Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.082
123.233.474
 
Ðồng quê phỏng sự
Phi Vân
Chương 4

- Ðó thầy coi, thế nào nó cũng chết ngất, điệu hò dài phải đối dài, ngắn đối ngắn, nó mà đáp được kỳ này, thì tôi cũng cam giải nghệ cho rồi….

Tôi giục: “Kìa nín, nó đã đáp liền kia!”

- Hò hơ, ớ nầy anh nó ơi, số phận em giao phó cho trời xanh, lấy anh, em không lấy nhưng cũng không đành làm ngơ. Hò hơ… vốn em cũng chẳng bơ thờ, em đã hằng chọn trong lóng đục, nhưng vẫn còn ngờ nợ duyên. Hò hơ… vốn em cũng muốn lấy ông thầy thuốc cho giàu sang, nhưng lại sợ ổng hay gia hay giảm; em muốn lấy ông thầy pháp cho đảm, nhưng lại sợ ổng hét la ghê gốc; em muốn lấy chú thợ mộc, nhưng lại sợ chú hay đục khoét rầy rà; em muốn lấy anh thợ cưa cho thật thà, nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt; em muốn lấy người hạ bạc, nhưng lại sợ mang lưới mang chài; em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai, nhưng lại sợ ảnh hay đào hay bới; em cũng muốn chọn anh thờ rèn kết ngỡi, nhưng lại sợ ảnh hay nói tức nói êm; ảnh hay cà riềng cà tỏi; em muốn lấy ông nhạc công cho giỏi, nhưng lại sợ giọng quyển giọng kèn; em muốn lấy thằng chăn trâu cho hèn, nhưng lại sợ nhiều điều thá ví; em muốn lấy anh lái buôn thiềng thị, nhưng lại sợ ảnh kêu rêu mắt rẻ khó lòng; em muốn lấy anh thợ đóng thùng, nhưng lại sợ ảnh kêu trật niền trật ngổng; em muốn lấy ông Hương ông Tổng, nhưng lại sợ việc tróng[4] việc gông; em muốn lấy anh gánh tay không, nhưng lại sợ treo đầu quảy; em muốn lấy chú hàng heo khi nãy, nhưng lại sợ chú làm lộn ruột lộn gan; em muốn lấy anh thợ đát thợ đan, nhưng lại sợ ảnh hay bắt phải bắt lỗi; em muốn lấy anh hát bè hát bội, nhưng lại sợ giọng rỗi giọng tuồng; em muốn lấy anh thợ đóng xuồng, nhưng lại sợ ảnh hay đằn hay thúc… Hò hơ, mấy lời trong đục chẳng dám nói ra. Có thầy giáo tập trong làng xa, hay dạy răn, so đức hạnh ai bằng, lại con nhà nho học, sử kinh thầy thường đọc, biết việc thánh hiền. Hò hơ, gặp nhau em kết nghĩa liền, không chờ chẳng đợi cho phỉ nguyền phụng loan…[5]

 

Tuy anh chèo cứng họng, như tôi ngồi trong mui đã thấy khoái trá vô cùng.

Còn gì sung sướng cho bằng khi mình nghe “người ta” vô tình nhắc nhở tới mình, ca tụng mình trên dòng sông lờ lững ?…

- Chắc anh “phọt phe” rồi phải không anh đò ?

Anh ta đáp xuôi xị:

- Ý mèn ơi, tôi mới thấy con nhỏ hò lanh hết chổ!…

- Nầy anh, tôi nói thiệt cho anh nghe. Sao tôi nghe giọng hò của con nhỏ ấy tôi “mê” lắm. Anh biết tôi làm thầy giáo chớ. Nghe nói nó đang tìm kiếm kết duyên với chúng tôi, tôi cảm động quá anh à. Anh làm thế nào cho tôi thấy mắt “nó” một chút, “một chút xíu” thôi, rồi mình đi… được không?

- Có khó gì thầy, tôi kêu nó cặp ghe lại hỏi mồi lửa, thầy muốn nhìn bao lâu lại không được!

Rồi anh lập tức lên tiếng:

- Chị hò ơi… chị hò ! Làm ơn cặp ghe cho mồi nhờ chút lửa, chị hò !…

Thấy bóng ghe chèo tới là tôi phấn khởi trong lòng, bò ra ngoài dòm lom lom.

- Ghe cặp chiếc đò, tôi càng thêm hồi hộp. Ôi ! Tiếng hò như thế, còn người làm sao!…

Tôi hình dung một cô thôn nữ mày liễu má đào, có vóc mình thon thon, có bộ tịch khả ái…

Bỗng anh chèo đang ngồi nghỉ tay, giật mình đứng phắt dậy. Trong chớp nhoáng, anh bị một tên lực lưỡng thộp ngực anh, đưa ngọn dao ngang cần cổ:

- Nín mắt, la lên thì cụt đầu ! Tao không động tới mầy đâu !

Còn tôi… chao ôi, tôi cũng kinh hồn lạc phách, rủi may phó mặc cho trời… Tôi chưa kịp nhảy xuống sông thì đã bị hai tên khác đè cứng dưới ván đò. Tôi giợm la nhưng một thằng trong bọn “ấn” cho tôi một cùi chỏ vào hông, đau lồng ngực lồng gan, nằm trợn trắng như chết nửa người.

Ðã thế, tiếng con nhỏ hò còn trêu gan trong mui nhỏ:

- Chú Bảy coi có con đàn bà nào ở trong mui, đè cổ lột cho tôi sợi dây chuyền!…

 

Chợ hay quê ?

 

Miễu bà Chúa Xứ tự nhiên biến thành một hí trường.

Nhưng có mấy ai để ý đến đâu.

Người ta nói dân thị thành hay lạnh lùng mà đúng lắm vậy.

Cà mau ngày nay không còn là Cà Mau ba chục năm trước. Ba chục năm trước, trời vừa đổi sắc tím là “Ông thầy”,[6] bách bộ khoan thai ở bên kia sông Quan Lộ.

Cái thời “dã man” ấy chỉ còn vang trong mấy câu chuyện ly kỳ mà các bà mẹ thường kể lại cho những cậu… con nghịch ngợm hay đi bắt chim, hóot cá thia thia trên xóm miễu Bà:

- Gần miễu Bà đó biết không? Bên cây da mà tụi bây thường tới phá, hồi đó ông Thầy có lần móc họng mấy người đi câu.

 

Miễu Bà ở bên kia sông Quan Lộ. Mà bên kia sông Quan Lộ nay là xóm… Bến xe đò.

Hơn trăm nóc nhà, đèn điện, máy nước, quán cháo Tiều, một nhà bán hòm, và… cái miễu ở chính giữa.

Hàng năm, các ông cụ có tiền mướn hát bội cho Bà xem. Cho Bà xem, nghĩa là cho cả xóm xem.

Ông chủ nhà bán hòm là hội trưởng hội Miễu Bà. Ông là người kinh doanh. Ông biết nghĩ đến cái lợi cho làng nước. Ông nghĩ rằng xóm càng ngày càng đông sống yên ổn cũng nhòo Bà phù hộ. Mà càng đông cần phải có những cuộc vui, phải sống như người ta sống nơi đông đảo.

Muốn ăn uống ? – Có quán cà phê !

Muốn cúng kiếng ? – Có miễu Bà !

Không muốn sống nữa ? – Ông là chủ bán hòm .Nhưng sống vui vẻ, không phải chỉ ăn mà thôi.

 

Cần phải có những cuộc vui khác: Hí trường là một sự tối cần; chứng cớ, mỗi lần hát cho Bà xem, người hàng xóm đều đến xem ngập miễu!

Ông bắt đầu tể tiền cất một cái rạp lớn để chứa cho được nhiều khán giả!

Thằng Tám Méo vác mướn cũng hỉ hả góp hai cắc:

- Rồi mình tha hồ đến coi hát có lổ lả gì đâu?

Mỗi năm, mỗi mướn gánh hát. Mấy thằng cha Bầu Kẹo ở Rạch Bầu, Bầu Ngọ ở Cái Keo, Bầu Ba ở Ông Muốn… hè nhau lên giá kèo nài nhiều…

 

Cái gì mà một đêm hát tới hai chục, bộ muốn cắt họng người ta sao chớ? Ông chủ bán hòm tức giận. Ông họp các hội viên lại bàn rằng:

  - Bây giờ tôi định làm như vầy để cho tụi Bầu Kẹo… nó hết hạch sách. Tôi xuất vốn mướn đào kép, mua đồ… nghĩa là lập một gánh hát riêng, để đi hát các nơi, chừng ngào tới kỳ vía Bà, tôi cúng mấy đêm… các ông nghĩ sao?

- Thì còn nghĩ sao nữa? Ông hội trưởng là người kinh doanh. Lập một gánh hát bội là chuyện… tiền bạc! Mà tiền bạc! Nhờ trời nhờ Diêm chúa – Ông có khá khá đôi chút!…

Miễu Bà tự nhiên lại biến thành một hí trường. bởi ông chủ hòm nghĩ rằng – đúng hơn ông nghĩ rằng “hát bội làm tội người ta” - để tụi nó đi chơi bời, đĩ thoả, bài bạc hư thân. Mình muốn ích nước lợi dân, đi hát đâu chi cho xa, mỗi đêm ở đây mỗi hát, vừa… cho Bà xem, vừa cầm chân đám dân “thân yêu”. Tốn bao nhiêu? Một cắc bạc?

- Các ông có bằng lòng cho tôi làm như vậy không?

“Các ông” đây là các hội viên. Các ông thấy cái ý ấy “tự nhiên” quá, mà cái dân thành thị kia cũng không ai để ý đến.

 

Năm nay hát xong ba đêm cúng Bà, người ta thấy một tấm bảng giấy đỏ dựng trước miễu:

Ðêm nay chúng tôi viễn tuồn: “Quê dun đạo: Tuần thật là ly kỳ. Dô cửa: một cắc bạc!

Rồi tới đến, người ta đem theo cắt bạc bỏ vào cái thùng của cộ Tám, con ông Hội trưởng và vô để xem một đệ nhất anh – hùng của thời Tam Quốc.

 

Ðêm sau, rồi đêm sau…

Thói quan, thằng Tám Méo cũng quen. Cả xóm đều quen… Cả Cà Mau quen luôn ! Hát bóng nói ở các tỉnh lớn dễ đã được hoan nghinh hơn !

Một tháng, hát không nghỉ đêm nào. Nhưng mãi rồi tuồng nó cũng hết: Huê – Dung - đạo, Ông thất thủ Hạ - Bì, Trảm Trịnh Ân, Dự Nhượng đả long bào, Bao Công xử án Quách Hoè, Phụng Nghi Ðình, v.v… rồi cũng không ai cấm: Huê dung đạo, Bao Công xử án Quách Hoè, Phụng Nghi Ðình, v.v… trở lại đâu! Và anh kép Tám Bí làm Ông hay làm sao, còn cô đào tư Bé làm Ðiêu Thuyền mới mê mẫn khách mày râu đi coi lần thứ mười đã thấy chán chưa mà!

Nhưng ông Bầu Hai – Ông chủ bán hòm – là người kinh doanh. Năm một ngàn chín trăm ba mươi ba… Một hôm, cái bảng giấy liễn đỏ, đầy đặc những chữ to to bất chấp chánh tả:

Bổn ban mới tiển được nhiều cô đào khát. Ngoài cô Tư Bé, Xáu Liệu, Ba Kiêm, còn tất cả 9 đàu. Luôn tiên, xửa rạp lại, chia hạn: Thượn hạn: 5 cắt, hạn nhứt: 3 cắt, hạn nhì: 2 cắt, hạn ba: 1 cắt… Và mỗi chiều thứ bảy có đêm đặt biệt cho quý Ông, quý Thầy, có chưn bươm bướm. bổn ban đã chỉn đốn theo cải lươn. Bỏ qua rất uổn…

 

Nếu đã có “quí thầy” chiếu cố, thời “chỉn đốn” theo Cải lương là phải.

Trống chầu không hồi ba nữa. Chiều chiều, mấy đứa nhỏ con hàng xóm giành nhau cái trống còn một mặt, và hè nhau nện “tành tạch, tành tạch”.

 

Ban nhạc mới mời được tay đờn kìm sành Vọng cổ.

Cây kèn đại vốn chát chúa đã biết đưa hơi bằng giọng rè rè run run của anh Thôi Tử trong câu nhập Vọng cổ: “Giã bạn lên đàng…”. Tiếng kèn đại mà nhồi chữ “đàng” thì phải biết, nó lâm ly đặc biệt!

 

Dầu sao, người ta không còn thấy những ông tướng thổi kèn đưa cái lưng trùi trụi, ngồi trên sân khấu nữa. “Ðúng tám giờ rưỡi”, - ấy là cái bảng giấy đỏ nó quả quyết như vậy, - thay vì ba hồi trống cơm ra tuồng, có tiếng chuông rung… lạch cạch, leng keng… y như Cải lương.

Một thằng quân mặc áo thêu rồng cũ, lụng thụng, đội mão xanh, ra chào “quí khán quan đã hạ cố đến giúp bổn ban”… và cứ “tái bản” câu ấy đến mươi lượt trong vài lời cảm tạ.

Quý khán quan? cứ đến một buổi chiều thứ bảy đển xem đêm hát đặc biệt có chưng bươm bướm, người ta đều thấy có nhiều quan ký lục, một quan thầy thuốc, một quan phán, và một quan… “giượng mụ”, chồng của cô mụ tỉnh thành!

 

Nói là chiều thứ bảy mới có đêm hát đặc biệt nhưng mấy quan – hình như họ có hẹn hò với nhau - Cứ đến chín, mười giờ mỗi đêm là đã ngồi quanh cái bàn con đặc giữa rạp, sát sân khấu, nhâm nhi mấy ly rượu bia.

 

Mấy quan hình như cũng thưởng thức tài nghệ của “chín đào”, và đã để ý đến cô đào chánh tư Bé, một ngôi sao sáng của Bầu hai, nên mỗi lần tư Bé ra tuồng, mấy quan vỗ tay rầm lên, mà lại cón móc bốp liệng mấy “con công” lên để thưỏng lúc tư Bé hay đặc biệt nữa là khác.

Mỗi lúc như vậy, cô tư Bé không quên nghiêng mình, mỉm cười như hoa nở, đưa cặp mắt tình tứ xuống mấy quan rồi uốn éo tung hô:

- Bá, bá phúc!

Nhưng, ngoài mấy quan ra, có những quan đẳng cấp thấp hơn, vì người ta vẫn nhớ rằng rạp hát ở giữa xóm xe đò!

Các ông tướng xe đò cũng không kém, cũng thưởng thức tài nghệ đào kép, cũng có lúc vỗ tay, lúc la rầm lên:

- “Ra quô” cô tư Bé!…

*

Một buổi thứ bảy. Tuồng Phụng nghi đình. (Quái lạ! sao cứ luôn luôn ở vở tuồng này!) Cô tư Bé mà đóng vai Ðiêu Thuyền, thì không phải nhắc thêm lần thứ hai nữa, nó mùi mẫn đến thế nào ấy!

Nhưng người ta đồn rằng tư Bé đã được một quan “chiếu cố” đến hơn nhiều một chút, và đã sắp sanh một… quan con!

 

Bởi thế nên đêm ấy, một cô đào khác đóng vai Ðiêu Thuyền. Nhưng, khốn nổi cô đào thế vai ấy không được hân hạnh có cái nhan sắc chim sa cá lặn.

Các quan hình như là không bằng lòng cho lắm.

 

Các ông tướng xe  hơi cũng thấy ngay tẩy rằng cô Ðiêu Thuyền mà “đẹp” như vậy, thì thằng cha Lữ Bố nếu có say mê, chắc là tại nó … buồn ngũ quá rồi!

Nghĩ như vậy, một ông “tướng” tưởng nên nói cái ý nghĩ thành thật của mình ra cho mọi người cùng biết.

Lúc Ðiêu Thuyền vuốt ve Lữ Bố, ông tướng xe hơi cười to lên, phùng mang thổi một cái hoét, rồi la:

- Ê! Cái mặt Chung Vô Diệm!

Cô Ðiêu Thuyền có lẽ thấy rằng ông tướng dốt truyện Tàu quá lẽ, dám lộn Ðiêu Thuyền với Chung Vô Diệm, nên cô cũng không ngần ngại gì, ngưng hát một chút, quay mặt ra khán giả, nói ngay ý tưởng mình bằng một câu trả lời:

- Xin lỗi quý ông, quý bà, khốn nạn cái anh nào nói tôi là Chung Vô Diệm!

 

Các trò ơi,

Thầy phen nầy thọ tử

 

Bạn hãy cùng tôi “du lịch” một vòng xuống các miệt “hóc Bà Tó”, “chó ăn đá, gà ăn muối”, để tìm những cái lạ lùng, lạ lùng cả đến cái tên: Bãi Háp, tắc Ông Do, mương Chệc Kịch, Tham Trơi, U Minh, Dớn, v.v….

 

Ở đồng quê, thế mà lắm chuyện.

Nhưng hãy khoan, ta tạm dừng chơn nơi xóm Kiến Vàng để biết thêm chút nhơn tình thế thái.

Thuộc làng Tân Hưng Ðông, ấp Kiến Vàng chia ra làm hai xóm. Thiên hạ hai bên thù nhau từ đời nào không biết mà hồi ấy họ ghìm nhau như địch thủ.

Và không khác hai nước đương chiến, họ tìm mọi cách để ngầm giết nhau. Họ nuôi râu cọp, tìm đủ thứ thuốc độc bỏ trong nước, trong món ăn, thuốc nhau chết như rạ. Thành ra, ở đó không ai dám tin ai, nhà nào nhà nấy giữ gìn từ lu nước món ăn, tiệc tùng đâu mời cũng không dám tới.

Một ngày ở đó là một ngày phập phồng.

Tuy nhiên, trong các nghề kiếm ăn, nghề “dạy học” vẫn giữ một địa vị quan trọng ở đồng, đâu đâu cũng không dám coi thường. Thế nên, là “thầy giáo” thì ở đâu cũng dám tới.

*

Con nít ở Kiến Vàng là con nít đủ tài thao lược.

 

Trên bộ, chúng ruồng tất cả rừng rậm chông gai, bắt rắn như bắt ếch, bắt chim như bắt gà, thôi thì đạo binh của rừng bụi đều kinh hồn mất vía.

 

Buồn? Chuíng có thể lôi đầu mấy con rắn hổ ngựa từ trên cây xuống… đá như đá ba lông, chúng có thể nắm chóp hết những con kỳ nhông rắn mối ra “rô ti…” nhậu rượu!

Dưới nước, tốp khác không kém, chúng là một đoàn thủy quân bơi lội “dàng trời ban”. Liệng chúng xuống bùng binh sâu hoắm tối ngày chúng không uống một chút nước, không biết lạnh, mà lại còn mò lên một mớ tôm cá mới tài! Chúng lại thường theo cha chú ra vàm sông Mang Giỗ ban đêm soi sấu, vớt những con sấu con đem về cho… cắn lộn.

 

Khi chán chê rồi, chúng vẫy tay một cái là vật đầu đem nướng!

Khốn nạn, tôi lại lọt đến cái xóm ghê hồn ấy! Ðã bảo thầy giáo ở đâu cũng dám tới mà! Ðiều nên biết là trước tôi, đã có không biết bao nhiêu thầy vì chịu không nổi lũ con nít “trời đánh” ấy phải xuốn gói bỏ trường mà trốn đi.

 

Nhưng rồi thằng “thiên lôi chạy mặt” như tôi cũng cai quản được cả đoàn.

Dầu vậy, trước khi làm Tổng tư lịnh cả hai bộ thủy và lục quân ấy, tôi bị thử phép gần trầy vì tróc vảy.

 

Nầy, lục quân: Hạ thủ một con rắn hổ? Chúng làm bộ như sợ sệt, viện đến tay thầy. Thì “rụp” một cái, thầy vỗ cửa hang “bòm bòm”, miệng làm bộ lâm dâm câu thần chú “Án đà ra họng rị…” rồi chĩa đầu con rắn đem lên!

 

Bắt con chim “bánh ích”. Thầy là một tay bắn giàn thung thiện xạ!

Chúng quyết bắt Thầy ra đồng trọn ngày chúa nhựt để bỏ đói? Thầy vui lòng móc củ bồn bồn, hoặc bẻ trái dừa nước ăn cho no và còn mở tiệc khao quân là khác nữa!

Nầy, thủy quân: Chúng rủ thầy chèo ghe ra cửa biển chơi mỗi chúa nhựt? Xa bao nhiêu thầy cũng vui lòng cầm chèo lái. Vác lưới đi đánh cá cháo, lặn cá dầy? Thầy phóng xuống bùng binh trước nhứt.

 

Tắm, chúng muốn trấn nước Thầy? Thầy là một con rái, hiên ngang hoạt động dưới nước như trên bờ!

 

Thế rồi, trong vòng một tháng, tôi nắm chắc chức Tổng tư lịnh trong tay, các… tiểu anh hùng đều bái phục.

 

Thôi thì mặc ai làm gì thì làm, tôi nằm tréo ngoảy ở nhà, muốn cá có cá, muốn chim có chim, hô lên một tiếng là có đồ đệ đến hầu.

*

Một hôm, có anh thợ săn trong ấp bắt được một con “heo cấn” (heo rừng có chửa). Anh mổ bụng lấy bọc con ra đem tiềm thuốc bắc. Ðấy là món ăn quý nhất mà tôi đã thèm thuồng từ lâu.

Anh cho mời… thầy giáo!

 

Lần thứ nhứt, tôi đi dự tiệc nhà người. Bữa ấy tôi ăn hết nửa con heo con đỏ ói trong bọc, và nhậu trên một cốc rượu rừng, pha mật ong.

Về nhà bỗng dưng tôi thấy tối tăm mày mặt, ruột thắt gan bào.

Thôi chết rồi, chắc chắn là tôi bị trúng thuốc độc!

Mỗi lần tưởng tượng đến cả ngũ tạng lục phủ tôi sẽ liệt bại rồi chết lần mòn, tôi mê sảng nằm kêu rên không ngớt miệng.

Học trò lũ lượt đến đứng quanh giường.

Tôi nhìn qua một lượt, nắm tay từ đứa, ứa nước mắt trối dài:

- Các trò ơi! Thầy phen nầy thọ tử!

Anh thợ săn nghe tin cũng khiếp vía, chạy rước được một vị danh y về khám bịnh.

Sau khi nghe tôi thuật chuyện, ông thầy chăm chú xem mạch xong, vuốt râu cười khì:

- Tôi nói thầy đừng giận. Hôm trước, trong mình thầy hơi yếu, thầy lại ham… ăn “heo cấn” quá nhiều. Vón là một thức ăn hết sức mát, tì vị thầy không chịu được, nó hàn, và sẵn thầy uống rượu rừng không quen, hai thứ đó nó “vật” thầy “sập” chớ ở đây ai “thuốc” thầy làm chi!

 

Sanh nghề tử nghiệp

 

Bước bình bông đưa tôi đến một nơi sằn dã quê mùa ở tận cùng mũi đất của bán đảo Ðông Dương: Năm Căn!

 

Dân Sài Gòn hay hầu hết dân “miệt trên” khi nghe đến tên, ắt hẳn trong đầu đều có ý tưởng cao cả về trình độ của mình trên bước tân tiến… và tự nhiên thấy có cái thú chế giễu những cách ăn ở quê mùa bằng mấy tiếng: Dân Năm Căn phải không?… Ở Năm Căn phải không…

Nhưng bạn ơi! Năm Căn bây giờ không còn là quê mùa nữa. Ngoài những xóm lò than rộng lớn, thiên hạ đông đúc, cờ bạc, sa ngã, còn lắm cái lạ lùng, lạ lùng đến chuyện tôi kể cho bạn nghe về “Mét Văn Quang” (Maitre Văn Quang).

 

Ghê chưa? Chỉ vỏn vẹn tiếng “Mét Văn Quang” bạn cũng đủ thấy Năm Căn ngày nay đã khác lắm rồi.

 

Nhắc đến “Mét Văn Quang”, tôi phải nhớ ngay đến các bác họ “Mét”, và cũng không thể quên được những mánh khoé bịp đời của hạng người mang khiếng trắng có đủ thứ hình “tay nâng càm”, “tay chống nạnh” đăng trên các báo.

 

Hạng người ấy tự xưng là “Mét” hoặc “Giáo sư”. Nhưng nói cho phải, mấy ông “Giáo sư” trên đây đáng liệt vào bậc “sư bác” trong làng bói, vì họ sống nhiều khi, sang như ông Hoàng: nay ở “ô ten”, mai ở phố lầu.

 

Họ còn một đàn em sống vất vả lắm, một đàn em không tên tuổi, không “mét”, không “bờ rồ phết xơ”… mà lại là những cánh bèo thả trôi theo dòng, từ kinh thành mò đến làng mạc hẻo lánh, từ góc chợ đến những… hang cùng ngõ hẻm.

Họ cũng thường “tấp” vô ô ten, nhưng một thử ô ten rẻ tiền: chốn “yên hà cuộc tỉnh say”!

“Mét Văn Quang” của tôi không phải là bực đàn em ấy, mặc dầu “Mét” lập “đại bản dinh” ở tận chốn hang cùng: Năm Căn.

 

“Mét” quả là một “thiên tài”!

Cái câu quảng cáo dán trước bàn: “Một thiên tài đã từng được Tây, Nam khen tặng” chắc hẳn là câu nói không ngoa!

 

Mà… “Mét Văn Quang”! Than ôi! “Mét Văn Quang” ngày nay đã ra người thiên cổ mất rồi! Nhưng đây là đoạn chót của câu chuyện và các bạn sẽ cho phép tôi bắt chước nói như nhà văn hào C. Farrère trong một chuyện ngắn: “Ai lại bắt đầu câu chuyện bằng cái kết cuộc bao giờ?”

“Mét Văn Quang” như tôi đã nói, là người có tài: Tài đoán số, tài coi tướng, coi tử vi, mà đặc biệt hơn hết là tài “lẻo mép, lanh mồm”!

Thì đây, có lần tôi đến viếng “Mét”.

 

“Mét” hỏi:

- Ông sanh năm nào, tháng nào, ngày nào?

Tôi vừa trả lời dứt là Văn Quang hí hoáy viết không đầy một phút, đã nói những cái quá khứ… đến nhiều lúc tôi phải ngạc nhiên tưởng rằng tất những ngày qua rồi vẫn còn ghi trên tròng mắt tôi, mà hôm nay Văn Quang chỉ có đọc lại thôi.

 

Ấy thế, “Mét Văn Quang” được cả dân Năm Căn hâm mộ đồn đi mấy dặm… rừng: Nhưng Miên, Tân Ân, Hàng Vịnh v.v…

Nhưng đấy, lắm khi có người chỉ vừa nói ngày sanh, là Văn Quang đã mở hết tốc lực chạy… để rồi không đi đến đâu cả.

 

Và ở vào mấy trường hợp khác, vài ông khách “hâm mộ” phải ngạc nhiên vì cha mẹ họ vẫn sống sờ sờ và Văn Quang buộc rằng đã mồ côi, mồ cút; hoặc vẫn chất phác làm ăn mà “Mét” lại bảo có lần “đánh trộm người hàng xóm” để rồi còn tiên đoán cho họ nhiều “tai vạ” khác nữa.

Khách vừa mở miệng cải thì “Mét” đã chận họng  bằng câu:

- Tôi đã rao trước rồi kia mà, ông không thấy tấm bảng đề: “Nói không tư vị” hay sao?

Nhưng nếu khách có là một người mồm mép lắm:

- Ậy mà những lời “không tư vị” của ông đều trật bét hết!

Tức thì Văn Quang lỏ cả hai mắt tròng chừng như lọt ra khỏi tròng:

- Trật à? Tôi mà đoán trật?

Và khi hỏi kỹ lại… thì Văn Quang xuýt xoa bảo:

- À! tại tôi đoán lộn tuổi khác, xin lỗi ông đấy!…

Nhưng cái lỗi ấy không phải ai cũng tha được như những nơi có “khuôn phép” chốn thị thành.

 

Thế là “Mét Văn Quang” có lần bị người ta bắt đền tội. Người ấy là một vị đại điền chủ có thể lực, keo kiết và tàn nhẫn, ở làng kế cạnh.

Một hôm ông đến viếng “Mét Văn Quang” với tất cả cái keo kiệt và tàn nhẫn.

Văn Quang thấy mặt ông, ngang nhiên hỏi:

- Ông mấy tuổi?

- Bốn chục.

Văn Quang không hỏi thêm nữa, có lẽ cái tuổi “bốn chục” nó đủ gợi cảm cho nguồn… hứng rồi, nên dõng dạc bảo:

- Ông là người thất tín! Cách đây 13 ngày ông lừa bạn ông để lấy một số bạc ngàn… Vì vậy tôi quả quyết hai ngày tới đây ông sẽ bị nắm chóp…

Ông điền chủ hốt hoảng, mặt bổng nhiên nổi giận hầm hầm lên. Ông sùi bọt mép, chẳng nói chẳng rằng, với cái tàn nhẫn bấy lâu, ông vụt nắm lấy “Mét Văn Quang” tặng một “cú đìa rét” như các nhà võ sĩ tặng nhau trên trường diễn võ, rồi ông đấm đá “sặc cà rây”.

Văn Quang la vói:

- Tôi đã bảo “không tư vị”, “không tư vị” kia mà!

- Ừ thì “không tư vị”… Bốp!… Bốp!…

Chúng tôi đứng ngoài bất nhẫn lắm, nhưng có người nào có dám “nhào” vô cho mang vạ, ai cũng biết - trừ “Mét Văn Quang”, lẽ cố nhiên – ông ấy mạnh như thần!

- Vậy mà cũng đoán số! Sao mầy không đoán cái số mầy…. chết về tay tao, thằng kia?…

Hai hôm sau, “Mét Văn Quang” đoán số mình không sống nổi nữa, nên đã trút linh hồn tại xứ Năm Căn: cái xứ mà “Mét” đã phụ vào một chút công làm trôi mất tiếng quê mùa!

 

Hết

[1] Một tướng cướp lừng danh ở miệt đó.

[2] Con heo, theo ngôn ngữ của ông đồng, bà cốt.

[3] một loại thơm (dứa).

[4] Tróng: cái tróng: gông đóng, tróng mang.

[5] Mấy câu hò trong bài này tôi chép hối hả trong mui ghe theo giọng hò đối đáp, có thể sai đi ít nhiều. Nhưng tôi không sửa được vì không có nguyên văn, xin nhờ bạn đọc nào biết rành bổ chánh giùm cho.

[6] Cọp

 

 

  SCL rất muốn liên lạc với gia đình của Tác giả Phi vân hoặc bạn đọc biết tin về nhà văn này.

Xin liên lạc với  Ban biên tập Văn nghệ Sông Cửu Long

Địa chỉ Mail:   webmaster@vannghesongcuulong.org

 

Chương : 1    2    3    4  
Phi Vân
Số lần đọc: 1951
Ngày đăng: 24.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Cùng một tác giả