Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.088
123.232.790
 
Phản trắc
Hoàng Đình Quang
Chương 4

Phần VII

 

            Suốt ngày hôm ấy, công ty con CHANDCO vắng lặng. Và dần dà, người ta cũng biết rằng: sẽ không còn Tụ và Tài ở công ty này nữa. Rắn mất đầu, đúng thế! Con dấu đã bị thu giữ, tài khoản ở ngân hàng bị phong tỏa, pháp nhân tạm coi như tê liệt. Theo thông báo của đảng ủy khối thì ngày mai, ở ngoài Tổng công ty mới có người vào, để rồi hoặc là quyết định bổ sung nhân sự mới, hay giải thể công ty. Không cần nói nhiều, không cần nói rõ trắng phớ ra thì mọi người trong công ty đều đã nghĩ tới hậu quả xấu nhất, ban giám đốc, gồm phó tổng giám đốc, kiêm giám đốc công ty con, một chi nhánh của công ty 90, cùng với phó giám đốc đã bị công an bắt. Nhưng nếu bị bắt thì phải thông báo cho cấp trên, để cử người về thay, và cũng cần phải thông báo cho cán bộ, nhân viên trong công ty biết chứ, làm gì mà bí mật thế? Một bầu không khí nặng nề, đầy khủng bố bao trùm lên công ty. Quá sốt ruột, không yên tâm nhưng không biết hỏi ai, Hảo sang phòng thiết kế sản phẩm, gặp Kha:

            -Anh có đoán được anh Tụ và anh Tài có chuyện gì không?

            Kha tư lự:

            -Em thử gọi vào máy di động của anh Tụ xem?

            -Em gọi rồi, máy bảo không liên lạc được, chắc là anh ấy tắt máy.

            -Thế máy ở nhà?

            Hảo lắc đầu:

            -Em chưa gọi. Anh thử gọi xem nào? Hảo nói bằng một giọng năn nỉ, khẩn thiết nhưng rất nhỏ nhẹ, tiềm chứa một sức mạnh.

            Kha cầm máy rồi nhìn vào tờ danh bạ điện thoại được đánh máy cẩn thân, đặt dưới tấm kính, nhẩm đọc: tám-ba-năm-năm... Trong máy có tiếng tín hiệu chuông đổ ngân dài. Một hồi, hai hồi... và những hồi chuông kế tiếp. Kha kiên nhẫn chờ đợi, nhưng không có nguời nhấc máy, cho đến khi tiếng chuông chuyển sang chế độ máy bận. Kha gác máy, lắc đầu nhìn Hảo:

            -Không có người ở nhà. Cũng có thể bị đứt dây...

            Hảo quay mặt đi, tránh cái nhìn chứa đựng đầy những ý nghĩ phỏng đoán xen lẫn tò mò, phấn khích. Chị nói nhỏ:

            -Không biết trong kinh doanh anh ấy có điều gì sơ xuất không?

            -Theo tôi nghĩ thì không phải bị bắt vì tội kinh doanh. Nếu vì tội đó thì nói xin lỗi Hảo nhé, có cả em rồi!

            -Có khi nào họ chưa "tóm" đến phụ nữ không?

            -Chắc là không? Vì thế, có thể hai vị này dính vào một vụ gì đó ngoài công ty, hay là...

            Hảo sốt ruột:

            -Anh bảo sao? Anh đoán thế nào?

            -Là dự đoán thế thôi, tôi đoán là có thể cả hai vị cùng... chết! Tai nạn ô tô hay máy bay chẳng hạn! Em thấy đấy, nghỉ cuối tuần những hai ngày, Tụ có nhiều chỗ quen biết, bạn bè, có thể anh ấy đi đâu đó, miền Trung, Nha Trang chẳng hạn...

            Nghe nhắc đến Nha Trang, Hảo thoáng rùng mình, bởi một việc mà mãi sau này chị cũng không biết là đúng hay sai, chỉ có điều, đó là một nơi luôn gợi đến cho chị một sự lo sợ xen lẫn với tiếc nuối.

            -Nếu thế thì chỉ có một mình anh Tụ, sao lại dính cả anh Tài?

            -Cô không thấy à? Tụ với Tài vẫn gắn bó với nhau lắm mà. Họ cần nhau, bổ sung cho nhau, ân nhân của nhau. Cô không nghe người ta vẫn từng nói: phó giám đốc là cái đuôi của giám đốc, đi đâu cũng có mặt để ve vẩy...

