Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.083
123.232.939
 
Chuyện tình
Erich Segal
Chương 3

Chương III

Tôi bị thương trong trận đấu với đội Cornell. Thực ra đó là lỗi của tôi. Đúng vào thời điểm căng nhất, tôi đã sai lầm khi gọi trung vệ của họ là " Đồ Canuck bẩn thỉu". Tôi vô ý không nhớ rằng có bốn thành viên của đội họ là người Canada - Cả bốn đều xuất hiện ngay tại chỗ, sặc sụa tinh thần ái quốc, thân hình lực lưỡng và nghe câu chửi của tôi không sót chữ nào. Ngoài chuyện bị thương, tôi gánh thêm nỗi nhục bị phạt. Không bình thường chút nào : 5 phút vì đánh nhau. Bạn cứ nghe thử tiếng bọn fan của Cornell diễu cợt tôi khi loa thông báo vụ phạt. Không có nhiều ủng hộ viên Harvard đi suốt quãng đường chết tiệt tới Ithaca, New York, dù là danh hiệu Ivy vẫn còn nằm trên giày trượt. Năm phút ! Tôi trông thấy tay huấn luyện viên đang vò đầu bức tóc khi tôi trèo vào lồng phạt.

Jackie Felt trèo qua. Chỉ khi đó tôi mới nhận ra toàn bộ phía bên phải mặt tôi là một đống máu me. "Chúa ơi !" Hắn lặp đi lặp lại khi tra tấn tôi với một liều thuốc cầm máu. "Chúa ơi, Ollie."

Tôi ngồi lặng lẽ, nhìn trống vắng về phía trước. Tôi xấu hổ không dám nhìn vào sân, nơi nỗi sợ hãi nhất của tôi đang trở thành hiện thực: Cornell ghi bàn. Bọn fan bên Đỏ la hét, cười rú lên. Tỷ số đang hòa. Cornell rất có khả năng thắng trận và tiêu đời danh hiệu Ivy. Chó thật. Tôi đã qua phân nửa thời gian phạt.

Phía ngoài sân, lực lượng fan nhỏ bé của Harvard buồn rầu và im lặng. Lúc này đám fan của cả hai bên đã bỏ quên tôi. Chỉ còn độc nhất một khán giả vẫn dán đôi mắt vào lồng phạt. Vâng, ông ta đã tới. "Nếu cuộc họp kết thúc sớm, ba sẽ tới Cornell". Ngồi lẫn trong đám ủng hộ viên Harvard là Oliver Barrett III.

Bên kia, ông già mặt lạnh quan sát với sự im lặng vô cảm khi những giọt máu cuối cùng rỉ xuống mặt đứa con trai đã được chận lại bằng một miếng băng. Bạn cho là ông ấy đang nghĩ gì, thầm chắc lưỡi hay đang lên lớp :

" Oliver, nếu con khoái đánh nhau, sao con không chơi đấm bốc?

"
Exeter không có đội quyền anh ba ơi."

"Lẽ ra ta không nên đến đây làm gì "

"Ba có nghĩ là con đánh nhau vì lợi ích của ba không ?

"Thế à, ta không thể gọi đó là lợi ích được."


Nhưng dĩ nhiên, ai mà biết ông ấy nghĩ gì. Oliver Barrett III là một ngọn núi biết đi, và đôi khi biết nói. Một ông già lạnh lùng như đá.

Có lẽ ông già mặt lạnh đang tự ủy lạo mình như thường lệ : "Hãy nhìn ta đây, tối nay có rất ít khán giả từ Harvard đến đây, nhưng ta là một trong số họ. Ta, Oliver Barrett III, một đại doanh nhân điều hành những ngân hàng và các thứ, ta đã phí thì giờ đến đây để xem một trận hockey tệ hại. Thật là kỳ cục."(Đối với ai?)

Đám khán giả lại gào lên, lần này thật sự điên cuồng. Một cú ghi bàn khác của Cornell. Họ đang dẫn điểm. Và tôi thì còn phải chịu hai phút phạt nữa ! Davey Johnston trượt ra, mặt đỏ lên tức giận. Hắn lướt qua mà chẳng buồn liếc mắt nhìn tôi. Và, có phải tôi đã trông thấy đôi mắt đẫm lệ của hắn không? Nghĩa là, vâng, danh hiệu vẫn còn trên giày trượt, nhưng lạy Chúa, nước mắt! Vậy đó, Davey, đội trưởng, đã chuốc một thất bại chua cay khó tin được : 7 năm chưa hề thua cuộc ở trường trung học hay đại học. Điều này giống như một huyền thoại xấu. Và hắn lại là một sinh viên năm cuối. Đây là trận thi đấu khó chịu cuối cùng của chúng tôi. Trận đấu mà chúng tôi đã thua, 6-3.

Sau trận đấu, một cuộc chụp X quang xác định là không có chiếc xương nào của tôi bị gãy, và bác sĩ Richard Selzer khâu tới 12 mũi quanh má của tôi. Jackie Felt quanh quẩn ở ngoài phòng điều trị, kể lể với người săn sóc sức khỏe của Cornell rằng tôi đã ăn uống không hợp cách, rằng lẽ ra tôi đã tránh được nếu ăn đủ muối. Selzer phớt lờ Jack, nghiêm khắc báo cho tôi biết về chấn thương ở "phiá dưới hốc mắt" (đó là những thuật ngữ y học), và khuyên tôi tốt nhất là nên ngưng chơi một tuần. Tôi cám ơn ông ta. Ông rời phòng, với Jack lẽo đẽo theo sau đấu hót huyên thiên về vấn đề dinh dưỡng. Tôi mừng là được ở một mình.

Tôi tắm một cách chậm rãi, cố không làm ướt chỗ đau trên mặt. Thuốc giảm đau đã tan đi một ít, nhưng ở một phương diện nào đó tôi lại vui mừng vì cảm thấy đau. Tôi muốn nói là tôi đang hoang mang không hiểu có phải mình đã phạm sai lầm lớn hay không? Chúng tôi đã đánh mất thanh danh, phá vỡ truyền thống (mọi sinh viên năm cuối đều bất khả chiến bại) của trường, và của Davey nữa. Có lẽ không phải hoàn toàn là lỗi của tôi, nhưng lúc bấy giờ, tôi có cảm giác như vậy đó.

Trong phòng ngoài không còn ai. Chắc họ đã sang bên nhà ăn cả. Tôi cho là không còn ai muốn nhìn mặt tôi, nói chuyện với tôi. Với nỗi niềm chua xót, vị đắng ngắt khủng khiếp trong cổ họng, tôi nhặt đôi gậy trượt và bước ra ngoài. Không có mấy tay fan của Harvard còn ở lại trong cơn gió đêm lạnh lẽo vùng thượng
New York.

"Gò má sao rồi, Barrett ?"

"Tốt rồi, cám ơn ông Jencks."

"Con cần một miếng bíp tết", giọng quen thuộc của một người. Đó là Oliver Barrett III. Ổng đúng là máy móc khi đề xuất ra thứ dùng để chữa mắt bầm.

"Cám ơn ba, đã có bác sĩ lo rồi." Tôi chỉ vào miếng gạc phủ lên mười hai mũi khâu của bác sĩ Selze.

"Ta muốn nói là cho bao tử của con ấy, con trai ạ."

Trong bữa ăn tối, chúng tôi lại tái diễn cuộc trò chuyện ngắn ngủI - một kiểu đối thoại mỗi người một phách- thường bắt đầu bằng câu: "Con khỏe chứ, con trai ?" và kết thúc bằng câu: "Ta giúp gì được cho con ?".

"Con khỏe chứ, con trai ?"

"Dạ tốt, thưa ba."

"Mặt con có đau không ?"

"Dạ không."

Tôi chợt nghe đau khủng khiếp.

"Ta muốn gọi Jack Wells khám cho con vào sáng Thứ hai."

"Không cần đâu ba."

"Ông ta là chuyên gia…."

"Bác sĩ của Cornell không phải là thú y sĩ đâu", tôi đáp, hy vọng dập tắt được sự hâm mộ thái quá của ông già đối với các chuyên gia, chuyên viên, và mọi mẫu người thuộc loại "top-people" khác.

"Tệ quá ", Oliver Barrett III nhận xét một cách vui vẻ mà lần đầu tiên tôi cảm thấy, " con bị thương một cách tệ hại."

"Dạ vâng", tôi đáp, ( Hình như tôi thầm khúc khích cười trong bụng).

Rồi tôi tự hỏi không biết trong câu nói nửa đùa nửa thật đó, ông có ám chỉ hành vi của tôi trên sân băng hay không.

"Chắc ba cho rằng hồi chiều này con đã hành động như thú vật ?"

Vẻ mặt ông biểu lộ một vẻ hài lòng khi tôi đặt câu hỏi. Nhưng ông chỉ đáp rất đơn giản:

"Thì chính con đề cập đến thú y sĩ chứ ai."

Đến nước này, tôi chỉ còn mỗi cách nghiên cứu bản thực đơn.

Vì vấn đề chính đã nêu ra, ông già mặt lạnh bắt đầu thuyết giảng một hồi, tôi cố không nói gì đến thắng hay bại. Ba tôi lưu ý tôi rằng chúng tôi đã đánh mất danh hiệu, nhưng nói cho cùng, điều đáng quan tâm trong thể thao không là chiến thắng mà là thi đấu ra sao. Ông đột ngột chấm dứt các nhận xét bằng một câu khẩu hiệu Olympic, và tôi cảm thấy tất cả chỉ là khúc dạo đầu để ông dẫn đến kết luận là chẳng có gì lớn lao lắm với sự xuống hạng của một đội tầm thường như Ivy. Nhưng tôi quyết không thỏa hiệp, nên chỉ đáp lời ông bằng một câu cụt ngủn : " Vâng, thưa ba" rồi im lặng.

Chúng tôi tiếp tục nói về đề tài thường lệ, xoay quanh mối quan tâm chính của ông già: các dự định của tôi.

"Oliver, cho ba biết trường luật đã gọi con chưa ?"

"Thực ra con chưa quyết định học luật mà ba."

"Ta chỉ muốn biết trường luật đã quyết định tuyển chọn con chưa."

Lại một câu dí dỏm nữa rồi. Dường như tôi mỉm cười vì trò chơi chữ trẻ trung của ba tôi.

"Chưa, con chưa có tin gì cả."

"Ta có thể ủng hộ giải Zimmermann một chiếc nhẫn…"

Tôi ngắt lời ông.

"Ồ, đừng làm vậy, ba. "

"Không phải để tác động đâu", O.B. III lên giọng, "mà là để yêu cầu."

"Ba ơi, con muốn nhận thư báo bình thường như bất cứ người nào khác. Xin ba."

"Ờ, dĩ nhiên. Tốt lắm", ông nói thêm, "Ngoài ra, không nghi ngờ gì là con tất nhiên phải được tuyển rồi."

Không hiểu sao, với tôi ông già luôn có cách nói vừa ngợi khen nhưng vẫn vừa coi thường.

"Chả có gì, nói cho cùng vì họ không có đội hockey thôi."

Tôi không hình dung được vì sao mình lại nhượng bộ. Có lẽ vì ông nhìn sự việc ở một góc độ trái với tôi.

"Con có những phẩm chất tốt ", ông nói, nhưng không giải thích thêm. (Tôi nghi là ông không thể.)

Bữa ăn cũng tệ y như cuộc trò chuyện, trừ việc đoán trước về sự tẻ nhạt của nó, tôi không tài nào đoán được ông già sẽ nói tới chuyện gì.

"Luôn luôn có đội quân Hòa bình", ông thốt, gần như vui vẻ.

"Dạ ?", tôi hỏi, không chắc đó là một câu hỏi hay lời phát biểu của ông.

"Ta nghĩ đội quân Hòa bình là một tổ chức khá, phải không?"

"Ồ, tất nhiên là nó khá hơn đội quân Chiến tranh."

Chúng tôi hòa. Tôi không hiểu ông muốn nói gì. Đề tài gì vậy? Chúng tôi đâu phải đang bàn về các chương trình của chính phủ hay thời sự? Không. Tôi tạm quên đi chủ đề của chúng tôi, luôn luôn là dự định của tôi.

"Ta không phản đối nếu con gia nhập đội quân Hòa bình, Oliver."

"Đây là sự thỏa thuận ở hai phía, ba", Tôi đáp, đối lại lòng rộng lượng của ông. Tôi chắc chắn ông không bao giờ nghe tôi nói gì cả, thế nên tôi chả ngạc nhiên chút nào khi ông không phản ứng gì với sự mai mỉa của tôi.

"Thế còn các bạn học của con thì sao, thái độ của chúng như thế nào ?"

"Dạ?"

"Chúng có cho rằng đội quân Hòa bình thích hợp với cuộc sống của chúng không?"

Tôi đoán ba tôi cần nghe câu trả lời sau như cá cần có nước: " Dạ có, ba."

Ngay cả bánh nhân táo cũng trở nên vô vị.

Khoảng 11h 30, tôi đưa ông ra xe.

"Ba giúp gì được cho con ?"

"Không có gì, ba. Chào ba."

Và ông lái xe đi.

Phải, có những chuyến bay giữa
BostonIthaca, New York, nhưng ba tôi luôn chọn xe hơi. Không phải ông bỏ ra hàng giờ lái xe để làm bộ ta đây, đơn giản là vì ông thích lái. Lái thật nhanh. Và vào giờ đó ban đêm, trong một chiếc Aston Martin DBS người ta có thể chạy như điên. Tôi chắc là ba sẽ phá kỷ lục vận tốc chặng BostonIthaca lập ra năm ngoái, sau trận chúng tôi thắng Cornell và đạt danh hiệu. Tôi biết, tôi đã để ý thấy ông liếc qua chiếc đồng hồ đeo tay.

Tôi quay về ký túc gọi điện thoại cho Jenny.

Đó là khoảnh khắc dễ chịu nhất trong suốt buổi tối. Tôi kể cho nàng nghe về trận đánh lộn, và phải nói là nàng rất khoái. Các bạn trong băng nhạc của nàng rất hiếm khi cho hay nhận những cú đấm.

"Ít nhất anh cũng " làm thịt" cái gã đã đánh anh chứ?", nàng hỏi.

"Vâng. Làm thịt thật sự. Anh giã nó như giã bột."

"Ước gì em nhìn thấy cảnh đó. Có lẽ anh sẽ đập ai đó trong trận đấu ở Yale hả ?"

"Vâng."

Tôi mỉm cười. Nàng biết cách yêu mến những điều đơn giản của cuộc đời này làm sao !

Nguyễn Thành Nhân dịch

Chương : 1    2    3   4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14    15    16    17    18    19    20    21    22   
Erich Segal
Số lần đọc: 1479
Ngày đăng: 18.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Cùng một tác giả
Chuyện tình (truyện dài)