Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.233.564
 
Phản trắc
Hoàng Đình Quang
Chương 12

Phần XXI

 

 

 

      Cuối cùng thì người ta cũng bố trí để cho Tài được gặp Nhung, người vợ đã ly thân của y.

Công việc này có khó khăn, vì Tài đang trong giai đoạn điều tra. Ngay cả luật sư cũng chưa được phép gặp bị cáo. Nhưng nhờ một nhà khoa học tâm lý tội phạm, một tiến sĩ trong ngành công an đề xuất. Họ hy vọng qua cuộc gặp gỡ này, sẽ tìm ra căn nguyên của hành vi giết người.

            Tài được dẫn ra bàn đợi, có người giám sát. Khi Nhung vào thì họ lẳng lặng, đứng dậy rất lịch sự, nhưng Nhung thừa biết, họ đã bố trí theo dõi rất kỹ càng. Ở đây không cần lịch sự. Một người công an nói với Nhung một câu gọn lỏn:

            -Chị có được một giờ.

            Sau đây là nội dung cuộn băng ghi âm.

TÀI: Cô vào đây làm gì?

NHUNG: Thật xấu hổ. Tôi thật xấu hổ khi phải vào chỗ này. Người ta đã cầm súng dẫn tôi như dẫn giải một tội phạm.

TÀI: Con bé thế nào?

NHUNG: Sao nó lại sống kia chứ. Tôi mong nó chết đi, mà nó không chết.

TÀI: Cô đôc ác quá. Tôi mong họ cũng sẽ dẫn cô như dẫn tội phạm. Tôi biết thế nào cô cũng giết nó.

NHUNG: (lấy khăn mùi-soa thấm má) Sao ở đây nóng thế? Anh ngủ chỗ nào?

TÀI: Nhà giam làm sao mà mát được. Tôi nằm ở chỗ nằm của một tên tội phạm giết người. Cô muốn xem không?

NHUNG: (cười) Tôi cũng muốn xem thử xem nó thế nào. Từ nhỏ tôi hay tò mò lắm. Người ta có bắn anh không?

TÀI: Làm sao họ tha cho tôi được. Lúc đó cô có đi không? Đi xem họ bắn tôi ấy?

NHUNG: Không! Tôi sợ tiếng súng, sợ máu đổ.

TÀI: Thế mà hôm tôi bắn Tụ có cô ở đấy nhỉ? Hắn đổ gục xuống, ngay trước mắt tôi.

NHUNG: Tôi không muốn hỏi anh đâu, nhưng người ta gợi ý cho tôi hỏi anh. Vì sao anh bắn anh Tụ?

TÀI: (nghĩ ngợi một lát) … Hắn đáng bị bắn, tôi ghét hắn!

NHUNG: Đáng bắn thì nhiều lắm, không chỉ riêng Tụ. Nhưng sao người bắn anh Tụ lại là anh. Anhlà cấp dưới, cấp phó, là người được ưu ái, được nuôi dưỡng trong ống tay áo của anh ta kia mà?

TÀI: Cô chưa nói hết, tôi còn là một con chó trung thành của hắn.

NHUNG: Thì đúng rồi. Một con chó cắn lại ông chủ. Đó là một con chó tồi.

TÀI: Khi con chó tồi, thì đấy chính là lúc nó sắp sửa được hóa kiếp.

NHUNG: Thành kiếp gì?

TÀI: (cười méo mó) Kiếp người thì hơi khó. Nhưng mà cũng có thể. Người độc ác, xấu xa, như cô ấy…

NHUNG: Không nói chuyện tôi. Anh bắn anh Tụ nhằm mục đích gì?

TÀI: Làm gì có mục đích. Đã gọi là tội ác thì không có mục đích. Các ông công an cũng hỏi tôi câu này, không phải một mà nhiều lần. Tôi đều trả lời như thế.

NHUNG: Trả thù chẳng hạn?

TÀI: Trả thù thì thiếu gì cách mà phải bắn. Để mang tội.

NHUNG: Tôi thật không hiểu được anh!

TÀI: Thế mà có lúc cô bảo chả khó khăn gì cô cũng hiểu được tôi. Rằng tôi nông cạn, dốt nát, rằng tôi tham ăn, tục uống, rồi lại hèn nhát…

NHUNG: Thì anh đúng là thế!

TÀI: (cười) Bây giờ thì tôi không thế nữa phải không? Tôi đã quay một-trăm-tám-mươi độ rồi! Tôi can đảm, không sợ chết, không tham ăn, không còn hèn nhát nữa. Cô đừng có bĩu môi như thế! Nếu tôi chưa chết, tôi được tự do ra ngoài, tôi sẽ thành người đàng hoàng. Sẽ không ai khinh tôi được, sẽ có nhiều người trọng vọng tôi…

NHUNG: Anh nghi ngờ tôi và anh Tụ à?

TÀI: "Sự nghi ngờ giết dần giết mòn người ta, nhưng sự thật thì giết chết ngay". Tôi không nghi ngờ.

NHUNG: Anh cũng đọc sách kia đấy?

TÀI: Tôi không đọc sách. Tôi nghe điều này được ở Tụ. Sách vở là thứ vớ vẩn mất thời gian. Tôi chỉ đọc báo, đọc những báo cơ quan mua cho tôi.

NHUNG: Tức là Tụ đã cho anh sự thật.

TÀI: Không bao giờ. Tụ không bao giờ có sự thật nào hết. Chính tôi đã điều tra ra sự thật.

NHUNG: Về tôi?

TÀI: Về cô? Đúng là có sự thật về cô. Về sự bội tín, phản trắc, lăng loàn. Nói chung đó là sự thật về một con điếm được che đạy bởi cái vỏ bọc tiểu thư.

NHUNG: (đâp bàn) Ở phòng ngủ, hay thậm chí trong phòng ăn trước mặt ba tôi, anh có thể nói như thế. Nhưng ở đây, anh không được phép.

TÀI: Tôi được phép và thậm chí bắt buộc phải nói hết. Cô không tin à? Có cái micro trước mặt kia kìa. Cô sợ bị vạch mặt à?

NHUNG: Anh là một thằng đàn ông tồi. Cho nên anh Tụ xếp anh ngang hàng với loài chó cũng không có gì lạ.

TÀI: (bình thản) Nhưng sự thật ấy vẫn chưa đủ. Cô chỉ là nạn nhân thôi.

NHUNG: Còn gì nữa?

TÀI: Cô vào thăm tôi kia mà. Người ta đã nói với tôi như thế. Không phải cô đến để thẩm vấn tôi đấy chứ.

NHUNG: Thăm! (lấy một bọc đồ ra đặt lên bàn rồi đẩy tới trước mặt Tài). Tôi là một người vợ thăm chồng đang bị bắt giam.

TÀI: Cám ơn vợ. Có những gì trong này? Có giũa hay cưa sắt gì không?

NHUNG: Anh tự khám phá lấy. À, anh có thư đây.

TÀI: (hồi hộp) Của ai thế?

NHUNG: Có lẽ của anh trai anh ở quê?

TÀI: Sao lại có lẽ? Thế ra cô chưa đọc?

NHUNG: Không! (lấy phong thư đưa cho Tài). Tôi được dạy dỗ từ bé, không đọc thư người khác.

TÀI: (xăm soi lá thư, rồi ngẩng lên). Tí nữa về buồng giam tôi sẽ đọc.

NHUNG: Sợ người ta không cho.

TÀI: Sao lại không? Có thể cô không đọc, nhưng công an người ta đọc rồi. Chắc lại toàn những điều ông anh quý báu chửi rủa tôi chứ gì?

NHUNG: Anh có được ănno không?

TÀI: Quan trọng gì. Tôi đã ăn hiều ở ngoài đời rồi. Xuống địa ngục lại ăn tiếp. Tôi mong cho mau chết. Này, sau khi họ bắn tôi, cô sẽ nhận xác tôi chứ.

NHUNG: Tất nhiên. Tôi sẽ xây cho anh một ngôi mộ. Có gắn tên và…

TÀI: Cám ơn! Nhưng đừng ghi tội trạng của tôi lên đó.

NHUNG: (cười to) Anh cũng sợ à? Giết người không gớm tay mà cũng sợ à?

TÀI: Tôi không sợ cho tôi, mà cho những người khác bắt chước. Thế gian này lắm kẻ bắt chước lắm.

NHUNG: Anh tưởng ai cũng như anh sao?

TÀI: Không nói chuyện ấy nữa, buồn quá. Sức khỏe ba thế nào?

NHUNG: Bình thường. Ba tôi vẫn nhắc đến anh.

TÀI: (giọng ân hận) Tôi tiếc là không có cha như ba. Nếu tôi có được một người cha như ba, chắc tôi đã đi theo hướng khác.

NHUNG: Không! Ngu dốt, lưu manh là bản chất của anh rồi. Ba tôi đã chả coi anh như con ruột là gì?

TÀI: Tôi cũng cảm thấy thế. Nhưng giữa coi như và sự thật khác nhau xa. Tôi không thích ai thương hại tôi.

NHUNG: Thực dụng như anh mà cũng đòi lý sự. Bao nhiêu năm làm đầy tớ cúc cung, anh Tụ cũng dạy cho anh được nhiều thứ đấy nhỉ?

TÀI: Toàn là điều nhảm nhí. Duy chỉ có hai điều là tôi thật sự cám ơn Tụ.

NHUNG: Những gì thế?

TÀI: Thứ nhất, hắn dạy cho tôi biết bắn súng?

NHUNG: ???

TÀI: Thật đấy. Tôi có đi lính nhưng chưa bắn vào ai. Lần đầu tiên tôi bóp có vào một người cụ thể.

NHUNG: Còn điều thứ hai?

TÀI: Là giặt đồ lót cho đàn bà?

NHUNG: Cái gì? Anh nói lại xem nào?

TÀI: (cúi xuống, chảy nước mắt) Nhung ơi, em tha lỗi cho anh. Những năm tháng chúng ta là vợ chồng, anh chưa giúp em giặt được một lần áo quần. Vậy mà anh lại đi giặt không chỉ quần áo mà cả đò lót cho người ta…

NHUNG: (giận dữ) Ai? Cho ai?

TÀI: Em đừng trách anh. Anh cũng không ngờ, anh hèn hạ ở đâu thì cũng có thể được. Anh giặt cả đồ lota cho vợ và congái Tụ…

NHUNG: (nghiến răng) Trời ơi! Sao mà anh hèn thế? Tôi ghét anh, thù anh, coi thường anh, lừa dối nhưng tôi chưa đến nỗi chà đạp anh như thế? Anh chết đi! Chết ngay đi…

TÀI: (vẫn khóc) Anh sẽ chết, sẽ chết…

NHUNG: (ôm cả bọc đồ ném về phía Tài) Anh ở lại đây mà đợi chết. Khốn nạn thât…

TÀI: (nhoài qua nắm áo Nhung) Khoan đã, đừng bỏ anh lại đây…

NHUNG: Buông ra!

(Tài vẫn níu kéo. Nhung vung tay tát mạnh vào mặt Tài)

NHUNG: Khốn nạn!

            Thế là có cuộc xô đẩy. Bàn ghế đổ rầm rầm. Hai người công an chạy ra. Họ tra còng vào tay Tài dẫn đi

            Nhung ngồi gukc xuống, nức nở. Một người công an lay vai cô:

            -Hết giờ rồi, mời chị ra ngoài cho!

 

 

 

XXII

 

 

 

            Phải khó khăn lắm, Kha mới đẩy được chiếc Honđa cà tàng của mình vào nhà xe, trước con mắt chằm chặp của bà chủ bãi. Cái nhìn của bà giữ xe có lẽ cũng bình thường như mọi ngày, đối với mọi người, nhưng đột nhiên hôm nay, Kha cảm thấy có gì lạ lắm, khiến anh phải lên tiếng:

            -Có chuyện gì mà nhìn tôi dữ vậy, chị Tám?

            Bà Tám là một phụ nữ tuồng năm mươi tuổi ngoài, thuộc típ người tinh mắt, thính tai và cũng mau miệng:

            -Cậu đi đâu mà mấy ngày nay không thấy về nhà? Sắp có vợ mới rồi hả?

            -Vợ con gì! Kha thở dài, dửng dưng.

            Bà Tám đứng lên khỏi chiếc ghế của minh, đứng tựa vào cây cột căng sợi dây giũ tấm bạt che nắng, giọng giả lả:

            -Lúc chiều nay có người tới kiếm cậu.

            Thấy Kha im lặng, không có vẻ gì "ep-phê" trước thông tin của mình, bà Tam tiếp:

            -Người đẹp lắm à nghen, ăn mặc rất mô-đen. Hỏi tên gì không nói, cứ nhất định ngồi chờ "anh Kha". Mãi tới tôi hù mới chịu đi…

            -Vậy hả? Kha trả lời chiếu lệ trước một bà Tám có "thâm niên" về nghề "buôn dưa lê chuyên nghiệp", rồi khoác chiếc túi bạt gai của mình đi lên cầu thang. Tuy làm ra vẻ lạnh lùng nhưng Kha vẫn không thể không nghĩ: ai tìm mình nhỉ? Lại là đàn bà ăn mặc mô-đen? Đã từ lâu, từ khi từ bỏ cái gia đình ảm đạm của mình, Kha trở nên lãnh đạm với những mối quan hệ mà anh cho là lằng nhằng, rắc rối. Vậy thì ai?

            Mải suy nghĩ lẩn thẩn, Kha đã đứng trước cánh cửa nhà mình, anh tra chìa khóa vào cái ổ khóa lỏng lẻo bước vào nhà. Một mùi ẩm mốc, cũ kỹ xông lên. Kha dừng lại trước tấm lịch và nhận ra: đúng, đã ba ngày rồi anh mới về nhà! Từ hôm ở xóm Mả Cùi cuat tiến sĩ Han, hôm sau công ty chẳng có việc gì, Kha đi Long Khánh với lời rủ rê của ông bạn huyện đội trưởng.

            Tự dưng Kha cảm thấy mệt mỏi rã rời, anhvào phòng tắm, dội qua mấy gáo nước có lẫn cả loăng quăng trong cái thùng phuy trát nhựa đường, rồi quăng mình lên giường. Nhà mình đây rồi! Phải ngủ một giấc mới được, Kha tự nhủ.

            Đầu óc trống rỗng nhưng giấc ngủ vẫn không chịu đến. Những mảnh vụn của bao biến cố trong mấy ngày hôm nay cứ trôi lơ lửng trong ý nghĩ Kha. Đôi khi chúng tụ lại thành những mảng mây màu chì xám nặng nề, rồi vụt cái chúng lại tản ra, loé sáng. Tuy nhiên, mọi hình ảnh vật vờ chỉ độc có một màu đen trắng và xám, không màu, tựa như những gì mắt của loài méo nhìn thấy. Mãi lâu sau, Kha mơ màng, như đang trôi vào một mảng sương mù chuyển sang màu sữa dày và đặc sệt nặng chĩu, thì có tiếng đập thình thình dội vào trong đầu anh, như chính những âm thanh dữ dội ấy phá phách đâu từ phía trong đầu óc bung ra chứ không phải từ bức tường của nhà bên cạnh. Kha biết đó là cái gì rồi. Anh cuộn tấm chăn kín xung quang đầu thật chặt, kín cả hai bên thái dương, nhưng tiếng đập rất đanh và khô vẫn không chịu nhỏ đi, mà càng như khiêu khích anh một cách tàn nhẫn. Kha cong người lại, hai chân co lên tận ngực, còn hai tay quắp lấy hai bên thái dương, trong tư thế của một kẻ đang bị tra khảo. Chát! Bịch! Cốc! Rắc! Rầm rầm…

            -Trời ơi là trời! Kha bỗng gào lên. Không biết kiếp trước con ăn ở vô tình bất nghĩa thế nào mà kiếp này con khổ thế này, hả Trời? Tiếng gào không to, không đủ át đi những âm thanh vô đạo, vô đức, vô văn hóa kia, nhưng bỗng lôi anh ra với hiện thực. Kha vùng dậy, khoác tấm mền mỏng lên người rồi thò đầu qua cửa ngó sang nhà bên cạnh, nơi đang có cuộc hành hung tra tấn.

            Đó là hàng xóm, láng giềng tắt lửa tối đèn của anh.

            Đó là một gia đình có công với cách mạng. Đúng hơn, một con người có công với cách mạng. Cuộc kháng chiến của các anh và cuộc cách mạng của chị ta. Chị là một cô gái sinh ra và lớn lên trên vùng Củ Chi đất  thép. Gia đình chị và cá nhân chị đã anh dũng hy sinh từng phần và toàn bộ sức lực và tính mệnh của mình cho cuộc chiến đấu chống Mỹ của dân tộc. Hơn một lần, và mãi mãi Kha cúi đầu kính phục công trạng và tấm lòng của chị.

            Chị làm y tá của một bệnh viẹn trong thành phố và được cấp một căn phòng trong chung cư như Kha và như tất cả mọi người có công khác. Cuộc kháng chiến thắng lợi đã đem lại một khối lượng quả thực rất khiêm tốn cho toàn dân, nhưng lại chỉ vừa đủ cho một số cán bộ. Tướng giặc bỏ chạy, thì tướng chiến thắng vào nhà tướng bại. Tá cũng thế, tá thua di tản, thì tá thắng vô ở. Chứ không thế thì ai? Ai có quyền đó? Chỉ có binh sĩ là khó xử. Binh lính thua không bỏ chạy, mà binh lính thắng trận thì lại quá đông. Cuộc sắp xếp nhà cửa không tròn vẹn, nhưng rồi cũng cứ cho là ổn. Ổn định. Những người như Kha, như chị du kích Củ Chi đất thép cũng có phần, một gian nào nó của một chung cư (vốn là nhà xây hàng loạt để kinh doanh của một tư sản mại bản nào đó) để sống, để hưởng niềm hạnh phúc sau ngày toàn thắng.

            Nhưng cuộc đời có những đoàn tầu trái chiều. Nếu gia đình của Kha ly tán, cô vợ bỏ về nhà mình, thì chị du kích Củ Chi cưới về một ông chồng Hóc Môn. Hóc Môn cũng là một vùng đất anh hùng hào kiệt. Nhưng cả Củ Chi lẫn Hóc Môn không phải là thành phố. Khi những con người này đổ vào nội thành, họ đã mang theo đầy đủ những phẩm chất của đất thép, của đất quê ta mênh mông vào đây. Chị du kích lấy chồng, chồng chị sửa xe ngoài đường và gần một tiểu đội anh em con cháu của anh ấy cũng theo về. Họ sẵn sàng coi cả cái thành phố này như một cái ấp nhỏ, và xung quanh nhà họ là một cái chuồng bò. Rác và nước thải, hò hát và chửi bới, đục đẽo và nhảy múa… Cứ rầm rập và ào ào.         

            Chung cư, cái kiểu xây nhà chung tường này vốn không yên ổn. Đêm vắng, chỉ cần trẻ nhỏ làm rớt một viên bi cũng đủ gây ra những tiếng động cục cằn khó chịu. Một cái kéo nhẹ chân bàn cũng đủ làm giật mình ba phía sát vách.

            Hôm nay bên ấy có gì nhỉ? Một cuộc vui? Một sự giận dữ? Dù gì đi nữa, thì Kha biết, miễn góp ý, không thể xây dựng. Mà đã có lần Kha nhỏ nhẹ "Anh chị thông cảm, nhẹ tay một chút, tôi cần phải nghỉ để còn đi làm". Họ im lặng, không tỏ ra đã nghe rõ lời đề nghị của anh. Nhưng khi anh vừa quay vào phòng thì nghe được một câu văng tục: "ĐM, có một mình mà được nguyên căn, sướng thấy mẹ còn bày đặt!".

            Kha biết mình phải ra đi. Không thể ra đi vĩnh viễn được, thì hãy "di tản chiến thuật" tạm thời. Bất giác Kha nhớ đến câu thơ của một người bạn trẻ, bạn nhậu: Nhà cửa ấm êm, láng giềng tử tế. Đó là hạnh phúc, đó là lý tưởng để tranh đấu. Nhưng Kha đã không có. Hay nói đúng ra, anh có vợ con, láng giềng, chỉ có điều không được ấm êm, cũng chẳng mấy lương thiện, tử tế. Kha xỏ vội quần áo, nhảy ba bước xuống cầu thang. Đến khi nhìn thấy bà Tám trông xe, anh mới chợt nghĩ ra: ai đã tìm mình hồi tối hôm qua?

