Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.083
123.233.257
 
Cõi Mê
Triệu Xuân
Chương 12

Suốt đêm qua, bà Lịch xin chồng cho đi tiễn ở miệt Năm Căn, Hòa không cho. Bốn giờ mười phút, chiếc xe thổ mộ vẫn chở mối rau tươi cho chợ Cũ dừng trước nhà, hai cha con lên xe, ngồi lẩn trong đống cần xé.

Bà Lịch ruột nôn nao như sớm mai chưa bỏ bụng chút gì mà uống liền ba cữ cà phê đen đậm đặc. Bà dò hỏi biết được vị trí chồng sẽ xuống tàu, vội vã nhảy xe đò rồi tàu đò… tới nơi thì chiếc xuồng máy đã rời bến được gần trăm mét. Nó chở cha con ông Hòa cùng hơn chục người khác ra nơi tàu Ba Lan thả neo. Hai vợ chồng cùng gào lên kêu tên nhau, tiếng họ chìm lẫn vào sông nước. Ở rừng đước xanh thăm thẳm bờ bên kia chợt bay vụt lên hai con chim mòng nước cùng tiếng kêu thất thanh, có lẽ chúng bị rắn hổ hay cá sấu tấn công. Mỗi con bay về một hướng… Hòa giơ hai ngón tay lên, hẹn với vợ hai năm sau hiệp thương tổng tuyển cử, anh sẽ trở về. Chín tháng sau, bà Lịch sanh thằng Ngọc Bảo. Đêm đêm, bà ôm con, nhẩm tính từng ngày để đón chồng về. Nào ngờ… thằng Bảo mệnh yểu, mới được mười sáu tháng, trắng như hòn bột, nặng tới mười tám ký lô, tự nhiên lăn ra bệnh, sốt cao, mẩn đỏ khắp người. Nó sốt đúng bảy ngày thì mất! Lúc ấy chú Khoa, em ruột chồng, đang đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ, các bác sỹ ở nhà thương Sài Gòn không rõ Bảo mắc chứng bệnh gì. Mãi về sau này, đến những năm Bảy mươi mới biết đó là bệnh sốt xuất huyết!

Sài Gòn với Hà Nội mà muôn trùng cách trở. Bà Lịch đau nỗi mất con, xót nỗi xa chồng, sắt son chờ chồng, chăm sóc cha chồng và nuôi dạy con trai. Tiệm tạp hóa Thanh Lịch là cơ sở của cách mạng. Thực thi Luật 10/59, anh em Ngô Đình Diệm đàn áp những người kháng chiến, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Bà Lịch bị bắt vào nhà lao vì có chồng tập kết. Không chịu chào cờ ba que1, không chịu ký đơn ly khai cộng sản, bà Lịch bị đưa đi giam giữ ở Trung tâm cải huấn Phú Lợi. Sau vụ hàng trăm tù nhân Phú Lợi bị trúng độc, Ngô Đình Diệm bị dư luận trong nước và quốc tế lên án. Nhằm xoa dịu dư luận, chính quyền Sài Gòn phải thả một số tù nhân. Bà Lịch được tự do. Ra tù, bà gián đoạn liên lạc với cách mạng. Suốt từ khi bị bắt đến năm 1964, không có ai đến tiệm tạp hóa Thanh Lịch đường Hàm Nghi bắt liên lạc! Âu cũng là quy luật chiến tranh. Cảnh giác không bao giờ thừa! Bà Lịch biết vậy nên kiên tâm chờ đợi…

Má bị bắt, Trung nghỉ học ở nhà cùng ông nội trông nom tiệm tạp hóa. Năm 1966, Trung mười tám tuổi, lén ông nội và má gia nhập biệt động thành Sài Gòn. Trung hoạt động được hơn nửa năm thì nội và má mới hay. Cuối năm ấy, bà Lịch được tin chồng đã lấy vợ hai từ năm 1964! Đau đến xé ruột, hơn đau đẻ, và tủi nữa! Cụ Nguyễn rất thương con dâu, hết lòng động viên, khuyên nhủ, phân tích lẽ phải, quấy. Nhờ vậy, bà trụ vững, nén chặt nhớ thương, kiên tâm chờ đợi chồng, thay chồng chăm sóc cha. Cách mạng, thông qua con trai Anh Trung, lại tìm đến bà, tin tưởng bà, lại dùng tiệm tạp hóa Thanh Lịch làm căn cứ. Trung chuẩn bị cưới Thiên Trang, cô bạn gái dễ thương từ khi học trung học, nay đang hoạt động trong phong trào sinh viên. Nhưng duyên cầm sắt chưa thành thì… Tết Mậu Thân 1968, Trung hy sinh trong trận tấn công dinh Độc Lập. Mới bốn chục tuổi, tóc bà Lịch trắng phớ!

Nguyễn Trung Thành sống ở Hà Nội với ba, mẹ Hải Yến và hai em Bắc, Nam. Em gái út Phương Nam chào đời ngày mười lăm tháng Tám năm 1969, khi cha của Thành đang chiến đấu trong Nam. Thành là một đứa con ngoan, học giỏi, hiếu đễ. Năm 1973, Thành tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, khoa Hóa, anh được phân công tác tại Ủy ban Khoa học Tự nhiên. Nhưng, nghe những bài ca ra trận hào hùng trên loa phóng thanh, những bài thơ từ tiền tuyến gửi về, tình yêu Tổ quốc và ngọn lửa lý tưởng sùng sục trong lòng, Thành viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Bà Hải Yến khuyên nhủ con, van vỉ con trai mãi, nó không nghe, nó quyết ra trận sống mái với quân thù! Thành nói với mẹ:

- Mẹ ơi, hãy yên lòng cho con đi! Anh Hai con hy sinh trong Tết Mậu Thân. Em Kinh Bắc chết vì bom B52 của giặc Mỹ, bảy ngày sau mẹ con mình mới tìm thấy xác em trong đống đổ nát! Mối thù này lớn quá trời! Ông nội con, má con, cha con đang ở miền Nam, Tổ quốc gọi, con phải lên đường! Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước!

Thời ấy, thanh niên sống với lý tưởng chói sáng trong đầu! Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đại úy Nguyễn Trung Thành hy sinh ở bờ bắc cầu Rạch Chiếc, chỉ cách ngôi nhà nơi ông nội và má anh đang sống chưa đầy ba kilômét đường chim bay!

Thành cưới Hoàng Trúc mùa Xuân năm 1974. Trúc là con gái độc nhất của đại tá Bình, thủ trưởng của ông Hòa. Khi Thành ngã xuống ở bờ bắc cầu Rạch Chiếc, chính là thời khắc vợ anh sinh con trai, lúc 10 giờ ngày 30-4-1975, ở bệnh viện Nhi Hà Nội. Chồng, bố đẻ và bố chồng đều vào chiến dịch Tổng tấn công mùa Xuân 1975, Hoàng Trúc tự đặt tên con là Nguyễn Quốc Thăng.

Hai anh em Trung, Thành xả thân vì nghĩa lớn, may mắn sao Thành đã kịp để lại cho cha mẹ đứa con trai nối dõi tông đường! Thằng Thăng là cháu đích tôn của ông Hòa. Thăng thông minh nhưng lười học, ham chơi. Ông Hòa, bà Lịch vô cùng thương cháu mồ côi cha, má đi bước nữa, gặp cha dượng chẳng ra hồn người: say xỉn tối ngày, thường xuyên đánh đập vợ con tàn nhẫn. Hoàng Trúc thuộc loại mỏng mày hay hạt, nhưng phải cái chứng khó mà sống thiếu đàn ông. Chồng hy sinh chưa được đầy một năm mà Trúc đã héo hắt, má hóp, môi trắng nhợt, duy có bóng mu u yếm là vẫn mây mẩy, bộ ngực chỉ chực bật ra khỏi xu chiêng và tia nhìn thì lúc nào cũng lóe lên niềm đói khát dục tình. Làm giỗ đầu cho liệt sỹ Nguyễn Trung Thành xong, Trúc đi bước nữa. Chồng Trúc tên Trà, người Quảng Bình. Hồi chiến tranh phá hoại, Mỹ ném bom, bắn pháo hủy diệt Quảng Bình. Bởi thế, con em tuyến lửa được ưu tiên vô đại học, ưu tiên ra nước ngoài học. Thế nên tuy rằng chả thông minh tí nào mà Trà cũng giật được mảnh bằng tiến sỹ ở Lômônôxốp. Về nước, đất nước hòa bình, thống nhất, vậy mà chả nơi nào thèm nhận tiến sỹ Trà vào làm việc. Của đáng tội, cũng có nơi nhận, nhưng chỗ đó ôi, Trà không thèm! Đúng lúc vất va vất vưởng thì Trà gặp Trúc đang nhìn mình như muốn ăn tươi nuốt sống, muốn cùng Trà lên giường ngay tức khắc. Trà biết Trúc đã một lần đò, có con trai hai tuổi. Gái một con… lại khát dục, Trúc chiếm được Trà bằng tình hay bởi cái lon thiếu tướng của bố Trúc khiến Trà hy vọng? Muôn đời nay là thế, người ta lấy nhau một là vì tình (hơi hiếm!), hai là vì tiền hoặc những thứ như quyền lực, danh vị… để có thể từ đó mà kiếm ra tiền. Thế là lấy nhau, từ lúc giáp mặt lần đầu tới lúc rước Trà về nhà mình, lên giường mình, vẻn vẹn năm ngày! Hà Nội ngày ấy còn xo xúi trăm bề, cuộc sống nhếch nhác lắm! Họ làm đám cưới với sáu gói chè Hương Sơn quá đát, một cây thuốc Trường Sơn hơi bị mốc và hai cân bánh quy ỉu xìu, cho qua chuyện, rồi rinh nhau vô Sài Gòn. Đó là mùa khô năm 1977. Biết tin ấy, bà Lịch thương cháu Thăng muốn nát gan đứt ruột, bỏ cơm ba ngày, không ngủ ba đêm, rồi đùng đùng tới nhà con dâu cũ bứng cháu nội về. Một sự tính toán thoáng nhanh trong đầu viên tiến sỹ thất nghiệp. Trà hiểu rằng, còn thằng Thăng thì gia đình bà Lịch còn phải gửi tiền cung phụng cho nó! Thế là Trà ra điều thương thằng Thăng, trả lời bà Lịch, giọng chắc như cái bàn ủi Nga mà Trà thường buôn về:

- Con của vợ thì cũng là con của cháu! Cháu sẽ nuôi thằng Thăng nên người, vì cháu rất thương Hoàng Trúc! Bác không phải lo!

Trúc nghe Trà nói, lòng rưng rưng muốn khóc! Cô giữ chặt con, không cho bà Lịch ẵm, nhưng rồi tỏ ra thông cảm với cựu má chồng:

- Má yên chí đi, con còn thì thằng Thăng không khổ đâu, má lo chi cho bạc tóc!

- Tóc má còn sợi nào đen mà bạc! Con ơi, nghe má, để má nuôi thằng Thăng! Tụi bay còn trẻ, còn phải bay nhảy mần công chuyện, chớ con mọn thì bó chân bó cẳng mần ăn sao đặng!

Hai người đàn bà nói qua nói lại cả buổi chiều, không ai chìu ai. Cuối cùng, Trúc nhượng bộ cho con về ở với ông bà nội một tháng rồi đón về.

Mãn hạn một tháng, bà Lịch phải đem trả con cho Trúc. Vừa gặp cựu con dâu, bà Lịch ngỡ ngàng muốn la rầm trời khi thấy nó như vừa được lột xác, đỏ da thắm thịt như có phép tiên! Thật đúng là gái phải hơi trai như thài lài gặp c…t chó! Các cụ nói linh thiệt!

Thế mà cái sự tốt xổi của đám thài lài ấy không dài!

Một tháng sau khi vợ chồng Trúc vô Sài Gòn, nhờ bố của Trúc, nhờ ông Hòa tác động, họ làm được hai chuyện tày đình mà dễ cứ như bỡn: nhập hộ khẩu và được cấp nhà! Duy có việc làm, nghề ngỗng thì trầy trật. Trúc được làm nhân viên bưu điện, còn chồng vẫn thất nghiệp! Ăn hoài mà hổng làm thì núi cũng lở! Trúc đã bao lần phải chạy đến xin bố mẹ đẻ, nhưng lương bổng ông thiếu tướng có là bao mà bòn mãi kia chứ. Chàng tiến sỹ phần thì do ăn chơi quen rồi, phần thì thất nghiệp hoài cũng ngượng với vợ, thế là lấy rượu làm cơm để quên sầu. Vừa uống Trà vừa ca ư ử trong cổ như con chó đực vừa bị thiến, cầm trong cũi:

Chơi cho biết mặt sơn hà

Cho sơn hà biết ai là mặt chơi 1

Ngày nào Trà cũng khát rượu, Trúc đi làm về là Trà đòi tiền mua rượu. Để yên cửa yên nhà, Trúc phải chiều Trà. Rồi thì cãi nhau, rồi thì choảng nhau. Sau những cuộc oánh lộn, Trà lại dỗ dành. Trà biết cái gót chân Asin của Trúc là luôn luôn khát khao được rên, được run rẩy, được hổn hển rướn cong mình bật lên tanh tách dưới thân thể hộ pháp của Trà… Trúc lại chiều chồng. Cô cầu cứu ông bố thiếu tướng:

- Bố ơi! Bố tìm việc cho chồng con. Chỉ có việc làm thì mới cứu được anh ấy, mới cứu được hạnh phúc gia đình con!

Ông thiếu tướng ra tay, nhưng nơi nào người ta cũng chỉ hứa hẹn cho qua chuyện, để rồi sau đó thì lắc đầu thật sự. Đường cùng, Trúc phải gặp ông cựu bố chồng:

- Con xin ba giúp con! Anh Trà có việc làm thì thằng Thăng mới đỡ khổ!

Thương cháu, ông Hòa quyết tìm việc cho chồng của cựu con dâu. Hòa cho đệ tử đi gõ cửa cả chục nơi, nơi nào cũng nói: Vì nể đồng chí Hai Sài Gòn nên chúng tôi mới nhận chứ cơ quan không có nhu cầu, nhưng liệu anh Trà có đồng ý làm nhân viên lao công hoặc nhân viên bảo vệ?

- Đời nào! Quyềnh quàng một ông tiến sỹ chứ có phải c…t đâu mà nó bảo tao làm bảo vệ? - Tiến sỹ nhậu quát ầm lên như thế với vợ.

Tiến sỹ nhậu đã ực đã khà hết cả tivi, xe Honda, tủ lạnh… Không biết sơn hà đã biết Trà là mặt chơi hay chưa, nhưng mà ai cũng biết Trà oánh con thâm tím mặt mày. Không biết bao nhiêu lần Trà oánh vợ như đòn thù, có lần suýt gãy tay. Kẻ đang say lại bị vợ tiếng bấc tiếng chì thì tức điên lên, họa có là ông Trời cũng không nhịn nổi! Khi điên rồi, Trà oánh dữ dội, bất kể con hay vợ! Đám rau thài lài khi xưa tốt lợp chả được mấy nả, nay lại héo hắt xơ xác. Sự héo và xơ này có phần thê thảm hơn trước rất nhiều!

Trúc thương nhất thằng Thăng. Thân mình kể như… bỏ! Nhưng thằng Thăng nó có tội tình gì hả Trời! Mấy lần Trúc tính đưa con về gửi bà Lịch, nhưng bị Trà cấm đoán, đe dọa… Trúc đi vắng là cha dượng để thằng Thăng đói triền miên.

Sự việc tồi tệ ấy kéo dài hai năm. Tiến sỹ nhậu bị sưng gan, mỗi ngày phải hút ra gần ba xị nước đùng đục, vàng khè khè! Ông bà nội của Thăng tìm mọi cách đón cháu về. Từ đó, họ muốn bù chì1 cho thằng bé đến mức họ quá nuông chiều cháu mà không biết. Cụ Nguyễn nhiều lần nhắc nhở các con phải biết cách chiều chuộng, nếu không thì hư thằng chắt đích tôn của cụ. Nhưng nào có ai nghe! Không có sai lầm nào tai hại hơn sự nuông chiều con cháu vô mực vô thước. Thằng bé ham chơi, mới học lớp tám đã uống được rượu, uống bia đua với ông nội! Những lúc vắng ông bà nội, nó phì phèo thuốc lá! Mười sáu tuổi, Thăng bị bắt vì tội đua xe cán chết người. Ông Hòa, bà Lịch phải chạy chọt cho cháu… Nhưng, chứng nào tật ấy. Thăng trở thành nỗi đau, như là nghiệp chướng của gia đình cụ Nguyễn.

 

 

Hai: Cụ Nguyễn

 

Cụ Nguyễn Quang Minh là một trong số hiếm hoi những người sống qua ba thế kỷ! Cụ có ba con trai. Con trai đầu, Nguyễn Kỳ Dũng hy sinh tháng 11-1940, trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ khi vừa mười chín tuổi. Ba Hòa ra đời năm 1925. Năm năm sau, người con trai út Nguyễn Kỳ Khoa chào đời, bà mẹ chết ngay sau khi sanh. Cụ Nguyễn gà trống nuôi con từ đó. Trời cho cụ có sức khỏe hơn người. Cụ nuôi dạy các con theo tinh thần của đạo Khổng, đồng thời kế thừa bản tánh bất khuất, trung hậu, hào sảng của những người Việt đi mở cõi ở phía Nam đất nước. Cụ Nguyễn rất tự hào về cha mình: cụ Nguyễn Công. Năm nào cụ cũng làm giỗ cha rất trọng. Năm 1947, Ba Hòa mang từ chiến khu D về bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ. Bài thơ nói đúng tâm trạng cụ. Từ năm đó, sau lễ cúng, cụ Nguyễn mở chiếc hộp sơn mài cẩn trai, trịnh trọng lấy ra tấm lụa điều có tám chữ vàng do Tổng trấn Nguyễn Tri Phương ban tặng: Nguyễn Công dũng mãnh xả thân vì nước. Bên trái có ấn tín của Tổng trấn Bắc thành. Vừa nâng niu vuốt ve tấm lụa điều, cụ Nguyễn vừa ngâm nga bài Nhớ Bắc cho con cháu nghe, lần nào cụ cũng khóc vì bài thơ ấy!

Ai đi về Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Ta nhớ người xưa Chúa Nguyễn Hoàng

Mà nay con cháu mấy đời hoang…

Lần nào ngâm đến đó, cụ Nguyễn cũng khóc! Cụ thống thiết thốt lên: Cha ơi!

Cha cụ là Nguyễn Công, hậu duệ của ông tổ họ Nguyễn thuộc một chi khác gần làng của chúa Nguyễn Hoàng.

Mười sáu tuổi, Nguyễn Công đã tinh thông võ nghệ, là chiến binh ưu tú trong đoàn tùy tùng của Nguyễn Tri Phương, anh dũng chiến đấu bảo vệ Đại đồn Kỳ Hòa. Đại đồn Kỳ Hòa thất thủ, rất nhiều binh sỹ bỏ hàng ngũ quân triều đình để hướng theo ngọn cờ nghĩa Trương Định. Sáng ngày 20-8-1864, thủ lĩnh Trương Định hy sinh. Phong trào kháng Pháp của nhân dân và sỹ phu Nam Kỳ lần lượt bị thực dân Pháp - với sự tiếp tay của triều đình nhà Nguyễn - vô hiệu hóa: Tháng 10-1866, Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) bị sát hại. Ngày 27-10-1868 Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp chém rơi đầu tại Rạch Giá1, để lại cho đời sau ý chí bất khuất: Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây! Triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước nhượng ba tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây cho giặc Pháp. Nguyễn Công tháp tùng Nguyễn Tri Phương ra Bắc giữ thành Hà Nội. Trong trận đánh mờ sáng ngày 20-11-1873, Nguyễn Công chiến đấu vô cùng dũng cảm. Khi chủ tướng bị trọng thương, Công cùng toán tùy tùng liều chết bảo vệ. Nhưng do hơn hẳn về vũ khí, quân Pháp đã bắt sống Phương. Nguyễn Tri Phương nhịn ăn mà chết chứ quyết không hàng giặc. Đến khi con trai Nguyễn Tri Phương là Nguyễn Tri Lâm tử trận, Công cùng hàng trăm binh sỹ rút lên Sơn Tây hợp quân với Hoàng Tá Viêm. Ngày 21-12-1873, quân Hoàng Tá Viêm phối hợp với đội quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc tấn công Hà Nội từ phía Cầu Giấy. F. Garnier bị quân ta chém chết. Quân Pháp hoảng sợ toan rút lui khỏi Hà Nội. Thế mà triều đình không thừa thắng xông lên, lại ra lệnh lui quân để thương thuyết! Kết quả là ngày 15-3-1874, cái gọi là Hiệp ước hòa bình và liên minh, tức Hiệp ước Giáp Tuất 1874 được ký kết tại Sài Gòn. Hiệp ước này thay thế Hiệp ước Nhâm Tuất 1862, thừa nhận chính quyền Pháp cai trị Nam Kỳ và triều Nguyễn phải giao nộp cho Pháp những người nổi loạn ở Nam Kỳ trốn ra Bắc tiếp tục chống Pháp. Cụ Nguyễn Công và đồng đội của mình đau xót trước họa mất nước, muốn ở lại Bắc Kỳ tiếp tục kháng chiến, nhưng bị áp giải về Sài Gòn. Nguyễn Công bị giam giữ năm năm. Trong tù, cụ và các chiến hữu của mình đau xót khi hay tin ngày 19-5-1875 đến lượt Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân bị giặc xử tử tại chợ Bến Tranh, Mỹ Tho! Năm 1879, Công được cho về quản thúc tại quê nhà, vùng vườn trầu Bà Điểm. Quá thất vọng, ông nuốt căm hờn, mở lò luyện võ cho trai tráng trong vùng, chờ thời… Triều đình đầu hàng giặc, sứ mạng kháng chiến chống thực dân Pháp đã thuộc về nhân dân, và trung tâm kháng chiến đã từ Nam Kỳ chuyển ra các tỉnh phía Bắc. Nhiều lần Công tìm đường ra Bắc tham gia nghĩa quân chống Pháp, nhưng không thoát khỏi sự theo dõi, kềm kẹp của mật thám Pháp. Mãi đến năm 1894, khi đã năm mươi tuổi, Công mới lấy vợ. Năm 1895, Nguyễn Quang Minh, con trai độc nhất của cụ Nguyễn Công cất tiếng khóc chào đời giữa vùng cau, trầu xanh ngắt…

Năm 1905, hay tin Đề Thám đang chống Pháp rất quyết liệt ở vùng Yên Thế, Nguyễn Công cùng với số học trò tin cậy nhất của mình tìm đường ra Bắc theo Đề Thám. Không may, chưa ra khỏi địa phận Biên Hòa, họ bị mật thám Pháp và quân triều đình rượt đuổi. Công ở lại quyết chiến để các học trò của mình thoát thân. Nguyễn Công tử trận. Năm đó, Nguyễn Quang Minh, con trai độc nhất của cụ vừa tròn mười tuổi. Vợ Nguyễn Công bị giặc bắt và bị hành hạ dã man, khi được tha, mang trọng bệnh. Năm năm sau, cụ bà qua đời. Trước khi nhắm mắt, cụ gọi Quang Minh lại, trao cho con tấm lụa điều trên đó có những chữ Hán viết rất đẹp. Đó là di vật vô giá cụ Nguyễn Công để lại - tựa như tấm huân chương bây giờ - mà Tổng trấn thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương ban khen cho Nguyễn Công đã dũng mãnh xả thân vì nước! Cụ Nguyễn Công được ban khen chỉ hai ngày trước khi chủ tướng rơi vào tay giặc.

Mười lăm tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, Quang Minh sống với ông bà ngoại, được học chữ Hán, chữ quốc ngữ và học võ. Quả là hổ phụ sanh hổ tử, Nguyễn Quang Minh rất thông minh. Năm 1867, Pháp thôn tính trọn Nam Kỳ lục tỉnh. Ngày 22-2-1869, đề đốc G. Ohier ra nghị định dùng chữ quốc ngữ trong các giấy tờ chính thức. Người Pháp tiến hành phổ cập chữ quốc ngữ (tiếng Việt ghi âm bằng mẫu tự Latin) trong hệ thống trường học.

Mười tám tuổi, Quang Minh trở thành thầy dạy chữ quốc ngữ và dạy võ nổi tiếng khắp vùng. Năm hai mươi lăm tuổi, thầy Nguyễn lấy vợ. Ông thầy dạy võ đồng thời là một y sỹ, rất tin yêu Quang Minh, đã gả con gái út hiền thục, nết na của mình cho cậu học trò xuất sắc nhất. Năm 1920, vợ chồng thầy Nguyễn rời vùng vườn trầu Bà Điểm vô nội ô Sài Gòn mua nhà trên đại lộ De la Somme, gần chợ Cũ1. Đây là một trong những đại lộ được thành hình sớm nhất và rộng nhất từ khi người Pháp chiếm đóng Sài Gòn. Khởi thủy, nó chỉ là con rạch, nước lớn nước ròng theo dòng Bến Nghé, rất nhiều tôm cá. Đêm đêm, vào mùa uyên ương gặp nhau, người ta bảo cá sấu vẫn tụ hội về đây nô rỡn tình tang. Cả khúc rạch này vang lên những tiếng sấu khát dục và thỏa mãn! Hai bờ rạch có rất nhiều cây bông gòn, dừa nước… Năm 1870, rạch được san lấp thành đường lớn, mang tên Canton. Năm 1897, lại tách thành hai đường, ở giữa có tiểu đảo. Nhánh Bắc đặt tên là đường Krantz; nhánh Nam tên là Duparré. Tháng Tư năm 1920 hai đường trên sáp nhập thành đại lộ De la Somme. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đại lộ Hàm Nghi. Hàm Nghi là ông vua chống Pháp, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, sinh năm Nhâm Thân 1872, bị Pháp đày đi Algerie và chết tại đó năm Quý Mùi 1943... Không biết bao nhiêu lần kể từ khi dạy bài học khai tâm cho đứa con đầu lòng Nguyễn Kỳ Dũng, cũng như khi vợ chết, gà trống nuôi con, cụ Quang Minh đã kể cho ba đứa con trai mình nghe về lịch sử của gia đình, giòng họ, lịch sử của con đường mang tên Hàm Nghi mà gia đình đang cư ngụ. Đến khi có thằng Trung, thằng Thành, rồi cháu gái Phương Nam, sau đó là thằng chắt Thăng, cụ Nguyễn đều thường xuyên làm cái việc mà cụ rất mê say là dắt con, cháu, chắt đi dạo trên đường Hàm Nghi, ra bến Bạch Đằng ngắm sông Sài Gòn, kể về lai lịch con đường, lịch sử thành phố, gia đình và giòng họ. Thông qua câu chuyện rủ rỉ rù rì khi thì kể tại nhà, khi tha thẩn trên đường phố, khi thì ở bến sông Sài Gòn, khi thì dưới chân cột cờ Thủ Ngữ… cụ Quang Minh muốn giáo dục lòng yêu nước thương nòi cho ba thằng con trai khôi ngô tuấn tú. Mục đích ấy, cụ đã đạt được. Đến lượt thằng chắt Quốc Thăng, cụ và con trai Kỳ Hòa lại thất bại! Nỗi đau này không giống ai! Cụ sống đến ba thế kỷ để làm gì? Chẳng lẽ lại chỉ để chứng kiến thế hệ thứ năm tính từ cha mình là Nguyễn Công, thoái hóa, trở thành tặc tử?

Căn nhà Nguyễn Quang Minh mua để ở và dạy học vốn là nhà chú Hỏa. Chú Hỏa là người Hoa. Những người Hoa bỏ Trung Quốc ra đi khi nhà Mãn Thanh tiêu diệt nhà Minh, được chúa Nguyễn cho định cư ở Nam Bộ từ thế kỷ 17. Chú Hỏa - tên ký âm theo tiếng Pháp là Hui Bon Hoa, nhập quốc tịch Pháp - là một trong số những người gốc Hoa (còn gọi là Minh Hương) giàu có nhất Sài Gòn thời kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Công ty của Hui Bon Hoa có đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố Sài Gòn. Ở đường Phó Đức Chính ngày nay có Viện Bảo tàng Mỹ thuật, vốn là dinh thự chính của chú Hỏa, được thiết kế rất đẹp và độc đáo. Tương truyền, khi thiết kế, dinh thự này có tất cả một trăm cửa lớn, cửa nhỏ và cửa sổ. Thế nhưng Toàn quyền Đông Dương, khi duyệt thiết kế đã bắt chủ nhân bỏ đi một cửa. Nay dinh thự chỉ có chín mươi chín cửa. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn hiện còn nhiều dãy nhà chú Hỏa xây dựng để cho thuê.

Căn nhà thầy Nguyễn mua có một trệt một lầu, không phải lầu đúc bê tông như bây giờ mà là gác cây (gác gỗ). Nhà rộng năm mét, sâu ba chục mét, ban ngày cũng tối om như hũ nút, mái lợp ngói uyên ương1. Trong căn nhà này, vợ chồng cụ Nguyễn đã sống những ngày hạnh phúc.

Năm 1921, họ có con trai đầu Nguyễn Kỳ Dũng. Năm 1925, sanh Kỳ Hòa. Đến năm 1930, bà giáo Nguyễn ở cữ, sanh đứa con thứ ba thì qua đời vì ca sanh khó, phải bỏ mẹ cứu con. Mất vợ năm ba mươi lăm tuổi, thầy giáo Nguyễn Quang Minh nuốt nước mắt vào trong lòng, kiên tâm nuôi dạy các con. Đứa trẻ sanh thiếu tháng khó nuôi, bệnh hoài. Cha vợ là một y sỹ làm việc trong nhà thương Sài Gòn. Ông bảo con rể để mình đón thằng cháu út Nguyễn Kỳ Khoa về nuôi dưỡng. Tiếng là ở với ông bà ngoại chứ hai nhà cách nhau một con phố nên ngày nào cha con anh em cũng gặp nhau.

Năm 1945, phong trào cách mạng ở Sài Gòn vô cùng sôi sục. Đang học Petrus Ký, Hòa gia nhập tổ chức Thanh niên Tiền phong của bác sỹ Phạm Ngọc Thạch. Cụ Nguyễn rất vui khi thấy con mình có chí, biết nối gót ông cha. Toàn quốc kháng chiến, Hòa vô bộ đội. Năm 1947, Ba Hòa xin phép cha cho mình cưới vợ, "để có người chăm sóc cha, cho con yên bề chiến đấu"! Bà Trần Thanh Lịch, con gái độc nhất của một nhà giáo say mê làm báo, viết văn nên rời Hà Nội vô Sài Gòn lập nghiệp. Thanh Lịch và Ba Hòa phải lòng nhau, rồi thành gia thất. Cha mẹ của Thanh Lịch tham gia kháng chiến những ngày máu lửa cuối năm 1945, đã hy sinh! Lịch là dâu hiền mà Trời Phật ban cho cụ Nguyễn. Ấy là miệng cụ thốt ra như thế! Cụ Nguyễn sửa sang tầng trệt căn nhà của mình, ngày trước là nơi dạy học, thành tiệm bán tạp hóa cho con dâu trông coi. Trong căn nhà này, ba đứa con trai của Hòa Lịch lần lượt chào đời.

Về đường con cái, tiếng là hai bà, lại đào hoa, bay bướm, chứ ông Hòa giờ chỉ có cô con gái rượu Nguyễn Phương Nam. Phương Nam thông minh, xinh đẹp nhưng lại quá cứng cỏi, chỉ chú tâm lo học hành, sự nghiệp chưa thấy đâu, chả màng chuyện chồng con! Bậc làm cha mẹ, hỏi ai không buồn?

Giữa tháng Tám năm Kỷ Dậu 1969, trời rất lạnh, từ khu tập thể Bờ sông, Hải Yến nhờ người gọi xích lô đến bệnh viện Nhi Hà Nội. Chồng đang ở chiến trường, thằng Thành đang học đại học ở nơi trường sơ tán, chỉ có bà với thằng Bắc mới lên bốn ở nhà. Hầu hết phụ nữ miền Bắc thời bấy giờ đều coi chuyện một mình vượt cạn là bình thường! Ơn Trời Phật, Hải Yến sinh nở dễ dàng. Hồi đẻ Kinh Bắc, Yến lên bàn sanh, chỉ mười phút là nó oa oa, tiếng như lệnh vỡ. Đến lần này, do đói dinh dưỡng, Hải Yến không đủ sức để rặn! Thật tội cho những người vợ có chồng đi chinh chiến xa nhà. Cơm ăn còn không đủ no huống chi là chất dinh dưỡng! Thai nhi bự, lại ra ngược, đây là ca sinh khó. Bà đỡ hô: một, hai, ba! Thế là Yến dốc toàn lực để rặn, cùng lúc, bác sỹ dùng tay cầm chặt mông thai nhi lôi ra. Lúc con bé ra rồi, nó không khóc. Bác sỹ thấy mông nó bầm tím, dùng tay phát thêm cho ba cái, nó mới khóc! Lỳ đến vậy là cùng. Thằng Bắc đứng ngoài nhìn vào, tru tréo lên:

- Tại sao bác sỹ dám đánh em bé của tôi? Em tôi còn bé tí, đỏ hỏn thế mà bác sỹ đánh nó à? Tôi sẽ gọi ba tôi về hỏi tội bác sỹ!

Hải Yến òa khóc khi nghe con trai lu loa bênh em. Bà đâu có ngờ rằng thằng con trai thông minh, tuấn tú của bà ba năm sau, đêm mười tám rạng ngày mười chín tháng mười hai năm bảy mươi hai, bị bom Mỹ vùi chết, bảy ngày mới tìm thấy xác!

Năm 1976, đất nước thống nhất, Ba Hòa thuyết phục bà Yến chuyển vào sống ở Sài Gòn. Ông muốn quy về một mối, đoàn tụ gia đình, để các con có điều kiện ăn học thành tài. Thuyết phục bà Yến đã khó, nhưng thuyết phục bà Lịch còn khó hơn nhiều! Bà Lịch còn mang trong lòng nỗi hận, nỗi tủi hờn về người chồng phản bội mình… Gần tháng trời, bà Lịch suy nghĩ, trăn trở… chưa đêm nào bà ngon giấc. Thế rồi cụ Quang Minh khuyên nhủ, thuyết phục, bà Lịch bằng lòng! Dùng dắng mãi, đến sinh nhật của bé Phương Nam, bà Yến dẫn con gái vào chơi với bà Lịch được hơn một tháng. Vui thì có vui, nhưng cả hai bà đều cảm nhận được khoảng cách vô hình, sự gượng gạo lấp ló trong từng cử chỉ, ánh mắt… Quy luật của muôn đời về sự chồng chung là rứa! Ông Hòa lấy xe của cơ quan đưa hai bà du lịch Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu…, rồi bà Yến trở lại Hà Nội. Cả nhà, đặc biệt là cụ Quang Minh, cố giữ bà Yến ở lại Sài Gòn. Bà không chịu. Bà nói:

- Thưa cha! Con rất vui khi được sống cùng cha, cùng chồng, cùng chị Lịch, và các cháu. Nhưng… con quen ở Hà Nội rồi. Trong này cuộc sống cứ sôi động ùng ục cả ngày lẫn đêm, con chịu không nổi! Vả lại, về lâu về dài, Hà Nội là Thủ đô, đại gia đình ta cần có cơ sở ở ngoài đó!

Bà Yến quả có nghĩ như thế. Nhưng trong thâm tâm, còn một điều nữa bà không nói ra. Bà rất tôn trọng bà Lịch nên không muốn để bà Lịch phải buồn, phải khổ vì… ghen. Bởi vì ghen tuông là thói người ta thường tình mà! Mình đến sau, nhỏ tuổi hơn, trẻ hơn chị ấy, chồng chung bất tiện lắm! Đói lòng ăn nửa trái sung. Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng. Chi bằng cứ độc lập tự do là hơn! Bà Lịch là người vợ tuyệt vời! Bà Yến trân trọng. Vốn là người biết tôn trọng người khác, và rất tự trọng, bà Yến quyết tâm ra Hà Nội. Cụ Nguyễn, ông Hòa, bà Lịch đều không lay chuyển nổi quyết tâm ấy. Nhưng để tỏ tấm lòng mình, bà Yến đồng ý cho con gái Phương Nam ở với ông nội, với ba và má Thanh Lịch tại Sài Gòn.

Những ngày đó, thằng cháu nội còn đang bị cha dượng cầm giữ! Ruột như lửa đốt, bà Lịch đêm ngày nghĩ ngợi phương cách bứng thằng nhỏ về. Lo lắng khiến bà sọm người, héo quắt héo queo như bó cải lấy từ tủ lạnh ra chưa kịp nấu. Rồi Phương Nam vô. Bà Lịch khuây khỏa nhiều, vui hẳn lên vì có đứa con gái giống chồng quá xá, và rất dễ thương! Vợ chồng già, rất sợ cô đơn. Nỗi cô đơn ám ảnh từng ngày từng giờ! Hai con trai lớn đều bỏ mình vì nước, nay Trời ban cho bà con gái út Phương Nam! Bà cảm thấy hơi ân hận vì đã từng căm giận chồng phản bội… Rất yêu thương chồng nên tất nhiên, con riêng của chồng bà coi như con đẻ! Tục ngữ có câu Phúc đức tại mẫu, bà Lịch dành hết tình thương yêu cho Phương Nam, cho cháu nội của bà. Bà rất đau lòng vì hòa bình đã hơn hai chục năm mà chưa tìm được hài cốt của thằng Hai. Ngày ra Hà Nội dự Lễ phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, bà có về Gia Lộc Hải Dương cậy thầy Trí tìm hài cốt Nguyễn Anh Trung. Ông thầy Trí rất giỏi tìm mộ liệt sỹ, nhưng xác suất tìm thấy cũng chỉ bảy, tám chục phần trăm. Bao nhiêu cố gắng của vợ chồng ông Hòa bà Lịch đều vô vọng. Sau khi đánh bật quân giải phóng ra khỏi khuôn viên dinh Độc Lập, xe tăng, xe ủi của Mỹ đã chà nát xác các chiến sỹ giải phóng; sau đó dùng máy ủi xúc lên xe GM 113 đem vùi ở đâu không rõ! Con trai trưởng mất sớm khi chưa kịp cưới người yêu tên Thiên Trang, một cô gái mà bà Lịch rất ưng ý. Ông Hòa, bà Lịch chỉ còn biết kỳ vọng vào thằng Thăng, nào ngờ, nó hư hỏng. Cụ Nguyễn nói: Nó là nghịch tử! Nó nổi loạn! Đúng là cha mẹ sanh con trời sanh tánh!

Thằng Thăng biết cả nhà đang coi nó là đồ bỏ, ngoại trừ cô Phương Nam. Nó từng coi Nam như người mẹ, đồng thời, như người chị, người bạn!

- o"o -

Phương Nam nói với Đạt:

- Hồi còn ở Hà Nội, ba mẹ thương em thế nào thì anh Thành thương em như thế. Khi anh Ba tình nguyện nhập ngũ, em mới bốn tuổi. Mỗi khi về nhà là ảnh ẵm bồng em, cho em đi chơi. Biết bao lần em tè dầm ướt hết áo ảnh!

Đây là lần đầu tiên Phương Nam kể chuyện gia đình một cách tường tận cho Đạt nghe. Đến đoạn nói về Thành, cô bật khóc. Đạt dùng khăn mui xoa thấm nước mắt cho cô. Rồi anh nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay Phương Nam. Cô gái để yên đôi bàn tay mềm mại của mình trong đôi bàn tay ấm áp của người yêu, cảm nhận được một cái gì đó như là dòng điện mãnh liệt từ anh truyền sang. Ôi! Có phải đây là khoảnh khắc thiêng liêng? Có phải đây là sự khởi đầu của một cuộc đời mới? Bất giác Phương Nam nhớ tới câu văn đẹp đã trở thành danh ngôn ở Anh: Tay trong tay là nụ hôn thần thánh! Phương Nam nhớ ánh mắt Đạt tha thiết hướng về cô khi cô giảng về câu văn này cho cả lớp nghe trong bài những danh ngôn tình yêu. Cô thấy lâng lâng như sắp bay lên, bay lên… Đạt nâng hai bàn tay cô, hôn đằm thắm, như là thưởng thức, vừa hôn vừa nhìn vào đáy mắt cô. Cô rùng mình, khép mắt lại… Anh hôn lên cánh tay cô, rồi dừng lại lâu ở bờ vai, ở cái cổ trắng hồng… Rồi, cô như rơi vào trạng thái không trọng lượng, anh ôm cô trong vòng tay mình…

Đó là một ngày cuối mùa mưa năm 1994. Sài Gòn mưa tầm tã, mưa như chưa bao giờ mưa như thế. Họ đang ở bên nhau trong căn phòng nhỏ trên lầu hai, đường Cao Thắng, quận Ba. Đạt bốn mươi hai tuổi, vừa ly dị xong, kết thúc tấn bi kịch mà anh phải gánh chịu sau cuộc hôn nhân kéo dài đằng đẵng. Một cuộc hôn nhân buồn nhiều hơn vui. Họ có một con gái, đặt tên Minh Thảo. Thảo sinh năm 1974, tuổi Giáp Dần, giống cha, nhân hậu, duyên dáng và học giỏi từ tiểu học đến hết trung học, suất sắc cả văn lẫn toán. Sau khi đỗ đầu kỳ thi tú tài tại trường chuyên chất lượng cao Lê Hồng Phong, Minh Thảo được học bổng đi du học tại Australia từ năm 1992.

Bốn năm đầu sau ngày cưới, dù cuộc sống thiếu thốn, thời buổi đầy rẫy khó khăn, nhưng đó là một gia đình có hạnh phúc. Thế rồi… Đạt chuyển công tác vào Sài Gòn. Đến khi có chút tiền bạc rủng rỉnh, vợ Đạt thay đổi tâm tánh tự lúc nào không rõ: ngày càng không hiểu chồng, không tôn trọng chồng. Bi kịch diễn ra ngay khi người vợ không biết tôn trọng chồng, tức là không tự trọng!

Đến lượt Đạt kể chuyện mình. Phương Nam nghe chuyện đời anh, rơm rớm nước mắt vì thương anh… Mới gặp nhau được ba tháng mà Phương Nam đã cảm thấy cô không thể nào sống thiếu người đàn ông này. Thế là sao? Chẳng lẽ tình yêu là như thế? Cô yêu anh chứ đâu có thèm nghĩ đến cái chức giám đốc công ty dịch vụ kỹ thuật biển của anh! Cô cũng chẳng để tâm đến việc anh lớn hơn cô đúng mười bảy tuổi! Tình yêu không có tuổi! Người ta đã chẳng nói như thế từ hàng trăm năm nay rồi sao. Cô đã hai mươi lăm rồi, đâu còn trẻ con nữa? Cô đã nghĩ suy thật nhiều, trăn trở thật nhiều, lo trước liệu sau thật nhiều… Cô đã gạt khỏi giấc mơ bao nhiêu chàng trai phong lưu, bô trai của Sài Gòn. Nếu kể ra thì phải hàng tá. Lạ thật, cô không đủ can đảm để nghĩ đến chữ yêu đối với những người bạn trai đó! Hai mươi lăm tuổi, cô chưa biết nụ hôn của người đàn ông là thế nào! Có tin được không? Có Trời chứng giám, cô là thế! Bạn bè cô đã chồng con đùm đề, nhiều đứa lấy được chồng lương thiện, giàu có, ngoại trừ Ngọc Tiên, nó làm giàu bằng mọi giá. Chỉ có cô là kém may mắn. May hơn khôn mà! Cô vẫn nghĩ mình sẽ ở một mình tới già. Vậy mà gặp anh, cô mê liền!

Mãi về sau này, cô cũng không cắt nghĩa nổi vì sao cô mê Đạt. Vì người đàn ông thông minh, hơn hẳn một cái đầu? Có thể như thế nhưng chưa hẳn như thế. Vì Đạt ga lăng1? Có thế, nhưng không phải là tất cả! Vì Đạt đáng thương? Đáng quá đi chớ! Bốn mươi hai tuổi rồi còn long đong lận đận chuyện vợ con. Nhưng nếu yêu người ta chỉ vì đáng thương thì hóa ra thương hại à? Vì Đạt có chất đàn ông, từ thân thể đến phong thái, nhân cách… Cứ cho là thế đi, nhưng biết bao chàng trai khác cũng chẳng kém, sao ta không bắt mắt họ mà chỉ mê Đạt? Chịu! Không thể nào cắt nghĩa nổi. Yêu là chết ở trong lòng một ít! Viết thế là báng bổ tình yêu, tình cảm đẹp nhất của con người. Chỉ có những người không biết yêu, không được yêu, không biết thưởng thức tình yêu mới thở ra giọng chua chát như thế. Yêu là đỉnh cao của cảm xúc, là sự tuyệt vời nhất trong tất cả những điều tuyệt vời của con người! Ta thích thơ Xuân Diệu, nhưng chỉ một số bài thôi. Bài thơ ấy ta không thích, vì nó phản tình yêu!

Mưa càng ngày càng lớn, gió giật ầm ầm. Đường Cao Thắng còn sót lại hai hàng cây dầu rất đẹp. Trước nhà Đạt có cây dầu lớn, một cành cây dầu bị mưa gió giật gãy, phát ra tiếng răng rắc, rào rào. Lạnh. Đạt thấy Phương Nam rùng mình. Anh tắt quạt, lấy áo khoác của mình choàng lên người cô. Cô nép sát vào anh. Họ ngồi ở salon ôm nhau, say sưa nhìn ngắm nhau và nghe nhau nói. Từ thân thể cô tỏa ra sự ấm áp, thơm tho, mùi xạ hương không lẫn vào đâu được, đầy quyến rũ. Anh dịu dàng hôn cô, trên trán, trên mí mắt, hôn vào má cô. Toàn thân anh chìm trong sự mịn màng, ấm nóng, tin cậy. Rồi anh hôn vào môi cô. Cám ơn Trời! Cám ơn cha mẹ em đã sinh ra em để giờ này anh được ngất ngây… Cặp môi em để tự nhiên mà tươi hồng như tô son, ngọt đến lịm người… Khi ôm cô, gắn miệng mình vào cái miệng xinh xắn mỗi khi cười làm rạng ngời khuôn mặt trái xoan, anh cảm nhận được bộ ngực bánh dầy căng tròn, hai đầu vú hồng đang cương cứng. Đạt muốn hụi đầu vào đó, muốn lắm… nhưng anh không cho phép mình được như vậy, lúc này! Từ thân thể cường tráng rắn như đá kia toát ra sự dịu dàng của người đàn ông vừa thoát khỏi bi kịch gia đình, sự hấp dẫn của người đàn ông đang yêu, sự tin cậy của người đàn ông biết thưởng thức tình yêu, coi sự ái ân là điều thiêng liêng không gì sánh được! Đạt càng dịu dàng thì Phương Nam càng bốc lửa! Ngọn lửa ấy có thiêu đốt được người đàn ông hay không, cô không biết, cô không còn thời gian nghĩ đến, nhưng nó đang thiêu đốt chính cô! Cô đâu có hay rằng Đạt cũng như đang phừng phừng bốc cháy! Máu chảy rần rật, hối hả trong anh! Cả Đạt lẫn cô đang vùng vẫy trong sự giằng co: một phía là cơn đam mê đang trỗi dậy vì thời cơ đã chín mùi, một phía là bản tánh nhân hậu, niềm tin thánh thiện vào tình yêu, khát khao được hưởng hạnh phúc lâu dài bên nhau. Cả hai cùng khát khao được yêu, nhưng hơn thế, còn phải là người bạn tri âm tri kỷ… Và cả hai đều cố dằn lòng bằng cách để tâm đến cảnh trời mưa, nghe mưa, nghe gió, nghe những âm thanh của đường phố vọng lên… Trời vẫn trút nước xuống, đường phố giờ này đang biến thành dòng sông cuồn cuộn chảy. Những chiếc xe gắn máy và xe hơi chết máy giữa đường. Mùa mưa, ngày nào cũng có tai nạn giao thông vì mưa, vì cây gãy đổ đè người, đè xe. Cành cây dầu trước nhà Đạt rớt trúng chiếc taxi đậu dưới gốc, chiếc xe bẹp dí. Tiếng người la lên át cả tiếng mưa gió. May mà người lái xe trú mưa trong quán nước bên kia đường. Sài Gòn càng ngày càng bị ngập úng. Những người Pháp kiến trúc thành phố này, nếu còn sống, sẽ không thể nào hình dung được ở cuối thế kỷ 20 mà người ta quản lý đô thị tồi tệ như thế. Ai muốn xây dựng kiểu nào cũng được, miễn là biết câu đồng tiền đi trước… Hệ thống cống rãnh thoát nước bị xâm hại do xây cất bừa bãi không theo một quy hoạch khoa học nào. Các cao ốc văn phòng, khách sạn do các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng mọc lên lố nhố làm mất đi cảnh quan vốn hài hòa giữa thiên nhiên và các công trình kiến trúc của Sài Gòn. Thậm chí có nhiều đường phố cổ, đẹp với nhiều công trình kiến trúc xưa đáng tự hào của Sài Gòn, đã bị các cao ốc biến thành những cái chuồng cu! Nhất là khu vực đất quân sự, nhà cửa mọc lên như nấm, như có phép màu. Sài Gòn thừa bụi khói, đói màu xanh. Toàn là bê tông, không còn chừa một khoảng trống nào để làm vườn hoa, làm quảng trường…

Thế nhưng trong những tình huống như thế này thì bom nổ bên cạnh còn không nghe thấy nữa là! Đạt chợt nhớ đến chuyện mẹ kể: Lễ cưới của bố mẹ đang diễn ra thì, ca nông Pháp nổ ầm ầm, bố mẹ ôm nhau núp trong đống rơm vẫn say sưa tình tự, không màng gì đến cái chết đang rình rập… Tất cả đều như biến mất!

Phương Nam đang đê mê trong những nụ hôn thần thánh. Người đàn ông đang bị hút hồn trước vẻ đẹp và mùi da thịt cô. Anh càng kìm lòng, càng dịu dàng thì… Chính sự dịu dàng ấy hay là dòng điện từ da thịt anh, từ môi, từ lưỡi anh đã đưa cô lên miền cực lạc? Cả thân hình cô như muốn bùng cháy! Từ chân tóc đến từng ngón tay, ngón chân cô cứ bừng bừng, rần rật. Thế rồi cô rướn người lên, cô hôn Đạt, cắn vào cặp môi dày và ngọt lịm của anh. Lần đầu tiên trong đời, cô biết thế nào là nụ hôn của người đàn ông, và lần đầu tiên trong đời, cô biết hôn người yêu thì mình rung động như thế nào.

Thời gian ái ân bao giờ cũng ngắn, như một khoảnh khắc, quá ngắn! Vèo một cái mà đồng hồ đã chỉ năm giờ rồi! Mưa mãi rồi cũng ngừng. Dưới đường vọng lên âm thanh ầm ào sôi động của giờ tan tầm sau trận mưa tiểu hồng thủy. Hai người ríu rít nói cười trong khi ăn mì gói Vifon để tới lớp cho kịp giờ học. Tay trong tay, họ vừa ăn vừa nhìn nhau, giá mà được nhìn ngắm nhau cả đời như lúc này!

Sau nụ hôn đầu tiên Phương Nam trao cho Đạt trong chiều mưa ở căn phòng nhỏ đường Cao Thắng, tình yêu của họ ngày thêm lãng mạn và cuồng nhiệt…

Đạt vừa đi Canada và Hoa Kỳ về, kịp thi xong chương trình C với số điểm cao nhất lớp, thì cũng là lúc Phương Nam học được một nửa chương trình master1 Văn chương Anh Mỹ. Tất cả các bài thi của cô đều được đánh giá xuất sắc. Đó là kết quả của bao đêm ngày chí thú học hành, không dám bù khú với bạn bè, không nghĩ đến mua sắm diện dập, chỉ biết chúi đầu vật lộn với sách vở, với việc dạy học kiếm tiền để theo chương trình du học tại chỗ của đại học Havard.

Ở đời, chả có cái gì là vĩnh hằng, chắc chắn, chuyện gì cũng có thể xảy ra! Tình yêu đang độ lãng mạn nhất, hương lửa đang nồng thì Đạt bị khởi tố, rồi bị bắt tạm giam, với tội danh tham nhũng!

Phương Nam không thể nào tin một người như Đạt lại có thể kiến tài ám nhãn2. Một người như Đạt thì không thể ăn cắp!

Tâm hồn cô tinh khôi trong sáng. Thế nhưng, dù có thông minh, nhạy cảm cách mấy thì Phương Nam cũng chưa thể hiểu hết được sự hoành hành của cơn lốc kinh tế thị trường!

 

 

Chương : 1    12   14    15    16   
Triệu Xuân
Số lần đọc: 2358
Ngày đăng: 03.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm
Đất rừng phương nam - Đoàn Giỏi
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Nắng quái - Trầm Hương
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)