Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.062
123.234.316
 
Cõi Mê
Triệu Xuân
Chương 16

Người mẹ lúng túng trước vẻ thơ ngây của con trai mình. Rồi… theo bản năng của người lớn, cái gì không nói được, cái gì khó nói, chưa tiện nói với trẻ con thì ngay lập tức át đi bằng câu:

- Có nhiều chuyện lớn rồi khắc biết, bây giờ mẹ có nói con cũng chẳng hiểu đâu!

Thằng bé thông minh, hiếu động, ham hiểu biết không chịu:

- Thế nhưng… vú mướp là gì hả mẹ? Sao mấy bác ấy lại gọi cô Nhạn bán bia hơi là vú mướp?

- Con có thôi ngay cái chuyện nghe lỏm ở chỗ bia bọt đi không? - Bà Yến cáu tiết mắng con - Con trốn học hay sao mà đi hóng chuyện của mấy ông bia bọt bê tha? Tuổi của con là tuổi phải lo chăm học chăm hành. Lười học, ham la cà đầu đường xó chợ thì lớn lên đi ăn mày, con ạ! Kỳ này ba về, ba sẽ cho con no đòn!

Bắc muốn hét lên với mẹ: Nhưng mà con đói, với lại học chán lắm, đi chơi thú vị hơn nhiều… nhưng thấy mẹ nó trừng mắt nhìn, nó im re.

Đêm đêm, như thường lệ, Bắc đưa tay rờ vú mẹ, đòi mẹ kể chuyện, nghe chưa hết câu truyện cổ thì đã ngáy khò rồi dang thẳng chân tay đánh một giấc đến sáng bảnh mới dậy đòi ăn. Đêm ấy, Bắc đưa tay lên ngực mẹ, thấy mẹ nằm yên, tưởng mẹ ngủ, nó luồn tay rờ đầu vú mẹ. Biết con trai đang rất tò mò vì câu chuyện của người lớn, bà Yến vừa thương con, vừa buồn cười, vừa giận con thích hóng chuyện. Bà Yến bật cười khanh khách, vì nhột. Bà nắm lấy hai bàn tay con, ôm chặt con vào lòng. Bên trái bà, bé Phương Nam ngủ ngon lành, nét mặt như trăng rằm. Bà lựa lời nói với con trai:

- Năm lên ba tuổi con mới phải thôi bú mẹ, vì em gái con lúc ấy bú khỏe lắm, mẹ không đủ sữa cho em bú. Hai anh em con bú mẹ nhiều thế mà ngực mẹ vẫn gọn gàng. Ba khen mẹ đó! Đấy là nhờ ông bà sinh ra mẹ cho mẹ bộ ngực bánh dầy, giống cái bánh dầy ấy, con nhớ không? Còn những người vú mướp là giống quả mướp, nó dài, nên chưa có con mà đã chảy xệ xuống…

- Thảo nào! - Bắc ngồi nhỏm dậy, nhìn mẹ, nó thích được nói chuyện với mẹ trước khi ngủ. Suốt ngày mẹ đi làm, nó đi học, chiều về lại hối hả lo cơm nước, ít khi mẹ con được trò chuyện với nhau - Mấy bác ấy bảo những người vú mướp thì xấu, nuôi một đứa con là thõng thẹo, có thể vắt vú lên vai! Eo ơi, kinh nhỉ mẹ nhỉ! Nhưng, mẹ ơi, mấy bác bảo có vú mướp còn hơn những người vu khống, vu khống là quả gì bánh gì hả mẹ?

- Vu khống là nói lái, tức là không vú, chứ sao lại bánh với quả gì ở đó! Thủy là trước, chung là sau, thủy chung như nhất là trước sau như một, tức là những người không có vú thì trước ngực cũng phẳng như sau lưng, con hiểu chưa?

- Vâng, hiểu rồi mẹ ạ! Gớm thật!

- Con nói gớm cái gì?

- Thủy chung như nhất ấy! Phẳng lỳ như phản thì lấy gì nuôi em bé mẹ nhỉ!

- Phải rồi! Người phụ nữ phải có vú để có sữa nuôi con. Bộ ngực của người phụ nữ là báu vật do tạo hóa ban cho, nó làm cho người phụ nữ đẹp, duyên dáng và nhờ nó mà có tình yêu, tình mẫu tử… Người ta nói ai không có vú tức là vô phúc…

Thằng Bắc đã ngáy khò khò. Nó cựa mình ra khỏi mẹ để thẳng chân thẳng tay mà ngủ. Bao giờ cũng thế, bắt đầu chui vào trong màn là nó tìm hơi mẹ, nghe mẹ kể chưa hết câu chuyện gì đó là nó ngáy rồi. Khi đã ngủ thì nó rời xa mẹ để duỗi thẳng chân tay, mặt ngửa lên trời, làm một giấc đến sáng, mẹ gọi mãi mới dậy. Cái nết ăn nết ngủ của nó thật dễ. Ăn gì cũng xong, miễn là được ăn nhiều. Thi thoảng mẹ ở cửa hàng về mang cho nó vài miếng thịt luộc hoặc tấm bánh, thế là nó sướng lắm, mắt nó sáng lên, nó gọi em gái rối rít để hai anh em đi rửa tay. Nhiều lần nó không rửa tay nên bị mẹ đánh đỏ cả tay lên vì tội mất vệ sinh, không rửa tay trước khi ăn. Bắc ăn nhiều, lớn nhanh như thổi! Càng lớn nó càng ăn khỏe! Biết bao nhiêu lần người mẹ đã nhịn ăn để nhường cho con. Lúc nào Bắc cũng thấy thèm thuồng ăn một thứ gì đó. Lúc nào nó cũng đói.

Ở trường cô giáo bảo Bắc học vào loại thông minh, mỗi tội không thích học, chỉ thích chơi và nghịch ngợm kinh khủng! Bắc đầu têu ra đủ mọi trò để quậy phá trong lớp trong trường. Nó sướng nhất là được đi chơi, xếp hàng mua bia hộ bác Nguyễn. Nó không biết thích vì cái gì, nhưng thấy ông Nguyễn cười, nghe ông nói, nhìn vào mắt ông, nhìn cái cách ông đưa cốc bia lên miệng, ngửi hồi lâu trước khi uống, uống vào hồi lâu mới nuốt và khà thật sung sướng… Nó tưởng tượng nếu ông Nguyễn Tuân mà là ông nội nó thì tuyệt biết bao!

Bắc nhớ ba lắm! Nó nhớ mãi cái lần ba đưa nó đi chơi, để rồi hôm sau ba nó lên đường ra mặt trận, cha con nó gặp nhà văn họ Nguyễn. Ba nó xếp hàng, thấy một ông mũi khoằm đứng sau mình bèn nhường cho ông ấy đứng lên trước. Thế rồi khi mua được bia, họ vừa uống vừa nói chuyện bằng tiếng Pháp. Ôi cái thứ tiếng Tây nghe hay đáo để. Bắc rất tự hào vì nó hơn hẳn mọi đứa trong lớp, ở cái việc biết mấy tiếng Tây như những câu chào hỏi khi gặp nhau, ngày, tháng, giờ giấc, merci là cám ơn, bien là tốt, bonne année là Chúc mừng năm mới!…

… Nằm bên chồng, bà Yến ngược dòng thời gian nhớ về đứa con trai xấu số! Bà khóc, khóc thầm như bao nhiêu năm qua bà thường khóc thầm vì nhớ con, thương chồng…

Chồng bà là niềm tự hào của bà! Thế mà sau năm 1975, bà đành phải xa ông, nhường chồng cho bà Lịch. Tủi lắm chứ, nhưng thà thế còn hơn ở gần nhau, chồng chung… chịu sao thấu! Tuần nào ông cũng gọi dây nói cho bà. Đôi lần bà có hỏi ông, tất nhiên là qua điện thoại, về cái vụ thiếu tướng, khi nào trên cho ông. Ông chỉ thở dài… Bà thấy tiếc cho chồng, tiếc cho cả quân đội nhân dân Việt Nam! Cấp trên ông Hòa đã không trọng dụng những người có tài, có tâm như chồng bà, lại cất nhắc những kẻ dốt nát giỏi nịnh bợ lên thì quân ta yếu là cái chắc, là đáng đời!  

Hồi đó nếu không bỏ học tham gia Thanh niên Tiền phong năm 1944, chồng bà chỉ cần học một năm nữa là lấy bằng Bắc Mêtrô1 trường Petrus Ký cơ mà! Với những người đã học tới tú tài thời Tây thì tiếng Pháp cũng thông thạo chẳng khác gì tiếng mẹ đẻ. Ông Hòa mê đọc truyện. Ông đọc rất nhiều và truyện nào hay ông cũng kể lại cho vợ, cho con nghe theo cách của ông. Ông là nhà binh, nhưng rất mê đọc nên thường gần gũi giới nhà văn để mượn sách của họ. Những nhà văn ở miền Bắc, trạc tuổi ông Hòa, không ít người được học hành, rành tiếng Pháp. Bởi thế gặp một nhà văn nổi tiếng như ông Nguyễn mà lại gặp ở chốn bia bọt thì tuyệt biết bao! Ông Nguyễn hơn ông Hòa mười tám tuổi. Chỉ trong ít phút là họ trò chuyện với nhau xi xa xi xô tâm đầu ý hợp lắm lắm! Nhưng hai người không nói tiếng Pháp nữa! Cả nước đang dốc sức dốc lòng đánh đuổi đế quốc Mỹ vậy mà lại có kẻ đang nói tiếng của bọn thực dân đế quốc à?! Có vài gương mặt tỏ ra khó chịu, mặc dù hai người nói với nhau chỉ vừa đủ nghe. Họ chuyển sang tiếng Việt. Ông Nguyễn hỏi ông Hòa về cách nấu, về hương vị những món ăn Nam Bộ, trong đó có món lẩu mắm mà thời còn thanh niên, trên đường thiên lý giang hồ, khi vào Sài Gòn tìm đường sang Cao Miên, ông Nguyễn đã từng ăn. Ông Nguyễn chạm vào dây thần kinh trần của ông Hòa, nỗi nhớ người thân, nhớ ngôi nhà lợp ngói uyên ương trên đường Hàm Nghi, nhớ nơi chôn nhau cắt rốn bùng dậy trong lòng. Ông Hòa kể về những con đường rợp bóng me Sài Gòn, về những món ăn ngon của Nam Bộ: bánh xèo, chả giò, lẩu mắm, canh chua cá bông lau, tôm càng nướng, rùa rang muối, cá rô mề kho tộ, cá chìa vôi đút lò… Những món ăn mà bà Yến đã thuộc làu, từng chế biến cho chồng ăn theo khẩu vị Nam Bộ. Nhưng có nhiều món, ở ngoài Bắc không có nguyên liệu, như cá chìa vôi, đành chịu!

Bà Yến nhớ câu chuyện chồng kể hồi đó, khi ông nhà văn họ Nguyễn rút giấy bút ghi lia lịa về những món ăn Nam, ông vẫn không quên cu Bắc đang ngồi bên hóng chuyện. Ông nhón tay lấy mấy hạt lạc mẩy và thơm lựng đưa cho cu Bắc. Đưa hai tay ra nhận lạc rang, cu Bắc dõng dạc nói:

- Merci beaucoup1!

- Trời! Quả là hổ phụ sanh hổ tử! - Mắt ông Nguyễn nheo nheo nhìn Hòa - Toa dạy Pháp ngữ, ngôn ngữ tình yêu cho con trai toa được nhiều chưa?

- Đâu có! Em có thời gian đâu mà dạy, vả lại, bác biết không, cháu nó biếng học lắm! Em lo quên mất vì ít dùng nên lâu lâu tự ôn lại, ôn bằng cách dạy vợ học cho biết, cháu nó học lóm được mấy từ đó mà.

Mấy từ thế nào! - Bắc nghĩ thầm, nó không thích khi ba không chịu khoe tiếng Pháp của nó - Ít nhất cũng gần trăm từ lận! Cháu còn biết hát ba bốn bài tiếng Pháp nữa cơ.

Hôm đó, ông Nguyễn và ba nó uống nhiều bia. Bốn lần xếp hàng kia mà! Mỗi người uống mười cốc vại. Thấy ông nhà văn cứ nhìn thằng con trai mình đang ăn lạc rang mà cười tủm tỉm, ông Hòa nói:

- Cháu tên Bắc, Nguyễn Kinh Bắc, sinh năm sáu lăm. Cháu cũng sáng dạ, nhưng biếng học, chỉ ham chơi, nó mê làm phi công dữ lắm!

- Vậy sao? Làm phi công cũng tốt! Nhưng bác mong rằng đến đời cháu, có lái thì lái máy bay du lịch, máy bay chở khách chứ không còn phải lái máy bay chiến đấu nữa! Đất nước này… chiến tranh dài lê thê rồi, nhiều máu và nước mắt quá rồi! - Chợt ông Nguyễn ngừng lời, hướng ánh mắt sang ông Hòa - Thế chú Hòa đã đọc Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của tôi chưa?

- Dạ rồi!

- Được không?

- Dạ…

- Cứ nói thật tôi nghe!

- Được thì chắc chắn là được quá đi chứ. Nhưng nói thiệt, em mê bác là mê Vang bóng một thời và Sông Đà. Trước 1945 là Vang bóng một thời. Sau 1954 là Sông Đà. Đúng là Nguyễn Tuân, độc đáo, lừng lững một dòng văn chương, không lẫn vào đâu được! Em nói, bác có giận em xin chịu: Cái Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi… nó có tính thời sự nhiều hơn…

Ông Nguyễn khựng lại cốc bia hơi đang đưa đến gần miệng. Anh chê tôi nặng về thế sự, nhẹ về văn chương chứ gì? Biết làm sao được? Thằng giặc Mỹ nó đang muốn đẩy cả miền Bắc lùi về thời kỳ đồ đá kia mà. Biết làm sao khác được. Nhưng mà tôi phải cảm ơn anh, một người đọc đáng kính, người đã thẳng thắn chê tôi, chê mà tôi sướng! Ông Nguyễn đặt cốc bia xuống, nhìn Hòa không nói gì, ánh mắt ông thoáng buồn mà không lạnh, không kiêu bạc, vẫn ấm áp. Ông Hòa cũng không dám nói thêm. Sự im lặng kéo dài… Không thấy ông Nguyễn uống bia nữa. Ông bỏ nguyên cốc bia cho đến lúc họ bắt tay, ra về.

Trên đường về khu tập thể bờ sông, ông Hòa thấy con trai lặng yên ngồi sau xe, không hỏi liến thoắng luôn miệng như mọi khi. Ông biết con trai mình cảm nhận được thái độ ông Nguyễn khi nãy. Ông nói với con trai:

- Đó là nhà văn Nguyễn Tuân, tác giả cuốn Vang bóng một thời mà ba rất mê từ thời còn học Petrus Ký ở Sài Gòn. Ổng là một trong số ít nhà văn Việt Nam mà ba kính phục.

Hòa kể với vợ đến đó, nói trầm hẳn xuống:

- Tôi đã làm nhà văn buồn. Có thể là tôi đã chạm vào nơi sâu kín nhất của nhà văn duy mỹ, luôn tôn thờ cái đẹp của văn chương nghệ thuật. Tôi nói thẳng quá chăng? Cái tật nói thẳng nói thật đã làm khổ tôi từ khi bỏ học ngang xương đi theo cách mạng đến giờ. Sao tôi không chế ngự được cảm xúc nhỉ? Sao tôi không biết uốn lưỡi bảy lần trước khi nói nhỉ? Thế mới biết sống có chừng có mực là khó nhất. Nhưng… sống thế thì nhạt lắm, nhạt hơn nước ốc, chán phèo!

Đêm trước ngày ra trận, Hòa dặn dò từng người trong nhà. Với cu Bắc, ông dạy:

- Con lười học và lười đọc sách lắm Bắc à. Sau này lớn lên con sẽ thấm thía rằng chỉ có sách mới là người bạn lớn, hữu ích cho những ai muốn hiểu biết, muốn sống có nhân cách! Nếu con mê sách, khi đọc Nguyễn Tuân, con sẽ thấy ông ấy là cả một thế giới riêng, đầy hấp dẫn!

Nhưng lúc đó cu Bắc đã ngủ rồi. Lời Hòa dặn con, bà Yến nghĩ là chồng dạy mình. Từ ngày Hòa vô Nam, bà đã làm theo. Bà đọc sách như là một cách để tăng nghị lực trụ vững trước khổ đau, gian khó… Họ yêu nhau thật lâu, cho đến bốn giờ sáng thì Hòa lên đường…

- o"o -

Tính bền vững của gia đình là ước mơ của một xã hội văn minh!

Nền tảng gia giáo của gia đình cụ Nguyễn thật căn bản, bền vững. Trong dịp tổ chức lễ đại thượng thọ, cụ Nguyễn có dịp kiểm chứng phẩm cách từng đứa con đứa cháu mình.

Ông Hòa và bà Lịch giảng hòa với nhau cho cha vui.

Cháu gái Phương Nam gác chuyện riêng sang một bên, dù buồn đến nẫu ruột. Sau lễ đại thượng thọ, cô trở lại với niềm say mê công việc của mình, và việc đầu tiên là hẹn gặp Đạt. Mới có hai ngày không gặp nhau mà cô ngỡ đã xa anh cả năm trời!

Anh đưa cô đi ăn ở nhà hàng Sông Sài Gòn, bảo cô kể về lễ đại thượng thọ và chăm chú nghe. Cô ăn một con tôm càng xanh hấp bia, anh lột vỏ cho cô. Cô ăn hết hai chén cháo cá chìa vôi ngon tuyệt. Đó là cá đặc sản, chỉ có ở vùng hợp lưu giữa sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, thuộc khu vực Nhà Bè. Có con cá chìa vôi nặng tới vài chục ký! Cô uống một trái dừa xiêm, tay anh cứ vuốt ve trái dừa mà ánh mắt thì hướng vào bộ ngực tuyệt đẹp của cô… Gió mang hơi nước từ sông Sài Gòn mát rượi ve vuốt da thịt, mơn trớn mái tóc đen huyền. Rồi… anh đề nghị cô cho anh dẫn cô vào khách sạn mini gần đó.

Cô rất thích, rất muốn chiều anh, rất nhớ anh, lúc này, giá như anh hỏi thêm một lần nữa là cô gật đầu, cun cút theo anh rồi. Nhưng… anh nhìn cô, chờ đợi. Cô nhớ đến sắc diện và giọng nói cực kỳ nghiêm khắc của ba: Thà con tôi ở vậy, không có rể thì tôi chịu chứ dứt khoát không gả cho thằng đó, dứt khoát không kết sui gia với nhà lão Hoàng! Đó là một tập đoàn tham nhũng!

Cô nhìn anh, ánh mắt xót xa đau đáu, lòng tê tái, nhè nhẹ lắc đầu.

Sự thất vọng hằn rõ trong đôi mắt người cô yêu.

Anh đưa cô ra cầu tàu trước nhà hàng. Trăng lên ngang ngọn dừa tỏa ánh sáng mát dịu như dát bạc lên cảnh, lên người. Lòng cô tê dại. Cô buồn đến mức muốn khóc mà không khóc nổi. Anh ơi! Có hiểu lòng em lúc này! Rồi anh chở cô về Hàm Nghi. Lúc bước vô nhà, cô mới chợt nhận ra: hôm nay họ chưa hề hôn nhau!

Cô đang ngơ ngẩn ngẩn ngơ như mất hồn thì ba cô từ trên lầu đi xuống.

- Con gái về rồi đấy à. Con có mệt không? Ba có chuyện muốn nói với con.

Chắc là ba nói chuyện anh Đạt. Khi nãy, ở trên lầu nếu nhìn xuống đường, chắc chắn ba sẽ thấy Đạt chở mình về. May mà hai đứa không hôn nhau! Hai ngày nay Phương Nam đang tìm cơ hội thưa chuyện để thuyết phục ba thì bây giờ, thật bất ngờ, cha cô chủ động nói trước!

Đối với Phương Nam, ông nội, cha mẹ, các anh là những thần tượng, là những người mà cô tự hào. Cô luôn luôn vâng lời ông nội, vâng lời cha mẹ!

- Cha đã thụ lý hồ sơ tham nhũng của thằng Đạt từ mấy năm nay. Thanh tra ngành, thanh tra các cấp từ thành phố đến trung ương đã làm rất kỹ. Các đồng chí dưới quyền ba rất mẫn cán và công tâm. Ba rất tin tưởng họ. Con có tin điều ba nói không, con gái?…

Ông Hòa mở đầu như thế. Cứ như câu chuyện mà ba cô kể về cha con Đạt thì thật là ghê sợ! Có lẽ nào lại đúng như vậy? Có lẽ nào cha con Đạt lại là những kẻ háo danh, sẵn sàng làm mọi việc để ngoi lên Bộ và cấp cao hơn? Có lẽ nào cha con Đạt là hạng kiến tài ám nhãn? Có lẽ nào đó là sự thật? Mà xưa nay, ba cô có nói sai bao giờ!

Rồi ông Hòa kể luôn cho con gái nghe chuyện ông tìm Hoàng để xin việc cho thằng Thăng. Quan liêu, hách dịch hay là chỉ vì không có bao thư lo lót? Nghe nói một chân bảo vệ quèn bên ấy cũng phải lót tay vài cây vàng?! Nghe nói ông Hoàng, cha của Đạt tối ngày đi nước ngoài, về nước thì ăn chơi bạo tàn, lúc nào cũng cặp kè cô thư ký xinh như mộng. Nhưng kinh khủng nhất đối với Phương Nam là chi tiết này: Đạt thật sự phạm tội, chỉ vì cha mẹ Đạt giỏi lo lót tới ba trăm cây vàng cho nên mới có lệnh đình chỉ điều tra, cho Đạt trở lại công ty như cũ!

Phương Nam ngồi chết lặng, xương hàm cứng ngắc, cô muốn nói, muốn hỏi mà không mở miệng nổi. Khoang miệng khô không khốc. Cô khóc. Nước mắt chan chứa trên gương mặt mỹ miều… Đạt ơi! Tại anh! Tại anh! Tại anh mà ta phải xa nhau!

Tại chàng chẳng phải thiếp đâu

Chàng xe chỉ mảnh, thiếp khâu sao bền…

Ông Hòa tìm cách an ủi con gái, nhưng vô hiệu.

Cô khóc đến lúc không còn nước mắt, khóc khan, đôi mắt bồ câu đẹp là thế giờ đỏ sọng như bị xuất huyết giác mạc.

Bà Lịch, bà Yến đứng trước phòng con gái dỗ dành, năn nỉ, rồi thất vọng quay ra. Đã hai ngày rồi Phương Nam không ra khỏi phòng, không chịu ăn gì, nằm liệt trên giường, không cho bất cứ ai vô phòng. Đến ngày thứ ba, cụ Nguyễn đến bên cửa phòng cất giọng:

- Phương Nam! Cháu của ông, hai ngày nay cháu không ăn nên ông cũng ngày nhịn trong, đêm thức trắng, bây giờ ông mệt quá rồi, muốn xỉu rồi cháu à! Mở cửa cho ông nào!

Trời đất! Vì mình mà ông nội nhịn ăn, không ngủ, lỡ có bề nào thì mình mang tội tày đình! Và… cô mở cửa! Cô dìu ông nội ngồi xuống ghế, cô quỳ xuống bên cạnh, nắm lấy hai bàn tay khô và lạnh của ông:

- Cháu xin lỗi ông! Vì cháu mà ông bận tâm, lo lắng, mất ăn mất ngủ! Cháu xin lỗi ông!

Nói rồi cô lại khóc nức nở. Từ ngày rời Hà Nội, rời người mẹ thân yêu vô Sài Gòn đến nay, chưa bao giờ Phương Nam khóc nhiều như mấy ngày qua…

Cụ Nguyễn lựa lời an ủi cháu:

- Đàn ông trong nhà ta nhiều người là anh hùng! Ông hy vọng cháu phải trở thành anh thư, cháu có làm được không? Nếu cháu biết tự vượt lên mình, có nghị lực ngẩng cao đầu mà sống thì hạnh phúc sẽ tới với cháu. Làm được như vậy, ông có chết mới được thanh thản, cháu ơi!

Những lời của ông nội như là liều thuốc giúp cô hồi tâm. Cô cháu gái lau mặt, xuống bếp pha hai ly sữa mang lên. Cô mời ông nội. Hai ông cháu cùng uống. Tối đó, bàn ăn gia đình cụ Nguyễn đã đủ mặt mọi người, tất nhiên, trừ thằng Thăng. Trong bữa ăn đã có tiếng nói, tiếng cười như trước nay vẫn thế…

Phương Nam điện thoại tới Trung tâm Ngoại ngữ báo rằng cô nghỉ dạy thêm một tuần nữa. Cô dẫn mẹ Yến và má Lịch đi nghỉ ở Đà Lạt.

Khi ba người phụ nữ đi cả rồi, cụ Nguyễn nói với con trai:

- Anh làm sao thì làm, cháu gái út của tôi cần phải được động viên là chính. Tôi kỳ vọng ở cháu!

- Dạ, con sẽ cố gắng, thưa ba!

 

 

Chương : 1    12    14    15    16  
Triệu Xuân
Số lần đọc: 2121
Ngày đăng: 03.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm
Đất rừng phương nam - Đoàn Giỏi
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Nắng quái - Trầm Hương
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)