Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.069
123.234.017
 
Sóng lừng
Triệu Xuân
Chương 1

Còn xã hội, còn loài người thì luôn luôn có cuộc chiến đấu chống lại tội ác.

 

 

 

Tám giờ sáng. Gió từ mặt sông Sài Gòn mang theo hơi nước mát rượi, ùa vào cửa sổ vừa được cô gái mở ra, đánh thức Tám Đôn. Đôn dang thẳng hai tay lên trên đầu, thẳng hai chân, rướn cong người lên, khoan khoái sau một đêm chẳng khác gì đêm tân hôn. Tiếng nước chảy trong phòng tắm, xen tiếng hát nho nhỏ vọng ra. Đôn mỉm cười. Con nhỏ này ngọt quá! Nó làm mình trẻ lại như hồi mới hai mươi hai mốt! Ôi! Mới ngày nào trai trẻ, giờ đã ngoài sáu mươi rồi. May mà trời cho mình thân thể cao lớn, cường tráng. Sáu mươi tuổi vẫn còn đủ phong độ một đấng mày râu làm mê mẩn con nhỏ bằng tuổi con mình. Chà! Con nhỏ có vẻ còn ham lắm! Cứ nghe giọng hát lả lơi của nó là khắc biết: “Chỉ còn gần nhau một đêm nữa thôi...”. Phải công nhận rằng cái khoản tình ca Sài Gòn hồi đó là số một! Tám Đôn vừa tính ngồi dậy thì con mồi của ông tưng tẩy đi ra, không một mảnh vải, “chon chót từ gót đến đầu”. Nó khiêu khích ông quá thể. Đôn ôm chầm lấy người đẹp. Vồ lấy, chộp lấy thì đúng hơn, rồi tiếp tục ngấu nghiến...

 

Chuông đồng hồ đánh chín tiếng. Đôn rời người đẹp. Ông thực hiện bài tập buổi sáng trong nửa giờ, kết thúc bằng việc chạy quanh vườn cây ăn trái của ông và tắm nước nóng. Tám Đôn tắm rửa xong, đứng lặng người chiêm ngưỡng con mồi đang ngủ ngon lành, một tòa thiên nhiên lồng lộng giữa ánh sáng ban ngày! Máu bốc lên. Đôn kìm lại, đánh thức cô gái. Vội vã làm chi! Thiếu gì. Cần thì ông lại kêu. Rẻ rề ấy mà! Mỗi đêm một khoẻn(1) chứ mấy.

 

Tòa biệt thự xinh đẹp của Tám Đôn mang cái tên rất ngộ biệt thự Vườn Tôm có bốn phòng. Dưới nhà là phòng khách. Có thể chê các phòng khách sang nhất ở thành phố này, chứ không thể chê phòng khách Tám Đôn vào đâu được. Nó từa tựa như phòng khách của tổng thống Thiệu trong dinh Độc Lập ngày trước. Trang bị nội thất hiện đại và sang trọng. Cũng có cả da cọp, đầu trâu rừng, ngà voi thứ thiệt, đồ cổ thứ thiệt... Kế bên phòng khách là phòng ăn, đủ chỗ cho ba chục người, với những bộ đồ ăn chính hiệu Nhật Bản. Rèm cửa sổ phòng ăn là mành trúc Việt Nam, nhưng nổi bật là những bức danh họa của Tây phương. Từ phòng ăn có cửa thông ra phía sau biệt thự, mở ra một hành lang có mái che, tiện lợi cho việc đẩy xe đồ ăn thức uống từ bếp lên. Bếp và nhà ở của người làm ở phía dưới đó. Tùy theo thời điểm, có lúc trong khu biệt thự Vườn Tôm này số người làm lên tới vài chục. Ấy là khi các vuông tôm nuôi đến kỳ xổ. Tám Đôn thu hoạch hàng tấn tôm nuôi mỗi năm. Ấy là mùa xoài chín rộ, mùa mít, sầu riêng, đặc biệt là hoa. Riêng tiền bán hoa của Tám Đôn đã bộn bạc rồi. Một ông đại tá về hưu được như Tám Đôn, phỏng có mấy người? Ông tự hào, tự coi mình như một bạo chúa, làm chủ một tiểu quốc. Thế nhưng lúc này, trong cái tiểu quốc của ông vắng vẻ thật sự. Ngoài ông và người đẹp của ông ở trên lầu, dưới đất còn một thằng cháu họ xa của ông, ba mươi tuổi, khỏe như con bò mộng, chỉ phải cái tội câm. Ngoài nó còn có một cô gái hầu, hai con chó bécgiê to như hai con cọp. Ở trên lầu, ngoài phòng ngủ của bạo chúa, có phòng giải trí, phòng ăn nhỏ và sân thượng có hồ bơi. Từ phòng ngủ nhìn ra, một miền bát ngát xanh của rừng cây ăn trái, ẩn hiện dòng sông ăm ắp nước ánh lên như bạc dưới nắng. Tám Đôn nhấn chuông, mấy phút sau cô hầu xuất hiện: bánh mì, hột gà ốp la, bò bít tết, cà phê đen, cà phê sữa. Người đẹp vừa trang điểm bước ra: váy ngắn, áo pull sát nách, bộ ngực bánh dầy cứ hút đôi mắt của ông. Cô gái mất hết vẻ mệt mỏi sau nhiều keo dâng hiến, ngốn ngấu đĩa thịt bò sạch trơn. Tám Đôn nuốt ba cái lòng đỏ hột gà trong tích tắc, rồi ăn luôn một cái bánh mì, ba lát thịt bò. Vừa nhâm nhi tách cà phê đen, ông vừa mở tờ báo. Ngay trên trang nhất, nổi bật hàng tít: “Giám đốc Công ty Duy Nhất bỏ trốn”. Tám Đôn cười mỉm, rít một hơi thuốc thật dài, lướt qua bài báo rồi quăng xuống gầm bàn. Ông mở một tờ khác. Cũng ở trang nhất, có bài: “Ngô Hữu Tiền, một tên đại bịp lớn nhất thế kỷ”. Tờ báo thứ ba với bài: “Cuộc lừa bịp lớn nhất trong lịch sử Việt Nam!”. Cả ba bài báo đều thuật lại bằng cái giọng háo hức y như tường thuật bóng đá, một lượng thông tin giống nhau: cuộc lừa bịp lớn nhất mà Ngô Hữu Tiền là thủ phạm. Cách đây không lâu, Tiền còn là một tên lưu manh, trên răng dưới dái. Nhờ những lỗ rò lớn của cơ chế xã hội và kinh tế, Tiền đã thoắt biến thành ông chủ. Thế rồi hắn trở thành “nhà doanh nghiệp giàu lòng yêu nước” từ khi được thành lập công ty tư nhân mang tên “Công ty Hàng hải và Xây dựng Giao thông Duy Nhất”. Với cái danh này, hắn đã lừa cả Nhà nước, lừa hàng trăm ngàn người để thu về hai trăm năm chục tỉ đồng gửi vào Trung tâm Đầu tư Duy Nhất. Nhân một chuyến “công vụ” qua nước bạn láng giềng ký hợp đồng liên doanh khai thác đá quí, Tiền đã trốn ra nước ngoài êm thắm, với toàn bộ tài sản... Một câu hỏi lớn đặt ra là vì sao và nhờ ai, một tên lưu manh lại biến thành nhà đại doanh nghiệp? Nhờ ai, Ngô Hữu Tiền đã ra đi trót lọt?

 

Riêng một chi tiết, có sự không giống nhau giữa ba bài báo: Một bài cho rằng Tiền đã trốn thoát cùng toàn bộ gia đình. Bài thứ hai nói rằng vợ con Tiền đã trốn bằng đường bộ qua ngả Thái. Còn bài thứ ba thì nói: Vợ Tiền đã ở lại vì yêu một thuyền trưởng.

 

Cái nào trúng, cái nào trật? Tám Đôn mừng trong bụng vì phần trọng tâm trong kế hoạch đã được thực hiện. Nhưng còn con vợ nó, “ở lại vì yêu một thuyền trưởng”. Ôi! Nếu quả như vậy thì...

 

Tám Đôn ấn vào cái nút đỏ ở tay ghế! Lưng ghế ngả ra. Cả thân hình Tám Đôn trải dài trên ghế. Cất giọng trầm, nằng nặng, hơi khó nghe, ông hỏi người đẹp:

 

- Cưng thấy sao? Vui không?

 

- Em muốn ở đây hoài với ông!

 

- Sao lại ông! Đã sửa từ đêm qua mà!

 

- Không. Em thích kêu bằng ông! Như người Pháp, được không?

 

- Em biết tiếng Pháp sao?

 

- Không. Ấy là em nghe me dạy.

 

- Me nào? Me đẻ ra em?

 

- Không. Me tức là bà chủ, nơi em làm.

 

- À, à...

 

- Ông... đúng là bạo chúa. Me em bảo vậy.

 

- Em nói giọng Hà Nội, quê ở ngoài đó à?

 

- Không. Em đồng hương với ông, nhưng đẻ ở Hà Nội. Em vô Sài Gòn học nghề mát-xa để ra Hà Nội làm du lịch! Nhưng học xong, em ở lại làm nghề này, không thiết Hà Nội nữa. Ngày hôm nay là đúng một tháng em ở Sài Gòn.

 

- Vì sao không thiết Hà Nội nữa?

 

- Hà Nội bẩn, ít tiền, ưa ganh ghét hại nhau. Sài Gòn sang trọng, mạnh ai nấy sống, tiền nhiều...

 

- Kiếm được nhiều chưa?

 

- Dạ, ít lắm!

 

- Mấy cây rồi?

 

- ...

 

- Khai thiệt đi, anh boa(1) cho.

 

- Em bán trinh cách nay năm ngày, được hai chỉ. Me bảo phần me có năm phân. Nhưng ông khách mua em nói là ổng trả sáu chỉ. Lần thứ hai em ngủ với giai là hôm nay, me bảo phần em được năm phân. Từ lần sau trở đi, em chỉ được chục ngàn. Me bảo thế.

 

- Me chém em hơi bạo! Tội nghiệp em tôi! Anh thưởng cho một khoẻn để đeo chơi. Hà hà... không cần cám ơn cám heo gì. Rồi, dông!

 

- Dạ. Đa tạ ông. Em về ạ.

 

- Ừ. Khi nào cần, đến liền hỉ?

 

- Dạ. Em sẽ hầu ông hết ý ạ!

 

- Tốt. Đi đi.

 

Đôn thay quần áo, trở lại cương vị một sĩ quan về hưu: quần tây màu sậm, áo sơ mi trắng ngắn tay, ba túi. Đến bên máy điện thoại, Đôn gọi cho các đệ tử và chiến hữu. Đôn cần phải có đủ lượng thông tin cần thiết để ứng đối với mọi tình huống. Công an đã bắt những đứa nào trong số thuộc hạ của thằng Tiền. Cần bịt miệng đứa nào...

 

*

*       *

 

Khoảng cuối năm một ngàn chín trăm bốn mươi chín, trùm băng buôn người ở Sài Gòn dụ được một cô gái quê xinh đẹp, mười sáu tuổi, từ miệt Ô Môn lên Sài Gòn, đưa lên cao nguyên bán cho mấy ổ chứa cao cấp phục vụ sĩ quan Pháp. Thế nhưng người đầu tiên sở hữu cô lại là một đại úy người Thượng(1) . Anh chàng đại úy này vốn là con trai út của một gia đình giàu có. Anh ta mua cô gái Việt về làm vợ bé và rất cưng chiều. Năm một chín năm mươi, họ sinh được đứa con trai, cho khai sinh theo họ mẹ là Ngô Hữu Tiền... Thằng bé lớn nhanh như thổi, càng lớn càng đẹp. Vẻ đẹp rừng rú lai với nét đẹp của miệt châu thổ sông Cửu Long. Thế nhưng bất hạnh đến với hai mẹ con: Năm thằng Tiền mười lăm tuổi thì cha nó trúng mìn khi đi càn, xác bị cắt làm đôi. Mẹ nó tìm mọi cách thoát khỏi những hủ tục của người Thượng. Năm sáu mươi lăm, bà lấy Mỹ - một người Mỹ làm cố vấn cho Bộ Phát triển các sắc tộc, có văn phòng đại diện tại Buôn Ma Thuột. Thằng Tiền được đón về nuôi. Hai năm sau, mẹ nó có đứa con thứ hai, con gái, tên là Helen Lan. Hai anh em được học hành tử tế. Người Mỹ mê mẹ chúng nên xem ra rất cưng chiều đứa con riêng của vợ. Thằng Tiền học hành thì ít, chơi bời lêu lổng thì nhiều. Đặc biệt, nó có năng khiếu xài tiền ngay từ nhỏ. Đang học trung học, nó đã biết làm cho hai nữ sinh người Ê Đê trong trường mang bầu. Trong cặp sách của nó đầy nhóc thư tình. Rớt tú tài, thằng Tiền vô đơn vị công binh chuyên làm cầu đường ở Vùng II chiến thuật. Chẳng biết nhờ công trạng hay nhờ cha dượng mà thằng Tiền được mang lon thiếu úy, rồi trung úy rất mau lẹ. Đùng một cái, ngày Mười tháng Ba năm Bảy lăm, Buôn Ma Thuột về tay quân Giải phóng. Người cha dượng của thằng Tiền đưa mẹ nó, em gái cùng mẹ khác cha của nó về Sài Gòn trên chuyến máy bay cuối cùng, trước khi Buôn Ma Thuột thất thủ. Chiến sự ngày càng ác liệt. Thằng Tiền bỏ ngũ trốn về được Sài Gòn tìm mẹ nhưng không gặp. Cả gia đình nó đã lên máy bay đi Mỹ.

 

Mấy chuyến tìm cách vượt biên đều không thành, tiền bạc không có một cắc, thằng Tiền đành gia nhập thế giới bụi đời Sài Gòn. Chẳng mấy chốc, nó đã trở thành một tay anh chị có cỡ. Liều mạng và đẹp trai, nó kiếm ra tiền không mấy khó. Nhiều lần, nó lừa được các thiếu phụ có chồng là trung tá, đại tá đang đi học tập cải tạo. Thường thì những nạn nhân này rước nó về nhà, chiều chuộng nó hết cỡ. Làm chồng người ta vài ngày, cho đến khi chán, nó cuỗm những đồ vật quí rồi dông! Một bà trung tá, tuổi đã tứ tuần rước nó về nhà. Nó vừa thỏa mãn nhu cầu của bà, vừa tán tỉnh đứa con gái. Rồi nó dụ đứa con gái của bà trung tá vượt biên. Bà trung tá phát hiện ra. Đánh ghen! Nó thu xếp ổn thỏa bằng cách dụ bà ta cùng xuất ngoại. Bao nhiêu vàng vòng bà ta đưa cho nó - để nó đi mua tàu - cùng với nó vĩnh viễn biến mất. Chuyến ấy thằng Tiền một mình mò xuống Vũng Tàu. Tại đó, nó tìm mối để ra đi. Nhưng năng khiếu xài tiền của nó đã làm cho nó quên phắt mục đích. Nó lăn xả vào các cuộc chơi thâu đêm với các cô gái trẻ. Nhẵn túi, nó lại tiếp tục đi lừa gạt. Thằng Tiền đắc ý tuyên bố: Đời còn có con gái đàn bà đa dâm, đa tình, thì nó luôn luôn đa tiền! Năm bảy mươi tám, nó bị tù sáu tháng. Năm tám mươi, nó nằm trong tù trọn một năm. Cả hai lần vô tù đều vì tội vượt biên. Vô tù nó không ngán. Bởi vì thân nhân của những người đàn bà đẹp, những cô gái đẹp luôn gửi quà thăm nuôi. Mà thằng Tiền lại luôn là đối tượng chăm sóc của phái đẹp. Thế nên nó sống phây phả trong tù. Nó ngán nhất bị cải tạo lao động. Đời thằng Tiền, từ lúc lọt lòng mẹ, đã nếm mùi cực khổ bao giờ! Vậy mà nó bị người ta bắt đi khai hoang, trồng rừng đước, nuôi tôm... Nó chịu cực không thấu, nên bỏ trốn. Lại tiếp tục tán tỉnh và lừa gạt phái đẹp.

 

Năm tám mươi hai, thằng Tiền trúng mánh. Nó được bà vợ của một ông giám đốc mê. Ông giám đốc này chẳng hiểu sao lại không có con. Vợ chồng lấy nhau đã chục năm trời mà không sinh đẻ được. Ông chồng buồn lắm! Nhưng ông giám đốc buồn một thì bà vợ buồn gấp trăm. Chạy chữa trăm nơi, cúng vái tứ phương đều vô hiệu. Tiền bạc thì dư thừa mà con cái không có. Đau lắm chứ. Người đàn bà bốn chục tuổi, không con, cứ phây phây, nhìn thấy thằng Tiền là tơm tớp như mèo thấy mỡ. Lúc ấy thằng Tiền đang đói. Nó đói đã hai ngày rồi. Nhìn thấy người đàn bà đi tới, đôi mắt hau háu nhìn mình, thằng Tiền rất nhạy cảm. Nó hiểu rằng nó sắp được làm... chồng. Quả nhiên, chỉ sau mấy câu trao qua đổi lại, người đàn bà - vợ ông giám đốc không con - mời nó đi ăn phở. Ăn phở xong, bà ta hỏi nó có biết chỗ nào để “chỉ có anh và em” không. Nó đáp: “Thiếu gì chỗ! Chỉ sợ tốn tiền em!”. Người đàn bà móc bóp lấy ra xấp bạc mới tinh dúi vào túi nó. Nó liền đưa người đẹp đến khách sạn. Người đẹp mê tơi trong tay nó. Một vài lần sau, những cuộc mây mưa đều ở khách sạn. Quen mui, người đẹp hóa liều. Bà ta đưa nó về nhà, lúc chồng đi làm. Tòa biệt thự lộng lẫy, vắng lặng trở thành sở hữu của thằng Tiền vào buổi sáng mỗi ngày, tất nhiên là sau khi xe hơi đến đón ông giám đốc đi làm ở tận khu công nghiệp Biên Hòa. Cuộc mây mưa kéo dài đến trưa, thường chấm dứt vào lúc mười hai giờ. Thằng Tiền sống như vua trong tòa biệt thự ấy! Vận may lại đến với nó. Ông giám đốc được trên cử đi học ở nước ngoài chín tháng, lớp quản lý kinh tế. Ông vừa lên máy bay thì một giờ sau đó, thằng Tiền có mặt để quản lý vợ ông cùng tòa biệt thự của ông! Chín tháng đó quả là tuyệt vời. Cho đến một hôm... gần đến ngày ông giám đốc về nước, thằng Tiền vét sạch tiền bạc, tư trang của người tình và biến. Nó chán người đàn bà già mà khát tình này quá rồi. Nó đã kiếm được ổ mới. Người như nó, không nên và không thể chúi đầu vào mãi một bộ ngực đàn bà. Nhảm lắm!

 

Sống phất phơ ở Sài Gòn riết cũng không còn hứng thú gì nữa, thằng Tiền xin vô Tổ hợp xây dựng cầu đường mang tên “Giải Phóng”. Hồi đó, cái “mốt” đặt tên là lấy các con số các sự kiện lịch sử. Ví dụ: Hợp tác xã gạch ngói 30-4, Xí nghiệp mây tre lá 2-9, Xưởng nước tương Thống Nhất, v.v... Đó là năm tám mươi lăm. Thằng Tiền vô làm thuê cho Tổ hợp cầu đường Giải Phóng, cơm ngày ba bữa, lương ngày ba đồng. Làm rất cực, nhưng được cái, công trình ở xa thành phố, đất lạ, người lạ, hấp dẫn thằng Tiền. Tổ hợp Giải Phóng làm xong hai chục cây số đường ở vùng cao su Sông Bé thì ký được hợp đồng đại tu bến phà Rạch Miễu. Đêm chia tay trong căn nhà lá giữa rừng cao su, một cô gái làm nghề cạo mủ cao su vừa khóc vừa nói với thằng Tiền: “Anh ơi! Em có bầu!”. Thằng Tiền nói tỉnh queo: “Làm gì có chuyện đó! Em hù anh không hà!”. Cô gái ôm cứng thằng Tiền, áp tay thằng Tiền vào bụng mình: “Được ba tháng rồi đó anh!”. “Trời đất! Sao nay mới nói? Thôi à nghe! Ngay ngày mai về Sài Gòn xổ nó đi”. Cô gái im lặng, nước mắt ứa ra. Gần sáng, khi thức dậy, cô thấy thằng Tiền đã đi khỏi, ở đầu giường, nó để lại mấy tờ bạc.

 

Tổ hợp Giải Phóng chuyển quân xuống bến phà Rạch Miễu. Gần nơi thi công có một lò đường của ông Hai Vịt. Ông chủ lò đường nổi tiếng vì hai lẽ: một là rất giàu có, và hai là chỉ có độc một cô con gái đẹp và rất đa tình tròn mười bảy tuổi. Giấc mơ có trong tay hàng ngàn lượng vàng nung nấu tâm can ông. Vịt từ thuở sáu tuổi, mồ côi cha mẹ, đi ở cho nhà giàu, chuyên nghề chăn vịt. Những người cùng khổ, trừ những kẻ trở nên lưu manh và những kẻ cam phận, còn lại một số ít là những con người có chí, có mưu lược, có khát vọng làm giàu. Trong số này, có nhiều người thành đạt. Hai Vịt thuộc vào số người vừa nói. Anh chàng chăn vịt mướn được chủ quí mến vì tính hay lam hay làm, dẻo dai chịu đựng nặng nhọc, đã cho đứa con gái út cùng với mấy mẫu đất. Đất nơi ấy là đất gò, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa. Hai Vịt bỏ lúa, trồng mía. Một năm thu hai vụ mía, mỗi vụ vài ngàn tấn mía cây. Từ khi còn là cậu bé chăn vịt, Hai Vịt đã thấy ra một chân lý: Người trồng mía không lời bằng người chủ lò đường. Vậy là ngay vụ mía đầu tiên, Vịt vay tiền bố vợ, xây lò đường, mướn thợ giỏi về nấu đường. Hai vợ chồng làm quần quật tối ngày, ăn tiêu rất dè xẻn. Ngoài việc ép mía của nhà, họ còn nhận ép mía cho dân trong vùng, công sá rất rẻ, chỉ bằng phân nửa của những lò đường khác. Bằng phương pháp cạnh tranh hữu hiệu như thế, bằng cách cư xử mặn mà với hết thảy khách hàng, họ phất lên từ từ, vững vàng. Họ cất được nhà, mở rộng lò đường. Cho đến khi trở thành anh chủ lò đường giàu mạnh, hai vợ chồng vẫn tự làm việc, vẫn trồng đủ năm mẫu mía trên đất gò, vì đó là của hồi môn bố vợ để lại cho. Bố vợ chết. Trong khi các anh chị em bên vợ giành giật xâu xé nhau vì món hồi môn thì hai vợ chồng anh chăn vịt không màng gì đến của cải, chỉ lo mai táng bố được mồ yên mả đẹp. Cờ bạc, rượu chè, số đề... làm cho bốn anh chị khánh tận gia tài. Còn vợ chồng anh chăn vịt trở nên giàu có hơn cả bố vợ khi xưa. Họ tự hào và rất hể hả trong lòng. Duy chỉ có điều họ hiếm con quá. Người vợ sinh đứa con gái đầu lòng cùng một ngày họ cất nhà lầu. Con gái được mang tên Thiên Kim - đúng như ước mơ có ngàn cây vàng của cha mẹ nó. Hai năm sau, người mẹ trẻ ấy sinh đứa con trai. Công cuộc sinh hạ này thất bại thảm hại. Đứa bé chết trong bụng mẹ, và sau phẫu thuật, người mẹ không còn khả năng sinh nở nữa. Hai vợ chồng buồn chán, người vợ gần như tuyệt vọng. Anh chăn vịt thương vợ, hết lòng săn sóc và hết lời an ủi. Họ trút hết nỗi buồn trong lòng ra ngoài để làm việc. Chính là công việc đã làm cho họ vượt lên, sống với nhau ngày càng gắn bó. Người vợ đôi ba lần bàn chuyện kiếm cho chồng đứa con trai để nối dõi tông đường bằng cách cho chồng lấy vợ bé. Nhưng Hai Vịt đều gạt đi: “Chỉ có tôi và mình. Ta yêu thương nhau, thủy chung như nhất. Tôi và mình sẽ dạy dỗ Thiên Kim, truyền cho nó thuật làm giàu. Tôi cấm mình nhắc đến chuyện vợ bé!”. Nhờ thế mà bé Thiên Kim được cưng chiều theo một kiểu khác hẳn những cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu ở miệt vườn. Cô được cha cho đi học rất sớm, năm tuổi đã đọc thông viết thạo. Cha cô còn mướn thầy về nhà dạy thêm, cho học chữ và học cả nghề may vá thêu thùa. Ông cho con học bơi lội. Mười tuổi, cô đã vượt sông ngon lành. Cô biết trồng mía, chăm sóc mía, biết thế nào là sự nặng nhọc của người thợ chặt mía, ép mía, nấu đường. Cô biết cả kỹ thuật nấu đường. Đặc biệt, cô được cha cô truyền dạy cho chân lý: “Muốn trở nên giàu có thì phải biết cách phục vụ người khác, để họ mang lại lợi lộc cho mình, phải biết sòng phẳng và tín nghĩa”. Tưởng không còn gì hơn thế nữa. Một cô gái quê mà được trui rèn theo định hướng vậy thì còn thua kém ai! “Chỉ có ăn chứ không chịu thua. Chỉ có thắng chứ không chịu thất bại - dù trong bất cứ việc gì!”. Cha cô là như vậy. Cha cô muốn cô như vậy. Nhưng... cô là gái. Có một điều cha cô không dạy cô: sự đam mê tình dục. Có lẽ trong con người cô, sự đam mê tình dục mãnh liệt hơn hết thảy, bởi trời đã bắt cô phải như thế. Mười ba tuổi, cô đã ngốn ngấu những cuốn tiểu thuyết tình ái được gọi là “dâm thư” bị cấm. Khi là nữ sinh trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, cô đã biết thế nào là sự quyến rũ của đôi môi con trai, vòng tay con trai. Bởi cô có một thân hình khỏe, cân đối, hấp dẫn. Con gái quê mà có chiều cao một mét bảy mươi như cô, có bộ ngực và mông nảy nở như cô quả là hiếm. Cô luôn luôn là tâm điểm của sự chú ý của đám con trai. Có tới vài chục vụ đánh nhau để giành việc đẩy giúp cô chiếc xe gắn máy mỗi lần lên xuống bắc Rạch Miễu.

 

Tới năm học lớp mười hai, năm học cuối cùng của đời học sinh, Thiên Kim mới mười sáu tuổi. Lẽ ra cô đã có thể lấy bằng tú tài dễ dàng vì sức học của cô không tồi. Nhiều năm liền cô đứng nhất lớp. Khốn nỗi, đám con trai không để cô yên. Những cái liếc mắt, những lời tán dương, những nụ hôn mê mẩn, những bàn tay mơn trớn... của đám con trai đã chấm dứt sự học hành của cô. Đêm đêm, cô ôm chặt lấy cái gối ôm vì quá nhớ đến một đứa con trai trong trường. Có đêm, không chịu nổi, cô mò xuống lò đường rủ rỉ với anh thợ đẹp trai nhất ở đó. Đây là anh chàng đã được cô thách đấu: bơi vượt sông vào đúng mùa lũ, trong mưa bão. Cô đã thắng trong cuộc đấu này. Nếu không có cô ứng cứu kịp thời thì anh thợ ép mía kia bị cuốn trôi mất tiêu rồi. Mùa thi đến, cô biết mình không đậu ngay từ khi vào phòng thi. Nỗi buồn khoa cử, tuy vậy, không cư ngụ trong tâm trí cô được bao lâu. Ẩn ức sinh lý, sự thèm khát bàn tay, mùi vị đàn ông choán hết hoạt động tư duy, dày vò thân xác cô. Thiên Kim chủ động đến với anh thợ ép mía, vào đúng ngọ. Thời khắc ấy, mọi người ăn uống xong, tranh thủ chợp mắt tí chút. Họ lôi nhau vào khoảng trống giữa ba đống xác mía khô. Cô giận anh chàng ép mía đần quá, loay hoay cả nửa giờ liền mà chưa làm được trò. Đúng lúc đó thì có tiếng của cha cô kêu thợ dậy làm việc. Không thể vắng mặt khi ông chủ đã xuất hiện bên nồi nấu mật. Thiên Kim giận, buột miệng rủa một câu: “Đồ đuôi chuột! Thế mà cũng đòi làm đàn ông!”, rồi dang tay tát một cái làm anh chàng ép mía lạng cả người đi. Qua đi một buổi chiều và một đêm, Thiên Kim sống trong sự kiềm chế đầy đau khổ. Ở chỗ kín của cô, nước nhờn thỉnh thoảng lại tiết ra. Vào những lúc như vậy, cô lăn lộn trên giường, ôm chặt gối ôm kẹp chặt thân gối trong đùi, và... khóc.

Sáng hôm sau, đúng ngày khởi công công trình đại tu bến bắc Rạch Miễu. Người ta nhờ ông chủ lò đường cho mượn dãy nhà ngang mới dựng đang còn trống cửa để cho cánh thợ Sài Gòn ăn ngủ. Bữa ăn trưa, Thiên Kim quan sát cánh thợ. Cô chợt lặng người khi phát hiện ra người thanh niên mà một lúc sau đó, cô biết tên là Tiền. Kỹ sư Tiền! Từ giây phút đó, cô cứ dán mắt vào đôi mắt to, đuôi dài, màu mắt gần như xanh - đôi mắt thật tinh anh, lộ rõ chất đàn ông cứng cỏi của người trai này. Thiên Kim thật sự bị Tiền hút hồn. Cô như kẻ sắp chết đuối vớ được cái phao. Cô nhào về phòng mình thay bộ đồ mới, coi lại mặt mình trong gương, chải lại mớ tóc. Ở nhà ngang, cánh thợ đã ăn xong, đang uống nước, tán chuyện oang oang, có nhiều người lăn ra ngủ. Riêng Tiền, anh ta đang rửa tay và đứng ngóng về phía nhà trên. Đúng lúc ấy, Thiên Kim xuất hiện. Bộ đồ bằng xoa mỏng màu đỏ như lửa phơi bày thân thể tuyệt mỹ của cô. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối, như thể họ đã hẹn nhau từ kiếp trước. Cô đưa cho Tiền ly cà phê đá vừa lấy từ bàn nước ở phòng cha cô. Tiền cầm chiếc ly mát lạnh, giữ luôn những ngón tay dài, mềm mại trong tay mình. Đôi mắt Thiên Kim lướt qua sống mũi thẳng và dừng lại ở cái miệng rất có duyên, đôi môi dày và gọn, cái cằm vuông đậm một vệt xanh của bộ râu mới cạo. Đôi môi ấy mấp máy, trong khi cánh mũi thanh tú của cô phập phồng như con chó săn đánh hơi. Bộ ngực cô rung lên, rung lên từng đợt. Con tim như chực vỡ tung ra. Một đàn chim cu từ ngoài bãi mía bay về, từng cặp, từng cặp gù nhau trên sân thượng của ngôi nhà lầu. Tiếng chim xen với tiếng làm quen của hai người. Câu chuyện của họ nếu ai nghe được sẽ thấy rời rạc, tẻ nhạt. Nhưng với Thiên Kim, mỗi câu nói cô nghe được như có luồng điện rần rần truyền khắp cơ thể, và mỗi lời cô thốt ra, khiến cho thân cô dễ chịu. Phần kết của cuộc đối thoại đầu tiên này là giọng run run của Thiên Kim:

 

- Em chờ anh đêm nay nghe! Tám giờ - giờ đó ba má ngủ say rồi. Cửa không cài, anh khỏi gõ!

Tiền nhếch mép cười, gật đầu.

 

*

*       *

 

Hai tháng trời trôi qua trong ân ái lén lút cực kỳ cuồng nhiệt. Một buổi sáng, trên đường đi chợ, cô con gái thổ lộ với mẹ:

 

- Má à! Con lỡ có bầu với ảnh...

 

Bà mẹ có cảm giác như cả cơ nghiệp bấy lâu nay hai vợ chồng gầy dựng phút chốc bị nước lũ cuốn phăng đi. Mãi một lúc sau mới đủ tỉnh trí để hỏi lại con:

 

- Thằng nào? Phải cái thằng cao lớn mặt như lai Mỹ lai Tây không?

 

- Dạ phải. Ảnh là Tiền. Con mê ảnh, má ơi!

 

- Trời đất ơi! Mi là đứa con gái hư hỏng. Con gái người ta chỉ biết nói “thương”. Còn mi thì chưa rõ gốc gác nó ra làm sao đã “mê” liền à. Khôn ba năm dại một giờ. Nhục lắm con à.

 

- Má à, tình yêu không thể nói “khôn dại”.

 

- Nín! Tao cấm mi nói. Đồ... - Bà mẹ giận run người nhưng vẫn kìm được câu rủa.

 

- Má ơi! Con xin lỗi má. Con có lỗi với má!

 

- Còn xin lỗi chi nữa... Mấy tháng rồi?

 

- Dạ... hơn hai tháng.

 

- Tổ cha nhà mi. Vầy là chết rồi con ơi! Nó mà lưu manh, nó bỏ rơi con liền à. Đời là vậy đó. Không dễ gì có thằng đàn ông tốt bụng đâu.

 

- Thời của má, má còn kiếm được ba kia mà. Ba tốt chứ má?

 

- Ba con là của hiếm!

 

- Anh Tiền cũng vậy!

 

- Mi ngu quá hà. Nó có thương mi thiệt không? Hay nó chỉ muốn chiếm cái thân xác mi cho đã thèm? Dân phu lục lộ mà! Trông bộ vó nó thì bảnh, nhưng biết đâu lại tứ cố vô thân, trên răng dưới dái? Nó thương thiệt hay nó chỉ thương cái gia tài của con? Phải tính chứ. Ba con dạy con từ thuở nhỏ phải biết tính toán thiệt hơn rồi mà con! Trong cõi nhân gian này, mọi việc đều phải biết tính toán.

 

- Má à... Con lớn rồi. Con hiểu chứ. Chuyện làm ăn là phải tính toán. Chắc chắn con sẽ biết tính toán để làm ăn. Riêng chuyện tình ái, phải say mê dữ dội mới có hạnh phúc má à. Má thương con, má nói ba cho con làm đám cưới, nghe má.

 

- Cái gì. Đám cưới? Đã biết nhà cửa cha mẹ nó ở đâu mà đám cưới?

 

- Nhưng mà... Hai tháng rồi má ơi! Con đảm bảo với má tất cả mà!

 

Không giống như các cô gái khác, trong những trường hợp như thế này thường là lo sợ, mất bình tĩnh, van xin, khóc lóc. Thiên Kim là một con cá kình. Càng sóng to gió lớn, nó càng thể hiện sức mạnh của nó. Cô bình tĩnh thuyết phục mẹ. Thuyết phục bằng lý lẽ thì ít, mà bằng lòng tự tin, bản lĩnh của cô thì nhiều. Các bà mẹ thường thiếu lòng tự tin, thấy con cái cứng cỏi, bản lĩnh thì sẵn lòng chiều theo ý con; vả chăng, bản chất người mẹ là rất thương con. Bởi thế, vào buổi tối hôm ấy, khi Thiên Kim thưa chuyện với cha, và khi thấy chồng mình nổi trận lôi đình thì chính bà đã đứng ra năn nỉ chồng. Nhưng xem ra, cơn giận dữ của ông chủ lò đường khó bề nguôi ngoai. Ông không ngờ đứa con gái cưng của ông lại hấp tấp, liều lĩnh và khờ khạo đến thế. Ông bắt con quỳ xuống. Đây là lần đầu tiên từ mười sáu năm nay, ông bắt con gái ông quỳ như thế này. Trên tay ông là cái roi da bò, dùng để quất những con bò kéo máy ép mía.

 

- Mày ăn toàn đồ ngon mà sao ngu quá xá hả con? - Đây cũng là lần đầu tiên ông kêu con là “mày” - Nên nhớ rằng, tao với má mày đã dành trọn cả cuộc đời xây dựng cơ ngơi này cốt là để cho mày được sung sướng, có một người chồng danh giá đàng hoàng. Mày có hiểu không? Vì mày, vì yêu thương hai má con mày mà ba không lấy vợ nhỏ, không màng tới đứa con trai nối dõi... Vậy mà mày... bợ đít thằng phu kiều lộ!

 

- Anh Tiền là kỹ sư. - Cô con gái cãi.

 

- Câm ngay! Tao rạch cái miệng mày bây giờ. Cãi hả? Tao làm lụng xây dựng cơ nghiệp vất vả một thì tao vất vả mười khi dạy dỗ mày. Hiểu chưa? Vậy mà mới mười sáu tuổi đầu đã tơm tớp tơm tớp! Chưa cưới hỏi gì đã phĩnh ra rồi. Trời! Còn mặt mũi nào mà nhìn lối xóm nữa! Tao còn dám vác mặt đi đâu?

 

- Thưa ba! Ba cho con nói một câu: Một là ba cho con lấy ảnh. Hai là, ba giết con ngay bây giờ!

 

Đôi mắt cô nhìn thẳng vào đôi mắt của cha cô. Ông chủ lò đường lặng đi, mắt ông mờ dần. Có cảm giác rằng ông đang bị con gái ông thôi miên.

 

Ngày hôm sau, Thiên Kim nói với Tiền ý định của cha cô: Ba ngày nữa, ông sẽ lên Sài Gòn để coi gia tộc chàng rể thế nào.

 

Thực ra chuyến đi này cũng chỉ là có lệ. Ông chủ lò đường đâu còn có con đường nào khác. “Một là cho con lấy ảnh. Hai là giết con ngay bây giờ”. Ông quá hiểu tính nết con gái ông. Nó đã ưng cái gì là quyết làm cho bằng được. Ông - với tư cách là một người đàn ông - cũng hiểu rằng, duyên vợ chồng thường là do cái số đã định trước. Ví như vợ ông đây, ngày trước bao nhiêu đám nhà giàu dạm hỏi mà gia đình lại không ưng, lại gả con gái cho ông - một anh chăn vịt mướn, đến cái tên cũng không có, chủ đặt luôn cho là Vịt. Một anh chăn vịt mướn mà làm nên cơ nghiệp thì một thằng kỹ sư kiều lộ cũng có thể lắm chứ - nếu như nó không phải là loại phá gia chi tử, không phải loại ma cô đàng điếm! Ông sẽ đi Sài Gòn, sẽ gặp... Nghe nói là cha nó chết rồi, mẹ nó đi Mỹ, vậy thì sẽ gặp chú bác của nó để... giao trách nhiệm! Cái thằng, coi bộ cũng bảnh. Nếu nó biết điều, hiền hòa ngoan ngoãn, ông sẽ chu cấp cho ngon lành. Ôi chao! Năm nay ông năm mươi rồi, vợ ông bốn ba bốn bốn rồi! Có chàng rể là phải. Phải làm đám cưới tức thì! Nó mang bầu mấy tháng rồi, chuyện này chậm trễ thì nhục với thiên hạ! Ông sẽ làm đám cưới thật lớn, cho mát mặt với đời. Chả ai còn dám khinh cái thằng chăn vịt này nữa!

 

Tiền mượn một căn nhà để làm nhà mình, mượn một người quen là Hai Thức, thuyền trưởng tàu kéo ở Liên hiệp Vận tải sắm vai ông chú họ, để tiếp ông già vợ tương lai! Thế rồi đám cưới được gấp rút chuẩn bị. Cho đến lúc Thiên Kim ấn vào tay Tiền xấp giấy bạc trị giá năm cây vàng để làm đám cưới, Tiền vẫn coi đây chỉ như một cuộc chơi. Việc đầu tiên nó làm là lôi một con bé choai choai mà nó rất khoái, đi Vũng Tàu chơi bời đã đời trọn hai ngày liền. Đến khi người “chú họ” của nó nhắc: “Mày ngu quá! Nó là con gái cưng độc nhất, số của hồi môn mà nó mang về cho mày là tất cả gia tài của cha nó. Trời ơi! Một phút đổi đời. Mày có thể trở nên một ông chủ không chừng!”. Đêm ấy, Tiền không ngủ. Ngay cả những ngày sống bụi đời, đói và lạnh, nó vẫn ngủ ngon lành. Vậy mà đêm ấy nó mất ngủ. Đầu óc nó toan tính, sắp đặt. Nó cố gạt khỏi đầu hình bóng lởn vởn của mấy con mòng đỏ da thắm thịt. Nó hình dung lại khuôn mặt vợ nó. Phải, con bé ấy, chỉ vài bữa nữa sẽ là vợ nó. Vợ thứ thiệt, không phải vợ hờ. Hình dung mãi cũng không tạo được một hình ảnh sát thực với khuôn mặt mà nó đã từng ân ái bao đêm. Duy chỉ có cảm giác mãnh liệt con bé mang lại cho nó, đã trở lại với nó, khiến nó thèm khát, nuốt nước miếng và liếm môi liên hồi. Quả là trong đời nó, chưa hề có một con bé nào khát tình cuồng nhiệt như con bé này. Tiền nhớ mãi cái đêm đầu tiên, con bé để ngỏ cửa. Khi Tiền đẩy nhẹ cửa bước vô buồng, nó chồm dậy vồ lấy Tiền, trên người không có một mảnh quần áo. Thì ra con bé đợi nó trong tư thế này. Trong giây phút khi đời con gái chuyển qua đời đàn bà, con bé cắn vào vai Tiền đến bật máu. Và con bé đòi hỏi Tiền suốt đêm. Tất nhiên Tiền xứng đáng là thằng đàn ông chứ không phải đồ đuôi chuột nhắt như anh chàng ép mía. Trong suốt những đêm sau đó, cả hai đều hỉ hả vì nhau, biết ơn nhau, chìm đắm trong sự đam mê không cùng... Mỗi buổi sáng, Tiền nhận được một ly cối sữa nóng hổi, ở trong có tới ba cái lòng đỏ hột gà! Buổi trưa, Tiền có một ly cà phê đá. Buổi tối, con bé đưa tiền bắt đi ăn phở ngoài quán. Sướng như vua còn gì! Tiền đắc ý lắm. Những lúc đó và cả đến khi được ông “chú họ” lõi đời thuyết cho một chặp về sự ngu dại, về tương lai của một ông chủ... Tiền chưa hề bao giờ nghĩ rằng nó yêu Thiên Kim. Nó chơi, thèm chơi, thích thú với khoái lạc, còn yêu thì không. Bởi nó không thấy nhớ nhung như những cặp yêu nhau thường tương tư. Giá thử như Thiên Kim bỏ rơi nó, hẳn nó chẳng vì thế mà đau khổ.

 

Đám cưới con gái ông chủ lò đường tổ chức trùng với ngày hoàn tất công trình đại tu bến bắc Rạch Miễu. Ông chủ lò đường mướn đoàn cải lương có tiếng từ Sài Gòn về hát ì xèo liền ba đêm. Ông cho bắc rạp đãi khách trong ba ngày ba đêm, tiếp cả ngàn lượt người. Số bò, heo, gà lăn đùng ra để làm đẹp lòng thực khách lên đến hàng tấn. Hai chục chiếc xe “Huê Kỳ” bóng lộn đến rước dâu. Dây pháo nổ kéo dài đúng một tiếng đồng hồ, không lép một viên. Cô dâu trong bộ đồ cưới theo kiểu Tây. Cái áo soa-rê đặt may theo kiểu cô tự thiết kế và năm sáu cái áo cưới khác tốn hết đúng ba cây vàng. Lúc cô dâu sánh bước cùng chú rể lên xe hoa phải cần bốn thiếu nữ đi phía sau cô để nâng vạt áo trắng muốt. Còn chú rể Tiền thì khỏi chê! Với thân hình như người mẫu, Tiền chơi một bộ đồ vest màu trắng, càng tô thêm vẻ trẻ trung, thanh nhã, đặc biệt làm nổi bật đường nét của thân thể Tiền: bộ mặt mãn nguyện, hồng hào, đôi mắt và tóc y hệt chú rể Huê Kỳ! Hàng mấy chục cô gái quê cùng lứa với cô dâu hau háu nhìn Tiền mà thầm ao ước.

 

Tiệc cưới tổ chức tại nhà hàng sang nhất thành phố. Ngoài bia Heineken uống thả dàn, mỗi bàn tiệc còn có một chai Martell thứ thiệt, giá mỗi chai tương đương với tám phân vàng vào lúc đó. Những món ăn thì khỏi nói, thứ gì cũng nhất hạng. Ông chủ lò đường, vào lúc tiệc tàn, cao hứng thốt lên với đám bạn bè chí cốt: “Đám cưới con gái tôi đâu có thua đám cưới của con gái tổng thống, tổng trưởng ngày trước!”. Anh nông dân Hai Vịt tối ngày sấp mặt làm lụng không có lý tưởng gì hơn là được vênh vang với đời!

 

Khách khứa về hết, cô dâu được chú rể dẫn vô phòng “nhất dạ đế vương” mà chú rể đã đặt thuê trong bảy ngày liền. Như thế, họ sẽ làm đế vương liên tục trong bảy ngày đêm chứ không chỉ “nhất dạ”. Vừa cởi bỏ y phục, vàng vòng ra, Thiên Kim vừa hỏi chồng:

 

- Sao không về nhà mà ngủ khách sạn, anh?

 

- Ôi chao! Phải vậy chớ. Em đã ngủ khách sạn sang trọng như vầy bao giờ đâu? Anh chiều em mà!

 

- Cám ơn! Anh điệu quá!

 

Qua ngày thứ hai, Thiên Kim đòi về thăm nhà. Tiền kiếm cớ từ chối:

 

- Đêm qua và sáng nay, em hút kiệt sức anh rồi! Để anh nghỉ chớ! Mai mốt rồi về, sao em nôn quá vậy?

 

Thiên Kim đành vâng lời. Đúng là ngủ ở “nhất dạ đế vương” kỳ thú vô cùng. Trong đời, cô mới chỉ được đọc trong tiểu thuyết, chứ chưa hề được sống, được làm chủ một cách thực sự cảnh lộng lẫy xa hoa này. Qua ngày thứ tư, Thiên Kim lại đòi về thăm nhà. Tiền ngả bài.

 

- Làm gì có nhà. Mai, anh và em đi mua!

 

Mấy đêm rồi Tiền đã tính sẵn: số của hồi môn hai trăm cây, bỏ ra một nửa mua biệt thự mà ở, còn một nửa để xài. Có tiền, mua tiên cũng được. Chỉ nhấp nháy một tiếng đồng hồ là có nhà. Lo gì! Nghe Tiền nói, Thiên Kim chưng hửng. Cô vốn thông minh, hiểu ngay ra vấn đề:

 

- Anh gạt ba em?

 

- Ừ. Mẹo vặt ấy mà!

 

- Còn ông chú họ?

 

- Ông già cả tin quá. Anh chả có chú bác gì ráo trọi. Anh đã kể em nghe rồi: Cha chết năm mười lăm tuổi. Má đi Mỹ cùng đứa em gái, con ông Mỹ. Anh có một mình, bây giờ, có em...

 

Tiền cố tạo ra vẻ buồn tủi. Nhìn gương mặt đóng rất đạt màn kịch kẻ cô đơn, côi cút, Thiên Kim thấy nhói trong lòng. Bao nhiêu tình thương yêu vừa mới bị cơn giận toan đẩy lui, nay lại choán hết tâm can của cô. Cô thương chồng, cô không muốn thấy anh đau khổ như vầy. Cô chạy đến, quì xuống nâng cằm Tiền lên, ghì chặt gương mặt Tiền vào ngực mình. Cô khóc ròng. Đàn bà đến là lạ. Sao mà họ rộng lòng bao dung thế? Mới một phút trước đây Thiên Kim đã tưởng đời cô thế là hết! Cô đem thân trao cho một tên lường gạt, sở khanh. Nó ôm được của hồi môn rồi nó sẽ tống cô đi. Nhưng kìa, nhìn bộ mặt của chồng, lòng cô se thắt lại. Sao cô nỡ nghĩ xấu chồng đến thế? Đây là người trai lý tưởng của cô. Đây là chàng hiệp sĩ của cô. Bao nhiêu mối tình lãng mạn trong các tiểu thuyết đông tây kim cổ cũng không thể sánh bằng mối tình của Tiền và cô. Cô tự sướng. Cô tự hào. Cô muốn được biến thành hòn đá nhẵn dưới chân anh đi. Cô muốn được biến thành bọt bia bám trên mép anh, thành điếu thuốc mà anh đang hút. Nâng cằm Tiền lên, cô hôn vào vết đen mờ của chân râu, hôn vào bờ môi của anh với tất cả sự ham hố, thèm thuồng. Mắt cô nhìn Tiền. Trong đôi mắt ấy, Tiền cảm nhận được rằng đây là người vợ mà Tiền cần. Trời đã ban cho Tiền một nhịp cầu để đi tới đích giàu sang, ăn xài xả láng. Cuộc sống trong thế giới giàu sang đối với Tiền còn là những bờ bến xa lạ. Khi đến xứ lạ, cách tốt nhất là bám lấy những nhịp cầu mà đi. Ngu gì mà đi chọn con đường khác. Nghĩ vậy, Tiền ôm lấy vợ, ghì chặt. Thiên Kim như mềm nhũn trong vòng tay chồng.

 

*

*       *

 

Vừa đúng ngày mãn hợp đồng thuê phòng “nhất dạ đế vương” thì vợ chồng Kim Tiền dọn về biệt thự. Là người quen ăn xài như Tiền mà đến bây giờ mới hiểu thế nào là sức mạnh của đồng tiền! Một tên “du đãng”, “bụi đời”, “anh chị”, đã từng hai lần bị tống giam vì tội vượt biên, không hề có gốc gác ở Sài Gòn mà lo được hộ khẩu thường trú đàng hoàng, đủ tư cách pháp nhân để mua biệt thự, quả là chuyện không thể tưởng tượng được! Một kẻ như Tiền, nếu không có tiền thì chỉ có chờ đến lúc chết mới được nhập hộ khẩu để được phép đem chôn! Nhưng nào có ai tưởng tượng đâu. Đây là sự thật kia mà. Một sự thật mà hệ quả hợp pháp của hệ thống động tác rất bài bản, trong đó, vai trò người “chú họ” rất quan trọng. Nguyễn Thức làm động tác thứ nhất là “nhập” Ngô Hữu Tiền vào sổ hộ khẩu của cái nhà mà Tiền đã mượn để tiếp bố vợ tương lai. Để làm được việc này, Tiền đưa cho Thức năm cây. Thức “thực chi” hai cây. Có được hộ khẩu, Tiền mới được làm đăng ký kết hôn, thủ tục hành chính là thế. Có trời mà cưỡng lại được. Có hộ khẩu rồi mới có quyền mua nhà, trước bạ, sang tên. Nhưng ví thử cứ theo đường mà mọi người dân đang theo thì chỉ riêng việc đăng ký kết hôn cũng phải chờ đợi cả tháng trời. Tiền chỉ mất mười phút! Việc trước bạ sang tên nhà, Tiền mất vẻn vẹn một tiếng đồng hồ. Rồi đến việc tách hộ khẩu ra, đăng ký vợ chồng Kim Tiền vào sổ hộ khẩu mới theo địa chỉ của biệt thự mới mua..., nghĩa là tất tần tật cộng lại chỉ trong vòng một ngày là êm hết. Cứ như có phép thần. Phép thần ấy là vàng. Biệt thự mua với giá sáu chục cây, với sáu phòng, trang trí nội thất hiện đại, được chủ cũ bàn giao nguyên vẹn. Khuôn viên bao quanh biệt thự rộng đúng nửa mẫu trồng toàn cây kiểng quí và cây ăn quả. Dinh cơ ấy tọa lạc ngay trung tâm thành phố, là nơi lý tưởng, không phải ai cũng có duyên mua được. Tổng số vàng chi phí cho việc mua nhà, lo hộ khẩu hộ tịch, mua sắm xế nổ và đồ dùng gia đình, tổ chức tiệc tân gia... chưa tới trăm lượng. Rẻ thối! Tiền coi những việc vừa làm được nhẹ nhàng tựa như vào nhà chứa, lựa một em sạch sẽ, ngủ một đêm rồi ra đi! Sức mạnh của đồng tiền quả là ghê sợ. Có tiền mua tiên cũng được! Sao các cụ chí lý đến vậy!

 

Phát huy sức mạnh của đồng tiền, vợ chồng Kim Tiền tổ chức tiệc tân gia lớn hơn tiệc cưới rất nhiều. Tiền hiểu rằng đất có thổ công, sông có hà bá, lo cúng kiếng thần nọ thánh kia cũng không bằng lo cúng mấy ông thần sống thánh sống đang cầm quyền ở nơi biệt thự này tọa lạc. Đó là bài học mà bản thân Kim, Tiền chiêm nghiệm. Đó cũng là chân lý mà người “chú họ” cố vấn nhấn mạnh khi đề ra mục tiêu của bữa tiệc tân gia: “Bỏ ra một vài cây làm tiệc và mua quà cho tụi nó vừa được ăn, vừa được khoác lác, vừa được gói mang về cho vợ hoặc cho bồ... để rồi sau này mọi việc trơn tru, không thằng nào xía vào việc của mình nữa; khỏi con nào dòm ngó nữa! Trúng khía mới xuôi ghe. Đời là thế!”. Người chú họ quả là một “cố vấn” xuất sắc. Hai Thức lên danh sách mời thực khách không sót một ai. Toàn là “ân nhân” và “chiến hữu”, nhưng trên hết vẫn là quí ông lãnh đạo: từ cấp thành, cấp quận đến cấp phường khóm, đủ các ngành: chính quyền, công an, đoàn thể, thuế vụ... Từ ân nhân lo hộ khẩu hộ tịch đến chiến hữu lo môi giới nhà, lo mua nhà, sang tên trước bạ. Từ thầy cảnh sát khu vực ốm nhom ốm nhách, đến thầy cảnh sát giao thông đã lo cho chiếc Dream II của Tiền có bảng số 009 - chín nút... Đủ cả, không sót một ai. Mỗi thực khách được mời, nhân tiện lại kèm theo vợ con, bồ bịch, bạn hữu. Thành thử đông vui quá xá! Bàn tiệc kê cả ra ngoài hành lang và vườn hoa kiểng. Champagne khai vị nổ như pháo, chảy như suối. Rượu Martell uống thả dàn, bia Heineken như là nước lã chữa cháy! Món ăn thì tuyệt vời: Tây có, Tàu có, do một nhóm đầu bếp danh tiếng mướn từ nhà hàng xịn nhất thành phố về nấu. Trong số các món ăn này, có món yến sào tần với chim bồ câu và ngọc dương, dọn mỗi người riêng một thố, được các quí ông khen nức nở, vét đến giọt nước cuối cùng! Người ta thỏa sức ăn nhậu, thỏa sức tán tỉnh, thỏa sức khoác lác, thỏa sức hứa hẹn. Tất cả đều đã nhận chỉ, nhận cây của vợ chồng Kim - Tiền. Tất cả đều đã dùng quyền chức của mình “ban ơn” cho vợ chồng Kim Tiền. Họ tự cho mình cái quyền được hưởng thụ công khó đó. Họ được vợ chồng chủ nhân - đặc biệt là vợ chủ nhân tươi mát trẻ trung niềm nở, quyến rũ, lịch sự - đi đến từng bàn cám ơn từng người, cụng ly từng người, hò hẹn với từng người những buổi tiếp kiến riêng.

 

Sáu tháng sau bữa tiệc tân gia, vợ chồng Kim Tiền có đứa con đầu lòng. Đứa bé giống cha, lớn như thổi. Cùng với niềm vui là nỗi lo: tiền bạc cạn dần. Sau những cuộc vui liên miên hết ngày nọ qua ngày kia; sau những chuyến đi trăng mật ở Đà Lạt, Vũng Tàu, với tốc độ xài tiền như tốc độ vũ trụ... số của hồi môn hết nhẵn. Vợ hỏi: “Lấy gì sống? Lấy gì nuôi con?”. Tiền trả lời, không suy nghĩ một giây: “Bán quách khu đất bao quanh nhà, chỉ giữ lại khu cây kiểng trước nhà thôi! Mình có trồng trọt gì mà giữ đất!”. Vợ Tiền cười: “Rồi hết số tiền đó lấy gì sống? Chắc là bán luôn cái biệt thự này?”. Tiền nín thinh, không trả lời. Tiền thấy bực mình và chán. Tiền không thích nghe giọng móc mói của vợ. Tiền không thích sự phiền muộn. Tiền là tay chơi. Bản chất của Tiền là vậy. Chơi cho hết trơn rồi tính tiếp. Hơi đâu mà lo cho mệt.

 

Thiên Kim ẵm đứa con trai được sáu tháng về Bến Tre thăm ngoại. Còn một ít tiền, cô để lại cho chồng, chỉ giữ lại đủ tiền đi đường. Mục đích của cô là về xin tiền để làm ăn. Cô tính kỹ rồi. Phải làm mới có ăn, và phải làm giàu thật mau lẹ. Cô thấy người ta làm giàu lẹ lắm. Họ nói không có thời nào làm giàu lẹ như thời này. Đó là câu chuyện của mấy bà bạn giàu có, rửng mỡ, thường đến nhà Kim chơi bài hoặc rủ Kim đi thẩm mỹ viện. Kim rất ghét đồ giả, nhưng nể họ, cũng theo họ đi coi cho biết họ sửa mũi, sửa vú, khâu hẹp chỗ kín như thế nào. Cô sẽ năn nỉ ba má cho hai trăm cây nữa để mua máy xúc, xe ủi. Phải mở một tổ hợp xây dựng. Nghề của chồng cô là xây dựng cầu đường kia mà. Ảnh đã từng nói là kỹ sư giỏi nhất kia mà!

 

Ông bà ngoại giữ con gái và cháu ở lại chơi được ba ngày thì Kim ẵm con lên Sài Gòn. Kim nhấn chuông liên hồi và đứng chờ cả nửa giờ đồng hồ mới thấy chồng hớt hải ra mở cửa. Thì ra Tiền đang... ngủ với gái. Máu ghen nổi lên, Thiên Kim rủa chồng như bất cứ người vợ nào phát hiện chồng ngoại tình. Nhưng khác mọi người ở chỗ: Cô không lớn tiếng, không để lộ chuyện cho người ngoài. Cô cất hai trăm cây vàng đi, và đến đêm cấm chồng vô phòng ngủ. Tiền lại giở sở trường của mình: đóng rất đạt vai kịch của anh chồng ăn năn hối lỗi:

 

- Anh có lỗi, em tha cho anh!

 

- Đồ thất nhân tâm! Vợ ôm con về ngoại xin tiền để lo làm ăn, còn chồng thì rước gái về nhà. Đồ dê chó!

 

- Đúng! Anh thật khốn nạn. Nhưng chuyện qua rồi, em có rủa mãi cũng vậy thôi. Anh xin thề từ nay về sau...

 

- Im đi!

 

- Nhưng mà... - Tiền vẫn kiên nhẫn năn nỉ. Bằng giọng thiểu não, Tiền quyết định đánh đúng vào chỗ yếu nhất trong tâm lý của vợ - Em cũng phải hiểu cho anh. Một thằng đàn ông sung sức như vầy... Chồng em ngon lành vầy mà vợ bỏ đi biền biệt thì anh chịu sao thấu?

 

Cái lý lẽ của Tiền nó chân thực đến mức khiến Kim ngẩn người ra. Té ra là lỗi tại cô! Tại cô nên chồng mới rước gái về! Có lẽ... phải là người ham dục tình như cô, mới thông cảm được tội lỗi của chồng.

 

Thế là huề. Trúng khía là xuôi ghe!

 

*

*      *

 

Cuộc hội ngộ đầu tiên giữa Tiền và đại tá Đôn được coi là “trời xui đất khiến”. Đó là họ tự đánh giá với nhau, mãi về sau này, khi nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên. Trong cuộc ấy, Tám Đôn đã mua phải bộ sưu tập dỏm.

 

Số là, hồi nhỏ Tiền ở với cha dượng, mê lấy cái đam mê của ông Mỹ về thú chơi tiền. Ông này có trong tay những bộ sưu tập tiền cổ của các nước trên thế giới. Đây là một thú chơi, cũng là một nghề kinh doanh hốt bạc triệu. John - tên người cha dượng của Tiền - rất tự hào vì đã ba lần đoạt cúp trong các cuộc thi sưu tập tiền cổ. Nhiều bộ sưu tập của John được bán giá chục triệu đôla. Lần thứ nhất, John đoạt cúp ở Hoa Kỳ. Lần thứ hai ở Pháp. Lần thứ ba ở Anh. Đến cuộc thi qui mô toàn thế giới thì John thất bại, chỉ đứng thứ nhì. Người đoạt cúp là một thương nhân Tây Đức, chỉ hơn John độc một bộ tiền cổ của các nước Đông Nam Á. John uất vô cùng. Thế là công toi. Lẽ ra John đã có thể hốt cả vài chục triệu đôla nhờ cuộc thi này và tên John đã được ghi vào sách Guiness rồi. Máu mê trỗi dậy, John quyết định giao lại cơ nghiệp cho vợ quản lý, rời nước Mỹ, tình nguyện qua Việt Nam. Vốn là tiến sĩ sử học cho nên John được làm cố vấn cho Bộ Phát triển các sắc tộc. Trong công việc vô cùng nhàn nhã và hứng thú này, John đã vớ bẫm, liên tục trúng mánh vì viện trợ Mỹ rót vào công việc này quả là to lớn. Khốn nỗi, nạn tham nhũng đang chế ngự toàn xứ sở; tham nhũng ở đây còn khủng khiếp hơn cả chiến tranh! Cho nên đồng bào các sắc tộc chả được xơ múi gì. Chỉ tổ đầy nhóc túi các quan chức. John - một kẻ quá lõi đời về cung cách kiếm tiền, làm cố vấn cho các quan chức bản xứ - tất nhiên cũng được chia phần. John có điều kiện đi khắp các vùng của tất cả các nước Đông Nam Á. Và, chỉ sau hai năm, John đã có một bộ sưu tập tiền cũ trội gấp ngàn lần bộ sưu tập của người Đức đã đánh bại John. Mấy năm sống với John, Tiền đã hấp thụ vào máu thịt triết lý sống của John: Một, phải thực dụng và không từ một thủ đoạn nào để đạt mục đích kiếm tiền. Hai, phải biết ăn chơi, đời người rất ngắn. Không biết ăn chơi nghĩa là tự khai tử mình khi còn ở tuổi thiếu niên! Cùng với triết lý sống ấy là những đam mê: mê chơi gái, mê chơi tiền cũ. Tiền còn nhớ như in câu nói của John: “Có tiền là coi như cả thế giới ở trong túi! Đồng tiền là biểu hiện thống nhất ý chí và tham vọng của con người. Nhìn một đồng tiền cũ, cách đây vài ngàn năm, ta có thể nhận ra máu xương, nước mắt, nụ cười của nhân loại thời ấy! Con người chỉ khác con vật ở một điểm duy nhất: ấy là biết xài tiền. Tiền - là sự cao quí duy nhất mà con người hơn hẳn con vật!”.

 

Tại nhà riêng, John dành hẳn một phòng riêng để trưng bày tiền cũ. Tất nhiên là chỉ trưng phiên bản. John tốn rất nhiều tiền để thuê phục chế những đồng tiền cổ. Bản chính, John cất rất kỹ trong một chiếc valy đạn bắn không thủng, lửa đốt không nóng chảy, được khóa bằng loại khóa điện tử đặc biệt. Suốt bốn năm năm trời ở với John, Tiền chỉ được John mở cái valy ấy cho xem có ba lần. Tại phòng trưng bày tiền cũ của John, Tiền đã từng thức trắng nhiều đêm để cùng với John nhìn ngắm như thôi miên một đồng tiền vừa mua được. Trong đó, có một đồng tiền, theo lời John được lấy ra từ trong miệng của tử thi Tần Thủy Hoàng. Sau khi khai quật mộ Tần Thủy Hoàng không bao lâu thì đồng tiền này bị đánh cắp. Trải qua bao nhiêu tay buôn và tay chơi, cuối cùng đồng tiền ấy tới tay John. John khoe với Tiền! John đã sưu tập gần đủ những đồng tiền của tất cả bạo chúa trên thế giới thường hay đeo bên mình, hoặc được chôn theo khi chết! Bộ sưu tập này, khi hoàn chỉnh, sẽ đưa John lên hàng tỉ phú của nước Mỹ.

 

Cậu học trò của John vốn thông minh - con lai thường thông minh - đã tiếp thu một cách sâu sắc và thực hành càng xuất sắc hơn triết lý sống và những thú đam mê của John. Chỉ riêng thời gian học trung học, cậu đã dan díu với hàng chục nữ sinh, làm cho ba cô mang bầu. Có một cô vì ghen đã uống thuốc ngủ, may mà được cứu kịp thời. Duy chỉ có thú chơi tiền cũ là chưa được Tiền theo đuổi. Bộ sưu tập tiền cũ (tất nhiên chỉ là phiên bản) của Việt Nam mà John tặng cho Tiền khi vô lính, đã bị Tiền bán để ăn. Đó là thời điểm Tiền bơ vơ không nơi nương thân sau khi chạy về Sài Gòn tìm mẹ. Phải đến lúc ông giám đốc kia đi du học chín tháng ở nước ngoài và Tiền được bà giám đốc rước về quản lý bà cùng cái biệt thự quá sang trọng, thì Tiền mới bắt đầu trở lại với thú đam mê chơi tiền cũ. Nguồn ngân sách do bà giám đốc cấp tưởng như vô tận. Chỉ trong hai ba tháng, Tiền đã mua lại được gần chục bộ sưu tập có giá nhất của dân chơi Sài Gòn. Toàn bộ thời gian của Tiền lúc đó chỉ dành cho hai loại công việc: thỏa mãn bà giám đốc và đi mua các bộ sưu tập tiền cũ! Chẳng bao lâu, trong giới ăn chơi Sài Gòn, tên của Tiền đã được trước bạ!

 

Một lần, theo môi giới, Tiền mò vào một con hẻm dài, sâu và tối như một lỗ huyệt. Dân ken[HCOs1]  Sài Gòn không ai lạ gì con hẻm này. Nó có tên là “Bướm Vàng”, tụ điểm buôn bán, chích choác xì ke nổi tiếng. Tiền phải gặp một dịch giả đã từng nổi tiếng một thời trước năm bảy mươi lăm, chuyên dịch những truyện viết về maphia Hoa Kỳ. Anh ta đang cần bán một bộ sưu tập tiền cũ. Theo lời của người môi giới thì đây là bộ sưu tập cuối cùng, có giá nhất, ngoài những bộ mà Tiền đã mua được. Trong thứ ánh sáng nhờ nhờ của căn phòng nồng nặc mùi mồ hôi, mùi á phiện và đủ thứ mùi của dân ghiền thải ra, Tiền đã gặp dịch giả. Nhưng trước mặt dịch giả đã có một người. Ông này cao lớn, mặt vuông vức, mắt hơi xếch và trắng dã, lông mày rậm rì, hai vành tai to, cái gáy phẳng lỳ. Ông ta trả giá khá cao. Nghe giọng nói, Tiền đoán ông ta là người miền Trung, giọng nặng, rất khó nghe. Mãi về sau này, Tiền và Tám Đôn mới gắn bó với nhau, chịu ơn nhau, chứ còn ở phút đầu gặp gỡ, Tiền thấy căm ghét thằng cha già muốn nẫng tay trên của Tiền. Tiền không biết và cả người bán cũng không biết đây là ông đại tá. Ông ta mới học được cái thú chơi tiền cũ từ sau khi giúp đỡ cho một nhà tư sản lớn ra đi hợp pháp. Để trả ơn, nhà tư sản đã kỷ niệm cho Tám Đôn một ít tiền, một ít vàng và đặc biệt là bộ sưu tập tiền cũ. Trong những lần được mời đến nhà “thân chủ” dự tiệc, Đôn đã bị thân chủ truyền cho cái thú mê chơi tiền; và riêng Tám Đôn đã mê cô con gái út của “thân chủ”. Cô này ba mươi tuổi, chồng đang cải tạo ở miền Bắc. Không biết rằng tại cái gì, tại cô con gái út quá xinh đẹp đã chiều chuộng Tám Đôn, hay là tại Tám Đôn mê chơi tiền cũ, hoặc là tại cả hai, cho nên, sau đó, Tám Đôn đã lo cho cả gia đình thân chủ xuất cảnh hợp pháp. Ông con rể, chồng cô út, đang học tập cải tạo cũng được Đôn lo cho ra trại sớm để đi nước ngoài! Gia đình ông tư sản đi ra sân bay buổi sáng thì buổi chiều, gia đình ông đại tá Đôn dọn đến, sử dụng căn nhà còn nguyên vẹn tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Tất nhiên, danh chính ngôn thuận thì ông Tám Đôn được nhà nước cấp nhà. Nhà cũ của ông, căn hộ “quá chật hẹp”, chỉ rộng có trăm mét vuông, giao lại cho con trai lớn. Vợ chồng Trần Hòa, con trai lớn của ông làm việc ở hải quan. Từ giờ phút này, tòa nhà hai lầu đúc, thuộc quyền sở hữu của Tám Đôn. Gia đình ông ở đây có ba người: ông, vợ ông - một bà vợ hiền thảo, sợ chồng như sợ cọp - và con trai út của ông, một thuyền trưởng tàu viễn dương mới tròn hai mươi bảy tuổi vừa học ở nước ngoài về.

 

Tám Đôn mê chơi tiền từ khi dọn về căn hộ này. Tiền thật thì Đôn mê từ lâu rồi. Từ hồi nhỏ, Đôn đã hiểu sức mạnh của đồng tiền. Bố Đôn trở thành tên ăn trộm nổi tiếng một vùng chỉ là vì tiền. Bố Đôn ghiền rượu và ghiền cờ bạc. Vừa ở tù về, thèm rượu quá, hết tiền, bố Đôn lại đi trấn lột. Giữa ban ngày, chẳng may ông làm chết người ta vì “lỡ bóp cổ mạnh quá”, như lời tự khai trước tòa. Chú ruột của Đôn lúc đó là trương tuần, một người có chút ít ruộng đất, chăm làm không cờ bạc, rượu chè. Đặc biệt, nhờ ông trương tuần này mà dân trong xã được yên ổn, nạn trộm cắp không còn. Người anh ruột ông trương tuần - tức bố của Đôn - đi tù mãn hạn, trở về làng được vài ngày thì nạn trộm cướp lại dấy lên. Cho đến ngày xảy ra án mạng, chính ông trương tuần phải bắt trói anh ruột mình giải lên huyện. Ông thuê luật sư kháng án, giảm được cho anh ruột từ án tử hình xuống án chung thân. Năm bố bị đi tù chung thân, Tám Đôn mới mười lăm tuổi. Đôn qua ở với chú ruột. Đôn thứ tám. Trước Đôn và sau Đôn, cả thảy bảy anh chị em đều chết trong một nạn dịch cùng với mẹ. Chỉ có Đôn sống sót. Một năm sau, có người ở phiên chợ huyện diễn thuyết. Hôm ấy nhằm đúng ngày Đôn xúc trộm lúa của chú ruột đi chợ bán. Đôn thường làm thế vì luôn luôn đói, luôn luôn thèm khát đủ thứ. Bán được bao nhiêu tiền, Đôn ăn cho đã đời ở phố huyện rồi mới về. Sau khi căng bụng, Đôn nghe được cuộc diễn thuyết. Do không được học hành, Tám Đôn đâu có hiểu được lý lẽ của người diễn thuyết. Đôn chỉ nhớ có một điều, nó thiết thực với chính bản thân Đôn: “Chúng ta đói rét, cực khổ là vì bọn địa chủ cường hào ác bá, bọn đế quốc xâm lược. Muốn hết cực khổ chỉ có cách duy nhất là tiêu diệt bọn địa chủ cường hào ác bá, bọn đế quốc xâm lược”. Thế là Tám Đôn quyết định: phải đi làm cách mạng! Hành động cách mạng đầu tiên của Đôn là đang đêm, dùng dao thọc tiết heo đâm chết ông trương tuần, rồi trốn đi.

 

Lên căn cứ, Đôn được huấn luyện trở thành một đội viên diệt tề trừ gian. Tám Đôn liều mạng nên vụ nào cũng thành công. Trong suốt thời gian này, Đôn thực sự nằm gai nếm mật, vào sống ra chết nhiều phen. Vào lúc cực khổ nhất, Đôn càng hiểu sức mạnh của đồng tiền. Nếu có tiền, Đôn sẽ sung sướng, phởn phơ ở thành phố, chứ đâu phải nằm bờ ăn bụi như vầy. Càng cực khổ, Đôn càng liều. Nhiều tên Việt gian khét tiếng tàn ác, có nhiều nợ máu đã bị Đôn chém đầu hoặc bắn chết. Sau khi khử xong kẻ thù, bao giờ Đôn cũng lột sạch tiền bạc và tư trang để có tiền ăn uống cho đã thèm. Thế rồi Đôn tham gia cướp chính quyền ở huyện, ở tỉnh. Đó là những ngày hội lớn. Lần đầu tiên, Đôn được đi giữa thành phố vào ban ngày, được ăn uống no say, và được cô con gái con một nhà giáo say mê. Đôn xin phép đơn vị cho làm đám cưới. Cưới xong thì toàn quốc kháng chiến. Đôn lên rừng, phải ba năm sau mới đón được vợ lên. Người vợ vừa làm y tá cho đơn vị, vừa làm cô giáo. Cô dạy ai cũng được, chỉ trừ chồng mình. Đôn không chịu học vì học mãi không vô! Năm ấy, Đôn vẫn mù chữ. Thành tích chiến đấu của Đôn ngày càng lớn. Năm bốn mươi bảy, Đôn được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Ngay sau đó, được giao phụ trách trại tù, chuyên tra lấy hỏi cung. Hiệp định Giơ-ne-vơ năm một ngàn chín trăm năm mươi tư được ký kết, Đôn cùng vợ con được tập kết ra Bắc. Cuộc sống vô cùng gian khổ, thiếu thốn. Vợ Đôn quả là một người vợ hiếm có. Chị không hề kêu than, cắn răng chịu đựng, nuôi chồng nuôi con bằng chính đồng lương của mình. Lúc này, con trai lớn của chị đã được bốn tuổi, và đứa thứ hai được gần đầy năm. Đôn sống như bạo chúa trong nhà. Tiền lương của mình, Đôn không hề đưa cho vợ. Đôn thèm khát có tiền để được ăn chơi. Nhưng đào đâu ra! Chỉ còn biết trông chờ vào số quà cáp của những người muốn vô trại tù thăm nuôi. Về sau, Đôn có mánh mới: bắt mối với mấy cô gái con nhà tư sản. Công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc đã cho Đôn một bài học: Nếu khôn ngoan, có thể kiếm chác được rất nhiều! Vì chuyện này mà Đôn bị tước quân hàm đại úy, bị cách chức đội trưởng cải tạo, và suýt chút nữa thì bị khai trừ khỏi Đảng. Đôn phải tìm gặp lại Người-Diễn-Thuyết ở phiên chợ huyện năm xưa, người đã dắt Đôn theo cách mạng. Nhờ sự can thiệp của người này mà Đôn không bị đuổi khỏi Đảng. Một năm sau, Đôn được trao lại quân hàm đại úy. Sau cuộc này, bài học thứ hai mà Đôn nhớ đời là: phải có người đỡ đầu, phải có ô dù, băng nhóm. Khi Đôn kiếm chác được trong chiến dịch cải tạo, Đôn cho rằng, có kẻ không kiếm chác được đã tố cáo. Lẽ ra Đôn phải chia cho nó, hoặc là cùng lôi nó vào cuộc. Sai lầm của Đôn bắt Đôn phải trả giá. Nhưng, hai bài học lớn ấy đã làm cho Đôn khôn hẳn lên, vững vàng hẳn lên.

 

Đôn sợ nhất cái cảnh sống giữa thành phố mà ít tiền, hết tiền. Cái sợ thứ hai là sợ học. Lúc đó, Đôn đang học bổ túc văn hóa lớp bốn. Đôn học không vô. Đôn ký tên cũng rất khó nhọc. Tên của Đôn là Trần Ngọc Đôn, Đôn ký tên là Ngọc Đôn, nhưng vì viết không thạo nên chữ ký ấy trở thành Ngục Đôn, lâu ngày quen đi. Cũng có thể tại Đôn làm ở trại tù, tức là cai ngục nên Đôn mới ký như thế. Vì hai nỗi sợ ấy mà khi có lệnh cử người vào Nam, Đôn tình nguyện đi ngay. Lá đơn của Đôn viết bằng máu chích từ ngón tay. Thành tích chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp của Đôn, cộng với lá đơn viết bằng máu - đã giúp cho Đôn được đi Nam, đợt đầu tiên,

 

Lại công việc quen thuộc: phụ trách trại giam. Đôn làm việc này cho đến chiến dịch Mậu Thân thì được giao công tác tiếp đón người của biệt động nội thành đưa ra. Năm một chín bảy hai, Đôn đã bốn mươi tư tuổi, móc nối được cô em út của vợ từ Sài Gòn lên căn cứ. Cô này tên Phụng, đẹp hơn chị Hai Loan tức vợ Đôn rất nhiều. Tất nhiên, vì Phụng còn trẻ, mới ba mươi tuổi. Một năm đầu, Phụng chỉ được anh rể cho làm cấp dưỡng. Nhưng đến năm bảy mươi ba, khi Hiệp định Paris được ký kết thì Phụng trực tiếp làm công việc cùng với Đôn. Từ đó, nhiều chiến sĩ biệt động bị địch bắt ngay tại nhà mình. Nhiều trận đánh được chuẩn bị rất chu đáo, nhưng gần đến giờ G thì bị lộ. Ngay cả căn cứ cũng bị ném bom, phải di chuyển hai ba lần. Không tìm được nguyên nhân. Không ai biết vì sao. Cũng như không ai biết được Phụng đã ăn ở với Đôn như vợ chồng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Phụng đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản, tất nhiên, do Đôn giới thiệu. Sài Gòn giải phóng, vợ con Đôn vô Sài Gòn. Vợ Đôn nhận ra mối quan hệ tội lỗi của chồng với cô em út, nhưng bị Đôn áp chế, chị chỉ biết âm thầm chịu đựng đau khổ. Đôn ngày càng khi rẻ vợ. Lúc này Đôn đã là trung tá, được đi nước ngoài hai ba chuyến tu nghiệp và tham quan. Đôn đã có vây cánh. Đôn tin một cách chắc chắn rằng mình sẽ còn được thăng tiến vù vù.

 

Nhưng… trớ trêu thay. Bốn năm sau ngày Sài Gòn giải phóng, tài liệu lưu trữ của cơ quan tình báo CIA đã hại Đôn. Trong một tấm ảnh cỡ 9cmx12cm chụp lễ chào cờ tại trung tâm huấn luyện “Phượng Hoàng”, người ta đã phát hiện ra gương mặt cô Phụng. Tài liệu gốc của CIA ghi rõ: Phụng với bí số A126 được tuyển vào đội quân Thiên Nga. Đội quân này có nhiệm vụ đánh phá Cộng sản từ trong đánh ra và phục vụ kế hoạch hậu chiến. Phát hiện về Phụng được báo cáo lên trên, Phụng sẽ bị bắt vào đầu giờ làm việc ngày hôm sau. Đại tá Đôn được bí mật thông báo sự kiện này. Và Đôn ra tay. Phụng không hề bị bắt. Bởi vì ngay tối hôm đó, sau khi nhận được cú điện thoại của Đôn gọi từ một nhà hàng mời Phụng đi ăn tối như thường lệ, Phụng ra khỏi nhà. Trong khi băng qua đường để kêu xích lô, như thói quen của cô mỗi lần đi chơi với Đôn, thì cô bị một chiếc xe tải cán bể sọ, chết ngay tức khắc.

 

Chuyện đó xảy sau khi đại tá Đôn chuyển gia đình đến tư dinh của nhà tư sản vừa đi xuất cảnh hợp pháp được nửa năm trời. Công an Việt Nam đã từng đánh bại cả Phòng Nhì lẫn CIA, đâu phải con nít. Cái chết của Phụng được người ta xem như màn kịch nhằm bịt đầu mối… Nghĩa là… có ý kiến cho rằng Đôn “có vấn đề”. Không thể hiểu được những gì đã xảy ra cho Đôn. Chỉ biết rằng đó là thời kỳ đầy căng thẳng cho một kẻ hãnh tiến luôn luôn có khát vọng làm thủ trưởng, làm ông chủ, quyền lực giàu có. Người ta đòi truy tố Đôn. Thế nhưng, vào phút chót, Người-Diễn-Thuyết ở phiên chợ huyện năm xưa lại ra tay cứu độ. Tám Đôn được chuyển qua công tác khác, không còn ở vị trí “quyền sinh sát” như trước nữa.

 

Sau cái chết đầy uẩn khúc của cô em út, bà Loan lâm bệnh trầm trọng. Căn bệnh này sẽ bám lấy bà cho đến cuối đời chăng? Bà bị bệnh tâm thần. Mỗi khi lên cơn, bà toàn nói chuyện ai đó giết người thuê, ai đó thuê người ta giết người. Nghe cứ rợn cả người. Ông Đôn đưa vợ vào nhà thương điên. Và thế là xong! Ở nhà, ông tiếp tục hái ra tiền ở cương vị mới, tiếp tục chơi bời và… đặc biệt là dành nhiều thời giờ đi sưu tập tiền cũ. Tại hẻm Bướm Vàng, Tám Đôn trở thành đối thủ của Tiền khi cả hai đều muốn mua bằng được bộ sưu tập tiền cũ của dịch giả ghiền xì ke.

 

Giống như một cuộc đấu giá, bộ sưu tập đáng giá hai cây vàng đã bị hai kẻ đam mê và ganh nhau đẩy lên ba cây. Người thắng cuộc là Tám Đôn, chịu mua với giá ba cây rưỡi. Vậy mà khi bộ sưu tập đã được Tám Đôn mang lên xe hơi rồi, Tiền vụt nói:

 

- Thưa ông! Tôi xin trả bốn cây để được làm chủ bộ sưu tập!

 

Giọng nằng nặc khó nghe, đáp lại Tiền:

 

- Này, ngông cũng ngông có độ, có hạn. Chú mày ngông quá có ngày chết!

 

- Nếu ông không chịu, tôi trả ông… bốn cây rưỡi!

 

- Khùng!

 

- Năm cây! - Mặt Tiền như co rúm lại, năn nỉ thiểu não.

 

Cửa xe đóng sập lại. Tám Đôn ra hiệu cho tài xế. Tiền nắm lấy tay Tám Đôn:

 

- Sáu cây!

 

- Trời đất! Chắc thằng này điên. Nào! Lên đây!

 

Tiền run bắn người. Tính chọc lão già cho vui, ai dè lão bằng lòng. Vàng đâu mà trả? Bà giám đốc điên cỡ nào cũng không thể bỏ ra ngần ấy vàng.

 

Cửa xe mở ra. Tám Đôn ra hiệu cho Tiền lên xe.

 

- Tao cho chú mày lên xe để khoe bộ sưu tập của tao. Còn thứ này, tao vì ngông mà mua với giá đó, chớ nó đâu có đáng cao giá vậy. Chú mày thích, tao để lại cho bằng giá vốn đó.

 

- Dạ, tôi không dám. Làm vậy là xúc phạm đến ông!

 

Tám Đôn khoe với Tiền bộ sưu tập mà Đôn thích nhất, đi đâu cũng mang theo kè kè. Tiền xem rất chăm chú. Tiền như quên mất cả chính mình, thân phận của mình. Chợt Tiền dừng lại ở bộ sưu tập ông ta vừa mua:

 

- Trời đất! Nó đây rồi! - Tiền hét lên.

 

- Cái gì?

 

- Đúng rồi, ký hiệu của John đây rồi!

 

- Cái gì? Tại sao chú mày tái mét đi như sắp chết?

 

Tiền dùng kính lúp soi thật kỹ ở mặt sau của đồng tiền thời nhà Trần. Nét khắc chữ J không thể nhầm lẫn. Đủ bộ năm chục đồng tiền cổ mà John đã tặng cho Tiền khi nhập ngũ. Tất cả đều là của giả! Là phiên bản. Bộ sưu tập này John chỉ thuê làm một bản giả, và đem tặng Tiền. Quí là quí ở chỗ đó. Tuy giả nhưng như thật. Đố kẻ nào phát hiện ra trừ khi dùng đồng vị phóng xạ. Năm bảy mươi lăm, Tiền đã bán bộ sưu tập giả này để lấy mười lăm ngàn đồng, đủ sống lay lắt trong vòng hai tuần lễ. Trái đất tròn, bây giờ gặp lại nó. Tiền kể đầu đuôi câu chuyện cho Tám Đôn nghe. Đôn lặng người không nói được câu nào. Phải mười phút sau, Đôn mới rít lên:

 

- Đồ chó đẻ! Tao chưa hề bị thằng nào lừa, mà nay để cho một thằng xì ke nó lừa!

 

- Xin ông bớt nóng. Tôi biết là ông xót của. Nhưng thử hỏi, trên khắp đất nước này ai có được bộ sưu tập tiền Việt cổ đầy đủ như ông?

 

Đôn lại rít lên:

 

- Nhưng là đồ dỏm! Đồ dỏm! Vậy mà… chú mày còn đòi trả cho tao sáu cây! Đó, ôm đi, tao chỉ cần sáu chỉ!

 

- Ấy! Xin ông chớ vội vàng. Nếu gặp khách ngoại quốc, ông sẽ có cả vài ngàn đôla! Bất kỳ ai cho dù sành đồ cổ cách mấy, cũng không thể phát hiện.

 

- Chú mày câm ngay! Tao là đại tá Đôn, hiểu không? Tao đâu có khùng mà chịu mất ba cây rưỡi vàng để ôm về thứ dỏm? Tiền phải đẻ ra tiền! Đây đâu phải là thứ đam mê vớ vẩn! Tao chơi tiền cổ để sau này hốt bạc triệu. Triệu đôla chứ không phải thứ bạc giấy lộn ở xứ này! Mày hiểu chứ! Tao - tao không cho phép bất cứ đứa nào gạt tao. Chú mày coi đây! Tao sẽ cho còng đầu thằng xì ke đó, bắt nó nôn ra đủ số vàng cho tao!

 

Những âm về sau, Đôn gầm lên thì đúng hơn là nói. Đôn ra hiệu cho lái xe. Nhanh như cắt, Tiền lao ra khỏi xe Đôn. Tai bay vạ gió! Chuồn là thượng sách. Biết đâu, lão lại chẳng khép mình vào tội cò mồi, đồng bọn với tên lường gạt.

 

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Tiền và đại tá Đôn là như thế. Cả hai, không ai ngờ được rằng, bảy năm sau cuộc gặp gỡ trời xui đất khiến đó, họ lại tìm đến nhau, lợi dụng nhau, cùng chung mục đích là tiền. Có tiền là coi như có thể bỏ túi cả thế giới.

 

Về phần dịch giả nọ, sau khi bán bộ sưu tập được ba cây rưỡi, chàng ta trả nợ cho chủ tiệm chích tại hẻm Bướm Vàng hết nửa cây, tự tay chàng đốt cuốn sổ nợ. Hôm đó là ngày chàng chích xả láng. Từ lúc bán được bộ sưu tập đến đêm khuya, khi chàng rời ổ chích, chàng đã chơi cả thảy bốn cữ, mỗi cữ ba xê đúp(4) .

 

Sớm ngày hôm sau, một nữ công nhân vệ sinh trông coi khu vực công viên Gia Long đã phát hiện ra chàng dịch giả nằm dưới gầm ghế đá. Ở cổ chàng còn hằn rõ vết bầm của sợi dây siết cổ. Chàng dịch giả ghiền xì ke chết không phải vì đói thuốc mà vì ba cây vàng trong túi mình.



(1) Khoẻn (tiếng lóng): một chỉ vàng.

(2) Boa - cách nói gọn theo tiếng Pháp: pour boir.

(3) Chỉ những dân tộc ít người sống trên miền cao nguyên.

(4) Xê đúp (tiếng lóng): mỗi xê đúp bằng 2cc.


Chương : 1   2    4    6   
Triệu Xuân
Số lần đọc: 5509
Ngày đăng: 19.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm
Đất rừng phương nam - Đoàn Giỏi
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Nắng quái - Trầm Hương
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)