Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.233.761
 
Gia phả dòng họ Đinh
Dương Ðình Hùng
Chương 1

PHẦN MỘT

Chương một.

Đinh Phát chìa tờ “điện tín”. Cô y tá liếc nhìn. Lật cuốn sổ ghi tên bệnh nhân, dò tìm. Sổ bệnh nhân dày cộm lớn bằng cuốn lịch. Trang giấy nhăn nhúm, có nhiều dòng chữ vội vàng khác nhau của nhiều nét bút, ghi tên những con người bất hạnh khốn đốn một lần đến viện. Tên họ, tuổi, địa chỉ, người đưa đến và con bệnh. “Có rồi” – cô y tá nói. “Ông Đinh Qúy bị trái nổ ở huyện A Lưới, nhập viện sáng sớm hôm qua. Nằm phòng hồi sức, giường số 9, phía kia kìa.

Phát đi theo lối chỉ của ngón tay cô. Hành lang im vắng lạnh lùng thoảng mùi cồn bệnh hoạn.

 

Cánh cửa đong đưa vào ra, đón chào người đến người đi, sơn dòng chữ đỏ “Phòng hồi sức”. Chiếc bàn vuông đặt giữa phòng, có nhiều người áo trắng ngồi quanh, những người canh giữ sự sống. Chục giường phía tay phải lấp kín những thân người bất động, im lặng. Phía bên kia, chục giường, nhiều băng gạc cuốn quanh, nhiều tiếng rên la. Cuối phòng, người chị dâu ngồi trên cạnh giường, đầu gục xuống, vì mỏi mệt.

 

Phát tiến lại gần, để nhẹ xách tay xuống nền gạch vàng ố, nhìn thân thể bất động trên giường được quấn chặt bởi băng gạc loang máu, có sợi dây trắng nhét vào mũi để thở, sợi dây đỏ thòng xuống cánh tay phải. Anh đặt nhẹ bàn tay trên vai chị. Khuôn mặt ngửng lên, đen ốm đẫm đầy nước mắt, tóc rối tung. Chị thì thào:

- Phát phải không?

- Em mới ra tới. Tối hôm qua nhận được điện tín của chị. Anh Quý bị trái nổ?

Chị gật đầu. Anh Quý nằm đó, băng kín đầu, mặt, chỉ chừa mũi miệng, tay phải chân phải đen đúa lấm chấm nhiều lỗ nhỏ đen đỏ. Bàn chân trái, bàn tay trái bay đâu mất. Bà chị khóc tức tưởi, rên xiết:

- Thằng Tèo chết rồi. Chưa kịp chôn. Xác còn trên làng. Mấy con bò cũng chết. Trời ơi, sao khổ quá hở trời!

 

Phát ngồi cạnh anh mình. Người anh còn sót lại trong đời. Anh nắm nhẹ bàn tay ốm o, chai cứng vì một đời lận đận. Bàn tay may mắn còn sót lại. Bà chị tiếp tục tỉ tê, khóc lóc. Nhiều người giống chị, chung quanh. Một vài người trong căn phòng nhỏ, giống anh Quý. Tiếng rên la, lăn lộn vì đớn đau trải dài trên những chiếc giường bệnh, vùng vẫy với thần chết trên các manh chiếu rách nát.

 

Chuyện con người, chuyện anh Quý, cu Tèo, chuyện con bò... bị bắn tung lên trời cháy đen. Chuyện xảy ra thường tình trên những vùng đất quê, làng A-sầu, miền núi non kế cận biên giới. Những vùng đất một thời oanh kích tự do, vẫn còn quá nhiều bom đạn đang ngủ quên bên dưới. Vùng một thời đồi trắng phơi xương... Chuỗi ngày tháng ấu thơ, Phát mang nhiều âm vang bom đạn réo ngày đêm. Cái thời Phát và Quý xuống tỉnh học, lâu lâu mới về thăm ba mẹ trên quê cao tít đỉnh núi.

 

 Ở đó chỉ có những con người nghèo khổ, mộc mạc và nhiều dấu hố bom, trên mảnh đất khô cằn miền Trung. Đúng, vô số hố bom như khuôn mặt rỗ chằng chịt, như vết thương anh Quý hôm nay.

Ký ức là đất khô cháy, da thịt khô cháy, miệng Phát cũng khô héo theo. Bà chị thôi khóc, nước mắt đã cạn dần rồi.

Ngón tay trỏ anh Quý rung nhẹ. Phát vuốt nhẹ mấy ngón tay, lật ngửa bàn tay nhợt nhạt do mất nhiều máu. Lớp da chai cứng, sù sì, đã lao đao quá mức vì miếng cơm manh áo.

 

Hoài niệm về người anh ẩn kín trong lòng. Mảnh bằng tốt nghiệp đại học không làm nên tích sự gì. Cuộc sống vất vưởng, chạy xe đạp ôm, rồi về núi rừng chăn bò, trồng trọt sống qua ngày.

Tiếng nổ hai hôm trước bắn tung anh lên trời. Đôi mắt giờ bịt kín, chờ khoét bỏ. Đôi môi nhợt nhạt tím than mấp máy. Cô y tá gắn thêm một sợi dây trắng trong, truyền nước biển vào bàn chân phải. Có tiếng rên nho nhỏ. Anh Quý đã tỉnh lại. Phát xoa nhẹ bàn tay phải, thì thầm bên tai:

 

- Em về đây. Em Đinh Phát đây.

Anh lập đi lập lại nhiều lần. Có tiếng thì thào giữa hai môi sưng tím kia:

- Phát phải không? Em về coi chừng mồ mả, nhà thờ họ dùm anh. Anh mệt quá... không sống nổi.

Tiếng nói tắc nghẹn, đôi môi mấp máy như muốn nói nhiều điều nữa... Có giọt nước mắt rơi, chảy dài trên bàn tay run rẩy. Phát ngồi khá lâu bên giường, nghe tiếng bước đi vội vã qua lại nhiều người. Tiếng khóc, tiếng y lệnh của bác sĩ. Màu trắng của áo, băng gạc. Màu đỏ của máu. Màu úa vàng chiếu giường... Anh hoa mắt.

 

Có tiếng xua đuổi người nhà bệnh nhân ra ngoài để bác sĩ đến khám bệnh. Phát ra khỏi phòng hồi sức, lầm lũi qua cổng bệnh viện. Đám người bán hàng rong ngồi kín lối vào ra. Tiếng mời gọi lên xe xích lô inh ỏi. Anh bước qua bên kia đường tìm một nơi để thở.

 

Công viên chạy dọc ven sông. Dòng sông đẹp hững hờ như hôm nào. Từ công viên nhìn thấy phố xá bên kia, thấy cả kỳ đài cổ kính và rặng núi xa xa. Tất cả không có gì đổi thay trên mấy chục năm qua. Vẫn như xưa. Anh rảo bộ theo dòng sông, ngắm nhìn cảnh đời trôi qua. Những dinh thự hành chánh, ngôi trường cũ... Đã gần hai mươi năm, Phát rời bỏ thành phố này đi xa. Một thời đạn réo bom rơi, hàng cây bị đẵn ngọn.

 

Hôm nay hàng cây đã đâm chồi thay áo mới, nghiêng bóng che phố phường. Phát tựa mình bên gốc phượng, ngước nhìn thân cây nổi cục xù xì. Cây cũng mang thương tích do đạn bom năm xưa. Bàn tay anh xoa nhẹ cục u trên cây, thầm nghĩ bên dưới vỏ cây này có thể còn nhiều mảnh đạn như dưới da thịt anh Quý đang nằm trong viện.

 

Cuối đường có mấy trường đại học, có công viên, khách sạn xinh xắn, có cả mùi nồng của rác rến. Phát lầm lũi thả bộ với nhiều kỷ niệm ấu thơ. Anh xa lạ trên đường quen cũ. Dãy tường loang lổ của nhiều ngôi nhà đã lâu không sơn quét. Lớp rêu phong bám kín mắt nhìn. Lề đường biến đi, thỉnh thoảng bị cắt ngang bởi vài dòng nước đen thải ra từ những ngôi nhà cũ kỹ. Quá khứ nặng nề bám sát bên hông thành phố.

 

Im lìm, lặng lẽ. Phát nghĩ vu vơ. Kỷ niệm làm anh hoảng sợ. Phát ngồi trên ghế đá, nhìn ra dòng sông. Âm vang tiếng mái chèo nhịp nhàng trên nước xanh. Nắng nhạt nhòa còn vương lại trên đường. Đám học trò nam nữ tan học kéo nhau về. Hàng bốn hàng năm đạp xe dàn trên phố, cười nói ầm ĩ. Tuổi trẻ tung bay với nhiều mộng tưởng.

 

Thuở Phát sống với anh Quý, khu cuối đường có xóm nhỏ, gần một con sông hẹp, chiếc cầu xinh nối dốc cao vời vợi. Hai bên dốc lắm chùa chiền. Tiếng còi xe lửa chạy ngang réo gọi ngày đêm. Nhà trọ nằm trong xóm vắng. Những hàng rào chè tàu vuông vức vây kín. Căn nhà mái ngói âm dương. Xa bên kia sông, trên sân cỏ xanh một thời đá bóng là một ngôi trường giòng lớn, trường trung học Pellerin, ngôi trường ấu thơ của Phát.

 

Phát quay vào bệnh viện. Tiếng chim hót trên cây phượng vĩ. Bao tử cồn cào, cả ngày qua chưa ăn gì cả. Anh bước qua đường phố, dừng chân bên chiếc xe bánh mì. Người con gái mặc áo vải bông xanh, má gầy, mái tóc dài che nửa mặt:

- Cô bán cho tôi một ổ bánh.

- Anh ăn cay không?

- Không.

Phát sợ cay đắng lắm rồi. Bàn tay ốm xẻ đôi dọc ổ bánh, thoăn thoắt nhét miếng thịt heo dính mỡ, chan miếng nước xốt đo đỏ. Nước này chắc chắn phải cay rồi. Anh nhìn ổ bánh ốm o, èo uột giống cô gái, rồi cầm nhai từ từ cho bớt cơn đói. Phát nhăn mặt, không ngoa chút nào.

 

Ổ bánh quen thuộc với Phát thời tấm bé, những buổi sáng mùa hè, mùa đông. Mới hôm nào giờ cũng thấy xa xăm lắm. Ổ bánh, gia vị không còn hấp dẫn. Phát nhớ hương vị ổ bánh nơi chợ cũ. Miếng patê, miếng dưa leo cắt nhỏ, có rau, có ớt... những đêm đi chơi khuya về.

Thời gian, đôi khi cũng giết những thói quen của con người.

- Anh ở mô tới?

- Tôi ở trong Nam ra.

- Anh có người nhà nằm bệnh viện?

- Sao cô biết?

- Chiều nay tôi thấy anh đi trong nớ ra. Anh mặc áo quần khác người ta.

Phát ngưng nhai bánh mì, mỉm cười, nhìn lại cái áo thun đỏ có hàng chữ, cái quần jean bụi có miếng vá lớn trên hai đùi.

 

·

Nửa đêm thứ sáu hôm đó, hơi thở của người anh yếu dần. Bác sĩ trưởng phòng cấp cứu đứng bên cạnh đội quân áo trắng. Cô y tá chích một mũi thuốc vào tim anh Quý. Cô ta nhấn mạnh lên xuống ngực anh. Cậu sinh viên mang bốn sao trên túi áo, kề miệng thổi liên hồi vào miệng anh. Ông bác sĩ bảo Phát:

- Khó hy vọng, máu ra nhiều quá, chưa kể mảnh bom trong hộp sọ.

Ông bỏ đi vào trong, chị Quý gào lên:

- Khổ quá trời ơi. Thằng Tèo chết bom, giờ anh cũng chết. Ba mẹ chết, anh cả chết không tìm thấy xác! Ôi cái gia đình họ Đinh bạc phước! Bạc phước! Bạc phước quá trời ơi!

Chị khóc u uất nghe giống tiếng loài sói tru đêm.

Phát ngồi bất động, bịt tai, gục đầu... Phải, chị nói đúng. Tâm thức anh muốn xóa nhòa nhiều nỗi đau cũ. Nỗi đau đầy ắp từ thời trai trẻ.

 

Gần ba mươi năm trước, trong một trận bom vùng núi quê nhà. Có trên chục xác người, có cả ba mẹ. Sau trận dội bom, người anh cả, Đinh Thọ phải về quê chăm sóc từ đường. Mới được vài năm, anh đã mất tích, không rõ nguyên nhân. Từ hơn mười năm rồi, anh Quý lại về quê, lo hương khói... giờ cũng sắp từ giã cõi đời. Cả thằng con trai. Họ Đinh còn bơ vơ mình Phát.

 

Cô y tá mập, vỗ về người chị, nói nhỏ bên tai:

- Mả bên nhà chồng chị bị động rồi. Nếu chôn anh, chị nên nhờ ông bác sĩ Chương trường phòng cấp cứu giúp cho. Ông này nổi tiếng nhất thành phố, không ai bì kịp. Ông tốt lắm.

Chị ngưng khóc, im lặng suy nghĩ một lát, rồi quay lại:

- Chú Phát nghĩ sao?

- Tùy chị. Chị tính sao thì tính.

Bà chị ấp úng:

- Cô nói bác sĩ Chương giúp dùm gia đình tôi. Cám ơn cô nhiều lắm.

Chỉ ít phút sau, ông bác sĩ Chương đến. Ông to mập, da đỏ hồng hào, giọng nói sang sảng:

- Chồng chị tuổi gì? Chị tuổi gì?...

Chương : 1   2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14   
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 5679
Ngày đăng: 16.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân