Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.076
123.233.855
 
Gia phả dòng họ Đinh
Dương Ðình Hùng
Chương 14

- Cô này em bảo nhiều lần, mặc áo che ngực lại mà không chịu nghe.

- Chốn tu hành của anh Quế mà có người đẹp mình trần thử thách chắc để đo lường thành quả?

Quế im lặng, ra giếng lau mình.

Cô Bầu ong óng:

- Em đi ngang, thấy chiếc xe ô tô, em biết có anh chị ở đây. Em ưng chiếc xe này, mấy con em cũng ưng. Bụng em nhớ chị lắm.

Phượng đưa Bầu qua chiếc cầu tre vào nhà:

- Hai con vào nhà chơi. Cu Minh và cu Méo chơi suốt sáng giờ đang ngủ.

Nàng vuốt vai Bầu:

- Anh Quế giờ xuất gia theo Phật rồi, không phải như chị em mình.

Phượng chĩ tượng Phật đặt giữa phòng, chuông mõ hai bên, bộ kinh dày:

- Anh Quế cạo trọc đầu như ông Phật ngồi đó, người tu hành không muốn thấy phụ nữ đi chơi không mặc áo, mình trần. Từ nay em phải mặc áo. Không thì anh Quế giận, không ưng em.

Đôi mắt xanh ngây thơ nhìn tượng Phật, nhìn cuộc áo xanh Phượng mặc, cô ta nâng vạt hôn nhẹ lớp vải mỏng:

- Sáng mai Bầu ghé nhà anh chị, chị cho em cái áo, không thì anh Quế không ưng em, không cho em tới đây chơi.

Phượng gật đầu. Bầu dẫn hai con ra về, đi nhanh ra cổng như sợ Quế bắt gặp.

Tiếng Phát vọng ra:

- Cô Bầu đâu rồi?

- Em bảo cô về, lần sau có mặc áo mới cho phép vào am.

Phát, Quế cũng kéo ghế ngồi trước hàng hiên nhìn về làng Bầu:

- Quế biết có bao nhiêu con lai trong làng này?

- Tôi không đoán nổi. Vùng đèo Lao Bảo hoặc trên cao nguyên Trung phần, tôi thấy khá nhiều con lai, da trắng da đen, tóc đen tóc vàng, mắt xanh mắt nâu đều có.

Phát nhấp ngụm nước chè xanh, nhìn trời, đám mây trắng hững hờ bay:

- Nước mình còn chút may mắn. Sau nhiều thế kỷ bị xâm lược, tại Nam Mỹ, tại Phi Luật Tân, vô số phụ nữ đẻ ra con lai. Nhất là vào thời kỳ người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thực dân và ngoan đạo chiếm Nam Mỹ, họ giết hết đàn ông con trai. Đến nay, mấy thế kỷ sau, gần như toàn bộ Nam Mỹ khuôn mặt người nào cũng lai Bầu, nhất là những người giàu có, có chức có quyền. Họ không nói tiếng bản xứ, ngôn ngữ nước xâm lăng trở thành quốc ngữ. Đây là giai đoạn phát triển nhanh nhất trong lịch sử truyền giáo, triều đại Giáo hoàng Alexandre Đệ Lục.

Phượng đứng sau lưng Phát, lắng nghe, đôi bàn tay đặt trên vai anh. Cô nhìn Quế:

- Hai ngày nữa, em về thăm làng cũ nhân dịp giỗ chạp. Mười mấy năm hơn chưa có dịp về quê. Anh Quế ở đây lui tới chơi với chồng em, sợ anh Phát buồn. Em đi độ một tuần lễ thôi.

Quế gật đầu, nhìn thằng cu Minh:

- Thằng cu ở lại?

Phượng lắc đầu:

- Minh đi chung với em cho đỡ buồn. Nhà em đâu còn ai. Em vừa nhận được thư của người em họ, làng em kỳ này đào được bảy bộ xương bộ đội rồi. Người ta phá được tảng đá lớn lấp hang, tảng đá to bằng nhà lầu ba tầng.

Quế thêm:

- Phải mất gần hai mươi năm mới phá được tảng đá chôn sống bảy người.

(Tranh)

VŨ KHÚC ÁO TRẮNG – TRANH SƠN DẦU

Dương Đình Hung

 

Phần kết.

Khúc nhạc hè giục giã, âm thanh vang đều lên xuống, bản hòa tấu của đám ve sầu trong khu vườn từ đường họ Đinh. Khúc nhạc khởi đầu từ đám ve phần trên con suối, rồi đám ve giữa vườn gần cây phượng vĩ, nhạc trưởng là mặt trời trên cao.

Hai cây phượng giữa sân nở màu đỏ thắm giữa nắng vàng, trời xanh trong. Lớp học im ngủ ngày hè. Phát làm lại hàng rào bao quanh khu đất nhỏ nhốt chú nai con, quà tặng ngày cưới, nó giờ trông mập cao thêm một chút. Có thêm những chú bạn rừng khác sống chung, thỏ, nhím, cheo... toàn của các gia đình học sinh trong làng Asầu đem tới.

Mồ hôi ướt đẫm chiếc áo thun ba lỗ, ướt luôn cái quần soọc, Phát thả nón lá xuống đất, vuốt lại mái tóc bờm xờm. Gió thổi mạnh đưa hơi nóng khô rát muốn ngộp thở từ bên kia biên giới Lào sang. Đất khô, lá khô, khiến người anh cũng nực nội hơn.

Phát uống hớp nước chè xanh đựng trong cái bầu khô đeo bên mình. Mấy cây chè trồng sau vườn chỉ còn chơ vơ vài ngọn lá. Phượng và con đi về quê đã bốn ngày, tháng sau đến ngày sinh của cô ta. anh sung sướng nghĩ đến đứa con trai sắp chào đời. Mình phải tìm chọn một cái tên cho con. Hai anh em thằng cu Tròn đã ra chợ mua thêm thức ăn. Con bò le lưỡi khó chịu nghe tiếng ve kêu, đám ve sầu lại tấu nhiều khúc cho đến khi màn đêm xuống và đám đôm đốm xuất hiện.

Còn một mình ở nhà, kiếm việc làm cho khuây khỏa nhưng vẫn buồn. Anh bước lại phiến đá lớn dưới bóng mát cây đa bên suối, cởi chiếc áo thun ngã màu vàng, ném xuống nước. Nước trong mát, cạn vừa tầm đầu gối. Cúi gần mặt nước, đôi tay tắm vọc, nghe tiếng chim hót, tiếng thầm thì mời gọi núi rừng. Mùa hè, con suối bỗng nhiên nhỏ lại, quanh co phiến đá, không còn tiếng róc rách nên thơ, Phát ngước nhìn về phía thượng nguồn con suối, thầm nhủ:

- “Về đây đã lâu, chợt nhớ chưa bao giờ đi lên phần trên con suối, chỉ tại bị ám ảnh đạn bom, con nai trúng thương...”.

Ngẫm nghĩ, Phát quyết định lội ngược dòng con suối. Rễ cây chằng chịt hai bên, bóng mát của cây sung, cây si, cây dầu che kín con suối. Suối chảy giữa những phiến đá vàng nâu bám chút rêu phong. Phát mỉm cười mơ màng giữa hoang tịch.

Xa xa có một bụi lan rừng lớn có hoa màu tím thẫm, trên nhánh cây lim cao bên suối. Hoa lan lạ, lần đầu tiên trông thấy ở vùng này. Tiếng chim cu gáy gần đó. Phát lách mình qua mấy phiến đá lớn, con suối ở khúc này có cái ao nhỏ phủ đầy lá môn xanh. Đám lá xanh lớn bình thường.

Vén nhẹ đám lá, Phát bước chậm về phía cây lim có bụi lan. Anh thót giựt mình vì lũ quạ đen bay vụt lên trời như một trận cuồng phong mang theo âm thanh quái đản. Thì ra những khóm môn kia là sào huyệt lâu năm của chúng.

Đám quạ kêu lớn, đậu trên tàn cây bên suối, nhìn xuống như trông chừng Phát.

Đầu Phát lắc lư, bỗng đâu luồng điện tê nóng chạy từ đôi bàn chân tới đỉnh đầu. Anh bị hẫng sâu, cuốn hút vào chỗ đám quạ vừa bay lên, đôi chân bập bõm trong nước suối nóng.

Tay vén nhẹ lá môn xanh. Anh ngừng lại. Thấp thoáng bên dưới có những đốt xương trắng ngà hiện trước mắt, hiển hiện bộ xương người, một phần chìm trong nước, một phần ló dạng dưới lá môn.

Phát định thần lẩm bẩm:

- “Mình lại tìm thêm được bộ xương người. Ai đó đã chết trong tư thế ngồi. Lá môn lớn nằm bên trên không đủ che kín.

Phát bước lại gần, vén lá môn, quan sát. Cái sọ còn dính xương sống, bàn tay ôm đỉnh đầu. Hai ống chân co lên như muốn che kín phần ngực. Bàn chân chìm trong nước, trong lớp bùn. Nhiều thân môn lớn chung quanh làm điểm tựa cho bộ xương ngồi vững.

Ánh sáng lấp lánh của sợi dây chuyền vàng mang trước cổ, Phát lặng nhìn, sợi dây mang hình ông Phật. Phát cúi nhìn ông Phật mình đang mang, trông giống hệt nhau.

Phát chợt rụng rời, làng Asầu xưa nay chỉ có mình anh Đinh Thọ cụt hai ngón. Phát đã nhìn thấy ngàn lần khi ăn cơm, khi chỉ bài, khi đùa nghịch với anh. Hai ngón tay phải anh phải chặt đứt để trốn lính. Nhưng vẫn bị bắt đi lao công đào binh, phải trốn trại, trốn lên núi cao vùng này.

Chiến tranh và chiến tranh!

Phát vuốt mặt, nước mắt cay chảy xuống. Anh ngược nhìn trời, dụi mắt để biết chắc là mình không mơ ngủ, lắc đầu nhiều lần. Phát lẩm bẩm, cảm ơn trời Phật đã cho mình tìm thấy di cốt anh. Anh vái bốn vái, rồi vuốt nhẹ bàn tay có 2 ngón cụt thân thuộc. Bỗng dưng bộ xương gục xuống, dồn cục lại. Anh quỳ trong nước ngập tới cổ, miệng khấn thầm, tay nương nhẹ gỡ lấy sợi dây chuyền, ứa lệ.

- Hơn hai mươi năm, anh ngồi đợi em!

Phát thẫn thờ quay lên suối định bước về nhà. một tiếng nổ chát chúa, người anh bị bắn tung lên cao, thân nằm ngửa. Đôi mắt đỏ lửa. Phát thấy lờ mờ vòm trời vần vũ, như cơn dông kéo đến, như ngày sắp tàn. Tâm trí chợt sáng lên, văng vẳng lời thì thầm “Bom bi!... nghiệp chướng!...”.

Phía trường học hình như có tiếng coòng tiếng chiêng báo động. Đôi mắt mở lớn, Phát nhìn về chân trời xa. Giọt nước mắt máu lăn dài trên má.

·

Sáng hôm sau, đèn cầy lung linh trước bàn thờ. Trước hai chiếc quan tài, anh em Cu Tròn chít khăn tang quỳ gối. Con chị Do cũng áo tang, bò bên cạnh, đôi mắt ngơ ngác nhìn quanh. Quế thắp ba nén nhang, quỳ xuống cầm lá sớ đọc, giọng sang sảng:

“Năm Tân Hợi, tháng... ngày...

Than ôi!

Cảnh oan trái bấp bênh vạn nẻo.

Màn vô minh che lấp đời người.

Thân xác anh vùi sâu dưới nước.

Đám quạ kêu rối rít trên cao.

Anh thanh thản nhìn đời điên đảo.

Bao lớp người gục ngã chẳng toàn thây.

 

Những tiền bối đã ra sức cứu nước.

Bao anh hùng đem xác giữ quê hương.

Các anh muốn noi gương người đi trước.

.........

Hôm nay dục vọng lầm mê vây kín!

........

Ôi! Kiếp người với bao dấu hỏi chất đầy.

Ta, lòng xót xa, lầm lũi bước.

.........

Hôm nay với nén nhang lòng, thành tâm khấn nguyện.

Hồn anh thiêng, xin giúp tôi vững đường dài.

.......

·

Tờ mờ sáng hôm ấy, Phượng cõng con, cuốc bộ nhiều cây số mới tới đường, chờ xe quá giang. Con đường nhựa loang lổ chạy qua làng nhỏ phơi kín đầy rơm rạ. Con đường một thời có những binh đoàn trung chuyển Bắc Nam. Đường kéo dài đến chân núi Trường Sơn. Một chiếc xe chở gỗ dừng lại rước mẹ con Phượng.

Phượng ngoái cổ ra ngoài xe, nhìn lại. Sau lưng, quê cũ bên giòng sông Son nay trở thành xa lạ. Bạn bè chẳng còn ai, tha phương cầu thực mãi tận đâu đâu. Mấy ngôi nhà mới, tường gạch mái ngói chỉ làm buồn thêm xóm chài lụp xụp. Điện chưa tới. Trường học không, bưu điện chưa có...

·

Cu Minh đang ngủ bỗng thức giấc khóc. Phượng vỗ về con:

- Mẹ con mình về sớm. Về Asầu với bố Phát.

Người lái xe hỏi:

- Cô nói chi?

Phượng lẩm bẩm:

- Dạ em đang tính nhẩm đường về A Lưới. Bác tài có biết tại sao có tên đèo “Mạ ơi”?

- Vì bất cứ ai đi qua con đèo khổ ải đó phải than trời “Mẹ ơi khổ quá”.

Phượng mỉm cười tính nhẩm một mình, dù sao mình đi con đường này tránh được khổ nạn qua đèo “Mạ ơi”, tránh nhìn con suối Máu của một quá khứ hãi hùng. Đến ngã ba đường 9, thay vì đi Khe Sanh mình sẽ chuyển xe qua cầu Darkron theo con đường Trường Sơn chạy miết tới Bốt Đỏ. Cuối cùng mình đi xe ôm về nhà. Phát chắc sẽ ngạc nhiên mừng rỡ. Từ nay mẹ con mình sẽ không bao giờ xa người đàn ông lý tưởng giàu lòng thương yêu kia.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cây Có Gốc Mới Nở Nhành Sinh Ngọn

Sau khi chôn cất người anh chết vì làm rẫy đạp phải mìn, Đinh Phát đã quyết định bán ngôi nhà ở bên kênh Nhiêu Lộc, trở về A Sầu, trông coi nhà từ đường họ Đinh, vì anh là con út. Với số tiền bán nhà ở thành phố, Đinh Phát trở nên giàu có ở vùng quê nghèo khổ A Sầu. Anh nhờ bộ đội tháo gỡ mìn, bom còn sót lại trong vườn nhà, mở một trường dạy trẻ em người Việt và người Cà Tu. Để bám trụ ở quê nhà, Phát kết hôn với Phượng - một góa phụ có chồng chết cũng vì đạp phải mìn. Bạn bè Phát ngạc nhiên hỏi anh tại sao phải chịu lưu đày nơi thiếu thốn mọi tiện nghi tối thiểu, cùng hiểm họa bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Phát đã trả lời: “Với tôi, đây không phải là thế giới lưu đày. Ông cụ Tổ tôi trăm năm trước đã sống trong vườn này. Không ai đày ông cụ lên đây cả. Ông chọn nơi đây vì lý tưởng của ông. Nhiều thế hệ kế tiếp sống ở đây cũng chỉ vì những lý tưởng của họ”.

Qua cuốn Gia phả dòng họ Đinh. Phát đã biết ông Tổ của anh là Đinh Đại, từng theo vua Hàm Nghi tổ chức đêm khởi nghĩa ngày 5-7-1885, giết quân Pháp ở Huế. Việc không thành, vua phải bỏ ngai vàng trốn đi Tân Sở. Sau đó bị tên phản bội Trương Quang Ngọc bắt vua nộp cho Pháp. Ông Đinh Đại lên lập nghiệp ở A Sầu với lời thề: “Lòng ta đã quyết, hôm nào đuổi được giặc ngoại xâm, ta mới trở lại kinh thành” và ông đã chết ở vùng đất ma thiêng nước độc đó.

Với lòng nhiệt thành và đầu óc biết tổ chức, Phát đã tạo nên một trang trại rộn tiếng cười của những trẻ mồ côi, những trẻ bị tàn tật vì mìn, bom và những trẻ bị dị dạng vì nhiễm chất độc da cam. Nữ bác sĩ Lacaze - người Pháp, qua chuyến viếng thăm trang trại, khi về Pháp chị đã đi quyên góp dụng cụ y khoa và thuốc men gởi sang để giúp chữa trị những nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam.

Một tương lai tươi đẹp hiện ra trước mắt Phát, khi cùng lúc anh được Phượng báo tin anh sắp làm cha một đứa bé trai. nhưng một buổi sáng Phát đi lên đầu nguồn con suối bên nhà, anh bồi hồi phát hiện ra bộ xương của người anh cả bị cụt hai ngón tay, đã mất tích từ lâu. trong lúc lui cui hốt cốt người anh, Phát đạp phải bom bi và thân thể anh bị bắn tung lên trời...

Gia phả như cuốn biên niên sử của một dòng họ. Gìn giữ và viết tiếp những trang mới cho cuốn gia phả, là một cách gìn giữ cội nguồn. Bởi:

Cây có gốc mới nở nhành sinh ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu

Người ta nguồn gốc từ đâu?

Có tổ tiên trước, rồi sau có mình”.

Gia phả dòng họ Đinh là truyện của Dương Đình Hùng, anh vốn là một bác sĩ, nên những trang viết của anh về nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam hẳn có cơ sở. Trong cuốn sách có in những tấm ảnh anh chụp ở A Sầu như “Đồi thịt băm”, hoa lục bình trong những hố bom... khiến cuốn truyện trở thành truyện ký có những tư liệu khá xác thực. Dương Đình Hùng cũng là một họa sĩ, nên cuốn sách đã in một số tranh của anh. Chỉ tiếc một số trang như Nghỉ ngơi buổi sáng vẽ chân dung một thiếu nữ đài các thành thị, đã trở nên lạc lõng trong một cuốn truyện đầy bom, mìn ở một vùng quê nghèo.

ĐOÀN THẠCH BIỀN

 

Đọc Gia Phả Dòng Họ Đinh

Câu chuyện mở đầu bằng một cái chết. Cái chết vì bom đạn ngay giữa thời bình. Bom đạn còn lại của một thời chiến tranh tàn khốc và dai dẳng... Câu chuyện từ đó vừa phát triển theo chiều đi xuôi về tương lai theo thời gian, vừa đi ngược về quá khứ bằng sự phục hiện của bao nhiêu hình ảnh trong ký ức các nhân vật và của cả bao nhiêu dấu vết, chứng tích còn lại trong hiện thực. Cấu trúc đó là sự hòa trộn giữa phong cách tự sự với trữ tình - tự thân, đã tạo cho câu chuyện một dáng vẻ trầm ngâm với những suy tư, hồi tưởng, bao hàm một sức chứa lớn - thời gian của một trăm năm và hơn nữa. Gia phả dòng họ Đinh vì vậy đã không chỉ là câu chuyện nghiệp chướng của một dòng họ.

Lâu lắm rồi tôi mới có được cảm giác mê man như khi đọc Gia phả dòng họ Đinh. Chẳng phải vì văn chương độc đáo. Chẳng phải vì kết cấu hấp dẫn. Mà, vì bản thân câu chuyện. Thành công đầu tiên và chủ yếu của tác phẩm là ở sự dày dặn, xác thực của chất liệu đời sống được khai thác, thể hiện. Tác giả gần như làm công việc của người kể chuyện hơn là của một tiểu thuyết gia, mặc dầu cốt truyện của anh là hư cấu. Một người kể truyện từng dầu dãi sự đời, có một ký ức, một ý thức chín đầy, biết dừng lại ghi chú, diễn giải cho từng sự kiện, và biết phát hiện những tình huống trái ngược trớ trêu chung quanh bằng cái nhìn tinh tế. Đọc Gia phả dòng họ Đinh, lắng nghe những âm vang còn lại trong mình, người đọc dễ đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Lưu Vũ trong tiểu luận in ở cuốn sách: Tác phẩm thực sự có ý nghĩa  làm thức dậy một ý thức về lịch sử ở mỗi người, và song song, là một ý thức công dân. Nó bày ra những sự thực hết sức là cụ thể với với những hào khí, những khát vọng và cả những đau thương của con người.

Dương Đình Hùng là một người đa tài. Ngoài công việc chính của một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, anh còn viết báo, vẽ tranh, viết truyện ngắn, chụp ảnh. Ở lãnh vực nào anh cũng gây được ấn tượng đẹp. Tuy nhiên, qua Gia phả dòng họ Đinh, tôi nghĩ rằng, có một Dương Đình Hùng khác. Không phải là chuyện tài năng mà là tâm địa. Đọc truyện của anh, tôi cảm nhận anh thật lòng  san sẻ những nỗi đau của đồng bào mình. Nhân vật Đinh Phát - trong truyện - dường như là một hiện thân của những nỗi niềm bức xúc trước thực tế, của những khát vọng muốn làm một điều gì đó cho tha nhân... của chính anh. Đinh Phát là một nhân vật lãng mạn. Tất cả đều là nhân vật lãng mạn và quan hệ giữa họ với nhau là những quan hệ lãng mạn. Sự lãng mạn đằm thắm của những tâm hồn đôn hậu, yêu người và tin tưởng vào cuộc đời.

Gia phả dòng họ Đinh không quyến rũ những cái nhìn duy mỹ; không phải là đối tượng mới mẻ của những nhà phân tích cấu trúc, thi pháp. Nó đẹp ở sự chân thành.

MẬU LÂM

 

Đọc “Gia phả dòng Họ Đinh”

Chim bay không để lại vết, thuyền qua không lưu dấu đường. Nhưng, sau mỗi đời, ký ức về người đã khuất được nhắc hay được ghi – sẽ còn lại mãi.

Gia phả là lược sử, là truyện ký về một gia đình, một dòng họ. Khi gia đình là mô của cơ thể xã hội, thì gia phả là đơn vị cấu thành lịch sử - Lịch sử chính xác.

Và như thế, qua mỗi gia phả ta có thể thấy ra dấu chân lịch sử, như trông chiếc lá vàng nhắc ta nhớ đến mênh mông rừng thu.

·

Một chi nhỏ, qua bốn thế hệ, hiếm hoi chỉ có tám đời người. Viết về tám người thường như hàng tỷ người thường trên trái đất - không cơ nghiệp, không sự nghiệp - mà phải dùng đến hơn hai trăm trang là nhiều. Quá nhiều! Nhưng viết về một giòng họ qua 4 thế hệ Việt Nam thì là ít. Quá ít!

Vì,

Không một người Việt Nam nào hôm nay không mang trên hay trong họ một vài mảnh của lịch sử VN một trăm năm trở lại đây.

Thậm chí, không một khoảnh đất, một giòng sông, một lùm cây, một bụi cỏ trên đất nước ấy không cất giữ những chứng tích đau thương của ngần ấy năm chiến tranh.

Chỉ ghi ngày sinh, cuộc sống, nơi sống, cái chết của những người họ Đinh cũng đủ gợi ra cho độc giả Việt Nam những giai đoạn bi thảm nhất của lịch sử.

Qua những vết thương, lần theo những chứng tích ta tiếp cận với nguyên nhân và thấy rõ các thủ phạm.

Có lẽ đây mới là bờ đến, còn “Gia phả dòng họ Đinh” chỉ là thuyền chở.

Mới đây, một tổ chức bên Úc châu, tiêu diệt nền văn hóa của dân bản địa (chủ trương này không tình cờ mà cũng không chỉ xảy ra ở Úc châu, mà ở bất cứ nơi nào mỗi khi một số đế quốc châu Âu thực dân này đặt chân đến: Ta thấy ở Phi châu, ở Nam Mỹ, ở Phi Luật Tân... ở ta họ chưa thành công).

Thế lực bị cáo chỉ còn một cách chống chế: Chuyện đã lâu rồi, nên quên đi!

Tổ chức nguyên cáo: thế sao có việc lại nhớ dai, Úc đòi Nhật bồi thường chiến tranh, dù cuộc chiến ấy đã chấm dứt trên nửa thế kỷ rồi!

Như vậy quên hay nhớ cũng là quyền của kẻ mạnh:

Quyền ngang ngược!

Cũng vậy,

Người Mỹ thích quên đi họ là nước sản xuất và tàng trữ nhiều nhất những vũ khí độc hại - trong đó có vũ khí hóa học - lại luôn tố cáo ầm ĩ Iraq là nước ít có khả năng sản xuất và khó có thể sử dụng những loại vũ khí này.

Khi họ nhân danh đạo lý, lên án Iraq về hành động mà nước này chưa làm, họ đã quên khuấy đi mất trong bao nhiêu năm họ đã sử dụng những khối lượng khổng lồ chất độc hóa học rải trên ba nước Đông Dương, nhằm tiêu diệt con người, sinh vật, cỏ cây đất đá, sông nước...

Tại sao lại phải nhớ?

Năm 1986, vụ nổ của phi thuyền Challenger với cái chết của phi hành gia dân sự đầu tiên đã gây ra một cú “sốc” mạnh nơi các khán giả trẻ tuổi  có theo dõi chuyến bay, trực tiếp qua truyền hình. Cơ quan NASA quyết định mời một số chuyên trình nhằm xóa đi những hình ảnh hãi hùng trong ký ức của những người Mỹ xem cảnh ấy.

Đâu phải đến năm 1986, phía tâm lý học mới bắt đầu tham dự vào những hoạt động “sửa ký ức” tập thể, mà từ lâu nó đã trở thành kỹ nghệ.

Sản phẩm kỹ nghệ này có thể làm thay đổi hình ảnh của một dân tộc: Người Da Đỏ trở nên một lũ man rợ đng1 bị tận diệt. Kẻ cướp đất biến thành anh hùng được đông đảo khán giả vỗ tay!

Kỹ nghệ này cũng có thể tạo nên phép lạ: Chủ nhân ông quyền lực nhất , nắm nguồn vốn áp đảo của công nghiệp sản xuất và chiếm hầu hết thị trường tiêu thụ vũ khí trên thế giới, lại là người yêu chuộng hòa bình nhất, thường công khai cầu nguyện hòa bình cho nhân loại.

Và hằng ngày, trên mọi phương tiện truyền thông của loài người, những chuyện khôi hài thuộc loại này vẫn được nhắc và chiếu nghiêm chỉnh, vẫn thôi miên được hàng trăm triệu người.

Nên,

Mỗi một dân tộc nhỏ phải hết sức bảo vệ ký ức của mình trước kỹ nghệ của bùa mê. Nếu không bảo vệ được bản sắc văn hóa và nguồn gốc dân tộc mình, thì những nhúm nhỏ người Do Thái có thể đã từ lâu biến mất trong các đại lục mênh mông của loài người.

Không bảo vệ gìn giữ được lịch sử, bản sắc văn hóa của mình, thì những dân tộc như người Da Đỏ ở Bắc Mỹ hay người Aztèque ở Nam Mỹ một ngày nào đó có thể chỉ còn là loại động vật quý hiếm ngay trên quê hương của họ.

Có phải đây là một tiêu điểm khác của “Gia phả dòng họ Đinh”?

·

Bên kia dòng sông Seine đối diện với quốc hội Pháp, nhiều tháng sau cái chết của công nương Diana, hàng ngày vẫn có người đến đặt những bó hoa nơi công nương đã tử nạn. Người ta thường nhắc tới những hoạt động nhân đạo của bà, trong đó có hoạt động chống mìn bẫy.

Rải rác trên các đường phố Paris, du khách thường gặp những bia đá nhỏ bằng trang sách, ghi dấu nơi những chiến sĩ kháng chiến Pháp, ngã gục dưới đạn của quân xâm lược, trong Thế chiến thứ 2. Thỉnh thoảng người ta cũng bắt gặp những đóa hoa của khách bộ hành, đặt trước những bia đá đó. Người Pháp thương yêu, và không quên những anh hùng của họ. Còn “Gia phả dòng họ Đinh” là vòng hoa dành cho nạn nhân Việt Nam: Nạn nhân của bom mìn, của chất độc hóa học. Vòng hoa dành cho những người Việt Nam đã sống và hy sinh vì người khác. Thiếu những vòng hoa như thế này, người đời có thể không biết rằng, ở những vùng cao, vùng sâu, luôn có những chiến sĩ bỏ mình khi tháo gỡ bom mìn. Họ chết im lặng cho người khác sống. Nhưng không thể có cái im lặng đồng lõa, lãng quên và vô ơn được.

·

Những gì tôi viết ở đây, chỉ là suy nghĩ của riêng tôi, chứ cái phong cách lãng đãng của một nghệ sĩ và tính chính xác của nhà phẫu thuật mà ta có thể tìm thấy ở nhiều nơi trong cuốn sách này, có thể xem tác giả như một nhà quay phim tài tử, không theo một sự sắp đặt trước, không cần dàn dựng cảnh trí để vẽ ra sự thật. Dù đọc, hiểu, suy diễn theo chủ quan của tôi, và dù “Gia phả dòng họ Đinh” chỉ là hư cấu, nhưng tác phẩm ấy vẫn củng cố thêm trong tôi những niềm tin: Bất cứ nơi nào trên đất nước này, dù ở một nơi xa vắng, chỉ có sương mù buổi sáng, mưa rừng buổi chiều, nơi ấy vẫn ấm áp tình người. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, với những người có lòng ở bên nhau, là ta đã có hạnh phúc... “Gia phả dòng họ Đinh” là một thông điệp của hy vọng. Hy vọng vào cuộc đời - hy vọng vào tương lai - hy vọng vào cả đời sau.

Gia phả là bùa bảo vệ ký ức của một gia đình. Lịch sử là bùa bảo vệ ký ức của một dân tộc. Nó nhắc người muốn quên, ngăn người muốn sửa. Để con người không thể biến thành thuyền. Thành chim theo ý muốn của các tay phù thủy nhiều pháp thuật.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 11 năm 1997

Nguyễn Lưu Vũ

 

Chất độc da cam – Vấn đề từ một tiểu thuyết

 

Mới đây, báo chí cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định cho phép Hội chữ thập đỏ Việt Nam thành lập “Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam” nhằm huy động các nguồn tài trợ nhân đạo trong nước và quốc tế để giúp đỡ những người đã bị chất độc da cam gây hại trong cuộc  chiến tranh. Đồng thời, vào giữa tháng 6 vừa qua tại Nhà văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh có cuộc giao lưu với giới trẻ, thảo luận về văn hóa và khoa học với chủ đề: “Chất độc da cam trong tiểu thuyết Gia phả dòng họ Đinh”.

Sau Qua đôi mắt và Đồi hồn, quyển “Gia phả dòng họ Đinh” là tác phẩm vừa cho ra mắt bạn đọc của Bác sĩ Dương Đình Hùng do Nhà xuất bản trẻ ấn hành. Sự kiện các bác sĩ viết văn - và viết văn hay - là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Xin được nhắc lại một số cây bút nổi danh mà chúng ta đã biết tiếng: Tchékov ở Nga, Lỗ Tấn ở Trong Quốc, Louis Aragon ở Pháp, Somerset Maugham ở Anh, Bertolt Brecht ở Đức, Abdun Muis ở Indonésia v.v. Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, các bác sĩ đã chứng tỏ tài năng về văn học và nghệ thuật vốn không ít, và ngoài bác sĩ Trương Thìn, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc được biết đến từ lâu, gần đây chúng ta có nhiều dịp thưởng thức các triển lãm về tranh ảnh và hội họa của bác sĩ Dương Đình Hùng, bên cạnh các tác phẩm về văn học.

Gia phả dòng họ Đinh viết về một chi nhỏ của một dòng họ qua bốn thế hệ hiếm hoi chỉ có vỏn vẹn tám người, và tám con người thường ấy đều là nạn nhân chiến tranh, ở trong cuộc chiến và sau cuộc chiến. Đó là tác phẩm viết rất nhẹ nhàng, có vẻ giản đơn nhưng mang một sức hấp dẫn đặc biệt, bởi đầu hư cấu đã nói lên được sự thật thương tâm và bức xúc mà mọi người đều có thể cảm nhận và kiểm nhận. Tác phẩm cho ta thấm thía rằng cuộc chiến tranh khốc liệt đã từng kéo dài mấy mươi năm qua trên quê hương này vẫn chưa kết thúc. Vũ khí ác độc mà những kẻ thù lưu lại, núp lén đây đó trên các chiến trường bất định, tiếp tục giết chết đồng bào chúng ta cùng gây ra những dị tật cho các người lớn cũng như trẻ em, bên cạnh những loại vũ khí độc hại thuộc loại vô hình đang tìm mọi cách  công phá đầu não giới trẻ và cả cuộc sống tinh thần của xã hội ta. Ở cuối tác phẩm, kể như lời bạt, ông Nguyễn Lưu Vũ đã có những lời nhận xét thích đáng như sau: Gia phả dòng họ Đinh là vòng hoa cho nạn nhân Việt Nam, nạn nhân của bom mìn, của chất độc hóa học, vòng hoa cho những người Việt Nam đã sống và hy sinh vì người khác. Thiếu những vòng hoa như thế này người đời có thể không biết rằng ở những vùng cao, vùng sâu luôn có những chiến sĩ bỏ mạng khi tháo gỡ bom mìn. Họ chết im lặng cho người khác sống. “Nhưng không thể có cái im lặng đồng lõa, lãng quên và vô ơn được”.

Hẳn chính vì vậy mà đã có cuộc giao lưu với các bạn trẻ về đề tài này. Chất độc da cam chỉ là mảng nhỏ ở trong tác phẩm nhưng là mảng lớn ở trong cuộc đời dân tộc. Hai mươi ba năm trôi qua, nhiều người lầm tưởng chất độc ấy sẽ phôi pha theo với thời gian, nhưng các nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo rằng chất độc da cam mãi mãi còn đó, không bị phân hóa, tiêu hủy dầu dưới ảnh hưởng của thời tiết nào.

Không chỉ đa số bạn trẻ ngày nay không hiểu biết gì về chất độc hại đã từng hủy diệt mùa màng, cây lá trên đất nước này và điều vô cùng tàn ác là đã  gieo rắc nhiều loại tật bệnh truyền kiếp cho nhiều gia đình, bên cạnh những trẻ dị tật còn những phụ nữ vô sinh, dễ tìm gặp trên các vùng đồng bào miền núi và ngay trên đất Hải Phòng ngày nay - như đài Trung ương công bố:

- Có khoảng 3 ngàn nạn nhân của chất độc này mà cả nhiều người ở trong cuộc chiến vẫn chưa biết rõ về chất độc ấy. Chúng ta chưa lường hết được chiều rộng và cả chiều sâu của vũ khí này, chưa đếm hết các nạn nhân các bi kịch mà nó đã từng gây nên và còn tiếp tục gây nên trên quê hương ta, bởi lẽ chúng ta còn thiếu một sự hiểu biết tương đối chính xác về nó. Như thế cuộc giao lưu này với các bạn trẻ - kể như là chuyện khởi đầu...

.... Sau khi nêu các sự kiện cụ thể để vạch trần sự vu cáo lấp liếm ấy, nhà báo xô viết là V. Jitomirski đã mượn câu nói của một nhà văn Hoa Kỳ ở thế kỷ trước là Oliver Holmes để làm kết luận cho bài của mình. Oliver Holmes nói: “tội ác có nhiều dụng cụ, nhưng cái cán thật hợp nhất cho các thứ dụng cụ ấy là sự dối trá”. 

Nhà văn VŨ HẠNH

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14  
Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 2186
Ngày đăng: 16.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân