Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
955
123.236.036
 
Bản án tản thất quân dụng
Lê Thành Chơn
Chương 3

Sự bối rối lên đến cực điểm khi chiếc vệ tinh quân sự Mỹ tới chu kỳ bay trên vùng trời Bắc Việt nam chụp được ảnh chiếc UH -1 đang đậu tại một phi trường ở phía Tây Hà nội chừng 30 kilômét. Trung tâm không ảnh Không quân ở phi trường Tân sơn Nhất nhận một lúc hai bức ảnh , một tấm trực tiếp chụp được từ vệ tinh và một tấm do trung tâm truyền ảnh quân sự Mỹ tại Honolulu gởi sang cho Bộ tư lệnh Không quân. Đại úy Trần Công Danh lập tức gọi điện cho đại tá Nguyên :

-   Thưa đại tá, chiếc UH -1 xuất hiện.      

Đại tá Nguyên hoảng hốt :

-   Hả , ở đâu ?      

-   Thưa , ở một phi trường phía Tây Hà nội.     

-   Không được tiết lộ. Đem ngay ảnh cho tôi .     

 

Mười phút sau , tấm ảnh cỡ 20x30 nằm trên bàn của trưởng phòng 2. Tấm ảnh chụp trực tiếp và nhận được từ Honolulu đều rất rõ ràng. Chiếc UH -1 đậu cùng với những chiếc trực thăng của Nga - xô .      

 

Trời ! không thể lẫn vào đâu được , chiếc UH -1 hình dáng như con nòng nọc, chỉ có hai cánh quạt đối xứng rõ ràng , trực thăng của Nga ba cánh quạt cũng rất rõ. Bây giờ làm sao ? lỡ nói dối , lỡ tạo hiện trường giả , lỡ ra thông báo , lỡ …       

                                                    

Trong khi sự hoảng loạn của đại táNguyên về sự xuất hiện của chiếc trực thăng UH -1 tại một phi trường Bắc Việt nam, hắn đang tìm cách đối phó với chính cấp trên của hắn thì ở một góc sân bay, Hồ Duy Hùng , Nguyễn Tường Long, Tạ Quốc Sử đang xem xét toàn bộ hệ thống điều khiển , trục quay, và lại những vết đạn bị quân ta bắn khi Hùng lái chiếc trực thăng trở về căn cứ. 15 giờ ngày 8 tháng 5 năm 1974, Nguyễn Tường Long xoa tay :    

Rồi, ngon lành.           

Hùng phấn chấn :    

-   Mở máy thử được không anh ?     

Long trả lời :

-   Được .     

             

Hùng ngồi vào ghế bên trái, Tường Long ghế bên phải. Chiếc trực thăng rùng mình lắc nhẹ theo cánh quay. Hùng và Tường long gần như cùng nhìn vào những chiếc kim vàng , kim đen , trên bảng đồng hồ trước mặt được mở ra cùng một lúc với thao tác mở hệ thống điện xoay chiều. Hệ thống vô tuyến chỉ không lưu hoạt động bình thường. Hùng đạp bàn đạp , cử động hệ thống ga, hệ thống điều khiển , các thông số đều cho phép. Độ rung của cánh quay chính cho phép … Hùng tắt máy, anh bước ra khỏi máy bay, ánh nắng chiếu xéo góc xuyên qua khe của dãy Tản viên những lằn ngang xanh , vàng tuyệt đẹp. Bầu trời trong xanh , anh vô cùng sung sướng tận hưởng không khí tự do. Hùng liếc nhìn cánh quạt chính trên đầu những vòng quay còn xoay chậm … Hồ Duy Hùng không thể tưởng tượng nổi con đường anh và Tường Long đi qua trên ba chiếc xe tải rất lớn , mang chiếc UH -1 từ vùng rừng miền Đông Nam bộ, theo một tuyến đặc biệt , vượt ổ gà, ổ trâu , ổ voi trên tuyến đường máu Trường sơn để đưa ra Bắc chiếc UH -1 theo chỉ thị của sáu Đức, đại diện bộ chỉ huy Miền hôm tiễn Hùng và Tường Long ra Bắc .  

                  

"Anh Long và anh Hùng theo xe , bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa cho được chiếc trực thăng ra Bắc nguyên vẹn và bay được"     

             

Hùng vẫn không sao quên được hôm anh và Tường Long cùng ba chiếc xe tải chở chiếc UH -1 tiến vào vùng đất nổi tiếng với truyền thuyết Sơn tinh - Thủy tinh thời vua Hùng dựng nước. Hơn ba mươi ngày đi đường , nhiều đoạn đường hiểm trở , có ngày đi được trên dưới 10 kilômét , vừa đi , vừa chặt cây cản đường , cản xe. Có đoạn phải dùng cả thuốc nổ phá những thân cây khổng lồ che ngang đường. Vượt ngầm, vượt đèo, ngày nghỉ, đêm đi, tránh máy bay Mỹ, máy bay ngụy luôn nhòm ngó … nhưng , có lẽ hình ảnh đập vào mắt Hồ Duy Hùng mạnh mẽ nhất chính là sân bay Hòa lạc, sân bay ngổn ngang với hàng trăm tấm ghi sắt bị máy bay Mỹ ném bom cong queo, có cái vồng lên như hình cây cung bị vặn đi thật kỳ lạ. Các chiến sĩ công binh đã phải rất vất vả để tháo và đem chất nó ở đầu Tây. Những tấm ghi sắt lót sân bay, do người Pháp làm để những chiếc máy bay cánh quạt cất cánh và hạ cánh. Trong chiến đấu với Không quân Mỹ, Không quân ta cũng từ sân bay này cất cánh. Và, cũng tại đây phi công Ngô Đức Mai mới có hơn hai trăm giờ bay đã bắn rơi phi công Mỹ Noocman  - Gadixơ có tới 4500 giờ bay. Cuối năm 1972 , trong đêm 18 tháng 12 , bọn Mỹ cho máy bay F111A là loại máy bay có thể bay rất thấp, tự động lên cao hoặc xuống thấp theo địa hình đã bay sát mặt đất đồng loạt ném bom vào tất cả các sân bay chiến đấu và cả sân bay dân sự ở miền Bắc. Sân bay Hòa lạc là nơi loạt bom Mỹ đầu tiên ném xuống trong chiến dịch 12 ngày, đêm người Mỹ sử dụng B52 đánh Hà nội - Hải phòng.    

             

Hồ Duy Hùng nhìn cuối sân bay, đống ghi sắt khổng lồ, ở phía Tây hai ngọn núi Tản viên sừng sững. Anh đã đặt chân lên miền Bắc. Ở đâu đây, người cha, người anh cảcủa anh đang sống , gần hai mươi năm xa cách , anh rất muốn gặp. Nhưng , công việc của anh hết sức nặng nề. Chiếc UH -1 đã ráp lại hoàn chỉnh bằng những phương tiện chuyên dùng của Liên xô. Bây giờ anh phải chờ, chờ đến sáng mai… anh sẽ cất cánh bay thử. Hồ Duy Hùng biết rất ro , để có được chiếc trực thăng đứng sừng sững trên sân bay như hôm nay, anh đã đi một quãng đường rất dài.

             

Hồi đó , Hồ Duy Hùng bảy tuổi, cha đi tập kết , bé Hùng vừa chăn bò , vừa đi học, 14 tuổi vào học tại trường Trần Cao Vân , Tam kỳ, Tỉnh Quảng nam . Tại đây cùng với bạn bè hoạt động trong phong trào học sinh chống Mỹ ngụy. Năm 1967, tròn hai mươi tuổi, đang học đệ thất thì bị lộ. Bọn Quốc dân Đảng ở Hội an giết người rất dã man lùng sục ráo riết. Hồ Duy Hùng phải rời quê vào Quy nhơn ở nhờ nhà người chú học tiếp tú tài 2 .   

             

Cuộc sống vất vả, gia đình ly tán , người anh cả theo cha ra miền Bắc, gia đình bị khủng bố buộc phải phân tán , anh em của Hùng mỗi người một nơi, ở nhờ nhà người bà con đi học , đi dạy kèm nhưng chẳng ai trong gia đình nản chí. Ảnh hưởng của cha bao trùm toàn bộ đời sống của gia đình , được mẹ hun đúc , anh chị em trong nhà dù hoàn cảnh nào cũng tin vào ngày đoàn tụ … Bây giờ , anh đang ở miền Bắc, Hồ Duy Hùng nôn nóng , đại gia đình của anh chưa đoàn tu , còn anh ?

                                                      

 

             

Nguyễn Tường Long lúc nào cũng gọn gàng , chiếc áo nằm trong quần , dáng dấp thư sinh , nhỏ con , trán cao , đôi mắt màu hạt dẻ, thông minh , đứng ở đầu chiếc UH -1 khoan khóai :    

                        

-   Nè, Hùng. Ngày mai bay thử cho ngon , nghen .    

-   Dạ, anh Long , mình ra Bắc được mấy ngày rồi ?     

-   10 ngày, nóng ruột hả ? Nhớ bồ phải không ?     

-   Anh Long , em muốn gặp ba em .     

-   Ổng ở đâu ?     

-   Ở miền Bắc , ba đi tập kết hồi năm 1954 .    

-   Ổng tên gì ? Làm việc ở đâu ?         

-   Ba em tên Hồ Duy Từ. Ở miền Bắc ông làm gì em không biết.

-   Vậy thì … nè , qúa trình ông hoạt động cách mạng ra sao ? Tao hỏi cho .        

-   Thật không ?      

 

Hùng hớn hở, anh biết rõ cha qua lời kể của ông nội, nhất là của mẹ vào những đêm đốt lửa sưởi ấm cả gia đình. Những đứa con chỉ còn có mẹ lo toan , bảo vệ, nuôi dạy. Anh em Hồ Duy Hùng như rót vào tai những lời mẹ kể về người cha mà cả cuộc đời bà tôn thờ. Hồ Duy Hùng coi cha như một thần tượng , tuyệt đối không có bất kỳ sức mạnh nào chia xẻ nổi. Hùng tỏ rõ nguyên vọng , được Nguyễn Tường Long thông cảm, chia xẻ .     

- Thật , dù sao cũng ở Hà nội tám năm , tao biết rõ đầu mối , biết

đâu …        

Giọng Hùng nhỏ nhẹ ,  chậm rãi , tha thiết :

 

-   Thật ra quê em ở Quỳnh đôi Nghệ an. Khi quân Minh xâm lược nước ta, ông Tiền Hiền theo nhà Hồ, không hợp tác với giặc , chạy vào ở làng Cấm sơn xã Duy tụng , huyện Duy xuyên. Đến đời ông nội em là đời thứ 12 , ông là người giàu có , nhiều ruộng và làm thêm nghề dệt lụa.        

-   Vậy chắc là ông già của Hùng … ?     

-   Vâng , ba em được ăn học đàng hoàng , giỏi tiếng Pháp , sớm tham gia cách mạng. Năm 20 tuổi, trước năm 1927 ba gia nhập thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1929 vào Đảng cộng sản. Năm 1930 ba em là huyện ủy viên Duy xuyên. Sau đó bị Pháp bắt đến năm 1936, phong trào bình dân Pháp nắm chính quyền ba em được trả tự do. Ba em tiếp tục hoạt động tham gia cướp chính quyền tháng tám năm 1945. Năm 1954 đi ra Bắc tập kết với anh cả em , anh ấy tên là Hồ Duy Diệm. Em muốn gặp ba em qúa, ba đối với em là tất cả. Nếu được , anh thử hỏi , em lần đầu ra Bắc bỡ ngỡ qúa.     

-   Được rồi, nhiệm vụ của chúng ta là bay thử chiếc UH -1 thật tốt. Nhiệm vụ anh sáu Đức , anh tư  Chu giao cho anh em mình cũng là nhiệm vụ của tổ quốc.        

Hùng chân thật :

-   Em hiểu , anh Long , em thật vô tình qúa .       

-   Cái gì vậy ?      

-   Lẽ ra nên có qùa cho cháu.       

Tường Long sửng sốt :

-   Cháu nào ? Cháu của ai ?  

  

Hùng bất ngờ cũng không kém, kể từ khi gặp nhau ở Bến cát , công việc cuốn hút chưa có điều kiện hỏi thăm gia đình , Hùng cứ ngỡ :     

-   Con của anh , chị công tác ở đâu ?        

Tường Long nhìn vẻ mặt thồn thộn của Hồ Duy Hùng , anh rất thương người bạn trẻ lúng ta lúng túng. Tường Long phá lên cười thật to rồi đột ngột ngưng :       

-   Trời ạ , mình đã có vợ đâu mà có con ?     

Hùng ngạc nhiên :

-   Anh Long , vì sao đến bây giờ anh chưa có vợ ?     

-   Dài lắm , dài như sông Cửu long vậy …       

 

Tường Long bá vai Hùng , gió chiều đã chuyển hướng Đông , những làn gió nóng đầu mùa từ hướng Tây còn yếu đã phải nhường cho làn gió Đông mang hơi ấm , mát của biển tràn đến cánh đồng mấp mô xen lẫn ruộng và đồi. Họ ngồi xuống lưng tựa vào một bờ đất đồi màu nâu , loại đất có màu sắc đặc biệt của vùng thổ nhưỡng nằm dưới chân núi Tản viên , có thời là bãi chiến trường của cuộc chiến đấu giữa hai nhân vật huyền thoại thời vua Hùng dựng nước. Sơn tinh ra sức đắp đất, Thủy tinh ra sức dâng nước , nước tới đâu , đá và đất dâng tới đó cao dần và các tướng của Thủy tinh , những con thuồng luồng , rùa , cua đã moi đất , phá đập làm ra những vùng đồi cao thấp khác nhau , có màu sắc cũng đặc biệt. Chỉ cách đây vài chục kilômét , đất sét vàng thì ở gần núi Tản viên , đất màu nâu xẫm do cuộc chiến đấu của Thủy tinh tàn phá. Đất đập của Sơn tinh bị cào ra. Ông huy động hàng vạn người, lấy đất ở các nơi , có ở đâu lấy ở đó đắp lên. Và , chính vì vậy mà ….     

 

-   Anh có thể kể chuyện đời anh được không ? ở đây chỉ có anh và em.         

-   Ừ, đời mình ….      

Tường Long nhìn xa xa , giọng nhỏ nhe , dễ thương. Anh bắt đầu bằng câu chuyện kể ở Pháp :      

" Năm 1945 , mình đang là sinh viên trường đại học kỹ thuật Paris , chỉ còn năm cuối cùng mình sẽ có trong tay bằng kỹ sư Ecole Polytechnique , mình có một cuộc sống bình yên , giàu có bên cạnh nàng Bernadette xinh đẹp …"                   

 

Tường Long nhìn xa xôi , chẳng hiểu từ lúc nào Hồ Duy Hùng và Nguyễn Tường Long cùng nằm trên bãi cỏ , đầu gối lên bờ đất tạo thành những khoanh đât hình bậc thang , trông xa xa như bức tranh thật hoành tráng , ở đằng sau những chiếc trực thăng họ Mi , Bên cạnh chiếc UH -1. Qúa khứ hiện tại luôn đan xen , sống động , làm cho Tường Long choáng ngợp. Anh nhìn bầu trời buổi chiều , những đám mây trôi trên nền trời xanh , trôi mãi chẳng biết chúng đi về đâu. Biết đâu , chúng có thể đi đến nơi người tình đầu đời, nàng Bernadette xinh đẹp của anh. Hồ Duy Hùng xoay người nhìn sang. Tường Long vẫn không sao quên nổi những năm tháng hồn nhiên , những ngày nắng đẹp bên thung lũng xanh.

 

" Mình và Bernadette là bạn học thời còn học tiểu học , vừa là người hàng xóm. Hai đứa là bạn bè , chơi với nhau rất thân. Đến những năm học trung học , cô bé bạn học khẳng khiu ngày nào bỗng phổng phao xinh đẹp , mỗi ngày gặp nhau tự nhiên thấy Bernadette khác hẳn , đẹp hơn. Có cái gì toát ra từ bên trong cơ thể của nàng , lạ lắm. Thoạt đầu là đôi mắt lúng liếng , long lanh. Hôm khác , đôi má, bầu bĩnh đẹp hẳn . Cặp chân mày như có ai vẽ, chỉ mới tuần trước nó xếp còn lộn xộn , vậy mà , chỉ một đêm tất cả những sợi tơ bỗng trở nên cứng cáp và xếp hàng cong vút theo một đường như kẻ , đẹp tuyệt vời. Cổ, vai của nàng , đặc biệt là vùng hông tự nhiên trở nên mềm mại, quyến rũ lạ kỳ. Mình ngắm nàng mỗi khi tan học …   

 

Một bữa nọ, thi tốt nghiệp tú tài, lòng tràn ngập niềm vui  Bernadette đón mình ở cổng trường , hai đứa đi vào một cánh từng thông. Mùa khô những trái thông rụng xuống đất cùng với lớp lá thông kết dày như tấm nệm … lần đầu nàng nằm trên cánh tay mình , mái tóc màu hạt dẻ rất dầy của nàng lùa vào cổ mình … ngây ngất … cũng lần đầu mình và Bernadette hôn nhau. Đôi môi nàng ấm , nóng áp vào môi mình , đến bây giờ dù đã trải qua trên hai mươi năm vẫn còn hơi nóng ấy đọng trên môi … nụ hôn ấy không thể nào quên nổi".

 

Hùng quên mình đang nằm trên cỏ giữa một vùng bán trung du , mới đây nhìn về phía Tây là núi , là rừng trùng điệp , nhìn về phía Nam nửa núi , nửa đồi , còn ở phía Đông chắc là đồng bằng mênh mông , chẳng thấy ngọn núi nào. Tường Long qủa thật là một con người kỳ lạ. Hùng nhìn vào mặt anh ta . Dường như bầu trời tư do bao trùm tất cả mọi góc cạnh quan sát của mắt anh. Tường Long thỏa mãn , anh đã chọn đúng hướng đi cho cuộc đời mình , kể cả phải hy sinh sự xa cách , kể cả mất vĩnh viễn Bernadette. Bây giờ có thể lắm, bà ấy đã trở thành bà nội , bà ngoại … Hùng hỏi bâng quơ :

 

-   Anh có tin tức của Bernadette ?         

 

-   Có , hồi năm 1947. Lúc đó mình ở công binh xưởng quân khu 9 . Tình cờ , một người bạn với em gái mình , đáp lời kêu gọi của Nguyễn Ái  Quốc đã rời Pháp về kháng chiến .           

-   Ai vậy ?         

-   Nguyễn Ngọc Nhựt , kỹ sư , phó chủ tịch Cao đài 12 phái thống nhất .                       -   Ông ấy nói sao ?                

-   Trong một lần đi công tác ở Đồng tháp , Nguyễn Ngọc Nhựt chống xuồng bon bon trên đám bồn bồn ngập đầu , mình đang nhổ bồn bồn về làm dưa, ông ấy lướt qua , chợt la lên: " Est ce que êtes Monsieur Long" ( có phải anh Long ). Mình ngạc nhiên vì có người nói bằng tiếng Pháp giữa Đồng tháp Mười , quay lại gặp ông Nhựt mừng qúa , mình nói ngay : " Qui , Coment alles vous ( Vâng , anh khỏe chứ ) "Ca va"( Khỏe ).     

 

Nguyễn Ngọc Nhựt tấp xuồng vào , mình nhảy lên xuồng , cả người chỉ có một chiếc quần đùi ướt mẹp. Nhựt vui lắm , ông ấy kể cho mình đủ chuyện nhưng mình chỉ tập trung chuyện của nàng Bernadette. Nhựt nói :      

-   Anh đi rồi , Bernadette buồn qúa , âu sầu trên nét mặt , nàng đến gặp em gái anh để hỏi thăm tin tức về anh liên tục , tội nghiệp.    

-   Rồi sau đó .        

-   Vẫn vậy, Bernadette hình như rất yêu anh , có lẽ anh là người yêu đầu tiên của cô ấy ?       

-   Đúng vậy đó anh , tôi và cô ấy quen biết nhau từ nhỏ, đến đỗi gần như mỗi ngày chúng tôi đều gặp nhau và tôi cũng yêu cô ấy lần đầu.      

 

Mình và Ngọc Nhựt nói chuyện lâu lắm, bọn mình chia tay. Cuối năm bọn Pháp nhảy dù xuống Đồng Tháp Mười, bắt được Nguyễn Ngọc Nhựt , bọn chúng dụ dỗ không được , người vợ từ Pháp sang thuyết phục Nhựt đồng ý để cô ấy lãnh ra , Nhựt không chịu. Bọn Pháp đến thánh thất Bến tre , nơi đặt trụ sở của ban chỉnh đạo, một phái có uy tín trong 12 phái đạo Cao đài yêu cầu đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tường là cha ruột của Nguyễn Ngọc Nhựt khuyên Nhựt trở về Pháp, ông trả lời : " Nó là con của tôi, nhưng nó có sứ mạng của nó …" Không lay chuyển được Nguyễn Ngọc Nhựt , bọn Pháp đã chích thuốc cho Nhựt điên , đem giam ở nhà thương Biên hòa, một năm sau anh chết đau đớn , giữa tuổi ba mươi. Tường Long rơm rớm . Hồ Duy Hùng  biết , Long kể chuyện Nhựt là để trấn an , lấy gương của bạn để khẳng định con đường đi đúng đắn của mình. Như mạch sông tuôn chảy, Tường Long kể tiếp :

 

-   Sau này , cuộc chiến đấu ác liệt , binh công xưởng rời xuống miền Tây, mình không còn nhận tin gì của Bernadette. Hồi đó , cuộc kháng chiến cực kỳ gian khổ , đã có lúc mình muốn trở về Paris , tiếp tục học những năm cuối cùng để lấy bằng kỹ sư Ecole Polytechnique Supèricure , để được có Bernadette , nhưng hình ảnh người cha kham khổ, héo hắt vì mất nước , ông đã nói : " Nếu còn trẻ ba sẽ về Việt nam tìm Nguyễn Ái Quốc" Và, thật tình cờ mình chứng kiến một trận chiến đấu vào đêm 22 rạng ngày 23 tháng 9 năm 1945 , Pháp được quân Anh giúp đỡ xua quân chiếm ủy ban nhân dân Nam bộ. Quốc gia tự vệ cuộc , đài phát thanh , bưu điện , nhà đèn , khám lớn … và đẩy lùi quân ta ra ngoại thành. Nhưng , những chiến sĩ cảm tử giữ cột cờ Thủ ngữ , trên đó phần phật lá cờ của Tổ quốc. Họ quyết bảo vệ, không cho bất kỳ kẻ nào xúc phạm.      

 

Tường Long dõi đôi mắt xa xăm , anh như thấy lại những chiến sĩ quyết tử năm xưa , lòng khâm phục và tự hào :

 

-   Mình đứng ở góc đường đối diện với cột cờ Thủ ngữ tận mắt chứng kiến … Một đại đội lính Anh buộc chiến sĩ ta hạ lá cờ đỏ sao vàng trên cột cờ xuống để treo lên đó lá cờ tam tài của Pháp. Các chiến sĩ giữ cột cờ kiên quyết giữ cờ , cũng là giữ lòng tự trọng của một Quốc gia , là giữ danh dự của quốc thể. Cuộc thương lượng đã được trả lời bằng loạt súng của quân Anh và quân Pháp, Những chiến sĩ ta chỉ với tầm vông vạt nhọn , vài trái lựu đạn , vài khẩu súng "Mút" đã bắn trả , một đại đội lính Anh và gần hai đại đội lính lê dương của Pháp nã tiểu liên và đạn Tromlon vào cột cờ , nhưng không sao tiến vào được. Tiểu đội quyết tử đã tử thủ cho đến người cuối cùng.     

 

Hồ Duy Hùng nhìn Tường Long đang che đôi mắt , trong khóe cuối mắt Duy Hùng thấy những giọt lệ lăn ra. Giây phút xúc động , Hùng không muốn khuấy động. Nhưng , câu chuyện chưa kết thúc , Hùng vội vã :  

 

-   Anh Long , sau đó ?        

Nguyễn Tường Long nghẹn ngào :       

 

-   Đại đội lính Anh khiêng xác những người lính Việt nam xếp thành hàng dưới chân cột cờ Thủ ngữ . Bon Pháp xốc lưỡi lê định đâm tiếp vào xác những người chiến sĩ Việt minh . Nhưng , người chỉ huy quân Anh ngăn lại. Ông ta trừng

mắt , bọn Pháp phải lùi ra xa … dũng khí của những chiến sĩ bảo vệ cột cờ Tổ quốc khiến quân Anh nể phục. Cả đại đội lính Anh xếp hàng , đứng nghiêm , bồng súng chào các chiến sĩ Việt nam. Người chỉ huy quân Anh ngẩng mặt hô to : " Chào cơ , chào", họ chào lá cờ đỏ sao vàng mà xác các chiến sĩ đang ở dưới chân cột cờ hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ … Sau đó , những người lính Anh mới hạ cờ của chúng ta xuống , treo lá cờ của Pháp lên và cho xe chở xác quân ta đi … Lúc đó bất chấp bọn lính kín , mình đứng nghiêm cúi đầu chào các liệt sĩ đầu tiên hy sinh cho Tổ quốc …

 

Tường Long vụt ngồi dậy :       

-   Nguyễn Ái  Quốc , nguyện vọng của người cha và chứng kiến sự hy sinh của tiểu đội cảm tử bảo vệ cột cờ Thủ ngữ đã dứt khoát con đường đi của mình. Mình quyết định trở thành người lính cụ Hồ ngay từ hôm đó.            

Hồ Duy Hùng chồm dậy. Bóng chiều bao trùm, những tia vàng lóa trên bầu trời phía Tây nhạt dần , gió từ hướng Đông thổi tới nhè nhe , anh hỏi :         

-   Như vậy, anh nhập ngũ năm 1945 .         

-   Ừ , mình có nghề , các anh ấy dưa mình về công binh xưởng từ  đó.             

-   Chẳng lẽ, …            

-   Đúng vậy , cuộc đời người lính nay đây , mai đó. Chiến đấu liên tục, dù là lính công binh xưởng , nhưng thời đó việc sử dụng vũ khí hiện đại không phải ai cũng biết. Bọn mình phải ra tận nơi trực tiếp chiến đấu. Rồi hòa bình , đi tập kết.              

-   Anh ở miền Bắc hòa bình khá lâu …    

-   Thế rồi , mình được đi học ở Trung quốc. Hồi đó, dù chúng ta đã có Không quân nhưng mới chỉ mấy chiếc máy bay cánh quạt làm nhiệm vụ vận chuyển trong nước. Phi công và thợ máy đều phải nhờ người nước ngoài. Bác Hồ và quân đội cử cán bộ đi học tất cả các ngành. Mình thuộc về lớp cơ giới máy bay đầu tiên học ở Trung quốc. Ở sân bay mình học , có một huấn luyện viên thể dục nư , tuổi mới 19 , đẹp như tiên giáng trần , da phấn , má hồng , môi son , mặt hoa , chiếc mũi thẳng duyên dáng , đặc biệt là … đôi mắt , có lẽ nàng lai giữa Hoa và Trung đông nên đôi mắt đẹp lạ lùng , vừa long lanh , vừa thấm sâu như ẩn chứa một điều gì đó thuộc về tâm linh. Nàng tên là Vương Việt La. Thoạt đầu , chỉ những lời nói xã giao vừa mang tính chất luyện tập tiếng Hoa. Giọng nói lọng ngọng của mình làm cho Việt La thích thú, nàng dạy mình phát âm , dạy chư , dạy viết. Chẳng biết từ lúc nào tình bạn đã chuyển thành tình yêu. Nàng yêu mình bằng mối tình đầu , còn mình yêu nàng bằng sự đồng cảm , chia xẻ của nàng đối với những khó khăn , thiếu thốn của mình. Nàng tốt qúa , có lẽ chưa có ai thương mình bằng nàng. Dù Việt Là là con gái duy nhất của đại tá phó tư lệnh sân bay, mình chỉ là thằng lính trơn , chính điều đó …        

Hồ Duy Hùng  chen vào :     

-   Tình yêu mà anh , nó có màu sắc riêng , góc cạnh riêng. Tình yêu không hề có bóng dáng của môn đăng hộ đối, không có địa vị , không có tuổi , không có tiền bạc nào đổi được, thậm chí ông Trời dù có lệnh cho thiên lôi với lưỡi tầm sét ghê gớm làm cho mọi người run sợ cũng không ngăn được tình yêu của tiên nữ và anh nông dân …        

Tường Long trầm ngâm :     

-   Nàng yêu mình đến độ muốn cùng đi với mình về Việt nam, cha nàng chỉ lo Việt La không đủ sức , mẹ nàng băn khoăn ngôn ngữ bất đồng. Nàng lại cho tất cả những cái đó nàng sẽ vượt qua được … Nhưng , chính mình mới là kẻ không dám vượt qua. Cái vượt đầu tiên chính là sự ác liệt của chiến tranh , mình lo Việt La cô đơn , lo mình không nuôi nổi Việt La , lo cho cuộc sống … Và , mình cắn răng xa nàng trong lúc tình yêu đang nồng thắm.    

 

Tường Long nhìn ráng nắng yếu ớt cuối cùng của bầu trời … Trên nền phía Tây một dải mây như khúc lụa chui ra từ đám mây to hình lưỡi búa , dải lụa như chiếc khăn choàng cổ Việt La choàng cho anh khi anh bước lên tàu trở về Tổ quốc. Anh mở ví :           

 

-   Đây, chiếc ảnh duy nhất nàng tặng , lúc nào mình cũng để ở túi áo bên trái, Hùng xem đi rồi biết …          

 

Hồ Duy Hùng đỡ tấm ảnh , một thiếu nữ thật xinh , hai bím tóc đuôi sam buông trước ngực , trẻ trung , duyên dáng. Anh đưa trả tấm ảnh , xuýt xoa :         

 

-   Có phải hai mối tình đẹp đã qua , cho đến bây giờ chưa có ai thay thế nổi ?          

-   Không hẳn như vậy, nhưng sao mình không rung động.     

-   Rung động ?          

-   Phải, mình không rung động , không thể.         

Hùng còn trẻ , thủơ sinh viên mải lo học tập, bị khủng bố, gia đình phân tán , anh chưa hiểu thế nào là rung động , bèn hỏi :        

-   Cái gì rung động anh Long ?     

Tường Long sững người , hồi ở Pháp anh đọc " người lưng gù ở nhà thờ Dức Bà" " Những người khốn khổ" "Đêm mờ sương" "Tiếng sét" đặc tả tình yêu tuyệt vời đến từ hai phía trong buổi đầu gặp gỡ. Khi ấy anh còn trẻ, anh chỉ biết … Tường Long ôm vai Hùng :     

-   Hùng biết đấy, các nhà văn , nhà thơ thường mô tả tình yêu bắt đầu từ trái tim rung động. Mình nghĩ khác.      

-   Anh nghĩ sao ?    

-   Thực ra trái tim trong cơ thể con người , nó là vật vô tri …      

-   Ý nghĩ của anh rất hay.        

-   Tình yêu bắt đầu từ sự giao hòa của trí tue , là sự giao thoa của đôi mắt.      

Nói cho cùng đôi mắt cũng được hệ thần kinh điều khiển và chi phối.        

-    Hay qúa .

 

Giữa trời đất , nơi trận chiến vĩ đại giữa hai nhân vật huyền thoại bắt nguồn từ cái cớ tình yêu. Sơn tinh và Thủy tinh đều yêu Mỵ nương . Nhưng , công chúa chỉ có thể làm vợ cho một người đàn ông. Cả hai ông đều ngang sức cân tài, chẳng ai chịu ai và cuộc chiến khốc liệt giữa hai nhân vật vĩ đại chính là danh dự và tình yêu.        

-   Anh Long, theo anh sự rung động bắt đầu từ chỗ nào ?      

-   Đó , cái chính là ở chỗ đó. Tình yêu rung động bằng sự giao hòa của trí tuệ. Tiếng sét trái tim được mô tả như một cái gì đó thiêng liêng. Các nhà văn còn cho hai trái tim đập cùng một nhịp nữa. Thật ra tình yêu bắt đầu từ đôi mắt rồi hệ thần kinh chấp thuận hay loại ra đều có một nguyên cớ nữa.         

-   Trời, anh Long giỏi qúa .       

-   Không đâu , nếu giỏi mình đã lấy vợ rồi.      

-   Vậy thì , …        

-   Con người ta là một thực thể tuyệt vời, tình yêu , thực ra là sự lựa chọn của tế bào não, mỗi người chỉ có một số tế bào phù hợp , nó biểu hiện ra nỗi nhớ nhung rồi nhu cầu phải gặp nhau. Khi đó đôi mắt đóng vai trò của hưởng thụ trực tiếp. Vì vậy, hoàn toàn không sai khi nói trái tim biểu hiện cho tình yêu cũng đúng. Cậu sẽ thấy, khi nào chờ đợi, những cuộc hẹn hò bao giờ cũng hồi hộp , trái tim đập rất mạnh , thực ra bộ não mới là biểu hiện thực sự của tình yêu , …        

-   Thế, sao …        

Hùng định hỏi về chuyện ….          

-   Vâng , vì sao anh không lấy vợ ?           

-   Có gì đâu , cuộc đời mình có lẽ đã dâng hiến toàn bộ cho Tổ quốc rồi .Hùng coi , đời mình còn lo không xong , nay đây, mai đó , làm sao mình lo nổi cho vợ, cho con. Nàng Vương Việt La dứt bỏ tất cả để về Việt nam. Chỉ cần mình gật đầu. Vậy mà trí tuệ của mình lại mách bảo rằng " Ta không nuôi nổi Việt La". "Lấy ta Việt La sẽ khổ, chi bằng một mình ta khổ". Chắc rồi mình sẽ sống một mình. Dường như đó là số phận dành cho mình.    

 

Tường Long thở dài, bộ phim cuộc đời lật nhanh , cảnh nọ tiếp cảnh kia, lúc tối tăm , lúc sáng rỡ, lúc êm đềm , lúc sóng to , gió lớn nhưng dù gì Tường Long vẫn đứng thẳng. Anh xoay sang Hùng : 

-   Tối nay, mình sẽ điện nhờ hỏi tin về ông già của Hùng. Bây giờ, bọn mình chuẩn bị cho bay thử chiếc UH -1 vào ngày mai.       

                                                            

 

Tám giờ sáng ngày 10 tháng 5 năm 1974. Sân bay Hòa lạc trời đầy mây, những đám mây "tằng" che kín bầu trời một màu sáng đục. Tầm nhìn xa rất tốt, mây cao trên 1000 mét , xa xa về phía Đông những tia nắng yếu ớt chọc mây xuyên xuống những tia màu sáng như ánh sáng chiếc đèn pin trong đêm.   

Hồ Duy Hùng ngồi vào buồng lái chuẩn bị cho chuyến bay thử đầu tiên kể từ ,…. Anh hiểu , bay thử một chiếc máy bay không đơn giản. Ở các nước công nghiệp, người ta gọi là những phi công thí nghiệm. Thí nghiệm hay bay thử đều có nhân tố không an toàn rất cao. Phi công bay thử được bảo hiểm tai nạn với hệ số cao nhất … Trong quy trình sản xuất máy bay, cho đến khi đưa ra bay thử đều được kiểm tra nghiêm ngặt. Máy bay được bảo quản trong điều kiện gần như tuyệt đối về các thông số kỹ thuật, không được có vết trầy, sứt hay móp. Các phương tiện lắp ráp tại chỗ, hiện đại với độ chính xác rất cao … chưa nói đến yếu tố môi trường và thời tiết …Còn chiếc UH -1 Hồ Duy Hùng đang ngồi chuẩn bị cho cất cánh bay thử được tháo ra bằng dụng cụ sửa chữa ô tô, nghĩa là bằng cờ lê , mỏ lết và.… bằng tay .Nó còn được chở trên chiếc ô tô , vượt trên ngàn kilômét qua đủ các loại địa hình , dù cho có chèn , có cột thì chỉ độ rung , độ xốc thôi cũng không đủ tiêu chuẩn an toàn tối thiểu cho bay. Hùng biết rõ , dù được sự giúp đỡ của các đơn vị Không quân ở miền Bắc. Nhưng UH -1 là của Mỹ, nó hoàn toàn khác với những chiếc họ Mi của Liên xô. Cho nên , chỉ dựa vào cảm giác để xác định các tham số. Những chiếc máy kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng cho trực thăng họ Mi hoàn toàn không thể sử dụng cho chiếc UH -1. Hùng biết lắm, do vận chuyển đường dài, cánh quạt trên lưng , người ta cấu tạo để nâng và kéo chiếc trực thăng bay, nếu nứt ở đâu đó, nó chỉ thực sự gẫy khi đã lên đến độ cao nào đó … Khi đó , chiếc UH -1 như một cục sắt rơi … và như vậy, sẽ không có sinh vật nào sống nổi. Chiếc UH -1 ẩn chứa bên trong nó nhiều nhân tố không an toàn khi bay. Rõ ràng, Hồ Duy Hùng phải cất cánh với tinh thần của Nguyễn Văn Trỗi …    

 

Hùng ấn nút khởi động , chiếc trực thăng rùng mình , cánh quạt chính bắt đầu chuyển động , nó quay từ từ theo một quy trình của nhà chế tạo, khác hẳn với lúc mở máy khẩn cấp, vội vã, dồn dập. Sau khi cột dây an toàn , kiểm tra toàn bộ hệ thống đồng hồ, anh tập trung vào nó, bở vì tất cả các tham số của máy bay, tính năng kỹ thuật đều tập trung vào hệ thống đồng hồ, nhờ đó anh biết máy móc vận hành có tốt hay trục trặc. Những chiếc đồng hồ tròn , to , nhỏ khác nhau , kim vàng , kim đen , chữ số màu xanh bắt đầu chuyển động , đồng hồ nhiệt độ vọt lên rất nhanh , tốc độ vòng quay đã đủ. Hồ Duy Hùng liếc mắt sang phải , Nguyễn Tường Long ngồi ở ghế lái phụ . Dù không phải là người bay nhưng Tường Long hết sức quan trọng , anh dõi mắt nhìn bảng đồng hồ , tai nghe những tiếng lạ của động cơ và chính Tường Long với cặp mắt tinh tường của người thợ , anh như một bác sĩ của những chiếc máy bay … Mọi việc đều tốt , Tường Long gật đầu Hùng bóp micrô :     

-   20 xin phép rời đất.      

-   Được phép , 20.        

 

Người có nhiệm vụ xem chiếc UH -1 bay thử đã đủ. Thiếu tướng Hoàng Phương , chíng ủy Phòng không - Không quân có mặt rất sớm, ông đã bắt tay động viên và chúc chuyến bay thành công. Hùng liếc nhìn , bây giờ tại khu vực sân bay, người xem có đến trên trăm. Bao ánh mắt trầm trồ , lạ lẫm đổ dồn vào chiếc trực thăng Mỹ với tiếng nổ rất lạ của động cơ , chiếc cánh quay chỉ có hai lá chém vào không khí tạo thành tiếng kêu "phạch , phạch" ngắt quãng , dưới bụng là hai thành đỡ, nó hoàn toàn khác với trực thăng họ Mi của Liên xô. Hùng tăng ga cánh quay xoay vút . Đã có lực nâng , anh kéo nhẹ cần nâng , Chiếc UH -1 rời đất , treo ở độ cao trên dưới một mét khá lâu , Hùng làm những động tác lắc , bay ngược , bay nghiêng tại chỗ. Chiếc UH -1 ngoan ngoãn theo sự điều khiển của anh . Vùng gió xoáy bên dưới làm cho xung quanh chiếc trực thăng như cơn lốc cực kỳ mạnh xô dạt những đám cỏ nằm rạp thành vòng tròn , những người có mặt vội vã quay mặt xuôi theo chiều gió. Chiếc UH -1 treo khá tốt , ổn định  anh cho nó tiếp đất , hai càng đặt ổn định , giảm tốc độ vòng quay. Hùng bóp micrô :      

-   Máy bay tốt , 20 xin phép cất cánh.          

-   20 , kiểm tra kỹ, được phép cất cánh.       

 

Hùng kéo cần , chiếc UH -1 nhổm mình , nhấc lên khá nhanh , anh đẩy cần lái, chiếc trực thăng chúc đầu lao về phía trước rồi bốc lên. Những người ở mặt đất trầm trồ :       

-   Tính năng thật là tuyệt vời.        

-   Nhỏ nhắn , tốc độ , linh hoạt , hạ cánh mọi địa hình. Đó là những ưu điểm của UH -1 so với Mi.      

-   Mi khỏe , chuyên chở nhiều , chắc chắn …      

 

Những bình luận về hai chiếc máy bay trực thăng có tính năng khác nhau là điều dễ hiểu. Ai cũng muốn chứng minh ý kiến của mình đúng. Trong khi Hùng bay một vòng xung quanh sân bay  tại vòng lượn phía Tây , Hùng kiểm tra các thông số , tất cả đều bình thường , anh quyết định làm động tác không vực, chiếc UH -1 được kéo lên , lao xuống , lượn vòng gấp. Tính năng điều khiển tuyệt vời. Mọi động tác đã xong , anh cắt chéo đường băng , bay về nơi cất cánh. Người chỉ huy bấm máy :

-   Ba vì gọi 20 .        

-   20 nghe rất tốt.      

-   Anh có thất ruộng lúa bên trái sân bay ?      

-   20 thấy rất rõ.          

-   20 hạ cánh trên bờ ruộng, chú ý lượng xuống và giữ vòng quay để đủ lực nâng , khi nào máy bay thăng bằng mới được giảm vòng quay.            

-   20 nghe rất rõ.        

 

Hùng nghĩ rất nhanh  , người chỉ huy muốn kiểm tra tính năng hạ cánh trên bờ mẫu. Bởi vì, trong chiến đấu có thể rất cần mà máy bay họ Mi do thiết kế ba bánh xe, không thể nào thực hiện nổi , UH -1 hoàn toàn có thể làm được. Nhưng , bờ mẫu chỉ có nửa mét, nếu đặt càng không chuẩn , máy bay sẽ bị lật. Động tác hạ cánh bờ ruộng, phải là những phi công có trình độ rất cao. Hùng đã tập bay. Nhưng , anh đã không bay trên ba năm, việc ngắm và đặt càng máy bay chính xác trên bờ mẫu , bây giờ, là điều rất khó khăn. Tin ở bản thân . Hùng cho chiếc trực thăng hạ cánh trên bờ ruộng chính xác. Sau khi kiểm tra độ thăng bằng , anh quyết định giảm dần vòng quay rồi ngưng hẳn. Chiếc UH -1 đậu chông chênh nhưng chắc chắn trên bờ ruộng dưới sự chứng kiến của thiếu tướng chính ủy Quân chủng và những phi công họ Mi. Mọi người ùa tới chúc mừng. Hùng lại nổ máy, đưa máy bay về bãi … Cuộc bay thử đầy ấn tượng kết thúc. Thiếu tướng Hoàng Phương chỉ thị :      

 

-   Ngay bây giờ, chọn một tổ gồm những phi công giỏi, đồng chí Hùng huấn luyện gấp để chuẩn bị cho kế hoạch sắp tới. Tình hình miền Nam phát triển rất nhanh chóng. Ông quay sang Hồ Duy Hùng :       

 

-   Thay mặt Bộ tư lệnh Quân chủng , tôi xin cám ơn đồng chí.         

Hùng nhìn thấy đôi mắt ông long lanh , ông đến gần đặt một tay lên vai

anh , hỏi :       

-   Đồng chí bao nhiêu tuổi ?       

-   Dạ, 26.          

-   Đồng chí có vợ chưa ?      

-   Dạ, chưa .        

-   Vậy thì , giải phóng miền Nam xong hãy cưới vợ.      

Ông ngửa mặt lên trời cười lớn , chiếc kính cận trắng như có những ánh sao phản chiếu mặt trời, miệng mở rộng. Hùng mỉm cười :     

-   Da , cám ơn chính ủy, tôi xin cố gắng.      

             

Chính ủy quay đi , cái ót tròn , tóc cắt cao , ngắn , trông ông vừa có dáng một nhà sư phạm , vừa có bóng của một võ sư. Câu nói bóng gió " giải phóng miền Nam xong hãy cưới vợ" , rõ ràng ám chỉ một quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian không xa nữa. Hùng chộn rộn khôn tả. Tự nhiên , anh nhìn theo thiếu tướng , ông bước lên chiếc Mi rồi bay về hướng Đông, Hùng nhìn theo cho đến khi chiếc Mi chỉ còn là một chấm đen. Dường như có một cái gì đó trên nền trời, bây giờ mây đã tan , mặt trời đã chiếu những khoảng vàng xuống cánh đồng xanh mởn và chiếc máy bay Mi đã mang đi một điều gì đó phi thường mà cả cuộc đời của Hùng đã đi theo, sinh mạng bị đe dọa cũng không nao lòng. Phải rồi, mặt trời đã hiện ra, ánh sáng đã lan tỏa và hoa đã nở trên con đường vạn dậm.       

             

Thời gian rất gấp, Hồ Duy Hùng cùng với một số phi công được chọn. Chỉ sau mười giờ tập bay chuyển loại, với nhiệt tâm truyền kỹ thuật bay, giáo trình đơn giản nhưng hiệu qủa, số phi công chuyển loại đã bay đơn ( bay không có giáo viên). Hùng và Tường Long chuẩn bị trở lại chiến trường .                                               
Chương : 1    2    3   4    5    6    7    8    9    10    11    12   
Lê Thành Chơn
Số lần đọc: 1853
Ngày đăng: 14.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả