Hồi thứ 9
Các cao nhân luận bàn về đoản thiên tiểu thuyết
Chuyện ngày sau nam nữ khác nhau
*
Trình thử viết một truyện ngắn, anh ta phác ra một cái cốt truyện như sau:
Chàng là sinh viên khoa văn, tất nhiên chàng có làm thơ, nhiều là khác. Nàng thì học hoá. Tóm lại, chàng nàng mà có cặp đôi thì rất có văn hoá. Nếu sau này hai người lấy nhau, sẽ cơ cấu thành một gia đình văn hoá.
Chàng và nàng yêu nhau, tất nhiên tình yêu cũng như muôn đời vẫn thế. Nghĩa là qua một số giai đoạn đầy cảm xúc trong sáng, thì dẫn đến giai đoạn cảm xúc tuyệt vời, nhưng không trong sáng lắm, dưới cách đánh giá chính thống, nghĩa là khi chàng và nàng ham muốn lẫn nhau, về tình dục, dù chính bản thân cũng chưa dám công nhận.
Sau thời gian chàng đến thẳng phòng nàng trong ký túc xá, rồi sau sẽ cùng nhau ra cửa sổ hành lang đứng ngắm trời mây và nói những câu chuyện trên trời dưới biển, chàng và nàng đã tiến tới giai đoạn... (viết đến đây, Trình thấy cần phải có một chú thích rằng: Trong những tiểu phẩm của mình viết đăng các tập san và tạp chí, Trình toàn cho các nhân vật hẹn hò ở thư viện hoặc đến một quán cà phê, nhưng sự thực sinh viên làm gì có tiền mà lúc nào cũng đến quán cà phê. Cũng như, làm sao mà đến thư viện được vì đa số các trường làm gì có thư viện, còn nếu có, thì điên mới đến đó.
Tóm lại, chàng và nàng đã đến giai đoạn dẫn nhau đi tới những gốc cây trong những khỏang tối ký túc xá. Dưới một cái cây, họ đã có những chuyện tình đầy bạo liệt của một đôi trai gái trẻ, nhưng sau thì tất cả qua đi.
Vào một buổi chiều đẹp trời, người đàn bà dẫn một đứa nhỏ đi chơi, đứa con nhỏ thật đáng yêu, chạy nhảy như một con chó con đến gần gốc cây nọ. Người đàn bà không nhận ra cái cây nữa, nói với đứa con nhỏ rằng nó bẩn. Còn người đàn ông thì say và nôn vào cái cây trong một đêm hè...
*
GS Lương đọc xong truyện của Trình, nói:
- Tất nhiên câu chuyện chẳng hề thi vị. Anh có nhớ đến một câu chuyện của Nhật về người chồng bị lao nằm liệt giường ngắm mảnh vườn và người vợ qua chiếc gương. Rồi người chồng ấy chết đi. Ngôi nhà bị bán và người vợ tái giá theo một khách thương đi xa. Một câu chuyện tuyệt vời nó khiến ta tiếc tất cả những gì đẹp mất đi vĩnh viễn, và nó cũng nhắc ta rằng chẳng có gì là vĩnh viễn.
Trình nói:
- Vâng, con đã đọc truyện này, nó hay.
GS Lương nói:
- Cuộc sống đẹp khi nó chảy trôi không ngừng với mọi điều bất ngờ. Tuy nhiên vào thời đại này những điều bất ngờ xuất hiện nhiều quá khiến người ta mệt.
Trình bàn:
- Hơn nữa, con thấy những điều bất ngờ ngày nay lại hay thô thiển, dị dạng, bị tác động bởi những lợi ích thoáng chốc và bề mặt nào đó. Hình như những điều đẹp đẽ và tinh tế ngày càng ít đi, chúng đòi hỏi một sự nhẫn nại và nền tảng thế nào đó...
- Không đâu anh ạ, chúng vẫn nhiều nhưng chúng khó tìm hơn thôi.
*
Hậu đọc truyện trên, anh ta cười nhạt:
- Sao thằng đàn ông trong chuyện của mày lại thảm hại thế? Say? Nôn?
- Thế thì sao?
- Đau đớn vì kỷ niệm chứ gì? Tiếc nuối dĩ vãng chứ gì? Truyện của mày cứ tưởng như ẩn dụ sâu sắc lắm nhưng nhạt phèo, nhân vật thì cũ mèm, đến 2/3 thế kỷ nay vẫn thế.
- ??!
- Theo tao thì không việc gì phải luẩn quẩn quanh cái gốc cây ấy. Còn không thì hãy đến đấy mà tè một bãi.
*
Hà đọc truyện trên, anh im lặng nhìn Trình lúc lâu rồi thủng thẳng:
- Đàn bà là cái chó gì?
- Thế anh thì sao, anh thực sự nghĩ thế?
- ??!
- Anh có quên được chị Nhã không?
- Sao lại không?
Sau đó anh xoay sang kể chuyện tiếu lâm:
- Giữa mô hình lắp ghép đoàn tàu đồ chơi và bầu ngực phụ nữ có điểm gì chung? Chỉ có một câu trả lời duy nhất: Ban đầu cả hai được thiết kế dành riêng cho bọn trẻ, nhưng cuối cùng người mày mò tỉ mẩn khám phá lại là… bố của chúng.
*
Dung đọc truyện của Trình, chị cau mày:
- Em phải nên hiểu rằng đàn bà chẳng quên cái gì cả, nhất là những cái cụ thể như cái cây chẳng hạn.
Sau đó, chị say sưa kể cho Trình nghe việc chị đã nhớ thế nào một cái mấu trên thân cây, ánh nắng chiều hắt vào khiến nó như được dát vàng. Đúng vào chỗ ấy, giờ ấy mới nhìn thấy như vậy.
- Nhiều năm liền chị vẫn trở về nơi ấy chỉ để nhìn cái mấu ấy, cây cũng lớn dần lên và hình dạng cái mấu cũng biến đổi em ạ. Đến một độ thì chị thấy nó không còn giống gì với hình ảnh ban đầu nữa. Thế là chị thôi. Tiếc lắm.
Mãi sau, vào một lần Dung say, chị mới kể cho Trình biết bí mật của cái mấu trên thân cây. Chắp những đứt đoạn vào Trình hiểu ra chuyện thế này: Người bạn trai cùng lớp trước khi đi vào nam đánh Mỹ đã được chị “cho” dứơi gốc cây ấy. Vào lúc đau nhói lên, rát bỏng vùng bụng dươí, hình ảnh tuyệt đẹp của cái mấu trên đã lạc vào mắt chị. Chị đã chăm chăm nhìn nó để quên đi cái đau.
Rồi một lần khác nữa, chị cho biết ông quan chức tên T chính là chàng trai đã được chị “cho” dưới gốc cây chiều hè năm xa xưa ấy. Chị nói thản nhiên, mặt lạnh te.
Thật là:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Hồi thứ 10
Phim truyền hình tốt quá có sao đâu
Lý đến cùng, đàn ông thua phụ nữ
*
Hàng ngàn lần Trình hình dung ra cảnh Mai chạy đến bên Trình, quỳ xuống và nói: “Em đã nhầm, anh mới là người yêu em thực sự. Chúng ta hãy làm lại từ đầu”. Hoạt cảnh này tự nhiên xuất hiện như có một ai đó cố tình chiếu đi chiếu lại một đoạn phim cho riêng Trình để Trình duyệt. Hàng trăm lần Trình xử lý các hình ảnh chính, âm thanh cũng như bối cảnh phụ. Mất hai năm như thế, và hoạt cảnh ấy, ngày càng được hoàn thiện (được quay chậm và lấy cận cảnh rất công phu, ngoài ra còn có đoạn mờ nhoà và chồng hình… vv…), nhưng ngày càng trở nên hài hước châm biếm hơn.
Trà rất thích xem phim truyền hình, nhiều lần Trình đến buổi tối thấy nàng đang khóc trước màn hình. Vài lần đầu, Trình hoảng quá, vì chưa bao giờ thấy Trà khóc đến thế. Một cái khóc sâu thẳm, đa tầng đa nghĩa, đa sắc thái (những nhận định trên như thể ngôn từ của một nhà phê bình trước một tác phẩm văn chương quá lớn hoặc quá dở mà Trình đã đọc được ở đâu đó, có thể là trên trang “văn học với phái đẹp” của tờ tạp chí Trình đang cộng tác, những lời này ngấm vào Trình, và trước cái khóc của Trà, những từ này bật ra, mang một hàm nghĩa mới mà Trình cảm thấy mình nắm được rõ).
Trở lại những giọt nước mắt của Trà, khi Trình đã hiểu ra nguyên cớ, rằng Trà đang khóc vì những éo le xảy ra trên màn hình, tệ hơn, còn là chuyện ở xứ nào xa lẵc, anh thường im lặng chịu đựng với thái độ bề trên về văn hoá.
Mãi về sau, dưới ảnh hưởng của GS Lương và những tài liệu nào đó của ông (một cách vô tình), Trình mới nhận ra khuynh hướng trốn tránh chính mình trong chuyện này: Thực ra, trong chính Trình, nhu cầu được sống trong những cảnh như phim truyền hình rất mãnh liệt, nhưng đã bị cái gọi là văn hoá hàn lâm (mà anh thỉnh thoảng lại gặm nhấm được vài mẩu không theo một chương trình nghiêm chỉnh nào) đè nén.
*
Một lần, khi ti vi không phát phim truyền hình dài tập mà lại phát chương trình nhân những ngày lễ lớn thì Trà tắt ti vi và quay sang nói chuyện với Trình. Trà bảo Trình:
- Em thấy anh toàn chơi với những người quái dị.
- Sao lại quái dị? – Trình hơi cáu nhưng kìm mình lại.
- Hà thì rõ rồi nhé. Vô công rồi nghề. Làm diễn viên không phải là một nghề, anh đừng có cãi. Vợ thì chẳng ra vợ, con chẳng ra con.
- Anh ấy có hẳn huy chương vì sự nghiệp đấy!
- Còn ông giáo sư Lương, lại càng quái dị.
- Đó chỉ là bề ngòai thôi.
- Bề trong cũng có. Già rồi mà toàn quan tâm đến những chuyện trai gái.
- Cụ nghiên cứu để viết sách đấy chứ.
- Sách với vở gì, dâm thư thì có.
- Thế ra anh toàn những bạn không tốt?
- Chứ sao, mỗi anh Hậu thì chu đáo, tâm lý, nhưng yêu hết cô này đến cô khác.
- Yêu hết cô này đến cô khác thì sao?
- A, thì ra… thì ra anh đã lộ mặt nhé. Yêu hết cô này đến cô khác là không đứng đắn. Như thế là chỉ chạy theo tình dục chứ yêu đương gì!
Vấn đề không thể định lượng nên Trình đành im lặng.
Trà không buông tha:
- Còn chị Dung thì... anh cứ thử nghĩ mà xem, cùng là đàn bà với nhau nhưng em không tài nào hiểu nổi chị ấy.
- Không hiểu thì là không tốt?
- Với em mọi điều giản dị thôi, chẳng cao siêu gì. Em cũng học qua đại học, văn thơ cũng biết đọc, nữ công gia chánh đầy đủ… Thế mà em không hiểu tức là không ổn.
Trình chẳng biết nói gì. Bao gìơ với Trà, Trình cũng bị thua vì những “điều giản dị” như thế.
*
(Nhật ký của Quy)
Ngày…
...Trong sân trường, trước mặt học trò, chúng ta trao đổi những câu nghiêm trang với vẻ mặt mẫu mực của những nhà giáo đang toàn tâm toàn ý vào việc giáo dục. Trong phòng hội đồng, chúng ta xử sự với nhau cứng đơ như những sĩ quan trước một trận đánh, khi có mặt đồng nghiệp. Anh thuyết phục được em rằng cư xử như vậy là cần thiết cho cả hai, bởi "chúng ta không nên làm học sinh nghĩ sai vì những điều phức tạp của người lớn", bởi "chúng ta không nên trở thành đề tài đàm tiếu trong trường, nhất là khi anh đang ở một vị trí tế nhị"...vv và vv... Nhưng thật ra, hiện nay, cả trường đều biết. Học sinh, nhất là bọn con gái xầm xì mỗi khi em bước qua. Ngay trong cách chào hỏi của chúng, em cũng cảm thấy sự giễu cợt đằng sau vẻ trịnh trọng. Giáo viên thì lộ liễu hơn nhiều, họ nhìn em như nhìn đứa học sinh hư hỏng mà nếu có cơ hội là họ đuổi học. Riêng các nam đồng nghiệp thì còn có thêm ánh mắt thèm khát và khinh bỉ như khi nhìn một gái giang hồ.
Thật là:
Yêu nhau nên biết giấu đi
Để thiên hạ biết còn gì là hay
Hồi thứ 11:
Người quân tử không màng chức tước
Kẻ tiểu nhân thâm hiểm điêu ngoa
*
Cách đây ít lâu, Hà còn ngồi ghế phó đoàn kịch. Thật ra, với một tập hợp những người làm diễn viên, chức tước là một cái gì ngộ nghĩnh - Hà cho là thế. Bởi các thành viên trong đoàn đều có công việc riêng của họ. Thứ công việc rất đặc thù, chẳng ai làm thay ai được. Hà tự cho rằng mình có chút uy tín vì mình có chuyên môn - điều này được cả những kẻ không ưa Hà công nhận - chứ cóc phải do làm phó đoàn. Nhưng hồi ấy Hà hay có khách, nhiều bạn lắm, vô tư lắm. Bên cốc bia chén rượu loáng thoáng năm thì mười họa Hà được nghe “cấp dưới” ngỏ lời xin vào vai nào đó. Hà không có quyền quyết định chuyện đó, nhưng Hà có quyền đề nghị. Và Hà thường đề nghị không theo lời xin xỏ của cấp dưới. Bởi Hà thấy những đề nghị đó thường phi nghệ thuật, và Hà gạt ngay đi.
Chẳng chóng thì chầy, Hà nhận ra có nhưng lệch pha trong sự quyết định của trên với đề nghị của hắn. Hà góp ý, họ ân cần giải thích với nhiều lý do khá hợp lý. Hà xuôi theo ít lâu rồi lại phải góp ý. Cấp trên ngày càng bớt ân cần với hắn. Hà cũng bớt tôn trọng cấp trên, góp ý ngày càng kỹ, ngôn từ ngày càng sắc sảo, chua cay hơn.
*
Một ngày nhạt nắng năm kia, Giám đốc Nhà hát mời Hà lên phòng. Trời mát nhưng phòng Giám đốc vẫn để điều hoà lạnh ngắt bởi thủ trưởng béo quá. Với thái độ chẳng thân chẳng sơ, thủ trưởng hỏi về công việc và gia đình của cấp dưới. Với thái độ chẳng khinh chẳng trọng Hà thủng thẳng trả lời từng câu.
Bất chợt thủ trưởng chuyển giọng:
- Hình như cậu làm chuyên môn tốt hơn làm quản lý thì phải, anh em người ta cũng nói thế!
- Thì quản lý cũng để phục vụ chuyên môn chứ để làm gì ạ? Chuyên môn làm tốt rồi thì quản lý nhàn hơn, thậm chí bị xóa bỏ chứ ạ- Hà nhã nhặn nói thế.
Thủ trưởng thoáng cười khẩy, thoáng khó chịu nhưng những biểu hiện đó tắt ngay trên gương mặt vô cảm:
- Mà cậu lại chưa vào Đảng nữa. Hồi xưa tôi mạnh dạn cất nhắc cậu nhưng cậu cũng phải có cái phấn đấu riêng nữa chứ...
Mấy chữ cuối tiếng nói của thủ trưởng như có âm sắc trách móc một cách ân tình. Hà cãi:
- Mấy năm rồi em diễn vai nào cũng được dư luận khen...
Thủ trưởng không giấu nổi nụ cười chán ngán:
- Thế này nhé. Chân tình tôi mới góp ý, cậu tốt, tập thể công nhận, nhưng cậu quản lý chưa tốt. Lại khiến anh em mất đoàn kết, nếu trong thời gian tới cậu cố gắng sửa đổi thì tốt cho cậu. Còn không...
Trước câu buông lửng đầy ý nghĩa, Hà nóng mặt:
- Nếu vậy có lẽ cứ để tôi làm chuyên môn thuần tuý tốt hơn cho cơ quan và cả cho tôi.
- Nếu vậy cậu làm đơn đi.
Sĩ diện như một quân tử tàu, ngay buổi chiều Hà nộp đơn lên Phòng tổ chức. Chiều tối, Hà vui vẻ kể chuyện với Nhã, ngỡ nàng sẽ khen mình, cảm phục mình thì Nhã tái xám mặt mày, than vãn:
- Không ai dại như ông, ông mắc mưu chúng nó rồi. Tự dưng thì trói mình chịu chém.
- Làm cái chức vớ vẩn ấy làm gì. Vui thì làm, chứ “phấn đấu” thì thôi nhé.
- Bao nhiêu thằng mơ đấy ông ơi, chỉ có ông là người mơ màng mới thế. Hay mai lên cơ quan sớm xin rút đơn lại.
- Điên à, tôi trẻ con chắc. Thôi là thôi.
*
Trích một tiểu phẩm của Trình:
... Chị Hương Xuân, làm ở một cơ quan văn hóa nghệ thuật của tỉnh Hải Dương có người chồng rất thô thiển, vũ phu. Trong một đợt công tác ở Thái Bình, chị đã gặp anh T - một nhà giáo có vợ đã mất từ lâu. Hai người quý nhau, tôn trọng và yêu. Chị quyết bỏ chồng để về với anh.
Tuy vậy, mọi chuyện lại không chiều người ngay. Được chị thông báo, người chồng - thay vì nhìn nhận lại bản thân và có cách ứng xử văn hoá lại “nổi điên”. Nhân danh những điều tốt đẹp mà anh ta không có, anh ta tìm đến tận trường anh T làm ầm lên. Cuộc đấu đá nội bộ trong trường khiến anh bị kỷ luật, bị đình chỉ giảng dạy. Về phần chị, tuy cơ quan có thoáng hơn và thông cảm với chị nhưng chị cũng không chịu nổi sự hành hạ ngấm ngầm của gã chồng đê hèn. Bỏ ngay thì chị lại vướng con (đứa nhỏ bị những lời đàm tiếu tác động, trở nên thiếu tôn trọng mẹ).
Thế là cả hai anh chị đều bị kẹt. Những lần gặp nhau dần trở nên nặng nề và rồi họ cũng không còn thấy lãng mạn nữa. Tình yêu cần sự dũng cảm nhưng họ chưa đủ. Mà cũng khó! Chị không thể bỏ con. Anh thì không thể thất nghiệp.
... Tình “ngoài luồng” có đủ dạng. Tuy nhiên, chúng đều có một mẫu số chung là gian nan vất vả, đầu thích nhưng đuôi mệt mỏi...
*
Thôi là thôi thật, chỉ tháng sau đã có quyết định Hà thôi chức và thằng T lên thay. Thật đúng như hết ngày đến đêm, hai mặt đối lập của một thế giới vốn vẫn tồn tại và có giá trị như nhau. T dốt nát, hèn khác hẳn với Hà, nhưng làm quản lý thì tốt hơn hắn. Lãnh đạo và anh em đều bảo thế.
Thoạt đầu Hà vui lắm. Tự do. Bớt đi nhiều cuộc họp vớ vẩn. Chỉ có công việc. Nhưng cũng chẳng bao lâu Hà nhận ra bạn bè mất dần. Những ánh mắt, nụ cười thân tình trước Hà coi là đương nhiên nay biến đâu mất sạch.
Sau này khi Nhã bỏ Hà, Hà không tìm được lý do, bèn gộp luôn việc mình không còn làm phó đoàn nữa nên bị Nhã bỏ. Nhưng chuyện này không ai có thể kiểm chứng nổi.
Thật là:
Tưởng làm nghệ sĩ là thoát hư vinh
Ai ngờ tục luỵ còn kinh hơn đời
Hồi thứ 12
Tình yêu đẹp chỉ vì chưa thấu hiểu
Thuật dạy người tạp chí nêu gương
*
Con Dung đã yêu, một tình yêu “sét đánh”.
Nó mới 14 tuổi. Học lớp 7.
Mấy hôm nó chẳng ăn uống gì. Có ngồi mâm, nhưng chỉ gẩy gẩy rồi chui ngay vào phòng nằm ngay đơ.
Dung đẩy cửa vào, vừa hay nghe được đoạn cuối tiếng thở ra thườn thượt của nó.
- Con ốm à?
- Không, à vâng.
Chị sờ trán nó, lạnh.
- Ở trường có việc gì phải không? Có đứa nào bắt nạt con? Cô giáo dạy văn mới có tốt không?
Chị hỏi thế là vì thằng con chị cực kỳ chăm học, nó yêu thích môn văn như yêu khí trời, và “hơn cả yêu chị” – có lần Dung phàn nàn với Trình như thế.
Cứ nhùng nhằng thế mãi đến lúc trước khi đi ngủ, nó mới thổ lộ:
- Mẹ ơi, có phải yêu là chết trong lòng một ít không ạ?
- Ờ thì đấy cũng là một định nghĩa của một nhà thơ.
- Thế tức là yêu là mất mát, chết cơ mà? Phải không mẹ?
Dung bắt đầu nghi nghi, thấy đây là mấu chốt vấn đề của thằng nhỏ. Chị khẽ khàng:
- Chết và sống, đều có cả trong đó đấy con ạ.
- Thế sao lại có câu: Có khó gì đâu một buổi chiều/ Nhìn mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu/ …thế là yêu! Yêu dễ thế cơ mà, mẹ?!
Dung thoáng nghĩ đến thời sinh viên bom đạn, trường còn sơ tán trong một khu đồi. Phòng học cũng chỉ tranh tre, chỗ đi vệ sinh tạm bợ vài cái cót quây lại, mà cũng chỉ nữ mới được “ưu tiên”, con trai chúng nó toàn “tưới cây”. Chị luôn ngượng, nên baogiờ cũng đi ra đó vào lúc sát giờ vào lớp. Một lần, khi vừa xong, đang hớt hải vào lớp, chị nghe thấy tiếng “e hèm” sau một gốc cây, rồi một giọng nam véo von: “Có khó gì đâu một buổi chiều/ Thấy em đi… giải, thế là yêu!”. Mặt chị đỏ lan xuống tận ngực. Chị cắm đầu chạy vào lớp, không nhìn nhưng biết ngay đấy là ai.
Ký ức thoảng qua rất nhanh, chị mỉm cười, cái cười tinh quái nhanh chóng biến sang vẻ ân cần dịu dàng:
- Vừa dễ lại vừa khó con ạ!
Trước thái độ của người mẹ, thẳng bé yên tâm, rồi nó kể, rất khó khăn lúng búng rời rạc. Thật ra, người mẹ biết nó sẽ không kể đâu, nếu câu chuyện không gây sức ép khủng khiếp lên tâm thần nó. Câu chuyện thôi thúc, căng cứng, đòi hỏi phải được thoát ra. Tựu trung lại là thế này:
Nó đã yêu một đứa con gái cùng lớp, con bé này học giỏi môn toán, còn “văn thì tớ xì mũi vào”.
“Con sẽ yêu bạn ấy suốt đời mẹ ạ”.
Chị cười dịu dàng với nó mà lòng đau thắt lại. Tình yêu là cái bẫy lớn nhất trong cuộc đời mà chị không làm sao nói cho con biết được.
*
Dung là biên tập viên thường sửa bài cho Trình. Chị đọc một bản thảo của Trình:
Từ “hồng nhan tri kỷ” đến “phòng nhì”
Chị thoáng cười, cái cậu Trình này, không hiểu học được ở đâu, thường hay đặt “tít” rất giật. Chị nhớ ngày cậu mới đến toà soạn xin cộng tác, trông ngố như tinh tinh. Nhưng rồi chỉ một thời gian, đã khác hẳn. Nghề làm báo, nó khiến con người buộc phải nhanh chóng khôn lanh, trơ trẽn.
(bắt đầu bài của Trình) Khi “buồn buồn”, các đức ông chồng thường có xu hướng thích đi tìm một “hồng nhan tri kỷ” nào đó. "Phòng nhì" phát sinh từ đây. Song, những mối quan hệ này có thật là tri kỷ?
Chị Dung nghiêm lại, con người công việc của chị xuất hiện. Chị nhớ lại lời nhắc nhở của bà Tổng biên tập rằng trang hôn nhân gia đình cần phải có chính kiến rõ ràng. Ta có đề cập đến những chuyện “chưa hay” của xã hội, nhưng “không tán dương”! Về phong cách thì vừa đủ hóm lại vừa có vẻ triết lý gợi tò mò, lại vẫn nghiêm túc đúng với phong cách báo phụ nữ.
Thế là, rất nhanh, đoạn mở đầu đã được sửa lại như sau:
Khi “xô bát xô đũa”, các đức ông chồng thường có xu hướng “buồn buồn” thích đi tìm một “hồng nhan tri kỷ” nào đó với ảo tưởng có người tâm đầu ý hợp. "Phòng nhì" phát sinh từ đây. Song, nó có thật là chỗ dựa tinh thần vững chắc mà người ta không thể có ở chính gia đình mình?
Chị tiếp tục sửa chữa, cắt bỏ vài đoạn Trình nghị luận về “hồng nhan tri kỷ” xem ra khá thú vị. Cậu chàng còn trích dẫn vài chuyện thời xưa về những người đẹp đã từng là “hồng nhan tri kỷ” của các vĩ nhân ABC… tất nhiên cũng bị chị Dung mạnh tay gạch xoá. Chị suy nghĩ một lúc trước cái “tít” khá hấp dẫn của Trình, rồi tặc lưỡi, thay vào một cái “tít” khác rõ quan điểm hơn: Lập "phòng nhì" dễ trở nên “bơ vơ”.
Cuối cùng tiểu phẩm của Trình thành ra như sau (bạn đọc nào không thích có thể bỏ qua):
Cô Mỹ Dung ở Tiền Giang lên TP.HCM bon chen vất vả, kiếm sống bằng đủ mọi nghề. Tuy nhiên, cô vẫn giữ được nhan sắc, còn về phẩm hạnh thì không ai rõ thế nào. Năm 2000, cô quen và yêu một người đàn ông đẹp trai, có chút địa vị trong xã hội - ông K. Khi tình cảm đã khá sâu đậm, người yêu cô mới thú nhận là đã có gia đình song không hạnh phúc. Lúc đầu, Dung đã "sốc", thậm chí định quyên sinh, sau đó khi tương đối bình tĩnh lại, cô có ý định chấm dứt. Nhưng rồi sự thành thục và sành tâm lý của người đàn ông từng trải như ông K khiến cô không dứt ra nổi, để rồi cuối cùng cô chấp nhận làm người tình của ông với hy vọng mong manh. Ông K hứa hẹn sẽ ly dị vợ “vào lúc thích hợp” để “ta đến với nhau thật trọn vẹn”. Dung chờ 3 năm cho đến khi bắt gặp người yêu đang dung dăng dung dẻ với vợ con đầy hạnh phúc, cô hiểu ra rằng lời hứa ấy là chuyện hoang đường.
Tuy nhiên, đau quá, Dung không chấp nhận thua cuộc mà chưa cho “tan nát đá vàng”, cho ông chồng hờ một bài học đích đáng. Cô "chạy" một tờ giấy khám thai rồi gửi cho bà vợ chính thức của ông K khiến bà này lên cơn đau tim đột ngột. Cô còn đến trình bày với cơ quan ông chồng hờ. được người ta kháo nhau là "đàn bà có dễ mấy tay" vì đã cho ông chồng hờ một bài học đích đáng. Ông K đã phải trả giá cho những trò đi trên dây bằng cú ngã vỡ tan danh dự bản thân và hạnh phúc gia đình.
Trường hợp như trên không phải là hiếm. Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng: nhiều người lập "phòng nhì" chỉ bởi tính "đa mang" chứ không phải không tìm thấy hạnh phúc bên vợ con. Ham những phút giây thư giãn bên người tình (quả thật, ban đầu cũng có ít nhiều màu sắc lãng mạn và thú vị), họ đã quên bẵng những hiểm nguy khó tránh.
Một khía cạnh khác là những người có “phòng nhì” không thể có đủ trách nhiệm đối với vợ con. Bi kịch xảy ra từ đó. Những vụ đánh ghen, rồi số đơn ly hôn ở tòa án ngày càng tăng.
Trong số những người đi tìm hạnh phúc bên ngoài, một số quả thực không còn thấy yêu vợ, muốn ly dị song sợ ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống con cái đã chấp nhận một giải pháp “nửa vời”. Họ vẫn duy trì cuộc sống gia đình nhưng lại đòi điều kiện là có quyền lập "phòng nhì". Cái kim trong bọc cũng có ngày phải lòi ra, hậu quả lúc ấy rất khó lường. Trường hợp của Kim Ngân (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) là một ví dụ. Gia đình Ngân trước đây là niềm mơ ước của biết bao người. Ba cô là chủ thầu xây dựng lớn ở thị xã, luôn tỏ ra quan tâm tới gia đình. Vậy mà mới đây Ngân bỏ học giữa chừng. Trước mặt bạn bè, cô tuyên bố không bao giờ gọi bậc sinh thành bằng hai tiếng “cha mẹ”(?). Lý do cô mới phát hiện ba có "phòng nhì" ở Gò Vấp (TP.HCM) từ lâu và họ đã có một con gái 5 tuổi. Cô còn hận mẹ vì biết chuyện nhưng vẫn chấp nhận với mong muốn để "con cái được an tâm học tập, vui sống". Nhưng hậu quả đã trái ngược hẳn lại. Ngân ngày càng lầm lì ít nói, đôi khi có những biểu hiện không bình thường về mặt tâm thần. Em trai của cô thì trở nên lêu lổng, không thiết tha gì học hành, tham gia đua xe...
Nên nhớ, "Phòng nhì" luôn dễ chịu, đáng yêu hơn "phòng một" bởi họ không phải chung vai góp sức cùng các ông chồng lo toan gánh nặng cuộc sống. Chỉ vui với những ảo tưởng mà quên mất mọi chuyện quan trọng thì thật tệ!
Thật là:
Răn đời thật dễ lắm thay
Vài ba con chữ làm thày thế gian