Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.072
123.233.928
 
Tiếng trống Sampô
Anh Động
Chương 2

Đám người tràn tới như nước bể đập, Kim So lùi dần xuống chân đồi, hắn lúng túng, ậm à :

- Tôi ... tôi sẽ cảnh cáo đứa nào bắn vào chùa ...

Lục cả Chanhom cùng các vị sư sãi tràn theo :

- Chúng tôi khiêng những người bị thương ra Tri Tôn gặp mặt ông quận trưởng.

Ông Thạch Nhum hô tiếp theo :

- Chúng tôi hỏi tại sao quận trưởng để cho lính Quốc Gia chà đạp lên phong tục của dân tộc Khmer ?

Các con sóc đồng loạt hò theo :

- Chúng tôi đòi quận trưởng trừng trị ngay những đưa bắn con sóc !

Tà Phầu dắt một tên lính, hai đứa hung hăng cầm súng chạy bọc ra phía sau Kim So, lên đạn lốp rốp. Tên lính bảo :

- Để chúng tôi bắn chặn họ lại, xã trưởng !

Kim So quay nhìn, hắn thấy Danh Tuốl - một tên lính có vóc hình xương xẩu và cao lêu nghêu, trước đây đã từng làm cảnh vệ cho hắn. Bởi Danh Tuốl thường ăn nhậu, cờ bạc lôi thôi nên hắn lấy Thngôn vào thay, từ đó Tuốl càng chơi bời hơn, rõ là một tên lính “chịu chơi”, ai hô gì có tiền thì làm, không kể nhân đạo.

Tuy bị các sư sãi cùng con sóc áp đảo tơi bời, nhưng Kim So vẫn còn bình tĩnh cân nhắc lợi hại, hắn khoát tay thét Danh Tuốt với Tà Phầu :

- Không ! Nổ súng là bắn vào kho thuốc nổ !

Đoàn sư sãi cùng dân sóc tràn tới, đẩy trôi đám lính ngụy xuống chân đồi, Kim So ra lệnh cho tất cả các đồn trong xã Ô Lâm phải nhịn thua, để cho đoàn người kép dần xuống quận. Đoàn đi mỗi lúc một thêm đông. Đồng bào chợ Ô Lâm tham gia cùng đi. Rồi lần lượt những sư sãi ở các chùa đổ ra tham gia, các phum, sóc dài trên đường, gần xa các nẻo cũng kéo ra nhập đoàn. Mãi cho đến chiều, không biết có bao nhiêu ngàn người Khmer trong quận Tri Tôn, chia nhau nhiều mũi đổ ra hướng chợ quận. Những vị sư mặc cà sa màu bông vông, mùa lửa, những con sóc mặc xà-rông tím hoa cà, áo đỏ bông điệp kéo nhau đi tựa những suối nước chảy lượn quanh theo các sườn núi ...

Suman cùng Rati đi bên nhau trong một dòng người, Suman bảo :

- Xã trưởng Kim So tuy làm ra vẻ nhân nhượng như vậy, nhưng ông ấy là một con người “Bôtt têvotót, mott têvoda” (1), không tin cậy được đâu.

Rati cãi lại :

- Nhưng lục cả Chanhom còn giáp mặt với ngài quận trưởng nữa. - Và sực nhớ một điều Rati tiếp - Ngày mai Rati đánh xe bò lên núi lấy củi, Suman tới chỗ miếng rẫy của nhà đó nghe !

Chiếc xe bò chất mấy quả mít, mấy buồng chuối cùng một mớ cây củi đi ngất nghểu bên sườn núi. Rati ngồi cấn một bên thành xe. Suman cầm roi ngồi giữa, thỉnh thoảng anh quất vào mông con bò một cái lấy lệ. Bên trái là sườn núi Cô Tô, với những vách đá lởm chởm. Những luống gẩy nghiêng nghiêng, những lùm cây rậm rạp và những tàn cổ thụ sồ sề có cây bị bom, pháo quật đổ gục, gẫy nửa thân. Bên phải là cánh đồng Tám Ngàn trải rộng. Xa xa những đám lúa mạ và cỏ thâm thấp. Những đám cỏ lác với sậy vàng sậm cao cao. Xa hơn nữa, những quả núi bên kia biên giới nhấp nhô xanh kịn, núi Tkun trơ mình trắng lốp bên cạnh núi Rực Đây. Một cuộc khói xám đốt rẫy chọc lên trời tỏa dài nghi ngút, trông tựa một đoàn tàu biến dạng trên đường viễn du mỏi mệt. Trên nền trời có nhiều cụm mây xốp màu tro, màu giấy quyến đùn đẩy như những kiện bông xếp chồng lên nhau. Những khoảng xanh màu trứng sáo vời vợi, có mấy cánh diều chao lượn mù mù cao. Khoảng quang đãng trên đồng, từng cánh cò sập sận bay qua, bay qua ...

