Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.064
123.234.265
 
Ðồng quê phỏng sự
Phi Vân
Chương 3

Nhưng mặc, các cô vừa chửi rủa rùm trời, vừa mò mò quyết tìm cho được giày guốc mới nghe.

Mưa lớn quá. Lũ con nít bu lại hai bên giành, đeo như ong.

Ông Chánh bái không cầm chầu được nữa; ông đã lạc đâu trong đám người hổn độn.

 

Trên rạp, Ðổng Trác (ông sáu Lý) đang giựt cây phương thiên hoạ kích đuổi theo phóng Lữ Bố, bỗng nhiên đứng dừng lại kêu to:

- Con nít xuống bớt! coi chừng sập giàn!

Nhưng mặc ông kêu mặc ông, con nít vẫn ùa nhau chen lấn và chỉ trong chốc lát tiếng cây gãy răng rắc, dây buộc nghiến cò ke, giàn hát đang rung rinh, bỗng nhiên “vươn mình” như một kẻ liệt gân rồi “sụn” xuống….

 

Ông tướng “thầy ba”

 

Hai người dọn đồ xuống đò hôm ấy chính là tôi và thằng Năm. Biết lắm ! nghề gì thuộc về “tà đạo” thì sớm muốn cũng bị tổ trác ! Tôi thường bảo thằng Năm như thế, nhưng chứng nào tật ấy, nó có nghe cho đâu.

 

Kiếm ăn được một mẻ “Châu Xương”, nó bắt bén trổ nghề. Ban đầu trị bịnh con nít, mắc con “sát”, con “trùng” gì ấy, lần lần nó bắt qua chữa bịnh người lớn. Ai đau gì nó cũng trị được, ai mắc gì nó cũng chữa được. Ðó mới là cái… biệt tài.

 

Mỗi lần thằng Năm xách “ông tướng Thầy Ba” đi đâu, tôi cũng căn dặn kỹ:

- Mầy… cho khéo… coi chừng…!

Nó liền trả lời gọn:

- Bảnh mà !

Tôi có thế nói cách kiếm ăn của chúng tôi lúc đó cũng hơi bất lương, nhưng lỡ nghèo sanh kế biết sao bây giờ !

Mà cũng may, cái thằng vậy mà “bà cậu độ”, được thiên hạ hoan nghinh.

Lần nào về thuật lại cái may, nó cũng cầm “ông tướng Thầy Ba” vuốt ve rồi hỉnh mặt:

- Ổng linh lắm mầy à!

Lời nói nầy kết quả ngay ở nhà ông Phối sư Cụt!

Hôm ấy, nó rủ tôi cùng đi. Nó bảo:

- Con nhỏ đau đó bảnh lắm, mầy đi với tao lấy hên, biết đâu khi tao thổi phép cho nó mạnh, ông Phối sư không cám cảnh gả quách nó cho mầy… hay cho tao ?

- Tao mà làm cái mớ mốc gì mậy. Mầy có công thì mầy hưởng chớ !

- Ậy, đi, tao làm cho coi mà !

Thằng nó biết giàn trận coi cũng khá khiển, phải tay thầy bùa.

Con gái ông Phối sư đau nằm trong buồng, nói xin giàn trận ngay trong buồng:

- Bịnh tà thì phải biết, đem đi đâu được ! Nó bảo như thế.

Mà thật, cô ấy tối ngày cứ ợ ngáp, lên lên, xuống xuống. Ðang nằm yên, bỗng la rầm lên một chặp rồi nằm xuống. Có khi cô nhảy xuống đất đánh võ tơi bời, xé rách ten cả quần áo rồi ôm cột giường mà khóc!

Thằng Năm bảo đó là một con “tinh” dữ, ở “miền dưới” muốn bắt cô ta theo nên hành hạ cô dữ quá !

Nó đánh phách với ông Phối sư:

- Phi tôi, đó thằng cha thầy nào trị nổi !

Nó đòi giấy vàng, sont àu, bút lông để hoạ phù trấn bốn góc buồng.

Sau khi giắt lá bùa trên lưng tôi và lưng ông Phối sư cho trấn thủ ngoài cửa buồng, nó nai nịt gọn ghẻ, một tay xách cây dao “đan tô” với cái hủ không, thứ hủ đựng cải tăn-xại, một tay cầm ông tướng Thầy Ba, nhảy xổ vào bắt tà.

Vừa kéo cửa phòng cái rột, nó đóng kín mít lại liền, không cho con tinh có ngã mà thoát ra.

 

Trong buồng, thằng Năm đã bật lên một câu thần chú:

- Án thiên la địa võng, án đông binh, tây định, nam, bắc, trung ương định!….

Ðó là nó hét lên để thị oai, rồi dịu giọng. Mà chính cái lúc nó dịu giọng mới là lúc người ta ghê mình:

- Hiu hiu gió thổi lộng đàn tiên, ngày hôm nay sư tướng đến đây, trên thánh tổ quang minh chứng giám, bủa địa võng bốn phương vững chặt, bố thiên la ba cõi trùng trùng, các hồn nào quấy nhiễu mông lung, phá dương thế bắt về lập tức….

- Ớ là hỡi âm binh ơi!…

Tôi đứng ngoài nghe lạnh xương sống, mà dòm ông Phối sư cùng người nhà mặt mày ai nấy cũng tái xanh.

- Ớ là hỡi âm binh ơi!….

Ai có ở vào đêm thanh vắng, tin tưởng chỗ mình ở có con “tà” đang lộng, nghe đến đây mới biết cái “ghê mình” ra làm sao!

Cốt ý thằng Năm là bắt cho được con “tinh” nhốt vô hũ “tăn-xại” rồi dán bùa lại, tống đi. Nó đã bảo trước với ông Phối sư:

- Ðể tôi bắt được rồi, ông coi, nó kêu rên trong hũ, xin tha thứ đủ điều!…

Ðến đây tôi mới hiểu được tại sao trước ngày đó thằng Năm rủ tôi đi kiếm bắt con “ong bầu” gần ứ hơi.

 

Nhưng tiếng thằng Năm bỗng im bặt, thay vào tiếng giậm chân rầm rầm dưới đất và tiếng thổi phèo phèo.

Có lẽ là lúc anh ta trợn mắt phùng mang thị uy với con “tinh” đặng “xáp lá cà” với nó.

 

Tôi đứng ngoài hồi hộp lạ lùng.

Ông Phối sư chấp tay vái nho nhỏ:

- Nhờ Ðức Thầy, Trời Phật chứng minh phò hộ cho con tôi thoát nạn.

Bỗng nhiên, trong buồng, con gái ông Phối sư la lên bài hãi:

- Ái ái, thằng cha thầy chó nầy, sao mầy dám ôm tao? Buông ra không ?… Buông !… Guốc nè!…

Rồi… bốp… bốp… tiếng guốc tiếp theo, và sau cùng là tiếng thằng Năm:

- Chết tôi rồi trời ơi!…

Tôi cùng ông Phối sư tông cửa chạy vào. Cô gái đang đứng chống nạnh cạnh giường thở hào hển, còn thằng Năm thì ôm đầu ngồi dưới đất rên hì hì:

- Ui cha! Con “tinh” dữ quá !

 

Ðêm sau, chúng tôi dọn đồ, len lén ra đi.

Thằng Năm xách chiếu đem trải trước mũi ghe, nằm buồn dàu dàu, thỉnh thoảng thò tay khoát nước, nhìn hai bên ven bờ rạch Ruộng, rạch Ráng, rạch Cui….

 

Cứ mỗi vàm kinh thoáng qua là tôi thấy thời oanh liệt của thằng Năm không còn, mà tôi cũng chưa biết làm nghề gì ăn đây nữa.

Tôi lắc đầu nhắc lại:

- Liệng hắt ông Thầy Ba của mầy cho rồI ! Ðã bảo coi chừng tổ trác mà mầy cứ dể người, bây giờ có phải co tay nhịn đói không ?

- Mấy cứ bấy nhiêu đó nói mãi, hèn gì không làm nên được danh sự gì ! Ván bài hễ không chín thì bù, đánh “mẹ” nó một tụ, cho nó ra sao thì ra !

Ở đời không làm được Phật, thì làm ăn cướp chớ có gì mà lo mầy!…

 

Ðạo

 

Mấy con vạc ăn đêm đã bắt đầu bay đi kêu oang oác ngoài trời, và bầy muỗi đã vỡ lên như ong, mà ông chủ Thìn vẫn chưa thấy lại.

Ngóng mãi không được, Giáo Xệ nóng lòng mời khách:

- Thôi, quý ngài cứ việc dùng, ổng lại sau ngồi sau, hơi nào mà đợi nữa.

- Hay ổng quên? Phó xã Việt lên tiếng.

- Dễ quên không, tôi sai trẻ đến nhà mời hai ba lượt, ổng bảo về, rồi ổng lại kia mà !

- Ổng là người trưởng thượng, mình ăn trước có khi hỗn !

- Không hạI ! Tại ổng trễ chớ có phải tại mình sớm đâu !

Thế rồi họ cầm ly.

Nhắp đâu được vài miếng, bỗng dưng Ðình Uýnh kêu lên:

- Kìa ông Chủ lại kìa !… mà miệng còn nhai dở miếng chả giò to tướng.

Ông Chủ lại thật.

Tay cắp cây dù cán tre, tay xách bầu rượu với đôi guốc, ông xăm xúi đi vào.

Con chó vàng nhảy chồm lên chực sửa, nhưng rồi lui lại gầm gừ.

Giáo Xệ sợ mích lòng, khúm núm:

- Bẩm Chủ, chúng tôi đợi mãi không thấy chủ lại, sợ Chủ có việc nhà, nên chúng tôi vô phép nhập tiệc trước.

- Ậy ! hề hấn gì đâu, hễ “ tiền đáo tiền toạ, hậu đáo hậu toạ ”, thảo với nhau đủ rồi. Bị đợi thằng nhỏ nhà đi lấy bầu rượu “ đám đế ” nầy đây nên mới trễ dữ vậy. Ðây, các ông “nhấm” thử mỗi người một ly coi, cái nước nhứt nó ngon kỳ ngon cục !

Ông rót một ly đầy rồi chễm chệ ngồi xuống ghế đầu bàn.

Giáo Xệ chạy lăng xăng, bưng ly rượu chát lễ phép:

- Mời Chủ tráng miệng bằng thứ nầy ! Thỉnh thoảng lại giục: “ Mời Chủ !”.

 

Nhậm lể xong, ông Chủ gật gù, miệng chấp chấp, tay vuốt mấy cộng râu mép còn đọng vài giọt rượu lấp lánh dưới ánh sáng của ngọn đèn toạ đăng.

Ðình Uýnh vừa nheo mắt vừa ngoạm thêm cái đùi gà xé phay; pháp sư Nẫm ngó chăm chăm chai rượu đế, lắng tai chờ ông Chủ nói chuyện.

Nhưng ông Chủ dường như quên khách vì ông đang bận “ngậm” cái cu-lẳng để nút cho hết nước cốt.

Bổng dưng ông dừng ngay lại, nhìn về cuối bàn:

- Úy chà ! Bữa nay có thằng Phó xã nữa chớ. Thằng siêng quá, mầy ở trên Ðồng Cộ hay giỗ hồi nào mà xuống đây mậy ?

Phó xã vui miệng :

- Bẩm Chủ, tôi theo màng-màng mở trôi trong rạch mà tìm tớI !

- Vậy mà nãy giờ mầy nín khe; tao nghe tiếng đồn mầy nói chuyện “nghĩa lý” khá lắm mà ! Lên đây Phó xã, lên đây ngồi chung với tao. Tục ngữ người ta nói: “ Hễ rượu vào thì lời ra ”, nín khe đâu có được mậy ! Tao rất ghét người nào ở theo sách, bắt chước nào là “ tửu trung bất ngữ chơn quân tử, tài thượng phân minh đại trượng phu ” gì đó !

Cái giọng ông Chủ đã “giàu” thêm lên bằng tiếng ngừ nghè và câu chữ được ông kéo dài thậm thượt.

Phó xã việt khép nép kéo ghế lên ngồi:

- Bẩm Chủ, thiệt tình là tôi không dám, vì trong anh em đây, có chủ là người trên trước, tôi phải kinh nhường. Bởi trong câu chuyện có tôi phải kính nhường. Bởi trong câu chuyện có nhiều nguồn chân lý, mà chân lý là lẽ phải, không tư vị ai được, tôi nói, e có điều gì không tốt. Vả, người ta thường bảo “trung ngôn nghịch nhĩ”, mà tôi thì tôi vị chân lý chớ không vị quyền hành thế lực lớn nhỏ gì ráo, sợ trong khi biện bác, có điều gì xúc phạm đến Chủ chăng, nên tôi xin “thủ khẩu như bình” mà nghe Chủ!

- Thằng Phó xã mầy lầm rồi, mầy há chẳng biết hồi tao còn “ đương vị hành chánh ” mà còn không bao giờ “ ỷ chúng hiếp cô ” hay sao ? Huống chi ngày nay đã “cáo lão hồi gia” rồi, tao càng trọng lẽ phải hơn nữa. Mà hễ vào đám tiệc rồi, ai cũng có tự do đàm luận, làm người quân tử không câu nệ gì ráo. Mầy không nghe “ Quân tử bất oán thiên hề bất vưu nhân” à ?

- Bẩm Chủ, hễ “nhứt ngôn thuyết quá” thì “tứ mã nan truy”, tuy nói vậy mặc dầu chớ tôi có điều ái ngại. Trong lúc đàm luận, Chủ là bề trên, tôi là bề dưới, tài học tôi kém cỏi không nói gì, sợ rồi khi lý lẽ tôi hơn thì khó coi quá !

- Quyền chức lớn nhỏ không kể, người ta chỉ kể tài đức. “Dũng bất quá thiên, cường bất quá lý”, Phó xã mầy đừng lo, tao biết điều lắm….

Ông Chủ kết thúc mỗi câu bằng một “nhấm” rượu và một cái cười… gay gắt, nó tăng vẻ gay gắt của một cái mặt nhiều nét nhăn mà phút chốc đã… hồng hào !

- Vậy thôi cũng được, nể lòng Chủ cho phép tôi xin vâng lời. Vậy chủ hãy cạn ly rồi Chủ ra đề tôi mới dám nói, chớ lạm xạm đã không ra gì, mà có khi mấy ông đây còn cho tôi… say là khác !

Pháp sư Nẫm nãy giờ ngồi nghe khoái chí, ực một hơi ba ly rượu đế, chấp chấp ngon lành rồi cầm rót thêm ly mình và ly khách.

Ðình Uýnh cứ ngồi gắp mãi dĩa thịt rừng nhâm nhi, tự do như ở nhà mình.

Ông Chủ Thìn uống cạn ly, mỉm cười:

- Hay! Hay! Thằng Phó xã coi vậy mà ăn nói lưu loát quá. Thôi, đề đạt gì cho mất công, chúng ta là nhân loại, lấy “đạo” làm đầu, thằng Phó xã mầy “ngôn ngữ như lưu” chắt nghĩa thử chữ Ðạo nghe chơi !

- Bẩm Chủ, bề nào tôi cũng là kẻ hậu sinh vậy xin nhường chủ giảng trước cho nghe, rồi tôi sẽ tuỳ theo mà phụ hoạ !

Uống cạn ly nữa, ông Chủ khề khà:

- Thôi… cũng được!… Về chữ Ðạo thật là khó giải. Phần thì chữ nho mắt mỏ, tuỳ theo sở học của người cao thấp, khó mà nói cho rành, phải không a… mậy Ðình ?

Ðình Uýnh đang mê ăn, giật mình ngước mặt toan trả lời, thì ông Chủ đã tiếp :

- Nhưng vậy, có lần tao nghe sư Muôn giải nó như vầy: “ âm dương hiệp nhứt, tự mình tẩu ”, nghĩa là: chữ Ðạo có hai chấm phết trên là âm dương, gạch ngang là hiệp nhứt, dưới có chữ tự là tự mình, bên là chữ chỉ phảy ngang sư Muôn do cái phết dài gọi rằng: “tẩu…” Tẩu của ổng có nghĩa là tự mình chạy chọt tìm Ðạo mới có Ðạo ! Tôi cho rằng giải chữ cũng có một cái điềm, chớ không, sao sư Muôn bây giờ phải tẩu ngược… tẩu xuôi… đúng không mậy Phó xã ?

Nhưng tao thì khác, tao cho rằng “Âm dương hiệp nhứt tại mục”. Phết xuôi và chữ mục dưới, không phải tại mục là gì ? Mình là con người, có cặp mắt, có tinh thần tỏ rõ để dòm ngó, để phân biệt chân lý, thế là biết Ðạo rồi chớ gì…!

 

Cho rằng giải được như thế là cao kỳ, ông Chủ cười chúm chím, rót uống một hơi ba ly để thưởng… mình !

 

Bên kia đối diện, củng không kém, các ông khách ngồi mê mang, cứ mỗi cái gật đầu của Pháp sư Nẫm là mỗi lần bầu rượu vơi đi một ít, và mỗi cái gắp của Ðình Uýnh là liền theo một tiếng “trót” ngon lành.

Riêng ông Giáo Xệ chủ nhà, đã yếu rượu mà rán theo cho kịp mấy ông khách gần hụt hơi.

Bỗng Phó xã Việt cười khè:

- Xin lỗi Chủ, sư Muôn giải chữ Ðạo trật lất, còn Chủ chiết tự ra càng… sái nát hơn nữa !

Ông Chủ giật mình, mặt đỏ gay gần như tái lại. Ông trợn mắt:

- Thằng Phó xã mầy nói sao ? Tao giải trật à ? Tao mà trật ? Ừ, chữ nghĩa mầy già hơn, giảng thế nào cho trúng nghe thử !

- Bẩm Chủ, tự nhiên chê được là giải được. Chủ đừng quá nóng. Tôi đã nói “nghĩa lý không tư vị” kia mà ! Ðây, về chữ Ðạo, thì tôi tự thích ra như vầy:

Hai chấm phết là âm dương, gạch ngang là hiệp nhất, dưới chữ tự, bên chữ chi phảy, là “Tự mình chi đó” !

 

Tự mình thông tri âm dương, biết phân phải trái, biết lẽ chánh tà, mới phải Ðạo hoàn toàn chớ ! Ấy là tôi chỉ chiết tự sơ sơ như thế, chớ nếu phải giải cho rành thì phải chắt nghĩa tại sao chữ Ðạo có liên tiếp đến mười hai nét, mười hai hội của khí vận tuẩn hườn, từ “tý, cửu” chí ư “tuất hợi”…

 

Phó xả Việt như hừng chí, hăng tiết cắm đầu nói, nói mãi quên dòm sau trước, chừng trực nhìn lại mấy ông khách và chủ nhà, anh ta trợn tròng, dứt ngay: Kẻ gục qua, người gục lại, riêng Ðình Uýnh đã ngoẻo đầu ngáy khò khò…

Ðêm đã về khuya. Người nhà đều ngủ mất, xa xa có tiếng chó sủa ở đầu làng.

Ông Chủ đang ngửa mình sau thành ghế ụa ra một tiếng rất lớn, rồi chúi nhủi xuống bàn cố gượng:

- Ðạo ! hay… hay…! Bọt phe thằng Phó xã ! Bọt phe thằng Phó xã !…

 

Quỷ Vương

 

Làng Thới Bình nép mình trong chòm dừa xanh rậm. Vài xóm nhà lá leo heo ở dọc theo bờ kinh nhỏ, yên tĩnh với tháng ngày.

Cứ mỗi buổi sáng là đàn ông, đàn bà lẫn cả con nít vác cuốc ra đồng, quanh năm làm bạn với mấy mẫu ruộng nhà, vài công rẫy khóm[3].

Ở đầu kinh thông ra dòng sông Trẹm, một cái chợ nho nhỏ nổi lên. Hai bên, hai dãy phố ngói dứng sùm sụp chịu đựng với nắng mưa gần như xiêu vẹo.

Ðấy là nơi chứa đựng một phần dân chúng trong buổi sáng, đấy là nơi người ta tìm những thức ăn, vật dùng.

Cứ độ hai ngày, con tàu Rạch Giá ghé ngang đem lại nhiều hàng hoá ở thị thành.

Mỗi lần tàu xúp lê đàng xa, là thiên hạ nhao nhao ra đón, chen lấn ồn ào. Rồi mỗi khi tàu đi, chợ tan, làng Thới Bình yên tĩnh lại.

Dòng sông Trẹm lững lờ trôi ngang và ban chiều, trong chòm dừa xanh ấy, mấy làn khói trắng bốc lên…

 

Người đàn bà xong việc bếp núc, ẵm con ra đợi chồng về, lâu lâu đuổi bầy gà đang bươi trên giồng rau cải.

 

Nhưng hôm nay, hai bên bờ kinh nhộn nhip khác thường.

Trước mỗi nhà, người ta đứng quanh nhau bàn tán, mặt đầy vẻ lo âu: Quỷ vương !

Chỉ một tiếng ghê gớm ấy cũng đủ làm cho mọi người sợ hãi.

- Quỷ vương sẽ hiện lên và đi ngang con kinh này !

Bác tư Bốn chạy dài theo xóm dặn:

- Coi chừng ! Ðừng cho con nít ra bờ kinh.

Người ta cố dấu nét lo trên mặt, cố trấn tỉnh bảo nhau:

- Quỷ vương thì Quỷ vương, sợ gì ?

Nhưng họ vẫn thì thầm: “ Trời ơi ! Rủi nó ghé lại làng mình...?”

Phút hồi hộp đã đến. Họ nín hẳn. Vì đàng xa, giữa con kinh, Quỷ vương đã đến trên chiếc ghe lườn không mui.

 

Quỷ vương gồm có năm “ông”, ở trần trùi trụi.

Giữa trời nắng như đốt, họ bình tĩnh vui đùa như chẳng quan tâm đến thiên hạ đang lấp ló trên bờ. Chốc chốc, mấy “ổng”, lại thi nhau nhảy đùng xuống nước, rồi lại leo lên ghe.

Ban đầu người ta tưởng Quỷ vương phải là ghê gớm đến bực nào, nên họ nhút nhát nhốt kính đàn bà, con nít trong nhà. Nhưng chỉ chốc lát, nỗi lo sợ tan mất, con nít chạy ùa được ra ngoài bờ sông, vỗ tay reo ầm ĩ. Có đứa dám đưa tay ngoắt:

- Ê ! Quỷ Vương !

Bác tư Bốn tức giận hơn ai hết. Bác chạy đầu này đầu kia, chở hào hển phân trần:

- Khốn nạn quá! Có thằng Chột con ông Bính và con Út con chú Phó Cao trong đám ấy nữa.

Rồi ông hăm:

- Phải có súng, tôi bắn đứa một phát cho lìa đờI !

Quỷ Vương ghé lại chợ Thới Bình với những gương mặt đầy kiêu hãnh.

Chợ Thới Bình không còn vắng lặng như xưa.

 

Người ta lấy làm lạ sao thằng Chột con ông Bính lại đổi tên là Hoàng Hoa, lần lần thằng Phinh cháu ông Phó Tám đổi là Tuấn Nghĩa, thằng Tích em Tuần Danh là Vân Mộng, cho đến con Ðẹt con gái chú Phồi cũng xưng là Thuý Liễu và con Út con ông Phó Cao là Kiều Nga.

Chúng thường đi cặp từng năm lũ ba thả rều quanh chợ bất cứ đêm ngày, và hễ gặp nhau là cúi đầu rất sâu, chìa tay ra siết chặt:

- Vân Mộng xin kính chào Kiều Nga !

Hay:

- Thúy Liễu nầy đa tạ huynh ông Tuấn Nghĩa !

Rồi họ cùng nhau bàn tán vang trời những tiếng Văn minh, Hủ Lậu, Nữ quyền, Giác Ngộ, v.v…

Cứ mỗi lần như thế, là người hai bên phố kêu nhau ra chỉ, trề môi, lắc đầu.

Bác tư Bốn càng giận thêm. mấy hôm rồi bác ăn không ngon, ngũ không yên. Mỗi khi nghe ai thuật những cái lố lăng của tụi ấy, bác trợn mắt lên, cung tay đập xuống bàn thình thình:

- Tức lắm! Tức lắm!

Bác hội một vài bực tai mắt trong làng lại, tìm cách bài trừ:

- Tôi nhất định không để bọn nó làm lộng trong chợ Thới Bình !

Sáu Mạnh, người lối xóm bảo:

- Tôi thường thấy chúng nó tụ hội ngoài đầu cầu để uống rượu và hát xướng !

Một người khác:

- Uý mẹ ơi ! Con gái đâu mà làm chuyện nhục nhã như thế được! Tôi thấy con Út cặp tay chúng đi nghều nghều và có rủ tụi nói đi về nhà nữa !

Tội nghiệp chú Phó Cao vô phước, mắc ở trong rẫy, đâu có hay con gái chú tác tệ như vậy !

Bác tư Bốn quyết định:

- Tôi phải lội vô rẫy kêu chú Phó Cao về, lừa khi lũ nó nhóm họp tại nhà chú, tôi giúp sức với chú hạ lũ nó cho kỳ được mới nghe!…

 

Thế rồi một buổi chiều. Làng Thới Bình chìm đắm trong bóng hoàng hôn. Dòng sông Trẹm chỉ còn văng vẳng tiếng hò của một vài khách thương hồ.

Trên bờ kinh, ba bóng người đang rảo bước về phía nhà chú Phó Cao.

Chú Phó Cao – Vì chính chú - nghiến răng tức tối:

- Tôi không hiểu con Út làm gì mà quen với bọn nó ?

Bác Tư Bốn châm dầu:

- Làng Thới Bình mang tiếng là khởi mầm làm tồi phong bại tục đi rồI ! Trời ơi, mỗi lần tôi thấy con Ðẹt hay con Út nó bắt tay thằng đầu đảng Minh Tâm hay Minh Tánh gì đó, tôi gần như sôi gan lên !

Sáu Mạnh thêm:

- Mà cũng độc, con trai, con gái làng nầy tưởng như thế là “văn minh” nên mê như chết !

Một người một câu cũng đủ làm chú Phó Cao cháy ruột:

Tôi ghé nhà Thủ bổn Tịnh mượn ba cây chổi chà, hai ông giùm phụ lực với tôi quét sạch chòm ong lũ kiến này đi.

 

Trời đã tối mờ.

Con chó vàng nằm trước sân nhà chú Phó Cao chực sủa, nhưng chú đã chắt lưỡi nhè nhẹ, vỗ đầu nó, vuốt ve nó cho nó không lên tiếng rồi kéo sáu Mạnh, tư Bốn vào hàng ba.

Chú rón rén lại dòm kẹt cửa.

Con gái chú đang ngồi chung với ba bốn đứa con trai, lạ có, quen có, mạnh dạn bưng ly rượu hô hào:

- Mời các đại huynh hãy uống hết ly rượu này, để chứng kiến lời tuyên thệ của tôi. Tôi hứa sẽ làm sao đánh thức các hàng nữ lưu ở làng nầy rỉnh dậy, để được tiến theo kịp làn sóng văn minh các đại huynh nghĩ như thế nào ?

Một thằng con trai lạ, ngồi đầu bàn đứng dậy:

- Vạn tuế bạn Kiều Nga! Bạn nói rất đúng. Phải xua đuổi cái hủ lậu đi, phải đưa trình độ chúng lên cao. Phải cổi dây xích của gia đình đang trói chặt họ, phải vứt đi không chút gì mến tiếc!

Một tràng pháo tay nổi lên.

Máu giận chú Phó Cao tràn lên óc, không còn sức lức đứng nghe nữa, chú tông cửa kéo tư Bốn, sau Mạnh xông vào, quơ chổi vừa đập bừa vừa hét:

- Ðây ! Văn minh đây ! Hủ lậu đây !….

Thấy mặt chú Phó Cao, tất cả hoảng hốt, chưa kịp đứng dậy, đã bị một trận đòn chổi như bão táp.

Chúng xôn xao, té lăn ra, bòn càn, mạnh ai nấy kiếm đường tẩu thoát.

Bác tư Bốn quơ chổi lia lịa, la rầm lên:

- Bớ làng xóm, bớ người ta, tiếp bắt Quỷ vương !

Bao nhiêu chó trong làng hè nhau ra sủa làm huyên náo một góc trời.

Ðàng xa, tiếng mõ nổi lên vang lừng… Những ngọn đuốc sáng loà trong đêm tối, như sao băng, chạy dồn về tiếng kêu cứu.

Minh Tâm thoát được ra ngoài, hồn phi phách tán, lăn xả theo Vân  Mộng kêu khe khẽ:

- Vân huynh, Vân huynh ! Ðợi đệ theo vớI  !…

Làng Thới Bình từ hôm ấy yên tĩnh lại trong chòm dừa. Những làn khói trắng trong mấy mái nhà lá nhẹ nhàng bốc lên buổi ban chiều.

Dòng sông Trẹm lững lờ trôi vắng lặng.

 

Tiếng hò trong đêm vắng

 

Thầy ơi thầy, dậy mà nghe con nhỏ nó hò!

Tôi giật mình giụi mắt hỏi anh chèo: “Tới đâu rồi anh ?”

- Dạ, vừa qua khỏi vàm Rạch Bần !

Tôi chồm ra ngoài nhìn cảnh vắng. Bên vàm, hàng dừa nước âm u lâu lâu thấy le lói một ánh đèn; bên bờ kia thỉnh thoảng nghe tiếng chày giã gạo, tiếng chó sủa đêm.

Ðêm nay chỉ có vành trăng hai mươi, nhưng sao đầy trời góp ánh sáng lại làm cho cảnh vật thêm ảo huyền thơ mộng.

 

Một làn gió nhẹ thoảng qua, tâm thần tôi thêm khoái sảng.

Vẳng xa, những giọng phù trầm êm ả của một điệu hò mê ly, đặc biệt chốn đồng quê, rõ lần trong lặng lẽ.

- Anh chèo ơi, lơi mái đợi họ lại gần, đi cho có bạn và nghe hò chơi anh !

- Xin lỗi thầy, nghe giọng hò của “con nhỏ” tôi đã rụng rời, lơi mái tự nãy giờ. Thế nào tôi cũng lên tiếng.

- Anh cũng biết hò nữa sao ?

- Ðiệu nghệ mà thầy! Nói gì gặp phải tri âm, thức hò mấy đêm cũng không biết mệt.

- Ừ ! Hò đối đáp nghe chơi, mà anh phải rán làm sao chớ để thua con gái, nhục lắm!

- Dễ không, để tôi bắt trớn cho thầy coi mà! Kìa, nó đã lại gần, tôi phải giáo đầu “nhập đề” mới được.

Hò hớ ờ ơ…

Bạc với vàng còn đen còn đỏ,

Ðôi đứa mình còn nhỏ thương nhiều,

Vừa nghe tiếng em là anh muốn như anh Kim

Trọng thương chịu Thúy Kiều thưở xưa… ơ…

Hò xong, anh ta đắc chí:

- Ðó thầy coi, thế nào rồi nói cũng trả lời, “điệu nghệ gặp nhau, là mầy tao quấn quít” !

Giọng phù trầm ngừng đi một chặp. Chúng tôi yên lặng chờ. Quả nhiên không sai lời anh chèo nói: “điệu nghệ gặp nhau, là mầy tao quấn quít”, tiếng hò lại nổi lên:

Hò hơ… ớ người không quen ơi,

Nghe anh, em cũng muốn thướng nhiều,

Nhưng hoa đà có chủ, khó chiều dạ anh.

Anh chèo xoa tay trả lời tức khắc:

- Hò hơ… chim kia còn thỏ thẻ trên cành,

Nghe em nói vậy, dạ không đành rẽ phân….

Giọng trầm cũng không chịu nhịn:

- Hò hơ… Bình bồng ở giữa giang tân,

Bên tình, bên nghĩa, biết thân bên nào?…

Anh chèo rối rít:

- Ðó thầy coi, ngon chưa? Trời ơi, cái giọng đáng yêu làm sao!….

- Hò hơ, ớ em ơi…

Nhứt lê, nhì lựu, tam đào,

Bên tình bên nghĩa bên nào cũng đồng thân.

 

Rồi anh lắng tai chờ.

- Hò hơ, mới mà chơi vậy chớ: Gió thổi hiu hiu, lục bình trôi riu ríu. Anh đừng bận bịu, bớ điệu chung tình, con nhạn bay cao khó bắn, con cá ở ao quỳnh cũng khó câu…

Anh chèo đã thấy đỗ mồ hôi, nuốt nước miếng anh bảo với tôi.

- Không được, tôi chưa hề gặp con nhò nào hò “chiến” như con nhỏ nầy, nó làm bộ có chồng để thử mình, rồi bây giờ lại làm cao, nếu ở hò cù cưa, thế nào cũng bị nó “hạ”. Vậy tôi phải trổ hết nghề đem điệu hò dài ra “tấn công” cho nó hết “ứ nhựa” hoạ may nó mới “xếp giáp quy hàng”.

- Hò hơ… Ớ nầy em ơi, em hãy nghe cho kỹ: xưa nay gái không cưới chồng, trai không ở goá, đoái thấy nàng xinh đã quá xinh. Buông lời vừa vỗ vế non, nếu như nàng lo việc cháu con, sao không kiếm chốn trao thân gởi thế?

Trên đời bá công bá nghệ, dưới lại là tứ thú tứ dân. Làm người sao khỏi chữ lương nhân, mà nàng chịu để phòng không ở goá? Sách có chữ rằng phụ nhân nan hoá, ít kẻ yêu vì. Nên lấy chồng phải luận phải suy, phải xem trong lóng đục, đây đã đến phải thời phải lúc… Hò hơ… hay nàng còn cúc dục cù lao… Ðể anh ngơ ngẩn ra vào, thầm yêu trộm nhó dạ nào bỏ anh?…

Chương : 1    2    3   4   
Phi Vân
Số lần đọc: 1903
Ngày đăng: 24.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Cùng một tác giả