Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.086
123.232.841
 
Bờ bên kia
Trần Kiêm Ðoàn
Chương 1 - Tu Bụi

Một buổi trưa, cây lá lao xao lấp loáng theo nắng.  Trời trong và nhẹ giữa âm vang thinh lặng thoáng vẻ ca dao. Những chén trà mắt trâu gõ nhịp cho câu chuyện chỉ có hai người.  Người nghe và người nói thấm vào nhau không phân biệt vì cả hai đều đã nghe và đã hiểu câu chuyện đầy ẩn dụ từ thuở xa xưa.  Thế nhưng nhu cầu phải nói lên, nói những lời muôn năm vẫn còn thiếu với người khao khát đi tìm và thừa với kẻ mệt mề quay mặt như lời nói tình yêu, như lời kinh cầu nguyện... vẫn cần thiết, vẫn thôi thúc.  Tiếng Lê Trung Ẩn đều và ấm bên bình trà nội phủ với Phạm Xảo:

- Ngày nọ, hai anh em đồng môn xuống núi.  Trí Quang và Trí Minh đã sống quanh quẩn bên cạnh Thầy suốt mười lăm năm dài tu học.  Hai anh em dắt tay nhau bước dần xuống đồi. Cứ mỗi bước đi tới lại quay lui nhìn Thầy.  Vị ân sư nuôi dạy hai trẻ mồ côi trong ngôi chùa cổ trên núi xanh dặn dò: “Cuộc đời thật dưới kia không phải là cảnh trời mà cũng chẳng phải là địa ngục.  Hai con đã học chín những lời dạy tinh yếu nhất của ba tạng kinh điển.  Nay phải xuống núi giúp đời là việc phải làm.  Nếu chỉ lo tu trên núi để cầu mong giải thoát cho riêng mình như Thầy là điều rất khó đạt vì nợ nần chúng sanh là món nợ trùng trùng ân tình, ơn nghĩa dễ vay mà khó trả.  Chưa trả sạch nợ thì nghiệp chưa giải hết, làm sao buông tay, quay mặt với đời để giải thoát một mình.  Vay nhiều thì phải trả nhiều; vay ít thì trả ít; không vay thì khỏi trả.  Trong các món nợ thì Nợ Mình là lớn nhất.  Cái tôi càng nhỏ, nợ nần càng ít.  Tâm không, vô ngã là hết nợ”.

 

Đời vô thường nên cuộc đoàn viên nào rồi cũng đến lúc chia tay. Với nụ cười khoan hòa, tĩnh lặng, nhưng không dấu được vẻ lưu luyến lúc chia xa, Thầy dừng lại ở cuối con đường chân núi vẫy tay dặn dò và chúc lành hai đứa bé mồ côi ngày xưa bây giờ đã thành hai thanh niên tuấn tú.  Nước mắt lưng tròng, hai thanh niên nhìn lui Thầy lần chót trước khi con đường về đồng bằng rẽ khuất sau biển cây xanh.

 

Về với phố chợ lạ lùng, Trí Quang và Trí Minh bịn rịn bên nhau gần mấy tuần trăng, nhưng rồi cũng phải xa nhau, tự đi tìm lẽ sống.  Trí Quang về sống ngay giữa khu chợ ồn ào, tấp nập bên cạnh bờ sông.  Bắt chước theo hạnh đầu đà “thỏng tay vào chợ”, Trí Quang tin rằng, nuôi được tâm không vắng lặng giữa chốn bụi đời phiền trược mới thật là tịnh tâm và tịch diệt được mọi ham muốn ở đời.  Tìm tịnh ngay trong động; và tìm động ngay trong tịnh mới thật là gần gũi với chân tính.  Nghĩ thế và làm theo, Trí Quang suốt ngày lê la sống giữa chợ, mĩm cười bất chấp những điều tục lụy khen chê.  Đêm về, anh ta ngồi ngủ trong cái lu sành kê dưới gốc cây mưng bên bờ sông.  Đêm khuya chợ vắng, Trí Quang ngẩng đầu ra khỏi miệng lu, tĩnh tọa ngồi thiền.  Quanh năm, áo quần tóc tai không thay đổi chăm sóc, bất cần đến nhục thân, bất cần đến xã hội xung quanh, miễn sao giữ cho được bản tâm mình thành thánh.  Trí Minh thì hoàn toàn ngược lại.  Anh ta nghĩ rằng bồ tát hạnh không xa thế gian một mảy may nên lặng lẽ vào đời để sống như  mọi người.  Trí Minh làm ăn trở nên giàu lớn và lấy vợ sinh con, có đủ thê thiếp, kẻ ăn, người ở đầy nhà. 

 

Mười năm trôi qua, Trí Minh chạnh nhớ người anh em và cho người đi tìm Trí Quang.  Người nhà Trí Minh tìm được Trí Quang ngoài chợ và ngỏ lời mời đến thăm nhau.  Trí Quang ra điều kiện là Trí Minh phải trải thảm đỏ từ nhà đến chợ để rước mình mới chịu đến thăm.  Và khi đến dinh thự, Trí Minh và toàn thể gia nhân phải sắp hàng nghênh đón.  Người nhà về bẩm báo, Trí Minh chịu mọi điều kiện của Trí Quang đưa ra.

 

Đến ngày hẹn, Trí Quang xuống sông tắm rửa, rồi xách gậy bước qua thảm đỏ đến thăm Trí Minh.  Vừa đến dinh cơ đồ sộ của Trí Minh, Trí Quang ngẩn người ra một lát.  Anh ta bị choáng ngợp với ý nghĩ rằng, Trí Minh đã quên lời Thầy dặn, chỉ lo tham luyến giữa đời.  Rồi lập tức, chẳng nói, chẳng rằng, Trí Quang xách gậy đập vỡ từng cái một những đồ đạt quý giá, sang trọng bày biện khắp nơi trong dinh thự.  Đập vỡ đồ đạc chán tay, Trí Quang lại xách gậy rượt đánh người nhà của Trí Minh chạy tán loạn.  Khi chỉ còn lại Trí Minh vẫn đứng tươi cười chờ đón người anh em trước cửa giữa cảnh đổ nát trong dinh thự sang trọng, Trí Quang vung gậy lên trước mặt Trí Minh nhưng bỗng chùn tay lại.  Đôi mắt hung hãn của Trí Quang bắt gặp ánh mắt trong ngần, mát lạnh của Trí Minh đang thân ái nhìn mình.  Cây gậy trong tay Trí Quang rơi xuống.  Không nói một lời, hai anh em đồng môn cùng dang tay, chạy ào tới ôm nhau... Trí Quang nói nhè nhẹ trong tiếng thở dài: “Đứng lại giữa đời mà lạc đường! Hèn gì Thầy mình phải vào sâu trong núi...” Trí Minh an ủi: “Mọi vật đều biến đổi trong từng khắc.  Có gì đứng lại được đâu.  Cho nên tự mình đứng lại cũng có nghĩa là đang bị xô đi.  Đã biết phút trước không còn, phút sau chưa đến thì có gì để bám víu và bám víu để làm gì đã chứ!”

 

Kể xong câu chuyện, Lê Trung Ẩn tự tay pha trà mời Phạm Xảo, kết luận:

- Tướng quân à, đồ gia bảo quý nhất là cái tâm trong sáng không dính mắc chứ chẳng phải là giá trị vật chất.  Trốn chạy thực tế, chối bỏ vật chất cũng có thể là một cách tham lam đi tìm cái to hơn, cái quý hơn còn ở dạng tiềm năng, chưa tượng hình, tượng ảnh chứ chẳng phải là đi tìm chân Không, chân Tánh của Đạo.

 

Phạm Xảo đón chén trà từ tay Lê Trung Ẩn, hỏi:

- Quan thượng thư vẫn cố tìm cách thuyết phục tôi phải nhận lộc vua ban, nhận ân sủng của triều đình sao?

- Trả lời rằng “có” cũng đúng mà trả lời rằng “không” cũng không sai.

- Sao lại có trường hợp nhị trùng nhiêu khê thế?

- Vì Ẩn tôi vừa là quan thượng thư của triều đình, mà cũng vừa là người tin và hành đạo Phật.

- Không có sự mâu thuẫn khi cùng một lúc đóng hai vai trò vừa đạo, vừa đời như vậy sao?  

- Ngược lại đại huynh ạ. Hai vai hỗ trợ cho nhau.  Nếu thiếu mất một bên thì ý nghĩa của đời sống sẽ mất đi một nửa.

- Tại sao một lúc lại cần đến cả hai?

- Cầm đầu luật pháp quốc gia như Ẩn tôi mà thiếu đi cái tâm chánh định, cái nhìn chánh kiến, cái trí chánh tư duy thì sẽ đi lệnh đường trung đạo, bị nghiêng ngửa bên nầy hay bên kia.  Khi cán cân luật pháp mất quân bình thì luật lệ rất dễ trở thành trò áp bức.  Còn vai bên kia là người theo đạo Phật.  Nếu Ẩn tôi cứ nói toàn những triết lý cao siêu; lẽ đạo tuyệt vời mà chẳng làm gì được cho những người dân đen cùng khổ ngoài kia, cứ khăng khăng đi tìm đường giải thoát cho riêng mình thì lại vô hình chung rơi vào một sự bất công khác.

Phạm Xảo lắc đầu:

- Nói vậy, sẽ rất dễ vướng vào một sự cực đoan hình thức.  Đấy là chưa nói đến  thái độ gần như phủ nhận phẩm chất ưu việt của những bậc chân tu, những kẻ đã hiến trọn đời mình cho đạo.

Lê Trung Ẩn cười và nói một cách nhã nhặn:

- Không đâu tướng quân ơi!  Vàng thau thường lẫn lộn giữa đời thường, nhưng trong đời sống tâm linh thì tội và phước hiển lộ rạch ròi ngay từ trong tâm thức.  Đạo Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn mà Ẩn tôi mới đi có một.  Còn lại những tám vạn, ba ngàn, chín trăm chín mươi chín cách chọn lựa tùy duyên khác nhau nữa, thiên hạ tha hồ mà chọn lựa, tướng quân lo lắng làm gì cho vất vả.

 

Phạm Xảo trở lại câu hỏi ban đầu:

- Cũng chẳng có gì quan trọng.  Chấp nhặt làm gì chuyện sông hồ, ao biển, miễn sao có nước thì thôi.  Giờ trở lại với ý ban đầu, quan muốn tôi phải thuận theo những ân điển của triều đình đã xếp đặt dành cho tôi chăng?

Lê Trung Ẩn cười cười đáp lại:

- Cũng chẳng có gì quan trọng.  Ân điển của triều đình ban cho mà không muốn nhận thì có sao đâu.  Người ta chỉ bắt vạ kẻ oán chứ không ai bắt vạ người ân.  Điều tôi cảm thấy chưa an lòng ở đây là có vẻ như tướng quân đang cố gắng thực hành con đường “vô ngã” bằng cách dựa vào cái ngã để chối bỏ, tiêu diệt nó.

Phạm Xảo nhìn lơ đãng khói trà váng vất, nói giọng bâng quơ:

- Vậy à? Tôi không biết và không cố ý đụng chạm đến cái gì mà quan vừa nói đó… à, à… cái ngã.  Ngã ở đâu? 

- Làm gì có cái Ngã thực sự.  Cái “tôi” hay cái “ta” chỉ là tên gọi tạm thời cho những đơn vị hợp thể.  Khi hợp thể tan thì cái tôi hay ta tạm bợ đó cũng tan theo. Tất cả chỉ là sự chuyển hóa thói quen.  Khi nói “tôi muốn hay không muốn...” là dựa vào kinh nghiệm và thói quen để bày tỏ.

Phạm Xảo khen nửa như chiếu lệ, nửa như mĩa mai:

- Hay thật!  Nếu “ta” là hư vọng, là vô ngã thì tu cho ai và giải thoát cái gì nhỉ?

Thoáng một chút lúng túng, Lê Trung Ẩn trả lời:

- Vô ngã là một ý niệm tuyệt đối, không thể dùng chữ, dùng lời, dùng âm thanh hay hình tượng mà gọi tên hay mô tả được. Khi còn một cái tôi thân xác nói được “vô ngã” bằng lời thì khái niệm vô ngã chưa thực sự là vô ngã.  Cũng ví như khi người ta còn nói được “tôi ngủ” thì rõ ràng là chưa ngủ hay nói được “tôi đang ngủ” thì có nghĩa là đã thức dậy.  Người ngủ là người đang hòa tan trong giấc ngủ, làm sao còn nói lên được khái niệm thật sự về cái ngủ như thế nào.  Những người còn tự xưng tụng hay muốn được xưng tụng mình là đức nầy, đấng nọ, ngài kia; còn cố bon chen cho được người trên ngưỡng mộ, người dưới cung bái để mưu cầu vô ngã là đang bước vào bóng tối để tìm ánh sáng,  bám vào hòn đá chìm dưới đáy sông để làm phao nổi trên mặt nước, ôm vô minh để cầu giác ngộ.  Vô tâm hay cố tình trói buộc cái ngã của mình, cái ngã của chúng sanh và vạn pháp vào trong chùa to, tháp lớn, tượng đài để thực hành “vô ngã” thì có khác gì nói rằng: “Ăn nhiều vào đi để cho đói, ngủ nhiều vào đi để cho thức, uống thật say đi để cho tĩnh, vơ vét cho thật nhiều đi để mà tay không…”

- Như thế thì trong câu chuyện mà nhà quan vừa kể về hai anh em nhà họ Trí, ai đáng gọi là bậc hành giả trên con đường mưu cầu vô ngã?

Lê Trung Ẩn lại say sưa vào lý luận:

- Cả Trí Quang lẫn Trí Minh đều là hai trường hợp cực đoan, chấp trước;  cả hai đã trú ẩn vào cơn mộng tưởng làm cứu cánh sau dáng vẻ “cầu vô ngã”.  Khác nhau chăng là hình thức bên ngoài. Trí Quang và Trí Minh đều bày tỏ tâm tưởng kiêu mạn theo cách riêng của mình.  Trí Quang quyết xa lánh cái “có” và ngỡ rằng sẽ tìm được cái “không” bằng thái độ chối bỏ và xem rẻ đời sống và giá trị vật chất quanh mình.  Trí Minh thì tìm cách xa lánh cái “có” bằng thái độ bất cần.  Đó là sự chọn lựa nhập thế, tạo dựng và thỏa hiệp với cuộc đời thường.  Khi đã nắm được của cải vật chất trong tầm tay mình rồi thì lại ra vẻ dửng dưng và từ bỏ nó; rồi từ có biến thành không.  Tiếc thay, đấy chỉ là ảo tưởng nhất thời khi tâm tưởng vẫn còn mắc kẹt trong khái niệm nhị nguyên đối đãi thông thường.  Đó là khái niệm “có” và “không” vật lý chứ không phải có và không thể tánh.

 

Lê Trung Ẩn dừng nói, đưa mắt hỏi ý Phạm Xảo nhưng chỉ thấy người đối diện trầm ngâm nhìn lơ đãng đâu đâu.  Im lặng hồi lâu, Phạm Xảo nói chậm rãi:

- Trí Quang và Trí Minh chỉ thực hành theo cái thấy và cái biết của cá nhân mình và thầy tổ của mình một cách trung thành.  Thế theo quan thượng thư thì trong hoàn cảnh riêng của họ, hai anh em ấy có thể làm gì khác hơn không?

- Thầy phải đi tìm một cái ngã an tịnh và ít nhiễm độc trên núi sâu; trong khi hai gã học trò xuống núi thực hành “vô ngã vô nhiễm” giữa chốn bụi đời.  Sống với bụi đời bao bọc chung quanh mà không lo “tu bụi”.  Tu bụi để gột rửa bớt lớp lớp bụi bặm phong trần chực chờ bám vào trên thân xác và trong tâm tưởng liên tục trong mỗi nháy mắt.  Những lớp mỏng bụi mờ không lau sạch, sự dồn tụ càng lâu càng thành đống thành đồi.  Làm sao có thể chuyển hóa cái nghiệp muôn năm dính mắc trên thân phận làm người của mình được khi bụi đời chưa lau sạch trong tâm.

- Theo quan thì phải cần tu bụi trước?

- Vâng, tu là chuyển.  Chuyển là thay đổi.  Trong thay đổi thì cái gì cần nhất và gần nhất thì làm trước, thế thôi.  Chỉ vì mãi lo “tu đạo” khi thân chưa sạch, tâm chưa an nên cả hai anh em nhà họ Trí đều bị dính mắc vào mớ bòng bong của tâm thức phá ngã và dối ngã.  Trí Quang khinh bỉ quay lưng hay nóng nảy đập phá thế giới vật chất mà anh ta coi như là “có”, là kẻ thù của vô ngã.  Trí Quang nhắc ta nhớ lại hình ảnh một kiếm khách thời xa xưa vác trường kiếm chém gió thu để cho trời hết lạnh. Trí Minh thì tự cho mình đã vượt ra khỏi vòng câu chấp; ôm trọn đời sống vật chất trong tay nhưng quay lại đánh đổ và coi thường nó như một sự phủ nhận hiện hữu với tâm trạng thỏa mãn của người “giác ngộ”.  Sự giác ngộ dễ dãi và ngây thơ của người chỉ thấy tượng Phật trong chùa mà không thấy tánh Phật quanh ta. Cái ngã của hai người anh em ấy to gấp đôi so với người thường. Mỗi người vốn có một cái “ngã sở” lù lù ra đó của riêng mình.  Giờ đây, lại có thêm cái “ngã chấp” hiện tiền nung đốt họ.

 

Phạm Xảo góp ý một cách lơ lửng:

- Biết đâu vậy mà hai anh em ấy lại cảm thấy an lạc và hạnh phúc hơn tất cả chúng ta bây giờ.

- Tại sao tướng quân lại suy diễn như thế?

- Vì tất cả chỉ là phương tiện tạm thời để đi đến cái đích. Ấy là hạnh phúc.  Sống là phương tiện. Thân xác nầy là phương tiện.  Tu bụi hay tu đạo cũng chỉ là phương tiện.  Qua những thay đổi, thăng trầm bên ngoài mà có người cho là “dâu bể” thì hạnh phúc nhất là tìm được ra nhau.  Trí Quang và Trí Minh tìm ra nhau, ôm lấy nhau sau những đổ vỡ tang thương.  Ấy là hạnh phúc.

 

***

Những oan trái thường theo danh mà đến, bám lợi mà vào, nương theo lòng ham muốn mà đi.  Sau lần gặp gỡ cuối cùng giữa Phạm Xảo và Lê Trung Ẩn, tước phong “Hùng Oai Đại Tướng Quân Tiền Vệ Phạm Hầu tự Thiện Xảo” của triều đình dành cho Phạm Xảo đã được công bố đi khắp nơi.  Bảng sắc phong đã khuấy bụi thời gian làm cho Phạm Xảo nổi tiếng trong các cung đường và ngoài dân dã.

 

Sống đời lặng lẽ như chiếc bóng trong Thái Ấp, Phạm Xảo vẫn chẳng hay biết gì đời sống bên ngoài.  Cho đến một hôm, một người khách lạ đường đột đến báo là có người đang chờ muốn gặp.  Phạm Xảo bằng lòng.

 

Khách đến viếng là một người đàn ông trung niên.  Dẫu cố khoác lớp áo bình dân bên ngoài, nhưng dáng dấp đường bệ, cử chỉ uy nghi và ngôn ngữ cẩn trọng đã chứng tỏ địa vị cao sang và xuất thân quý tộc của người nầy.  Bước vào dinh ông Hoàng một mình với thanh trường kiếm cắp trong tay, người trung niên tiến thẳng đến trước mặt Phạm Xảo nghiêng mình thi lễ:

- Xin kính chào Hùng Oai Đại Tướng Quân.  Kẻ tiểu sanh nầy xin được diện kiến tướng quân.  Xin tướng quân tha cho sự khiếm lễ trong việc trình báo hơi đột ngột nầy.

Phạm Xảo chắp tay vái chào đáp lễ người khách lạ, đáp lại:

- Không sao.  Xin quan tổng đốc chớ bận lòng về những lễ nghi hình thức.

Người khách trung niên quắc mắt nhìn như xoáy vào người đối diện và bất ngờ cao giọng đầy giận dữ:

- Ông biết tôi là ai?  Thế nầy thì quá lắm.  Ông đã giết hết cha mẹ tôi rồi mà hơn 30 năm sau vẫn còn bám sát đứa con trai bất hạnh sống sót của họ là tôi để giết nốt hay sao?

Lạ thay, trên khuôn mặt của Phạm Xảo không lộ một chút bối rối hay sợ hãi.  Ông nói với người khách đang nổi giận bằng giọng ôn tồn qua nét nhìn đầy nhân hậu:

- Quan tổng đốc, người là một đại quan văn võ toàn tài, những lời nói tầm thường như thế thật không xứng đáng với vị thế và uy danh của quan đâu.

Người khách cau mày, giọng bớt xẵng, trả lời:

- Nhân nghĩa có nơi, ăn chơi có chốn.  Có lẽ không cần giới thiệu ông cũng đã biết tôi quá rõ.  Tôi là Trần Minh, con trai của vợ chồng người chủ quán mà ông đã giết trong đêm biến loạn dạo nọ.  Tôi đã kiếm ông bao nhiêu năm mà không tìm ra tông tích. Khi ngỡ rằng ông đã chết thì tên tuổi ông lại xuất hiện như một cựu lão tướng lương đống của triều đình.

 

Nhìn người khách trong một dáng buồn rầu, Phạm Xảo hỏi:

- Trần Minh, còn gặp nhau thì vẫn chưa muộn. Trong hoàn cảnh nầy, tôi có thể làm được gì để giang tay thanh toán nợ nần?

Trần Minh vẫn cố bám sát con mồi đã ra khỏi hang:

- Ân báo ân, oán báo oán.  Giết người thì đền mạng là công lý xưa nay.  Ông giết cha mẹ tôi.  Vua tha tội cho ông; luập pháp do con người đặt ra giải tội cho ông; con người đầy chủ quan và thiên kiến xúy xóa cho ông; kể cả phản ứng của cái tôi đầy ngã mạn mà người ta quen gọi là lương tâm cũng về hùa với ông.  Nhưng trời đất mênh mông, lưới trời lồng lộng tưởng như chẳng vướng chân ai, thế mà một tơ hào tội ác, một mảy may bất nhân cuối cùng cũng không chui qua lọt đó ông ạ.

Phạm Xảo gật gù biểu đồng tình:

- Tôi cũng tin như thế.  Chẳng hay hôm nay quan tổng đốc muốn mang uy quyền, muốn mượn lưới trời đến đây bắt tội tôi chăng?

- Cha mẹ tôi sinh tôi ra, tuy có công sinh thành mà không dưỡng dục.  Nhưng ơn nghĩa sinh thành vẫn hết sức thiêng liêng.  Đạo làm con là phải báo hiếu cho cha mẹ.  Khi cha mẹ bị hàm oan thì phải minh oan; cha mẹ bị sát hại thì phải trả thù.  Nói một cách rõ ràng và minh bạch là tôi muốn lấy mạng sống của ông để báo thù cho cha mẹ tôi.

- Như thế có nghĩa là quan tổng đốc phải giết tôi mới trả thù được cho cha mẹ hay sao?

Trần Minh trả lời không do dự:

- Không còn cách lựa chọn nào khác ông ạ.

Phạm Xảo lắc đầu:

- Đáng tiếc!

- Ông sợ?

- Sợ gì?

- Sợ chết.

- Chết thì ai cũng sợ đã đành, nhưng chết một cách nông cạn và lãng nhách thì lại càng đáng sợ và đáng tiếc hơn.

Trần Minh cười nhạt, hỏi lại:

- Chết thế nào là chết “nông cạn và lãng nhách” vậy ông?

Phạm Xảo trả lời với giọng đầy khinh bạc:

- Là nhắm mắt chết cho những ham muốn làm “kẻ” thánh tử đạo trung thành điên đảo.  Quên chính mình cho những ước mơ hoang tưởng, cho những hận thù cố chấp si mê.

Trần Minh cười húc hắc khó nghe:

- Ông lấy tư cách gì để phê phán sự dấn thân hành động của người khác đã chứ?

- Tư cách của một người sắp bị chứng kiến hay sắp bị thiêu thân cho một loại chết tương tự như thế.

- Vì nghĩ vậy nên ông đang tìm cách ngăn chận nó chăng?

- Không bao giờ!

- Vì sao?

- Vì một hành động dẫu là điên cuồng hay ngu ngốc mà chưa xảy ra, chưa ló mặt, chưa gây tác hại thì chỉ mới ra ở dạng “chủng tử” hay nói cách khác thì chỉ mới là cái nhân.  Lấy gì để chứng minh và thuyết phục người khác đừng theo?

- Vậy là bất lực sao?

- Chưa hẳn là bất lực.  Nếu đừng tạo duyên cho nhân mọc lên thành cây, thành quả thì có thể cứu vãn được.

- Cha mẹ tôi đã chết rồi thì làm sao mà cứu vãn?

- Nếu ngài tổng đốc cho rằng chết là hết thì mọi việc làm của nhà quan hôm nay như trả thù hay ban ân báo oán là để phục vụ cho ngài chứ chẳng dính dấp đến cha mẹ ngài đã chết.  Nếu ngài tin cha mẹ vẫn còn tiếp diễn dòng sống đâu đây qua tiếng tăm, qua một phần tâm thức và thân xác của con cháu thì hãy ráng bảo vệ và bồi đắp cho con cháu.

- Tôi không tin cả hai.  Tôi chỉ cần làm việc phải làm như vay thì phải trả. Thế thôi!

- Thế có khác gì con ngựa ăn lúa mạch của chủ thì phải kéo xe trả nợ đâu!

Trần Minh nghiến răng nhưng bỗng cảm thấy lạnh gáy vì cái nhìn đau đớn đầy thương cảm của ông già đang ném cho mình.  Ánh mắt không sợ hãi, không hận thù, không trách móc mà xót xa như cha nhìn con lầm lỡ.  Trần Minh lớn lên với bà Vãi trong chùa.  Minh học kinh sách với những nhà sư ẩn dật, học võ nghệ với những viễn khách du hóa giang hồ, lớn lên thi đậu tiến sĩ văn, cử nhân võ được bổ ra làm quan tổng đốc.  Chưa bao giờ một lần trong đời, Trần Minh bắt gặp một tia mắt nào lạ lùng như ẩn chứa cả một huyền sử không lời đến thế.  Nhưng Minh đã được tôi luyện trong một môi trường kiến thức và tài năng vắng tiếng trái tim ru hời và tình cảm suối nguồn thổn thức của mẹ; không có thứ tình núi Thái Sơn đầy uy vũ mà êm đềm huyền diệu của cha.  Đứa trẻ mồ côi chỉ có một con đường trước mặt: Ước mơ và chinh phục những ước mơ bằng thành đạt.  Đứa trẻ đó đã sớm thành quan tổng đốc.  Nó cần san phẳng những chướng ngại tình cảm tạm bợ và nhỏ bé trước mắt để cho cuộc đời đầy quyền thế và tương lai đầy tươi sáng của nó tiến lên.  Nó hất đầu gạt phăng nỗi ám ảnh từ cái nhìn tha thiết của ông già đang hướng về nó, rồi cao giọng như ra lệnh:

- Lão tướng à, tôi còn bận việc công, không có nhiều thì giờ để bàn chuyện nhân luân, tri lý quanh co.  Tôi muốn ông và tôi giải quyết món nợ truyền đời nầy trong công bằng và danh dự càng nhanh càng tốt.

Đôi mắt ông lão càng đượm buồn sâu hút và nét nhìn càng nhức nhối hơn.  Ông run run lên tiếng:

- Nghĩa là quan tổng đốc muốn tôi chết để đền mạng?

Trần Minh trả lời khô khan, dứt điểm:

- Không!  Lấy mạng ông tôi chỉ cần một đường kiếm.  Nhưng ông giết cha mẹ tôi, đến lượt ông thế mạng để trả nợ sòng phẳng dưới bàn tay tôi thì vô hình chung món nợ đời thế mạng lại chụp trên đầu tôi để biến tôi thay ông làm kẻ mắc nợ.  Tôi muốn ông và tôi có mạng sống đồng đều, chúng ta hãy sử dụng mạng sống của chính mình để làm phương tiện hóa giải hận thù. 

Phạm Xảo nhíu mày hỏi lại:

- Phải tiêu diệt mạng sống của nhau mới hóa giải được sao?

Trần Minh trả lời xác quyết:

- Mạng đổi mạng, ấy là lẽ công bằng xưa nay.  Ông chỉ có một mạng và tôi cũng thế.  Không có sự trốn chạy hay lựa chọn nào khác hơn.

Lưng ông lão như còng xuống.  Bản lĩnh con nhà tướng không cho ông lùi bước, xuống giọng hay năn nỉ dẫu vì người khác; mà chỉ biết hy sinh cho người khác.  Ông lão giật mình vì sự thông minh và nhạy bén của Trần Minh đã đi trước suy nghĩ của ông:

- Thưa lão tướng quân, cả hai chúng ta tuy khác thế hệ, nhưng đều ở hàng đệ nhất võ quan của triều đình.  Truyền thống con nhà tướng của chúng ta là thà chết chứ không thà giữ mạng sống mà phải hạ thấp khí tiết của mình để được sống.  Cái sống hèn mọn còn tệ hơn là cái chết đối với một vị tướng trung bình.  Bởi vậy, trong cuộc thi triển mạng sống giữa tôi và tướng quân sắp đến, mọi sự hy sinh hay nhân nhượng đều đồng nghĩa với sự nhục mạ và hủy diệt thanh danh của nhau.

Lão tướng hỏi nhanh:

- Chúng ta sắp làm gì?

Chưa trả lời vội, Trần Minh mở cái bao vải dài để bên cạnh và rút ra một thanh trường kiếm.  Phạm Xảo ngẩn người khi nhận ra đó là thanh kiếm cũ đã theo ông vào sanh ra tử trong bao nhiêu năm.  Cũng chính thanh kiếm nầy Phạm Xảo đã dùng để chém chết vợ chồng chủ quán năm xưa.  Phạm Xảo đã quăng thanh kiếm xuống dòng nước như môt sự đoạn tuyệt với quá khứ.  Trần Minh dùng vạt áo lau bụi làm lộ ra ánh sáng xanh ngời ánh thép của cây trường kiếm.  Cầm đốc kiếm quay một vòng, Trần Minh chậm rãi nói:

- Phải, đây là cây trường kiếm của tướng quân Phạm Xảo năm xưa.  Thanh kiếm nầy đã góp phần dựng nên nghiệp lớn cho đương triều; nhưng cũng chính thanh kiếm nầy đã chém chết vợ chồng người chủ quán vô tội để lại đứa con thơ.  Thằng bé mồ côi cả cha lẫn mẹ đó bây giờ đang cầm lại thanh kiếm cũ và đứng trước mặt người đã giết cha mẹ nó.

Ngoài khu vườn có cây kỳ Nam cổ mộc, Trần Minh đặt cây kiếm trên chiếc bàn đá cách đều cả hai người đang ngồi đối diện nhau.  Phạm Xảo nhìn đăm đăm cây kiếm.  Từng tiếng của Trần Minh rớt xuống đanh như chém đá:

- Trước mắt chúng ta là cây kiếm.  Bắt đầu từ thời khắc nầy, tôi và ông ngồi yên tại chỗ, không ai được nằm xuống hay nói chuyện.  Không ăn, không uống cho đến khi một trong hai người gục xuống.  Người chưa gục phải lấy kiếm chém đầu người gục trước. Sau đó, sẽ có người xách thủ cấp vừa bị chém về chỗ lăng mộ của cha mẹ tôi để tế giải oan.  Tôi đã dặn dò chuẩn bị mọi thứ và cho bố trí người cẩn mật.  Đây là hai bản giao ước giống nhau đã soạn sẵn.  Nếu tướng quân đồng ý, cả hai chúng ta sẽ ký vào và mỗi người giữ một bản làm bằng chứng. Kẻ chết được yên thân và người sống cũng không sợ bị ai bắt vạ.

Phạm Xảo biết là không thể nào lay chuyển được lòng dạ cao thượng nhưng sắt đá của con người trẻ tuổi nầy.  Ông chỉ hỏi:

- Nếu cả hai người cùng gục một lần thì sao?

- Khi một người đã chết, người còn sống sẽ được cứu cho tĩnh lại.  Mọi việc lớn nhỏ đều đã có dự liệu trong bản giao ước nầy.  Điều chắc chắn là sẽ không có trường hợp cả hai người cùng sống hay cùng chết sau cuộc thi triển nầy.

Phạm Xảo và Trần Minh cùng ký vào giao ước và cuộc đối mặt trả thù có Thần Chết làm chứng bắt đầu…

Một ngày đã đi qua.  Hung thần đến trước là cơn khát.  Cái khát không còn là sự thèm nước bình thường mà nó trở thành rừng dao sắc nhọn chạy khắp châu thân. Mũi nhọn của cơn khát đâm vào từng lỗ chân lông và nghiến nát từng thớ da thịt.  Hơi thở và mạch máu từng hồi nóng rần rật như đang sôi.  Chiều về và đêm xuống lạnh làm dịu lại cơn khát thì cái đói bắt đầu xuất hiện.  Đói và khát quyện vào nhau.  Trăng lên sau rừng lá.  Ánh sáng là lửa, dầu là ánh trăng xanh bạc màu sữa loãng.  Phạm Xảo bắt đầu chú ý đến âm thanh hơi thở khô khan của Trần Minh.  Người trung niên đang độ phương cường ấy có đủ bản lĩnh của dương tính động, đương đầu và xông pha.  Lão già bên bờ sinh tử lại có thừa sức trì của âm tính tĩnh, chịu đựng và nhẫn nhục.  Tính động cần tiêu dùng năng lượng trong khi tính tĩnh bảo tồn được năng lượng.  Qua những tháng ngày tĩnh toạ định tâm, Phạm Xảo biết rõ là trong cuộc thi triển nầy, Trần Minh sẽ gục ngã trước rất nhanh.  Phạm Xảo rợn người khi nghĩ đến giây phút chính tay mình phải cầm lại thanh trường kiếm năm xưa để chém đầu Trần Minh đúng theo quy ước trong bản giao kèo đã ký.

 

Đã quá nửa đêm, hơi thở của Trần Minh có vẻ dồn dập hơn.  Trăng lặn dần, có tiếng Trần Minh rên khe khẻ.   Phạm Xảo vẫn đắm mình trong cơn định tâm sâu lắng.  Tiếng gà gáy sáng cuối Thái Ấp bắt đầu trỗi dậy.  Tiếng gà từng đêm nối đêm trong cơn trường mộng mấy mươi năm chưa dứt.  Tiếng chuông chùa Thiên Mụ giọt xuống.  Mỗi tiếng chuông là sự biểu hiện toàn vẹn nhất của một chu kỳ dòng sống. Tiếng chuông vỡ òa, chiếm hết không gian, rồi theo thời gian nhỏ dần, nhỏ dần, nhỏ dần… rơi xuống và mất hút vào khoảng không. Không lớn không nhỏ. Không trên không dưới.  Không đến không đi.  Cái không quá khứ hay vị lai mà bao trùm tất cả và tan đi. Tan đi. Vắng lặng.

 

Sương đêm làm ẩm vai áo cả hai người.  Hơi sương thấm vào từng lỗ chân lông đang khô khốc giúp cho cơn khát dịu xuống.  Mặt trời vừa lên sau tàng cây.  Ánh sáng không xua nổi bóng tối của một sự gục xuống đang ngấp nghé đợi chờ từ bốn phía.  Phạm Xảo cảm thấy tỉnh táo hơn bao giờ hết.  Có một dòng sông vỗ cánh vừa hiện ra trong tâm thức của ông.  Dòng sông huyền diệu quá, sương khói quá.  Cái chết, cái sống nối đuôi nhau trôi về một nơi xa lắc.  Bờ bên nầy và bờ bên kia có khác gì đâu.  Nén một hơi thở đã thấy tay mình dài cả dặm.  Với tay ra là quá dòng sông vắng lặng.  Không níu kéo mà bờ bên kia đã nằm tan loãng dưới lòng bàn tay.  Không còn bên nầy, không còn bên kia níu kéo.  Đã hết bờ.  Ngồi bên nầy mà cũng đã qua bên kia.  Reo vui.

 

Xốc kiếm đứng lên như cơn gió mới, Phạm Xảo cầm chặt đốc kiếm trong tay.  Có tiếng nói thều thào của Trần Minh:

- Khoan, khoan.  Tôi chưa ngã gục mà.

Mặc… không còn để ý, Phạm Xảo nhảy ba bước đến bức tường vôi trắng xoá.  Loáng kiếm, hoa lên.  Dòng máu đỏ tươi phọt ra từ ngón tay trỏ, ngón tay quần thảo thành những nét đại tự lên tường vôi: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế…” Máu cạn.  Loáng kiếm hoa lên.  Dòng máu đỏ yếu dần từ ngón tay giữa, nét chữ nhỏ dần, đứt quảng: “ba la tăng… yết… đế… ” Máu cạn. Loáng kiếm hoa lên.  Máu đỏ đã cạn, rỉ ra yếu dần và khô lại từ ngón tay đeo nhẫn, nét chữ rời rạc như sương pha ráng đỏ.  Nét chữ chỉ còn là chấm móc mơ hồ: “bồ đề, tát…bà…ha”

 

Trên bệ đá giữa nền vôi trắng, mấy dòng chữ Hán mầu đỏ tím càng lúc càng hiện rõ dần khi nắng lên cao.  Đó là câu thần chú cao thâm nhất, uyên áo nhất, vi diệu nhất mà không một câu thần chú nào khác có thể so sánh được trong kinh điển Phật giáo. Nhưng đó cũng là câu thần chú đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, bình dân nhất trong kho tàng ngôn ngữ thần chú của lịch sử loài người.  Nội dung thần chú ấy chỉ là: Qua đi, qua đi, hãy qua bến bờ bên kia.  Reo vui.  Paramita… tiếng reo vui nguyên thủy của người Ấn Độ khi đã tới bến bờ đẹp tươi. Bờ giác ngộ.

Thân hình tầm thước, ngồi xếp bàn ngay ngắn như đang thiền định, lưng dựa vào bức tường có câu chú Bát Nhã Ba La viết bằng tất cả dòng tinh lực,  râu tóc bạc như tơ… Phạm Xảo chỉ còn là cái xác.

 

Bằng những phản ứng yếu đuối, Trần Minh chỉ có thể ngồi nhìn Phạm Xảo chặt ngón tay, rút hết máu trong mình để viết… Như sực nhớ điều gì, nguồn tinh lực đang ẩn tàng từ vô thức bỗng cháy lên, Trần Minh cảm thấy như ai vừa vực mình sống lại.  Minh chụp ngay nửa vuông vải gấm vàng để trong ngực áo đã cũ xưa ra nhìn.  Cả bầu trời lồng lộng chỉ còn tụ lại thành một mảnh.  Bài kinh Bát Nhã viết bằng mực son trên mảnh gấm vàng bị xé mất phần cuối.  Phần cuối đó là câu kết của bài kinh Bát Nhã mà Phạm Xảo vừa viết trên bức tường vôi trắng. Nét đá, nét mác cuồng thảo trên gấm vàng và tường vôi trắng gặp nhau.  Đã ba mươi năm Trần Minh đi tìm kẻ thù và người ân mà không gặp.  Kẻ thù giết cha, giết mẹ.  Người ân dấu mặt giao đứa hài nhi cho bà Vải ở chùa và thường xuyên lo lắng cuộc sống cơm áo, học hành của đứa bé cho đến khi khôn lớn thành tài ra làm quan.  Trước khi mất đi, bà Vải ở chùa đã trao cho Trần Minh kỷ vật duy nhất mà bà có được về người ân, đó là vuông vải gấm vàng có bài kinh Bát Nhã bị xé mất câu chú sau cùng.

 

Trần Minh nhớ lại ánh mắt đau đớn gần như van lơn của lão tướng Phạm Xảo khi ký vào thỏa ước thi triển giữa hai bên.

 

Lần đầu tiên, quan tổng đốc trẻ tuổi thành công đầy kiêu hãnh ấy ôm mảnh gấm vàng và khóc vùi dưới chân cái xác uy nghi như tượng thần của lão tướng.

Trần Minh nói đủ cho mình mà cả ba ngàn thế giới đều nghe: “Mẹ ơi! Cha ơi! Ân nhân ơi! Ước chi con gần được những trái tim của Mẹ, của Cha, của Người Ân từ ngày còn bé để con biết khóc như hôm nay trước khi con biết hận thù!”

 

Trích Chương 26 trong truyện dài “Tu Bụi” sắp xuất bản.

Chương : 1  
Trần Kiêm Ðoàn
Số lần đọc: 3291
Ngày đăng: 21.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Cùng một tác giả
Cầm chầu HÁT BỘI (truyện ngắn)
Cơm Hến, (dân gian)
Bờ bên kia (truyện dài)
Duyên Tu-1 (truyện ngắn)
Duyên Tu-2 (truyện ngắn)
“Thế à ! ” (phê bình)
Nam mô A-ME-RI-CA (truyện ngắn)
Xuân trong ta (văn hóa)
Thế Hệ Kế Thừa (đối thoại)