Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.071
123.233.965
 
Dầu máu
Vĩnh Trà
Chương 1

PHẦN I

1                                              Hú ba hồn mi Trí trọp

Hú ba hồn mi Hóp má

Hú ba hồn mi Đặng xá

Hú ba hồn mi Liêm cao

 

Sáng nào cũng vậy, mụ ngửa mặt ra hướng đông hú hồn bốn đứa con. Con gái đầu kể ra cũng được, mặt tròn mắt ướt át, nhưng không hiểu vì sao lại mắc chứng “đánh bủm”. Mụ đặt tên con là Trí trọp cho dễ nhớ. Mẹ đe khi nào thôi cái chứng trời đánh ấy thì mới cải tên cho. Trí trọp không thể học qua cấp một, vì bỏ học nhiều. Cứ tưởng qua tuổi con gái thì thay máu, đổi chứng. Ai dè, quá tuổi cập kê đã lâu mà khổ thân Trí trọp chưa một lần được ngồi gần con trai. Mụ thở dài đánh thượt: “thôi, cũng đành cam phận vậy, nhà nào đông còn thì cũng có một đứa gánh hết mọi xấu xa, thiệt thòi cho cả nhà”. Trí trọp thành bà cô trong nhà. Hiềm một nỗi, người cứ đẫy ra, phốp pháp mà không có thằng ma nào đến gần.

 

Thằng thứ hai, to cao như bố, chân tay loằng khoằng, mặt sáng sủa, chỉ tội hai má chẳng lúm đồng tiền mà hóp vào, như hè nhau, đẩy cái cằm ra phía trước. Đã thế lại để râu dê như kéo cái cằm dài ra nhọn hoắt. Đôi lông mày lưỡi mác như vết nhọ nồi quệt không đều. Bù lại đôi mắt sâu ẩn chứa nhiều điều. Cả gương mặt như một bức phác thảo chưa kịp hoàn thiện. Mụ đặt tên con là Hóp má. Lũ trẻ gọi chỏng lỏn là thằng Hóp.

           

Đứa con gái thứ ba có khổ người của bố, gương mặt của mẹ. Có nghĩa là to cao, gân guốc. Lẽ ra trên cái khung đồ sộ ấy cắm lên gương mặt tròn đầy, khoáng đạt thì có vẻ cân đối hơn. Đằng này, mặt choắt, mắt ty hý như hai nét chì tô đậm. Cái mồm rộng như nối liền với hai mang tai. Cũng may mà nhà mụ lắm trâu, nhiều ruộng nên cô ba đã quá băm sáu nhát, vẫn được ông con rể kém bố vợ vài tuổi rước về làm dâu làng Đặng Xá. Từ ngày đó, mụ quên phắt tên cúng cơm xấu xí và tục tĩu, đến mức không nhắc lại lần thứ hai, mà cứ luôn mồm gọi là con Đặng Xá. Mụ cho con gái về nhà chồng như tống khứ cái miếng giẻ rách ra khỏi cửa. Cái làng Đặng chả có tội tình gì mà cứ lúc trở trời, trái gió là mụ réo rắt: “Hú ba hồn mi Đặng Xá”.

 

Khác hẳn với ba anh chị em, cô út xinh xẻo, tươi tắn, trắng trẻo lại nết na, hiền dịu. Đáng lẽ với gương mặt lúc nào cũng tươi tắn ấy, phải gọi là Hồng, Lan, Cúc, Huệ mới phải. Đằng này mụ đặt tên cho con gái cưng là Mưng. Đến tuổi dậy thì, Mưng đặt tên đệm là Hồng Mưng, nhưng mụ gạt phắt: “Hồng hồng, tía tía mần chi cho thêm rộn cứ kêu là Hừng Mưng, để trời bỏ tươi, sống dai như cây Mưng.

 

Mưng lấy chồng muộn không phải vì ế, mà mụ không muốn rời con. Ngày Hừng Mưng qua đò sang làm dâu bên Liêm cao, mụ lăn ra ốm, lăn lóc đến trọc đầu…. Cứ mỗi lần bức bối, mụ ra bến sông khoắc khoải: “Hú ba hồn chín vía, mi Liêm cao”, rồi mụ ngửa mặt lên trời mà khóc, tiếng nấc nghẹn, nước mắt cứ trào ra, rồi ngấm vào bên trong. Dân làng Thượng, chẳng biết tên mụ là gì, chỉ gọi theo tên chồng là Lỗi, mà ông Lỗi lại gọi theo tên thằng cháu đích tôn, con trai của Hóp má.

 

*

 

Nói đằng thăng ra, nếu cất bộ mặt quắt queo, dài ngoằng của mụ Lỗi đi nơi khác thì từ cổ trở xuống là ngon lành. Cổ dài trắng, ngực đẫy đà, lưng hơi gù, chân dài, mông nở, bụng thon. Loại gái này, đi qua đầu giường là có chửa. Mắn phải biết. Lão Lỗi ưa mụ từ cổ trở xuống, kể ra đôi mắt sâu,  hơi lẳng của mụ mà sang tên đổi chủ cho cô gái mặt trái xoan nào đó thì sẽ hời lắm. Nhưng với lão điều này không quan trọng. Hầu như đất ruộng làng Thượng là của lão. Dân làng làm thuê cấy mướn, là người ăn kẻ ở trong nhà. Đàn trâu của lão mỗi lần ào xuống ruộng nẩy (bùn lầy) là y như đàn bọ hung đen bóng nhung nhúc trong bãi phân trâu gặp mưa.

 

Lão muốn có nhiều con, toàn là con trai càng tốt, mà là con của một vợ để khỏi eo sèo con bà này bà nọ, của nả san đôi, chia ba. Lão chọn vợ vì lẽ “lưng eo vai gù”này. Mụ Lỗi ưa lão vì bộ khung to cao, đồ sộ. Mặt hơi lưỡi cày một chút, nhưng không sao. Lão cằn nhằn, nhiều lúc cục cằn, mụ cho qua hết, vì lão có cách “đổ người” ngoạm mục. Khoảng gà gáy canh ba, trước khi thăm đồng, lão bắt mụ nằm xuống gường như đêm tân hôn. Lão bất thần đổ ập xuống như cây chuối hột bị một nhát dao sắc ngọt phạt ngang. Mụ bẹp dí, rồi tan biến dần vào trong lão. Thời trai trẻ sung sức mỗi đêm lão đổ người vài ba lần. Sau lần ba, mụ cười khẩy “mầm nữa, bốn hỷ”. Lão chấp tay lạy như tế sao: “con lạy mệ, cho con thở… hỷ!” Có lần lão ăn cỗ ở nhà thờ họ Hoàng về, nốc đẫy rượu nên chân nam đá chân chiêu. Cởi quần nái mầu nước gạo vắt lên cái cổ đỏ lựng như gà chọi (lão ít khi mặc quần đùi) áo vo  tròn trong tay. Lão cười, méo xệch….

 

-          Tổ cha đứa mô chê tau cởi truồng.

            Lũ trẻ con lại cười ré lên từng hồi. Mụ giận tím mặt, tiện tay cầm lấy cái vung nồi cám lợn đang sôi áp vào của quý của lão, giọng rít lên:

-          Rượu này, rượu này!..

 

Nóng quá, lão nhảy ào xuống giếng. Tháng sau, để lại vết chàm “chỗ ấy” mà không phải do bố  mẹ sinh ra. Sau lần ấy lão uống ít rượu hơn, nhưng lại cộc cằn hơn, thỉnh thoảng lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với mụ. Cứ nhìn thấy lão gầm gừ như mèo hen, chốc chốc lại khịt khịt mũi như ngửi phải bồ hóng, hai mắt vằn tia máu rồi lừ lừ đến góc nhà, nơi để que chống cửa là mụ đi giật lùi vào buồng. Lão đẩy cửa buồng, đứng sững lại. Mụ nằm tênh hênh trên giường, không mảnh vải che thân, mắt lim dim, từ cổ trở xuống như cục bột lọc trắng ngần run rẩy trên sàng. Lão cởi phắt quần áo ném trùm lên mặt mụ rồi đổ ập xuống như cây chuối bị lưỡi dao sắc lẹm phạt ngang. Lão lừ lừ ra khỏi buồng, mồ hôi nhễ nhại, quên mất que chống cửa. Mụ nhẹ nhàng khoác ao lên vai chồng.

 

*

Cơ ngơi nhà lão Lỗi chình ình giữa ngã ba làng Thượng. Từ truông Nhà Hồ chạy thẳng qua lòi Dầu máu là con đường cát mịn. Đường cát gặp con mương nước xuôi ra Bến bè hoà vào sông Hồ Xá. Lưng tựa rừng cây, mặt ngoảnh ra sông, bốn bề là mương nước. Muốn vào nhà lão phải qua chiếc cầu gỗ rộng, dài, chắc chắn. Ngày mùa, xe trâu chở lúa ra vào kìn kịt. Nhà chính năm gian bằng gỗ mít vàng ươm, mái lợp ngói âm dương, tường bốn bằng gạch chắc nịch như khúc giò. Cuối gian chính là nhà kho với hai cái đôn chứa vài chục tấn thóc. Dãy nhà ngang làm bếp, chuồng lợn, chuồng gà. Sát bờ mương là dãy nhà thấp lè tè, lợp toóc (rạ) làm chỗ ở cho người làm thuê.

 

Đàn chó của lão thông thường là chục con. Ngày mùa tăng cường thêm vài con nữa. Bốn góc vườn là bốn con chó to cao như con bê. Hai con án ngữ đầu cầu là hung tợn nhất. Ai đi vào mang, xách cái gì cũng được, nhưng đi ra mà xách đồ là bị tợp ngay. Bốn con ngày đêm nằm lì dưới tám chân đôn. Thằng Lu, lên mười, mắc bệnh đường ruột, ốm nhom ốm nhếch suốt ngày chỉ một việc là “quản chó”. Có nghĩa là hàng ngày cho chó ăn ba bữa, bắt rận, tắm táp, dọn phân. Lão Lỗi chọn thằng Lu làm “quản cẩu” là chí phải, vì thằng bé đau bụng triền miên nên không thể ăn bớt phần ăn của chó được. Lũ chó béo núc ních, lông mượt, thằng Lu thì khẳng khiu, vàng ệch.

 

2      

 

Có hai đứa trẻ thập thò ngoài cổng. Đứa bé trai đen đúa, gầy nhọm thấp hơn bé gái đốt ngón tay. Nghe tiếng chó sủa hai đứa líu ríu cầm tay nhau lùi ra xa. Thằng Lu đứng giữa cầu, hai tay đánh nạnh, thình thoảng hất mạnh chiếc lịp cời ra phía sau. Chẳng oai thêm được tý nào, chỉ tổ trơ ra mấy túm tóc râu ngô bù xù. Thằng Lu ra oai thiệt, hắn chỉ chiếc gậy, hai con chó ngừng sủa, mắt lấm lét, đuôi cúp lại kêu ư ử. Hai đứa trẻ qua cầu, rón rén vào nhà ngang

 

Người đàn bà trẻ đẹp nhất trong đám thợ cấy bỏ rơi bát cơm hấp sắn khô chan nước dưa chạy ào ra ôm thằng bé vào lòng - Bà nói nhỏ đầm nước mắt: “Thằng Đái của mạ đây rồi!”. Thằng bé áp mặt vào vai mẹ, khóc tức tưởi. Con bé nhỉnh hơn đốt ngón tay không có ai đón, khóc oà. Mụ Lỗi đứng dang chân như con bù nhìn rơm ngoài ruộng dưa. Mụ tém bã trầu thật khéo, búng một nhát, bã trầu dính chặt vào chân thằng Lu. Mụ quát thằng Lu mà hai mắt xoáy vào hai đứa trẻ:

-          Lu! Lấy cho tụi hắn bát cơm chó. Ra ngoài tê mà ăn

Mụ quay lại, đám thợ cấy úp mặt vào bát cơm dưa xì xoạt. Giọng mụ đặc quéo:

-          Mần cho ra mần, ăn cho ra ăn. Không ai nuôi báo cô bọn con nít ăn chực. Hứ!

 

Mụ đi rồi, người đàn bà chạy ào ra gốc cây, đưa bát cơm dưa cho con, đổi lấy bát cơm chó. Bà đổ đầy nước canh dưa lạnh ngắt, long bỏng vào bát cơm chó, húp một hơi rồi khoác áo tơi chạy theo đám thợ cấy. Gió rét thổi ràn rạt, mưa dầm dề lạnh thấu xương, đám thợ cấy quần xắn tận bẹn, sục xuống bùn.

 

Người đàn bà trẻ, đẹp nhất đám thợ cấy, có cái tên dễ nhớ, dễ gọi là Thục. Trên có chị, có anh, dưới có cậu em út. Thục vừa có chỗ dựa để nũng nịu, vừa có quyền che chở, sai phái. Sống trên đồng đất bùn pha cát, nhưng Thục được nước da trắng trẻo, thân hình thon thả, lại có gương mặt sáng sủa dễ nhìn, dễ mến.

 

3                                                    

                        Phiên chợ phủ

                        Ngày giáp tết Ất Dậu.

                        Mưa lây rây phủ đầy đường cát mịn.

 

Qua truông Nhà Hồ đưòng nghiêng xuống chạm mặt ruộng lúa mới cấy. Thục vừa đi vừa chạy cho kịp phiên chợ. Chớm tuổi hai mươi, Thục mới được mạ cho đi chợ “lấy may xưa”. Mạ dặn đi dặn lại là gặp người phúc hậu, ăn nói đàng hoàng mới bán bánh mở hàng. Rổ bánh sắn bột lọc trắng trong, tinh khiết ôm con tôm đỏ au nằm cong cong, đều đặn trên từng lá bánh xanh non. Gặp người mở hàng tử tế thì duyên con cấy (con gái) mới đẹp, mới bền. Nếu chẳng may gặp kẻ thô bạo, xấu thói thì khổ một đời. Thục úp chiếc nón mới toanh, lá trắng nõn nà, thơm mùi nẳng nỏ lên rổ bánh, chờ gặp người tử tế mời mua.

 

-          Cướp, cướp ngày bà con ơi!

-          Cướp, cướp…

 

Người chạy huỳnh huỵch, người ngã sấp mặt xuống đất, không đứng dậy được nữa. Người chạy, loạng choạng dẫm lên người vừa nằm xuống. Mặt đất đẫm nước mưa và hơi người , mùi xú uế xông lên với tiếng hự khô khốc, hắt ra từ một người xám ngoét rồi, tắt ngấm như chôn vào lòng đất. Chiếc nón bay xuống đất nhuốm bùn. Rổ bánh bộc lọc trắng trong đổ úp xuống. Một bàn tay, hai, ba, nhiều bàn tay cùng chụp xuống đè lên nhau, đè lên những chiếc bánh bột lọc mỏng manh, nhoe nhoét bùn đất, nhét vội vào những cái mồm đen ngòm.

 

Vứt nón, bỏ bánh, bỏ cả chiếc áo cánh mới may, Thục thoát khỏi đám người chết đói.

 

Ngược truông nhà Hồ gió rét táp vào mặt lạnh buốt, tóc lấm bùn, ngực chỉ còn tấm yếm, Thục thất thểu đi trong gió, trong mưa.. lạy trời, lạy phật, đừng ai nhìn thấy Thục lúc này… Nhưng có người đi bên cạnh, giọng nhỏ mà ấm:

 

 “O lấy áo tơi của tui mà che”. Thục giật mình, hai tay che ngực, đứng yên. Người con trai tầm thước, mặt đầy đặn, mắt sáng, từ tốn trùm áo tơi lên người Thục. Kín đáo và ấm áp, Thục bước nhanh, chắc chắn trên con đường cát mịn.

 

Anh là ai? Phải rồi người xóm trong, giỏi chữ Hán, chữ Quốc ngữ, biết nói tiếng Tây. Hôm lễ ở nhà thờ họ Trần, anh đọc văn tế rất hay, ai cũng khen. Mạ cứ tấm tắc: “tau mà được chàng rể như ri là mát mặt”. Thục lý nhí: “mạ nói chi lạ rứa!”. Hai má nóng ran. Đúng rồi, anh ta tên là Thuận.

 

Nhà Thuận không giàu ú ụ như nhà lão Lỗi, không nghèo đến cữ “chạy ăn từng bữa”. Đại loại ông bà để lại cho con cháu dăm sào ruộng, vài con trâu, đủ để Thuận được ăn học tử tế. Mẹ của Thuận người tầm thước, đầy đặn, thiệt thà, đứng không bằng cây chống cửa, nhưng tên lại là Cao. Bà Cao sinh nở nhiều lần, nhưng rồi trời bỏ tươi còn lại hai đứa: Thuận và cô em gái tên Thà cùng tuổi với Thục. Thà, Thục cùng sinh năm sửu, cầm tinh con trâu nên chơi với nhau không quá ba ván chuyền chắt là túm tóc, kéo áo, vật lộn nhau lấm đầy bùn đất như trâu cày trưa. Sau trận chuyền chắt, ẩu đả không phân thắng bại, Thục đứng bên này bờ mương giọng hậm hực.

-          Tau về meéc eng tau cho mi coi (tao về mách với anh tao cho mày xem).

            Thà vênh mặt

-          Eng tau mà búng một cấy là eng mi bổ trật troốc cúi! (anh tao mà búng tay một cái là anh mày ngã trật đầu gối).

            Anh trai của Thục nóng nẩy

-          Mi thua hay là hơn.

-          Út thua

-          Thua thì đừng có meéc. Khi mô hơn thì nói to lên cho cả làng nghe. Họ Trần hữu không khi mô thua họ Trần Đức nhớ chưa?

-          Nghe Thà kể ấm ức, Thuận lấy khăn lau mặt cho em thủ thỉ.

-          Bọn út đánh mấy ván

-          Ba ván

-          Đánh chuyền ba ván thì phải có kẻ thua, người hơn. Ngày mai thử đánh bốn ván coi có bằng nhau không? hỷ

 

Thiệt tình mấy ngày sau, hai đứa đánh bốn ván hoà nhau. Về nhà đứa nào cũng tươi cười, áo quần sạch bong. Chuyện thời con nít qua lâu rồi, bỗng nhiên hôm nay ùa về đầy ắp những tiếng cười khúc khích. Thục muốn vào xóm trong đánh chuyền với Thà. Nhưng lỡ ra người ta nhìn thấy, hai má đỏ lựng lên, thẹn chết.

 

Thuận trắng trẻo, thư sinh, sáng dạ lại khéo tay nên ông bà Cao cho con học nghề thợ may. Một cái kéo đen nhánh, lưỡi sáng xanh sắc ngọt, một cái vạch bằng xương trâu bóng loáng, một cái thước gỗ nhẵn thín. Tất cả để gọn gàng trong cái tráp bằng gỗ gụ đen bóng. Gia tài của Thuận chỉ có vậy, nhưng cũng đủ cơm ăn, áo mặc, không phải chân lấm tay bùn. Thuận vốn cẩn thận kín đáo, nên cứ áy náy mãi chuyện hôm nọ vô tình nhìn vào ngực người con gái chỉ có chiếc yếm che sơ sài. Quả tình hôm ấy, vì gió, vì mưa và cũng tại da thịt nàng trắng mịn, mà con mắt chàng như gắn chặt vào đó. Cũng tại…. Thuận muốn có dịp xin lỗi Thục và may tặng nàng chiếc áo. Nhưng biết người ta cao, thấp vai eo thế nào mà cắt may cho vừa? Thuận ghé tai nói nhỏ với em gái. Thà nháy mắt, hay chân nhảy cẫng, miệng cười toét.

-          Ối chao là tình cảm, rạt rào như nác rào mạ hè (như nước sông cái nhỉ!)

            Thuận bịt mồm em gái.

-          Con ni tệ thiệt. Cứ giúp eng đi, rồi mai mốt eng may cho cái áo mới, thiệt khéo hý

*

 

Nắng tháng ba như có hạt rải đều trên ruộng lúa đang thì ngậm sữa. Tát đầy nước cho thửa ruộng ba sào. Thà rủ Thục lên gốc cây mưng ngồi uống nước. Thà cười tươi:

 

-          Thục nì, lâu lắm rồi tau với mi chưa đánh chuyền. Chừ mần một ván hý.

-          Ừ, nhưng mà không được vật chắc (vật nhau), nghe chưa?

            Thà nháy mắt ưng ý

-          Được thôi. Nhưng mà đứa mô thua thì bị bôi bùn lên áo. Đồng ý không?

-          Đồng ý

            Thục thua, Thà lấy bùn trát đầy chiếc áo mới nhuộm nâu

            Thục phụng phịu, Thà cười như nắc nẻ:

-          Tau nói như ri, mi có nghe được không hý. Tau đem áo của mi về giặt.

-          Rứa thì tau mặc cấy chi để về nhà.

-          Thì mi mặc áo sạch của tau

            Hai đứa chui vào lùm cây thay áo.

            Mang chiếc áo lấm bùn của Thục về nhà, Thà ngồi bệt xuống thềm gọi vào gian giữa

-          Eng ơi! Có chiến lợi phẩm rồi.

-           Ở mô.

-          Trên người út đây nì (đây này).

-          Con ni thiệt quá quắt

 

Cầm chiếc áo nâu của Thục trên tay, Thuận run run, cái vạch bằng xương trâu kẻ ngang dọc trên tấm vải. Phải mất mấy ngày chiếc áo mới may xong.

 

Cây mưng già chia làng Thượng thành hai xóm: Xóm trong và xóm ngoài. Gốc cây ở bờ mương xóm trong, thân cây gần như nằm ngang vắt qua bờ mương xóm ngoài. Các cụ bảo:

 

Tháng giêng rét đài

Tháng hai rét lôộc

Tháng ba rét lôổng côộc rau mưng.

 

Chao ơi! Rét đến bật gốc cây mưng già này thì thật là ghê gớm. Các cụ nói vậy, chứ mấy khi có rét tháng ba? Cho dù có giá, có rét, đến cữ cây mưng già vẫn cho ra những chùm là nâu sẫm. Lá mưng non chát từ đầu lưỡi bóp với sứa, gừng, dái mít mắm tôm, ăn ngon đáo để. Tháng ba, biến Thái Lai, Mạch nước dập dờn chân sứa, mít trong vườn ra hoa, búp mưng bật mở xoè ra những cánh lá non tơ tạm biệt ngày đông tháng giá, nắng ấm dần lên.

 

            Trăng mưng!...

            Thục tựa lưng vào cây mưng già đợi Thà đến nói chuyện thiệt hay.

            Thục nhấm nha lá mưng đếm thời gian. Vì đắng chát tê đầu lưỡi. Thời gian như ngưng đọng. Có người đến. Không phải Thà… mà là Thuận.

 

-          O chờ lâu chưa?

-          Tui chờ Thà…. lâu rồi….

-          O bỏ quá cho.. tui nhắn sợ o không đến, nên tui nhờ út Thà.

-          Có chuyện chi rứa eng?

-          Tui muốn tặng o Thục chiếc áo mới may.

 

Thuận đưa chiếc áo gói cẩn thận vào tay Thục. Thục đỡ chiếc áo, đỡ cả bàn tay nóng ấm run run của Thuận.

 

-          Eng Thuận lạ thiệt đó!

 

Thục gọi tên anh rồi ôm chiếc áo vào ngực vừa đi vừa chạy. Con đường cát mịn ngã dài theo con mương lấp loá ánh trăng mưng. Thục như thấy hai má mình đỏ lựng, chao nghiêng đáy nước.

 

Sớm hôm sau Thà chạy ào vào buồng của Thục như luông gió đổi mùa, mồm liếng thoắng.

 

-          Thục ơi! từ bữa ni, tau là út, mi là ả (chị) rồi đó!

-          Mi nói chi lạ rứa!

-          Hừ! hôm qua eng, ả gặp chắc thì lạ hay quen.

-          Mi thiệt là quá quắt!

-          Ôi chao ôi! Cả đêm qua eng tau không ngủ được, đem vải ra cắt mấy áo liền. Mạ tau hỏi có chuyện chi mà hai eng tam bui rứa (vui thế), eng tau bảo: mạ cứ hỏi con Thà thì biết. Tau hỏi mạ có cho eng con lấy “cấy” (vợ) không? Mạ hỏi: lấy ai? Tau nói: O Thục ở xóm ngoài. Mạ tau sững một chút rồi nói nhỏ mà vui lắm: Con người ta đẹp người, đẹp nết liệu có ưng eng con không? Tau nói phắt: Ưng rồi!.

 

Hai đứa đấm lưng nhau thùm thụp, cười khúc khích mãi. …..Thà cắp nón, cúi đầu chào lý nhí:

 

-          Thưa ả… út về ạ....

 

Câu chào thật lòng của bề dưới, không tinh nghịch, đùa giỡn như mọi khi…..

 

4                 

 

Trời tháng tám dễ mưa dễ nắng. Trưa nắng chang chang như bốc lửa. Chiều tối mưa xối xả. Sáng ra đống rơm sau nhà bốc hơi nghi ngút, hàng chục hàng trăm nụ nấm trắng ngà đội rơm sưởi nắng. Đêm oi nồng, đất trời chuyển đổi, nấm rơm nấm cuông, nấm bông trang, nấm mỡ, nấm cứt gà, nấm tràm thi nhau đùn đất mọc lên. Dân làng Thượng quen gọi là mùa nực nấm tràm. Thục định rủ Thà vào trằm hái nấm, nhưng bà Khế gặt phắt.

 

-          Nấm náp mần chi! Ở nhà có việc.

 

Thục thuộc về mẹ dáng người, nước da, gương mặt hiền dịu, sáng sủa, thuộc về cha tính tình điềm đạm, có phần nhút nhát. Bà Khế đi đứng như đàn ông, giọng đanh, tính nóng như lửa. Chẳng ai trong nhà giống tính bà. Trời đã nóng nực, bà lại quát to, nên Thục len lén cất rổ vào chái nhà. Bà ngồi co chân lên ghế, rồi thả xuống xoa đầu gối. Bà đi thẳng vào buồng, ra bếp lại ra sân nhìn trời đất. Thục thấy lạ hỏi nhỏ:

 

-                      Có việc chi chộn rộn phải không mạ?

-                      Ổn hết. Chừ con đi nấu cơm.

-                      Đang sớm mà.

-                      Sớm với con chứ không sớm với mạ nghe chưa?

-                      Dạ.

-                      Nấu hai nồi mười cơm nghe chưa?

-                      Úi chao, ai ăn mà nấu nhiều rứa?

-                      Không hỏi, mần đi.

            Thục nắm hai nồi cơm to, thành hàng chục bát cơm nhỏ gói vào lá chuối. Mỏi tay, mỏi lưng, Thục định gọi Thà sang giúp, bà Khế ghé sát tai:

-                      Việc ni chỉ mạ con mình biết nghe không?

-                      Dạ

 

Nhập nhoạng tối, Thục gánh hai bị đấy ắp cơm nắm muối vừng theo mẹ lên rú Trằm. Trời tối, đường lầy lội, Thục sợ bùn, sợ đỉa, sợ ma nhưng không giám kêu. Thục nghe kể chính giữa rú Trằm có mấy chục bụi tre gai to lắm. Tay tre ken chặt nhau đến nỗi con chồn cũng không chui qua được. Muốn vào trong lòi tre phải qua vạt nẩy (lầy bùn) ngập tận cổ.

Thục nghe kể, ngày xửa, ngày xưa có ông thợ săn cất chòi bên rú Trằm. Ông không có đất, không có nhà, không có nổi một đồng tiền sứt, nên không lấy được vợ. Ông chỉ có một con chó cũng già như ông. Rạng sáng tết năm ấy, ông trở giấc nghe tiếng cú kêu đầu tiên. Ông nổi gai ốc:

Chim kêu nhộn rú

Cú kêu nhộn ma

Ca (gà) kêu được mùa.

 

Quả là năm ấy đói đến củ chuối hột, cây đu đủ cũng không còn để nhét vào bụng, người chết đầy đường. Giao thừa năm sau ông lão lại nghe tiếng chim kêu đầu tiên - giữa năm cọp trong rú về tận làng bắt lợn. Cả làng đốt đuốc đánh phèng la, gõ mỏ đuổi cọp suốt đêm. Ông không dám vào rú bẫy chim, săn chồn. Ông lão đổi sang nghề câu. Nghe nói, trong nẩy có con cá bông to lắm, trên đầu có mào đỏ. Lão sắm lưỡi câu rõ to, giây câu như cây song. Một buổi chiều trời oi nồng, con mực lao lên phía trước đánh hơi. Lão thả con mồi, kéo theo bờ đầm. Từ trong bụi rậm con chồn nhảy ra, cắn con cá mồi, lão giật mạnh con chồn mắc câu giãy dụa, bơi theo dòng nước. Đến khúc ngoặt rẽ vào lòi tre, con báo háu đói vồ con chồn, lão giật mạnh con báo mắc câu, quằn quại giữa vũng lầy bùn. Bất thần con trăn nước thân to như cái nơm lao ra há mõm nuốt cả báo, cả chồn, cả con cá mồi, và lưỡi câu to đùng vào bụng. Vũng bùn sôi lên theo từng vòng quẫy của con trăn nước khổng lồ đang chìm dần. Sợi dây câu quật ông lão xuống bìa rừng. Bùn tràn vào mũi, mồm sặc sụa. Lão ngạt thở. Con mực cắn vào cổ áo kéo lê lão nhích từng bước lên bờ. Lão thoát chết, lờ đờ mở mắt. Con chó già suýt chết…. Mấy ngày sau, người ta thấy xác con trăn nước nổi lềnh phềnh, xác con báo trôi dạt vào mé đầm lầy, con chồn, con cá mồi chỉ còn bộ xương….. và sau đó tất cả tan biến vào đầm lầy để lại vị tanh của bùn, nồng nặc mùi xú uế. Người ta kể rằng, không hiểu vì sao một đêm oi nồng trước cơn giông đầu mùa, con chó già kéo lê lưỡi câu sáng loá đặt bên cạnh lão thợ săn đã chết cứng queo. Con chó già sủa mấy tiếng hắt ra rồi ư ử, não nuột như tiếng kèn hụt hơi và gác mõm lên chân lão già… lịm dần….. Giao thừa năm ấy, người ta nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.

 

Đời này qua đời khác, dân làng Thượng bảo nhau: hễ ai có vóc dáng như lão thợ săn, có tâm thật như lão, không biết sợ như lão mới vào được lòi tre thần giữa tâm Rú Trằm. Liệu Thục và mẹ có được như lão thợ săn hay không? Có lội qua được bãi lầy không? Và ai dám bảo ở đây không có trăn nước! Bùn bắn lên mặt đúng là có vị mằn mặn tanh tanh. Gió lùa qua bãi vọt ngã sóng soài theo bãi lầy vắng lặng như tiếng khóc não nề. Thục sợ muốn nắm lấy vạt áo của mẹ, nhưng hai tay phải giữ chặt bị cơm đang đội trên đầu. Đặt được bị cơm nắm lên bờ, Thục ngồi bệt xuống đất, thời phào. Mẹ ra hiệu im lặng. Có người đàn ông cũng tầm thước như lão thợ săn già rẽ lối đêm đi tới. Chỉ thiếu con chó già! Người đàn ông giọng trầm, không biết già hay trẻ:

 

-                      Đồng chí K đến rồi!

-                      Ổn cả chứ.

-                      Có hai bị “ăn này” của đồng chí là không lo chi nữa.

            Người đàn ông đảo mắt về phía Thục. Bà Khế nói nhỏ:

-                      Con út của tui đó, biết giữ mồm giữ miệng lắm.

-                      Rứa thì ngày mai theo kế hoạch. Cứ rứa mà mần tới nghe.

-                       

 

Thục im lặng, chẳng hiểu gì, chỉ biết mẹ đang làm một việc gì đó của tổ chức rất hệ trọng. Cả đêm hôm ấy đến rạng sáng, cả nhà không hay biết chuyện Thục và mẹ đưa cơm nắm vào lòi tre giữa Rú Trằm.

 

Đặt lưng xuống chõng tre là Thục ôm lưng mẹ ngủ thiếp, lúc thì mơ thấy Thuận trùm áo tơi lên người, Thục ngượng chín mặt dúi đầu vào lưng ôm ghì chặt lấy mẹ, lúc thì thấy con trăn thần cuộn tròn, vùng vẫy giữa đầm lầy, sợ toát mồ hôi cũng ôm chặt lấy mẹ.. Bà Khế không tài nạo chợp mắt được. Không biết ngày mai cơ sự sẽ thế nào. Thắng thì được tất cả, mà nói dại, thua thì mất hết, mà tính mạng cũng chẳng vẹn toàn. Với bà có lên đoạn đầu đài cũng chẳng sao, nhưng con cái? Nhất là Thục, còn đầu xanh tuổi trẻ, khi có người con trai để mắt đến mới biết làm dáng….

Chương : 1   2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12   
Vĩnh Trà
Số lần đọc: 3788
Ngày đăng: 20.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Dầu máu (truyện dài)