Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.068
123.233.991
 
Gia phả dòng họ Đinh
Dương Ðình Hùng
Chương 8

- Nhà khép cửa, vắng bóng người. Buồn quá.

Có tia chớp xẹt xuống phía sau con suối Thầy. Tiếng sấm rền kéo dài. Âm vang như tiếng pháo kích. Mưa đá về trên vùng núi cao.

Phát nhìn mưa:

- Thời gian qua nhanh quá. Mới hôm nào đã bốn tháng rồi. Phượng biết không? Tôi đã giã từ một thế giới đông đúc như ổ chuột bên cạnh con kinh đen, để đến một thế giới rộng rãi nhưng nhiều lo toan hơn. Cám ơn Phượng đã giúp tôi.

Phát nhìn vào mắt Phượng, đứng dậy cầm tay:

- Có Phượng, tôi tưởng như có được một thế giới khác, ở đó nhiều giấc mơ đẹp và hy vọng.

Phượng nhắm mắt, yên lặng. Đôi môi mấp máy như chờ nụ hôn. Bên ngoài trời vẫn mưa.

(Tranh)

CÔ GÁI SỬA GIÀY – TRANH SƠN DẦU

Dương Đình Hùng

 

Chương hai.

Nắng về giữa mùa mưa, vàng trong trải trên vùng đất ấm. Chiếc cầu dài bắc qua cái đầm rộng mênh mông có chiếc thuyền con thường đưa Phát qua bên kia bờ. Thời ấu thơ, Phát ra biển đùa vui với sóng khi mùa hè đến.

- Hy, tụi mình dừng xe ở đây nghỉ một chút.

Chiếc Honda dừng lại giữa chiếc cầu dài. Phát nhìn dòng người cuồn cuộn chảy sau cơn mưa lũ, dưới kia dòng nước đục màu gạch úa, mang theo những đám bèo lao vút về biển Đông , qua phá Tam Giang.

Cầu mới xây. Bến đò xưa kia, giờ đây là chợ, có con đường cát trắng chạy ra biển. Hàng phi lao héo úa mùa đông bị chẻ đôi bởi con đường cát mang nhiều rác bẩn. Hy chỉ quang cảnh bên đường:

- Ở đây đổi thay nhiều. Xưa, làng toàn nhà tranh, giờ vài người giàu có.

- Tôi đếm được chục nhà mới xây. Sau rặng dương lễu có nhiều mả mới, to hơn nhà dân. Dân đây thích làm hàng mã hơn dựng nhà. Lạ thiệt.

Hy chỉ phía trước, phía sau đồi cát trắng:

- Lát nữa, Phát sẽ thấy còn mấy cái mả lớn lắm. mỗi cái phải ít nhất tốn mấy chục cây vàng.

Làng biển có hơn trăm nóc tranh, mấy chục ngôi nhà ngói, nhà đúc, mới xây. Hàng cây dương liễu che chắn gió biển. Bãi cát trắng im vắng, chục thuyền đánh cá nhỏ tí tẹo phơi nắng đông. Mùa biển động. Sóng biển gầm thét không ngừng.

Hơn trăm người ngồi chật ngoài sân của ngôi nhà mới hai tầng lầu. Chị Quý mặc áo dài vàng, uốn tóc quăn, đứng ngay cửa chính đón khách, tiếng cười nói, tiếng nhạc xập xình từ hai cái loa kéo ra ngoài sân, trông như đám cưới.

Chị cười, vồn vã kép Phát và Hy đến với một cậu thanh niên to con đen bóng:

- Đây là Trâu, em trai chị. Chú Phát vào Nam lâu rồi, đâu biết mặt Trâu.

Phát bắt tay, cười giới thiệu Hy, bạn cũ đi cùng.

Họ đứng ngắm cái tủ thờ, xem cái bộ ghế salon đánh vecni màu đỏ, nghe dàn máy karaoké hiện đại... rồi chị dẫn Phát, Hy đến bàn bác sĩ Chương.

Ông ta vẫn tròn mập, mái tóc cắt gọn, ngồi cạnh cô đầm tóc đen và toàn người lạ mặt. Chủ tịch xã, ủy viên thư ký, trưởng phòng xây dựng xã... bạn trẻ của Trâu bên Mỹ về thăm nhà chung chuyến bay. Tất cả chào nhau, vui vẻ ăn nhậu.

Bàn Phát ngồi, có vẻ đặc biệt, dành riêng cho khách quý.

Chai rượu Johnnie Walker đỏ để chính giữa, bên dưới gầm còn có hai thùng bia Heinneken. Bác sĩ Chương hỏi:

- Công việc trên làng A Sầu thế nào?

- Nhờ thầy coi, nên mọi việc tốt đẹp. Cám ơn thầy nhiều lắm - Phát đáp.

Bác sĩ Chương cười sung sướng, nói tiếp:

- Tôi nhớ mà, anh Phát tuổi Mậu Tý?

Phát gật đầu, nghe ông ta bàn tiếp:

- Tuổi Tý thì lận đận trăm bề, nhiều lo nghĩ. Nhưng về già sẽ phong lưu. Mậu Tý có tượng nạp âm Tích Lịch Hỏa. Lửa sấm sét, mạng hỏa... Năm nay nạp âm là Giang Hạ Thủy, nước nguồn suối. Vậy năm này là năm khắc chế nên hao tài tốn của.

Mấy người ngồi chung quanh nhìn Phát dò hỏi. Phát chỉ cười thầm, tuổi già chưa thấy, tuổi trẻ đã kể cho bác sĩ nghe cả rồi, cái hôm trên xe đua xác anh Quý về làng. Phát gật đầu. Mọi người phục tài bác sĩ Chương.

Bác sĩ nâng ly rượu, đọc thơ Cao Bá Quát:

Có lưu lạc mới biết mùi trần thế.

Còn trần ai không tỏ mặt công hầu.

Ngất ngưởng thay con tạo khéo cơ cầu.

Muốn đại thụ hãy dìm cho lúng túng.

Mọi người vỗ tay hoan hô. Cô đầm, không hiểu gì cũng vỗ tay lâu và to.

Bác sĩ Chương giới thiệu cô đầm là bác sĩ Lacaze, người pháp, sang làm việc chung trong bệnh viện trung ương. Nghe thấy, Phát và Hy bắt tay cô Lacaze, chào nhau mấy câu tiếng Pháp xã giao.

Cô ta đứng dậy, bước lại phía Phát, Hy, ôm hôn má. Đôi mắt cô long lanh vui sướng.

Cô lắp bắp “Enchantée...” có thể cô ngạc nhiên, trong vùng biển quê mùa này, có đến hai người biết nói tiếng nước cô.

Ông chủ tịch xã chuyển đổi chén đũa của cô. Cô ngồi giữa Phát, Hy. Hai người có dịp nói tiếng Pháp. Ngôn ngữ tụi hắn phải bị học từ khi còn con nít trong trường Pellerin. Cô ta tên Christine Lacaze, bác sĩ làm việc tại một bệnh viện thành phố Nice.

Cô mới về đến Việt Nam. Bố là sĩ quan quân đội Pháp, sống một thời gian khá lâu tại Việt Nam. Mẹ người Ý. Nhà Lacaze hiện ở thành phố Menton, biên giới của Pháp – Ý.

Hy nhận xét:

- Chị lai Ý, nên mái tóc đen dài giống tóc thiếu nữ nước tôi.

Lacaze hãnh diện, vuốt mái tóc đen mỉm cười.

Càng uống càng ồn ào. Câu chuyện chính xoay quanh nhà cửa, mồ mả. Người ta thách nhau làm nhà, xây mồ dời mả.

Âm thanh giàn máy phát ra tối đa. Đủ loại nhạc rock. Nhạc rap hiện đại. Trâu mặc quần cụt trắng dài tới gối, áo thun trắng có in hình, in chữ nhiều màu. Hắn tròn mập, đen nên nổi bật, nổi bật luôn những vết mụn sâu đầy hai má. Dây thắt lưng có cái túi to tướng trước rốn.

Trâu đang ở giữa khoảng trống trước sân nhà, đang nhảy theo điệu rap. Hắn nhảy rất điệu nghệ, đôi chân đưa lên xuống, khi nhanh, khi chậm. Hai cánh tay vẫy qua lại nhọc nhằn, mắt Trâu lim dim như mê ngủ. Hắn nhảy giống trong phim.

Đám trẻ trong làng bu quanh nhìn Trâu nhảy, la ó, vỗ tay. Chúng cũng mặc quần cụt và ở trần.

Người bạn Trâu ngồi cùng bàn Phát, khoe:

- Tụi em bên kia, cuối tuần thường đi nhảy đầm chung với nhau.

- Các anh ở đâu?

- Tụi em ở Lousiana.

- Chắc nhảy đầm tốn tiền lắm.

Hắn cười, khuôn mặt tự đắc:

- Nhằm nhò gì với tụi em. Trâu có hai chuyến đánh cá, em có đến ba thuyền. Kiếm tiền vô kể, nhảy đầm là cái thớ gì. Hai tuần trước khi về đây, em thua ở Casino gần trăm ngàn đô. Tiền đó dư làm năm cái nhà như nhà thằng Trâu này.

Hắn lại chỉ cô đầm nói với Hy:

- Anh mời dùm cô đầm nhảy với em. Em không nói tiếng Pháp được.

Bác sĩ Lacaze ra ngoài sân nhảy chung với Trâu, ngày Trâu và đám trẻ.

Phát lơ đãng nhìn ra ngoài. Khoảng ba chục căn nhà mới chung quanh đây. Nhà nào cũng giống nhau, màu sắc chói chang, xanh đỏ tím vàng... xen kẽ là nhiều mái tranh rách nát giống chuồng bò. Nhà cũ lụp xụp khép nép thủ phận. Nhà mới cao lớn ngạo nghễ, chẳng buồn ngó xuống phía dưới. Rác rến, ruồi, nhặng lấp đầy lối đi. Rải rác những chiếc ghe điều cá cũ kỹ nằm trên cát. Ghe nhỏ bé tự hồi nào, giờ trông thảm hại hơn.

Thư ký xã, mặt ửng đỏ, cụng ly với bác sĩ Lacaze nhiều lần, la to:

- Giờ chúng ta uống B52.

Có người không hiểu.

Hắn lấy một ly cối lớn rót bia tràn đầy, rồi rót tiếp một ly nhỏ rượu whisky, thứ ly đựng rượu để cúng.

- Nhìn tôi biểu diễn, rồi mọi người làm nghĩa vụ uống B52 như tôi.

Hắn thảy rượu nhỏ vào giữa ly bia lớn. Ly nhỏ chìm xuống đáy, bọt trào từ dưới đáy lên, hắn cầm lên nốc một hơi hết 100%. Mọi người vỗ tay.

Bác sĩ Lacaze ngạc nhiên trố mắt nhìn. Phát nhăn mặt. Bọt bia vừa uống bốc lên cuồn cuộn, lớp bọt trắng to nhỏ như khói bom nổ tung trên đất.

Hy lúi cúi viết địa chỉ nhà mình cho bác sĩ Lacaze.

Hắn mời Lacaze, mời Trâu ăn cơm chiều mai thứ bảy, có Phiên cũng ở bên Mỹ về thăm.

Bác sĩ Lacaze vui vẻ nhận lời.

Trâu uống một hơi hết trơn ly B52, cười lớn:

- Sáng mai tôi vào Đại nội làm vua. Tôi mời mọi người cùng đi. Tôi mời. Xe hơi tôi tới đón tại nhà anh Hy lúc 9 giờ sáng.

Trâu bước đến cạnh bác sĩ Chương:

- Tôi nghe danh tiếng bác sĩ. Hân hạnh được gặp mặt.

Bác sĩ Chương hỏi:

- Em sinh năm nào? Tháng nào?

- Em sinh năm 65, tháng 5.

Ông ta bấm tay, lẩm bẩm cười nói:

- Trâu sinh năm Ất Tỵ, mùa Hạ. Cung Sinh là cung Đoài, Cung Phi là Cấn, Thần độ mạng là ông Quan Đế. Tuổi Ất Tỵ có cách Can sinh Chi. Đây là mẫu người có phúc đức lớn. Lúc trẻ thì nghèo khổ, từ trung niên trở đi thì giàu sang phú quý ít ai bằng. Nhà cửa to lớn.

Thiên nguyệt đức ngộ Đào tinh.

Trai xinh gái đẹp, vợ lành chồng sang.

Trâu mặt mày hoan hỷ, nâng ly liên tục với bác sĩ Chương:

- Lát nữa, trước khi thầy về lại phố, thầy làm ơn xem lại cái mộ ba em chôn sau nhà, gần gốc dương liễu. Em định làm cái mộ lớn nhất làng.

Trâu hướng về phía ông Trưởng phòng xây dựng xã nói:

- Tôi định xây cái mộ lớn nhất làng, anh tính sao?

- Anh đừng bận tâm. Có tôi đây!

Trước khi chấm dứt tiệc, Trâu nói:

- Nói thiệt với thầy Chương, lúc này em làm ăn khá lắm. Thầy đừng động mả bên dưới. Sau này nhờ thầy giúp em, viết dùm gia phả dòng họ Võ, tổ tiên em.

- Yên tâm, yên tâm! Bác sĩ Chương nói cười, đôi bờ mi rung rung che kín đôi mắt trên khuôn mặt hồng mập.

·

Phát ngồi trên bến sông, sau vườn nhà Thuật Hy. Sáng sớm, hơi sương còn vương vấn trên mặt nước xuống trong, mong manh như màn khói. Bên kia sông, hàng tre xanh quanh cồn soi mình xuống nước, hàng chục bến trên sông nép mình dưới bóng mát tàn cây.

Tiếng vỗ quần áo, tiếng xào xạc của bàn chải cọ xát qua lại trên vải vóc vang xa. Các cô gái giặt giũ ở bến sông kế cận nói cười lao xao với những người đi gánh nước sớm. Tất cả vội vã vì mặt trời vừa hiện ra sau một cơn mưa dài. Mùa bão lụt.

Người làm của Hy, cặm cụi với đống áo quần to tướng. Cô bé da ngăm đen, mặt tròn, lâu lâu ngước nhìn lên phía Phát mỉm cười. Phát lơ đãng nhìn khói bốc lên từ bếp cơm buổi sáng trong con thuyền neo gần đó. Tiếng Hy:

- Sao dậy sớm thế?

- Mình lớn tuổi cả rồi. Người khó ngủ.

Hy đặt tách cà phê cạnh Phát:

- Uống đi, loại này ngon đặc biệt. Thằng Phiên về, nó ở lại nhà bà con dưới Bao Vinh. Xế trưa nay sẽ lên ăn cơm với tụi mình. Hắn đề nghị ăn dưới thuyền, vui hơn, vừa ngắm cảnh. Đã thuê một chiếc thuyền để đi chơi, không thuê ban ca nhạc. Tụi mình là dân chơi nhạc cả. Quế sẽ đến, chắc đem theo sáo, guitar, có gì Phát đệm đàn.

Phát cười, gật đầu.

Áo dài lam xám, đôi gánh trĩu nặng trên vai, bà bán cơm hến bước về phía hai người. Tiếng lá khô lạo rạo dưới chân.

- Tôi gọi cơm hến vào đây cho hai anh ăn - Vợ Hy đi sau bà bán cơm hến béo tròn lên tiếng, chị cười nhìn Phát:

- Anh ở trên núi đã lâu, tôi nghĩ anh thèm thức ăn sông biển. Ăn hến mát lắm.

- Cám ơn chị. Xin đừng làm cay quá.

Phát ăn liền hai tô cơm hến. Anh lau mồ hôi nhỏ xuống, ướt đẫm áo sơ mi. Vô số con hến li ti sống trong lớp cát, dưới nước trong quanh cồn nổi. Bốn mùa đều có hến. Hến ăn với cơm nguội, với nước hến nóng trong, với đủ loại rau, đủ mùi cay chua ngọt, bùi.

Bữa ăn sáng rẻ và ngon, có thể chỉ vài cents Mỹ ngay giữa phố thị này.

·

Đám người xuống xe trước cổng Ngọ môn. Trâu và người bạn dẫn đường mua vé vào cổng. Chị Quý hôm nay mặc áo dài trắng rộng thùng thình. Trâu vẫn cái quần đùi trắng hôm qua, áo thun đỏ nhiều sao xanh. Trâu mặc áo đỏ có lẽ vì hôm qua, bác sĩ Chương bảo tuổi Ất Tỵ hợp với màu đỏ, màu xanh... Tiếng kèn, tiếng trống khua lên inh ỏi một góc Cấm thành.

Một bảng thông báo dán trên mảng tường rêu phong nội dung viết: “Ai ai cũng có thể làm vua... mười phút, giá bèo bọt 3 đôla”...

Trâu làm vua trước tiên. Nó mang hia đội mũ, mặc áo hoàng bào, tán che kín người. Chiếc kiệu đến đón Trâu. Nó, tay cầm kiếm Thượng phương... hai bên văn võ đại thần nghiêm trang đứng chầu. Trâu cười toe toét.

Dàn nhạc cung đình trỗi lên, sáo thổi đàn ngân. Trâu bệ vệ bước xuống, đi chọn lựa Hoàng hậu và mỹ nữ để chụp hình. Ánh sáng chớp lòe lên, chụp hình Trâu, bạn Trâu... ở mái hiên phía tây có chục cô cung phi mỹ nữ ngồi chờ đợi lượt mình, có vẻ buồn, là những vai phụ, thân phận bẽ bàng.

Phát ngồi trên ghế đá, nhìn mảnh vườn phía sau Nội cung. Lau sậy mọc kín che quá đầu người. Thấp thoáng mấy tòa nhà đổ nát hoang tàn. Hy lắc vai:

- Sao không vào trong làm Vua? Vui lắm.

Phát chỉ ngôi nhà ngói cổ đã nát tan, chung quanh có nhiều cây sứ trắng, giọng buồn:

- Xưa kia tổ tôi, ông Đinh Đại là người bảo vệ Quốc sử quán kia. Cái đêm kinh hoàng 5/7/1885, kinh đô thất thủ. Ông Tổ tôi đi theo vua Hàm Nghi ra Tân Sở kháng chiến. Hàng chục ngàn bộ sách quý đã bị người ta chở đi mất. Người Pháp phải dùng hai cuộc tàu lớn mới chở hết. phần sách, tranh tượng còn lại người ta đã đốt mất rồi. có thể vết cháy đen còn trên tường thành là dấu vết còn lại.

Phát lại chỉ tay về phía điện Thái Hòa:

- Cái ngai Vua ở đây là ngai làm giả. Ngai thiệt của chúa Nguyễn đang nằm trong bảo tàng viện Louvre, cả cây bảo kiếm nạm ngọc của vua Gia Long. Chưa kể 228 viên kim cương của bà Thái Hậu, 271 đồ bằng vàng trong các lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức... biết bao nhiêu đồ châu báu, không kể xiết. Tôi thấy trong Fontainbleau, nhiều đồ quý giá của vua Phổ Nghi gởi cho nữ hoàng Victoria và Napoléon III. Người ta ước tính nơi đây, tài sản bị cướp phá giá trị hơn mười lần vụ cướp phá cung Mùa hè tại Bắc Kinh.

Hoàng thành im vắng, họ im lặng quay ra cổng chính. Trâu vẫn còn mặc áo vua, đứng trên Ngọ môn nhìn ra sông xanh mỉm cười.

Phát chỉ Trâu trên mặt thành:

- Đố Hy, thằng Trâu đang nhìn và nghĩ gì?

- Có lẽ hắn đang sung sướng - Hy đáp.

Phát lắc đầu:

- Tôi cam đoan, hắn đang nhìn kỳ đài. Nhưng hắn khó thấy được bao nhiêu người đã chết vì chỉ muốn bảo vệ ngọn cờ đó. Trăm năm nay nhiều xác người đã gục ngay cột cờ này. Hắn thấy ngôi nhà lớn bên kia sông, nhưng đâu biết đó là dinh Toàn quyền của tướng Courcy, tên cướp đốt kinh thành, đốt một phần văn hóa nước mình. Trâu đâu biết nhà nhỏ ven sông nằm đối diện, nơi vua Duy Tân chiều chiều ra câu cá mong làm đại sự. dưới chân Trâu là cửa chính Ngô môn, nhắc nhở một nỗi nhục lớn khi viên công sứ Rheinard hống hách đi vào dự lễ đăng quang của vua Hàm Nghi, năm 1884. Cửa chỉ dành cho Vua, nhưng phải mở để đón hắn. Nỗi nhục xưa đó báo hiệu ngày lụi tàn của triều Nguyễn.

Phát bước tới hồ sen bao bọc Cấm thành. Những đóa sen hồng trắng khoe sắc trên mặt nước lặng yên.

Trâu cười vỗ vai, dặn người chụp ảnh trước khi ra về:

- Anh nhớ phóng mấy cái ảnh tôi làm vua thật to, mỗi tấm hai mươi bức. Xong anh lộng kính để tôi đem về Mỹ tặng bạn bè.

·

Thuyền rời bến sông nhà Thuật Hy, có cả người khách mới quen là bác sĩ Lacaze. Vợ Hy bận rộn với mấy món ăn nấu đem theo để chiêu đãi.

Phiên mập và trắng hồng. Anh ta nói không ngưng, vì lâu ngày mới gặp lại nhau, anh kể những năm học đầu tiên ở đại học Philadelphia bên dòng sông thơ mộng. Sau chuyển về làm nghiên cứu trong một bệnh viện ở Massachusette, chuyên viết phần mềm cho những công trình nghiên cứu của bệnh viện. Học, học, làm, làm, quên luôn chuyện cưới vợ.

Bác sĩ Lacaze thú vị khi có nhiều người nói giỏi tiếng Pháp. Dân cựu học sinh trường Tây cả.

Phiên nhìn Phát:

- Toa làm nghề gì? Vợ con thế nào?

- Moa độc thân như toa. Moa dạy học trên làng A Sầu, trồng cây, nuôi thú... vùng gần biên giới Lào.

Họ kể cho nhau nghe nhiều chuyện khác, chuyện mấy đứa nhỏ vùng núi tội nghiệp, chuyện con nai vừa trúng bom bi, chuyện làng xóm nghèo khổ... Bác sĩ Lacaze vừa ăn nem tré vừa lắng nghe:

- Ba tôi xưa kia cũng phiêu lưu trong quân đội Pháp đã ở đây nhiều năm. Giờ đây, ba tôi còn sống. Mỗi lần tôi hỏi về nước của các anh, ba tôi không chịu nói gì cả. Ông thường trầm mặc, nhất là sau bữa cơm chiều. Bên ly rượu, ba tôi nhìn mấy món đồ xưa đem về từ nước Việt Nam. Ông uống rượu một mình, nhìn ra biển, bên kia là nước Ý quê mẹ tôi.

bác sĩ Lacaze nhìn rặng núi Trường Sơn, phía xa kia:

- Tôi là con gái độc nhất trong nhà. tôi thắc mắc, phân vân về chuyện nước các anh từ lâu lắm. Thuở nhỏ, đêm nào têlê cũng chiếu chiến tranh Việt Nam. Tôi đến đây làm việc trong “Đoàn bác sĩ không biên giới”. Ước mơ lớn của tôi thuở còn bé, hôm nay mới thỏa nguyện. Gặp được các anh tôi mừng quá.

Thuyền vẫn trôi trên dòng sông yên tĩnh. Họ ngồi trong khoang, cảnh vật như một tác phẩm hội họa kỳ bí. Thuyền đến bên đò Tuần.

Quế chỉ cho bác sĩ Lacaze:

- Chỗ kia là lăng Sọ, có xương của người anh hùng áo vải Tây Sơn. Xa kia là lăng Gia Long. Lăng sừng sững trơ vơ giữa rừng vắng lặng. Còn dưới kia là lăng Minh Mạng. Chị đã vào viếng thăm lăng Minh Mạng chưa?

Bác sĩ Lacaze lắc đầu, Quế tấm tắc:

- Mỗi bước chân trong lăng Minh Mạng đều có ít nhất một vần thơ ghi dấu trên cột, trên vách, trên đá. Một ông vua mê thơ văn.

- Thơ văn theo tôi là một phần cực kỳ quan trọng của một quốc gia. Nước Nhạt hùng mạnh, đâu có tài nguyên bao la như các dân tộc khác, nhưng có nền văn hóa tuyệt vời. Nhất là thơ văn. Người ta ước tính mỗi ngày có hàng chục triệu người Nhật vẫn ngâm, đọc những vần thơ cũ ngay khi làm việc. Họ nói thơ trong bữa ăn, thấy thơ trong giấc ngủ.

Mặt trời lặn dần sau núi. Phát nhìn con đường nhỏ sau rặng cây cao:

- Đó là con đường 13, con đường lên vùng tôi ở.

Phát rút cây kèn trong túi:

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8   9    10    11    12    13    14   
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 2152
Ngày đăng: 16.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân