngày nay. Không thằng nào thèm đi với tao nữa. - Diệp thều thào - Tao đói thuốc muốn chết.

- Nín đi. Hôm nay tao khao mày. Thằng Nhân mới về.

- Nó lại về à? - Diệp nghe đến Nhân đại bàng thì giật thót lên.

- Nó đi sáng nay rồi! Ai... Ài... - Phi ngáp, nước miếng nhễu xuống ngực áo Diệp.

- Mày cũng đến cữ à?

- Ừ. Dạo này tao phi(1) bạo lắm. Ngày năm sáu cữ. Vào chỗ nào mày biết không? "Đã" lắm.

- Vào đâu?

- Chỗ này này. - Phi lấy tay ấn vào chỗ kín nhất của Diệp - Mày chưa... bao giờ à? Một phát minh đó!

- Tao chích vô rồi... - Diệp nói, thoáng mỉm cười, giọng như rên lên, nước miếng ứa ra - Một thằng bảnh lắm, có nhiều tiền. Nó nuôi tao được bốn đêm. Nó chích vô đó. Nó dạy tao tìm gân máu để chích cho nó cũng vào nơi ấy.

- Xích lô, chạy lẹ lên! - Phi ngoái lại nói lớn.

- Tới đâu?

- Còn phải hỏi? Ngó tụi này chưa đủ biết à? Ga Sài Gòn!

- Ừ. Công nương yên tâm. Qua cũng phải làm một cữ!

Nghe tiếng nói của người đàn ông, Diệp chột dạ. Dường như từ trong sâu thẳm của tiềm thức, một âm thanh vô cùng ấm áp, tin cậy vọng về, khiến cô ngồi thẳng dậy, nhìn lên phía sau. Ai đấy? Trời ơi! Đây mà là Tuấn sao? Một gương mặt tiều tụy, má hóp, trán nhăn, mắt thâm quầng, chân tay teo tóp. Còn đâu nữa dáng hình anh mà em thường nhung nhớ. Bao nhiêu năm rồi? Hơn bốn năm rồi. Anh và em, chúng ta đã rơi từ cuộc đời đáng nguyền rủa xuống vực thẳm của bệ rạc, của hèn hạ và cái chết. Tuấn! Gặp anh ở đây, em muốn gào lên, than khóc cho bớt tủi nhục. Nhưng để làm gì? Vô ích. Chết là hết! Chết một mình hay chết có hai mình cũng vậy thôi. Mất công oán than, kể lể, giận hờn. Mà làm gì còn sinh khí để giận hờn? Hết tất cả rồi. Em đã rõ vì sao anh không đến với em. Em đã rõ anh trở thành đệ tử của trùm băng cướp "Nhân đại bàng". Chiếc xích lô này anh đang chở em, là để dùng vào việc chở đồ trấn lột khi đánh quả. Em biết cả. Từ nhà Nam Hải ra đi, em đã tiếp tục tìm kiếm anh trong cơn tuyệt vọng. Thế giới ngầm Sài Gòn đã thông tin lại cho em tất cả: từ những chuyện dơ dáy ở chốn dơ dáy, đến những chuyện dơ dáy ở những nơi cao sang quyền quý. Em đã tàn lụi đi về thân thể, về nhân phẩm, nhưng lại khôn hơn rất nhiều về cách hiểu, cách nghĩ. Và em hiểu, trong những lúc như thế này, tốt nhất là ta không nhận ra nhau. Có nhận ra nhau cũng nên lờ đi, coi như anh và em - xa lạ.

*

*          *

Ga xe lửa Sài Gòn thoạt khởi thủy, tức là thời kỳ người Pháp xây dựng những mét đường sắt đầu tiên, đặt tại chợ Cũ Sài Gòn, gọi là ga Mỹ, vì đây là ga xe lửa đi qua Chợ Lớn xuống Mỹ Tho. Sau này, ga xe lửa trung tâm chuyển về trước cửa quảng trường chợ Bến Thành, trở thành đầu mối quan trọng nhất của đường sắt xuyên Việt.

Năm 1976, ngày 31 tháng mười hai, lúc 8 giờ sáng, tại ga xe lửa Sài Gòn làm lễ long trọng khánh thành đường sắt Thống Nhất vừa được phục hồi sau mấy chục năm trận mạc. Từ ngày đó, xe lửa trở thành phương tiện rất tiện lợi của bọn buôn lậu, buôn đủ thứ hàng lậu mà số một là thuốc phiện. Thuốc phiện từ miền biên giới phía Bắc ào ạt chảy về Sài Gòn. Đã xuất hiện trở lại thuốc phiện Vân Nam một thời nổi tiếng. Đây là loại thuốc đựng trong hộp bằng đồng nhãn hiệu Con Rồng Xanh. Thuốc phiện trồng và chế biến tại vùng Tam Giác Vàng - giáp giới ba nước Miến Điện(1), Lào, Thái Lan - cũng theo con đường biên giới về các trung tâm buôn lậu tại miền Bắc rồi đổ về Sài Gòn. Tại đây, một lượng thuốc lớn được dân ghiền xài tại chỗ. Một lượng thuốc không nhỏ trở thành hàng lậu tỏa đi thế giới qua con đường biển từ cảng Nhà Rồng, hoặc đường hàng không qua ngả Tân Sơn Nhất.

Từ xưa, Sài Gòn đã là nơi hút chích rầm rộ. Có thời, Sài Gòn có hàng ngàn "động" hút chích; trong đó, khu vực hút chích công khai nổi tiếng là khu Đại Thế Giới ở quận Năm. Thời ấy, thuốc phiện, bạch phiến (héroine) và các loại thuốc chế từ cây thẩu (Papaver Somniferum) đến Sài Gòn bằng rất nhiều con đường. Nhưng tựu chung, vẫn là từ các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Lào, Thái đưa về.

Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, nhưng con đường của thuốc phiện vẫn không bị cắt đứt. Ga Sài Gòn hàng ngày đón nhận vài chục tên buôn lậu thuốc phiện. Nhu cầu ngày một lớn. Những người giàu có ở Chợ Lớn, ở Sài Gòn vẫn chơi á phiện theo lối cổ truyền: ống điếu. Còn dân bụi Sài Gòn - mà số lượng luôn gia tăng - thì hút, chích đủ kiểu. Cầu đòi hỏi cung liên tục. Và giới buôn lậu thuốc phiện hốt bạc!

Khi người ta chuyển ga xe lửa trung tâm ra khỏi thành phố, lúc đầu đặt tại Bình Triệu, sau đó lại dời về Hòa Hưng, ga xe lửa Sài Gòn tại quảng trường Bến Thành trở thành một "trung tâm" lộ thiên của đám hút chích, giật dọc và gái. Trên đoạn chiều dài khoảng một ngàn năm trăm mét dọc theo ga, mỗi ngày có khoảng năm trăm đến một ngàn lượt người tới đây chích thuốc nước đen đục vào tĩnh mạch. Sáng, trưa, chiều, tối - bốn cữ. Tiền bạc người ta kiếm được bằng đủ mọi cách, chảy về đây, đổi lấy thứ nước đen đục để tự... giết mình. Ban ngày, những tay ghiền - vì đói thuốc - đã liều tới mức "làm chủ" hoàn toàn nhà ga. Một đoàn tàu gồm mười lăm toa xe còn tốt, đậu tại đây đã không cánh mà bay. Lúc đầu, bọn chúng lấy đi những bóng đèn, những cánh cửa. Sau thấy êm, chúng dỡ luôn cả ghế, phụ tùng và... khung toa xe. Tất cả biến thành đồ ve chai. Khi đoàn toa xe đó chỉ còn trơ lại những cái bánh gang - nó nặng quá nên không bị lấy đi, dân ghiền bắt đầu làm thịt đến những cột tín hiệu, bảng báo, dây điện. Sau chót, chúng nạy những tấm đan, nắp cống bằng bê tông lên, đập ra lấy sắt bán. Những chủ nhân chịu trách nhiệm quản lý ga Sài Gòn làm lơ trước cuộc tấn công của dân ghiền. Báo chí la ó, họ cũng mặc kệ.

Sau khi ăn thịt như tằm ăn dâu toàn bộ khu ga Sài Gòn, dân ghiền và dân trấn lột yên chí coi đây là "động" lộ thiên lý tưởng nhất.

Ngày xưa, trước khi xây dựng ga, có một con đường lớn bắt đầu từ bờ sông chợ Cầu Muối - tức là bến cảng - chạy thẳng qua ga, lên Bảy Hiền và đi Phnôm Pênh. Ga ra đời, con đường bị cắt đôi. Đoạn giáp sông là đường Nguyễn Thái Học. Đám anh chị chợ Cầu Muối chỉ cần bay vài phút là tới lãnh địa ga. Đoạn bên này là đường Nguyễn Thị Nghĩa ăn thông ra ngã sáu Lê Văn Duyệt(1), tỏa đi khắp Sài Gòn. Hai bên ga là hai con đường song song: Lê Lai và Phạm Ngũ Lão. Cả hai con đường này đều nổi tiếng không phải vì mang tên hai vị tướng tài, dũng mãnh, mà chủ yếu vì đây là lãnh địa của bọn trấn lột. Người rành Sài Gòn không ai dại gì đi bộ trên hai con đường này ở đoạn ga Sài Gòn vào bất cứ thời điểm nào. Ở đây, bọn phi đổng, bấm vàng(2) lộng hành tới mức có lần, một tên bấm vàng giật được dây chuyền của một khách qua đường; chạy vô ga một hồi, nó lại chạy ra chặn đường nạn nhân, tát hai cái vào mặt người ấy và chửi: 

- Ngó bản mặt sang vậy mà xài vàng giả! - Chửi rồi, nó vứt sợi dây chuyền giả vào mặt người đó.

Hai con đường, bởi thế, vắng tanh vắng ngắt, ngoại trừ xe buýt, xe lam và xe ba bánh, còn lại rất ít khi có người đi bộ, đi xe đạp, xe Honda qua lại...

Tuấn đổ hai cô gái xuống đoạn tường xây bị đục thủng thành lỗ hổng vừa đủ cho một người khi cần chạy từ ngoài đường tót vào trong ga tẩu thoát. Đoạn tường dọc theo đường Lê Lai có khoảng một trăm lỗ hổng như vậy. Diệp cúi đầu đi thẳng, để Phi trả tiền xe cho Tuấn. Diệp e sợ nếu cô dừng lại, cô sẽ không chủ động nổi, cô sẽ lao vào Tuấn. Cô vẫn nhớ Tuấn, như nhớ tiếc cuộc đời ấu thơ của mình. Tuấn như là lằn ranh, là cái mốc. Bên kia là Ngọc Diệp ngây thơ, lành lặn. Bên này là Ngọc Diệp bụi đời, tàn lụi. Nhớ cái mốc đó là vết thương lòng lại tấy lên. Vì mất niềm tin vào má, vì má phản bội ba, vì ba chết, vì cô bị cướp trinh, vì không gặp lại Tuấn, vì... vì... vì cô. Diệp lẩm bẩm: "Vì chính ta. Ta nhắm mắt đưa chân. Ta liều. Ta buông thả cho số phận. Ta muốn chết. Trước hết phải phê(1) cho đã. Chết sau khi đã phê cũng vừa lòng".

Hai đứa vào sâu trong ga, nơi cỏ hoang mọc lút đầu. Ngồi trên nền đường đã bị bóc sạch thanh ray và tà vẹt, chỉ còn toàn đá dăm, có khoảng năm chục người. Một phụ nữ tuổi cỡ bốn lăm đang lom khom chích cho khách. Dân ken quen gọi mụ là chị Sáu. Mụ Sáu nổi tiếng có tài tìm gân máu. Dân ghiền là nữ thường bị mất gân máu (chìm lặn). Mụ Sáu đắt khách nhờ tài này. Mụ có thể tìm và chích đúng gân máu ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể.

Chiều đã tàn. Gió ớn lạnh. Trong không gian chập choạng ấy, những bóng người như những bóng ma bu quanh ngọn đèn cồn nhỏ xíu. Cháy trên ngọn đèn cồn là cái muỗng canh bằng nhôm. Trên đó, miếng á phiện tan dần trong nước sôi.

- Chị Sáu! - Tiếng Phi vang lên khi người đàn bà mặc bộ đồ bằng vải xoa màu mỡ gà lom khom đi ngang.

- Ủa. Con Phi hả?

- Dạ. Cho em hai cữ lẹ lên! Mỗi đứa hai xê đúp(1). - Phi chỉ vào Diệp.

- Có ngay! Tại đây hay vô bụi?

- Không cần. Ngay tại đây! - Quay lại Diệp, Phi nói - Mày phi trước đi.

Diệp nằm xuống, lặng lẽ tụt quần. Phi ngồi bên lấy thân mình che chỗ kín cho bạn. Nó thoáng nhăn mặt. Người đàn bà mà Phi kêu là chị Sáu tất tả trở lại. Ngọn đèn cồn bập bùng như ma trơi. Cái muỗng canh sủi lên. Mùi thuốc ngai ngái. Rõ là thuốc dởm. Phi biết. Diệp cũng biết vậy. Miếng thuốc thứ nhất tan trong nước, mụ Sáu lấy xi lanh bằng mủ đã vàng khè hút hết ra rồi nấu tiếp. Ngọn đèn cồn được ghé sát vào... Mụ Sáu quả là rất lành nghề: Đầu gối bên trái quỳ xuống đất, đầu gối bên phải đỡ lấy cùi tay phải cầm ống chích. Tay trái mụ Sáu kéo căng phần da thịt. Tĩnh mạch nổi lên. Thịt da teo gần hết, chỉ thấy gân xanh nổi vằn, mụ Sáu chẳng vất vả lắm. Mụ cắm mũi kim vào và từ từ bơm. Chỉ lúc này mụ mới nhoẻn cười và đưa mắt nhìn "thực khách". Mụ có thói quen như vậy. Mụ khoái quan sát khách hàng khi đang chìa người cho mụ chích.

Một trăm người thì cả trăm đều có trạng thái như Diệp lúc này: lim dim, thư thái chờ chất morphine (moóc-phin) ngấm vào máu, phản ứng lên óc, lên tim, để rồi sau đó lịm đi trong cơn say ma quỷ. Ma túy là thế. Chơi vô là quên hết sự đời. Vui, buồn, sướng, khổ, đắng cay, ngọt ngào, hạnh phúc, bất hạnh, cao thượng, hèn hạ, tội phạm, nạn nhân, tướng cướp, nhà ái quốc, Tổ quốc, gia đình, tình mẫu tử, nghĩa vợ chồng, v.v. trở nên vô nghĩa trước cơn ghiền ma túy. Khi no thuốc rồi, người ta được cảm giác siêu thoát, nghĩa là quên tuốt, chỉ còn lại bản ngã mơ hồ của mình với trăng sao, vũ trụ, với biển cả, với những màu sắc, những âm thanh của một thế giới mới, một chân trời mới. Để đến khi tỉnh dậy, đói thuốc, lại lao vào tội lỗi, bán thân, bán cả cha mẹ vợ con để kiếm tiền đủ chích một cữ.

Mụ Sáu rút mũi chích. Một giọt hỗn hợp của máu và thuốc rỉ ra ở đầu lỗ chích. Chẳng có bông gòn, mụ lấy ngay ngón tay của Diệp ịn vào để cầm máu. Sự việc lặp lại y như thế đối với Phi. Lúc này, Diệp đã nằm im. Không có ai che cho Phi. Nó cũng chẳng cần, có gì mà để che. Cuộc đời nó chẳng còn gì đáng phải gìn giữ. Nó chán rồi. Chán tất cả. Chỉ còn ma túy.

Diệp đã lăn vào gốc cây gần đó, một chân ghếch vào gốc cây; chân còn lại co lên, gót đặt vào chỗ vừa chích thuốc. Hai tay ôm lấy gáy, nó đang mơ. Trong cơn phê, nó luôn luôn có những giấc mơ tuyệt vời, kỳ thú.

... Diệp với Tuấn được các nhà bác học Hoa Kỳ mời qua để hoàn chỉnh phi thuyền con thoi. Hai đứa được đối xử như ông hoàng, bà chúa. Chúng nó được hút chích thoải mái, toàn thuốc "xịn", loại héroine (hê-rô-in) nguyên chất, bột trắng tinh khiết. Theo yêu cầu của Diệp, chính phủ Hoa Kỳ phải tổ chức một chuyến du lịch đặc biệt cho Diệp và Tuấn hành hương về đất tổ của cây thẩu. Bốn ngàn năm trước đây, người ta đã phát hiện và biết sử dụng cây thẩu. Tại thành phố Uruk của người Sumérienne ở vùng Mésopotamié, hai đứa được cho xem bức phù điêu cổ đề hai chữ "Gil Hull"(1). Rồi cũng theo yêu cầu của Diệp và Tuấn, người ta đã tạc tượng hai đứa giữa rừng cây á phiện. Hai đứa đang ôm hôn nhau, vòng tay siết chặt... Đến ngày phóng phi thuyền con thoi, hai đứa được giao trọng trách: điều khiển con tàu. Chúng nó cho con tàu bay lên những vì sao xa nhất.

Diệp sung sướng, luôn luôn bắt Tuấn phải tăng tốc độ hết cỡ. Con tàu của chúng đáp xuống tất cả các hành tinh. Bên tai chúng đầy những âm thanh du dương. Tuấn bảo đó là âm nhạc của vũ trụ. Diệp ngáp. Hội chứng vật vã ập đến. Chúng đã quên không mang theo thuốc khi con tàu rời mặt đất. Chúng lục soát tất cả các hành tinh nhưng không đâu có héroine. Diệp điện về địa cầu:

- Cho ngay một vệ tinh chuyển tiếp chở á phiện lên cho phi hành đoàn!

- Không được! - Mặt đất trả lời - Hãy hoàn thành chuyến bay. Khi hạ cánh sẽ có tất cả!

- Đây là lệnh của ta! - Diệp dõng dạc truyền - Nếu không, ta sẽ bấm nút cho nổ tung con tàu.

Đài chỉ huy mặt đất lo sợ quá. Đây là chuyến bay đầu tiên của phi thuyền con thoi. Nếu không chiều hai đứa bụi đời này thì "quê" với cả nhân loại. Vậy là người ta phải điều một vệ tinh lên. Phải thay đổi cả chương trình bay và chương trình nghiên cứu để cho tàu con thoi dừng lại ở quỹ đạo X chờ đón vệ tinh tiếp vận.

Những khó khăn về kỹ thuật được dàn xếp ổn thỏa thì lại gặp khó khăn về... ma túy. Trung tâm chống ma túy của Quốc hội Liên bang kịch liệt phản đối việc đưa ma túy lên phi thuyền. Tổng thống Mỹ phải can thiệp. Cuối cùng, người ta kiếm được một lượng lớn ma túy - mười kí lô héroine nguyên chất. Khốn nỗi, trùm maphia - chủ nhân của lượng ma túy này - không chịu bán ma túy mà đòi được đích thân đưa ma túy lên phi thuyền...

Ở trên phi thuyền, cơn vật vã đã khiến cả Diệp và Tuấn kiệt sức. Hàng ngàn con dòi đang đục khoét xương tủy của hai đứa. Mồ hôi túa ra, người rét run lên, Diệp nhiều lần rơi vào trạng thái khoái ngất(1).

Đài chỉ huy mặt đất không liên lạc được với phi thuyền. Hệ thống máy thông tin tự động bị Diệp vô hiệu hoá. Con tàu đi vào quỹ đạo nguy hiểm...

Chợt Diệp tỉnh dậy. Nó gào lên:

- Mặt đất trả lời. Đưa thuốc lên ngay! Ta truyền tối hậu thư: nửa giờ nữa!

Trùm maphia tại Nữu Ước được đặt vào vệ tinh đặc biệt, phóng lên, tiếp vận... héroine cho tàu con thoi. Lên đến nơi, việc đầu tiên của trùm maphia là chích ngay cho Diệp và Tuấn. No thuốc, chúng cởi bỏ hết đồ bay, gãi sồn sột, càng gãi càng đã. Sau đó, chúng nằm lặng như chết trong cơn phê. Thừa cơ hội đó, trùm maphia điện về mặt đất nêu yêu sách:

- Phải hủy bỏ đạo luật chống ma túy, chống maphia. Nếu không, ta sẽ cho nổ tung phi thuyền ngay trên không phận thủ đô Hoa Kỳ.

Cả nước Mỹ hoang mang. Cả thế giới lo lắng. Nếu chấp thuận đề nghị này, có nghĩa là ma túy sẽ được hợp pháp hóa. Những kẻ quảng bá ma túy, bọn maphia sẽ tha hồ hốt bạc. Nếu không chấp thuận, sẽ là bi kịch cho dân thủ đô, sẽ mất hàng tỷ đô la cho chương trình phi thuyền...

- Đành vậy! - Tổng thống Mỹ tuyên bố, đồng thời, ông ta nháy mắt ra hiệu cho thủ lĩnh FBI và CIA - Phải có biện pháp hữu hiệu...

Người ta truyền hình trực tiếp lên phi thuyền cảnh náo nhiệt của dân ghiền toàn nước Mỹ trước tin chính phủ hủy bỏ luật cấm ma túy... Con tàu hạ cánh an toàn sau khi hoàn tất chương trình. Cửa phi thuyền mở ra, Diệp kinh hãi vì thấy trước mắt mình không phải là các nhà báo, nhà quay phim và các nhà bác học ra đón, mà trước mắt cô là ga Sài Gòn đang bị bao vây. Dân ghiền bị tóm lên xe.

- Bọn Fatima(1)! Chuồn lẹ! - Tiếng của Phi đập vào tai Diệp.

*

*          *

Ông Thành đang sống những ngày cuối cùng, những ngày tàn vô nghĩa. Sống thêm ngày nào chỉ khổ cho con ông ngày đó. Vợ ông hú hí với nhân tình cả năm nay rồi. Ông biết. Ông không ngờ. Đau vì tàn phế, vì liệt nửa người thì ít, mà đau vì tình vợ chồng bị giày xéo thì nhiều, nhiều đến nỗi ông cảm thấy mình chỉ sống thêm vài ngày nữa là cùng.

Ông chẳng muốn kéo dài cái sự thoi thóp này, chỉ thương Ngọc Diệp, đứa con gái nết na, thông minh và xinh đẹp của ông.

- Ráng ăn thêm muỗng súp này đi ba!

Mỗi ngày ba lần, con gái đi chợ nấu súp cho ông ăn. Ăn được, nó mừng. Ăn không được, nó khóc. Đời bao giờ cũng có luật bù trừ. Vợ bạc bẽo thì con gái càng xót thương. Ngọc Diệp của ông là thế.

Có tiếng chuông gọi cửa.

Diệp nghe chuông réo hai lần, sau đó là tiếng chân má cô hối hả xuống cầu thang. Diệp ra ngoài ban công nhìn xuống. Chính là người đó, người mà má Diệp bắt Diệp kêu là chú Thượng. Thượng đến nhà Diệp lần đầu cách đây một năm. Từ ngày ấy, má Diệp có nhiều điều khác lạ. Thứ nhất là má không hề dòm ngó gì đến ba. Kế đó, má bắt Diệp nghỉ học. Đang học lớp mười hai mà má bắt nghỉ: "Nếu mày muốn săn sóc ba mày thì phải nghỉ học. Tao không có tiền nuôi cha con mày, rồi còn thuốc men, tiền học thêm sinh ngữ... Phải thôi học và ra ngồi ở sạp vải nửa ngày cho tao".

Đó là lần đầu tiên trong đời, Diệp được nghe má kêu mày và xưng tao với con gái.

Phải chăng là tại người đàn ông này?

Vốn rất thương ba, thương má, Diệp chỉ biết vâng lời. Cô nghĩ: "Một mình má tần tảo chợ búa, làm sao sống nổi. Thôi, đành nghỉ học vậy". Diệp khóc mất mấy đêm liền, không dám gặp bạn bè cùng lớp vì mắc cỡ, vì cực thân quá.

Từ ngày chú Thượng đến nhà, dường như việc buôn bán của má Diệp có khấm khá lên. Má Diệp có nhiều tiền ăn diện; đã sắm lại được những thứ mà năm trước phải bán đi. Má dặn Diệp: "Lúc chú Thượng đến bàn công chuyện, cấm mày gõ cửa hỏi han gì tao nghe chưa!". Tuần nào, chú Thượng cũng đến nhà một lần. Ông ta có gương mặt vuông vức, người to lớn, và mỗi lần đến thì đi một loại xe: Honda 67, Vespa, có khi đi xích lô. Thường thường, ông ta đến vào buổi chiều, sau giờ Diệp cho ba ăn. Chưa một lần Diệp đối thoại với chú Thượng. Gần đây nhất, khi từ phòng của ba bước về phòng mình, Diệp nghe ở ngoài hành lang mặt tiền có tiếng gọi nho nhỏ:

- Cháu Diệp à. Mở cửa cho chú!

Diệp mở cửa. Người đàn ông nhìn như dán đôi mắt vào cặp đùi của Diệp lộ ra bởi chiếc váy ngắn mặc ở nhà.

- Cháu đang làm gì vậy? Chú vô phòng được chứ?

- Không. Má cháu cấm không cho cháu vô phòng má. Cháu cũng không thích ai vô phòng mình.

Nhà Diệp có một lầu. Tầng trệt có phòng khách và nhà bếp. Lầu một ngăn đôi, phòng lớn là của ba má Diệp. Từ ngày ba lâm nạn, căn phòng ấy thuộc về má. Phòng thứ hai ngăn ra làm đôi, một nửa Diệp ngủ, nửa còn lại ở phía sau là phòng của ba. Phòng của Diệp với phòng má chung hành lang mặt tiền.

Chú Thượng đứng ngó Diệp đăm đăm, cười mỉm, giọng ồm ồm cố hạ âm lượng xuống:

- Cháu dễ thương quá, giống má dễ sợ. Cháu đừng ác cảm với chú, nghe Diệp. Cháu đẹp quá!

Diệp mở mắt trừng trừng nhìn người đàn ông, thấy ông ta nuốt nước miếng liên tục.

- Chú chỉ muốn giúp má cháu làm ăn...

- Vì chú mà má tôi bắt tôi nghỉ học, má tôi lạnh nhạt với ba tôi. Chú ác lắm!

Diệp nói như hét lên và đóng sập cửa lại.

Từ sau lần ấy, Diệp không bao giờ nói chuyện với Thượng. Hôm nay, tự nhiên Diệp nảy ra ý định rình coi má và ông ta bàn công chuyện gì. Có lần, ông ta ở lại phòng má tới mười giờ đêm.

Dưới nhà vọng lên tiếng chân hai người lên cầu thang. Diệp nhón gót đi như lướt ra hành lang mặt tiền, ngồi thụp xuống sau mấy chậu kiểng lớn. Từ trong phòng nhìn ra không thấy gì ngoài khoảng sáng mờ mờ chiếu qua tấm ri đô nhung đỏ. Nhưng từ bên ngoài, qua khe hở của tấm ri đô, Diệp nhìn rõ mồn một...

Mười sáu tuổi đầu, Diệp chưa bao giờ được chứng kiến cảnh tượng như vậy. Ba Diệp là một trí thức, ông có phương pháp giáo dục con. Sách báo, phim ảnh cho con coi, ông đều có chọn lọc. Tâm hồn Diệp tinh khiết, thanh cao, chưa hề vẩn bụi đời. Vì thế, những gì đang diễn ra giữa má cô và người đàn ông, đập vào mắt cô, thật kinh khủng, nhưng cũng thật lạ. Nó gợi trong cô một sự tò mò chưa từng thấy...

Hai người bước vô phòng, người đàn ông chốt ngay cửa lại, vòng tay ôm cứng má Diệp. Họ hôn nhau thật lâu. Rồi như nghẹt thở, họ buông nhau ra. Người đàn ông lấy từ trong túi xách một gói vuông bọc rất kỹ. Tiếng ông ta thì thào:

- Hai kí lô đó em.

- Sao vẫn hai kí? Chạy lắm mà. Em đã bảo anh đưa ba bốn kí.

- Ăn ít no lâu. Lộ, tù rũ xương có ngày!

- Sợ gì! Có anh nuôi thì ở tù em cũng chịu.

- Nói bậy.

- Anh quên là đã hứa điều đó khi đòi ngủ với em rồi sao?

- Ờ. Anh nhớ! Cách đây một năm, phải không em?

- Cha! Anh nhớ chính xác như máy aibiem(1) vậy. Anh còn nhớ hôm đó em mặc đồ gì và anh đã làm gì không?

- À... Mặc đồ gì thì anh chịu. Có lẽ, mặc váy lót như vầy nè. Cái váy này anh mua cho em, em có ưng không?

- Ưng quá đi chớ. Em mặc để đón anh nè. Nào, nói đi, anh đã làm gì trong đêm đầu tiên ấy?

- Đêm đầu tiên với ai?

- Quỷ, còn lỡm nữa! Với em chứ với ai? Anh thì có cả ngàn cả vạn cô. Đồ...

- Đồ gì? - Thượng xì mặt hỏi lại.

- Đồ yêu! - Ngọc chữa khéo và cười khanh khách, tay ôm lấy mông Thượng kéo vào sát mình - Nào, anh nói đi chứ.

- Nói à? Anh chỉ quen làm thôi. Đây này, anh đã làm như vầy nè.

Người đàn ông lột phăng cái váy ngủ, hôn như mưa lên khắp thân thể trắng ngần và đầy đặn, rồi hôn thật lâu vào bộ ngực nõn nà của người đàn bà.

Toàn thân Diệp tê dại, da tay da mặt cô nổi lên từng cục nhỏ như vẩy rắn. Cô càng kinh ngạc hơn khi thấy mặt má cô đờ đẫn, mắt như dại đi. Hay là ông ta làm má ngất xỉu? Nhưng không, má không ngất, hai bàn tay má đang bấu chặt rồi lại đang xoa mơn man trên cổ, trên vai, trên lưng ông ta. Ông ta bế thốc má lên giường...

Tê dại hết chân tay, Diệp nuốt nước miếng nhiều đến nỗi cảm thấy miệng lưỡi khô khốc. Chưa bao giờ cô thấy mình như lúc này. Một cảm giác kỳ lạ bừng bừng trong thân thể cô, chạy rần rật trong từng mạch máu, dâng lên choáng ngợp tim óc, khiến cô căng mắt ra để nhìn. Đồng thời, một làn sóng khác ập tới khiến cô muốn hét toáng lên vì căm phẫn: Má cô đã ngoại tình. Thế nhưng, cô lại muốn đứng đây mà nhìn ngó. Thật ghê sợ. Nếu ba biết chuyện này, chắc ba chết liền tức khắc! Ba rất hay ghen với má. Ba bảo, vì yêu thương nên mới ghen.

Nhớ ngày Diệp còn học tiểu học, lớp nhất(1) thì phải, có lần vì ghen, ba đã tát má gẫy một cái răng. Hôm đó, ba đến trường đón Diệp. Diệp khoe được điểm mười. Ba khoe vừa được chủ hãng thưởng năm mươi ngàn đồng(2). Thế rồi ba đưa Diệp đi ăn crème. Hai cha con đang ngồi ăn vui vẻ, chợt ba thấy một thanh niên chở má đi qua. Hai tay má vòng ôm cứng lấy người thanh niên. Đêm ấy, lúc Diệp đi ngủ, má vẫn chưa về. Sáng hôm sau, má kể: Ba đánh má gẫy răng. Má giận ba, bỏ về ngoại một tuần. Sau đó, má lại về với ba. Má hứa: "Em sẽ không bao giờ đi với người ấy nữa!". Diệp hiểu, người ấy là người yêu cũ của má. Ngày ba Diệp trọ học ở nhà bà ngoại, ba và má đã thương nhau. Ba học giỏi, được đi Mỹ tu nghiệp; má ở nhà lại thương người khác. Và khi có con gái rồi, má vẫn thường gặp người yêu cũ. Ba đã nhiều lần khuyên giải, nhưng má không nghe. Ba nói: "Nếu em không chấm dứt cuộc ngoại tình ấy, anh sẽ ly hôn".

Diệp chỉ hiểu lơ mơ như thế là ngoại tình.

Nay Diệp đã rõ, ngoại tình là như thế này đây!

Không thể kể cho ba nghe. Nếu biết, ba sẽ chết liền. Diệp thương ba quá. Diệp tự hào về ba mình lắm. Ba rất giỏi, ở xưởng máy, ba được mọi người kính trọng. Chủ xưởng thường đến nhà thăm ba, mua quà cho Diệp. Ai gặp ba cũng nói "Thưa ông kỹ sư", "Thưa kỹ sư". Đi đến đâu, ba cũng được mọi người cúi chào. Từ ngày ba bị tai nạn, gia đình điêu tàn, ba khổ tâm lắm. Má bắt Diệp thôi học, ba phản đối mà không được. Quê nội ba ở Củ Chi. Cả nhà ba chỉ còn một mình ba. Tất cả chết hết vì bom đạn. Bên ngoại của Diệp cũng không còn ai. Bà ngoại vượt biên bị chết trên biển. Diệp phải thôi học vì không ai chu cấp. Ba nói với Diệp: "Con ơi, số phận nghiệt ngã với con. Con ráng sống lương thiện, trung thực và học lấy một nghề đàng hoàng để sống. Má con, kể như thế là hết rồi...".

Diệp toan đứng dậy, một lần, lại ngồi xuống. Lần thứ hai, lại ngồi xuống. Cô bị trí tò mò cột chân lại. Sự việc diễn ra ở trên giường má cô mang đến cho cô hai thái cực trong tâm trí: phẫn nộ và cuốn hút. Cô muốn coi đến cùng.

Hai người dìu nhau vào toa lét. Tiếng nước xối ào ào, tiếng cười thỏa mãn của má Diệp. Rồi họ bước ra. Má dùng khăn bông lau cho người đàn ông.

Cả năm nay, má không thèm ngó ngàng gì đến ba, dù chỉ là rót cho ba một ly nước.

Một sự phẫn nộ bùng dậy mãnh liệt, Diệp la muốn rát cả họng:

- Ghê tởm, ghê tởm! Má! Không được làm vậy!

Diệp xô cửa lao vào. Cửa khóa trái. Cô dùng chậu kiểng đập bể kiếng, thò tay kéo chốt. Vụn kính văng tứ tung. Khi Diệp vô được phòng thì cả hai người đã tề chỉnh áo quần, từ trong toa lét bước ra. Diệp chỉ vào mặt Thượng, nói như rít lên:

- Thằng khốn nạn! Tao thù mày!

*

*          *


Ông Thành không nói được nhưng tai và mắt rất thính. Mắt của ông cảm nhận rất tinh tế mọi sự quanh mình. Ông nghe và phân biệt được tiếng bước chân của con gái, của vợ từ khi vợ con chưa bước vào nhà. Ông là một kỹ sư, đỗ đầu khoa ở Đại học California (Hoa Kỳ). Công ty GMC mời ông ở lại làm việc với mức lương rất hậu, nhưng ông đã về nước. Cha mẹ ông là nông dân Củ Chi. Gia đình chết hết trong chiến tranh, chỉ còn lại có ông. Đất nước ông quá đau khổ vì chiến tranh, ông muốn về nước để góp phần nhỏ vào việc giúp giới nông dân đỡ khổ cực. Ông được hãng chế tạo máy nông nghiệp nổi tiếng của Nhật mời cộng tác. Và từ khi đó, ông là kỹ sư trưởng, thay mặt chủ hãng điều hành một chi nhánh của hãng tại Sài Gòn.

Những ngày xáo trộn khủng khiếp cuối tháng Tư 1975, ông vẫn bình tĩnh làm việc. Bao nhiêu bè bạn rủ ông di tản, ông không đi. Ông nhớ và làm theo câu của người xưa: "Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định"(1). Người trí thức tư duy rất lành: "Dù Cộng sản cũng cần phát triển sản xuất, cũng cần máy nông nghiệp. Ở lại, làm giàu cho nước là nhiệm vụ, là ước mơ từ nhỏ của ta".

Trưởng phòng kỹ thuật nhà máy là một người còn trẻ nhưng cao ngạo, không coi ông Thành ra gì. Một chi tiết máy được đưa xuống phân xưởng giao cho ông sản xuất. Ông nhìn bản vẽ và bảo là chi tiết này đúc ở đây sẽ không đảm bảo sức chịu lực. Trưởng phòng mắng ông: "Ông máy móc, chẳng biết khỉ gì. Đây là lệnh của tôi. Ông cứ làm đi". Ông Thành không làm, vì nếu làm sẽ tốn kém vô ích.

Ông Thành phải bỏ nhà máy, ra phố ngồi chữa xe đạp. Được vài tháng thì một tổ hợp ở Chợ Lớn mời ông đến. Đây là xưởng đúc mới ra đời. Ông Thành làm giàu cho tổ hợp này bằng hàng loạt sản phẩm phụ tùng xe Honda. Bù lại, tổ hợp trả lương cho ông gấp mười lần lương của nhà máy quốc doanh.

Số phận thật cay nghiệt đối với người kỹ sư tài ba. Do mặt bằng sản xuất quá chật chội, một thanh sắt lớn từ trên cao bị sập giá đỡ, rớt xuống làm chết một người. Ông Thành bị gẫy cột sống, liệt nửa người. Ông muốn chết hẳn để khỏi làm khổ vợ con. Nhưng làm sao có thể xa được người vợ và đứa con gái xinh đẹp giống mẹ như đúc thế kia.

Một năm nay ông Thành rất buồn. Thái độ của vợ khiến ông thất vọng. Ông nhận ra trong ánh mắt vợ không phải là tình yêu thương của người mẹ, người em như xưa nữa, mà là sự chán ghét, sự chiếu cố, coi ông như là món nợ không làm sao cắt rũ được. Chỉ còn lại đứa con gái nết na, lúc nào cũng quấn quýt, chăm dưỡng ông.

Ông Thành hiểu sự việc diễn ra sau bữa ăn và tiếng la hét của con gái. Ông bàng hoàng! Từ khi biết có Thượng xuất hiện, ông đã linh cảm. Nhưng khi việc xảy ra, ông vẫn bàng hoàng. Ông đã thuộc vào loại "lực bất tòng tâm" từ lâu rồi. Chả oán trách vợ làm gì. Chỉ thương con gái. Rồi nó sẽ ra sao?

Một tuần liền, Ngọc Diệp không ra khỏi nhà. Cô không dám nói sự thật cho ba biết. Cô đâu có ngờ là ba cô đã hiểu. Diệp vô cùng đau khổ và thương ba. Cô chăm sóc ba kỹ hơn trước.

Thượng công khai nói với Diệp về quan hệ giữa hắn với mẹ cô. "Tôi thương má cháu. Đừng để người mẹ mới ba mươi sáu tuổi phải cô quạnh đến già. Má cháu rất thương tôi. Sau này, vài năm nữa, cháu sẽ hiểu người phụ nữ cần và khao khát người đàn ông như thế nào. Mong cháu đừng làm phiền má cháu. Mong cháu đừng làm phiền tôi". Hắn viết cho Diệp như thế. Còn má Diệp không làm cách nào giáp được mặt con gái. Cô tỏ rõ thái độ trong mảnh giấy cài ở cửa phòng: "Nếu má còn muốn con nhận là má, hãy chấm dứt ngay trò đê tiện với người đàn ông đó".

Không khí gia đình ngột ngạt.

Trong căn phòng của người đàn bà ở lầu một, mọi sự vẫn diễn ra, ngày một mãnh liệt hơn và công khai hơn.

*

*          *

Những gói quà của Thượng tặng nhân tình, mà có lần Diệp nhìn thấy, mãi về sau này cô mới biết là thuốc phiện. Mỗi tuần, Thượng trao cho Ngọc một lần; có tuần hai lần. Cũng có tuần Thượng bị kẹt, không đến với nhân tình được. Vào những lúc như thế, Ngọc trông đứng trông ngồi, ra ra vô vô như người mất hồn, khắc khoải mong tiếng xe Vespa, tiếng chuông gọi cửa. Chỉ riêng nỗi nhớ mong vì tình đã là ghê gớm. Đằng này, với Ngọc, sự trông chờ, mong nhớ càng gấp bội vì sức mạnh cả tiền lẫn tình gộp lại. Có Thượng là có tiền và có tình. Thuốc phiện làm cho Ngọc giàu lên. Thân thể cường tráng của Thượng thỏa mãn sự khát khao tình dục của Ngọc. Bởi thế, Ngọc đã dẹp bỏ tình yêu chồng, tình thương con để lao vào Thượng. Người mẹ nào mà chẳng thương con. Nhưng với Ngọc lúc này, tiền và tình còn lớn hơn, hấp dẫn hơn rất nhiều tình mẫu tử. Biết con thường hay vắng nhà, nhiều đêm về rất khuya, Ngọc vẫn chẳng động lòng. Cũng có lúc lương tâm chợt thức tỉnh, Ngọc bèn có ngay lời biện hộ: "Tại con mình hư quá. Nó không thương mình. Mình còn trẻ, phải cho mình sống chớ. Mà mình có để cha con nó thiếu thốn gì đâu. Cần gì có nấy. Thuốc men, ăn uống, quần áo, nhà cửa đầy đủ tiện nghi. Nó còn đòi cái gì nữa!".

Sạp vải của Ngọc trở thành nơi bán lẻ thuốc phiện rất kín đáo, an toàn. Thuốc của Ngọc là thuốc nguyên chất, lại bán với giá phải chăng, nên khách đến ăn hàng ngày càng đông. Đa số khách đến mua là dân sộp vùng Chợ Lớn. Những người này chuyên xài thuốc nguyên chất để hút bằng dọc tẩu. Có tuần, Thượng đưa ba kí lô mà vẫn không đủ thuốc bán. Vào cầu, Ngọc càng ham. "Người đàn bà này có sự đam mê tiền và tình không cùng", Thượng nghĩ vậy. Nhưng với hắn, một kẻ lõi đời trong nghề, hắn biết cách hãm bớt tốc độ đam mê của người tình. Thượng quyết định, từ nay, mỗi tuần chỉ "rót" tối đa hai kí. Ăn ít no lâu. Nguyên tắc cao nhất của Thượng là tạo vỏ bọc thật kỹ. Hắn có nghệ thuật tự giấu mình. Trong số những nhân tình của Thượng, kể cả những người đẹp đam mê rừng rực như Ngọc, không ai biết gốc gác chính thức, cửa nhà chính thức của Thượng ở đâu. Hơn thế nữa, bằng nguồn lợi do á phiện đưa lại, bằng nghệ thuật chiều chuộng đàn bà, Thượng biến tất cả các ả nhân tình trở thành một loại người máy: sẵn sàng vô tù chứ không bao giờ cung khai Thượng. Thượng vẫn thường cho đệ tử thăm nuôi nhân tình trong tù. Nghề nghiệp mà. Có ăn có chịu, còn nghề gì buôn bán mà lời nhanh như á phiện! Vô tù vài năm lại tự do bán buôn. Sợ chi!

Hai đêm liền Diêp vắng nhà. Vài đứa bạn cùng lớp đến tìm mà không gặp. Cô xa lánh tất cả. Nếu không vì người cha mà Diệp vô cùng yêu thương thì Diệp chết quách cho rồi. Đầu óc non nớt của Diệp cứ ám ảnh cảnh tượng khủng khiếp trong phòng ngủ của má. Cô quyết định phải trừng phạt má. Theo Diệp, cách trừng phạt tốt nhất là tự hành hạ mình, bỏ nhà đi hoang. May ra, má sẽ tỉnh táo lại, sẽ cho người đi kiếm mình về, má sẽ trở lại yêu thương ba, yêu thương mình. Từ nhỏ, Diệp đã được ba dạy dỗ rất kỹ về lòng trung thành, đức trung thực. Diệp coi má là người phản bội lớn nhất. Diệp không thể tha thứ nếu má vẫn tiếp thằng cha ấy.

Từ trên xích lô loạng choạng bước xuống, Diệp thấy cửa sắt đóng chặt, hai ổ khóa Mỹ khóa bên ngoài. Tay run run, Diệp moi từ đáy giỏ ra chùm chìa khóa và mở cửa. Cô lấy hết sức cố gắng đi lên lầu với ba. Cửa phòng ba mở toang, trống rỗng. Hốt hoảng, cô chạy qua phòng má. Phòng má cũng vậy. Mồ hôi toát ra vì lo sợ. Ba đâu? Hay là ba chết rồi? Diệp trở lại phòng, một mảnh giấy găm ở cửa: "Con gái cưng của má. Sao con nỡ bỏ ba má mà đi? Ba đang rất nguy kịch: bị liệt não và hôn mê, không ăn uống gì được. Bác sĩ bảo sự sống của ba tính từng giờ. Con về, đến ngay bệnh viện nghe. Ba vẫn nằm ở phòng cũ".

Chiếc xích lô lao như tên bắn trên đường mà Diệp vẫn luôn miệng hối chàng trai đạp lẹ hơn nữa.

- Em đi thăm ai ở nhà thương mà nôn dữ vậy?

Diệp đang mải nghĩ về ba và tấn thảm kịch cô vừa trải qua nên không hiểu chàng trai đạp xích lô nói gì. Nếu ba chết, Diệp sẽ là người có tội. Diệp thương ba quá. Ba ơi! Ba ngày qua, con xa ba vì con muốn trả thù má. Nhưng có lẽ chẳng kéo má trở lại được, còn con đã thành đứa bỏ đi rồi. Ba có hiểu cho con không?...

*

*          *

... Diêp đi lang thang trên đường thì gặp cô bạn cùng lớp thời tiểu học. Nó kêu Diệp về nhà chơi. Nhà nó chỉ có hai chị em. Nó tên Phi, lớn hơn Diệp hai tuổi, có em trai tên là Hòa. Ba Phi chết năm 1972 ở Quảng Trị. Má Phi chết năm 1977 trong một cuộc vượt biên không thành. Hai chị em - nhờ bị mẹ bỏ rơi mà thoát chết! Phi đưa Diệp về nhà ở tít trong hẻm ổ chuột bên quận Tư. Nó giữ Diệp lại, ân cần hỏi thăm chuyện nhà. Diệp được dịp trút nỗi buồn. Ăn cơm tối xong, Phi nói Diệp trông nhà giúp, nó đi làm. Diệp hỏi làm gì, Phi nói làm ở tổ hợp, khuya lắm mới về. Ngày hôm sau, hai đứa đi chợ, nấu ăn, vui vẻ lắm. Thằng Hòa - em trai Phi - thật đáng thương, nó đi hốt hàng rơi ở cảng, có ngày mang về cả bao phân urê! Hai chị em không được đi học. Chúng làm kiếm ăn nuôi nhau.

Đến tối ngày thứ hai, Diệp nằm hoài mà không ngủ được. Không biết vì sao. Mãi mười giờ đêm Phi mới về; không về một mình mà kè theo một người đàn ông. Thằng Hòa em Phi mở cửa cho chị xong, chui vào mùng kề tai Diệp nói nhỏ: "Nhân đại bàng đó". "Nhân đại bàng là ai? Người yêu của Phi à?". "Không, yêu gì đâu. Khách! Khách sộp! Ngày mai bà Phi lại đầy túi tiền. Chị đừng có lẻo mép, ổng giết chết!". Thằng Hòa giơ tay làm hiệu bóp cổ Diệp. Đêm ấy, Diệp không tài nào ngủ được. Căn nhà chật chỉ bằng cái bếp của nhà Diệp, đủ kê hai cái giường, một tấm cót ép ngăn đôi. Diệp với thằng Hòa nằm bên trong, giáp với chỗ nấu cơm. Trên chiếc giường ngoài, Nhân đại bàng với Phi sùng sục suốt đêm. Nhà tối đen, Diệp không dám nhìn, mà có nhìn cũng không thấy gì. Nhưng Diệp biết, Nhân đại bàng với Phi đang làm cái việc giống như Diệp đã thấy thằng cha Thượng với má. Chắc hẳn phải là sung sướng, thỏa mãn lắm, họ mới thốt ra những âm thanh như vậy. Cảnh tượng má với lão Thượng ở trên giường tái hiện trong đầu Diệp. Diệp biết Phi dối gạt. Nó phải đi làm gái để sống, chứ đâu phải đi làm tổ hợp. Gà gáy sáng, Diệp mệt quá thiếp đi, mơ thấy ba bị thằng cha Thượng bóp cổ chết. Diệp tỉnh dậy, nằm khóc rưng rức. Nhân đại bàng đã đi từ bao giờ. Phi thấy bạn khóc, nó khóc theo, rồi kể cho Diệp nghe vì sao Phi phải đi làm gái.

Má Phi theo một người quen vượt biên và chết trên biển, không để lại một đồng bạc nào. Hai chị em hốt hàng rơi vãi ở cảng kiếm ăn qua ngày. Ở cảng, có cả trăm đứa trẻ cùng làm công việc ấy. Chúng chia thành băng, nhóm và kình chống nhau quyết liệt. Mỗi ngày, chúng phải nộp cho trưởng nhóm một số tiền để trưởng nhóm ra tay che chở khi cần. Trưởng nhóm của Phi là một thằng lớn hơn Phi năm tuổi. Nó tán tỉnh Phi, theo về nhà Phi, và nó không lấy tiền "cò" của Phi nữa. Cứ như vậy, một tuần, nó đạt được mục đích, ngay trên giường của Phi. Nó hứa sẽ về ở hẳn với Phi như vợ chồng. Nhưng được bốn tháng nó trở mặt. Nó bắt Phi đi nạo thai; Phi không nghe, nó đánh đập Phi tơi bời. Và nó không bao giờ đến nhà Phi nữa.

Phi đến nhà hộ sanh tư để nạo. Bà chủ ở đó giới thiệu Phi đến làm cho bạn thân của bà là chủ "động" Nhạn Trắng. Mỗi đêm, Phi phải có mặt từ bảy giờ đến mười một giờ. Một buổi tối, khách đầu tiên Phi tiếp là người có bộ mặt độc ác, đôi mắt trắng dã, cặp lông mày rậm sít vào nhau. Trên ngực hắn xăm hình một con đại bàng. Hắn puốc boa cho Phi rất hậu hĩ và ngỏ lời muốn đến nhà Phi. Phi cho hắn địa chỉ. Từ đó, Nhân đại bàng đi lại với Phi. Hắn đến rất trễ, thường là mười giờ khuya, và ra đi rất sớm. Phi không hề biết hắn làm nghề gì.

Nghe Phi kể, Diệp thương bạn quá. Nghĩ đến cảnh mình, Diêp thấy sợ, Diệp tính về nhà, nhưng Phi cứ giữ lại. Phi đưa bạn đi xi nê, xem phim xong đi ăn phở, về nhà đã thấy Nhân đại bàng nằm trên giường rồi. Lần đầu tiên giáp mặt hắn, Diệp bủn rủn tay chân. Hắn nhìn Diệp chằm chằm. Diệp vừa lên giường nằm chưa được năm phút đã nghe sùng sục ở giường ngoài. Người đàn ông như cố ý phơi bày cuộc làm tình. Diệp vừa sợ, vừa thấy trong người lạ quá. Tự nhiên nước miếng cứ ứa ra, tim đập gấp và dường như có một làn sóng rần rật trong bụng, trong ngực. Thằng Hòa đã ngủ say, nó ngáy khò khò. Diệp quấn chặt mền từ đầu tới chân, cố dằn xuống cảm giác rất lạ ở trong người. Diệp không tài nào tự chế ngự được. Ở bên ngoài đã yên lặng. Có lẽ cả hai đã ngủ. Chợt Diệp thấy có tiếng chân quờ dép rón rén đi vào. Một bàn tay to bè mơn man trên đùi Diệp. Diệp muốn nghẹt thở, muốn la lên mà lại không muốn la. Chính là hắn - Nhân đại bàng! Hắn cúi xuống hôn Diệp y hệt như lão Thượng đã hôn má Diệp hôm nào. Hắn hôn vào ngực Diệp. Diệp bị hắn lột sạch áo quần từ lúc nào không biết. Và hắn đè lên người Diệp. Bừng tỉnh, Diệp la lớn: "Má ơi!". Nhân đại bàng bịt miệng Diệp. Cô dùng hết sức chống cự nhưng không được. Trễ mất rồi!

Ở giường ngoài, Phi vẫn ngủ li bì, không hay biết gì. Thằng Hòa cũng vậy, miệng nó há hốc, ngáy khò khò ngay bên cạnh.

Nhân đại bàng đặt một xấp giấy bạc xuống đầu giường, rồi mở cửa lẻn ra ngoài. Diệp nằm khóc đến cạn nước mắt. Sáng, Phi dậy và hiểu ra sự thể. Nó ôm lấy Diệp, hai đứa cùng khóc. Rồi nó an ủi Diệp.

Diệp nghĩ đến ba, ân hận quá. Tại con, tại con tất cả. Tại con bỏ nhà đi nên đến nông nỗi này. Nhưng đâu phải tại con, ba ơi! Ba có tha thứ cho con không? Tại má phản bội, chứ đâu phải tại con!...

*

*          *

- Em đến nhà thương thăm ai?

Tuấn dừng xích lô trước cổng bệnh viện. Câu hỏi bằng giọng trầm trầm của người con trai đạp xích lô và cái cổng bệnh viện lố nhố người ra vào đã kéo Diệp về thực tại.

- Tôi... tôi thăm ba tôi.

- Ba em bệnh gì? Để tôi đưa em vô. Ngó bộ em muốn sốt hay sao mà mặt tái xanh, mồ hôi vã ra kìa.

Diệp ngoan ngoãn để cho Tuấn cầm tay dắt cô vào viện. Thang máy không hoạt động, Diệp vất vả lắm mới leo được tới lầu tám. Người cô ớn lạnh. Đúng là cô sốt mất rồi. Mấy lần cô chực té, nếu không có cánh tay khỏe mạnh của Tuấn, cô không tài nào đi nổi.

Phòng bệnh đầy nghẹt người. Mùi của bệnh viện khiến Diệp muốn nôn. Tuấn dừng lại ở cửa, Diệp vào. Ba cô nằm một mình. Người hộ lý nói với Diệp: "Sao không có ai chăm sóc ông ấy? Cô là con gái ổng? Còn vợ ổng đâu?".

Diệp hiểu cả. Thế là hết. Má vẫn không rời Thượng. Má đưa ba vô nhà thương rồi mặc ba nằm đó. Kinh khủng quá. Sao lại có thể bạc bẽo đến vậy!

Ông Thành không nhận ra con gái. Mọi thứ thuốc đều vô hiệu. Đôi mắt ông bất động, mặt trắng bệch. Diệp khóc òa lên. Cô hối hận.

Đêm ấy, ông Thành qua đời giữa lúc cô con gái ông sốt mê man trong phòng cấp cứu của bệnh viện.

*

*          *

Sau mấy ngày tang lễ, Diệp héo hắt và đi không nổi nữa. Cô nằm gí trên giường. Má cô nấu cháo, cạo gió, cô đều từ chối. Đêm đêm, giấc ngủ thật ngắn nhưng cơn mê sảng thật dài. Trong cơn mê, cô thường hét lên ầm ĩ vì thấy con đại bàng khổng lồ với chiếc mỏ nhọn đang khoét mắt cô. Một gương mặt độc ác, đôi mắt trắng dã và cặp lông mày rậm sít vào nhau cứ chập chờn trước mặt cô. Rồi cái mặt ấy bỗng biến thành một con ốc sên to tướng. Cái miệng của nó ham hố mút chặt vào da thịt cô. Có một điều làm cô dằn vặt, tự sỉ nhục không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai đi được. Ấy là vì cô đã mê man trong cảm giác khác lạ, để rồi không còn phương chống cự. Tội lỗi do cô gây ra, Diệp nghĩ thế. Cô thấy đời cô thế là hết. Cô lại rơi vào đúng con đường mòn mà Phi đã đi. Và như vậy, cô đâu còn có quyền khinh bỉ má, đâu còn có quyền lên án má?

Diệp vùng dậy. Không! Cô không thể lao theo con đường của Phi. Cô là đứa con gái có giáo dục, con gái của một kỹ sư tài ba, nhân hậu. Cô không thể... Cô không thể... Nhưng còn biết làm gì? Làm sao dám đến trường nữa đây?

Có tiếng chuông gọi cửa. Một tiếng, rồi ba bốn tiếng. Không thấy tiếng chân má hối hả lao xuống đón khách như mọi khi. Cửa phòng má vẫn đóng chặt. Có lẽ má đã nghĩ lại, đã ăn năn? Hay là chỉ vì vừa tang lễ xong, má sợ tội với vong hồn ba? Miễn cưỡng, Diệp xuống dưới nhà mở cửa. Cô yếu đến nỗi không kéo nổi cánh cửa sắt.

Người con trai trước mặt, Diệp không biết, không còn nhớ anh ta là ai.

- Anh tìm ai?

- Tôi... tôi là Tuấn, chạy xe xích lô, đưa cô tới nhà thương. Tôi... đến chia buồn cùng em và gia đình.

- À... Hôm đó em chưa trả tiền xe cho anh. Xin lỗi anh. Mời anh vô nhà ngồi chơi. Em xin gửi tiền.

- Không! Tôi không nhận đâu. Tôi chỉ cốt gặp em là đủ. Tôi phải chạy xe. Xe thuê mà. Tôi đi đây.

- Anh Tuấn uống ly nước đã. - Diệp nói và quay vô trong rót nước. Giọng cô trở nên thân mật.

Tuấn không thể từ chối. Anh xin phép Diệp thắp nén nhang cắm lên bàn thờ, rồi nhận ly nước đá từ tay Diệp.

- Em còn bệnh à?

- Dạ, em bớt rồi.

- Mai tôi đến thăm em được không?

Đột nhiên Diệp cảm thấy không thể từ chối người con trai có dáng vẻ chững chạc, ăn nói lịch sự như vậy.

- Dạ, mời anh Tuấn đến chơi. Ba mới mất, Diệp buồn lắm.

- Em không đi học?

- Không.

- Dường như... ngoài nỗi đau mất ba, em còn... - Tuấn ngập ngừng. Anh không nói hết câu vì thấy sắc mặt Diệp biến đổi tức thì - Em còn bệnh, tôi xin phép nghe. Bữa mai rảnh, tôi sẽ ghé thăm em.

- Cảm ơn anh!

Tuấn đạp xe đi. Diệp còn đứng ở cửa nhìn theo mãi.

*

*          *

Tuấn tỉnh dậy trong phòng cấp cứu của bệnh viện, bên sườn trái bị mũi dao đâm vào khá sâu. Những đoạn ruột bị thương đã được xử lý. Mẹ Tuấn bị lòa, không nhìn thấy con mở mắt ra, nhưng tai bà linh cảm thấy con trai động cựa. Bà nhẹ nhàng hỏi:

- Mày thức dậy đó à con?

- Má!

Chỉ mấp máy môi được một tiếng, Tuấn lại chìm vào cơn hôn mê.

Đến ngày thứ ba, kể từ đêm bị nạn, Tuấn tỉnh hẳn. Trí óc Tuấn hoạt động trở lại. Mấy ngày qua, trong cơn mê sảng, lúc nào Tuấn cũng thấy Diệp. Trong lần mê sảng cuối cùng, Tuấn mê thấy Diệp bị một gã đàn ông có bộ mặt hung ác cưỡng hiếp trong khi Tuấn bị trói chặt cả chân lẫn tay vào xe xích lô. Tuấn la hét, tuyệt vọng... Đến khi Tuấn mở mắt ra thì thấy cô y tá đang cúi xuống coi mạch và lấy khăn ướt lau mặt cho mình.

... Buổi trưa nắng rát lưng, Tuấn đạp xong một cuốc xe chở hai cô gái từ ngã tư Hàng Xanh về tới công viên Tao Đàn thì cảm thấy miệng đắng chát, lưng áo ướt sũng. Nhận tiền của khách, Tuấn đi đến xe nước mía ngồi nghỉ. Có vài người khách ngoắc xe, Tuấn đều lắc đầu. Uống liền ba ly nước mía, Tuấn đẩy xe vào bóng mát trên lề đường nằm nghỉ. Nhưng Tuấn không ngủ được. Tuấn nhớ đến cô gái vừa mất cha. Cô gái có đôi mắt như mắt phượng, đen láy và quyến rũ. Đôi mắt như lời gọi mời. Chỉ nhìn vào mắt Diệp, Tuấn đã thấy lòng rưng rưng. Tuấn đạp xe đến thăm Diệp. Đây là lần thứ hai anh đến nhà cô.

- Cả tuần qua không thấy anh, ngỡ anh Tuấn quên em rồi?

- Không. Anh mắc công chuyện. Má anh bệnh nặng quá, anh ráng đạp xích lô kiếm tiền mua thuốc cho má và lo cho hai đứa em đi học. - Tuấn nói mà anh nhìn như hút vào đôi mắt thăm thẳm của Diệp.

Diệp thấy mủi lòng. Nhìn bộ quần áo đã sờn rách, lưng áo sơ mi đẫm mồ hôi và gương mặt rắn rỏi, sáng sủa của Tuấn, Diệp lặng lẽ hồi lâu. Cô không biết nói gì. Chẳng lẽ lại nói: "Tuấn ơi, anh tội nghiệp quá. Em ái ngại cho anh". Thấy Tuấn cầm tờ báo trên mặt bàn quạt, Diệp vội vã:

- Để em mở quạt nhé! Chết thật, anh đến làm em quýnh cả lên. Để em lấy nước anh uống.

Nghe và nhìn Diệp xăng xái, Tuấn quên hết mệt mỏi, quên hết buổi trưa nắng rát còng lưng đạp xe. Nhận ly nước từ tay Diệp, mải nhìn vào mắt Diệp, Tuấn xốn xang trong lòng, tay run run để nước sánh ra ngoài.

- Kìa, anh uống tạm nước lạnh vậy. Ba mất rồi, chỉ có ba uống trà.

- Anh rất mừng vì em đã khỏe và không còn buồn như trước nữa.

- Khỏe thì đúng là em có đỡ hơn, nhưng buồn thì vẫn buồn. Em buồn nhiều lắm, anh Tuấn à.

- Lần trước, anh đã hỏi em...

Mặt Diệp tái nhợt, cô chực khóc.

- Xin lỗi em...

- Không có chi. Đằng nào em cũng phải kể cho một người nào đó nghe chuyện buồn của em.

- Má em...

- Không bao giờ. Má đã phản bội ba. Vì má mà ba chết. Vì má mà em...

Diệp khóc tức tưởi.

Tuấn lúng túng, không biết phải làm gì. Tuấn có hai đứa em, một trai mười sáu tuổi, có lẽ cùng tuổi Diệp; một gái mười tuổi. Cả hai đứa rất ngoan. Mỗi khi chúng khóc, Tuấn chỉ cần nói một câu: "Nín!". Thế là chúng nín liền. Đằng này là một cô gái Tuấn mới quen, cô gái mà Tuấn cảm thấy không thể xa rời. Làm sao bây giờ? Chợt Tuấn buột miệng giống như ở nhà mình:

- Nín!

Diệp lau nước mắt bằng cánh tay áo, đôi mắt to đen láy ngỡ ngàng nhìn Tuấn. Tuấn thấy lòng thắt lại:

- Anh xin lỗi em. Anh quen miệng. Anh không dám la em.

- Anh Tuấn! Em cực lắm!

Và Diệp lại khóc nấc lên. Cô để nước mắt chảy tự nhiên trên gò má, lăn vào bờ môi. Cô có cảm giác như càng khóc, lòng càng nhẹ nhõm. Một tháng qua, đêm nào cô cũng khóc nhưng chỉ khóc một mình. Nay, cô mới được khóc trước một người, lại là người con trai lớn hơn cô, người cô có nhiều cảm mến. Tự trong lòng mình, cô ước ao có Tuấn luôn luôn kề bên, Tuấn là chỗ dựa chắc bền cho cô. Diệp cảm thấy, đời cô nếu không có Tuấn nghĩa là sẽ không còn chi nữa. Tuấn cảm thấy tim mình đập gấp. Không thể bình thản nhìn Diệp khóc, Tuấn muốn làm một việc gì đó, nhưng biết làm gì? Ngày còn học trung học, Tuấn có cô bạn gái cũng cằm chẻ, môi trái tim và má lúm đồng tiền. Nhưng đôi mắt của cô bạn ấy là mắt một mí sắc sảo, lạnh lùng. Cô bạn tên Kiều Phương đã hai lần chủ động mời Tuấn đi xi nê. Một hôm, Kiều Phương tìm đến nhà Tuấn, và chỉ có một lần đó là hết. Kiều Phương vẫn tỏ ra vui vẻ với Tuấn, nhưng qua ánh mắt, Tuấn biết cô ta khinh nhà Tuấn nghèo. Cuối tháng Tư năm 1975, Kiều Phương cùng cả gia đình leo lên máy bay trực thăng ở nóc tòa đại sứ Mỹ. Năm đó, cô ta là sinh viên năm thứ hai trường Dược. Còn Tuấn là trung sĩ hải quân rã ngũ từ Đà Nẵng chạy về. Không phải vì ngu mà Tuấn rớt tú tài. Tuấn thi hỏng vì sáu tháng liền không đến trường được. Má Tuấn lâm bệnh nặng và bị lòa cả hai mắt từ năm đó.

Khi đứa em gái út của Tuấn cất tiếng khóc chào đời thì cha Tuấn đang ở đơn vị lao công đào binh và bị đưa ra vùng Một chiến thuật. Một năm sau, ông chết trận ở ngoài đó. Cảnh nhà như vậy, Tuấn trở thành chủ gia đình. Những năm sau khi má bị lòa, trách nhiệm của Tuấn càng nặng nề. Tuấn lo kiếm tiền nuôi má, nuôi hai em. Không rõ vì sự thôi thúc nào, Tuấn thề quyết nuôi cho hai em ăn học đến nơi đến chốn, dù cực nhọc mấy Tuấn cũng chịu.

Diệp vẫn khóc nức nở. Trong đời, chưa bao giờ Tuấn gặp cảnh ngộ có một cô gái đẹp khóc nức nở trước mặt mình. Tuấn cất lời:

- Xin lỗi em, anh đã không biết làm gì để em hết khóc.

- Không. Cứ để em khóc.

Đột ngột Diệp đứng dậy, đi qua ngồi cạnh Tuấn và gục đầu vào vai Tuấn, hai tay buông thõng, khóc tiếp. Tuấn càng lúng túng. Nhưng giọng Tuấn càng trở nên ấm áp, che chở:

- Thôi nín đi em. Hay là... em kể cho anh nghe nỗi buồn khổ của em?

- Dạ. Nhưng anh phải chịu khó nghe em kể thật lâu. Chuyện dài lắm...

Có tiếng nhạc trên lầu một, từ phòng của má Diệp vọng xuống, loại nhạc "mạnh". Diệp ngước mắt lên trần:

- Hai người đang ở trên đó! Kinh khủng lắm!

- Ai vậy?

- Má với kép của má. Xe 67 này là của thằng cha ấy. Hắn thay xe như thay áo vậy.

Tuấn thở dài, bàn tay rụt rè đặt lên bờ vai Diệp:

- Ba anh chết năm má anh còn trẻ và khỏe mạnh... Nhưng má anh không như...

- Phải, không có người nào tệ như má em!

- Nào, kể anh nghe đi Diệp. Đúng là ngoài nỗi đau mất ba, em còn một chuyện buồn ghê gớm phải không?

- Dạ... Nhưng em không thể nói với anh lúc này.

- Lúc nào em tin anh, thấy có thể tâm sự với anh thì em nói.

- Dạ.

- Anh về nghe Diệp.

- Không. Em chưa cho anh về đâu.

- Em bắt anh làm gì anh cũng làm!

- Thiệt không?

- Anh sẵn sàng. Em nói đi.

- Vậy thì bây giờ... - Chợt hai bên má Diệp ửng đỏ, mắt cô long lanh nhìn Tuấn - Vậy thì bây giờ anh lên lầu với em.

Không chờ Tuấn trả lời, cô xăm xăm đi trước. Khi bước lên bậc thang thứ ba, cô bị vấp suýt té. Tuấn nhanh tay đỡ Diệp. Diệp ngoan ngoãn để yên cho Tuấn ôm lấy ngang người. Một phút sau cả hai mới đi tiếp. Lên lầu, Diệp đưa mắt ra hiệu cho Tuấn biết đó là phòng má. Diệp đưa Tuấn vào phòng ba. Tuấn thắp nhang ở bàn thờ. Diệp đứng lặng nhìn Tuấn. Rồi cô nắm tay dắt Tuấn vô phòng riêng của mình. Cô ấn Tuấn ngồi xuống bàn học. Xung quanh là hai chiếc kệ sách.

- Ba mua cho em đó. Còn tủ sách này là của ba, toàn sách kỹ thuật.

- Ba là kỹ sư à?

- Dạ. Một kỹ sư tuyệt vời. Một người cha tuyệt vời.

Giọng Diệp vui và đầy tự hào. Tuấn say sưa nhìn vào tựa các cuốn sách và ngạc nhiên trước những cung bậc tình cảm luôn đột biến của bạn gái. Lúc đầu, khi Tuấn mới đến là mừng rỡ, sau là buồn thảm, rồi cô định kể hết chuyện buồn, rồi lại không kể, rồi đưa Tuấn lên lầu, vui và tự hào. Và sau đó sẽ là gì nữa đây? Tuấn nhìn tủ sách của ba Diệp. Toàn sách tiếng Anh, sách kỹ thuật. Trên bàn học có tấm ảnh khổ lớn chụp hai cha con Diệp. Người cha cao lớn, gương mặt đầy trí tuệ. Cô con gái mặc váy, áo trắng tinh, đôi mắt lấp lánh niềm vui và sự thông minh. Gia đình này lẽ nào lại xảy ra bi kịch? Đâu là nguồn gốc? Những câu hỏi đang bật nảy trong đầu Tuấn thì Diệp đã thoăn thoắt từ phòng của ba bước qua:

- Đây là hai cái quần và hai sơ mi của ba em. Em đưa cho anh mặc.

Diệp nhìn thẳng vào mắt Tuấn. Đôi mắt quyến rũ của cô mở lớn, nửa như áp đặt Tuấn, nửa như năn nỉ Tuấn đừng từ chối. Đôi mắt ấy như muốn nói: "Tại em thương anh. Anh cứ nhận đi, không có điều gì đáng ngại đâu". Diệp ấn gói đồ vào tay Tuấn, thoắt một cái, cô kiễng chân hôn vào môi Tuấn, rất nhẹ và nhanh. Tuấn nhìn Diệp, chưa kịp nói lời đáp lại đã nghe Diệp nói:

- Rồi, giờ anh có thể đi được!

- Cảm ơn em! - Xuống đến cửa, Tuấn mới lúng búng nói được câu ấy.

- Anh đi làm đi, kẻo chiều rồi đó. Khi nào rảnh, đến em nghe.

- Anh sẽ đến. Ngày mai được không?

- Đúng hẹn nghe anh! Đừng thất hẹn như lần trước, em nghỉ chơi à.

Nhưng Tuấn đã không đúng hẹn được. Tuấn tạm biệt Diệp với sự rộn ràng trong lòng. Người trai xóm nghèo Thị Nghè chưa hề được một cô gái nào ân cần đến thế. Tuấn vui và thấy cuộc đời vụt đổi khác. Chiều và tối hôm ấy, Tuấn đạp liền sáu cuốc xe vẫn không thấy đói và mệt như mọi ngày. Trả người khách cuối cùng trong ngày xuống cuối đường Lạc Long Quân, Tuấn vừa đạp xe về, vừa huýt sáo bản "Roméo và Juliet" - bản nhạc mà Tuấn rất thích. Ánh trăng vằng vặc soi tỏ con đường vắng thường xuyên bị cúp điện. Chiếc xích lô của Tuấn có cặp vè bằng inốc loang loáng dưới trăng. Tuấn đang nghĩ đến má. Giờ này, chắc má vẫn thức chờ Tuấn. Đêm nào cũng vậy, bà chờ con trai về rồi mới chịu đi nằm. Hai đứa em chắc đã ngủ. Thằng Hùng năm nay học lớp mười hai; phải ráng động viên nó học để tốt nghiệp mới được. Nhỏ Thoa nhõng nhẽo Tuấn cả tuần nay, đòi may cho nó cái áo mới. Tội nghiệp nó, học thì rất giỏi mà quần áo thì rách bươm.

Ba bóng đen từ trong trường đua Phú Thọ lao ra chặn xe Tuấn lại. Tuấn chưa kịp hành động gì đã bị thoi một phát vào giữa mặt. Tuấn ôm mặt ngã kềnh xuống đường, tai còn nghe bọn cướp nói: "Chuồn lẹ lên!".

Chiếc xích lô vun vút lao đi. Hai tên cướp ở lại. Tuấn vụt đứng dậy, co chân đá vào mạng sườn tên đứng gần nhất. Nó ối một tiếng rồi lảo đảo. Tuấn gào lên: "Cướp! Cứu tôi!". Không kịp rồi! Tên cướp kia thấy bạn bị đá vào chỗ hiểm, liền rút dao đâm Tuấn. Tuấn gục xuống, bất tỉnh, cho đến khi có chiếc xe tải chạy ngang, Tuấn được đưa vào bệnh viện cấp cứu...

Ngọc Diệp ơi! Giờ này em làm gì? Anh đã thất hẹn với em. Đây là lần thứ hai anh thất hẹn. Anh có lỗi. Em có nghỉ chơi anh không? Chắc là không đâu. Nhìn mắt em, anh biết. Anh xui quá em à. Số anh sao mà cực quá trời. Cùng tuổi con ngựa như anh, mấy thằng bạn anh đứa nào cũng sướng, duy có anh là khổ trăm chiều. Ngay cả thằng Ngọ, nhà nó cùng hẻm với anh, mấy năm nay nó sống phây phả, mà nó đâu có phải chạy xích lô như anh. Nó rủ anh mấy lần vô hội của nó. Anh hỏi: "Hội gì?". Nó nói: "Hội ăn chơi!". Anh hỏi: "Lấy tiền đâu?". Nó nói: "Hái ra tiền, không bao giờ hết tiền". Anh không tin cái hội của nó lại là hội của những người lương thiện. Nó cười: "Lương thiện ấy à? Có mà chết đói! Thời buổi này, muốn sống cho đàng hoàng, phải tung hê cái bệnh sĩ của mày đi". Nó nói ngược ngạo quá, anh không hạp nó, dù nó rất nhiều tiền. Nhiều lần, nó kêu anh đi nhậu, đi động, đi phi. Nhậu thì anh đi. Còn động và phi, anh từ chối. Nó chửi anh: "Ngu! Được chơi gái, chơi xì ke không mất tiền, còn không chịu". Anh cười: "Tao ngu thiệt. Thôi, mày để tao yên". Diệp ơi, nhưng hoàn cảnh anh bây giờ biết tính sao? Xe mướn của người ta, tiền thế chân nộp rồi, nay kể như trắng tay. Lấy gì đền xe cho chủ? Lấy gì kiếm sống? Mấy ngày nay, má và hai đứa nhỏ ăn bằng gì? Gạo mua từng lít, củi mua từng bó, trong nhà không có gì đáng giá vài phân vàng, làm sao sống đây? Số anh quả là số con rệp. Anh thương má, thương hai đứa em của anh. Và từ khi gặp em, anh lại thêm một người để mình thương yêu... Nhưng biết có lành bệnh để đến thăm em không? Bộ đồ của ba em, em cho anh là vì thương hại anh, hay là em yêu anh, hả Diệp? Hai bộ đồ đó và số tiền anh kiếm được trong ngày đã biến mất cùng cái xe rồi. Lấy chi thường xe cho chủ đây? Rồi còn tiền thuốc, tiền bệnh viện?...

Nghĩ đến đó, Tuấn mệt quá, cơn sốt lại ập đến. Mồ hôi vã ra trên trán, ướt nhẹp sau gáy; miệng Tuấn khô khốc, đắng chát. Không có ai ở bên Tuấn cả. Má Tuấn về rồi. Tuấn không muốn má đã lòa mà phải ở bệnh viện nuôi mình. Tuấn thiếp đi.

*

*          *

Ngọc Diệp chờ suốt một ngày không thấy Tuấn đến. Rất hồn nhiên, thơ ngây, cô đã nặng lòng cảm thương Tuấn. Cô trách mình tại sao không hỏi địa chỉ của Tuấn. Chắc là ảnh lo chạy xe để kiếm tiền nuôi má, nuôi em! Giá như mình có địa chỉ của ảnh, mình sẽ bay ngay tới nhà ảnh để thăm má ảnh. Chắc chắn đó là người mẹ rất mực nhân từ và trung hậu. Phải là người mẹ tốt mới sanh được người con dễ thương như ảnh.

Ngọc Diệp không trách cứ Tuấn. Trái lại, trong ngày thứ hai chờ đợi vô vọng, cô vẫn tìm mọi lý do để bênh vực cho sự thất hẹn của Tuấn.

Đến ngày thứ ba, Diệp không tự bênh vực cho Tuấn được nữa. Cô thất vọng. Ngỡ là có một người bạn trai đàng hoàng để tâm sự, để chia sẻ buồn vui, nào ngờ...

Ở phòng riêng của má, mọi việc đã trở nên công khai. Nhiều lúc đi ngang qua, Diệp thấy má cô không thèm đóng cửa nữa. Đó chính là mưu kế của Thượng. Cô đâu có biết rằng, rất nhiều lần Thượng thèm khát nhìn vào môi cô, vào bộ ngực non tơ của cô, vào cặp chân trắng mịn màng những khi cô mặc váy ngắn trong nhà. Thượng nói huỵch toẹt mưu kế của mình với má Diệp. Thượng nói lớn, cố ý cho Diệp nghe thấy:

- Em đừng lo con gái em nữa. Nó không thể phản đối anh và em mãi được đâu. Nó lớn rồi. Tuổi ấy là tuổi cần đàn ông, tuổi thèm khát tình yêu. Cho nó quen dần đi là vừa. Khi quen rồi, nó sẽ giống em thôi, đầy đam mê, đầy dục vọng... - Thượng nói đến đó cười ầm, ôm chặt lấy Ngọc, nhấc bổng lên mà quay. Hắn chỉ mặc độc chiếc quần lót, ngực trần đầy lông lá. Người tình của hắn phong phanh trong chiếc váy ngủ. Hai đứa cười rú lên.

- Chóng mặt quá hà. Thả em xuống!

- Chóng mặt à? Chóng mặt à? - Thượng vừa nói vừa quay tiếp, và đúng lúc Diệp đi ngang qua, Thượng xô má Diệp xuống giường rồi nằm đè lên...

Diệp chạy lên phòng, nằm vật ra giường. Cảm giác lạ trong đêm ở nhà Phi trở lại bừng bừng. Ở tuổi cô, làm sao kiềm chế được cảm xúc. Đêm ấy, chờ đến chín giờ không thấy Tuấn đến, Diệp gần như người mất hồn. Cô mặc quần áo, đi ra đường, lang thang một lúc, lại về nhà nằm sấp xuống giường, ôm gối và khóc. Cô khóc vì tự ghê sợ chính mình, ghê sợ những cảm giác đang bừng bừng trong người. Cô ao ước có Tuấn ở bên cô lúc này. Cô sẽ ôm ghì lấy Tuấn. Cô sẽ... Đúng lúc đó, má cô xuất hiện. Tiễn người tình về rồi, Ngọc quyết định nói chuyện với con gái:

- Diệp! Má muốn nói chuyện với con.

Diệp vùng dậy, hét lạc cả giọng:

- Má đi ra ngay! Má không xứng đáng là má tôi!

- Kìa, con! Sao con nỡ nói vậy? Má có làm gì để con khổ đâu nào?

- Má phản bội ba tôi. Má là kẻ tồi tệ. Vì má mà ba chết. Vì má mà tôi... - Diệp vùi đầu vào gối, không nói được, khóc tức tưởi.

- Con định nói vì má mà con bỏ nhà đi hoang chớ gì? Con không nên giấu giếm làm gì, vô ích. Má đẻ ra con, má là đàn bà, ngó sơ là má biết liền. Con đã bị mất trinh từ đêm con bỏ đi hoang.

Diệp vùng dậy toan nói, má Diệp giơ tay ngăn lại:

- Khoan, ráng mà nghe má nói tiếp. Con đã ngủ với thằng bé đạp xích lô ở đâu? Sau đó, con lại rước nó về ngủ ở ngay phòng này. Đúng không? Mấy ngày nay, nó không đến nữa. Nó chán rồi phải không? Và con đang có bầu. Con biếng ăn, mất ngủ. Có bầu rồi con ơi! Má biết cả. Má muốn làm lành với con, vì má thương con. Má lo cho tương lai của con...

- Má im đi! Má nói láo!

- Má nói sự thật. Má biết rõ tâm trạng của con lúc này. Con đang nhớ nó, cái thằng phu xe lô ấy. Con đang thèm khát...

- Im ngay! Má cút xéo khỏi đây ngay! Trời ơi! Trời ơi! Ba ơi! Ba ơi!

Mặc cho con gái khóc la, lăn lộn trên giường, người đàn bà vẫn nói, giọng đều đều:

- Má đã nghĩ rất kỹ. Má có tội với ba con. Đúng. Con kết tội má là đúng. Nhưng... đời má, má phải tự lo cho má chứ. Ba con chết đi là hơn! Đỡ khổ cho chính ba con, đỡ khổ cho má, cho cả con nữa. Đời là thế. Sống mà làm khổ người khác, không nên sống. Sống là phải tận hưởng. Sống mà bán thân bất toại như ba con thì chết là hơn, con ạ. Điều đó có vẻ phũ phàng nhưng là sự thật. Nay, ba con chết rồi, mồ yên mả đẹp rồi, trong căn nhà này má là chủ. Má lo kiếm tiền nuôi con. Con bỏ nhà đi, cái đó là ở con. Nay, con đi hoang tiếp hay ở nhà, cũng là tùy con. Má chỉ mong một điều: Mẹ con hòa thuận. Má sống thế nào là quyền má. Má cũng tôn trọng cái quyền ấy của con. Má sẽ chu cấp cho con với điều kiện: Con đừng làm phiền má. Thôi, bấy nhiêu đủ rồi. Con ngủ đi, má về phòng má đây.

Ngọc đưa tay tắt công tắc đèn. Căn phòng tối mù. Trước khi đóng cửa phòng con gái, người đàn bà buông nốt câu cuối cùng với giọng tỉnh khô:

- Sáng mai, nếu con chịu, má sẽ đưa con đi phá thai!

Cánh cửa đóng sập lại. Còn lại Diệp với sự ê chề, tuyệt vọng trong căn phòng tối om. Bóng tối nuốt chửng Diệp. Những lời của má cô vang lên sắc lạnh. Diệp hét lên: "Ba ơi!", rồi khóc tiếp. Nhưng cô đã hết nước mắt.

Chương : 1   2   
Triệu Xuân
Số lần đọc: 4440
Ngày đăng: 16.03.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm
Đất rừng phương nam - Đoàn Giỏi
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Nắng quái - Trầm Hương
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)