Con bò mộng kéo chiếc xe đi đủng đỉnh, lầm lì. Đôi trai gái ngồi bên nhau trên xe, vẻ mặt mỗi người trầm tư về một ý nghĩa xa xôi. Xe qua một con dốc, hai người ngồi bị xốc ngã vào nhau. Xe trở lại thăng bằng, hai người lắc lưu như vừa chợt tỉnh cơn mơ.

Rati nói :

- Rati lo nhiều lắm ! Suman có biết không ? Thằng Tà Phầu hơn một năm đi luyện phép tận đâu đâu, bây giờ theo đám bình định trở về làm xã phó, đóng bót Păngrum. Hôm qua nó đã chạm mặt bọn mình...

Suman vẫn không nhìn Rati, anh bảo :

- Tà Phầu theo giặc về bình định xóm làng, giết hại kẻ quen người lạ, nó ác ôn lắm ! Nó làm xã phó, làm trưởng đồn Păngrum, mới một tháng mà giết ba mạng người ...

Rati :

- Tà Phầu về sóc ba ngày, nó rêu rao là sẽ rửa cái nhục đối với Rati hồi trước, Suman có nhớ chuyện đó không ?

- Có ! Cái chuyện trong đêm Ok-ang-bok (1) lần ấy đó mà ...

Xã Ô Lâm bây giờ còn là một vùng giải phóng của cách mạng. Ngôi chùa Sóc Pạ mái dốc, nóc nhọn cao vút, thấp thoáng giữa những hàng cây sao, cây dầu suôn đuột có tán rất đẹp trên một lưng đồi cát pha đá; dốc đổ. Từ con đường triền núi quanh co bò lượn dần lên theo hai hàng  cây cối sầm uất, những bụi trê tầm vông, những hàng cây sầu đâu thẳng đuột, những cây cù oanh gai góc còng queo và những cây mít trĩu quả vàng ruộm. Ngôi chùa có nhiều ngọn tháp xây chung quanh bị thời gian rêu phong đứng lô nhô cao thấp. Một đỉnh tháp cao nhất chạm trổ chiếc đầu thần Maha Prum, bốn mặt đội mão nhọn vót. Một cái tháp bên cạnh lớn hơn chạm hình thần Bralima, đằng tạo sinh tượng trưng cho sự hoạt động, bốn tay cầm bốn quyển kinh Vêđa, cỡi con thiên nga Hamsa. Một tháp hình thần Vishonou - đấng bảo tồn tượng trưng cho lòng tốt - bốn tay, một tay cầm con ốc can-kha, một tay cầm chày vồ gađa, một tay cầm bông sen pađama, một tay cầm hòn quần cakra, cỡi chim Garuđa. Còn những chiếc tháp nhỏ khác đều là hình tượng những giống quỷ dữ tợn như chằn Yak, Yakshini, Yakasha, Asura, là những quỷ có giang sơn riêng, thường bắt đàn bà đẹp làm vợ và gây rối loạn. Những đầu xà kèo trên mái chùa cong vút được treo theo một tượng hình nhỏ của vị thần Garuđa, một giống chim gần thành người; tay chân và thân là người, đầu chim có cánh, có mỏ và đuôi. Con sóc tụ tập trước sân chùa mà làm lễ “Chào mặt trăng”; lễ này theo sách vở gọi là Pithi sâmpés prak-khr.Ok có nghĩa là đút vào miệng, đút thật nhiều đầy miệng đến nhai không được. Angbok là cốm dẹp, một loại cốm làm bằng nếp mới gặt đem rang nổ hết một phần tư rồi trút vào cói đâm cho dẹp, đem sàng sạch trấu. Khi ăn, người ta trộn với đường, dừa khô nạo, để vài giờ cho cốm dẻo và mền.

Đầu hôm, giữa sân chùa, dân sóc trải đệm, đặt nhiều cụm mâm nhang đèn cúng thần Trăng. Ngày lễ này hàng năm vào ngày rằm tháng Kđâk tháng mười phật lịch. Sư sãi ngồi từng cụm đọc kinh cầu an, xung quanh bày những thức ăn nào là cốm dẹp, dừa tươi, khoai lang, khoai môn, khoai mì, nước mía, chuối chín ... Mọi người thắp đèn, thắp nhang cúng lạy mặt trăng, cầu xin thần Trăng giúp nông dân trúng mùa năm tới. Già trẻ, gái trai, con trẻ vui vầy, cười nói huyên thiên. Trong lúc ấy những chiếc đèn giấy bắt đầu thả cho bay lên trời. Đèn làm bằng một loại giấy thật dai, bọc theo một cái sườn tre chắc chắn hình ống tròn, hoặc vuông, bên trong để cây đèn dầu nhỏ. Cứ thế, học đốt đèn thả lên, nhờ hơi lửa bốc nên đèn cứ bay lơ lững trên cao nhìn đến mút tầm mắt. Trong lúc đèn gió bay thì trống, chuông và nhạc ngũ âm trỗi lên, đàn cò, đàn nhị nổi lên. Những nghệ nhân già có giọng ca cao vút cất tiếng hát một bài dân ca thật cổ hòa theo. Bài Karkalếs này chỉ có các cụ lão sóc diễn đạt mới lột hết những tính cách cổ truyền của nó. Tiết tấu bài hát thể hiện theo nhịp đi của con quạ :

 “Người nói đèn sáng

               Có thật không nào ?

   Cũng thua mặt trời

   Tỏa soi thật sáng

   Chói lọi khắp nơi

  Soi sáng cuộc đời ...”

Lời ca của lão nghệ sĩ vừa dứt thì từ phía trái có bảy người con gái đẹp nhất sóc xuất hiện do Rati dẫn đầu. Đó là sự biểu hiện cho buổi tức vị đăng quang của nhà vua Prêah Ket Mêaléa, vị quốc vương thứ nhất đã xây cất đế đô-Angkor, bảy nàng tiên nữ Apsara từ biển sữa theo Ngọc hoàng Indra xuống trần dự lễ. Những bàn tay dịu dàng đưa lên xoay tròn theo điệu nhạc, những cánh tay uyển chuyển uốn theo độ cong đặc biệt bảo vệ kính đáo bộ ngực căng tròn và những bước chân rập ràng tiến, thoái chầm chậm, đều đặn. Điệu nhạc khoan thai, êm êm nhưng có phần man mác buồn cứ lả lướt như ru theo từng bước chân lay động của những nàng tiên vùng biển sữa. Đây là những phút giây in ắng gây them cảnh tĩnh mịch tao cho ngôi chùa sầm mật một cách thiêng liêng huyền bí. Các con sóc và cả những vị sư sãi ngồi xem, ai cũng im lặng để tình cảm mình thả trôi theo điệu nhạc tê mê, khúc múa huyền diệu ấy.

Nhưng đến khi người ta thấy có bóng dáng tên Tà Phầu xuất hiện lảng vảng gần đó, các cô gái lần lượt lùi ra, chấm dứt điệu múa. Ở Sóc Pạ này ai cũng biết Tà Phầu nghêng ngang tựa vị thần Civa phá hoại, chẳng kể ai. Hắn tượng trưng cho sự đen tối đối với các cô gái đẹp trong sóc và những việc gì gọi là bình yên cho mọi người. Tà Phầu đã có mấy lần phá phách làm náo loạn phum, sóc; hắn bị chính quyền cách mạng mới giáo dục, phạt vạ nhưng chứng nào tật ấy, cứ vẫn trấm trơ tựa một hòn đá lớn gieo mình giữa dòng nước ở suối Thmo.

Các cô gái uể oải thở ra, nhìn theo mặt trăng đêm rằm tháng Mười tỏa ánh sáng lồng lộng, giữa nền trăng có một vùng đen lem nhem luốc hình con thỏ. Riêng Rati, khi thấy có bóng Tà Phầu thấp thoáng, cô buồn bã nhìn lên một pho tượng gần bên : đó là tượng thần Civa, đấng phá hoại. Thần có bốn tay, hai tay trên một tay cầm cái trống, một tay dắt con nai cái, hai tay dưới một tay bố thí, một tay an ủi. Thần cỡi bò đực Nandin, tóc thần tết thành từng lọn, mặt có ba con mắt, đeo đầy nữ trang, da vẻ vằn vện tựa da cọp, cổ quấn những con rắn độc làm vòng đeo.

Có lẽ nhóm nhạc công “đánh hơi” thấy không khí cuộc lễ “Chào Mặt trăng” bớt vui, họ liền bơn trống samphô lên dồn dập. Rồi điệu nhạc rộn rã, thúc giục trỗi lên. Dường như nhạc rúc ngay vào trong thịt, trong gân của những người ngồi chung quanh, thỉnh thoảng có người bật dậy, vai họ giần giật theo điệu nhạc. Chỉ có một chốc sau, Suman dẫn đầu mấy chàng trai bước ra sân. Thế rồi những cái nghiêng mình chào mời, những cặp nam nữ bắt đầu vờn đuổi bên nhau qua điệu múa lâm thôn dân gian đang thịnh hành nhất của người Khmer. Dần dần sử quyến rũ tràn lan đến những người có tuổi, người già, trẻ con. Chỉ một chốc sau, tất cả con sóc đều đổ ra sân múa. Không khí trở lại vui nhộn vô cùng! Tiếng “hít - hắt”, tiếng thét “tơ...ơ - Re...ét” làm huyên náo sân chùa. Họ vui múa thỏa thích, quên cả tuổi già và cũng không cần nhớ mình là trẻ con ...

Qua lúc vui nhộn, họ mệt lả, đến ngồi quây quần ăn trái cây ở những chiếc mâm đã chọn sẵn trên đệm. Bấy giờ con sóc mới cử Suman thay mặt cho đám con trai, Rati thay mặt cho đám con gái đứng ra điều hành những thủ tục cổ truyền hằng năm cho đúng lệ. Suman bắt đầu vào việc. Anh lôi một đứa bé trai ra giữa sân trước mặt mọi người, đút một nắm cốm dẹp với trái chuối cho thật đầy miệng nó. Vừa vuốt lưng đứa bé, Suman vừa hỏi :

- Năm nay mày muốn được gì ?

Thằng bé ú ớ, nhảy cẩng lên. Suman lôi nó lại, vuốt lưng và cứ hỏi. Đến khi thằng bé nuốt được bớt đồ trong miệng, mới kêu lên :

- Muốn được cúng Phật.

Những người ngồi vây quanh bên ngoài cười rộ và vỗ tay reo ầm lên :

- Mày sẽ được phước !

Rồi đến lượt Rati. Cô cũng lôi một em bé gái ra giữa sân trước mặt mọi người, đút vào miệng nó một nắm cốm dẹp với một trái chuối cho thật đầy, rồi cũng vuốt lưng hỏi :

- Năm nay mày muốn được gì ?

Đứa bé gái cũng nhảy cẩng và ú ớ một lúc mới đáp được :

- Muốn được ók-ang-bok !

Cả đám cùng cười và vỗ tay reo ầm lên :

- Vậy là năm nay mày được no !

Tiếp tục sau đó, cô này kéo một đứa bé gái ra sân, anh kia lôi một đứa bé trai ra sân làm y như vậy. Tiếng reo cười không dứt ...

Đêm đã khuya. Mặt trăng rằm tháng mười xế bóng về phía bên kia vùng đất Cam-pu-chia. Còn lại một thủ tục cuối cùng là tất cả con sóc ngồi quây lại lắng nghe lục cả Chanhom kể chuyện.

Ngồi trên một chiếc chiếu có màu sắc rằn ri, lục cả Chanhom nghiêm nghị tựa một tượng Phật, giọng nói của ông tuy hơi khàn nhưng trần lắng. Lục cả kể về sự tích lễ Ok Ang Bok :

“... Lễ Ok-ang-bok là lễ kỷ niệm một nghĩa cử của đức Thích Ca trong một kiếp trước đã đầu thai làm con thỏ. Hình con thỏ ấy đã được một vị thần vẽ trên mặt trăng để cho nhân loại đời đời chiêm ngưỡng. Chuyện như sau :

Tương truyền rằng trong tiền kiếp của đức Phật Thích Ca, có lần ngài là một con thỏ sống quanh quẩn trên bờ sông Hằng. Thỏ kết bạn với khỉ, với rái và với chó rừng.Trình độ hiểu biết của thỏ cao hơn ba con thú kia. Thỏ cùng ba bạn sống một cuộc đời yên vui và có tình tương thân, tương trợ lẫn nhau.

Nhiều năm trôi qua, một hôm, trước ngày trăng tròn, thỏ gọi ba bạn đến bảo rằng :

- Trước kia chúng ta cùng hứa đến ngày trăng tròn thì nhịn miệng để dành thức ăn cho những người ăn xin qua lại.

Cả ba vui vẻ nhận lời. Sáng sớm, ba bạn chia tay đi kiếm mồi. Chẳng bao lâu, rái đem về năm con cá, sói đem về một miếng thịt tươi, khỉ đem về mấy trái xoài chín, rồi cùng ngồi đó chờ biếu cho những con người khốn khổ. Riêng thỏ không biết tìm thức ăn gì xứng đáng để dâng cho người nghèo đói, bởi vì mình thiếu những khả năng lao động như các bạn, mới nghĩ rằng : “ Khi có người đến xin ăn, ta sẽ làm như thế này... thì kẻ ấy sẽ có một món ăn tốt lành”.

Ý định tốt đẹp, cao cả của thỏ làm cảm động đến thần Sekra, vị chúa của các thần Deva. Ngài bèn giả làm người ăn xin xuống trần để thử lòng bốn con thú.

Thỏ cùng ba bạn đang ngồi chờ thì thấy một ông thầy tu đến. Trước tiên ông ta đến chỗ rái ngồi. Rái cung kính nói :

- Kính mời thầy dùng cá !

Ông thầy tu ngỏ ý cảm ơn, đáp :

- Xin cản ơn ! Nhưng tôi tắm rửa sạch sẽ rồi dùng sau.

Ông ta đến chỗ chó và khỉ cũng hẹn như đã nói với rái. Cuối cùng đến thỏ, thỏ vui vẻ nói :

- Xin chờ tôi đốt lửa và sẽ dâng cho thầy một thức ăn ngon lành.

Nói xong, thỏ đứng dậy đốt lửa lên. Khi ngọn lửa bùng cháy, thình lình thỏ nhảy đại vào và nói :

- Mời thầy dùng thịt này !

Vị tu sĩ nhanh tay nắm thỏ lôi ra, và ông hiện thân lại là thần Sekra. Ông khen ngợi nghĩa cử của bốn con thú, nhất là thỏ. Sau cùng ông nói :

- Lòng hy sinh cao đẹp của thỏ ta phải để cho đời làm gương.

Thần biến mình cao lớn đụng tới mây xanh, đưa tay bóp một ngọn núi làm cây bút và vẽ hình thỏ vào giữa mặt trăng.

Trước khi về trời, thần Sekra nhắc lại :

- Ta muốn thế gian đời đời, kiếp kiếp thấy hình thỏ trên mặt trăng vào lúc những đêm trăng tròn để nhớ đến việc hy sinh này ...”.

Sau cuộc vui đêm Ok Ang Bok thỏa mãn, người già với trẻ con về trước, con trai, con gái lần lượt về sau. Suman cùng Rati về sau hết. Hai người về đến con đường ngã ba dốc núi, chia tay nhau. Rati về nhà mẹ sóc Chau Ri ở phố chợ Ô Lâm, Suman về với mẹ ở túp chòi tả tơi lộng gió bên kia cầu suối Thmo.

Tách khỏi Suman đi về hướng nhà mình một đỗi, đến một đoạn đường vắng, Rati gặp Tà Phầu xuất hiện. Hắn từ trong một bụi rậm chầm chậm tiến ra, chặn ngang mặt Rati. Khi Rati tìm cách tránh né để đi tới, Tà Phầu suồng sã nắm tay cô lôi lại :

- Anh nói Rati nghe chuyện này !

Rati vùng vằng :

- Trăng xế rồi, để tôi về.

Tà Phầu lôi Rati ngả vào lòng hắn :

- Nán lại chút, anh đưa về !

Rati :

- Không !

Rati cố vùng ra nhưng không sẩy nổi vòng tay Tà Phầu. Tà Phầu ghì sát Rati vào lòng, hắn thì thào bằng tiếng Khmer :

- Boong Srolanh Ônl ! Boong Srolanh Ônl ! (1)

Rati vùng ra quyết liệt :

- Tè ! Tè ! (2)

Tà Phầu bụm miệng Rati và vật cô ngã xuống cỏ. Hai đằng vật nhau kịch liệt. Rati đuối sức vừa giãy giụa vừa kêu la :

- Bớ người ta ! Bớ ...

Tà Phầu cố bụm miệng Rati và hắn bứt xé áo quần của cô. Hắn giựt phăng chiếc áo tầm vông màu bông mua và chiếc xà-rông nền xanh có sọc ca-rô vàng sặc sỡ của ngày đại lễ trên người Rati, ném đi chỗ khác.    

Trong lúc Rati giảy giụa kiệt lực dưới sức mạnh của Tà Phầu, cô tưởng chừng như không còn giữ gìn thân thể của mình với con quỷ Zaka này được nữa, thì Suman cùng với mấy người đàn ông nữa chạy đến can thiệp kịp thời. Tà Phầu bỏ chạy. Mấy người đàn ông đuổi theo bắt hắn, trói ngoặt hai tay ra sau, giải lên cơ quan xã đội của chính quyền cách mạng.

Suman đã mất hết mấy phút ngẹn ngào mới đỡ Rati dậy nổi. Anh quay mặt chổ khác mà trong cổ uất hơi ầng ậc. Rati úp mặt vào ngực Suman khóc nức nở. Suman cứ ngồi nhìn đỉnh núi Cô Tô vời vợi như muốn chồm lên đội lấy mặt trăng và nghe dòng suối. Sau Thmo khóc than róc rách ngay khúc quanh. Sau đó anh nhè nhẹ vuốt mớ tóc rối bù của Rati và cởi chiếc áo mình trùm lên thân thể trần trụi của người yêu. Sau đó Suman mới đi tìm quần áo cho Rati mặc ...

 

 

Đằng cơ quan xã đội, có nhiều mùng giăng trên những chiếc chõng tre, giăng dưới đất được lót vải mủ. Thằng Tà Phầu cũng nằm trong chiếc mùng lót vải mủ dưới đất, nhưng hai tay của nó vẫn còn bị trói ngoặt ra sau. Tà Phầu cứ nguồi gục đầu, hắn không chịu nằm ngủ. Mùng hắn căng gần người du kích ngồi gác cạnh bệ cửa. Tà Phầu thỉnh thoảng liếc chừng người du lích ngồi gác, khẩu súng AK để ngang qua đùi trong cơn gật gù ngủ vất. Phầu lần tháo mở chiếc khăn trói không được chặt ở tay nó ra. Chiếc khăn sút đi, hắn quấn hờ lại như cũ. Tà Phầu nhìn người gác ngồi trên chiếc ghế đẩu hút thuốc, hắn từ từ nhích ra khỏi mùng, giả vờ run cầm cập, ngáp dài :

- Làm ơn cho hút một hơi, lạnh quá !

Người gác tra triếu thuốc đang cháy dỡ vào miệng Tà Phầu, hắn bập mấy hơi rồi lừa thế thuận lợi, vụt đứng dậy vung chiếc khăn ra, tay trái chụp khẩu súng, tay phải đánh một chỏ vào cạnh hàm người gác. Tà Phầu giật khẩu súng AK chạy lẩn vào màn đêm, ra chợ Tri Tôn đầu giặc ...

Gần hai năm nay, khi quân chủ lực của giặc tràn về bình định lấn chiếm lại xã Ô Lâm, Tà Phầu theo kẻ thù làm một tên tay sai đắc lực, trở về đóng bót và làm xã phó ...

- Bây giờ Tà Phầu đã giáp mặt với chúng ta rồi, - Rati tiếp - Phần thua sẽ về mình, phần thắng chắc chắn nó cầm trong tay.

Rati nói mà nghe như muốn khóc, Suman cũng không biết thu một câu nào như đường thốt nốt để an ủi người yêu, anh đành ngồi lặng lẽ, đánh chiếc xe bò lăn bánh xào xạo trên đường đá.

Một lúc lâu, Rati mới tiếp chuyện khác :

- Chuyện của hai đứa mình mê đã hay rồi, âu cũng đã biết rồi. Hai người nhứt định không ưng.

Suman :

- Mẹ sóc ham gả Rati cho chủ tiệm lớn, cho sĩ quan ngụy để có tiền, có thế. Suman nghèo, ông có thèm coi cái mặt này ra chi.

Rati :

- Mê bảo nhà Suman tạp nhạp như chuồng gà, gả Rati về đó được gì ăn ?

- Rati có nghĩ như vậy không ?

Rati giãy nẩy phản đối :

- Suman là thần Kâma mà mình thì trót mang cái tên Rati rồi(1). Anh đã cầm cây cung bằng mía, bắn mũi tên bằng búp sen trúng vào trái tim của em, dù có phải cạp đá núi Cô Tô mà ăn, múc nước suối Thmo mà uống em cũng quyết lòng lấy anh.

Suman vung roi đánh bò, anh “hầy” một tiếng rồi nói :

- Ông Chau Ri mẹ sóc đã mất uy tín với dân nhiều lắm, đó là một mẹ ác đức với bầy con, tại sao ông ấy không sợ mang tội với Phật ?

- Âu của em có lòng tham đồng tiền, có bụng muốn bóc lột, ăn hiếp người ta từ lâu rồi. Nhà tuy giàu, nhưng từ trước tới giờ có ai cử ông làm mẹ sóc bao giờ. Sẳn dịp này, xã trưởng Kim So dẫn lính về đóng đồn họ mới dựng ông lên. Họ đưa ông Thạch Nhum qua làm trưởng ban quản trị Hội đồng kỷ luật sư sãi, uổng biết bao nhiêu ! Âu của em là Têvotót làm sao sánh bằng Thạch Nhum là Têvođa.

Suman nghe người yêu nói mà trong lòng cảm động vô cùng ! Rõ là Rati công bình lắm, dám nhận xét người tốt, người xấu, dù người dưng có tốt cô cũng nói thẳng, dù cha của cô có xấu cô cũng nói thật. Suman nhớ có lần anh được Rati kể cho nghe về sự tích của hai vị thần Têvotót và Têvođa. Têvotót là vị sư anh rể của Phật Thích Ca, lòng dạ hiểm độc, luôn luôn tìm cách hại Phật. Còn Têvođa là vị phúc thần chuyên phù hộ người đời. Rati ví cha của cô với ông Thạch Nhum theo hai vị thần ấy, quả là cái bụng của cô không thiên vị ai. Con nhà giàu mà được tấm lòng như vậy thật hiếm. Nghĩ vậy Suman lại vung roi đánh bò đi, anh nói sang chuyện khác :

- Một ngày mình không gặp mặt Rati như cây không gặp gió, cứ đứng bên sườn núi dảu lá mà ngóng hoài.

- Mình cũng vậy, vắng Suman thì bụng mình tựa lòng suối Thmo chảy hết nước, bên trong nghe như có cái gì rỉ rỉ, thấy com mà không đói, thấy xoài sống không muốn chíp môi. Mỗi lần gặp Suman, về nhà, ban đêm, con mắt không muốn ngủ, cái miệng nuốt cơm hoài mà bụng vẫn nghe không no. Phải chi hai đứa mình như gió với cây, như nước dưới suối để nói chuyện rù rì với nhau suốt ngày, suốt đêm !

Chiếc xe bò đi đến một nhánh suối Thmo. Con bò dừng lại uống nước ngay dưới chân. Nước tráng qua mặt đá một lớp mỏng, chảy lao chao những hòn sỏi dưới chân bò. Rati lại cất tiếng trong giọng nghẹn ngào, làm cho Suman nghe cũng không rõ tại sao :

- Suman ơi ! Cái khó sắp tới sẽ dồn đến nhiều thêm cho Rati, biết anh có còn đùm bọc nó nữa không ?

- Suman có bỏ Rati thì cho Neak-taphnom (1) vặn cổ trào máu nó như một con gà bị cắt họng.

- Rati sợ Suman lòng dạ không được bền, ưa nghĩ vầy nghĩ khác. Chúng mình hãy lấy nhánh suối này làm chứng mà thề với nhau đi!

Suman với tay bẻ một trái chuối trong xe ném xuống mặt nước, anh cầm cây roi đánh bò chỉ theo mà thề rằng :

- Tình thương trong lòng Suman đối với Rati như dòng nước suối Thmo này, chừng nào nước suối khô đi thì lòng nó mới hết thương.

Rati cũng bẻ một trái chuối ném xuống nước mà thề rằng :

- Tấm lòng Rati đối với Suman trong như nước suối Thmo này, chừng nào nước suối đực đi thì lòng nó mới vẩn đục.

Suman nghe Rati thề, anh cảm động đến rớm nước mắt, xoay người lại nhìn vào tận mặt cô Rati chồm tới. Hôn người hôn nhau, những chiếc hôn nóng bỏng ngay trên chiếc xe bò đang lăn bánh lắc lư. Bất thần có tiếng cà-nông nổ đầu nòng bên trận địa pháp ngụy ở đồi Nam Quy. Suman vội nhảy xuống xe và đưa tay đỡ Rati cùng xuống. Một trái đạn pháp bay xoèn xoẹt ngay đầu hai người, rơi ngoài ruộng cách không xa, nổ rựng lên một bựng khói và đất. Đó là trái pháo đầu tiên để càn điểm của bọn pháp binh ngụy.

Suman bảo nhanh :

- Chạy vô chiếc lò-ảng đàng kia, mau lên !

Rati còn lựng bựng, đưa ánh mắt nhìn anh phân vận. Một trái đạn pháp nữa bay đến, nổ thúc lại gần hơn. Rati vội chay chui vào chiếc lò-ảng Suman vừa chỉ.

Suman nán lại mở ách cho con bò, đuổi nó chạy qua khe suối bên kia :

- Hầy ! Hầy ! Phkô, tâu ! (2)

Một trái pháo nữa lại nổ gần hơn. Suman nằm xuống tránh miểng. Đất và khói tung mù mịt quanh anh, Suman đứng dậy phủi quanh người. Ở chiếc lò-ảng đằng kia, Rati nhô lên réo :

- Lại đây, Suman !

Suman tốc chạy đến chỗ Rati. Nhưng một trái pháo nữa bay xoẹt tới nổ tung, khói bụi chụp phủ Suman, Rati vọt ra khỏi lò-ảng, lao tới chỗ vùng khói bụi chưa tan, thét lên thất thanh :

- Suman !

Vầng khói vừa tan. Hai người từ sau một vồ đá nắm tay nhau chạy về lò-ảng. Pháo chuyển sang hướng khác, hơi xa. Con bò mộng đủng đỉnh gặm cỏ bên nhánh suối Thmo. Dòng nước trắng bạc nao nao chảy chao nghiêng. Nước đùa qua đám rau cải xà-lách soon mền mại. Từng cuộn rau ngã dài, từng cọng rung rung dập dềnh. Nước đùa qua đám rau cù nèo lá xiên xiên xéo xéo, từng mục lá lúc lắc, xôn xao ... Chiếc lò-ảnhg có hai người nắp bên trong gần đó, lặng im ...

Chốc sau, hai người dắt nhau ra chỗ chiếc xe bò. Con bò cùng chiếc xe vẫn lành lặn, Suman cộc bò vào xe xong, anh đỡ Rati lên, trao roi và dây dàm, bảo

- Rati về đi ! Mình theo, họ thấy sẽ rầy rà.

Rati nghiêng người ôm lấy đầu Suman, cô ấp má lên tóc anh, nhắc lại qua hơi thở thì thào :

- Hai đứa gởi hết cái hồn, cái xác cho nhau, có suối Thmo làm chứng. Chừng nào dưới suối cạn tình chúng mình mới cạn !

Rồi họ buông nhau ra. Rati cầm dây dàm, quất roi vào mông bò :

- Họ ! Họ ! Phkô, tâu !

Chiếc xe bò vượt khỏi nhánh suối cạnh, Suman đứng nhìn theo. Rồi dường như cần phải nói thêm chuyện gì, Suman đuổi theo xe, gọi :

- Rati, dừng lại ...

Nhưng bất thần đâu đó có một loại tiểu liên quạt vào giữa tiếng gọi của Suman. Đó là loạt súng của viêng đồn trưởng Pănggrum, Tà Phầu nằm nấp nãy giờ hắn chờ để nổ cho đúng lúc. Từ sau một gộp đá lớn, Tà Phầu nhô ra, theo sau hắn là năm, sáu tên lính dân vệ đồn Păng rum. Mấy tên lính áp lại bu quanh chiếc xe bò của Rati, Tà Phầu cầm súng M16 đến đứng chắn nganh mặt Suman. Hắn trợn cặp mắt một mí hình trái xoài lên, quát :

- Mày đi đâu ? Tiếp tế cho Việt Cộng trong núi phải không ?

Suman hất hàm về phía chiếc xe bò của Rati.

- Tôi đốn củi mướn cho nhà mẹ sóc Chau Ri, xe chở kìa !

Tà Phầu ngọ ngoạy cái đầu, cười ngặt nghẹo :

- Tao biết hết ! Mày đi “theo cái” là chính.

Suman bị chạm tự ái, sừng sộ lại :

- Cho là vậy, thì sao ?

- Tao cấm mày ! - Tà Phầu trừng mắt giận dữ - Mày phải nhường con nhỏ đó lại cho tao “xài” trước. Chừng nào nó trở thành cáo mê rổ tao sẽ trả lại cho.

Suman phun nước miếng, quay mặt nơi khác :

- Không đời nào !

Tà Phầu đưa cao khẩu súng lên, hắn tuyên bố dõng dạc :

- Có ! Nhất định có ! Ai cầm cái này thì có tất cả.

Nói xong, Tà Phầu hạ súng xuống, nâng cằm Suman lên, nhìn xoáy vào đôi mắt anh, Suman bắt tay Tà Phầu ra, anh nghiến răng trèo trẹo và vung thẳng cánh tay lên trời :

Có ! Ta cũng sẽ có cầm cây súng như mày.

 



1 - “Miệng thì hiền như Phật, bụng xấu xa như quỷ”

1 - Ăn cốm dẹp của lễ cúng thần Trăng

1 - Anh yêu em

2 - Không ! Không !

1 - Kâma là thần ái tình, một chàng trai trẻ cầm cây cung bằng mía với những mũi tên bằng búp sen, cởi con két. Thần có vợ tên là Rati

1 -  Ông Tà cai quản vùng núi

2 - Nhanh lên, bò ! Đi !



 

 

 

 

 

 

 

Chương : 1    2   3   
Anh Động
Số lần đọc: 1765
Ngày đăng: 24.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm
Đất rừng phương nam - Đoàn Giỏi
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)