Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
944
123.236.103
 
Thời áo trắng
Hoàng Mai Quyên
Chương 7 - những giọt nước mắt

Người đầu tiên trong nhóm phát thanh học đường mà tôi đề cử là nhỏ Bích. Bích có giọng hát khá hay từng đoạt giải huy chương vàng của tỉnh. Vả lại trong lớp mỗi khi cô kêu Bích đọc thơ, cả lớp đều im lặng khi nghe giọng đọc nhẹ nhàng, trong vắt và truyền cảm của nó. Tôi tin chắc là nhỏ Bích sẽ nhận lời vì từ lâu tôi cảm nhận được một tình bạn khắng khít giữa tôi , Bích và Hiệp. Thế mà chẳng hiểu sao khi nghe tôi nói chưa hết, nhỏ Bích đã nạt ngang:

-Thôi, ta đâu có rỗi hơi như mấy người toàn là đồ "An cơm nhà vác tù và hàng tổng".

 

- Sao Bích nói lạ vậy. Nếu ai cũng như Bích thì ai sẽ là người hoạt động Đoàn?

 

- Ai hoạt động cho Đoàn ta không cần biết nhưng ta không rảnh. Ta không học giỏi như mấy người nên thời gian rãnh còn lo học, không giỏi giang được như mi, như chàng hiệp sĩ của mi.

 

- Chàng hiệp sĩ của mi? Bích nói tới ai vậy? Hiệp sĩ của ta mà ta không biết kìa.

 

Nhỏ Bích không nói tiếp mà bỏ vào nhà để mặc tôi đứng ngẩn ngơ với "một câu hỏi lớn không lời giải đáp". Tôi cảm thấy hụt hẫng và buồn vì thấy nhỏ Bích ngày càng xa rời mình. Dường như Bích không thích tôi hoạt động phong trào cho lớp cho Đoàn nhưng điều này đâu phải là tính cách của Bích. Đã đành những quan niệm như Bích không phải là hiện tượng lạ trong lớp, trong trường tôi vì rất nhiều bạn học giỏi nhưng đều thờ ơ với hoạt động của Đoàn, của lớp. Họ cho rằng chỉ cần dành thời gian cho học tốt là đủ. Mục tiêu của họ là học sinh giỏi và cổng trường Đại học ngoài ra không cần quan tâm đến điều gì khác nữa. Tôi đã từng tâm sự với ba tôi về điều này và không ngờ ông cũng là người đồng cảm với những điều trăn trở trong tôi.

 

- Thời của ba, để phấn đấu vào Đoàn là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu hết mình. Đối với lứa tuổi ba hồi ấy, được đứng vào hàng ngũ của Đoàn là một vinh dự rất lớn nên ai cũng cố gắng trong học tập, tích cực trong hoạt động phong trào. Mà lúc ấy, rất nhiều phong trào mang tính chất xã hội như lao động đắp đường, đào kênh, dạy bổ túc văn hóa… Ai cũng phấn khởi tham gia. Thời ấy, không có học thêm tràn lan như bây giờ thế mà ba và bạn bè vẫn học tốt, vẫn thành đạt. Chính vì thế ba ủng hộ những hoạt động của con cho phong trào Đoàn vì qua hoạt động, con sẽ lớn lên, trưởng thành trong suy nghĩ, trong nhận thức. Còn một số bạn chỉ lo học thôi thì chưa đủ, ba cảm thấy họ hơi ích kỷ trong lối sống.

 

Những lời động viên của ba tôi giống như quan niệm của thầy bí thư Đoàn trường. Và quả thật, tất cả các bạn trong Ban chấp hành Đoàn trường đều là những học sinh khá giỏi. Còn Bích nó vốn không phải là đứa thờ ơ với bạn bè, với lớp nhưng chẳng hiểu sao lần này, nó lại phản ứng gay gắt như vậy. Tôi đem điều thắc mắc ấy hỏi Bố. Cũng xin nói rõ Bố của lớp tôi không phải là người cha của tôi, cũng không phải là một người đàn ông nào khác mà chính là nhỏ Hồng của lớp tôi. Nhỏ Hồng có thân hình thuộc loại bé bự, lại theo học lớp võ cổ truyền Vôvinam (nghe đâu đã lên tới đai xanh gì đó) nên được bọn con gái trong lớp tôi tôn vinh là Bố - người đủ sức mạnh che chở cho bọn tóc dài lớp tôi mỗi khi bị phe tóc ngắn ăn hiếp. Bố lại chơi thân với nhỏ Bích. Vì thế, khi thấy tôi không tìm ra lời giải đáp, Bố cũng nhíu mày "tư duy".

 

- Nhỏ Bích này cũng ham hoạt động lắm mà. À , nói cho ta biết làm chương trình phát thanh học đường gồm những ai?

 

Sau khi nghe tôi liệt kê tên tuổi các thành viên của nhóm kể cả người cố vấn là cô Lan thì Bố đã vỗ hai bàn tay đánh đét vào nhau như niềm vui của các nhà khoa học khi tìm ra phát minh mới vậy:

 

- Ta  biết rồi. Nó không chịu cộng tác là vì nó giận cô.

 

- Nó giận cô…

 

Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên trước lời phán đoán chắc như đinh đóng cột của Bố. Từ trước tới giờ, nó đều thích học văn và điểm văn thuộc loại khá trong lớp. Giọng Bố hạ thấp ra chiều bí mật:

 

- Mi không để ý bài làm văn số I vừa rồi nó bị 5 à. Cô nói có một số đứa đem sách tham khảo vào chép nên cô trừ điểm.

 

- Nó có chép sách tham khảo không?

 

- Có nhưng nó chép một cách sáng tạo. Nó chép một đoạn rồi tự viết một đoạn nên cô cho nó điểm 5. Đây là lần đầu tiên nó bị 5 môn Văn nên nó tức cô lắm.

Tôi thừ người ra nghĩ ngợi. Mấy hôm rồi lo chuyện phát thanh học đường nên tôi cũng ít quan tâm đến nhỏ Bích.

 

- Cô cho nó điểm 5 là đúng thậm chí còn hơi nương tay vì trước khi làm bài kiểm cô đã nói, ai mà chép trong sách tham khảo cô sẽ cho điểm 1 - tức là cho công chép. Còn cho nó điểm 5 tức là cho điểm phần nó làm còn gì nữa.

 

Bố cũng gật gù rồi ra chiều thông cảm với tôi nên lãnh nhiệm vụ làm sứ giả hòa bình.

 

- Rồi, ta sẽ ráng uốn ba tấc lưỡi của mình để khai thông đầu óc của nó vậy, Mi yên tâm đi.

 

Chẳng biết nhỏ Hồng thương thuyết với Bích như thế nào mà mấy hôm sau vào giờ Văn, khi giảng bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, cô hỏi Bích về hình ảnh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của nhà thơ như thế nào thì nhỏ Bích đứng lên trả lời với giọng nói bất cần:

 

- Em không biết.

 

- Em không biết sao? Câu hỏi này không vượt quá khả năng em mà.

Nhỏ Bích hướng ánh mắt kiêu ngạo của nó ra ngoài cửa sổ, không trả lời. Cô Lan rất ngạc nhiên trứơc thái độ của nó nhưng c6 vẫn rất mềm mỏng.

 

- Em đọc lại đoạn thơ đầu thì sẽ trả lời được thôi.

 

- Thưa cô, em không đọc được.

 

Chưa bao giờ tôi thấy nhỏ Bích ương ngạnh như thế. Khuôn mặt của nó đỏ bừng nhưng ánh mắt thì vẫn lạnh lùng, phớt đời.

 

- Em đứng đó nghe bạn khác đọc.

 

Giọn của cô có phần gay gắt. Bố giật tay nhỏ Bích như ra hiệu cho nó hãy giảm bớt độ "nóng" xuống nhưng Bích đã hất mạnh tay nhỏ Hồng ra. Không khí lớp trở nên căng thăng đến mức ngột ngạt. Sau khi nghe một bạn trong lớp đọc xong, côi hỏi lại nhỏ Bích một lần nữa nhưng nó vẫn trả lời một cách cộc lốc:

 

- Em không biết.

 

- Em ngồi xuống đi và em hãy coi lại thái độ của em đối với cô như thế có đúng không? Cô đi dạy đã mười mấy năm chưa có học sinh nào đối xử với cô như vậy nhất là một học sinh nữ nữa..

 

Giọng nói của cô như nghẹn lại. Cô im lặng quay lên bảng như để giấu đi sự thất vọng, đau đớn của mình. Trong bầu không khí im lặng đó, tôi nghe tiếng xì xào:

 

- Nhỏ Bích kỳ vậy ta. Hồi đó nó đâu có vậy.

 

- Xin lỗi cô đi Bích ơi..

 

Tiếng thẳng mỏ vịt hối thúc ở đằng sau. Dường như để xóa đi không khí căng thẳng của lớp, cô giảng bài tiếp bằng giọng nói như còn đọng lại nước mắt của mình.

 

- Cô nghĩ chắc Bích co điều gì đó hiểu lầm cô chứ từ trước giờ, trong tâm trí của cô Bích luôn là học sinh ngoan, học giỏi. Bữa nào đó cô mong rằng cô trò mình sẽ gặp nhau nói chuyện để giải tỏa những uẩn khúc của Bích. Thôi, chúng ta học bài tiếp.

 

Nhỏ Bích nghe cô nói mà vẫn im lặng không đứng lên xin lỗi cô. Cái đầu nhọn và cái trán dồ ra của nó thật bướng bỉnh. Nó xếp tập vở lại và gục đầu xuống bàn im lặng…

 

Tiếng trống báo hết giờ vang lên. Cả lớp đứng lên chào cô rồi lục đục kéo nhau ra về. Riêng nhỏ Bích vẫn lầm lì thu dọn tập vở bỏ mặc những lời quan tâm của tôi và nhỏ Hồng. Nhỏ Hồng nói nhỏ vào tai nó:

 

- Mày sai rồi. Đối xử với cô như vậy là vô lễ.

 

- Ai biểu cô không công bằng.

 

- Không công bằng là sao?

 

Hiệp lên tiếng với thái độ bất bình. Nhỏ Bích sừng sộ quay lại:

 

- Cô thiên vị với bạn. Bạn cũng coi sách giải nhưng tại sao bạn được 8, còn tui lại bị 5. Như vậy có công bằng không?

 

- Đúng, tui có coi sách tham khảo nhưng tui không chép vào bài kiểm. Còn bạn làm bài theo kiểu lắp ráp liên khúc. Bạn tưởng cô không đọc sách tham khảo sao. Những đoạn cô đánh dấu bên ngoài lề trong bài của bạn là những đoạn bạn chép trong sách giải đó. Còn những phần bạn tự làm thì cô cho điểm 5 là đúng còn gì. Còn thằng Thịnh mỏ vịt bị điểm 1 là vì nó chép toàn bộ trong sách giải ra đó. Đây, bài của tui nè, bạn coi thử xem có dòng nào trong sách giải không?

 

Nhỏ Bích gạt bài của Hiệp qua một bên. Giọng Hiệp vẫn nhỏ nhẹ.

 

- Hôm nay bạn đã làm cô buồn lắm. Tui thấy mắt cô đỏ lên. Ba bạn cũng là thầy giáo. Nếu ai đó cũng phản ứng như bạn thì ba bạn cũng sẽ buồn như cô thôi…

 

- Thôi mấy người im đi. Mấy người đi về hết đi, để cho tui yên.

 

Nhỏ Hồng ra hiệu cho Hiệp về trước khi nghe tiếng gào lên run rẩy của nhỏ Bích. Bích gục đầu xuống bàn và bật khóc. Tôi và nhỏ Hồng ngồi im để cho Bích dịu bớt cơn xúc động. Tiếng khóc tấm tức của nó như những ca nước rửa sạch bao niềm uất ức của nó và trả lại một nhỏ Bích thật dễ thương, hào phóng với bạn bè như thuở nào.

 

- Thôi mình về ha Bích. Trưa rồi…

 

Tôi ôm cặp cho Bích còn nhỏ Hồng thì đùa tếu:

 

- Để Bố lau nước mắt cho con gái của bố nào. Nín đi kẻo tàn phai nhan sắc của con gái bố nha.

 

Cái giọng đùa tiếu của nhỏ Hồng khiến mặt Bích như tươi lại. Nó đội nón lên đầu rồi giành lấy cặp sách từ tay tôi, khẽ nói:

 

- Đưa cặp sách đây. Mày làm như tao là thương binh không bằng.

Nhỏ Hồng nháy mắt với tôi rồi tủm tỉm cười. Chúng tôi ra về và cảm thấy ánh nắng cũng như reo vui cùng chúng tôi.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7   8    9    10    11    12    13    14    15   
Hoàng Mai Quyên
Số lần đọc: 1442
Ngày đăng: 21.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Thời áo trắng (truyện dài)