Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.058
123.234.543
 
Tìh êu
Lê Anh Hoài
Chương 12

 

Hồi thứ 47

Ngã ba đường ồn ã chuyện ba người

Bị xúc phạm gái bán hoa tác nghiệp

 

 

***

Hà nhớ một hôm Trình hỏi anh khi anh nói dài dòng về chuyện Nhã:

- Anh có bảo thẳng được với chị Nhã rằng anh chán lắm rồi, thôi đi được không?

Thế mới nan giải. Bởi Hà không chán. Anh chỉ tưởng mình đang chán.

Anh ta nhớ lại một hôm Nhã nói rằng: Em đã mơ một hôm anh tới và nói rằng: anh chọn em làm vợ! Chúng ta sẽ vứt bỏ tình trạng lơ lửng. Chúng ta sẽ sống với nhau hạnh phúc trọn đời. Việc này đã làm em sung sướng và chờ đợi, mong giấc mơ đó thành sự thật, cho dù một tuần sau thì chẳng có gì cả nhưng em vẫn thấy vui và thấy cuộc đời có ý nghĩa. Tại sao anh không thường xuyên nói những điều mà từ đó khiến em hy vọng và vui sống. Cả thiên hạ đều sống bằng hy vọng, tại sao anh không cho em sống bằng hy vọng, như thế có thể khiến quan hệ chúng ta lâu dài hơn...

Có phải nàng xác nhận rằng nàng cần những hành vi liên tục chứ không thể trông chờ vào một tình yêu lớn mà lại ít biểu hiện? Mà thế nào là tình yêu lớn, thậm chí, thế nào là tình yêu?

Thực ra đàn ông và đàn bà là 2 giống khác nhau và các khái niệm chỉ dùng mượn thế thôi chứ không hề chồng khít?

Với nàng có lẽ Hà phải đóng kịch. Mà đóng kịch là nghề của Hà. Nàng cần những ước lệ kiểu sân khấu. Nàng cần những hành vi. Hà nhớ lại trong trường sân khấu, thầy dạy lý luận phồng má giảng: Chủ nghĩa hành vi mà thực chất đỉnh cao của nó là việc ăn gì ở đâu cũng được miễn là ngon, ngủ với ai cũng được miễn là sướng, nghe lời khen nịnh từ ai cũng được miễn là vừa tai, làm gì cũng được miễn là mình được thể hiện. Bản năng này đưa người ta đến chỗ là thánh hoặc là con điếm, con điếm chính trị, con điếm trong đời thường... Hôm ấy, Hà đã đứng lên hỏi thầy: Vậy thì chúng em diễn như thế nào? Chúng em chỉ có hành vi trên sân khấu để đối diện với khán giả? Tất cả cũng chỉ là đi lại khóc cười ăn ngủ đánh đấm. Thầy hạ giọng, sửa lại kính: Chúng ta là diễn viên xã hội chủ nghĩa, chúng ta có quan điểm, chúng ta diễn có chiều sâu giai cấp, chiều sâu nhân  loại... Lúc ấy cả lớp Hà gật gù dù chẳng hiểu gì.

Hà quyết định, từ nay với Nhã, anh ta sẽ tạo ra những vai chân thành, đau khổ, sâu lắng, hân hoan, chịu đựng... thay cho việc cứ thế thể hiện các cảm xúc có thật. Cái thật trần trụi không được xã hội này chấp nhận.

 

***

Sau những phút cảm thấy mình chiến thắng Nhã, và những khoái cảm cả tinh thần lẫn thể xác, Hà lại thấy nỗi khoái cảm đó giảm sút nghiêm trọng, thay vào đó là một cảm giác day dứt chưa bao giờ có. Rồi anh ta nhớ lại nghe nàng nói rằng T. độ này hay hát cho nàng nghe, qua đó chàng gửi nỗi lòng vào những câu hát như : “và con tim đã vui trở lại” ... hay “em về tinh khôi”. Buổi tối, trước khi đi ngủ, chàng còn hát qua điện thoại, rồi “môi em đâu” - cũng qua điện thoại...

Hà bèn đi hát karaoke một mình và anh ngồi la hét ầm ĩ một lúc để giải toả. Vấn đề là sức khoẻ tâm thần lành mạnh. Anh quyết định thử hát mấy bài “và con tim đã vui trở lại” ... và “em về tinh khôi”, nhạt như nước ốc. Sau anh quyết định hát bài "Chuyện ba người" với những lời lâm li: một người đi với một người một người đi với nụ cười hắt hiu hai người vui biết bao nhiêu một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn giữa đường cơn gió lặng thinh nghe nghiêng nghiêng nặng lòng mình nao nao ba người chẳng biết làm sao... Có khá hơn một chút nhưng lại hài hài.

Trước đây, anh đã có thời gian áp dụng liệu pháp này. Đây là việc áp dụng có sáng tạo một lý thuyết đăng trên tạp chí phụ nữ nơi Trình cộng tác. Theo đó, có một liệu pháp: chúng ta vào một nơi kín đáo nào đó (như nhà tắm chẳng hạn) và cười hết cỡ, cười đến đứt hơi cũng được, các nhà trị liêụ khuyến khích việc cười tự nhiên và khuyên nên có một cái gương để kiểm soát việc cười đó, đặng có so sánh phục vụ cho quá trình trị liệu. Cái rắc rối lớn nhất của việc hát karaoke một mình là cứ phải đuổi ca-ve vì các nàng khó có thể tin rằng có người đến hát một mình và chỉ để hát.

Hà nhớ trong những chuyện Tàu ngày xưa hay có đoạn tả một nhân vật thấy một  cái gì đó hay một ai đó, ông ta (thường là một dị nhân) bèn ngửa cổ cười ba tiếng và lại khóc lên ba tiếng rồi tất nhiên là bỏ đi không ai biết đi đâu. Hà thấy mình vừa là dị nhân đó vừa là nguyên nhân để cho dị nhân nào khác nhìn vào và cười khóc như trên đã tả.

Hà chợt mong bao giờ thì sự quên lãng thực sự sẽ đến với Hà nhỉ. Khi ấy, con người ngày hôm nay của Hà và nàng đều chết.

 

***

Hà lại muốn thử - anh ta tự gán ý nghĩa hành động của mình như thế, và gọi cho Nhã. Hai người đi ăn, và sau đó lại về phòng của Hà ngủ với nhau. Trong lúc làm tình, tự nhiên Nhã rên lên: “Em thấy em luôn là vợ anh, anh anh...!” và tìm mọi cách tháo chiếc nhẫn “đính hôn” với miếng tiết luộc sâu thẳm ra (hành động này được thực hiện một cách kín đáo nhưng đủ để đối tượng biết, còn Hà thì ra vẻ không biết).

Tuy nhiên, ngay sau đó, Nhã trở lại trạng thái mà Hà định nghĩa là trơ trơ đáng ghét và cho rằng: Hiện nay em đang lưỡng lự giữa “tình yêu” và “một mái nhà” - mỗi cái là 50%!

 

***

Hà thấy mình bóp cổ Nhã một cách man rợ (lần này anh không nhớ gì đến Ô - ten - lô). Nàng há mồm ngớp không khí như cá nằm trên cạn. Dưới những ngón tay siết kỹ, từng vết tím nhạt loang dần, màu tím kỷ niệm thay cho màu hồng nồng thắm. Mãi sau Hà mới hiểu nàng định nói gì đó. Hà bỏ tay, những vết ngón tay in trên cổ nàng tím bầm. Nàng nói không ra tiếng, có thể hiểu khi nhìn vào cử động của môi nàng: Em yêu anh suốt đời!!!

Hà chớp chớp mắt, ảo ảnh biến mất. Chỉ còn Nhã ngồn ngộn nằm cạnh phủ hờ hững một lớp vải mỏng, những hình khối gợi dục thật ấn tượng nổi bật càng làm cho những chỗ khuất khúc trồi lên hõm xuống thêm mời mọc. Hà lại thấy dâng lên thèm khát trong khi anh tự khinh mình.

Rồi trong anh, một ý loé lên rằng tình dục có tác dụng làm quên lãng những điều khó chịu như anh đang phải chịu với Nhã. Dường như điều này thường được thằng em tên Trình, độ này đang say mê nghiên cứu Phật học gọi là “ngộ”. Bỗng có tiếng chuông điện thoại. Nhã vồ lấy máy. Hà nghe lờ mờ, có thể hiểu được Nhã đang nói với một người đàn ông có quan hệ thân thiết. Và rồi anh lại “ngộ” ra đó là T. Một câu chuyện hoàn toàn đứng đắn, liên quan tới việc xin học cho thằng Mít.

Hà thấy mọi thứ xẹp xuống, đầu tiên là dương cụ của anh. Anh lồm cồm bò dậy mặc quần áo. Khi kéo khoá quần, theo thói quen Hà quay mặt vào trong tường. Anh không biết Nhã đang nở một nụ cười chiến thắng.

 

 

***

- Tình yêu thì phải thế nào chứ - Nhã nói.

- Anh yêu em, sao hồi xưa em nói trong cuộc đời em chỉ cần tình yêu là đủ?!

- Em cần có một tương lai với người mình yêu.

Áp dụng phương châm "dùng thuật" mới đúc rút, Hà buông ra một câu:

- Thôi, bây giờ anh xin rút, để em khỏi bận tâm đến anh nữa, đừng lý gì đến anh cả, hãy đi làm tất cả những gì cần làm.

Nói xong, Hà kéo cửa toilet chui vào, anh khoan khoái huýt sáo theo giai điệu bài "Chuyện ba người" đúng vào đoạn có lời: "thôi ta đứng lại nhường đường em đi...".

Nhã gượng gạo, mất hẳn tự tin, cô chưa chuẩn bị để đỡ chiêu này. Còn trong toilet, Hà tươi hơn hớn, anh ta bỗng nghĩ: Hiện nay, hình như giữa ta và nàng chỉ còn một công việc, đó là tình dục, cho dù có lúc thoả mãn. Nhưng từ lúc anh nghĩ đến vấn đề "tâm" hay "thuật", chuyện này kém hẳn tính thú vị.

Sau khi chui ra khỏi toilet, Hà gặp gương mặt đầy bi ai của Hồng:

- Hèn, ngụy quân tử...

- Em bảo gì đấy?

- Anh chứ còn ai! Hèn!

- ?!?

- Thế mà lên sân khấu đóng được các vai anh hùng nghĩa sĩ, rồi chính uỷ, rồi người công nhân già tử tế khuyên giải đủ điều cơ đấy. Đúng là lươn đóng giả rồng. Đời anh mãi mãi chỉ là thằng diễn viên thôi. Chẳng bao giờ là chính mình.

- Sao... sao cô lại xúc phạm nghề nghiệp của tôi. Có chuyện gì?

- Chính con người anh chứ không phải nghề nghiệp gì. Thế mà cứ chê người này người kia nguỵ quân tử. Chính anh là nguỵ quân tử thì có.

Một ánh chớp loé lên, như sét đánh vào cột điện, khiến những dây thần kinh của Hà như dây điện nóng lên đỏ rực trước khi chảy ra như nến lỏng, Hà cười gằn:

- Mỗi khi em nghĩ về anh, em hãy cứ nghĩ như thế, và anh còn là một kẻ lợi dụng nữa, những năm qua anh đã chơi gái mà nếu gặp bọn mại dâm thì tốn khá tiền. Chơi gái nhà lành còn biết đeo nhẫn đính hôn. Hay!

Nhã phát điên thực sự, và quan hệ có lẽ đã hỏng hoàn toàn bằng cú nổ cuối cùng này. Nhã ráo hoảnh:

- Vâng, em biết. Và cả lần này em cũng lại bán dâm mà không nhận được tiền đâu! Em sẽ đi bán dâm chỗ có thể cho em cái em muốn!

 

Thật là:

Bán dâm đâu chỉ lấy tiền

Quần hồng tụt xuống võ biền thất kinh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồi thứ 48

Nữ tu sĩ mong đời thay đổi

Chuyện tình yêu bí ẩn chi thu

 

 

***

Sáng trong trẻo, thức dậy Dung bỗng nhớ da diết một ngày nào đó đã lắng nghe một bài hát của Scorpions "Im still loving you". Hồi đó, cô đã choáng ngợp khi được biết dịch nghĩa tiếng Việt của nó "Anh sẽ lấy lại thời gian, anh sẽ chiến đấu với thời gian để có lại em". Giờ đây, Dung nghĩ chẳng có một ai trên đời có thể nói với ai rằng sẽ chiến đấu với thời gian để có nhau như thế nữa.

Cùng năm ấy, một chàng trai đã tặng cô cả một bó hoa lộng lẫy và một bản chép tay lời Việt bài hát "Triệu đoá hồng" nhạc Nga, và khi đó cô hiểu đó là một lời tỏ tình thầm lặng, nhưng cô giữ thái độ nghiêm trang như một nữ tu sĩ.

Vào hồi 15 tuổi, Dung bắt đầu tìm hiểu tình yêu và mẫu người mình yêu và kết quả là cô đã yêu say đắm người đầu tiên chính là Ruồi Trâu của E.L.Voinitse, kế đó là Nguyễn Văn Trỗi trong "Sống như anh". Những trường hợp đặc biệt và kỳ dị này đã khiến cô khó lòng rung cảm trước những gì bình thường sau này.

 

***

Những ý nghĩ của Dung về/ với người tình trong mộng tưởng:

Mấy năm nữa em sẽ già và không yêu được nữa. Có một đạo đức khác bảo em rằng không thể sống mãi như những năm qua. Em đã luôn thiếu thốn và khổ sở vì không được yêu như một người bình thường.

Từ trước tới nay em đã để cuộc sống của em trôi theo những tình cảm và lý trí ngắn hạn và em nghĩ em sẽ không bao giờ đưa ra một chương trình gì dài hạn nữa. Có hai cái mà biểu hiện gần giống nhau: một là sự trơ trẽn và hai là sự thấu hiểu. Em nghĩ cuộc sống là trơ trẽn nhưng giờ đây em muốn thấu hiểu cuộc sống, để nó trả lại mình bằng sự thấu hiểu.

Anh là sự thấu hiểu mà cuộc sống cho em.

 

***

Người chồng trước đây của Dung cực kỳ thô bạo trên giường. Anh ta làm Dung tưởng đàn ông đều là những con vật móng guốc và có sừng trong chuyện này.

- Tại sao đàn ông các anh lại chỉ mỗi chăm chăm vào chuyện ấy thế nhỉ?

- Đàn ông khi yêu thì cho, cụ thể khi làm tình thì xả ra, đàn bà thì thu vào. Anh muỗn xả tất cả vào em, chẳng lẽ em không thấy thế là hạnh phúc?

Khi cuộc sống gia đình được 2 tháng, Dung đã hỏi chồng như thế, và người chồng đã trả lời với một câu đầy đủ chất khoa học nhưng không kém phần lãng mạn như thế. Dung đành phải hình dung rằng khối lượng tình yêu với mình trong anh ta quá lớn và nó được cụ thể hoá bằng lượng tinh dịch? Mãi sau, chị mới hiểu xả ra và yêu là hai chuyện hoàn toàn khác nhau nhưng có cái khó khi phân biệt với từng trường hợp.

Nhưng chị không rơi vào trạng thái thù ghét đàn ông vì chị nghĩ cuộc sống này mạnh hơn ta tưởng, với những quyền lợi khủng khiếp của người khác. Chị cũng dần hiểu không thể duy trì nổi một trạng thái mang tên tình yêu mà không đòi hỏi những điều cụ thể. Với đàn ông có thể là chuyện làm tình, còn với đàn bà đó là sự an toàn.

 

***

Khi sống với chồng, hàng ngày Dung thường tỏ ra rất bình an. Rất cần mẫn, rất chăm chỉ, rất kiên nhẫn và rất chịu đựng. Rồi một ngày, chị trở nên bất trị, khi đó chị là một người khác.

Chị nghĩ rằng điều quan trọng cuối cùng chính là mình vẫn sống trong một sự tự do nào đó mà không một ai có thể nắm giữ mình lại được, cho dù đó là ai. Vùng tự do đó, chị thấy nó nằm trọn trong đầu mình. Có lần Dung đi đến một vườn hoa trong đó có một vòng tròn bằng đá lớn, chị nhắm mắt và tưởng tượng người đàn ông của trái tim mình ở giữa vòng tròn đó và nhắm mắt đi tới…

Tại đó, những câu chuyện phát triển đến độ thực sự điên rồ. Tại đó, mọi thứ đi tới tận cùng.

 

***

Có những cơn trầm cảm khiến Dung đi đến đáy mọi chuyện với toàn những xấu xa và bi thảm nhất trong mọi sự vật, sự việc và con người. Khi đó, Dung toàn nhìn thấy niềm vui bị vứt bỏ, những hy vọng không còn nữa và sự cô đơn ở đỉnh cao nhất, không còn nơi nào bấu víu. Nhiều lần chị nghĩ tới việc chấm dứt mọi mối dây nhợ tinh thần và nghĩ tới việc chết thế nào. Ví như, khi đang đi trên vỉa hè, chị nghĩ rằng mình chỉ bước ra phía trước hai bước nữa và nhắm mắt lại giữa dòng xe cộ liên tục kia và mọi chuyện sẽ chấm dứt rất nhanh. Có lần đang phỏng vấn một người trong một căn phòng nhiều kính trên tầng cao, bỗng dưng Dung thấy mình mở cửa kính ra và nhẹ nhàng bay xuống dưới. Và rất nhiều lần khi tự làm mình đê mê, Dung muốn mình tan thành những mảnh nhỏ như bụi và bay tung theo gió. Để không phải tỉnh dậy với những bẽ bàng và nhày nhụa giữa hai chân. Sẽ đến một khi nào đó, mọi đau đớn đều chấm dứt.

Khi người ta không còn sống nữa thì mọi đau đớn đều chấm dứt.

 

Thật là:

Sống trong bốn bể lo toan

Chết đi thì tiếc hoang mang lối về

 

 

 

Hồi thứ 49

 

 

 

***

Đợt gió mùa đầu tiên về, mang theo một hơi lạnh xa ngái và dịu nhẹ. Buổi sáng còn có trận mưa rả rích nửa mưa rào nửa mưa ngâu khiến cho người ta bối rối không biết nên ăn mặc thế nào cho phù hợp. Trình thấy khoan khoái, anh thích mùa đông, dù có lúc mùa đông thể hiện một vẻ lãnh cảm tàn nhẫn xuyên thấu căn cốt cô đơn của con người.

GS Lương rủ Trình đi chơi chùa Thầy. Hai thầy trò mua vé vào cửa. GS gạt anh chàng hướng dẫn viên có bộ mặt trơn tuột và giọng nói dẻo quẹo sang một bên và dẫn Trình xăm xăm lên núi. Trên cao, gió lạnh và trong, đồng ruộng phía dưới như sa bàn với các màu xanh, nâu và vàng. GS Lương trầm ngâm:

- Với thiên nhiên, người ta mới có cơ hội trở lại với những cảm xúc thật của mình. Tôi ngán quá những kẻ tự đè nén cảm xúc của mình. Họ đã biến hoá một số cảm xúc này thành cảm xúc khác như người ta nén chặt các quả cà và biến chúng thành món cà muối.

- Thưa thầy, con nghĩ cái đó là cần thiết với trật tự xã hội. Ai cũng hành động theo cảm xúc của mình thì sẽ dẫn đến đâu?

- Á à, anh đọc quá nhiều báo và xem truyền hình nên chẳng hiểu gì cả. Mà tôi đã nói đến chuyện hành động gì đâu?! Mới chỉ nói cảm xúc thôi mà. Anh ạ, tất cả các Thiền sư đều phải bắt đầu từ thao tác đầu tiên: học cách lắng nghe chính con người mình. Tìm dò, định vị, định lượng, định tính, tôn trọng chính những thái độ tự nhiên của bản thân. Giống như một người lần đầu ăn ớt, người đó sẽ phải nếm trải ớt cay như thế nào, vị cay của nó đánh vào các bộ phận cơ thể và các gíac quan của mình ra sao, mình thấy như thế nào. Ban đầu sẽ là khó chịu quá, kinh khủng quá... và dần dần họ mới thấy những gì là ngon của món ớt. Tất cả đều là tự nhiên.

- Vâng, nhưng còn những thứ phải học? Thưa thầy.

- Tôi cả đời đi dậy người, tôi nghĩ nhiều anh ạ. Cũng sẽ có những thứ chẳng có gì là ngon lành và bổ ích cả, nhưng cả xã hội đều phải chịu, thậm chí phải học để quen. Quan trọng là mình vẫn phải xác định được nó và định được thái độ cho nó. Ta nên thử ăn chuối, nhưng khi không thích thì đừng ăn chuối chỉ vì tất cả mọi người đều ăn chuối. Ta càng không thể ăn vỏ chuối để cho mọi người vui và tự nghĩ rằng cái ta đang ăn cũng là chuối!

- Như vậy, các Thiền sư đều khác người hả thầy?

- Đúng thế, nhưng họ lại còn người hơn số đông. Anh có biết là có dòng Thiền cho phép Thiền sư yêu và làm tình không?

- ...

- Các Thiền sư, họ là những nhà hiện sinh tuyệt vời nhất, họ khuyên ta hãy sống cho từng phút giây sống tốt đẹp nhất.

- Nhưng thưa thầy, cuộc sống lại có quá nhiều những phút giây chẳng có gì là tốt đẹp. Con người luôn phải đối mặt với những nỗi đau hàng ngày mà nỗi đau lớn nhất là nhìn thấy những gì tốt và đẹp rời xa mình chẳng thể giữ lại.

- Sinh mạng anh còn không giữ lại được, những tốt và đẹp đã là gì?

Công án này, mười năm sau Trình mới giải được. Còn lúc ấy, anh ta nhìn xuống dưới, xuyên qua những đám mây mỏng, thấy một người đang dong con trâu trên cánh đồng, như một hình bằng sành để trang trí bể cá cảnh và nghĩ: lý do chính để sống trên đời là gì. Tại sao ta cứ phải cương mặt trơ trán bóng lên cho giống với đời để giành lấy vài thứ gì đó? Mà của đáng tội nó cũng rất cần cho cuộc sống bình thường này. Ta luôn phải sống cạnh những con rận trong lớp chăn có vẻ ngoài đẹp?

Trình hỏi GS Lương:

- Như vậy, phần thưởng của một kiếp sống là việc đầu thai kiếp sau phải không thầy?

- Cũng không phải, huyền thoại dân gian xuất phát từ Phật giáo có nói đến việc mỗi linh hồn trước khi đầu thai sẽ được ăn một thứ cháo gọi là cháo lú để quên hết những gì ở kiếp trước, để lọt lòng lại như mới.

- Như vậy, người ta đâu có gì để so sánh?

- Đúng thế, và điều này mới kỳ diệu bởi khi biết những kinh nghiệm đã có từ các kiếp trước thì người ta sẽ chẳng còn muốn sống nữa.

 

***

Hai thầy trò lấy đồ mang theo từ nhà ra ngồi trên tảng đá ăn. GS Lương không uống rượu, còn Trình uống khá nhiều. Khi xuống núi, đi qua đám bán hàng lưu niệm, Trình chợt nhìn thấy một pho tượng Đức Thích ca trông rất bắt mắt. Cô bé bán hàng lúng liếng mời chào:

- Anh ơi, mua đi, ông Phật này đẹp mà rẻ lắm. Anh mua về làm quà tốt lắm đấy.

Trình cầm pho tượng lên, nó nằng nặng trên tay. Đức Phật ngồi trên toà sen theo thế kiết già. Mắt Ngài nửa khép nửa hở, nửa như nhìn thẳng vào Trình, nửa như không nhìn thấy gì. Bỗng nhiên Trình thấy một luồng gió buốt dọc sống lưng, GS Lương từ đâu nắm chặt cánh tay Trình:

- Mua những đồ này làm gì anh?

- Bác ơi, mua đi, ông Phật này đẹp mà rẻ lắm. Mua về làm quà tốt lắm đấy. - cô gái bán hàng lại lúng liếng.

Gió không còn lạnh sống lưng Trình nữa, bỗng trong anh dâng lên một niềm tin vào khuôn mặt và đôi mắt lơ đãng kia, nó thấu suốt tâm can anh, nó lại có vẻ rất đời, như một người bạn. Anh quay lại, rắn rỏi nói với GS Lương:

- Con sẽ mua bức tượng này. Này, bán cho tôi cả bộ quần áo nâu kia và cả bộ chuông mõ...

GS Lương kinh ngạc nhìn Trình. Anh ta nhìn xoáy vào GS:

- Thầy sẽ hướng dẫn con niệm Phật chứ ạ?

GS Lương im lặng hồi lâu, rồi ông chậm rãi:

- Kinh Phật ư, tôi có nhiều lắm.

 

***

Thế là Trình chăm chỉ cầu Phật. Anh ta quý thái độ thẳng thắn của Phật khi Người đã nói thẳng ra cuộc đời là “bể khổ” và ta không thể bơi đi đâu mà tránh được. Và do đó, anh tin khi Đức Phật khuyên phaỉ tự an định mình trong cuộc đời này. Anh ngồi cạnh tượng Phật và trò chuyện cùng Phật và anh nghĩ ông ta hiểu anh.

Tuy vậy, đôi khi anh thoáng nghĩ những người chăm niệm Phật có phải cũng là kiểu trót uống nhiều rượu bây giờ chăm chỉ dùng nước atisô (?). Nhưng có còn hơn không. Thực lòng Trình mong được thanh thản, sáng suốt về tinh thần, mạnh khoẻ về thể xác để thực hiện những trách nhiệm của Trình trong kiếp sống này. Trình thực lòng muốn làm điều thiện, muốn xa điều ác và giả dối, thoát khỏi những vớ vẩn, những rác rưởi của cuộc sống. Dù anh không biết nên phân biệt những điều này bằng cách nào.

Rồi Trình nghĩ kiếp nạn của Trình còn lớn lắm, nghiệp chướng dày như mo nang, cũng chỉ mong ngài cho được sự thanh thản để gỡ dần. Vấn đề là đừng tạo ra những món nợ mới. Đó mới là cái khó.

Theo hướng dẫn của GS Lương, Trình cầu Phật cho những điều tốt đẹp nhất đến cho Trình và những người thân. Sức khoẻ, tâm trí bình an, công việc suôn sẻ cho mẹ cha. Với những người thân khác Trình cầu phúc cho tất cả.

Thế rồi anh ta lại nghĩ, mọi chuyện thật chán chán mà vẫn cứ phải duy trì. Dó chính là cái sự vô lý của kiếp người. Chắc rồi cũng phải có điểm cuối ở đâu đó, và đến Đức Phật thì cũng chỉ có một công việc là gắng làm sạch nợ nhân duyên.

Ngồi trước Đức Phật, dần dấn Trình thấy đỡ căng thẳng. Tất cả lùi ra xa. GS giảng cho Trình rằng Phật giúp người tu hành hưởng trọn kiếp người với tất cả những sung sướng khổ đau trong trạng thái mẫn tuệ... Nhưng Trình thì thấy Phật có thể giúp thư giãn.

 

Lời tác giả:

Đến đây hết phần truyện, tiếp theo là phần kịch. Các nhân vật của tôi tham gia đóng vở kịch này. Nếu ai không thích kịch có thể bỏ qua, ngược lại nếu ai đọc phần truyện thấy chán quá có thể đọc luôn phần kịch.

 

 

 

 

 

 

 

Tìh êu

Kịch của Lê Anh Hoài

 

 

***

Sân khấu gồm 2 phần chính:

Một bên bài trí như phòng khách của một gia đình bình thường ở thành phố, có bộ đi văng, trên bàn nước có lọ hoa cắm một bông hồng đỏ thắm, trên tường treo phiên bản vài tranh phố của Bùi Xuân Phái và bức "Thiếu nữ và hoa huệ Tây" của Tô Ngọc Vân.

Một bên bài trí như một quán cà phê, có vài bàn nhỏ. Trên tường treo một đàn ghi -  ta, vài bức ảnh bán khoả thân và lịch thơ Thiền của Nguyễn Duy.

Hai bên ngăn cách với nhau bằng mấy cái mành mành. Cả hai nằm trên một sân khấu quay cao hơn nền sân khấu. Cách thiết kế sân khấu này để có thể dùng bên này hoặc bên kia hoặc cả 2 bên. Sau đây, xin gọi tắt sân khấu bên phòng khách là "bên A", sân khấu bên quán cà phê là "bên B", nếu sử dụng cả 2 sân khấu, sẽ gọi là "cả A và B".

Xung quanh sân khấu quay được ước lệ như là đường phố. Diễn viên ra vào từ mọi hướng, kể cả từ phía khán giả.

 

Các vai:

Chồng: anh T. thủ vai.

Đông Gioăng (Don Juan), Thi sĩ, Đại bợm (do Hà, Hậu, Trình thay nhau thủ vai).

Nàng - ngây - thơ, Dâm phụ (do Trà, Thanh, L, Quy, Nhã, Dung thay nhau thủ vai).

* Việc thay diễn viên cho một vai này do đạo diễn cụ thể quyết định, không cần trao đổi với tác giả, nhưng lưu ý đừng để một diễn viên chỉ đóng một vai, theo kiểu Hậu chuyên đóng Đông Gioăng, Trình chuyên đóng thi sĩ... Cũng không nên để Dung hay L. độc chiếm vai Nàng ngây thơ hoặc cố tình cho Thanh và Nhã toàn đóng vai dâm phụ.

Ca sĩ - kẻ ăn xin (Đăng thủ vai)

Tiếng nói hậu trường và tiếng động đường phố.

Các diễn viên phải giữ được tâm thế diễn pha trộn 2 khuynh hướng chính: Nghiêm túc như phong cách Nhà hát Tuổi trẻ diễn kịch Lưu Quang Vũ và uỷ mị, chua xót theo kiểu cải lương Lan và Điệp trước 1975. Cả hai đều là cương nhưng phải giữ đúng đặc trưng của từng loại. Không thái quá. Đặc biệt không được hài, nhất là hài ứng tác kiểu Xuân Bắc, Quang tèo, Công Lý... Trang phục tuỳ chọn, nhưng phải tránh công thức. Những kiểu sau đây phải tránh: Ăn xin mặc quần áo rách rưới, Đông Gioăng diêm dúa, Thi sĩ sơ mi trắng quần sẫm màu. Dâm phụ mặc hở hang...

 

Màn mở.

Lớp 1

 

Đông Gioăng vào sân khấu phía B:

- Tất cả những trò chơi tình yêu này rồi đi đến đâu, có thể nói rằng chúng chẳng đi đến đâu cả mà chúng chỉ để làm cuộc sống sôi động lên, có ý nghĩa hơn. Chúng giống như trò thư giãn khi người ta quá mệt, và chúng còn giống như mảng cỏ xanh nhỏ tý trên sa mạc. Người đi trên sa mạc nhìn nó, nghĩ về nó, ngồi trên đó một lát nhưng rồi do số kiếp của mình lại phải đi tiếp trên sa mạc nóng bỏng...

Thêm Ăn xin (hát):

- Em có thấy hoa kia mới nở/ trong giây phút nhưng đẹp tuyệt vời/như hạnh phúc thoáng qua mất rồi/...

Thêm Thi sĩ: (nói với Ăn xin)

- Thằng điên này! (nói với Đông Gioăng) Sẽ xa cách và khắc khoải thế mãi thôi.

Đông Gioăng:

- Nhưng có lẽ vẫn còn hơn gần nhau để rồi đòi nợ nhau đến cạn kiệt phát chán.

Thi sĩ:

- Cần phải dấn mình trong nỗi đau ta mới hiểu được cuộc đời này. Tôi yêu sự cô đơn, tôi yêu tình trắc trở...

Ăn xin:

- Quý vị có thể quan tâm đến kẻ hèn này... (hát) Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn...

Thi sĩ:

- Thằng điên này!

Đông Gioăng:

- Sự đơn điệu và cứng nhắc sẽ khiến chúng ta trở thành những thành viên của một tổ chức hơn là những người yêu nhau.

Nàng - ngây - thơ: (ra phía bên kia, tức phía sân khấu A) trong lúc này phía bên kia đèn tối đi, Dâm phụ xuất hiện, tiếp xúc với từng người trong im lặng.

Nàng - ngây - thơ:

- Ôi, không gian mênh mông. ánh nắng phiêu diêu. Em mơ mình đang bay, đang bay... Em mơ được hy sinh cho một lý tưởng lớn quá... Nhưng cuộc sống này thật tầm thường. Làm sao em thoát ra...

Thêm Chồng: Anh có việc phải đi đây. Công việc! ôi công việc, các thứ hợp đồng chó chết! (ra vội vã)

Nàng - ngây - thơ: vâng (tự sự) Công việc, anh ấy vất vả quá. Nhưng nó là cái gì? cần gì đâu, mình đã nhiều lần nói. Ôi trời xanh mênh mông (làm động tác hình thể như múa nhưng không khoa trương)

Dâm phụ sang phía bên sân khấu A: (nói với Nàng - ngây - thơ)

- Đừng vin vào ngôn ngữ, chẳng giải quyết được việc gì.

Nàng - ngây - thơ:

- Khởi đầu là lời! Em đọc ở trên báo nói thế!

Dâm phụ:

- Xì, lời cũng có tác động, nhưng vấn đề là cơ thể của em hoạt động thế nào. Có những cái em có dùng lời bảo được chúng đâu...

Nàng - ngây - thơ (Tự sự):

- Ôi, hy sinh. Ta chỉ khát khao sự hy sinh! Giá như có ai đóng ta lên một cái cọc. Giá như có ai kết án ta nhỉ? Ta muốn đem thân mình ra thiêu đốt cho tất cả mọi người.

Đèn mờ dần, phía bên kia, Đông Gioăng và Thi sĩ vung chân tay cãi nhau nhưng không có tiếng. Dâm phụ rút ra trong tiếng cười dài, khanh khách, có sắc thái man dại.

 

Lớp 2

Diễn ra ở phần đường phố. Tiếng động đường phố lúc xa lúc gần.

Thi sĩ:

- Chỉ có tình yêu mới có thể tồn tại qua thời gian bởi thuộc tính bay bổng bất chấp hiện tại của nó, trong thời gian đó nó thăng hoa. Thăng hoa. Thăng hoa. Thăng hoa.

Đại bợm ra:

- Pháo hoa á. Ngày thánh lễ Valentine này bắn pháo hoa ở 16 thành phố đấy, riêng Hà Nội 6 điểm.

Thi sĩ:

- Tuyệt. Thế mới là đúng. Xã hội tôn vinh tình yêu mới là xã hội văn minh.

Đại bợm (nói một mình):

- Không hiểu thằng này nhiều tiền không, ta cho nó một mẻ! (với thi sĩ) Này, ông bạn vàng. Tôi rất quý những người trân trọng tình cảm như ông. Tôi đang cô đơn. Ta đi uống rượu đi.

Thi sĩ:

- Tôi kính trọng sự cô đơn. Tôi luôn cô đơn. Nhưng chỉ phiền một điều, nếu ta ngồi với nhau thì sự cô đơn lại bay mất.

Đại bợm (nói một mình):

- Mình phải nhớ kiểu lập luận này mới được. Nó sẽ rất có ích cho ta về sau (với thi sĩ, ngâm nga) Ta cô đơn giữa chợ/ Ta cô đơn giữa ngã tư / Ta cô đơn giữa học đường/ Ta cô đơn mọi chỗ/ Không ngoại trừ nhà vệ sinh ga. (trở lại giọng bình thường) Có phải cứ có người bên cạnh là ta hết cô đơn đâu?

Thi sĩ (quay đi, nói một mình):

- Sao lại thấy núi Thái Sơn ở đây nhỉ (quay lại, dáng điệu như Nhan Hồi lần đầu gặp Khổng Tử, giọng tuồng) Đại huynh ơi, không ngờ hôm nay ta mới gặp người tri kỷ. Đi, ta đi.

Hai người kéo nhau đi.

Chương : 1    2    3    9    12   14   
Lê Anh Hoài
Số lần đọc: 1769
Ngày đăng: 25.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Cùng một tác giả
Tìh êu (truyện dài)
(thơ)
Lời (thơ)
Thẩm tranh (tuyển truyện)
Khóc (thơ)
Bộ râu (tuyển truyện)
Viên đạn lạc (truyện ngắn)
Lưỡng lự * (truyện ngắn)
Lãnh đạo cười (truyện ngắn)
Tìh êu (kịch)