            Kha cho xe chạy lòng vòng một hồi mà vẫn không nghĩ ra ai là người đã đến tìm mình tối qua. Mỹ Liên? Rất có thể? Thôi đúng rồi! Chứ nếu không liệu còn ai đến tìm mình nữa đây. Chợt Ngô Kha chua chát nghĩ đến cái tuổi này, cái sự nghiệp này của anh, bạn cũ thì cứ rơi rụng dần trên chặng đường dài hun hút công danh cơm áo, còn bạn mới thì vô cùng khó. Đã có lúc Kha nghĩ, dù đến một ngày nào đó, anh không còn một người bạn nào, không ai đến với anh, không ai hỏi thăm, trò chuyện… Đến lúc đó vẫn phải sống, phải làm việc và làm việc đẹp hơn, sống đẹp hơn. Thế còn Mỹ Liên?

            Mải nghĩ ngợi lung tung, Kha nhận ra mình đang đi về phía xóm Mả Cùi. Trời đã ngả chiều, mùi khoai lang nướng từ bên đường của một bà nhà quê nào đó đem cái mùi vị đồng quê về xâm lấn thành phố. Khi qua cầu, Kha nghĩ: trong xóm Mả Cùi này có đến ba địa chỉ mình có thể đến: Tiến sĩ Han, Năm Tụ và… quán "Hai chị em" Mỹ Liên và Mỹ Châu. Nhưng anh sẽ đến với ai vào cái giờ cuối ngày này? Cái giờ mà người ta cần yênn tĩnh, đoàn viên. Hôm rời nhà Năm Tụ, anh nói với Bích:

            - Cô cứ yên tâm! Sẽ chẳng có chuyện gì nguy hiểm đâu. Số Tụ cao lắm, bao nhiêu năm trong chiến trận, rồi lại đi đông về tây còn chẳng việc gì nữa là viên đạn của thằng Tài!

            Nhưng Bích vẫn lặng lẽ như một cái bóng đen, vật vờ. Chị nói rất khó nhọc:

            -Không! Em không tin là anh Tụ qua được. Người ta có thể thoát khỏi đường đạn của kẻ thù, nhưng làm sao tránh được họng súng của bè bạn, nhất là khi họ đã bội phản. Bội phản vì cái gì đi chăng nữa, vì trả thù hay chỉ vì miếng lợi của riêng mình. Em nghĩ đó là một thứ quả báo…

            Quả báo thì không có, làm gì có! Nhưng hậu quả, không hệ quả thì có lẽ có thật. Hậu quả thì có thể né tránh được, còn hệ quả thì không, nó tất yếu mất rồi. Kha định nói với Bích những điều anh vẫn thấy và vẫn nghĩ về mối quan hệ của họ, tức của Tụ và Tài. Thật không gì đau lòng và thất vọng khi những con người đã từng là bạn bè, là chiến hữu, là đồng chí của nhau bỗng một ngày nào đó, không, chỉ một giây, một phút nào đó, họ quay lưng hoặc đối mặt lại nhau. Quay lưng đã là tồi tệ rồi, thì đối mặt còn tệ hại hơn. Nếu Tài là kẻ thâm hiểm và xấu xa hơn chắc y đã không bắn vào tim Tụ. Nếu Tài là kẻ độc ác và mưu mô hơn, y sẽ tiêu diệt "Anh Năm của mình" bằng cách khác. Không bắn Tụ, cũng không cần giết Tụ, nhưng y sẽ có cách để có thể làm cho Tụ trở thành thân bại, danh liệt, ê chề trước cuộc sống và cuộc đời. Kha muốn nói: "Dù sao Tài vẫn còn điểm "coi được", đó là y đã nhận tất cả cái xấu về mình, để trở thành tên "xấu nhất", bằng một viên đạn bắn gần sau bao nhiêu năm y khoác áo "chỉ được cái tốt".

            Nhưng xét đến cùng tận của vấn đề, của mối quan hệ "thầy trò" giữa Tài và Năm Tụ, không một ai, kể cả những nhà tâm lý học có bằng cấp và chuyên môn cao, cũng không thể lường được cái hệ quả bất trắc đó.

            Kha quyết định chọn quán thịt chó Nam Hà của Sản Huê làm điểm đến. Mới chập tối, quán còn thưa khách, hay còn một lý do gì đó khiến cái quán vốn xô bồ, bát nháo nhưng tin cậy này hôm nay vắng khách. Thấy Kha bước vào, thằng Bèo Chột nhìn anh lom lom rồi nó nhận ra người quen, nhoẻn cười, theo kiểu vẫy đuôi của một con chó:        -Ông thầy? Ông thầy mới tới?

            Kha phì cười. "Ông thầy"? Hay nhỉ! Trong con mắt của Bèo Chột, một đứa trẻ du thủ du thực, lưu manh, ma cô… thì hễ ai có vẻ tỏ ra có chút học thức, đều được chúng trọng vọng, bằng những "học vị", "học hàm": tiến sĩ, giáo sư, ông thầy. Mà là trọng thật sự, không hề giả dối như những đồng nghiệp chúng ta! Sau này, đã có lần Kha nói với Hán những ý nghĩ ấy của mình. Kha kéo ghế ngồi, vẫy Bèo Chột lại gần:

            -Lại đây chú hỏi chuyện.

            Bèo không ngần ngại, nó kéo ghế và tựa lưng một cách tự tin và sành điệu:

            -Ông thầy kiếm chú Tiến sĩ hả?

            Kha mỉm cười nhìn đôi giày hiệu Adidas sờn chỉ nhưng còn khá chắc dưới đôi chân nhỏ lòi ra dưới ống quần jean gấp lên mấy gấp của Bèo đang đu đưa:

            -Chú Tiến sĩ có nhà không?

            -Ổng mới chạy qua đây. Chắc đến nhà trẻ… Ông thầy nhậu liền hay chờ ổng?

            -Chú ngồi đây được không? Chú chờ ông Tiến sĩ. À, tiến sĩ Han đi đón con à?

            -Ngày nào cũng vậy hà!

            -Thế mẹ nó, vợ chú tiến sĩ ấy, bận gì mà không đi đón?

            Bèo Chột nheo mắt ngắm nghía cái bật lửa Zippo trong tay nó, thỉnh thoảng lại mở ra đóng vào, choanh choách:

            -Đời nào! Nó kéo dài giọng. Sức mấy ổng để cho bả đi đón. Phải tự tay ổng đón con gái kia, còn hun nó nữa chớ…

            Thằng Bèo đáp như một ông già, trong giọng nói của nó, Kha nhận thấy một vẻ diễu cợt về những chuyện yếu đuối của ông thầy nó, Tiến sĩ Han. Kha xoay sang chuyện khác:

            -Cháu có hay đến quán cà phê Hai Chị Em không?

            -Ít lắm. Thằng Bèo bỗng trở nên buồn buồn. Nhưng chú Tiến sĩ thì đến đó thường lắm. À, ông thầy thấy hai chị em Mỹ Châu có  đẹp không?

            Kha không trả lời, mà hỏi lại:

            -Bèo? Năm nay cháu mười mấy rồi?

            -Mười bảy. Thua Mỹ Châu hai tuổi.

            -Cháu thấy Mỹ Châu có đẹp không?

            Thằng Bèo giương con mắt còn lại của nó chiếu thẳng vào Kha:

            -Đẹp lắm chớ! Ông thầy thấy sao?

            Kha cười nhẹ:

            -Chú cũng thấy đẹp, cả hai chị em…

            -Nhưng con thấy Mỹ Châu đẹp hơn. Nhưng mà…

            Kha không muốn hỏi nữa, anh đã hiểu. Ngoài con mắt bị hư, thằng Bèo là một thanh niên tuấn tú, và khá lễ phép, mặc dù nó là một thằng ma-cô. Thằng ma cô đang xúc động. Nhắc đến Mỹ Châu, nó đang xúc động thật sự. Thấy Kha im lặng, thằng Bèo nói tiếp:

            -Con có nhiều tiền, con sẽ đưa cho Mỹ Châu, bảo đừng đi nữa.

            Bỗng dưng lòng dạ Kha se sắt. Anh không muốn ngồi đây nữa, anh không muốn nghe gì nữa, anh muốn rời khỏi cái xóm Mả Cùi, nửa hồng hồng, nửa xám xám này ngay bây giờ. Bỗng thằng Bèo reo lên, hồ hởi như nó chưa hề buồn:

            -Chú - tiến - sĩ - tới!
Còn tiếp....

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12   13    14    15    16    17   
Hoàng Đình Quang
Số lần đọc: 1666
Ngày đăng: 18.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal