Vùng rừng núi bao la giáp giới bốn nước gồm phía bắc Miến Điện, bắc Thái Lan, phía tây nước Lào và nam Trung Quốc tạo nên vùng “Tam Giác Vàng” nổi tiếng hoàn cầu, nơi sản xuất một phần lớn ma túy cho hành tinh. Vào mùa xuân năm một ngàn chín trăm tám mươi hai, Thái Lan cho quân đội tấn công vào đại bản doanh của vua thuốc phiện Khunsa. Quân đội San hợp nhất chống cự kịch liệt. Sau ba ngày đêm đương đầu với máy bay ném bom, pháo các loại và gần một ngàn lính Thái, vua thuốc phiện Khunsa hạ lệnh rút lui qua đất Miến Điện. Đô thành thuốc phiện Banhintex trở thành đống gạch nát. Quân Thái chết mười sáu người. Quân của Khunsa chết sáu chục, bị thương hàng trăm người. Nhưng Khunsa và bốn ngàn lính của Khunsa trốn thoát. Giả tỉ như quân đội Thái Lan thông báo và đề nghị Miến Điện phối hợp thì chắc chắn Khunsa đã bị bắt rồi. Chính phủ Thái Lan treo giải thưởng hai mươi lăm ngàn đôla cho ai lấy được đầu của Khunsa. “Cuộc chiến tranh thuốc phiện” tháng hai năm một ngàn chín trăm tám mươi hai như báo chí khắp thế giới đua nhau đưa tin, bình luận, không làm ảnh hưởng đến sản lượng héroine(1) hàng trăm tấn mà vùng Tam Giác Vàng sản xuất mỗi năm. Nhưng cuộc chiến đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thuốc phiện mà Tam Giác Vàng tuồn về Sài Gòn qua các ngả Thái Lan - Campuchia, Lào - bắc Việt Nam, Lào - Campuchia. Tất cả đều hướng về Sài Gòn. Ma túy về tới Sài Gòn, một phần tiêu thụ tại chỗ, một phần “tái xuất” qua ngả đường biển - tức là qua gia đình Hai Thức. Những hàng hóa do tàu buôn mang tới cho Thức, được đổi lại bằng á phiện, bằng vàng, đôla, nhưng đa phần, thuốc phiện là phẩm vật thanh toán có giá nhất. Đường dây cung cấp á phiện từ Tam Giác Vàng qua ngả Thái Lan - Campuchia về Sài Gòn bị gián đoạn do cuộc chiến vừa nói ở trên. Nhân vật chính của đường dây này đã bị tử nạn trong thành phố Banhintex. Đường dây bị đứt, Thức và giới buôn lậu ma túy ở Sài Gòn chỉ còn biết trông chờ vào nguồn á phiện từ Lào qua bắc Việt Nam vô Sài Gòn. Mãi cho đến khi Tám Đôn qua làm Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Vận tải biển, nhờ Tám Đôn sai đám đệ tử đang ở Nam Vang móc nối, tuyến buôn lậu Chiềng Mai(1) - Campuchia - Sài Gòn được khôi phục. Từ đó, mỗi tháng có một chuyến hàng về. Hàng tháng, từ nguồn lợi nhuận thuốc phiện, Thức nộp cho Đôn năm cây vàng.
Mỗi lần nộp vàng, Thức nói: Sản phẩm của Vùng Tam Giác! Thế là Đôn hiểu. Bàn tay to bè của Đôn, trong tích tắc, nhét gói vàng vào túi, rất an tâm. Đôn không cần biết thuốc phiện là cái gì, nó tác hại như thế nào! Mặc xác mấy thằng ghiền! Cho đến một hôm…
Thức hốt hoảng tìm Đôn. Đôn quắc mắt:
- Tao đã biểu mày không được gặp tại phòng làm việc kia mà.
- Xin anh Tám thứ lỗi. Có chuyện gấp quá.
Đôn đóng chặt cửa phòng lại, mở hết cỡ âm lượng máy thu hình đang chiếu phim chương trình của đài Mátxcơva để không cho ai có thể nghe lén.
- Nào, nói mau!
- Công an phường Mười hai đang khám xét nhà một năm một.
- Hàng gì ở đó?
- Héroine!
- Nói mẹ nó tiếng Việt cho dễ hiểu!
- Dạ, héroine là bạch phiến, thứ hàng đặc biệt chế từ thuốc phiện. Bọn phường Mười hai được mật báo là trong nhà một năm một có á phiện!
- Rồi! Bao nhiêu kilô?
- Dạ, hai chục kí. Em để đó vì sáng mai mới đưa xuống tàu!
Tám Đôn suy tính một hồi, rồi quay số điện thoại của Ba Hoành:
- Ba Hoành đấy à! Ra tay gấp nghe! Ừ, á phiện! Hai chục kí. Nhà một năm một. Ừ, “bến cảng” mà tôi đã cho chú cập bến mấy lần rồi, nhớ không? Bọn công an phường Mười hai nó đang xét, chắc là nó sẽ tìm ra. Vậy, chú tức tốc cho người đến, hốt về, cả chủ nhà lẫn hàng. Nhớ cho kiểm tra xác định ngay. Nếu nhầm lẫn, không phải á phiện thì tức khắc thả chủ nhà ra! Nhớ xin lỗi người ta. Rõ chưa?
Đôn cúp máy, thở ra, nhẹ nhõm, rồi hất đầu ra hiệu cho Thức đi.
- Xong rồi!
- Dạ, đa tạ ông chủ! Anh Tám đúng là ông chủ đầy quyền lực.
Nhận được điện báo của phường Mười hai, Lê Dung phóng xe tới nhà 151 thì trưởng công an phường báo cáo với anh rằng Ba Hoành đã lập biên bản và bắt chủ nhà cùng hàng hóa đi rồi.
Ba tiếng đồng hồ sau, xe công an đưa chủ nhà 151 về tận nhà và khuân từ trên xe xuống một bao tải đựng muối, y hệt như chiếc bao tải đã được bắt đi trước đó. Người đọc lệnh bắt bây giờ lại ngỏ lời xin lỗi chủ nhà; và sau đó, khiển trách công an phường rằng hồ đồ, xâm phạm quyền công dân! Người ta mua muối về ăn mà vu cho là buôn á phiện.
Lê Dung rầu rĩ nói với thiếu tướng:
- Đây là một trò ảo thuật!
*
* *
Nguyễn Thanh nhận quyết định làm Tổng Giám đốc. Tám Đôn nộp đơn xin nghỉ hưu.
Đôn chủ động xin nghỉ hưu. Vì không được làm Tổng Giám đốc, Đôn còn thiết gì nữa mà ở lại. Tiền của đầy nhà rồi, ăn chơi thả dàn cho sướng thân, tội gì ngồi ôm cái ghế phó tổng. Vả lại, mạng lưới chiến hữu và đệ tử chắc chắn sẽ phục vụ ta đến mãn đời. Tóm lại, ta chẳng thiệt thòi, chẳng có gì để mất. Chỉ có những kẻ ngu, đến cuối đời vẫn nghèo kiết xác mới cố bám lấy cái ghế để mong bổng lộc. Nghĩ vậy, Tám Đôn quyết định về hưu trước niên hạn một năm và quyết biến việc này thành một sự kiện để tăng thêm - vào phút chót - uy tín của mình. Tám Đôn viết trong lá đơn xin nghỉ hưu: “Xét thấy nhu cầu của tình hình mới, Đảng cần phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ, có năng lực, có phẩm chất cách mạng để tiếp tục xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, tôi xin được về hưu để nhường bước cho lớp trẻ. Tôi đề nghị các đồng chí đồng ý với nguyện vọng của tôi. Tôi cũng hy vọng rằng, các đồng chí lớn tuổi khác cũng tự động rút lui sớm như tôi để tổ chức dễ làm việc! Trước khi rời Liên hiệp, tôi khẳng định rằng tôi rất hoan nghênh việc Bộ đề bạt đồng chí Nguyễn Thanh làm Tổng Giám đốc…”.
Đơn xin về hưu của Tám Đôn được gửi đi khắp nơi. Người ta ngợi khen - có nhiều người khâm phục - cách ứng xử của Tám Đôn, coi Tám Đôn là người có tư duy mới! Bằng những phương cách riêng, Tám Đôn đạt được mục đích: Ở Bộ, người ta yêu cầu Tám Đôn ở lại làm cố vấn cho Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh vừa được đề bạt. Nhưng Tám Đôn từ chối. Ông vốn là người kiêu hãnh. Sức mấy mà ông chấp nhận cái phận sai vặt hoặc bù nhìn. Bấy nhiêu năm bon chen, luồn lỏi thế đã quá đủ rồi! Bấy nhiêu năm âm mưu, thủ đoạn thế đã quá đủ rồi! Đã đến lúc dành trọn thời gian để hưởng lạc. Tuổi già sầm sập đến! Rồi sẽ đến cái lúc ăn cũng không được chứ nói gì đến chơi. Lúc đó, thử hỏi, có làm đến tổng thống cũng kể như đồ bỏ.
Tám Đôn về hưu trong tâm trạng thực sự tự thỏa mãn. Bao nhiêu lần sóng gió nổi lên cấp kỳ, toan nhận chìm, toan bỏ Đôn vô tù. Nhưng Tám Đôn đều vượt qua, như có phép màu nhiệm, như có thần hộ mệnh luôn luôn phò trợ. Đôn có cảm tưởng rằng mình là vô địch. Ông chợt nhớ đến Nguyễn Thanh khi Thanh chửi ông là “vô địch trong môn ném đá giấu tay”. Lần ấy, nhân một cuộc họp đảng ủy, khi ông đang cao hứng bình luận về thế vận hội Olympic năm tới sẽ diễn ra ở Xơ-un, thủ đô Nam Triều Tiên, thì Thanh đốp vào mặt ông: “Anh Tám vừa nói Việt Nam mình chẳng thể nào đạt được một chức vô địch ở thế vận hội là lầm! Không phải tại mình không có nhân tài!”. “Vậy đồng chí bảo tại cái gì?”, Tám Đôn hỏi. Thanh đáp: “Tại thế giới chỉ xếp môn ném lao, ném đĩa vào các môn thi đấu, chứ không chịu xếp môn ném đá giấu tay vào. Nếu xếp môn ném đá giấu tay vào thì chắc Việt Nam có nhà vô địch, phải không anh Tám?”. Mọi người cười ồ, coi đó là lời nói đùa có duyên. Nhưng Tám Đôn thì cay lắm! Cay đến độ, cho đến giờ phút này, khi đã quyết định về hưu rồi, nhớ lại chuyện đó, Đôn vẫn giận đến run người. Thanh chửi Đôn, chửi trước mặt toàn thể đảng ủy. Chuyện đó xảy ra sau khi phiên tòa xử vụ án giết thiếu úy Lữ. Đó là trận chiến đấu quyết liệt nhất trong các trận quyết liệt mà Tám Đôn đã trải. Bằng cơ mưu, bằng ô dù, bằng thủ đoạn, Tám Đôn đã thắng trong trận này. Đôn đã bịt được tất cả để ém nhẹm vụ án về ba ngàn cây vàng… Đôn chỉ bị cấp trên cảnh cáo. Một hình thức hết sức vớ vẩn đối với Đôn.
Nguyễn Thanh nhận chức Tổng Giám đốc hai ngày thì Tám Đôn bàn giao công việc và bắt đầu một giai đoạn mới trong đời - như chính Tám Đôn tuyên bố. Lời tuyên bố ấy Đôn nói ở bữa tiệc liên hoan chia tay của cơ quan. Có ai hiểu được ý nghĩa thật sự của lời tuyên bố ấy. Chắc chắn chỉ có Đôn. Đôn noi gương ông Đặng Tiểu Bình ở bên Tàu. Đặng Tiểu Bình tự rút lui, đứng trong hậu trường chỉ huy cả nước Trung Quốc. Còn Đôn, về hưu, nhưng vẫn chỉ huy mặt trận ngầm, thế giới ngầm của Đôn. Hàng ngày, Đôn vẫn làm ra tiền, rất nhiều tiền. Hàng ngày, Đôn sẽ thảnh thơi với gái tơ, hoặc tha thẩn đi săn, hoặc là đi lùng những đồng tiền cổ. Bộ sưu tập của Đôn cả nước này đã dễ ai có được! Tám Đôn coi mình như một ông vua không ngai. Điều này không ngoa chút nào. Ở đất Sài Gòn, có tiền là có tất cả. Vua chưa chắc gì đã sướng bằng Tám Đôn. Tổng thống Mỹ cũng thua luôn. Đôn chắc chắn như vậy.
Nguyễn Thức điều khiển chiếc du thuyền chạy chầm chậm và cập vào một cầu tàu xây dựng kiên cố bằng những tảng đá hộc lớn. Thức nhảy lên bờ. Tám Đôn theo sau. Họ bước vào một khu vực nuôi tôm gồm hai chục vuông tôm nối tiếp nhau. Hệ thống cống lấy nước sông Sài Gòn vào vuông tôm và xổ tôm đều được xây theo đúng tiêu chuẩn của Đài Loan. Kế khu vực nuôi tôm là khu vườn cây ăn trái. Thấp thoáng dưới vòm lá xanh quanh năm ấy là một biệt thự xây dựng rất đẹp và hiện đại, mang tên nôm na là biệt thự Vườn Tôm do Tư Đầy làm chủ. Tư Đầy chẳng xa lạ gì với Tám Đôn. Tư Đầy chính là người chịu ơn Tám Đôn rất nhiều. Trong hồ sơ của CIA để lại thì Tư Đầy mang bí số T20, đeo lon thiếu tá. Nhưng trong đời thường, Tư Đầy là một anh chàng làm nghề gia công vàng bạc ở chợ Thanh Đa. Chính trong vai này, Tư Đầy đã hoạt động tròn mười năm liền từ năm một chín sáu lăm đến một chín bảy lăm để theo dõi hoạt động của một đơn vị biệt động đóng tại Bình Quới Thanh Đa. Mười năm đó, ba lần Tư Đầy đã được trọng thưởng và thăng cấp. Sau giải phóng, Tư Đầy bị bắt đi cải tạo. Chính Đôn là người đã giúp cho Tư Đầy được tự do sau mấy năm chuyển hết trại này tới trại khác. Ra trại, với số của chìm tích cóp được trong những năm là nhân viên CIA, Tư Đầy mua lô đất sình lầy của một người bà con nằm đối diện với Thanh Đa. Trong vòng năm năm trời, Đầy biến vùng đất sình lầy thành một cơ sở nuôi tôm vào loại lớn nhất thành phố. Vườn cây ăn trái ở phần đất cao hơn - có sẵn từ trước - được Đầy cải tạo lại, qui củ hơn và cho giá trị kinh tế cao hơn. Tư Đầy có tham vọng biến khu vực này thành một khu du lịch theo kiểu khách sạn - thiên nhiên mà thế giới đang đua nhau xây dựng. Đúng vào lúc Tám Đôn về hưu thì Đầy tìm Nguyễn Thức báo tin: Đầy và vợ con đi Mỹ - đi hợp pháp. Toàn bộ cơ ngơi bên sông Sài Gòn có người đã trả một trăm năm chục cây vàng, thực ra nó phải đúng hai trăm cây. Nay Tư Đầy mời Tám Đôn đến sử dụng, chỉ lấy năm chục cây để chia cho những người nông dân đã làm thuê cho Tư Đầy. Cho họ, gọi là làm vốn để sống.
Đôn hỏi Thức:
- Giấy tờ gốc của nó, có hợp pháp không?
- Dạ, tất nhiên, thưa anh Tám.
- Được. Chú mày làm thủ tục trước bạ sang tên cho tao.
- Xong liền! Việc đó dễ ợt mà anh Tám.
Chiều nay, Thức đưa Tám Đôn - ông chủ mới - đến thăm trang trại vừa mua. Quan sát cảnh vật, Tám Đôn thán phục:
- Thằng cha Tê hai mươi này có đầu óc làm ăn ghê hỉ! Lúc ra trại, nó hứa với tao là sẽ làm ăn lương thiện. Thằng này đã y lời. Khá quá hỉ.
- Đầu óc gì đâu, anh Tám ơi! Có tiền là có tất! Nó thuê người ta làm cả đấy. Ngôi nhà kia, nó mời ông kiến trúc sư số một của miền Nam này. Khu nuôi tôm, nó thuê một tay kỹ sư thủy sản vừa đi tu nghiệp ở Đài Loan về, đang làm trùm nuôi tôm cho công ty xuất khẩu thủy sản. Ngay cả cái cầu tàu mà ta vừa cập chiếc du thuyền, nó cũng do một kỹ sư thiết kế học ở Mỹ, đang làm thuê cho vợ chồng thằng Tiền. Anh Tám nhớ vợ chồng Kim Tiền chớ?
- Ờ! Vợ nó thì sao quên được mầy? Tao đang thèm nó!
Tám Đôn nháy mắt nhìn Thức và cười khoái trá. Thức tiếp luôn:
- Em quên bẵng đi mất! Thằng Tiền nó xin gặp anh.
- Về vụ gì?
- Nó xin anh… cố vấn cho nó lập công ty tư nhân. Nghe nói Nhà nước sắp sửa cho phép thành lập công ty tư nhân.
- Hừ. Thằng oắt con ấy máu me ghê hỉ? Coi bộ, nó có thể phất lên nhanh không ngờ được đâu.
- Nó đang hy vọng rất nhiều ở anh Tám.
- Được, để coi…
Tám Đôn ngừng câu nói nửa chừng. Trước mặt Tám Đôn là một công trình kiến trúc thực sự. Một mái nhà rông. Một đường cong cổ truyền của chùa Tây Phương miền Bắc. Một thoáng gôtic. Không, Tám Đôn không biết gôtic là cái thứ gì, chỉ nghe Thức nói vậy. Thức nói rằng, biệt thự này không phải là sự pha tạp nghệ thuật kiến trúc cổ kim đông tây một cách hổ lốn, mà là sự cách điệu cái phần tinh túy nhất của truyền thống Á Đông và Tây phương trong kiến trúc. Toàn bộ công trình không ngạo nghễ, tách biệt với thiên nhiên, mà hài hòa với thiên nhiên. Có cảm giác rằng, nếu thiếu đi dòng sông Sài Gòn kia, thiếu đi ánh sáng mặt trời xuyên qua vòm xanh của rừng cây ăn trái bao quanh tòa nhà, thì biệt thự này trở nên một ngôi nhà chết. Ngược lại, ngôi nhà như một cơ thể sống, làm đẹp hơn cảnh quan nơi đây. T20 - tức Tư Đầy - trao chìa khóa ngôi nhà cho Tám Đôn, khom mình lễ phép thưa:
- Dạ, thưa anh Tám, toàn bộ ngôi nhà và đồ đạc nguyên vẹn. Vợ chồng em ra đi chỉ có một cái vali nhỏ. Hy vọng rằng, lối kiến trúc và trang bị nội thất của ngôi nhà sẽ không làm anh Tám khó chịu!
- Chú mày thật… hết sẩy! T20 à.
- Ấy chết! Sao… anh Tám vẫn kêu em bằng cái tên… tội lỗi đó. Em ăn năn hối cải rồi mà! Em đội ơn anh Tám đã cứu em ra trại. Nếu không gặp anh Tám…
Nói đến đó thì Tư Đầy ấp úng vì quá xúc động. Vẻ mặt anh ta chứng tỏ anh ta xúc động thật. Tám Đôn nghĩ thầm: “Thì mày đến chết già trong trại cải tạo. Cái thứ có nợ máu như mày sức mấy được ra”.
Cùng lúc, cả Tám Đôn, cả Tư Đầy, cả Thức đều nghĩ như thế. Tám Đôn và Thức nhìn Tư Đầy. Đầy nói tiếp:
- Bởi vậy, em không bao giờ quên ơn cứu mạng của anh Tám. Dù đi tới góc biển chân trời nào, em cũng…
- Khỏi!… Ơn huệ mà làm gì. Vả lại, chú mày trả ơn anh nhiều rồi, nay còn bán rẻ biệt thự Vườn Tôm. Quá đẹp rồi. Kể như sòng phẳng! Đừng nói ân huệ nữa. Nghe không, Tư Đầy!
- Dạ. Anh Tám nói vậy chớ… Em… suốt đời cũng chưa trả nổi ơn cứu mạng của anh!
- Thôi hỉ? Ta không nói chuyện đó nữa! Nào, cho qua đi coi các phòng hỉ?
- Dạ. Mời anh Tám tự nhiên. Từ giờ phút này, đây là nhà anh mà.
Phòng khách sang trọng đến mức Tám Đôn không hề dám nghĩ tới. Còn phòng ngủ, chà… chẳng kém gì phòng ngủ của vua Nga ở cung điện Mùa Hè. Tám Đôn nhớ mãi cái lần đi Liên Xô được đến thăm nơi vua Nga ở. Hôm ấy, Tám Đôn ước: Ước gì mình được làm vua, dù chỉ một ngày! Nay thì Tám Đôn sẽ làm vua đến mãn đời. Tư Đầy mở cái tủ rượu bằng gỗ cẩm lai đặt trong phòng ngủ ở lầu một, lấy ra một chai Hennessy, trịnh trọng mở nút chai và rót ra những chiếc ly pha lê của Pháp. Ba người cụng ly. Tiếng pha lê lanh canh. Trên chiếc tủ đựng máy nhiều ngăn đứng trên bốn bánh xe, gồm tivi JVC hai mốt inch đời mới nhất, đầu vidéo hiệu Sharp 779, radio cassette cùng hiệu Sharp loại hai trăm oát. Tám Đôn nhìn dàn máy đó, nhìn Tư Đầy. Cho đến lúc này, khi đã đi coi toàn bộ trang trại và các phòng trong biệt thự, thấy toàn đồ đắt tiền, hiện đại nhất, Tám Đôn mới hiểu ra: Tư Đầy đã rất biết ơn mình. Tư Đầy rất biết điều. Nghĩ thế, Tám Đôn hỏi, rất thân tình, như hỏi đứa em ruột:
- Thím ấy đâu, chú Tư?
- Dạ, nhà em đang ở nhờ nhà bà con bên quận Ba. Mọi thủ tục xong cả rồi. Nhưng phải chờ vài tuần lễ nữa mới đến lượt lên máy bay.
- Sao lâu vậy? Chú có muốn đi ngay chuyến bay tuần này không?
- Dạ! Được vậy thì còn gì bằng.
Tám Đôn rút bút ở túi áo ngực, giơ tay xé tờ lịch trên bàn và hí hoáy viết. Viết xong, đưa cho Tư Đầy:
- Chú theo địa chỉ tôi ghi ở đây, đưa mấy chữ này cho người chú gặp. Chú thím sẽ được toại nguyện. Nhớ là không phải quà cáp gì cho vụ này đâu nhé!
- Trời! Anh Tám! Lấy gì trả ơn anh Tám?
- Kìa! Tôi đã nói rồi. Không nói chuyện ơn huệ nữa hỉ. Qua bển, chú thím ở đâu?
- Dạ, chúng em có hai đứa con trai ở ngay Niu Yoóc. Các cháu bảo lãnh cho vợ chồng em qua đó. Chúng có nhà cửa đàng hoàng rồi ạ.
- Mừng cho chú thím! Có dịp, cứ về chơi, trang trại này tuy đã bán cho tôi, nhưng khi nào về, chú thím có thể tùy nghi sử dụng.
Màn chia tay diễn ra. Tư Đầy lấy khăn lau nước mắt. Đôn ra vẻ ngậm ngùi. Thức tỉnh queo. Trong đầu Thức đang phác ra kế hoạch tiếp xúc giữa vợ chồng Kim Tiền với Tám Đôn để thành lập công ty tư nhân. Hơn ai hết, Thức hiểu rằng môi giới là nghề sướng nhất. Không phải bỏ vốn đầu tư nhưng lại hốt bạc rất khẳm.
*
* *
Biệt thự - Vườn cây ăn trái - Vuông tôm của T20 được đặt tên là biệt thự Vườn Tôm quả là hiếm có ở xứ này. Người khách làm ăn đầu tiên đến biệt thự là Thiên Kim có nhận xét như vậy. Tên của nàng ứng với điều Đôn ao ước. Theo ý của “tham mưu trưởng” Thức, Đôn dọn về nhà mới buổi sáng, cúng kiếng, nhậu nhẹt, nghỉ ngơi xong cũng năm giờ chiều. Vậy bảy giờ Thiên Kim xuất hiện là đúng lúc.
Nàng mặc quần áo như một thiếu nữ con nhà lành chính hiệu. Quần xoa trắng, áo dài màu vàng. Đôi giầy trắng sản xuất tại Tokyo. Nàng mang kiếng cánh dơi màu đen, đúng mốt thời thượng Sài Gòn lúc này. Duy chỉ có đôi mắt kiếng là chứng tỏ nàng sành điệu chơi bời, còn dáng đi của nàng, tà áo dài mềm mại kia, ôi chao! Thục nữ! Thục nữ chính hiệu. Chiếc xe Dream II dừng lại, Thức mở cửa đưa nàng vào phòng khách. Thức đang nóng lòng vì công việc, vẫn không quên thốt lên:
- Em đẹp lắm! Bao nhiêu?
Nàng hiểu ngay câu hỏi ở sau lời khen ấy là nhằm vào cái gì.
- Hai cây. Được không?
- Ờ, được! Quà tân gia, vậy cũng được!
- Ổng đâu?
- Đang tắm trên lầu. Ổng vừa ngủ dậy. Nhậu từ chín giờ tới giờ. Khách khứa về cả rồi.
- Ổng… có một mình?
- Bộ quên sao? Anh kể lai lịch gia cảnh của ổng cho em nghe rồi mà. Căn nhà được cấp lần đầu, con trai lớn ở. Nó làm ở hải quan. Căn nhà được cấp lần thứ hai, con trai út ở. Nó là thằng Bình, máy trưởng tàu viễn dương. Thằng này kỵ tánh anh hai và ông già của nó. Cái biệt thự Vườn Tôm này ổng mua để dưỡng già. Có đứa cháu họ khỏe như trâu, nhưng bị câm, vừa ngoài Trung vô, ở với ổng, lo việc bếp núc. Giữ nhà thì đã có hai con bẹc-giê rồi. Chúng nó to như hai con bê và dữ lắm. Hồi sáng, tiếp khách, ổng đặt nhà hàng chở đến. Tàn tiệc, nhân viên nhà hàng cuốn gói, gọn bâng.
Kim vừa nghe Thức vừa mở gói giấy lấy ra lẵng hoa hồng. Thức nhìn thân thể Kim, nước miếng ứa ra, người bừng bừng.
- Đẹp quá trời!
- Thiệt hả anh Hai? - Nàng liến thoắng - Em đặt trước ở Nguyễn Huệ đó. Bông mới đưa từ Đà Lạt về.
- Ừ. Đẹp lắm! Tuyệt! Cả em và bông hồng!
- Quỉ sứ, chọc người ta hoài! Lát nữa làm sao đây?
- Cứ tự nhiên, và nhất là không được kêu ổng bằng chú. Ổng mê em từ lần gặp trước rồi. Lo gì. Anh vắng mặt để em… tự nhiên!
- Hay là… anh ở lại nghe!
- Lỡ việc bây giờ. Cái gì là việc trọng?
- Dạ, em hiểu.
- Tốt. Em là cô gái thông minh. Hãy chứng tỏ điều đó.
Trước khi có cuộc gặp này, Thức đã báo cho Tiền biết: Tám Đôn chưa có ý định tiếp Tiền. Nhưng nhân dịp mừng tân gia, tốt nhất là Tiền nên cho vợ đến mừng. Thức nói với Tiền: Khi Kim có mặt, tôi sẽ nói giúp cô chú. Ổng sẽ giúp cho! Ổng mà gật đầu là kể như xong việc. Công ty tư nhân chứ muốn lập đảng mới cũng xong! Tiền hỏi: Mừng cái gì? Thức đáp: Đừng có mua tranh sơn mài mấy con ngựa mà quê với ổng. Cứ mang tên của cô ấy đến, vừa gọn nhẹ, vừa đẹp lòng ổng. Tiền hỏi: Bao nhiêu? Thức bảo: Bước đầu cho vụ này thì hãy đưa hai cây. Gọi là quà mừng tân gia. Để cô ấy trực tiếp đưa cho ổng.
Có tiếng bước chân đi xuống. Thức nhìn Kim, vẻ thèm khát đầy trong mắt:
- Vào cuộc à nghe! Giới thiệu xong, anh đi. Cứ bình tâm. Được việc mới về!
- Dạ.
Đôn xuất hiện. Quần soóc trắng, áo pull trắng, bộ đồ chơi tennis. Nàng nhìn Đôn và nhận ra vẻ cường tráng của ông già. Thức giới thiệu:
- Thưa anh Tám, đây là cô Thiên Kim. Vợ chồng cô ấy nghe tin anh dọn về nhà mới, đến mừng cho anh.
Nàng lễ phép:
- Em xin chào anh Tám. Vợ chồng em xin chúc anh luôn mạnh giỏi, phát tài phát lộc, tiền vàng vô như nước…
Nàng trao lẵng hoa hồng. Đôn không nhìn lẵng hoa mà cứ dán mắt vào người đẹp. Giọng Đôn bỗng trở nên nặng thêm. Những lúc xúc động, Đôn thường như vậy.
- Ồ! Cám ơn em. Bông đẹp và thơm quá!
Thức nhanh ý:
- Anh Tám tiếp khách, em xin phép có việc phải đi gấp. Cô Kim ở đây chơi nghe!
- Dạ. Anh Hai đi.
Thức đi khỏi. Chỉ còn lại hai người. Một già, một trẻ. Họ nhìn nhau. Người già có sức mạnh của quyền thế và sức mạnh của con đực. Người trẻ có sức mạnh của ý chí làm giàu và của sức mạnh của sắc đẹp. Trong giây phút đầu tiên trực tiếp đối diện, người già, xem ra, chưa hiểu hết đối phương. Bởi lẽ ngay từ mối tình đầu tiên của mình, khi ông ở trong đoàn quân khởi nghĩa tiến vào thị xã, năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm, ông đã chinh phục cô gái - vợ ông bây giờ - một cách quá dễ dàng. Ông ngộ nhận rằng đó là do tài năng của ông. Thực ra, thời ấy, các cô gái đô thành coi các anh bộ đội Vệ quốc đoàn như là thần tượng. Họ chán ngấy các chàng trai - sản phẩm của văn minh đô thị - chỉ quen ăn chơi, phá phách hoặc rên rỉ với những vần thơ ảo não. Khi yêu các anh Vệ quốc đoàn, tình yêu của các cô ít nhiều đều thiên về tính lãng mạn, xa rời thực tế tầm thường. Đến khi tập kết ra Bắc, ở Hà Nội, Tám Đôn lén vợ đi trăng gió. Và ngay cả những cuộc trăng gió ấy, với lối xét đoán của mình, Tám Đôn tự cho là mình tài năng lắm, anh hùng lắm nên mới được phái đẹp ngưỡng vọng. Có biết đâu, những cô gái mà Tám Đôn ăn nằm, phần đông là những ả làng chơi tìm mọi cách đeo bám lấy cánh miền Nam tập kết để kiếm tiền. Duy có một lần, Tám Đôn nhớ mãi, coi đó là “thành tích vĩ đại” của mình. Đó là việc ông chiếm được đời con gái của một cô từ xứ Nghệ nghèo khó ra Hà Nội làm công nhân công trường xây dựng. Còn về sau này, khi đã thừa tiền thừa vàng mua trinh, ngủ với toàn con gái mười bảy mười tám, Tám Đôn coi phụ nữ không hơn gì món đồ chơi. Sự nâng niu vuốt ve mơn trớn - nếu có - cũng chỉ là sự nâng niu vuốt ve món đồ chơi. Chán là vất bỏ, không thương tiếc. Hơn thế nữa, ông tự coi mình như một đấng quân vương, các cung tần mỹ nữ phải chiều lòng ông. Cho nên, vào giây phút này, khi chỉ còn mình ông với người đẹp, ông tin chắc rằng chỉ một lát nữa, ông sẽ đưa nàng lên lầu, và tự tay nàng sẽ lột bỏ cái áo dài đẹp kia ra, lột bỏ đến mảnh vải cuối cùng, chạy đến, ôm lấy chân ông. Nghĩ đến đó, ông thấy máu trong người lưu thông nhanh hơn. Cảm giác xác thịt choán hết đầu óc. Ông không nghĩ được điều gì khác hơn. Mắt ông nhìn xoắn nhìn xuýt vào bộ ngực của Thiên Kim. Ông phải công nhận là ngực nàng quả là đẹp. Con người nàng, từ gót đến đầu, không chê vào đâu được.
Lần đầu tiên ông gặp nàng cách nay vừa đúng một năm. Sau khi ông giúp cho vợ chồng Kim Tiền thuê được bốn con tàu của nhà nước, vợ chồng Kim Tiền mời ông đi dự tiệc ở một nhà hàng sang trọng. Bữa tiệc chỉ có bốn người: vợ chồng chủ nhà, ông và Thức. Ông là người luôn luôn tỉnh. Càng uống nhiều, mặt ông càng tái đi rồi trắng bệch. Ông có thể uống cả ngày mà môi không mềm, lưỡi không nhịu, nói năng mặc cả không hớ. Vậy mà hôm đó ông say. Người đẹp ngồi cạnh ông. Hôm đó, nàng mặc váy trắng ngắn, bó sát hông và áo thun sát nách. Với đôi cánh tay trần và bộ ngực bánh dầy lồ lộ ra, với cặp giò rắn chắc như giò con gái, nàng đã làm ông thực sự mê mẩn. Món quà mấy cây vàng mà vợ chồng Kim Tiền biếu ông, ông chẳng màng. Ông chỉ ước được ngủ với nàng. Đôi tay nàng rót rượu mời ông. Miệng nàng cười nói với ông - rất tự nhiên và lịch thiệp - nhưng do ẩn ức sinh lý, ông lại cứ ngỡ rằng tất cả ý tứ ấy là dành cho ông. Đến nỗi, vào khoảng cuối bữa tiệc, ông làm bộ đánh rơi chiếc khăn ăn, thò tay xuống nhặt khăn để vuốt vào đùi nàng. Ông vuốt từ gấu cái váy ngắn trở xuống. Rất đáng mừng là nàng không để lộ một phản ứng gì. Nàng còn làm như hơi mở khẩu độ giữa hai đùi ra. Cho đến cuối bữa tiệc, ông không vuốt nữa mà để bàn tay ông nghỉ ngơi ở đó. Được khoảng một phần ba phút, nàng đứng dậy bàn, tay ông rời khỏi đùi nàng. Trong khoảnh khắc ấy, ông đã rơi vào trạng thái khoái ngất. Có lẽ là do bị ức chế ngay từ đầu bữa tiệc. Bữa ăn kéo dài bốn giờ đồng hồ chứ ít gì. Ngay sau khi cảm xúc khoái ngất đã qua đi nhưng còn râm ran toàn thân ông, nàng lại rót rượu mời ông. Ông đâu có biết rằng nàng rất sành về chuyện đó, vì nàng đã có chồng, có con; và nàng đọc sách rất nhiều, nhất là loại sách dạy về tình dục. Bởi thế, khi hai người cụng ly nhau, nàng nhìn ông đầy ý tứ và nói: “Trăm phần trăm nghe chú!”. Ô! Sao lại gọi ta là chú? Suốt buổi tiệc này, chỉ có từ “chú” là ta không hài lòng. Sau lần ấy, ông nói với Thức: Thằng Tiền sướng thiệt! Khỏi cần đi làm cách mạng, khỏi cần bon chen đấu đá, thủ đoạn, luồn lọt…, có vợ đẹp và sắc sảo như vợ nó, hỏi được mấy người?! Bên tai ông như còn văng vẳng giọng nói ngọt ngào! Ôi cái xứ Bến Tre đầy cục bộ và đố kỵ mà sao con gái lại mê hồn đến vậy! Ông thú nhận với Thức, chưa bao giờ ông nói ra điều này, rằng ông rất cần một người vợ sống bên ông đến chết. Người vợ ấy phải đạt tiêu chuẩn như… vợ Tiền. Thức mỉm cười, biết tỏng tòng tong gan ruột của Tám Đôn, hỏi: “Hay là bảo thằng Tiền nhường cho anh?”. “Chà, coi bộ khó à!”. “Khó gì. Anh Tám muốn là được!“. “Chú mày nói nghe ngon! Giỏi thì bố trí để tao ngủ với nó một lần coi!”. “Được mà anh Tám! Để rồi em lo!”... Thế rồi chuyện ấy bẵng đi. Do phải đối phó với phiên tòa xử vụ giết thiếu úy Lữ, Tám Đôn quên luôn chuyện đó. Nói là quên, kỳ thực, mỗi khi ngủ với gái, không bao giờ Tám Đôn không nhớ tới Thiên Kim. Hình ảnh nàng cứ hiển hiện ra với tất cả sự khiêu khích, y hệt như ở bữa tiệc hôm nào, y hệt như lúc này, khi mà chỉ còn lại ông và nàng trong căn phòng khách sang trọng của biệt thự vừa mua.
Nàng ngồi đó, trên chiếc ghế xalông, màu trắng thanh khiết của chiếc quần và màu vàng quí phái của tà áo dài làm nổi bật thân thể nàng. Nổi bật những nét cong tuyệt thế, đã đành, nhưng càng nổi bật hơn là cái ngọn lửa đang cháy trong nàng. Ngọn lửa ấy đã thiêu đốt ông một lần. Bây giờ nàng lại tiếp tục thiêu đốt ông. Vốn thất học, không hề đọc sách, lại lười suy nghĩ một cách khoa học về tâm lý phụ nữ, bấy lâu nay, sức hoạt động của bộ não Tám Đôn chỉ khoanh gọn trong sự tính toán, thủ đoạn, chứ ít khi phải làm công việc là: đứng trước một người đẹp thì nên nói những lời gì để thu phục. Bởi thế, Tám Đôn không biết nói gì với Thiên Kim, chỉ biết nhìn và kiềm chế dục vọng đang sôi lên. Tám Đôn chờ đợi cái giây phút nàng ngoan ngoãn theo ông lên lầu. Hay là… ở ngay tại phòng khách này, trên cái đi văng kia. Ôi chao! Vừa ăn tân gia xong, được ngủ với người đẹp thì quả là… mơ cũng không bằng. Có thể nào lại không như thế! Nàng tự dẫn thân đến đây với ta, có một mình. Nàng như một bà hoàng, lộng lẫy và non tơ. Nếu không được vần vò nàng nhàu nát trong tay ta thì kể như cuộc đời ta chưa biết thế nào là người đẹp! Ta sẽ ngốn ngấu nàng, sẽ nghiền nàng tơi tả…
Phải chăng tất cả những điều ấy hiện rõ trên mặt Tám Đôn nên Thiên Kim đọc được cả. Đàn bà có sự tinh nhạy đặc biệt của giống cái về giống đực. Riêng Thiên Kim, sự tinh nhạy còn gấp bội. Bởi tư chất của nàng khác người: thông minh, nhạy cảm và rất bản lĩnh. Nàng là con người của hành động. Mọi hành động của nàng tuân theo ý chí của nàng: quyết tâm làm giàu. Vì ý chí đó mà nàng nghe lời Thức đến đây, một mình đương đầu với một kẻ đầy thế lực và dâm ô, quỉ quyệt, tri thức văn hóa thì trì độn u mê, nhưng về mặt thủ đoạn, âm mưu thì chúa trùm. Cứ xem cái cách hắn nhìn nàng, nàng đủ biết hắn là người thế nào. Một người đàn ông lịch sự, có văn hóa, đứng trước người đẹp luôn luôn thể hiện sự ngưỡng vọng sắc đẹp một cách văn hóa. Nhưng ở đây thì khác. Trong bộ đồ chơi tennis, hắn tiếp nàng, nàng thừa hiểu là hắn ta muốn phô cái vẻ cường tráng của hắn! Ra cái điều ta đây tuổi ngót sáu mươi rồi nhưng sức vóc còn thanh niên! Tuổi già thường mặc cảm về sức khỏe - hệ quả của thói ham sống, ham hưởng lạc và ham đàn bà. Bởi vậy, hắn ta khoe khoang thân hình tráng kiện trước nàng cũng là điều có thể thông cảm được. Thế nhưng, trước mặt nàng mà hắn ta thượng cả hai chân lên ghế xalông thế kia thì quá quắt. Thô lỗ đến thế là cùng. Kẻ thô lỗ cho dù có sống trong cung điện vua chúa cũng vẫn thô lỗ. Hắn nhìn nàng như muốn lột phăng quần áo của nàng. Hắn nhìn nàng như con sói đói nhìn con cừu non. Lần trước, khi vợ chồng nàng mời hắn dự tiệc ở nhà hàng, trước mặt chồng nàng, hắn dám giở trò thô bỉ. Vì công việc, nàng nuốt giận để hắn được thỏa ý. Rất may là chồng nàng không thấy. Lúc đó, chồng nàng đang say sưa nói về công việc với Thức. Còn bây giờ, chỉ có hắn và nàng. Phải làm gì? Phải làm cách nào để vẹn cả đôi đường: được việc và giữ được nhân cách? Nàng là một người đàn bà đa tình. Nàng quan niệm sự “giữ được” nhân cách một cách rất đĩ thõa, thực dụng. Theo ý nàng, thân thể đẹp của người phụ nữ là một thứ tài nguyên đặc biệt, không của riêng ai. Nhưng phải có một nguyên tắc: Kẻ nào muốn khai thác thứ tài nguyên đó, phải là người có văn hóa, biết tôn trọng, nâng niu, quí báu. Nghĩa là phải biết chiều chuộng nàng, phục vụ nàng. Phải phục vụ nàng chứ không phải bắt nàng phục vụ. Ông đại tá già dê ạ, ông thèm khát ta phải không? Vậy thì ông phải làm nô lệ cho ta. Lúc đó, ông sẽ được thỏa mãn. Ta biết ông có rất nhiều tiền, những đồng tiền tội lỗi, dơ bẩn. Ông thiếu gì đàn bà. Ông có thể mua được rất nhiều con gái còn trinh. Nhưng không bao giờ ông có tình yêu. Bởi, ông làm gì có trái tim mà có tình yêu. Không ai yêu ông cả. Có ai dám yêu một tên sát nhân? Ông đang dùng Thức, nhưng ông muốn khử anh ta lúc nào chẳng được. Ông chưa hiểu đúng anh ta. Hiện tại, ông là người chỉ huy hay Thức? Điều đó chỉ có Thức mới biết đích xác! Đời mà! Kẻ nào cao tay ấn sẽ thắng. Ông ngộ nhận về Thức, cũng như chưa hiểu đúng ta. Trước khi đến với ông, ta đã hiểu ông quá nhiều. Qua Thức, ta rành ông lắm. Ông có thể lừa được tất cả, trừ Thức, trừ ta. Sở dĩ ta đến đây là vì ta đã quyết: Từ nay, ta sẽ sử dụng ông như một tên nô lệ để phục vụ cho công cuộc làm giàu của vợ chồng ta. Nếu ông biết điều, ông sẽ không thiệt thòi gì cả. Ông sẽ được lợi, ông đại tá về hưu ạ. Nếu như Thức mới sử dụng được ông một thì ta sẽ sử dụng gấp mười. Nào, bây giờ muốn gì, ngả bài ra nào!
Người già và người trẻ không ai nói một câu nào. Họ cứ nhìn nhau. Một người nhìn như để ngốn ngấu. Một người nhìn để tư duy, xét đoán. Họ chờ nhau cất tiếng trước. Có đến hai chục phút trôi qua. Ngoài tiếng máy lạnh chạy rì rì, căn phòng im phăng phắc. Sự im lặng như càng tôn thêm vẻ đẹp mỹ miều của người đàn bà. Hương thơm từ thân thể người đàn bà tỏa ra, và cái phập phồng nhìn thấy được từ bộ ngực kia đẩy Tám Đôn đến trạng thái không thể dừng được. Ông đang ngồi co cả hai chân trên ghế, vội vã chạy lại tủ lạnh, giật cánh cửa tủ, lấy ra mấy lon bia. Tay trái một lon, tay phải một lon, ông dùng hai ngón tay trỏ bật đánh tách một cái, bọt trào ra. Ông đưa lon bia cho nàng, thân hình ông áp sát vào thành ghế, phía sau nàng.
- Uống đi em!
Nàng cầm lấy lon bia, bình tĩnh cụng lon của nàng vào lon của Tám Đôn, rồi uống. Nàng nhấp từng ngụm một, trong khi Tám Đôn như người chết khát, ngửa cổ làm liền một hơi. Uống cạn đến lon thứ ba, Tám Đôn ngồi sát bên nàng, bàn tay phải choàng qua eo của nàng, sờ nắn. Nàng vẫn bình tĩnh, nhấp từng ngụm bia. Cái nút bấm cuối cùng của chiếc áo dài được Tám Đôn kéo ra. Nàng đặt tay lên trán Tám Đôn, nhìn thẳng vào mắt Tám Đôn và đứng dậy. Nàng lững thững bước lên cầu thang. Tám Đôn ngoan ngoãn bước theo sau. Cái áo dài với hàng nút bấm đã mở tung, phô ra trước mắt Tám Đôn một phần thân thể. Nàng cất tiếng:
- Anh Tám đưa em đi coi các phòng trên lầu nghe.
- Ồ! Được mà em. Anh cũng tính đưa em lên lầu!
- Phòng ngủ của anh trên lầu phải không?
- Ừ, nào ta đi!
Thiên Kim đi rất chậm và nhìn ngó rất lâu từng bức tranh, từng món đồ trong phòng ăn, phòng ngủ. Nàng bước ra sân thượng nhìn ngắm bầu trời, rừng cây và dòng sông đang chìm trong đêm. Nàng trở lại phòng ngủ, vẫn với hàng nút bấm bị kéo tung. Tám Đôn ngoan ngoãn theo sau như một con chó trung thành bám theo sau chủ. Ngồi lên chiếc giường, thử nhún nhún vài cái, Thiên Kim khen:
- Giường Nhật Bổn có khác! Độ nhún lò xo tốt ghê ta ơi! - Nàng khiêu khích Tám Đôn.
Tám Đôn không chịu nổi nữa, nhào tới, vồ lấy nàng! Nàng ngăn lại:
- Hãy từ từ nào! Rách áo em! Nào, nhẹ nhàng cởi áo dài cho em. Đó, phải biết nhẹ nhàng nghe không! Rồi! Treo lên mắc áo đã nào! Đó. Tốt! Sao? Cả quần nữa à? Được. Anh phải nhẹ tay chứ. Rồi! Treo lên mắc, chứ để ở đầu giường vậy à? Nhàu nát hết cả rồi. Sao? Anh nói lại đi! Sao? Em không nghe được! Ôi cái giọng chết tiệt của anh, khó nghe quá à! Nói lại lần thứ ba nào! A à! Anh xin em… phải không? Xin cái gì? Hả! Nói lại đi. Xin cái này à? A à! Vậy thì hãy nghe đây: Hãy quỳ xuống! Ồ không, quỳ bằng cả hai gối kia! Rồi, tốt lắm! Bây giờ anh nghe em hỏi đây: Anh vừa nói thèm khát em? Vậy chớ đàn bà con gái anh có thiếu gì mà anh thèm khát em? Xạo vừa vừa thôi à nghe.
- Em hành hạ anh vậy đủ rồi! Cho anh đi nào!
- Anh chưa trả lời câu hỏi của em.
- Anh thèm khát em thật tình. Anh ước được sống với em mãi mãi.
- Nhưng anh già rồi! Anh bằng tuổi ba em! Anh đại tá dê ơi! Ha ha ha!!!
Thiên Kim phá lên cười, cười rất tự nhiên, thoải mái. Nụ cười của người thắng trận vì đã biết chắc là xỏ mũi được đối phương.
Vừa cười, cô vừa rời khỏi giường, nhanh nhẹn mặc lại quần áo. Tám Đôn nhào tới ôm chầm người đẹp:
- Kìa em! Em nỡ hành hạ tra tấn anh vậy sao?
Thiên Kim gạt Đôn một cái khá mạnh:
- Ai tra tấn anh? Bộ anh quen tra tấn người khác rồi phải không? - Nàng nói và thoăn thoắt bấm nút áo.
- Kìa! Thiên Kim, anh van em! Cái vụ thằng Thức nó nói, cái vụ lập công ty tư nhân, dễ ợt mà em! Để mai anh lo. Một vài cú điện thoại là đâu vào đó thôi mà. Em yên chí đi. Công ty của em sẽ là công ty tư nhân đầu tiên của nước Việt Nam.
- Anh sẽ là…
- Anh sẽ làm cố vấn cho em! - Đôn cướp lời.
- Ô ồ… ông cố vấn! Nào, ta xuống phòng khách đi, ông cố vấn của em!
Tám Đôn tiu nghỉu. Thiên Kim nhìn Tám Đôn, miệng cười thật tươi:
- Anh có diễm phúc lắm mới được nhìn ngắm em no nê như vậy đó. Nào, ta xuống lầu! Mọi chuyện còn dài dài mà anh cố vấn! Anh không thiệt đâu. Em sẽ không để anh thiệt thòi!
Nuốt nước miếng, Tám Đôn cố nuốt cả cơn giận lẫn cơn thèm vào trong lòng. Xuống phòng khách, Thiên Kim rút lược ra chải lại tóc, soi mình trong gương, sửa lại áo quần rồi đứng trước mặt Tám Đôn. Cô nhìn mặt Đôn buồn thiu, cười lên khanh khách:
- Sao buồn quá vậy? Em đã nói là còn dài dài mà!
Cô đưa cho Tám Đôn gói vàng:
- Đây là quà mừng tân gia của vợ chồng em. Xin phép anh Tám nghe. Em về kẻo con em nó trông, nó không ngủ được! Tối mai, em sẽ điện thoại đến hỏi về kết quả. Được chứ, anh Tám?
- Em khỏi gọi. Anh sẽ gọi em!
- Thế à! Tốt quá. Chào anh Tám, em về nghe!
Tám Đôn nhìn đồng hồ. Nàng đến và đi trong vòng một giờ đồng hồ. Một giờ thôi, nàng đã làm ta trẻ lại như hồi mới hai mươi tuổi. Ôi! Con nhỏ này, có lẽ nào ta lại “chết” vì em? Có những khuôn mặt con gái, chỉ cần nhìn vào, ta đã thấy mê mẩn. Mặt con nhỏ này đúng là như vậy. Em đẹp quá! Em ơi!
*
* *
Cơ hội làm giàu tựa như một khoảnh khắc đối với đời người. Kẻ nào nhạy cảm chụp được thì nên sự nghiệp. Trái lại, như nước chảy mây trôi. Tiền của ùn ùn kéo đến nhà vợ chồng Kim Tiền nhờ chụp được cơ hội hiếm hoi này.
Trong khi toàn bộ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tan rã về chính trị, kiệt quệ về kinh tế, vì ngủ quên quá lâu trong cõi phi thực tế, cố tạo ra một thế giới giả với những mộng tưởng giả và kết quả giả để đến nỗi dân nghèo nước nhược, thì hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa với rất nhiều mâu thuẫn đối kháng quyết liệt, đã tự điều chỉnh, đổi mới để tạo nên đà phát triển không ngừng của nền kinh tế. Cái mà người ta gọi là cơ chế kinh tế thị trường thực chất là sự tự do hóa các chủ thể kinh tế, để cho các qui luật điều tiết và chi phối một cách khách quan, tự nhiên. Ở môi trường mà vợ chồng Kim Tiền đang sống, việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa từ Trung ương dội xuống, sang nền kinh tế thị trường quả là một cơ hội bằng vàng cho những ai muốn làm giàu. Hoàn cảnh mới đã làm thay đổi tận bản chất con người của Ngô Hữu Tiền. Từ một chàng trai quen ăn chơi đàng điếm, Tiền trở nên căn cơ trong công việc, nhạy bén với thị trường, tinh tế trong các mối quan hệ. Ý chí làm giàu từ vợ lây lan sang chồng, trở thành động lực chi phối toàn bộ quá trình tư duy và mọi hoạt động của Tiền. Trường đại học của cuộc sống đã cấp tốc đào tạo Tiền trở nên thích nghi mau lẹ với mọi hoàn cảnh. Khi thì như một nhà ngoại giao sành sỏi, lúc như một công tử ăn chơi sành điệu, khi thì keo bo, cò kè mặc cả từng xu từng chữ trên một văn bản hợp đồng, lúc thì hào phóng ban phát tiền bạc như nước mà không hề đắn đo. Dư luận ở trong nước sửng sốt và thán phục khi Tiền xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo lớn, bên cạnh vị nguyên thủ quốc gia, với những câu trả lời sắc sảo, đầy nhiệt tâm với dân với nước. Đó là chuyện xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán. Tại Sài Gòn, Công ty Duy Nhất là công ty tư nhân đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động. Sự ra đời của Công ty Duy Nhất như một bằng chứng của sự đổi mới của Đảng. Báo chí trung ương, thành phố, đài truyền hình, đài phát thanh... nhất loạt đưa tin, bình luận về sự kiện này. Đặc biệt, sau khi Tổng bí thư Đảng đến thăm, Công ty Duy Nhất phút chốc được cả nước biết đến, quan tâm theo dõi. Tiền cho phóng đại với cỡ lớn nhất mà máy rọi ảnh màu cho phép tấm hình Tiền chụp chung với vị nguyên thủ quốc gia. Tấm ảnh ấy, như một nhãn hiệu đặc biệt, không chỉ trình tòa, mà trình với cả thiên hạ trong, ngoài nước. Công ty Duy Nhất bước vào giai đoạn làm ăn mới với nhiều thuận lợi mà ngay cả các công ty lớn của nhà nước cũng phải ao ước. Trong khi hàng loạt đơn vị xây dựng chuyên ngành của nhà nước không có việc làm - vì không có vốn rót cho công trình, thì trong năm đầu tiên hoạt động, Công ty Duy Nhất đã ký được hơn chục hợp đồng. Hầu hết là những hợp đồng có giá trị lớn. Tiền trở thành tổng thầu, đi thuê các đơn vị xây dựng của nhà nước thi công. Tiền vốn của công trình này đắp đổi cho công trình khác. Lấy lãi của công trình cũ chi cho công trình mới để việc thi công đúng tiến độ. Đài truyền hình liên tiếp phát những phóng sự do Minh Tấn thực hiện, ca ngợi Công ty Tư doanh Duy Nhất đã bỏ vốn riêng ra xây dựng các công trình của nhà nước. Minh Tấn tìm không đủ lời để ca ngợi vợ chồng Tiền. Tiền trở thành nhà doanh nghiệp, nhà ái quốc đáng làm gương cho bao người noi theo. Tiếng tăm, thanh thế của Tiền vang khắp nơi. Tiền bảo vợ bỏ tiền ra cứu trợ tất cả những nơi Nhà nước đang hô hào cứu trợ: lũ lụt ở Trung, ở Bắc, nạn đói ở Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, khu nhà cháy ở quận Ba, quận Năm. Tiền mua tặng đài truyền hình hai máy quay phim đời mới. Và, dư luận ai cũng tin lời Tiền công bố rằng: Tiền hiện có trong tay hai chục triệu đôla, sẵn sàng đầu tư vào các công trình lớn cấp nhà nước, khu chế xuất Sài Gòn, xây dựng cầu Mỹ Thuận, cầu Hậu Giang, xây dựng xa lộ nối Duyên Hải với Bình Chánh, v.v... Ngôi biệt thự Tiền mua bằng của hồi môn của vợ nay đã được đập bỏ để xây dựng tòa nhà ốp đá cẩm thạch nhập từ Italia và được trang bị toàn đồ đắt tiền nhất thế giới - làm văn phòng công ty, đồng thời là tư gia của Tổng Giám đốc Công ty. Tiền có đủ các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, như telex, telefax. Trên nóc nhà Tiền chễm chệ cái ăng ten chảo loại có thể thu tín hiệu truyền hình của đài Mỹ, đài Úc, đài Nhật...
Tất nhiên là khách đến với Tiền nườm nượp. Từ các vị quan chức trung ương, thành phố, đến các vị tổng giám đốc, giám đốc và cả dân mánh mung, áp phe. Tiền đón tiếp khá nhiều nhà báo ngoại quốc cũng như các công ty nước ngoài. Vợ Tiền, cô Thiên Kim - Phó Tổng giám đốc thứ nhất, chuyên về công tác đối ngoại, thật xứng đáng với vai trò của mình. Khách đến với Công ty Duy Nhất dù chỉ một lần, cũng không thể nào quên được đệ nhất Phó Tổng giám đốc Thiên Kim - người đẹp, có tài ngoại giao. Biết bao luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, thuyền trưởng, máy trưởng... đua nhau xin về làm cho Duy Nhất. Tiền công bố với dư luận - bằng văn bản hẳn hoi - rằng tài sản và vốn liếng của mình ngoài hai chục triệu đôla, bốn chục tỉ đồng Việt Nam, còn có chất xám gồm một trăm người từ giáo sư, tiến sĩ đến kỹ sư, thuyền trưởng… toàn những người tài giỏi bấy lâu nay bị lãng quên, nay tự nguyện đến đầu quân cho Duy Nhất. Thế nhưng, ngoài tiền của và chất xám mà Tiền đã khoe khoang, có một thứ Tiền đủ khôn ngoan giấu kín - đó là quyền thế. Người mang quyền thế đến cho vợ chồng Tiền là Hai Banh ở Sở Tư pháp; là các vị quan chức ở ủy ban, ở quân đội, công an, thuế vụ… Nhưng có một người đặc biệt: “Anh đại tá cố vấn” - theo như cách xưng hô của Thiên Kim. Anh đại tá là người tổ chức mọi sự thành đạt của công ty này. Lời đánh giá ấy là của vợ chồng Tiền. Tám Đôn yêu cầu vợ chồng Kim Tiền hai điều: Một là, Đôn không xuất hiện tại văn phòng công ty, bất cứ một cuộc gì, kể cả lễ tiệc. Hai là, không để tên Tám Đôn trong danh sách cố vấn, tham mưu, cộng tác viên… Tóm lại, Tám Đôn sẽ làm tất cả mọi việc mà Kim Tiền yêu cầu, nhờ cậy. Nhưng về mặt công khai, kể như không có Tám Đôn! Trong công cuộc làm ăn của Duy Nhất, cả Tiền, lẫn vợ Tiền, đều hiểu tính đa nghi của Đôn qua chuyện này. Tại sao Tám Đôn phải mai danh ẩn tích? Quyền thế như Đôn, còn sợ ai nữa chứ? Mà có gì để sợ? Một năm qua, Đôn đã giúp cho Công ty Duy Nhất bao nhiêu là việc. Từ việc rút ngắn thời gian nghiên cứu, xét duyệt, phê chuẩn việc thành lập công ty, đến việc ký được hàng loạt hợp đồng rất bở ăn. Công ty Duy Nhất mới ra đời nhưng bước đầu có được vị thế độc quyền ở một số lĩnh vực, chiếm được lòng tin của nhiều vị quan chức lớn. Tiền bạc chảy vào hầu bao của Kim Tiền như nước. Tất cả số lãi ròng, khi chưa sử dụng đến, đều được vợ Tiền cho chuyển đổi thành đôla và kinh doanh đôla. Tiền cho các đơn vị xuất nhập khẩu vay, con nợ trả nợ bằng hàng hóa nhập ngoại - tất nhiên là loại bán chạy nhất. Có được nghệ thuật kinh doanh này, vợ chồng Kim Tiền phải trả ơn Thức. Nhưng công lao lớn nhất vẫn là Tám Đôn. Tám Đôn chỉ cần nói một tiếng, đôla của Tiền sẽ trở thành ngoại tệ hợp pháp. Tiền có tài khoản ở ngân hàng ngoại thương, nhưng Tiền đâu có dại gì gửi hết đôla vô đó. Đôla đẻ ra đôla. Vòng quay đó ở trong tay Kim Tiền, lẹ lắm. Ngay từ khi công ty ra đời, Tám Đôn xác lập nguyên tắc làm việc giữa Kim Tiền với Tám Đôn một cách hết sức khoa học. Nguyên tắc của Tám Đôn là: Chỉ gặp nhau khi thật sự cần thiết, chỉ dùng điện thoại khi thật sự cần thiết. Trong đàm thoại, không nói một cái gì cụ thể, quan trọng. Tóm lại, nguyên tắc của Tám Đôn là: không để lại dấu vết gì. Nếu chỉ có một mình Thiên Kim thì Tám Đôn gặp ở nhà - tức biệt thự Vườn Tôm. Nếu cả hai vợ chồng Kim Tiền (trường hợp này rất ít, vì họ là những người có quĩ thời gian rất hiếm) thì Đôn chọn nhà hàng rồi hẹn gặp. Trong tất cả các cuộc gặp, Thiên Kim luôn luôn là nguồn hứng khởi đối với Tám Đôn. Nhưng Tám Đôn vẫn không xơ múi được chút gì. Thiên Kim đầy khôn ngoan và bản lĩnh. Nàng luôn luôn tự chủ. Càng ngày, Tám Đôn càng mê nàng. Nhưng càng mê nàng bao nhiêu thì Đôn càng phục nàng bấy nhiêu. Bởi nàng… thanh cao quá. Không thể thô lỗ với nàng. Không thể để nàng khinh thường! Để nàng coi thường thì nhục lắm.
Thiên Kim đã thắng cuộc ngay từ keo đầu tiên tại biệt thự Vườn Tôm, cái buổi tối nàng đến mừng tân gia của Đôn, cái buổi tối quyết định cho việc Công ty Duy Nhất sớm ra đời. Vàng, đôla nàng có thể trả ơn cho Đôn rất hào phóng, nhưng thân thể nàng thì không. Nàng biết, nàng còn phải vờn Tám Đôn dài dài trên suốt chặng đường đi tới đích của vợ chồng nàng. Hãy cứ để cho Tám Đôn khao khát nàng, chừng đó, mọi việc sẽ trôi chảy.
Thiên Kim đến nhà Tám Đôn, trao cho Đôn hồ sơ xin đi Nhật tiếp cận thị trường và mua tàu. Ngoài chuyện hệ trọng đó, nàng đến còn để khoe cái xe hơi mới mua. Chiếc xe nàng tự chọn cho nàng, và nàng cầm lái. Chiếc xe Mercedes đời mới nhất, khóa cửa và khóa điện đều bằng loại khóa điện tử, chìa khóa mã số chỉ có chủ nhân mới có thể mở được. Cả Sài Gòn mới có hai chiếc xe loại này. Một chiếc màu đen, nàng chê. Chiếc xe nàng mua có màu rất sang trọng: màu giống như phần nắp trên của vỏ bao thuốc lá ba số năm.
Tám Đôn vừa cho xây dựng lại cổng vào. Trước đây, chủ cũ không làm cổng. Từ ngoài xa lộ, có con đường đi thẳng vào biệt thự khoảng năm phút xe hơi. Hai bên đường là rừng cây ăn trái. Nay Tám Đôn cho lắp cánh cổng sắt, mở bằng điện, nút điều khiển đặt ở trong biệt thự. Khách đến cổng, khỏi cần nhấn chuông, người ở trong biệt thự cũng biết vì có gắn máy thu phát âm thanh cực nhạy. Chủ nhà hỏi, khách trả lời tên họ của mình. Nếu chủ nhà đồng ý tiếp thì nhấn nút điện, cánh cổng tự động mở ra. Nếu chủ nhà không tiếp thì chỉ còn cách đặt mìn mới phá được cổng.
Thiên Kim cho xe chạy rất chậm. Nàng biết Tám Đôn, như mọi lần, ra khỏi nhà hàng chục mét để đón nàng. Kia rồi! Ông ta đang đi rất nhanh, mặt mày tươi rói, háo hức chờ đợi cái giây phút được nắm tay nàng. Rõ ràng là Tám Đôn sửng sốt khi thấy nàng với chiếc xe mới. Nàng dừng xe, cửa bên tay phải tự động mở. Tám Đôn đứng sững nhìn.
- Sao anh không lên xe, còn đứng đó?
- Ôi! Em làm anh ngạc nhiên quá!
Tám Đôn lên xe, Thiên Kim hỏi:
- Đẹp không anh?
- Em đẹp lắm! Em mặc thế này… chồng em không ghen sao?
- Hử! Ghen à? Ha ha! - Thiên Kim cười đắc ý, thay cho câu trả lời.
- Anh hỏi thiệt tình mà.
- Không! Chồng em tin em.
- Ồ… tuyệt!
- Anh vừa khen em, còn cái xe?
- Cái xe thật xứng với chủ của nó.
- Anh biết nịnh đấy. Lần đầu tiên em thấy anh biết dùng ngôn từ! Hai trăm triệu đó, anh cố vấn!
Tám Đôn không biết rằng nàng vừa khen vừa chửi mình. Ông còn biết làm gì khác. Tâm trí ông đang bị thân hình nàng thôi miên. Nàng mặc một chiếc áo liền váy sát nách màu đỏ, thật ngắn, thật bó, cổ khoét rộng. Loại vải thun của Pháp phô hết những đường cong của nàng. Ôi cặp giò của nàng! Nàng ơi! Anh muốn được… nghẹt thở vì cặp giò của em!
Thiên Kim đưa cặp hồ sơ cho Đôn. Đôn xua tay:
- Khoan nói chuyện công việc! Anh đã chuẩn bị bia đợi em. Nào, ta uống mừng cái xe mới nào!
Tám Đôn rót bia từ chai ra ly:
- Bia Đan Mạch, em à. Chắc là em thích loại này?
- Ồ! Thích lắm! Nhưng… anh uống đi.
- Sao vậy?
- Anh uống đi!
- Sao em không uống?
- Không.
Tám Đôn khui chai bia khác, rót cho mình, rồi cầm ly giơ lên mời cụng ly, tay Đôn vẫn run.
Thiên Kim vẫn không đụng tới ly bia.
- Nào! Người đẹp của anh! Cụng ly với anh nào!
- Hãy khui chai bia khác cho em.
- Sao vậy? Cùng một thứ bia Đan Mạch mà!
- Nhưng em không uống chai này. Lý do thì tự anh biết. Anh đừng làm bộ nữa, kỳ quá!
- Em nói sao?
- Có gì lạ đâu! Anh bỏ thuốc kích dâm vô chai bia đó.
Tám Đôn sững sờ… Biết không thể đóng kịch mãi:
- Trời đất… Em có mắt thần?
- Há há há… Có gì đâu mà không đoán ra. Ngay từ hôm em đến mừng tân gia, anh đã đòi ngủ với em. Và em từ chối. Anh nên nhớ, em đến với anh hoàn toàn vì công việc. Ngủ với nhau phải do thôi thúc của tình cảm. Mà tình cảm thì… em chưa có với anh. Chỉ có mấy cô gái làm tiền mới quen ngủ với bất kỳ ai… Một năm qua, làm ăn với nhau, em luôn luôn đề phòng… Bởi vì em hiểu, đàn ông thèm khát của lạ như mèo thèm mỡ. Thế nào cũng có ngày anh tìm cách cưỡng đoạt em. Anh già rồi, sao còn khờ khạo trong chuyện này đến vậy? Sao không ráng chờ đến lúc em tự nguyện? Cái cách anh tiếp em hôm nay: bia mang ra sẵn, bàn tay rót bia mà run bắn lên! Che sao được mắt em? Đàn bà con gái như em, một thân một mình ra vô miệng cọp hang sói, không chủ động để chết à. Khôn ba năm, dại có một ly bia sao?
- Em… thông minh và đáng sợ!
- Vậy mà một tuần trước, anh nói em “dễ thương nhứt thế gian này”.
- Đúng! Và đáng sợ nhất thế gian này. Anh mê em là vì vậy.
Tám Đôn bỏ ly bia có thuốc kích dâm qua cái bàn nhỏ ở góc phòng.
- Sao anh không uống ly bia đó. Bỏ phí à?
- Không! Nhờ trời, anh chưa phải dùng đến thuốc!
- Vậy mà anh tính lừa em. Hèn quá! Anh lừa đàn bà.
Thiên Kim hạ giọng, biến câu chửi thành sự hờn dỗi.
- Tha lỗi cho anh. Tại anh thèm em đến cực độ rồi.
- Anh quen cưỡng bức con gái.
- Đừng nói thế. Hãy thông cảm cho anh. Từ nay… anh sẽ không…
Thiên Kim đắc ý, cắt ngang lời hứa của Đôn:
- Anh sắp hứa đấy phải không? Hứa cuội hay thiệt tâm?
- Thiệt tâm!
- Vậy thì hãy quỳ xuống!
Thảm hại thay những kẻ như Tám Đôn, cả đời sắt máu, vậy mà trước người đẹp lại nhũn như một tên nô lệ.
Đôn quỳ xuống:
- Anh xin thề: Từ nay sẽ không như vậy nữa!
Thiên Kim hiểu: thế là đủ. Không nên dồn đối phương vào chân tường.
- Đã nói rằng còn quan hệ dài dài. Anh đã đồng ý xác lập với vợ chồng em mối quan hệ làm ăn. Vậy thì chỉ nên dừng ở đó. Riêng với em, nếu thật sự mê em, anh phải chờ coi em có bằng lòng, có hưởng ứng hay không. Anh là người quyền thế quá nhiều, tiền bạc quá nhiều, đã già dặn trong trường đời. Vậy, đừng làm điều gì để em… - Thiên Kim toan nói: để em coi thường, khinh rẻ. Nhưng cô đã chọn từ khác - để em thất vọng vì anh!
Tám Đôn cúi đầu nãy giờ. Nghe Kim nói đến đó, ngẩng bộ mặt thiểu não lên, hai tay vẫn đặt trên thảm trải sàn nhà. Thiên Kim cúi xuống, cầm lấy hai tay Đôn đặt trên đùi mình. Chỉ một động tác ấy, đủ làm cho Tám Đôn run lên vì sung sướng.
- Anh ngồi lên ghế đi! Nhưng đừng có thượng cả hai chân lên, kỳ lắm!
Tám Đôn ngồi lên ghế. Thiên Kim cầm ly bia do mình vừa rót, cụng ly với Tám Đôn:
- Anh có vui khi em đến thế này không? Có muốn em đến hoài không?
- Có. Có mà em!
- Vậy, khi nào muốn, anh cứ phôn cho em!
- Coi chừng chồng em! Em không ngán à?
- Không. Em đã nói rồi, ảnh rất tin em. Ảnh biết em là người biết giữ mình.
Thiên Kim rót ly bia thứ hai cho mình và cho Đôn. Cụng ly, nàng nhìn vào mắt Đôn và uống cạn. Nhận ra vẻ hí hửng của đối phương, nàng cầm lấy cặp hồ sơ đặt vào tay Đôn:
- Đây là hồ sơ xin đi Nhật của vợ chồng em. Lý do: xin đi tiếp cận thị trường và đặt mua tàu. Nhân thể cho vợ con đi du lịch. Hồ sơ này đã được gửi đến Bộ Giao thông, Bộ Nội vụ và các cấp thẩm quyền của thành phố. Em hiểu rằng thủ tục ở đất nước này sẽ rất lâu. Nếu không có anh… Việc này tốn kém bao nhiêu, anh cứ nói, để em đưa đến cho anh.
Tám Đôn đã qua cơn mê muội, lấy lại được thế mạnh của mình. Đôn đốt một điếu thuốc lá, thong thả hút và nhả khói. Hút được nửa điếu thuốc, Đôn mới thong thả nhả từng câu:
- Việc này khó đây. Sẽ phải qua rất nhiều cửa, cần rất nhiều chữ ký. Chắc chắn sẽ mất nhiều tháng, thậm chí cả năm.
- Anh sẽ rút ngắn thời gian được chứ?
- Có những việc ở ngoài tầm tay anh. Tỉ như việc này. Người ta sẽ đặt câu hỏi: Cả nhà cùng đi, để rồi sẽ đi luôn sao? Đi công cán thực sự hay chỉ là màn kịch?
- Trời! Anh quên là Công ty Duy Nhất đang được cả nước biết đến, tín nhiệm, qui mô làm ăn đã bao trùm cả khu vực và trên tất cả các lĩnh vực: giao thông vận tải, xây dựng, kiến trúc, thương mại. Chỉ tháng tới, vợ chồng em sẽ xin được kinh doanh tiền tệ - tức là mở ngân hàng tư.
- Anh biết. Nhưng ở trên, có nhiều người họ không tin!
- Vấn đề là anh có làm cho họ tin hay không? Anh dư sức làm được việc này mà!
Thiên Kim đứng lên, đi lại phía sau lưng Tám Đôn. Nàng cúi xuống, vòng tay ôm lấy đầu Tám Đôn kéo về phía mình. Tám Đôn nhắm mắt, căng ngực hít lấy hương vị từ thân thể nàng.
- Sao, anh sẽ làm chứ?
- Tất nhiên.
- Nhưng trước hết, anh có tin là vợ chồng em thiệt tâm hay không?
- Anh tin!
- Không lẽ cơ ngơi và tiền đồ rạng rỡ như vậy mà chúng em bỏ đi để lêu bêu bên xứ người trong kiếp tha hương? Có khùng mới như vậy!
- Đúng. Em có lý! Anh sẽ ráng hết sức!
- Nhớ nghe cưng!
Như một ánh chớp, nàng đặt môi mình vào môi Tám Đôn. Nhanh đến nỗi, Tám Đôn chưa kịp cảm nhận và hưởng thụ nụ hôn đầu tiên nàng ban cho mình.
*
* *