Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.058
123.234.506
 
Một thời in dấu
Trần Đồng Minh
Chương 1

Chương 9

Giám đốc Hai Lăng đã chờ sẵn. Ông người cao lớn, da ngăm đen đầu hơi hói, miệng rộng nói thoải mái, cười thoải mái. Tự giới thiệu về mình ngắn gọn, hồn nhiên bằng ba câu rồi chuyển sang chuyện công. Cũng rất hồn nhiên. Ông sinh ra ở vùng biển, đi tù Côn Đảo thời Mỹ-ngụy, nay lại bám biển bám sông. Mai ngạc nhiên nghe ông chỉ ra cái dở của “quốc doanh”, của việc nôn nóng quốc doanh hóa.

- Người ta cứ thích cái từ ấy. Cứ tưởng dán cái nhãn quốc doanh vào là êm tất thảy. Đấy thằng Quốc doanh đánh cá kia chết chìm vì không chuyển kịp cơ chế đó.

Tiến đặt bút xuống:

- Tôi đã đối thoại với bộ trưởng của ông và chính tôi góp phần báo động lúc ngành ông đang nguy ngập, đang đắm dần.

- Phải. Có lúc chúng tôi đi vào con đường tự sát.

Giám đốc Hai Lăng nhấn mạnh hai chữ “tự sát”. Ông mở nút áo ngực, xốc tay áo cụt lên tận bờ vai, nói tiếp:

- Cả chục năm rồi, người làm thủy sản sống với dân một cách vô đạo lí. Chưa làm được gì cho dân hết trơn.

Tiến gật gù bỗng hỏi:

- Nghề cá khối dân của ông thế nào rồi?

Hỏi câu đó, Tiến đã nắm chắc thủy sản ở đây từng đứng nhất, nhì cả nước về nghề cá khối dân.

Ông Hai Lăng như được gợi hướng tốt, chuyển qua hào hứng nói về việc chuẩn bị đi lên với nghề cá của dân. Mai lặng nghe, chỉ hiểu dăm ba phần. Tiến vừa ghi vừa hỏi, vừa uống nước liên hồi. Bỗng vị giám đốc ngưng lời:

- Thôi, trưa trễ rồi. Không thực sao vực được đạo. Ra bãi giữa, đầu giờ chiều tiện ghé mấy cơ sở luôn.

Bãi giữa. Biển xanh ngắt hai màu. Đẹp quá. Vùng nước màu xanh da trời nối tiếp vùng nước màu xanh lá cây rập rờn thăm thẳm.

- Quán tứ quỷ!

Người dẫn khách ngồi xuống ghế đá, đắc chí giới thiệu.

Bốn ông già – từng lừng danh một thời – về hưu mở quán. Trên trời, dưới biển, muốn ngắm trời, tắm biển, tha hồ. Mai chỉ trông thấy “nhất quỷ”. Một ông già da thịt sắt lại đen bóng, riêng chỉ mái đầu trắng bồng lên như bông như tơ. Có cảm giác như ông già là tiêu bản hóa thạch còn lại của thời tiền sử.

Tiến vượt bờ dốc, tiến ra mép biển, đứng trên tảng đá lớn nổi trên mặt nước. Anh đứng đó, bất động mặt quay về biển xa. Vẻ chậm rãi cởi bỏ không còn chút quần áo nào trên người, toàn thân tắm vào nắng vào gió. Một tấm thân gầy guộc trần trụi trước trời cao biển rộng. Phải chăng đó là một hình ảnh của con người trong vũ trụ bao la không cùng này. Mai ngắm, nghĩ mông lung.

Giám đốc Hai Lăng tiếp tục tâm sự:

- Rừng vàng biển bạc thật. Nhưng cứ tàn sát rừng, tàn sát biển mãi mà không phục hồi, nuôi trồng rừng, biển thì chết toi.

Hít một hơi dài gió biển, con người của biển đó bỗng  dõi mắt ra xa, nói trống:

- Không được dùng thì tôi về. Tôi đâu có tham quyền bám ghế.

Mai đã gặp nhiều người có chức quyền. Họ than vãn, kêu rên nhiều thứ nhưng chẳng ai muốn treo ấn, bỏ mộc. Chỉ có hai người nói ra và dám làm điều ấy. Đó là một hiệu trưởng vùng núi và một giám đốc miền biển. Một người Mai đã cùng sống vài năm và một người mới biết nhưng anh cảm thấy thân. Mai còn nhớ người hiệu trưởng vốn là lính, qua đào tạo sư phạm được điều đi lãnh đạo trường cấp hai - ba ghép. Lần đầu huyện núi vời vợi hoang dã đó có cấp ba. Năm sau, huyện xây cho vài lớp học rồi trưng dụng luôn làm văn phòng huyện. Hiệu trưởng phản đối, trả lại dấu. Tin đó lên đến Tỉnh và Trung ương. Huyện đành trao lại mấy phòng gạch mái ngói cho nhà trường. Năm sau, người hiệu trưởng năng nổ được điều đi học thêm nghiệp vụ. Những người thực sự có năng lực, dám làm và dám nói, ít khi bỏ đạo lí để giữ chức giữ quyền.

Tiến và Mai được bố trí ở Khách sạn Thái Bình, khách sạn sang nhất vùng. Tiến nháy mắt hỏi cô tiếp tân khi anh nhận chìa khoá buồng:

- Hai sao hay ba sao cô em xinh đẹp?

Cô tiếp tân chúm chím cười, lắc lắc mái đầu ngắn:

- Dạ, ba sao.

Tiến cười to:

- Nhà báo hại này quen khách sạn ngàn sao trên vệ cỏ rồi.

Hết buồng lớn nên mỗi người ở một buồng. Khi lên cầu thang, Tiến bảo bạn:

- Một cô em xinh đẹp cai quản khách sạn này. Nàng là cả một pho tiểu thuyết. Để lúc nào kể cho anh nghe. Này, ở đây có tắm hơi, anh có xài không?

Mai chưa kịp trả lời,Tiến nói tiếp:

- Khách nước ngoài khoái lạ chứ bọn mình tắm hơi mãi từ những ngày chen tàu xe rồi. Có khách ngoại mua vé rồi không thấy cái khoản kia, trả lại vé liền. Moi được tiền mấy anh nhà giầu cũng không dễ.

Mai ngồi trên tấm trải giường trắng muốt. Đệm dày êm. Máy lạnh chạy ro ro. Tắm táp xong Mai khoan khoái ngả người trên đệm. Dưới ánh đèn ngủ mờ tỏa, anh thấy mình cách biệt hẳn với bên ngoài, với cộng đồng. Như trong trạng huống phi trọng lượng, phi thời gian. Anh bỗng thấy nhớ và thương vợ con quá. Chưa bao giờ vợ con anh được ngả lưng trên giường đệm. Gia đình nhỏ của Mai chỉ có một chiếc giường cũ, giát cái mọt, cái gãy. Hễ đặt lưng là nó cót két ầm lên. Đến là tai hại. Thằng con anh lúc nhỏ, cứ đi ngủ lại đòi “con nằm cạnh giữa”, tức là nằm giữa bố mẹ. Có lúc sáng dậy nó thắc mắc “con lăn ra cạnh ngoài”. Châu đầu với giường vợ chồng anh là giường vợ chồng đứa em. Góc kia là giường bố mẹ. Tất cả được ngăn cách bằng một tấm màn gió mỏng, gián nhấm lỗ chỗ. Cũng một kiếp người mà sao nhiều cái mình sống chẳng ra con người! Mai bật dậy. tắt máy lạnh. Ở nhà anh, nóng thì “quạt máy quay tay”, lạnh thì lấy ni-lông, giấy dầu đóng kín các cửa sổ, rồi đụp thêm áo vào. Anh chưa thích nghi với máy điều hòa nhiệt độ.

Đến bữa ăn, niềm thương nỗi nhớ ở Mai càng da diết trước khẩu phần ăn quá thịnh soạn. Riêng đĩa chim sẻ rán phải vài người ăn mới hết. Thế mà còn thịt bò, tôm bóc nõn, mực xào, canh cá…  Đáng tiếc không có rượu. Tiến ăn rất ít. Mai cũng không gắp được bao nhiêu. Có món cả hai không đụng đũa. Đĩa chim rán hãy còn. Bỗng Tiến giơ tay chào ông mét đô-ten to lớn vận bộ đồ lớn đang đi lại phía xa. Anh nheo mắt nói to:

-  Làm ơn cho chút cay. Từ bữa sau thêm rau, bớt thịt.

 Thoáng sau, cô phục vụ bưng lại chiếc khay đặt hai li rượu chân cao và nói rằng chú Năm Khá - tức ông mét đô-ten gửi lời chào. Tiến khen “khá lắm”. Vừa như cám ơn ông Khá, vừa ra ý khen cô phục vụ. Cuối cùng cái chính là anh khen rượu. Thứ rượu nồng ấm đậm đà được sản sinh ra từ một phương trời tây có những cánh đồng nho ngọt ngào tươi mọng dễ say lòng người.

Mai hơi ngà ngà. Và lại thấy u uẩn một cảm giác buồn sâu kín.


Chương 11

 

- Nhà báo Mạnh Tiến góp vui đi, nhà báo…

Ồn ào, thúc gọi. Bữa liên hoan lúc này gom gọn lại toàn những tay chí cốt, chơi tới cùng. Một số đại biểu đã cáo về. Vui thế đủ rồi. Năm, bảy cơ quan, đơn vị phối hợp kỉ niệm mừng ngày chiến thắng lịch sử của địa phương. Xong phần diễn văn, phát biểu đến mục nâng li, theo lệ thường. Hơi men đã bắt đầu ngấm mà đồ mồi vẫn còn, rượu vẫn chưa hết. Cuộc vui bao giờ thiếu rượu, hết rượu. Toàn rượu rắn, rượu tắc kè loại mang nhãn đặc biệt. Rượu vào lời ra, là lẽ đương nhiên. Người ta đang kêu nhà báo góp lời cho thêm vui.

Tiến đứng dậy, phanh áo ra.

- Các vị tín nhiệm, nhà báo không chối từ.

Tiếng à à ồn ồn hòa tiếng cười. Tiến giơ tay:

- Có mặt nữ phó chủ báo tỉnh và mấy chiến hữu, tôi tặng mỗi vị một chuyện, một câu ca. Ngắn thôi.

Tiếng reo hưởng ứng lại dậy lên.

- Ưu tiên phụ nữ trước. Nàng phó chủ báo cứ đi chợ với hai cô bạn là gặp nhà “báo hại” này. Tiến hắng giọng - Vậy có thơ rằng:

Ba cô đi chợ thong dong

Anh lấy cô giữa mất lòng hai cô

Bao giờ anh nổi cơ đồ

Thì anh lấy cả ba cô một lần

Một cô lo việc nấu ăn

Một cô đấm bóp cho anh đỡ buồn.

- Hay, hay! Thưởng, thưởng! Cô Út Hường thưởng liền đi!

Hường, Phó tổng biên tập báo mặt đã khá ngầy ngà - Cô là người thường về sau chót các cuộc vui vẻ kiểu này vì tửu lượng cao mà vẫn phòng không gối chiếc - Cô đưa li cối đến gần Tiến. Hai sắc mặt đỏ không kém chất rượu trong li.

- Vô! Vô!. Nhiều tiếng giục vang.

Tiến ngửa đầu, đổ rượu vào miệng. Xong. Anh đặt mạnh li xuống bàn, ghé chụt một cái vào gò má hồng đỏ của người thưởng.

- Nhà báo ngầu lắm. Tiếp tục đi…

- Nhà báo “nổi cơ đồ” đi…

Tay vỗ ran ran.

Tiến thấy bốc lên. Anh tháo chiếc máy ảnh, quăng ra bàn:

- Có đồng chí công an bảo vệ đây cũng đáng ưu tiên nghe. Chuyện thật trăm phần trăm. Có một cha phải đi trại, mấy năm về, người làng hỏi: “Đi tù về à?”. Cha nọ chửi luôn: “Ông đi cải tạo chứ tù đâu mà tù. Ông làm tổ trưởng tổ xay lúa giã gạo, danh giá bằng mấy chúng mày.”

Tiến lại nhận thưởng. Thưởng liên tiếp.

Đến câu chuyện cuối cùng, chuyện “Nhà năm tầng lầu không cần xây nhà cầu” thì cử tọa đều bò lăn ra cười. Và nhà báo ta cũng lăn luôn ra.

Lúc hơi gượng tỉnh, Tiến nghe đầu choáng ghê gớm. Mà không hiểu mình nằm ở đâu. Tiến gắng đưa mắt nhìn. Ngọn đèn ngủ mờ mờ cũng đủ cho anh thấy mình nằm giữa một đống xống áo phụ nữ. Lạnh đứng tim, anh cố ngóc đầu dậy. Nhưng tối tăm ập đến. Tiến nôn thốc ra.

Khi Tiến xỉn, ban tổ chức đã dìu nhà báo đưa đại vào căn buồng của hai cô độc thân ở trong cơ quan. Hai cô phải tạm “di tản” qua chỗ khác, miệng thầm rủa nhà báo hại làm hai cô mất một đêm lạnh và muỗi cắn thấy ông bà.

*

Tiến loáng choáng chạy xe đến nhà đã thấy người bu đông ồn ào. Đêm qua cháy nhà chắc? Tiến vứt xe ngoài cửa, rẽ đám đông ra. Anh hàng xóm đầu ngẹo, miệng đầy rớt rãi được khiêng lên xích lô đi cấp cứu. Chị vợ bụng chửa vượt mặt xếu mếu khóc. Mấy đứa con anh ta, từ đứa nhỏ còn phải bồng đến đứa lớn đang học nghề, đều nước mắt vòng quanh. Tự tử! Một bà láng giềng mau miệng báo với nhà báo. Anh nọ nợ nhiều quá làm một mồi thuốc chuột. Đến nước ấy ư?, làm gì đến nỗi tự chết thảm vậy! Hóa ra sự việc như thế này, cũng khá dài dòng và éo le.

Anh ta là một thầy giáo nghèo. Dạy học, bán thuốc lá, bỏ mối bánh cam, đưa chỗ ngồi trong rạp chiếu bóng… Làm đủ việc, cực vẫn hoàn cực. Mới đây, nghe nói anh bỏ đứng lớp, theo người bà con lên rừng kiếm cây, buôn củi. Đã nghèo, vợ lại quen dạ đẻ đều đều. Khốn càng thêm khốn. Đi rừng, chẳng kiếm thêm đồng nào, lại đèo thêm cái sốt rét. Thỉnh thoảng, vợ anh lại chạy sang nhà Tiến thì thụt mượn nóng chút tiền, chút gạo. Tất nhiên là chị ta chỉ dám gặp vợ Tiến chứ không dám giáp mặt anh. Anh vẫn bảo vợ cố giúp đỡ, được chút nào hay chút ấy. Một bữa người vợ mang sang biếu kí nho tươi, nói là vừa trúng số. Tối ấy, nhà anh ta chè chén đàn ca ỏm tỏi. Tiến được mời nhưng anh mắc hoàn thành gấp bài viết nên không sang. Vài bữa sau lại thấy tiếng gắt gỏng ì sèo vọng qua. Tiền trúng số chắc hết rồi. Đôi lần, qua rào, Tiến trông thấy anh ta. Người còm nhom, mặt đăm chiêu hơn một nhà triết học đang cố giải thích một nghĩa lí ngoắt ngéo nào đó của sự đời. Tay lại cầm cuốn vở, ghi ghi chép chép hoài. Anh đã trở lại nghề cũ? Tiến vừa mừng vừa lo cho anh ta. Mừng vì anh không lông bông lang bang nữa. Lo là sao có thể sống với cái nghề bạc bẽo. Cứ trông cảnh sống của Mai và nhiều giáo viên khác là Tiến biết.

Nhưng nhiều mối lo toan bận bịu làm Tiến quên anh ta đi. Đùng một cái, con người khổ sở kia tự tử! Nợ đời quá nặng lại thêm mối nhục khiến anh tìm đến miếng thuốc chuột. Anh đã tìm con đường thoát sai lầm. Muốn mau có tiền, anh lao vào đánh đề. Một ăn mười mấy, tội gì chẳng chơi. Đầu tiên còn đánh nhỏ, đánh số đuôi. Sau, anh đánh lớn hơn, chơi nguyên lô. Người đặt cái  trò số đề này đã bày ra đủ cách quyến rũ. Như là trợ giúp anh cách để được thần tài gõ cửa. Anh nằm mê thấy chó cắn. Chó cắn tương đương với một con số, 15 chẳng hạn. Ngày hôm ấy, anh đánh số 15, chắc ăn như bắp! Anh ra đường, gặp đám ma. Đám ma ứng với con số khác. Mau mau ghi đánh số ấy. Có điềm báo rồi cơ mà. Cứ thế anh anh cuốn vào cơn lốc đen đỏ hên xui mộng mị, hồi hộp hi vọng. Năm thì mười họa, anh trúng một số. Lập tức ăn mừng. Nhậu. Bữa đàn ca thâu đêm trước là anh trúng số đề chứ đâu phải trúng xổ số. Bọn láu cá dựa vào nhà nước mà sống. Biết bao nhiêu kẻ nhẹ dạ tham giàu bất ngờ đã lập sổ ghi chép những con số xổ mỗi chiều hàng ngày. Để tính toán, dò dẫm tìn “quy luật” của số ra mà mong đánh trúng. Anh hàng xóm cũng có mấy quyển vở đầy những con số. Số càng nhiều lên, xe đạp, quần áo, mùng mền rồi đến xoong nồi càng chạy ra khỏi cửa, biến thành tiền để lọt khẳm túi chủ đề. Con anh không còn lấy tờ giấy, mà làm bài! Anh xấc bấc xang bang chạy đi mượn đông mượn tây, giật xa giật gần. Lãi nặng cũng chịu. Mượn chỗ này, tạm trả chỗ khác. Cho đến ngày số nợ chồng chất đến mức “quá tải”. Bao người cho mượn tiền đã chạm trán ở nhà anh. Có người cầm cả sổ hộ khẩu của con nợ. Nhưng lấy đâu mà trả, mà chuộc. Kẻ mau tay xiết ti vi, quần áo, “bắt” lấy cái tủ cái bàn. Kẻ chậm chân thì la lối, chửi thề, dọa báo công an, đe thưa kiện, làm dữ. Anh chỉ còn mỗi cách ấy để trốn tránh! Than ôi, nếu anh cứ chịu khó sống khổ, cứ dạy học, làm thêm. Vợ anh cứ đan thêm và dựa hẳn vào cái tủ thuốc lá thì cũng chưa đến nỗi nào. Cuộc đời có cái giá của nó. Anh định vay mà không trả, đâu có được.

Sự việc đổ thêm dầu vào ngọn lửa công phẫn của Tiến. Anh căm ghét bọn kiếm tiền bất chính. Anh đang chuẩn bị một phóng sự tố cáo các nhà đặt bàn bi-da mệnh danh là giải trí thể thao. Họ được Sở thể dục thể thao hợp thức hoá. Tiến thừa biết họ đã nộp khoản “thuế đen”. Phải vạch mặt những trò cờ bạc sát phạt trá hình đó. Những chiếu tứ sắc, những bàn bài cào, sập sám… chưa đủ sao! Bọn trẻ, tối tối không biết làm gì lại kéo nhau đến bàn bi-da, số đông là như thế. Tiến cần phải vạch rõ hiểm họa này trước công luận. Sẽ viết luôn điều tra về các nạn nhân của số đề mà anh hàng xóm kia là một ca tiêu biểu.

Tiến mở sổ ghi chép, ngồi vào bàn. Tiếng khóc ấm ức tức tưởi nhà bên chợt vẳng sang.

*

Một cán bộ thể thao đến tòa báo phản đối bài báo đả động đến ngành Thể dục thể thao. Thừa lệnh của giám đốc, anh ta chỉ rõ thứ nhất khắp các tỉnh đều có bi-da, không thấy ai gây rắc rối. Thứ hai người viết chưa đủ chứng cớ. Thứ ba ngành Thể dục thể thao tỉnh đang có thành tích, là ngọn cờ đầu về phong trào rèn luyện  thân thể. Không được ai có quyền bôi lem thành tích đó, làm hại uy tín của cả tỉnh. Người nói như trả bài đọc thuộc lòng.

Phó tổng biên tập Út Hường ngồi tiếp khách. Trông cô nhỏ thó nhiều lần so với anh cán bộ thể thao đang giơ tay cuồn cuộn cơ bắp trước mặt cô. Anh này không hiểu sao những người ốm yếu như cô Út này mà lại gây sóng gió trong nhiều cơ quan. Bộ tứ ở Sở anh ta đã họp lên họp xuống lo đối phó. Còn Út Hường thì nghĩ rằng người đối diện với mình, óc toàn là cơ bắp. Anh ta khẳng định những điều chẳng có lí lẽ, chẳng thuyết phục nổi một em học sinh trung học. Nhưng cô vẫn lắng nghe. Cả hai đều không hút thuốc. Không khí bên ngoài đỡ vẻ căng thẳng. Út Hường vốn lì. Cô uống rượu cũng lì. Cô mang cái tính của ông già, người đã hi sinh một cách oanh liệt hồi đồng khởi. Giá như tổng biên tập hoặc Tiến chẳng hạn, cầm chắc anh chàng này bị nổ ngay. Út Hường không nói gì. Cô cứ nghe. Cần phải nghe hết. Anh cán bộ thấy được trớn, đưa thẳng yêu cầu với tòa báo như để dứt một trận đấu mà anh dẫn điểm quá xa. Thứ nhất báo cần đính chính hoặc có lời xin lỗi càng tốt. Thứ nhì, người viết sẽ tự sửa lại bằng cách nêu lên  những thành tích nổi bật của phong trào thể dục thể thao tỉnh. Phòng thi đua tuyên truyền sẽ cung cấp đủ số liệu và tạo điều kiện cho nhà báo làm việc tốt nhất.

Út Hường đã thấy cần đẩy trái banh về phía người đối thoại:

- Thế anh có biết chính con ông giám đốc đã mất chiếc P.C ở bàn bi-da gần chùa Liên Đài không?

Anh nọ ngớ người ra, không quen phản ứng tức thời với những đòn bất ngờ như thế. Anh ta đưa ra con bài cuối cùng, chắc đã được chuẩn bị sẵn:

- Ở đây có sự lằng nhằng giữa người của ban lãnh đạo báo với tác giả Mạnh Tiến. Quan hệ bất minh!

- Anh có thể cho biết cụ thể hơn.

Im lặng. Phải kết thúc thôi. Út Hường nói tỉnh khô:

- Xin mời anh về. Tòa báo không tiếp những người vu cáo.

Sự việc chưa chấm hết ở đó như Út Hường tưởng. Liên tiếp mấy thư nặc danh gửi đến tòa báo, đến Viện kiểm soát, đến nhà riêng cán bộ tổ chức tố cáo Mạnh Tiến đủ mọi tội lỗi. Ăn tiền của dân để viết bài giúp họ không thực thi chủ trương, chính sách. Đã viết không ít bài chống đường lối cải tạo ruộng đất, cải tạo thương nghiệp. Chụp hình bêu xấu một số cơ quan trong tỉnh. Nói xấu một số ban, ngành, trong đó có Công an ở ngay giữa cuộc liên hoan đông người. Quan hệ bất chính với phó tổng biên tập báo tỉnh và một số cô gái khác. Cho người hàng xóm vay nặng lãi khiến anh ta cùng đường phải tự tử… Toàn những tội “chết người” có thể vào tù như bỡn.

Trong cuộc giao ban các cán bộ đầu ngành, có ý kiến nêu không thể để một kẻ từ đâu đến quậy phá tỉnh như vậy. Tỉnh sẽ mất lòng dân, sẽ mất uy tín với trung ương. Ở ủy ban tỉnh, thái độ với Mạnh Tiến chia làm hai phe. Số ủng hộ, thế mạnh nhưng ít. Số chống đối, tuy yếu nhưng đông hơn.

Hòa càng rầy rà chồng dữ. Cô trách chồng bỏ đường quang quàng lối rậm. Làm lão Đông Ki-sốt gàn, sướng cái nỗi gì. Chỉ tổ cho người ta ghét. Tiến lu bu công tác, nay đi tỉnh này, mai về xã kia. Hai đứa con anh vuột khỏi sự răn dạy bình thường của bố, nhập ngay vào những trò vui tai hại mà chính Tiến căm ghét và công kích.

Cơ quan Tiến  bắt đầu xôn xao và tạm ngừng sử dụng bài anh vì nhận được vài ba lá thư tố cáo người phóng viên thường trú tại đó.

*

Trên đường đi thực tế miền Tây, Thái tạt vào nhà bạn. Anh định rủ Tiến cùng đi cho vui. Anh hơi ngạc nhiên khi thấy ông bạn hay bàn chuyện lo đạo thương đời đang tiếp một cô gái trẻ.

- Đây là em gái anh Tư Nhỏ ghé vào cho tôi chút quà miệt vườn, theo lệnh của ông anh cô.

Thái cảm tưởng chính cô gái là món quà mà miệt vườn trao tặng cho đời. Cô đẹp vẻ đẹp thùy mị, tươi tắn. Thái đã ngắm nhiều khuôn mặt đẹp. Có sắc đẹp sắc như dao mỏng. Có cái đẹp nhí nhảnh. Có thứ đẹp tô vẽ, rất trau chuốt mà ít nét trong sáng, thắm tươi. Có nhan sắc làm lạnh, làm đắm người. Còn đây là kết tinh của nắng trời, gió đồng, hơi thở dòng sông và hương cây trái. Đó là kiệt tác của thiên nhiên do con người tạo thành. Thái hơi mỉm cười khi nảy ra cái ý rất nghịch lí mà lại hài hòa này.

Cô gái xin phép ra về rồi, Thái mới nói mục đích chuyến đi của mình. Tiến xoay trần ra:

- Tôi mới đi về. Bây giờ phải làm cho xong mấy bài cần kíp.

Thái tỏ ý lo ngại cho bạn. Anh đã đọc mấy bài viết gần đây nhất của Tiến, cũng đã phong phanh nghe chuyện cơ quan Tiến có thể làm khó làm dễ.

- Anh khỏi lo. Tôi có sai thì cũng tả chứ không bao giờ hữu.

- Tả hữu gì thì cũng nguy. Thái cười nụ, nói vui. Nội cái việc ông tiếp cô gái đẹp vừa rồi trong nhà cũng đã là trọng tội với vợ ông và nhiều cặp mắt khác rồi.

Tiến bật cười:

- Nếu tôi lập bản đồ người đẹp thì chỗ ở cô này sẽ được khoanh chọn làm thủ đô. Thủ đô người đẹp. Ông thấy thế nào?

- Thôi giỡn chút đủ rồi. Tôi cần thông báo với ông một số chuyện.

Nắng bừng ngoài khung cửa sổ.

Tiếng nhạc rộn rập từ quán cà phê gần đó hắt sang.

Một chiếc xe đò chạy ngang cửa chất nèn người và hàng. Bụi bốc bay mù.

Thái ở lại với bạn một ngày. Tuy mắc bận Tiến cũng đưa Thái đi thăm thắng cảnh địa phương, thăm một ngôi chùa mới được trùng tu thời Nguyễn. Nghe nói khuôn viên chùa sẽ được mở rộng để làm điểm giải trí ngày Tết, cả hai đều lo. Những trò vui trần tục sẽ làm hỏng cảnh chùa. Tiếng chuông chùa nhẹ ngân như ướp sự êm đềm vào không gian sẽ bị những hợp âm, tạp âm giần giật chói lói át mất! Trầm tư, đôi bạn vòng ra phía bờ sông. Đoạn sông không rộng lắm mà tấp nập ghe tàu. Xa xa là những cù lao xanh, là chân trời không bờ bến. Tiến cùng Thái xuống thuyền, qua cù lao Rồng. Họ ăn một bữa cháo bún - cháo trộn lẫn bún - với gia đình chú Tám vốn quen biết nhà báo Tiến. Thái rất thích lời ăn tiếng nói của những người chân chất. Anh học được nhiều từ lạ, nhiều cách nói hay, vừa gọn vừa thẳng đuột mà vẫn pha ý vị hóm hỉnh. Chả thế mà Shakespeare ngồn ngộn ngôn từ, Nguyễn Du tài hoa nhất mực đến Anatole France văn chương trong trẻo như nhạc như thơ đều công nhận những người dân thường là thầy ngôn ngữ của mình. Người bình dân như vợ chồng chú Tám trên cù lao sông này nói tiếng nói rất sống và thực. Lời của họ tươi như cá quẫy. Ngôn ngữ Thái thường đọc sao mà nhiều vẻ giả tạo và công thức thế. Thái rất sợ thứ câu, chữ “dỏm” không thể hiện đúng ý tưởng của người viết, làm hỏng cảm nhận của người đọc. Anh bạn Tiến có có lối viết động và mạnh cũng là nhờ bám sát những người lam lũ, tất tưởi trong cõi sống.

Tiến đã chuyển sang nói chuyện thời cuộc. Đột nhiên anh hỏi người chủ nhà chân đất, đầu chớm muối tiêu một câu rất phỏng vấn:

- Chú Tám được cầm đầu tỉnh, chú làm chi trước hết?

 

Chương : 1  
Trần Đồng Minh
Số lần đọc: 2649
Ngày đăng: 20.06.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm
Đất rừng phương nam - Đoàn Giỏi
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Nắng quái - Trầm Hương
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Trả giá - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Một thời in dấu (truyện dài)