            Hảo bị sự phỏng đoán của Kha đưa sang một sự tưởng tượng khác. Nếu thế thì... còn may quá! Được chết hoặc bị thương một cách bất kỳ rồi rời khỏi vũ đài quyền lợi, mà ở đó đầy cạm bẫy, bon chen thì có khi lại là hạnh phúc. Giữa Hảo và Tụ là một mối quan hệ phức tạp, bề ngoài là giám đốc và kế toán trưởng, nhưng bên trong còn là... Thôi, Hảo không dám nghĩ thêm nữa, dù sao chị cũng chưa phải là một con sói già trong nghề "tiêu diệt giám đốc", như người ta vẫn nói để chỉ thư ký và kế toán trưởng là đàn bà có nhan sắc. Hảo thì thầm:

            -Anh Kha biết nhà anh Tụ chứ?

            -Tôi có đến một lần khi Tụ mới làm nhà. Lại đi ô tô nên không chắc có nhớ...

            -Chiều nay anh thử đến nhà anh ấy xem sao?

            -Cô cùng đi với tôi chứ?

            -Không! Hảo buột miệng, phản ứng rất nhanh khiến Kha phì cười. Anh đi một mình hay rủ cậu Tâm cùng đi. Em... em ngại quá!

            Buổi chiều, Kha không về nhà, căn phòng nhỏ cheo leo như một cái tổ chim, không, đúng ra là một cái kén nhỏ, lửng lơ trên tầng của một căn nhà chung cư mà cơ quan Viện thế kế mỹ thuật công nghiệp, nơi Kha làm việc trước khi về làm cho công ty CHANDCO cấp cho vợ chồng anh. Kha quyết định đến nhà riêng của giám đốc Tụ, phần vì chính anh cũng cảm thấy sốt ruột, lo lắng cho anh ta, bởi đã nhiều năm giữa anh và Tụ có mối quan hệ thân thiết, trên cả mối quan hệ giữa lãnh đạo với cấp dưới, trên cả tình bạn thông thường của những người đồng trang lứa, mà nếu chỉ có thế thôi thì chưa đủ để Kha cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Đúng là Kha càng ngày càng xa Tụ, và cũng ngược lại. Tụ đã từng nói với Kha: "Ông nên biết, trong nhiều quyền lực của mình, cấp trên có cái quyền không tín nhiệm cấp dưới, và cấp dưới thì chỉ có mỗi một cái quyền là không hợp tác với cấp trên". Quả đúng, cả hai người đã sử dụng đến tận cùng cái quyền lực đó của mình. Họ như hai con thú, hậm hực, ngó chừng nhau, thủ thế với nhau, nhưng hòa thuận bên nhau. Sở dĩ như vậy, vì giữa họ vẫn còn một cái khác, cái khác để giữ họ bên nhau, mà chỉ đến những lúc hiểm nghèo, những lúc thất vọng cụ thể nó mới trỗi dậy. Bồn chồn và lo lắng, buồn bã và đau xót. Họ còn là những người đồng đội của nhau từ cuộc chiến tranh gần ba mươi năm về trước!

            Phần nữa, thể theo lời yêu cầu khẩn thiết của Hảo, Kha phải đến nhà riêng của Tụ, với hy vọng biết được điều gì đó để nói với cô ta. Kha định rủ cậu Tâm, một cậu trai mới tốt nghiệp đại học, nhút nhát, đang thử việc đi cùng, nhưng rồi anh lại nghĩ, chuyện này chẳng nên để nhiều người biết, trước khi họ được biết. Thế là Kha phóng xe honđa hướng về phía khu phố hai mươi, tức là khu Mả Cùi!

 

Phần VIII

 

            Sản Huê, đứng dạng chân trước cửa, hai tay y dang ra, làm như định chắn lối ra vào của  ai đó trong nhà, vươn cái cổ dài đưa khuôn mặt rỗ lấm tấm những vết đỏ của rượu, nói nhóng ra:

            -Hôm nay Tiến sĩ định đãi hai thằng đệ tử của anh món gì thế, anh Han?

            Tiến sĩ Han quẳng cái đầu mẩu thuốc lá còn đến nửa điếu vào góc cột ẩm ướt, hất mái tóc dài bù xù lên nhìn Sản Huê:

            -Như mọi ngày!

            Thằng Tư Khỉ vội nhao ra lượm mẩu thuốc Han vừa ném ra, còn ngún khói, bập bập mấy hơi giữ lửa, nói vội vã:

            -Chú tiến sĩ, cho cháu một điện thoại di động?

            -Được, hai thằng, mỗi đứa hai cái! Cho một đĩa hấp, lấy rượu Vân ra cho tao... Ông già mày đi đâu mấy hôm nay không ấy mặt hả thằng kia?

            Sản Huê cười hề hề:

            -Ông già đi khám điền thổ ở Bình Chánh!

            -Ghê nhỉ! Coi chừng lúc về lại còn có da bọc xương...

            Sản Huê vẫn đứng chống tay giữa cửa cười hô hố:

            -Khỏi lo, bà già dưới ấy cũng chỉ còn có "xương với hoa" thôi...  Cảm thấy nói được một câu "hay nhất trong ngày" dành cho bố vợ, Sản ta sướng lắm, y nhảy cẫng lên quay người lại suýt thì đâm sầm vào vợ, đang bưng cái thố đựng bốn cái chân chó đi ra. Hai Hành, vợ Sản lừ mắt nhìn chồng:

            -Đồ ngựa đực! Làm cái gì mà nhảy dựng lên thế?

            -A... xin lỗi em bé! Cho anh hôn miếng nào. Vừa nói Sản vừa cúi khom người xuống hôn vào má vợ. Em bé của Sản Huê đang bận hai tay bưng không chống lại, nhưng né tránh sang một bên, thố nước xáo sóng ra, đổ vào cái bụng phệ sớm của chồng. Sản Huê cười khành khạch:

            -Cái thứ xương với hoa này mà chết người ta lắm nhá!

            Nhìn cảnh ấy thằng Tư Khỉ cười the thé, tỏ vẻ khoái chí lắm.

            Han ngồi bất động nhìn vào đâu đó trên một cái chóp nhà cao tầng khu VIP, kiến trúc theo lối Ai Cập, của mấy thằng đi lao động đem tiền từ I-rắc hay Ly-bi về (cũng có thể những đồng tiền bẩn nhờ ngài Saddam Heisen rửa hộ). Nhìn vừa hay hay lại vừa chối chối con mắt. Trời càng về chiều càng oi, gió máy đi đâu mất cả, hàng dừa mé sông xõa cành im phăng phắc, thấy bức xúc như cảnh vây hãm của hơi nóng. Mùi hôi nồng nặc từ cửa con lạch đem nước thải trong nội thành đổ ra sông, bao bịch ny lon, chuột chết, bọt vàng, bọt đỏ thỉnh thoảng lại vỡ lụp bụp, bốc mùi khăn khẳn cứ luẩn quẩn quanh khu nhà lá. Có tiếng gì như tiếng sấm trộn lẫn với tiếng xe tải gầm rú lên dốc cầu. Trời muốn mưa lắm rồi, nhưng hình như tắc nghẽn ở đâu đó không mưa được, như người đàn bà lỡ thì, bế kinh.

            Ngoài tin tức buổi sáng thu lượm được từ ngoài chợ pha trộn tùm lum với những bộ phim trên ti-vi, trên băng hình phim bạo lực trong các quán cà phê và bộ óc lì lợm của nó, Tư Khỉ còn  cung cấp cho Tiến sĩ Han:

            -Con mới gặp con Ly Ly, nó nói nó mới gặp con Phụng, con nhỏ giúp việc trong nhà ông Năm. Thằng Tư Khỉ có thêm một mẩu tin tức cung cấp cho Tiến sĩ. Hôm qua, trong nhà ổng có đám giỗ, con Phụng nói thế...

            -Có những ai, nó biết không?

            -Nó nói đông lắm, khoảng hai chục người. Có nhiều người nó không biết mặt, chưa gặp bao giờ.

            -Con Phụng đâu rồi?

            -Dạ con không biết. Nghe nói công an đến canh chừng nhà ông Năm, cho nó được ở dưới nhà bếp, nhưng không được ra ngoài, khi chưa được phép...

            Tiến sĩ Han gật gù:

            -Mày khá lắm! Thằng Bèo đâu?

            -Nó mới đi tìm con Mỹ Hương...

            Thằng Bèo Chột thiêng như một con ma bùn, Tư Khỉ vừa dứt lời, Bèo đã hiện ra không phải từ ngoài cửa, mà là từ phía sau bếp, cái chỗ vẫn để nhúng sôi, cạo lông và thui chó của quán thịt chó Nam Hà. Hàm răng trắng nhơn nhởn của nó nhe ra, cũng y hệt như con chó bị thui vàng dưới ngọn lửa thanh hao, nhe ra cười, nhọn hoắt, đầy mãn nguyện và dọa dẫm. Trên đầu thằng Bèo lấm tấm hoa thanh hao vàng thắm, mùi hoa thanh hao tươi gợi nhớ một vùng đồi trung du xa xăm, bao la, gợi nhớ cái thuở thanh xuân, hầm hập sức trẻ và ngùn ngụt thèm khát của Tiến sĩ Han. Đột nhiên trong sâu thẳm ý nghĩ, Han rùng mình nghĩ  rằng thằng Bèo là con mình? Ô cái thằng ma cô chuyên nghiệp từ thuở mới mười một, mười hai tuổi, đầu tóc hoe vàng, đôi môi nhỏ còn mọng đỏ, cho đến giờ, đã mười bảy tuổi, nó vẫn như thế, trẻ con thì già, mà ông lão thì vụng. Giá mà, ta cũng có một thằng con như thằng Bèo nhỉ? Ta sẽ không để nó làm ma cô kiếm cơm, kiếm rượu và xương chó, kiếm tiền và thuốc lá, đôi khi nó ngật ngưỡng trong mùi khói bồ-đà, dở ngây dại, dở hung hãn.

            -Bèo! Han trôi theo dòng suy tưởng, quát to lên một tiếng, như thằng Bèo chính là con trai của Han vậy. Thằng bé hốt hoảng quay lại, lễ độ như bất cứ thằng trai có giáo dục cẩn thận:

            -Dạ, chú kêu con?

            -Mày ngồi xuống đây, tao hỏi. Từ sáng tới giờ mày đi những đâu?

            Bèo lúng túng:

            -Dạ, con..., con ra chợ rồi sang cầu Ka Ky kiếm con Mỹ Hương cho người ta...

            Tự nhiên Han thấy lúng túng, bởi mùi thanh hao nồng nàn trong tóc thằng nhỏ:

            -Từ mai, mầy đừng đi dẫn mối nữa nghe con?

            Thằng Bèo ngạc nhiên:

            -Ủa? Sao vậy?

            -Không sao cả! Ở nhà tao có việc cần mày!

            Tiến sĩ Han nói thế, nhưng anh cũng không biết là sẽ có việc gì. Con mắt còn lại của thằng Bèo sáng rực, như hòn bi ve của bọn trẻ vẫn chơi ngoài đầu ngõ, lầm đất, sứt sẹo, nhưng vẫn lấp lánh sáng. Nói ôm lấy đầu gối Han:

            -Thiệt  không chú Han? Chú nói thiệt chớ?

            -Thiệt sao không?

            Vừa lúc ấy, Hai Hành bưng đĩa thịt chó hấp ra, thằng Tư Khỉ rót rượu ra cái ly, nâng cao lên trước mặt Han:

            -Kính mời sư phụ!

            Han uống ực một hơi, cạn ly, rồi trả lại cho thằng đệ tử mặt khỉ. Cuộc nhậu êm ả, từ tốn, giữa hai trẻ một già thật khó có thể tả lại. Đôi mắt tiến sĩ lờ đờ nhìn ra phía ngoài đầu hẻm, anh bất ngờ phát hiện ra, ngồi đây lại "chiếu tướng", nhìn thấu ngay cánh cổng ngôi biệt thự màu hồng phấn của nhà Năm Tụ. Hai cánh cổng cao vút vẫn đóng im ỉm từ sáng sớm. Đúng ra, thỉnh thoảng cũng có người lách vô, đó là những người của nhà chức trách, vẻ mặt họ cũng im lìm, long trọng như ngôi biệt thự.

            Han bỗng trông thấy một người đàn ông đi xe gắn máy chầm chậm, ngoảnh cổ ngó nghiêng, như tìm kiếm một địa chỉ nào đó. Chiếc xe và người đàn ông chạy khuất về phía cuối đường, nhưng chỉ lát sau, ông ta lại quay lại. Với khoảng cách hơn ba chục thước từ đây nhìn ra, Han nhận được khuôn mặt của một người đứng tuổi, vẻ phong trần, hòa hợp với chiếc áo anh ta mặc, kẻ ca rô đen trắng, và quần jean xanh bạc màu. Đột nhiên anh ta ngó về phía quán, ngập ngừng rồi rà xe máy, chạy vào trong ngõ, thẳng đến chỗ Han và hai thằng đệ tử đang ngồi. Khi Han nhìn rõ mặt anh ta, thì con người này ngập ngừng, cho xe quay đầu, trở lại đến đứng trước cổng ngôi biệt thự. Anh ta rời khỏi xe, tiến đến cây cột cổng có gắn bóng đèn sáng đục, tìm nút chuông. Im lặng một lúc, không thấy có người, anh ta quay ra, nhìn lên bầu trời vàng đục hoàng hôn, vẻ thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt xương xương, thoáng chút mệt mỏi. Han vỗ vai thằng Bèo:

            -Mày có thấy người đàn ông mặc quần jean, áo kẻ ca-rô kia không?

            -Dạ thấy! Nó nhanh nhảu.

            -Mày chạy ra biểu ông ta vô đây, tao nói chuyện. Đi đi, lẹ lên!

            Thằng Bèo chạy đến đứng chắn trước mặt người đàn ông. Nó nói câu gì đó, khiến ông ta cười, rồi lên xe, đạp máy. Thằng Bèo tót lên yên sau, cười toang hoác.

            Người đàn ông dựng xe, đến trước mặt Han, Tiến sĩ kéo một chiếc ghế, chỉ tay vào, rồi im lặng, rót một ly rượu:

            -Ông uống được chớ? Tôi mời đấy. Chỗ chúng tôi chỉ có thế này thôi...

            Không khách sáo, người đàn ông mặc quần jean uống cạn ly rượu rồi như tiện tay, nhón một miếng thịt hấp, giọng xởi lởi, thay cho câu nói "cám ơn":

            -Ngon! Rượu ngon, thịt chó cũng ngon!

            Han rót tiếp ly nữa cho mình, chưa uống:

            -Ông tìm nhà Năm Tụ phải không?

            Người đàn ông ngạc nhiên:

            -Sao ông biết?

            Han ngửa cổ uống cạn ly rượu của mình rồi đưa cho thằng mặt khỉ, nói nhỏ "mày uống đi", rồi đưa tay vuốt những sợi ria quanh mép:

            -Từ sáng tới giờ có nhiều người tìm Năm Tụ, toàn là công an thôi. Ông cũng là công an chứ? Cá chìm?

            Người khách nhìn Han:

            -Anh là Tiến sĩ Han?

            -Đúng vậy? Ai nói anh biết?

            -Thằng nhỏ này vừa nói với tôi là có chú Tiến sĩ Han muốn mời chú. Anh tưởng tôi là công an à? Lầm rồi, tôi mà là công an gì?

            -Thế kiếm Năm Tụ có việc gì?

            -Ông ta là sếp tôi, từ sáng không thấy lên cơ quan...

            -Sếp?

            -Cũng là bạn nữa...

            -Bạn?

            Người đàn ông quần jean phì cười:

            -Bạn không được sao? Ông ta là sếp bây giờ, nhưng là bạn hồi đó!

            -Dầu Tiếng? Chơn Thành? Năm 1972?

            -Ồ, sao ông biết? Mà ông là...?

            Người khách thô bạo lột chiếc mũ sùm sụp trên đầu Tiến sĩ Han, để lộ khuôn mặt xương xẩu và vết sẹo đỏ bầm dưới cổ áo. Han để yên, không phản ứng, chỉ hơi mỉm cười như bảo "Nhận ra chưa?", nhưng người khách vẫn nhìn kỹ vào đôi mắt Han, rồi vỗ vỗ lên trán:

            -Thôi chết rồi! Hán phải không? Lê Quốc Hán?

            -Hà hà, giỏi đấy! Han cười khùng khục, vẫn giữ vẻ lãnh đạm thường thấy, nhưng tiếng cười đã ấm lại:

            -Mày là thằng Kha trung đội trưởng "xê" mười lăm?

            -Trời ơi anh Hán, thế mà tôi không nhận ra ngay! Lại còn là Tiến sĩ Han nữa chứ? Nghe như người Hàn quốc trong phim Đại Hàn ấy! Bố ai mà biết được?

            Kha đứng dậy, vuơn tay qua bàn, nắm lấy hai bàn tay Han, Han cũng rơm rớm nước mắt:

            -Mày nói đúng đấy, tụi xóm Mả Cùi này coi phim Hàn Quốc nhiều quá, nhiễm mẹ nó vào đầu rồi, lại thấy tao có vẻ có chữ, lại khùng khùng, chúng nó đặt cho tao là Tiến sĩ Han, cho oai, thế thôi. Riết rồi quen, tao cũng chả cải chính. Với lại, dân giang hồ nào mà chả có một cái tên giang hồ...

            -Sao anh lại ngồi đây? Nhà ở gần đây hay đi đâu? Có biết Năm Tụ không? Hôm qua nhà hắn có chuyện gì thế?

            Han khoát tay, ý bảo hỏi ít thôi, trả lời không kịp, rồi nói:

            -Tao thấy mày từ nãy kia, nhận ra mày là thằng Kha rồi, chỉ có Kha mới kiếm Năm Tụ mà lại không biết nhà thôi! Sao dở thế?

 
Còn tiếp ...

Chương : 1    2    3    4   5    6    7    8    9    10    11    12    13    14    15    16    17   
Hoàng Đình Quang
Số lần đọc: 1760
Ngày đăng: 18.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal