Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.068
123.234.154
 
Gia phả dòng họ Đinh
Dương Ðình Hùng
Chương 5

Tuấn ra vẻ thành thạo:

- Theo tôi, hai bộ xương chắc là của mấy me đầm vì bị chết oan nên chúng biến thành ma. Lâu lâu thức dậy phá chơi. Nếu chôn trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở Sài Gòn, có nhiều Tây chung quanh, đâu phá phách làm gì cho mệt.

 

Hy chậm rãi:

- Ông cụ tao còn kể, thời xưa khi Tây đến đây. Ban đầu, mọi thứ như giặt quần áo, nấu ăn, người phục dịch là do mấy cô, mấy bà đầm phụ trách. Không bao giờ dùng người bản xứ. Bấy giờ ở Paris, chính phủ chiêu mộ đàn bà con gái đi xa, đến xứ thuộc địa. Hai bộ xương bên kia vườn chắc có lâu lắm rồi.

- Khi qua am vái, Hy cúng món ăn gì?

- Vì là ma Tây nên tôi bắt chước người ta cúng bánh mì sandwich, khi là hộp bơ, có cả ly cà phê sữa.

Ánh trăng thấp thoáng trên đỉnh ngọn tre bên kia sông, sóng sánh dãi bạc trắng trên mặt nước đen. Hy chợt nhìn Phát, hỏi:

- Cây kèn đồng của Phát đâu rồi?

- Đang bị làm con tin trên thung lũng A-Sầu.

- Tại sao?

- Rồi Hy sẽ hiểu. Cây kèn đồng đó đưa tôi phải rời xa vùng đất này hơn hai mươi năm. Hôm nay về thung lũng xa kia vì một phần lời hứa, vì cây kèn. Kèn bám chặt đời tôi. Hy còn nhớ, hai mươi năm về trước, lễ Quốc khánh Hoa Kỳ ngay ngôi nhà này.

Hy cười, xoa mái đầu tóc điểm bạc:

- Ngày Quốc khánh hôm đó, náo động cả xóm yên tĩnh vùng này. Ba chiếc xe quân cảnh Mỹ súng ống vây kín căn nhà tôi. Hàng xóm tò mò tụ lại. Không hiểu chuyện gì xảy ra? Ông bà già sợ ngất xỉu. Mọi chuyện tại tụi mày cả.

- Cũng vì cái nạn mê bài bạc.

Phát nhớ lại, khi đánh bài xì phé. Lúc thua quá cầm luôn cây kèn, cây đàn điện, bộ trống của ban nhạc, được một trăm ngàn đồng. Rồi sau đó cũng thua sạch túi. Đã lỡ ký hợp đồng với lính hải quân Mỹ chơi nhạc mừng Quốc khánh Mỹ dưới căn cứ Thuận An.

Kèn đâu mà thổi, trống đâu mà gõ, chỉ còn cách trốn. May hôm đó nhanh trí, nhảy xuống sông, lội qua cồn bên kia, trốn trong chùa. Nhớ lại mấy thằng quân cảnh da đen bự con cũng ớn da gà.

Sau vụ đó, vay Hy tiền, chuộc lại cây kèn cũ, cuối cùng bỏ xứ ra đi.

- Lúc xưa, Quế thích nghe Phát thổi kèn. Ngày mai báo tin cho hắn. Hy nói.

Đêm tối nghe tiếng mái chèo dưới sông, tiếng gió thổi qua vườn, tiếng bước chân trên lá khô. Da mặt Tuấn co lại, hắn tưởng chừng có tiếng chân hai cô đầm nhà bên, mà vong hồn luẩn quẩn đâu đây. Nhưng chỉ là tiếng bước chân của vợ Hy đi làm về.

Chị chào mọi người, mừng rỡ, kéo ghế ngồi.

Vợ Hy, một trong những hoa khôi của trường Đồng Khánh. Nay tóc đã thoáng bạc, búi gọn sau lưng:

- Các anh vừa ra chơi?

- Phát đi kinh tế mới - Tuấn trả lời.

Chị nhìn Phát. Anh gật đầu.

- Lúc này có gì lạ không chị?

- Gia đình vẫn thường. Mấy đứa cháu giờ quậy phá chịu hết nổi. Bạn bè trong lớp giờ thành bà nội, bà ngoại. Lâu lâu cũng tổ chức họp mặt như mấy anh. Có cái khác là ngôi trường em bị đổi tên, đổi họ rồi!

- Theo tôi, đổi tên là đúng. Thiếu gì tên không lấy mà chọn tên một ông vua, lâu lâu lại nổi cơn điên. Trị vì nước thì đem kho báu ra xài phí, tham nhũng tới trời. Dân oán chẳng thèm nghe, chẳng tốt lành gì để tôn vinh cả. Lại nữa, vua gì mà đi đâu cũng có ông giáo sĩ kè kè bên cạnh. Giáo sĩ báo cáo cho Tây đủ mọi chuyện của vua và triều đình...

Phát nói một thôi, chị Hy có vẻ không bằng lòng, nhìn Phát thách thức:

- Nếu tôi không lầm, ông giáo sĩ đi cạnh vua có họ Đinh với anh?

- Chị cho tôi thời gian đọc lại gia phả họ tôi đã. Điều đó hình như chính xác. Tôi thích kiến trúc ngôi nhà cổ của trường Quốc Tử Giám, sau tên là trường Hàm Nghi. Xóa tên trường trung học bên kia sông, tôi cũng xót!

Đôi chút hoài niệm ngày xưa hình như vừa đủ thấm buồn. Họ chợt cúi mặt nghe đêm.

·

Tuần bốn mươi chín ngày anh Đinh Quý, đông bạn cũ họp mặt. Chị Quý cũng trở về làng A-Sầu cúng chồng, có cả Phượng và đứa con nhỏ lên năm. Việc cúng lễ không còn là nghề riêng bác sĩ Chương. Quế tụng kinh ê-a từ tối qua. Mấy người phụ nữ bộ tộc người Tà-ôi, váy màu sặc sỡ, tai cổ mang vòng khuyên lớn. Đám trai làng, ở trần, khoác mảng vải quanh cổ, đeo răng cọp, xương voi, tạc hình kỳ lạ. Có ông già làng lưng còng, râu bạc trắng dài gần chấm đất. Ông cụ cầm thanh kiếm bạc. Ông vẽ bùa, đánh chiêng, âm vang tận rừng xanh. Khói từ những chiếc dọc tẩu dài tỏa ra sặc sụa.

Giữa trưa, một đoàn người quấn khố, xâm hình trên thân trên mặt, tiến vào nhà thờ họ Đinh la hét những câu khó hiểu. Phượng giải thích:

- Họ người Ca-tang sống trên đỉnh núi cao, gần đây. Họ hiếu khách, nhiều tình cảm. Họ chơi thân với anh Quý, họ cũng có nhiều người trong bộ tộc tử nạn vì đạn bom. Sóc của họ nằm sau dốc Kộ, cuối con đường mòn trước mặt nhà anh.

Phượng đưa lại cây kèn đồng, nhìn thẳng vào mắt Phát:

- Anh trở về đây rồi, tôi trả lại cho anh.

Phượng cười, mắt cười theo. Phát giới thiệu ba người bạn lớp cũ với Phượng.

Họ uống rượu cần. Rượu đựng trong cái ché lớn, đặt trước sân nhà thờ. Ông già làng uống trước tiên. Có sáu bảy ống hút cắm sâu trong ché trang trí màu sắc xanh, hình thù kỳ lạ.

Thức ăn đựng trong những dĩa lớn đặt trên hai cái bàn kê dài. Phượng giữ việc đầu bếp, vài cô hàng xóm cùng chị Do, con gái ông Koòng Ki phụ giúp.

Thịt bò ướp sả ớt, bò cuốn lá lốt bốc mùi thơm dễ chịu. Thịt bò thái nhỏ kẹp trong cây nhỏ. Chính giữa có đống lửa bập bùng. Ánh sáng bừng nóng, soi rõ từng khuôn mặt.

Chị Quý trông tươi tỉnh hơn, tuy có phần đen bóng. Phát nhìn chị:

- Trông chị đen hơn lần trước em gặp?

- Thằng Trâu xây mộ, xong xây lại nhà mới. Cực quá, nhà không có người, chị phải đứng nắng, coi chừng thợ. Hai tháng nữa nhà làm xong, mời em và bạn bè xuống biển chơi. Nhà đẹp lắm.

Quế tụng kinh xong, cởi bỏ áo tràng màu lam, đến ngồi cạnh Phát. Mái tóc chải rẽ ngôi giữa, bóng mượt, da mặt trắng như con gái; ngày xưa Quế chơi trống chung ban nhạc với Phát, phần nào vẫn còn phong độ. Một anh chàng bạt mạng - ngang tàng - chẳng sợ ai trên đời, hôm nay làm thầy cúng, bỏ luôn đạo giòng.

- Quế làm thầy hồi nào? Sao tôi không biết gì cả!

- Đã lâu lắm, gần mười năm rồi. Từ năm 79, tôi bị đưa ra khỏi đảng vì tôi hủ hóa, nhiều vợ lung tung. Kiểm điểm hoài không nghe. Thời trai trẻ, bồng bột, ham chơi, nóng tính. Tôi chọn nghề này vì thiết nghĩ không cần bằng cấp gì cả. Chỉ cần lòng tin. Lòng tin thì nhiều lắm. nhiều vô hạn!

Quế phác một cử chỉ vu vơ:

- Phải biết, trước đây tôi học Hán văn trường Văn Khoa, nên chuyện đọc viết sớ không có gì khó. Chịu khó đọc thêm một chút bói toán kinh dịch... là xong ngay.

Quế bước lại ché rượu cần, tu một hơi dài, rồi trở lại chỗ ngồi cũ:

- Lâu quá không được uống rượu cần, kể từ năm 75 trở về thành phố. Trước đó tôi uống thường xuyên trên vùng Trường Sơn này.

- Tại sao Quế lại vô mật khu?

- Nhiều chuyện lắm. Đầu tiên nổi khùng vì mấy thằng lính Mỹ. Phát nhớ không? Hôm cậu trốn vào Nam, tôi đi chuộc cái trống đem về nhà. Tụi nó còn nhớ dai, chuyện bọn mình dám bỏ chơi nhạc ngày Quốc khánh Mỹ. Tuần sau tụi nó đến mấy xe jeep, tìm hỏi thăm sức khỏe cậu. Không gặp Phát, một thằng da đen đã dùng dao găm rạch nát cái trống xịn của tôi. Tôi muốn khùng lên. Lại bị gọi lính đêm ngày, sẵn dịp theo bạn vô rừng. Và cũng vì ông cụ cũng muốn thế. Thanh niên ai lớn lên cũng đều có lý tưởng giống nhau, sợ không có dịp.

- Vậy sao Quế bỏ đạo?

- Chuyện đó cũng dài. Ông cụ tôi bảo, xưa vô đạo để có gạo ăn, tìm việc làm dễ, tụi Pháp ít để ý. Riêng tôi thì khác, lại thêm mối thù, với ông linh mục dạy học - Quế cầm cái tẩu phì phà - Vùng này mình thuộc như cháo. Bao nhiêu năm sống chung với những người bộ tộc. Nằm gai nếm mật.

Ngẫu hứng Quế lui về dĩ vãng xa hơn, thời còn bé học trường Providence:

- Một hôm chủ nhật, trời nóng nực, mùa hè cháy da người, nhất là khi đá bóng xong. Sân trường vắng người, thằng Thuần xúi tôi leo lên cây trộm dừa. Lúc tụt xuống bị con chó berger đuổi chạy thục mạng. Bỗng đâu sợi dây thừng trên trời rơi xuống cột chặt. Cái thòng lọng. Cha Tam ném bắt tôi, như bắt con bò tót. Ông Cha ở thường trực trong trường. Tôi bị cột chặt suốt ngày dưới sự giám sát của con chó dễ ghét. Khi được thả về, tôi còn bị quất mấy roi mây, ba tuần sau mới lặn dấu bầm đen.

Giọng Quế trầm ngâm kể tiếp:

- Tháng sau, thằng Thuần lại xúi tôi đi mua thịt nướng trong quán cơm Âm hồn để thuốc con chó dễ ghét đó. Thuần cho thịt nướng ngâm vào thuốc rầy hắn mang theo trong chiếc cà mèn thiếc đựng cơm. Hai đứa chở nhau đến trường, ném qua hàng rào, dưới gốc cây dừa, rồi đậu xe chờ đợi. Hàng rào có hình dáng ô vuông và vòng tròn xen kẽ. Hai đứa nhìn vào trong sân trường, thấy rõ con chó ăn ngon lành miếng thịt nướng. Buổi sáng hôm sau, đôi mắt cha Tam đỏ vì thương con chó. Cha nhìn tôi nghi ngờ, rồi do căm thù, hành hạ tôi nhiều thứ, tôi phải đổi trường học khác. Học Pellerin mới gặp cậu. Cũng tại thằng Thuần xui, chớ tôi đâu có ác.

Chợt tiếng khèn môi thổi lên cao vút, tiếng sáo đệm theo. Một con gái mặc váy sặc sỡ bước ra gần đống lửa, vái chào mọi người, hát:

Nếu em hóa ra đá, tôi đập đá mang về.

Nếu em hóa ra đất, tôi quyết đem về một nắm.

Nếu em hóa thành hoa, thành cây cối, tôi quyết đem về trồng.

Thương em đến nỗi sầu.

Nhớ em đến đau ốm.

Ước gì gan mật mãi mãi thuộc veè anh...

·

Sáng sớm chị Quý ra xe về biển để còn kịp làm xong nhà trước mua mưa tới.

Họ đi tiễn một quãng rồi dạo chơi trên đường đất đỏ dẫn vào núi sâu, xa xa là biên giới Lào.

Quế tỏ ra rất thông thạo vùng này:

- Phía mặt trời mọc kia, xưa có cái đồn lớn, tên Cồn Gia, thời ông Diệm. Gần đó là cứ địa tôi ở suốt mấy năm trong buôn người Cà-Tu. Có những lúc máy bay càn quét dữ dội, tôi nằm dưới hầm suốt ngày, đôi khi chạy qua biên giới. Vùng này tôi đã đi qua nhiều lần, đâu biết ông bà già Phát ở đây!

Phát tư lự:

- Ông cụ và bà cụ chết năm 72. Thời có chiến dịch Hạ Lào, vùng này bị quần nát. Theo lời người ta kể lại, hôm đó nguyên trái bom rơi xuống vườn tôi, đất đá, người quay tròn. Hơn mười người chết, tất cả chôn sau vườn. Thời gian đó tôi không về quê đưa đám được, tôi còn học đại học trong Nam.

Thuật Hy cắt ngang:

- Tụi mày có tin tức thằng Phiên còm không?

Tuấn thao thao:

- Năm Mậu Thân, có người Mỹ chạy trốn loay hoay trong thành phố. Nó sợ quá chui vào nhà thằng Phiên. Ba má Phiên là người mộ đạo Phật. Con kiến cũng không dám giết, huống chi gặp con người. Ba má Phiên cho người Mỹ nằm trốn dưới hầm. Lúc đó bom đạn rơi như mưa khắp thành phố. Sau vụ đó, thằng Mỹ về nước rồi bảo lãnh cho ba anh em nó qua Mỹ học. Người Mỹ đó không có con cái, nhận mấy đứa em Phiên làm con nuôi. Cách đây hai năm, Phiên có gởi thơ cho nó, nó ở bang New Yersey. Cậu ta là kỹ sư vi tính, đang làm cho bệnh viện. Phiên viết có thể nó sắp về chơi, kiếm vợ luôn thể.

Phát hỏi Quế:

- Trên bia mộ ba tôi chôn trong vườn, có ghi ngày 15 tháng 6, nhưng không hiểu đó là ngày chết hay ngày chôn của ông bà?

- Tháng sáu năm đó là tháng vùng này bị dội bom khủng khiếp nhất. Theo tôi đó là ngày dội bom.

Quế chỉ con dốc xa xa, phía ngọn núi hình chiếc bánh, rồi xuống giọng:

- Dốc cao kia là dốc Kộ, sau dốc Kộ là con đường có tên Đường Dốc Bút. Thời tôi ở đấy, dốc Bút là con đường chiến lược để chuyển quân vào ra Bắc Nam. Con đường lịch sử chạy bám dãy Trường Sơn.

·

Bọn họ vượt qua dốc Kộ, theo con đường đất đỏ chìm dưới tàn lá rừng, băng qua làng người Cà-Tu. Những ngôi nhà lớn quần tụ nhau hình móng ngựa. Chính giữa có sân rộng, đám trẻ tụ lại chơi đùa. Bông chuối đỏ điểm trên lá xanh non. Khói bốc lên từ những ngôi nhà hiu quạnh.

Từ đỉnh dốc Kộ, nhìn xuống thấp thoáng hàng trăm ao. Hố bom biến thành hồ rau muống, hồ nuôi cá, trong thung lũng sâu. Một con đường nhỏ, lối đi cỏ hoang lấp kín. Quế chỉ một cái am nhỏ bên cạnh con đường mòn, che mát bởi gốc cây bồ đề già:

- Đây là am Cô, linh thiêng nhất vùng này. Những ngày cúng được mùa, cúng tạ trời đất, rất nhiều người dân tộc thiểu số tụ lại dâng hương. Xưa kia, vài trăm năm trước, Công chúa Huyền Trân đi con đường Dốc Bút vào Nam. Thuở chưa có đèo Ải Vân. Gần đến biên giới, Công chúa đuổi tất cả người hầu cận phục dịch về nước. Công chúa không muốn mấy cô hầu lấy người ngoại quốc như mình. Đi ngang nơi đây, một người hầu công chúa tên cô Ba bị bệnh nặng. Trước khi chết, cô Ba trăn trối, gọi tên Công chúa Huyền Trân nhiều lần. Mộ cô Ba chôn nơi đây. Nhiều người tới thắp nhang mộ cô Ba để tỏ lòng kính phục lòng trung nghĩa của cô. Cô Ba thỉnh thoảng hiện hồn dẫn dắt người bộ hành ngang qua đây. người dân đây thường tới am Cô, xin xăm, xin tài lộc. Bom ném vùng này trên vài chục lần, đào mấy trăm hồ ao, nhưng cái am vẫn như cũ, chỉ một ít mái ngói rơi lỗ chỗ cạnh chân tường mốc meo kia mà thôi.

Họ ngồi dưới gốc cây đa già nghỉ ngơi. Quế mơ màng chuyện xa xưa:

- Tháng sáu năm 72, có nhiều vụ ném bom B52 trên vùng này. Hai lỗ tai tôi thời đó rướm máu mấy lần. Sau đó đơn vị tôi phải di chuyển sâu vào bên trong biên giới Lào. Hàng ngàn tấn đất bắn tung lên trời chung với người, chung với lời rên xiết “Trời ơi, cha ôi, mẹ ôi... Tú ơi, Hoàng ơi”. Tên những người thân, tên những người dân hiền lành, tất cả đều bị chôn vùi trong đất lạnh. Ba mẹ Phát còn tìm thấy xác là tốt phúc lắm rồi.

- Nhớ lại thời đó. Thấy chiếc C130 là muốn khiếp. Hung thần trên không. một sự di động nhỏ, chiếc xe hơi lăn bánh, đống lửa đốt lên nấu ăn, châm điếu thuốc Lào, hình như C130 biết hết. mình suýt chết mấy lần. Quá khứ hãi hùng, bi tráng trên vùng núi cao. Quế nhìn trời xanh im lặng. Phát lắng nghe, đôi mắt nhíu lại:

- Nghe chuyện máy bay C130, tôi nhớ lại chiếc C130 ngày xưa, khi tôi quá giang trốn khỏi thành phố này vô Nam. Tôi nhờ người quen xin đi máy bay quân sự khỏi mất tiền. Trong hầm chiếc máy bay nóng ngột ngạt, âm thanh ồn khó chịu, tôi ngồi bó gối, bên cạnh khoảng chục tù nhân ốm đói, đôi tay bị còng vào mấy sợi dây lớn trong máy bay. Tôi lắc lư tay nắm chặt sợi dây toòng teng thả từ trần xuống, cuối chiếc máy bay có nhốt một con cọp, hai con gấu bự trong lồng sắt. Thú rừng đem biếu cho quan chức lớn. Người và vật khổ nạn giống nhau trong chiếc máy bay C130 đó...

Sương còn vương lại trên sườn núi. Tất cả im lặng, núi rừng bí ẩn. Quế nhớ từng chi tiết nhỏ một cách lơ đãng. Trái tim như
Chương : 1    2    3    4    5   6    7    8    9    10    11    12    13    14   
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 2157
Ngày đăng: 16.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân