Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.058
123.234.495
 
Dầu máu
Vĩnh Trà
Chương 2

5                                               

 

Chuyện cách đây đã mười năm kể rằng: Trần Kiệm đi lính cho Tây được phong hàm Cửu phẩm cai trị vùng làng Thượng khét tiếng độc ác, tham lam, say máu bắt bớ, chém giết Cộng sản. Dân làng Thượng thường gọi là Cửu Kiệm. Hễ có việc mừng hay giải sầu, hắn đều đến nhà lão Lỗi. Có cái kỳ lạ là hắn nghễu nghệu qua cầu mà lũ chó canh cửa nhà lão Lỗi có tiếng hung dữ cũng phải cụp đuôi, mắt len lét, chân rón rén tìm chỗ nằm không sủa một tiếng. Lão Lỗi khệnh khạng, hoạnh hoẹ người ăn kẻ ở là vậy mà khi thấy Cửu Kiệm vào là vội vàng rải chiếu hoa lên sập gụ lễ phép: “mời thầy ngồi”. Cửu Kiệm hỏi bâng quơ:

 

-                      Dạo ni mần ăn ra răng  hè?

-                      Cũng tàm tạm. Thưa thầy….!

-                      Ừa.. tàm tạm như mâm cơm ni là được đó.

-                       

            Cửu Kiệm liếc xéo sang cô gái hầu đang xếp lại mâm cơm lắm đĩa nhiều món. Cô gái quỳ, ngực tựa lên mép sập. Hắn nhìn xoáy vào bộ ngực nở nang, trắng nõn nà lộ ra dưới chiếc yếm nâu quá chật. Lão Lỗi nháy mắt giọng méo xệch.

 

-                      Tươi, xuống bếp rửa ráy sạch sẽ rồi lên hầu rượu thầy lớn nghe?

-                      Dạ.

 

Cửu Kiệm tợp một ngụm rượu, hai ngón tay tóm gọn mấy lá rau thơm đẩy nhẹ vào mồm, đẩy tiếp miếng thịt nửa nạc nửa mỡ, thái con cờ, nhai nhồm nhoàm rồi đánh ực. Mồm, tay nhẫy mỡ, trán túa mồ hôi dầu. Hắn tợp một ngụm rượu nữa, tròng mắt láo liếng như vê tròn đầu vú nhô lên từ bộ ngực nở nang của hầu Tươi. Hắn co một chân lên tận cằm, ống quần lụa chảy xuống tận háng, chìa ra đầu gối củ lạc tong teo. Kể cũng lạ, đôi chân như hai cây sậy mà chống đỡ được thân hình phì nộn của hắn. Cũng may mà cái đầu của hắn bé như quả dưa, đủ chỗ cho hai con mắt  tốn gái và cái mồm như cái hố đào sẵn chờ thức ăn.

 

Cửu Kiệm tợp hết chén rượu thứ năm thì kêu ngứa. Hai tay đầy mỡ lợn, cá rán, thịt gà của hắn giơ lên cao. Hắn phơi cái bụng căng phồng, loang lổ, mắt liếc hầu Tươi. Lão Lỗi quay mặt vào trong dằn giọng:

 

-                      Tươi! mần đi!

 

Tươi ngoan ngoãn ngồi bên cạnh Cửu Kiệm đưa tay gãi đều… Hắn lim dim mắt… Lão Lỗi tranh thủ ăn. Bát cơm của Lão Lỗi nhỏ hơn bát bình thường. Lão tự tay xới một đũa cơm lót đáy bát, mỗi thức ăn trên mâm gắp một miếng nhỏ. Lão lùa gọn cả bát vào mồm, ngậm lại nhai từ từ. Lão tự ví kiểu ăn này là “trăn nuốt mồi”. Mỗi bữa ăn là lão “mần” nằm lần “trăn nuốt mồi”, nhấp một chén rượu thuốc, húp một bát canh là xong. Lão xỉa răng tanh tách, uống ngụm nước chè to, xúc miệng òng ọc, toành toạch, nuốt đánh ực rồi ợ rõ dài. Thế là Lão lim dim ngủ… Thường thường lão ngủ ngay bên mâm cơm nên hầu gái phải ngồi duỗi chân cho lão gối. Mụ Lỗi ngứa mắt đánh hầu gái, gãy chân và sai mua gần chục cái gối mây. Hễ lão Lỗi, ăn ở đâu, ngủ ở đâu thì có gối mây ở đó. Lão Lỗi há hốc mồm, gáy o o, mẩu lá hành dắt kẽ răng thưa đung đưa, đung đưa. Cửu Kiệm măt lim dim ngủ, ngả cái đầu dài dài như quả nhót, tóc rễ tre như lông nhím lên vai hầu Tươi. Cô gái mới 18 tuổi, chưa một lần được gần hơi trai, ngồi cứng đờ, vừa sợ, vừa lạ lẫm. Hắn thản nhiên luồn năm ngón tay đầy lông lá vào ngực hầu Tươi, sờ nắn “quả bưởi”. Cô gái hoảng hốt, đứng bật dậy. Cái đầu quả nhót đập xuống bát canh hến, nước canh chan hoà bộ mặt đỏ gay. Lão Lỗi ngậm mồm, mắt mở thao láo, nhìn hầu Tươi, giọng đượm rượu, ngái ngủ:

 

-                      Ô… chà chà… tui với thầy ngủ ngon quá… hè Tươi?

-                      Dạ, dạ…

-                      Lấy nác cho thầy Cửu rửa mặt nghe!

-                      Dạ

            Cửu Kiệm thản nhiên:

-                      Ăn uống ở đây dễ chịu thiệt. Hỏi thiệt, o Tươi có giôông (chồng) chưa hè.

-                      Cháu còn nhỏ lắm, thưa thầy.

-                      Ừa nhỏ tuổi, nhưng mà to… đậm tay lắm, hé… hé… hé… lần sau vui hơn hý.

 

Lão Lỗi mặt đỏ tía, gân cổ nổi hẳn lên, phập phồng. Tức quá đi mất. Lão chọn Tươi từ đám thợ cấy lên hầu cơm cho ông chủ là vì cái ngực nở nang, trắng nõn trắng nà ấy. Lão kín đáo ngắm nghía nên mụ vợ thính hơn mũi chó chưa biết gì. Lão chờ một đêm mát trời sai con bé hầu rượu sờ nắn cho bõ những lần đụng phải quả mướp thõng thượt, nhẽo nhoẹt của mụ vợ chua loét. Thế mà giữa ban ngày ban mặt, lão chó dái Cửu Kiệm đã nẫng tay trên…. lại còn hẹn lần sau vui vẻ nữa chứ! Đúng là tức anh ách như bò đá dái. Cửu Kiệm phẩy tay chỉ vào buồng trong. Lão Lỗi gật đầu thật mạnh như là hiểu ý thẩy Cửu, nhưng thật ra là quên quách cái chuyện bò đá…. ấy đi. Lão Lỗi cẩn thận khép cửa buồng. Cửu Kiệm hạ giọng.

 

-                      Mấy bữa ni đám “đồng chí” ăn mần ra răng, chúng tụ tập, họp hành nhiều không?

-                      Yên ắng lắm thầy ạ.

-                      Đồ bị thịt, có mắt mà như mù, có tai mà điếc đặc. Tin tối mật từ phủ đường cho hay là có thằng cộng sản to đầu được phái về làng Thượng bay có biết không?

            Lão Lỗi tái mặt.

-                      Thiệt không thầy. Rứa thì chết tụi tui rồi!

-                      Bay chỉ sợ chết mà không biết chống.

-                      Chống mần răng được. Dân làng Thượng là “đồng chí” hết cả mà.

-                      Bay cũng là “đồng chí” à?

-                      Không! Không đời mô bọn hắn kêu tui là đồng chí. Dân là Thượng ni lạ lắm thấy ơi! Không biết ai xúi dục mà cả làng từ con nít đến ông mụ tra (già) nhất loạt vây đôn lúa nhà  tui, đòi chia cho dân. Tu mà không chia thì chúng doạ đốt nhà. Tui cho người đi meéc quan phủ, chúng chặn hết ngả đường. Sợ đái ra quần, tui phải bảo mụ vợ vắt cổ chày ra nác chia mỗi nhà một thúng thóc mới yên đó, thầy ơi!

-                      Bay có biết đứa mô đứng ra tập hợp bọn dân đen đó không?

-                      Không biết?

-                      Chết là chỗ đó. Bay phải để mắt coi đứa mô nói năng gọn gàng dễ hiểu, được lòng hàng xóm. Cộng sản là ở chỗ đó chứ mô! Bay phải nhớ là làng Thượng, làng Hoàng Công, làng Quảng Xá là ba nơi có chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Phủ Vĩnh Linh. Bọn “đồng chí” dấu mặt, nhưng dân tin lắm đó.

 

-                      Ở Làng Thượng ni chỉ có mụ Khế là dân làng nể trọng hơn cả.

-                      Mụ ta mần chi hè?

-                      Mần roọng (ruộng), cấy rẽ cho tui

-                      Mần chi nữa?

-                      Mần Phước

-                      Nói rõ coi

-                      Mụ ta đi hái lá, chữa bệnh lòi dom cho đàn bà. Mụ vợ tui cũng được mụ Khế chữa chạy mới có con đó, thưa thầy, nên mụ vợ tui nể lắm.

-                      Phải để ý đến mụ Khế nghe. Những người như rứa dễ thành cộng sản lắm đó.

-                      Thầy nói như rứa là theo dõi để bắt mụ Khế à?

-                      Có chứng cớ hoạt động mới bắt được

-                      Dạ, tui hiểu rồi, thưa thầy.

-                      Tụi bây cứ nói là hiểu rồi, hiểu rồi, mà không biết chi hết. Tụi bây có biết mụ Khế gần đây hay gặp ai lạ mặt không?

 

Lão Lỗi bóp đầu, ngón lay gõ gõ vào trán đều đều như chim gõ kiến. Cửu Kiệm sốt ruột đi đi lại lại như chó dái bị giam mà lũ kiến không chịu chui ra khỏi cái đầu mít đặc của lão Lỗi. Mặt lão thuỗn ra rồi thu gọn lại để bật ra câu nói từ trí nhớ mong manh.

 

-                      Ừ … à…. để tui hỏi mụ vợ tui coi, thầy hỷ!

 

Mụ Lỗi không ưa gì Cửu Kiệm, nhưng sợ vãi … ra nên cố ý lánh mặt. Cửu Kiệm ưa bộ ngực phì nộn của vợ lão Lỗi, nhưng không thèm nhìn thẳng vào bộ mặt choắt gồ ghề, con mắt xỉa xói như thấu ruột gan của mụ. Cửu Kiệm nhìn ra cửa sổ, hỏi trống không?

 

-                      Mấy hôm rày, bay có gặp người lạ phải không?

-                      Dạ không, thưa thầy Cửu.

-                      Rứa hôm rồi mụ Khế nói chuyện với ai đầu Lòi Đình hè?

-                      Dạ… à, tui nhớ ra rồi, có thằng cha đen thui, rách rưởi như thằng ăn mày hỏi đường ra hói.

-                      Đó đó…. Bay với mụ Khế đi với chắc, mà thằng ăn mày hỏi mụ Khế mà không hỏi bay… có biết vì răng không?

-                      Dạ không?

-                      Ngu lắm! thằng cộng sản giả vờ ăn mày liên lạc với mụ Khế, bay hiểu chưa? Ngu lâu quá, bay ơi!

           

Cửu Kiệm khoát tay. Cả bàn tay sần sùi, lông lá vuốt mạnh lên bộ ngực của mụ Lỗi. Mụ ưỡn ngực ra, mắt nhìn xoáy vào Cửu Kiệm. Lão Lỗi quay ngoắt, e hèm như khạc cái gì đó gờn gợn ở cổ. Cửu Kiệm ghé sát mồm nói nhỏ vào tai mụ Lỗi điều gì đó rất bí mật, mắt xoáy vào cái cổ dài trắng nõn nà của mụ. Mụ Lỗi sững người, mặt nhăn nhúm,tái xanh rồi từ từ dãn ra, ửng hồng dần.

 

Lão Lỗi như vô tình vấp phải cửa buồng, thuận chân đá con chó mực thật mạnh. Con mực đau điếng, nhưng không kêu, lẳng lặng thu minh vào góc nhà nhưng hàm răng nhe ra trắng ởn hướng về đôi chân que sậy đầy lông lá như chân ruồi của Cửu Kiệm.

 

Cửu Kiệm đi rồi, con mực kêu lên một tiếng nửa như oan ức, nửa như sủa váng lên cho thoả. Mụ Lỗi hốt hoảng.

-                      Ông ơi, lão chó chết ấy bắt tui với ông phải theo sát mụ Khế. Hễ thấy mụ Khế bắt chuyện với lão ăn mày là phải báo quan tóm ngay, được trọng thưởng. Nếu để sổng thì tui với ông phải lên đoạn đầu đài thay họ. Ui chao chuyện tày đình như rứa, mần răng được ông hè.

            Lão Lỗi trợn tròn mắt, chân cứng đờ! Mụ Lỗi ngồi thụp xuống kêu hắt: “Trời ơi là trời”! Com mực tru lên một tiếng dài. Con chim “te hót” bay qua cất tiếng kêu não nề “te te te hót”. Mụ Lỗi run run:

-                      Con chim ni kêu là độc lắm, nay mai làng lại có người chết đây.

 

6                                           

 

            Sử sách Vĩnh Linh ghi lại:

 

Trần Kiệm ngày đêm theo dõi bắt đồng chí Lê Thô, một đảng viên chi bộ Thuỷ tú. Đồng chí Trần Ngọc Hoàng, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Vĩnh Linh giao nhiệm vụ cho Phủ uỷ Vĩnh Linh tìm cách thủ tiêu Trần Kiệm để bảo vệ đảng viên và cơ sở đảng. Ban đầu các đồng chí trong Phủ uỷ không nhất trí, nhưng do thái độ kiên quyết của đồng chí Trần Ngọc Hoành Phủ uỷ coi đây như là chủ trương của cấp trên nên đã tổ chức giết Trần Kiệm và phi tang vụ án. Ngày 29 tháng 5 năm 1934 thấy Trần Kiệm bỗng dưng mất tích, bọn thống trị ra sức truy tìm, nhưng một năm trời vẫn không tìm ra manh mối, viên tri phủ Vĩnh Linh Phan Đình Kính đánh bó tay, bị cách chức, dời chi đi nơi khác. Chúng điều Dương Ngọc Phụ về thay. Phụ nghiện thuốc phiện nặng, mắt thâm quầng, kiêu căng, độc ác và hết sức nham hiểm. Mới chân ướt chân ráo nhận chức tri phủ Vĩnh Lĩnh, Dương Ngọc Phụ muốn tâng công, liền trở lại vụ án Trần Kiệm. Do có kẻ phản bội ngày 2 tháng 7 năm 1935, chúng bắt đồng chí Trần Văn Luận, bí thư Phủ uỷ Vĩnh Linh rồi đến đồng chí Trần Văn Trích. Tiếp đó, chúng bắt hai đồng chí Trấn Ấm và Dương Liêu tra tấn xét hỏi. Cuối cùng chúng tìm được xác Trần Kiệm bị vùi trong tổ mối. Chúng kết tội các đồng chí Trần Văn Luận, Trần Văn Trích, Trần Ấm, Dương Liêu và nhiều người khác là thủ phạm giết Trần Kiệm. Phủ uỷ Vĩnh Linh bị tan vỡ. Bọn thống trị lợi dụng vụ ám sát Trần Kiệm để đàn áp phong trào cách mạng ở Vĩnh Linh. Chúng cho lính về vây ráp bắt hàng trăm đàn ông ở làng Thượng và các làng khác giam giữ ở phủ đường Vĩnh Linh. Tên chánh mật thám Quảng Trị Li-véc-xê đến Vĩnh Linh ngày đêm cùng tên tri phủ Dương Ngọc Phụ, tên cai ngục Trần Nguyên Hựu, dùng mọi cực hình tra tấn dã man nhiều cán bộ Đảng viên. Hầu hết, những người bị bắt đều tỏ ra kiên cường, bất khuất, không khai báo. Tiêu biểu như đồng chí Lê Đông bị tra tấn suốt một tháng trời, nhưng trước sau như một đồng chí cắn răng chịu đựng không hé lời khai báo cơ sở Đảng. Chị Ngưng bán hàng ở chợ huyện là cơ sở liên lạc của Đảng. Bắt được chị, chúng dùng mọi cực hình tra tấn, bị đá đến trụy thai nhưng vẫn một mực không khai. Các đồng chí Hoàng Đức Pháp, Phạm Chí, Nguyễn Chư bị chúng đánh đập hết sức dã man, có đồng chí phải mang thương tật suốt đời, nhưng vẫn kiên gan giữ gìn mọi bí mật của Đảng. Đặc biệt hai đồng chí Trần Văn Trích và Trần Văn Luận bị tra tấn suốt ngày đêm cực kỳ man rợ, vẫn nêu cao khí tiết người cộng sản, nhận hết mọi trách nhiệm về mình. Hết ngòn đòn “tàu ngầm” đến cực hình “máy bay”, ngất lịm, dội nước, tỉnh dậy, hai đồng chí chỉ một lời, chỉ có chúng tôi giết Trần Kiệm, không liên lạc với ai, không ai biết! Li-véc-xê lồng lộn, Dương Ngọc Phụ điên tiết, Trần Nguyên Hựu rã rời vì ra đòn quá nhiều, nhưng cuối cùng phải bó tay. Chúng kết án tử hình hai đồng chí Trần Văn Trích và Trần Văn Luận, 18 đồng chí khác bị tù, trong đó đồng chí Trần Đức Ấm chung thân, Dương Văn Liêu 20 năm tù khổ sai, Nguyễn Chư, Trần Đồng bị đày đi Ban Me Thuột, đồng chí Trần Ngọc Hoành bị tử hình vắng mặt..

 

Sau một thời gian cầm cố ở xà lim, nhà lao Quảng Trị, ngày 11 tháng 11 năm 1935 (tức 19 tháng 10 năm Ất Hợi) thực dân Pháp và tay sai đã cho xe chở hai đồng chí Trần Văn Trích và Trần Văn Luận ra Vĩnh Linh xử bắn. Dọc đường, trước quần chúng, hai đồng chí không ngớt lời vạch trần tội ác của bè lũ thực dân và quan lại Nam Triều đối với nhân dân ta. Kẻ địch nham hiểm mở trường bắn ngay tại quê hương hòng uy hiếp tinh thần quần chúng ở đây, nhưng chúng thất bại hoàn toàn. Gặp lại người thân và bà con lối xóm, hai đồng chí nhắc nhở mọi người hãy thương yêu, gắn bó với nhau như anh em, đoàn kết đấu tranh nhất định thắng lợi, hãy tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng. Đồng chí Trần Văn Luận nhắn với vợ: “Tui chết, tui không ân hận gì cả, nhà cố thay tui làm lụng nuôi con, cho con ăn học thành người. Thế nào rồi chúng ta cũng thắng! Đến giây phút cuối cùng hai đồng chí cùng hô to:

 

Đảng cộng sản Đông dương muôn năm

Nước Việt Nam độc lập muôn năm!

 

*

Tiếng súng nổ chát chuá xé toang bầu trời làng Thượng! Tiếng gào khóc, tiếng hô muôn năm đứt đoạn. Mười năm rồi, khắc ghi vào trí não bà Khế. Người ta bàn tán là các bà đi chợ Phủ đưa chuyện mới bị lộ vụ Cửu Kiệm bị giết. Có người nghi ngờ có ai đó trong tổ chức làm lộ bí mật; có đồng chí quả quyết là có kẻ phản bội. Dù gì đi nữa thì anh Trích anh Luận cũng không còn. Loạt đạn đầu tiên nổ vang trời, Khế không dám nhìn các anh. Khi nghe các anh cùng hô “Nước Viêt Nam độc lập muôn năm” đứt đoạn rồi lịm dần, Khế mới dám nhìn thẳng. Mắt các anh vẫn mở trừng trừng. Các anh muốn nhìn thấy hết vợ con, đồng chí, bạn bè, hàng xóm trước khi nhắm mắt về với cát bụi. Ngày đưa Khế vào tổ chức, anh Luận gọi cô gái làng Thượng tính nóng như lửa là đồng chí. Anh bảo: “Phải mở mắt thiệt to, nhìn cho kỹ, cho hết, cho thấu hiểu rồi mới mở mồm nói. Đã nói là chắc chắn, đã nói là phải làm, đã làm phải đến nơi đến chốn, phải kín đáo giữ mồm giữ miệng. Vào tổ chức, làm cách mạng là  phải như thế, là phải chịu thiệt thòi, phải biết hy sinh”.

                                                                        *

            Mới vào hè mà nắng đã rát rạt.

 

Hoàng hôn như chiếc khăn khổng lồ màu tím phủ tràn trằm Nổ, Lòi Đình mà hơi nóng vẫn hừng hực từ con đường cát ngập bàn chân. Mụ Lỗi không e dè, mở phanh áo. Nếu không có đám đàn ông làm thuê hóng gió đầu làng thì mụ đã tung hê cái yếm mỡ gà, mảnh vải cuối cùng trên bộ ngực đẫy đà. Thằng Ngơ đi qua cũng phanh ngực, chỉ tội bộ ngực nó lép xẹp tưong xứng với bộ mặt dúm dó, đen đúa cắm chỏng chơ trên bộ xương sườn đếm được từng chiếc. Hắn ngồi thụp xuống dưới chân mụ Lỗi, mắt ngước lên thao láo, mồm há hốc, mũi khịt khịt:

-                      Ối bọ mạ ơi! trắng quá, ngon quá

            Mụ Lỗi cầm tai thằng Ngơ xách lên dúi vào ngực rồi đá cho hắn một cú đủ để bộ xương lộn tùng phèo.

-                      Mạ cha ông cố tổ mi. Ngơ ngơ như gà đội nón ma cũng thèm ăn bánh của mụ hử.

Thằng Ngơ bò giật lùi, mắt vẫn thao láo nhìn mụ Lỗi, rồi hắn giật toàn thân. Nằm xoài trên cát, sùi bọt mép. Hắn lên cơn động kinh. Cả làng này ai cũng biết thằng Ngơ động kinh gần hai chục năm nay rồi. Mụ Lỗi hứ rõ to rồi gạt phăng mảnh yếm đứng hóng gió.

 

Khuya. Sương xuống. Mụ Lỗi vẫn không khoác áo. Hình như mụ chờ ai?.... Cửu Kiệm loạng choạng bước tới. Mụ Lỗi chặn ngang. Cửu Kiệm ngước nhìn chòng chọc rồi xoè hết hai bàn tay lướt nhẹ trên ngực mụ, lè nhè….

-                      Hơ hơ, hôm ni hai quả của con Tươi chắc như hai nắm cơm mà choa còn cả thèm chóng chán nữa là hạng hai quả mướp bèo nhèo của mụ.

 

Vậy là lão Lỗi chẳng xơ múi gì của cấm con Tươi. Mụ Lỗi tránh đường, Cửu Kiệm chúi mũi rúc vào màn đêm mỗi lúc một dày….

 

Đến Lòi Đình hắn tỉnh rượu, hai mắt đảo quanh. Chỉ cần “lão ăn mày” ngang qua đường là Cửu Kiệm tóm gọn. Hắn thu mình như con mèo rình chuột. Bỗng hai bàn tay to bè, chắc khỏe bịt mồm hắn ra phía sau, hai bàn tay bị khoá chặt. Bốn người to khoẻ kéo Cửu Kiệm vào bụi cây. Hắn kêu ằng ặc được mấy tiếng rồi lịm dần, tan biến vào đêm…

 

Thằng Ngơ tỉnh dậy. Hắn lùi dần, rồi hốt hoảng, miệng ú ớ, tay chỉ vào bụi cây, chạy ngược lên trằm. Bốn người, tám con mắt nhìn nhau. Thằng Ngơ mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống vất vưởng, có xác mà không có hồn. Hắn kêu lên, nói ra thì lộ hết. Có thủ tiêu hắn không? Hắn chẳng có tội tình chi, nhưng để hắn sống thì cái gì sẽ xẩy ra. Cả chi bộ, cả làng Thượng này sẽ chìm trong máu. Thôi thì cứ hoá kiếp cho Ngơ, thoát khỏi kiếp sống lay lắt lại giữ được bí mật, bảo vệ được cơ sở, tránh hoạ cho dân làng. Âu cũng là hy sinh cho việc lớn. Ngày Cửu Kiệm bị vùi trong tổ mối cũng là ngày giỗ của Ngơ động kinh…

 

Anh Trích anh Luận đã nhận hết mọi việc thủ tiêu Trần Kiệm là nhận cái chết, nhưng để anh em đồng chí được sống, bà con làng Thượng được bình yên. Bà Khế lặng lẽ thắp nén nhang trước hương hồn hai anh và thương cho số phận của Ngơ….. bà Khế lấy khăn đắp lên ngực con gái đang ngủ nghiêng, thình thoảng cười nụ trong mơ..

                        Gà gáy tàn canh….

                        Ba tiếng gõ nhẹ vào phên nứa

            Bà Khế búi cao tóc, đội nón, khẽ lay con gái. Thục bật dậy, ôm chầm cổ mẹ.

-                      Có chuyện chi, kẻ trộm à?

-                      Tổ cha mi,khi mô cũng sợ trộm cắp. Có đi “làm nhiệm vụ” với mạ không?

-                      Làm nhiệm vụ như tối qua phải không mạ? Có phải đội thúng cơm nắm qua nẩy vô Rú Trằm không?

-                      Có cơm nắm, có gươm, dáo, đòn xóc, rồi hô khẩu hiệu, khản cổ mới thôi!

-                      Rứa thì đánh chắc phải không mạ, sợ hè!

-                      Không sợ chi hết. Lần ni đông người “làm nhiệm vụ” lắm. Eng tam nhà Thuận, Thà cũng đi đó.

-                      Rứa à, rứa thì con cũng đi.

-                      Tổ cha mi, mần cách mạng mà cũng ham vui.

            Mạ rút chiếc đòn gánh gác trên kèo nhà đặt vào tay Thục. Hai mẹ con đến Lòi Đình thì cả trăm người đã đứng thành hàng dọc. Người đàn ông tầm thước đeo kiếm bên hông ghé tai nói nhỏ, bà Khế vượt lên trước hô to:

-                      Bà con, đi theo tui!

            Đi qua tổ mối bà Khế như thấy Cửu Kiệm đầu trọc lốc, nhe răng cười, trắng ởn. Bà dằn giọng:

-                      Lần ni phải thắng! đi lên bà con ơi!

Qua Rú Trằm, lên Cầu điện ra ngã ba Sa Lung, đoàn biểu tình lên cả nghìn người. Thục chạy nhanh nắm vạt áo của mẹ, chiếc đòn gánh quay ngang gạt vào đầu chàng trai trẻ măng. Anh chàng xoa đầu nhưng vẫn xởi lởi:

-                      O ni đi mần cách mạng mà đòi bú mạ à?

            Thục thẹn chín mặt, bám riết mẹ. Người đàn ông tầm thước đi sau cùng lại chạy lên trước nói nhỏ với bà Khế. Bà Khế đưa cho Thục miếng giấy tìm giao cho Thuận. Thục chưa hết đỏ mặt khi gặp Thuận thì từ giữa đoàn biểu tình cất lên tiếng hô giõng dạc.

-                      Đả đảo Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim

-                      Việt Nam độc lập muôn năm.

            Tiếng hô của Thuận đĩnh đạc, dứt khoát, vang vọng. Cả ngàn người hô vang “đả đảo” như dao chém cột, “muôn năm, muôn năm” rền vang như sấm dậy.

 

Quốc lộ số một mà bà con làng Thượng quen gọi là đường cái quan chạy dài theo truông nhà Hồ đen trũi như con trăn nước uốn lượn, lên xuống rồi mất hút sau rặng cây. Hồi nhỏ,những đêm đông mưa rét não nùng, nằm cuộn tổ sâu trong lòng mẹ, nghe kể chuyện ma quái, cướp giật, giết người ở truông Nhà Hồ, Thục sợ đến vã mồ hôi. Giờ bên mẹ, vác đòn gánh, hô khẩu hiệu, Thục mạnh bạo hẳn, tự tin hơn. Con trăn nước, sau trận mưa đầu ngày bóng loáng, huyền ảo như chạy dài…. đến vô tận. Người đàn ông tầm thước đeo kiếm bên hông trịnh trọng:

-                      Thưa bà con, đoàn biểu tình của tổng Hồ xá chúng ta do đồng chí đây lãnh đạo. Thục nghĩ: “Chỉ huy cả ngàn người thế này phải là đàn ông dáng oai vệ cao to, mắt sáng quắc, giọng sang sảng….Từ trong rừng cây, rừng người, chỉ huy bước ra, cao gấp rưỡi ông cán bộ tầm thước. Ông bỏ chiếc mũ cát. Trán hói làm gương mặt già hơn tuổi. Ông cất giọng.

-                      Thưa bà con….

           

Thôi đúng rồi dượng Liên, gọi là dượng thì hơi vội vì dượng chưa lấy dì Thảo làm vợ…

                        Thục nhớ lại

                        Hai tháng trước,

 

Nắng tháng sáu chang chang. Trưa nắng, xói đỉnh đầu, lá chuối trong vườn rũ xuống thõng thượt, con gà mái đang ấp chục trứng phải mấy lần nhảy xuống ao uống nước. Chiếu tối, sấm chớp ầm ầm, xé toang bầu trời đen kịt, rồi mưa trang mưa trút đến gần sáng. Về khoản sợ chớp thì Thục được bọn con gái xếp vào hạng nhất làng. Có lần ôm chục bát đẹp lên nhà trên giúp mẹ làm mâm cơm cúng ông bà, đến giữa sân thì sét đánh cây chập chạ ngoài Nương hoang mà Thục rụng rời chân tay thả chục bát xuống đất vỡ tan tành. Mẹ tiếc của quát mắng, phết mấy roi, Thục phụng phịu: “tại ông sấm, không phải tại con!”.

 

Thục rúc đầu vào nách mẹ, hai tay bịt kín tai, ngủ vùi, mặc cho sấm chớp, mặc mưa tầm tã. Có tiếng gõ vào cửa sổ. Mẹ bật dậy. Thục ôm chặt lưng mẹ, chớp sáng loá, mưa đan chéo mặt sân. Có tiếng đàn ông quen quen:

-                      Bác ơi, tôi đây mà.

            Mẹ ghé tai sát cửa sổ, giọng gắt

-                      Đêm hôm, khuya khoắt, mưa gió như ri, có việc chi, ngày mai đến hý.

-                      Tui là Liên đây…. Liên… đây.

 

Giọng người đàn ông trầm xuống, run lên như khóc, như bị lạnh. Mẹ nhận ra, khẽ khàng mở cửa, Thục theo sát…. Sau vụ thủ tiêu Trần Kiệm bị vỡ lở, dượng Liên bị kêu án khổ sai, đày đi Buôn Mê Thuột. Vượt ngục, dượng lên đây gặp mẹ một lần với dì Thảo. Dì Thảo gọi mẹ bằng bác. Dì Thảo vừa trẻ vừa trắng vừa xinh mà Dượng Liên hơi thô lại hơi nhiều tuổi, trong bụng Thục không ưng. Mẹ bảo “mần cách mạng là mần việc cho dân, cho nước, khổ sở trăm bề, lại bị tù đầy, chưa biết khi mô sống, khi mô chết, thương lắm. Thời buổi cơ cực như ri, không thương cán bộ cách mạng thì thương ai?” Dần dà Thục cũng cảm mến dượng Liên, nên đã mấy lần đưa thư dượng cho dì Thảo. Mẹ giục dượng thay quần áo khô, dượng đứng yên giữa nhà nói ngay.

-                      Việc khẩn lắm. Không ở lâu được. Đêm mai bác họp chi bộ, truyền đạt mệnh lệnh “cấp côi” (cấp cao) nghe.

-                      Mẹ nháy mắt, Thục lên gường trùm chiếu kín người. Dượng Liên nói nhỏ, nhưng Thục nghe được

-                      Bác nghe kỹ hý. Tỉnh uỷ Lâm thời đã nhận được chỉ thị của Trung ương “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tỉnh đã triệu tập khẩn cấp hội nghị ở Liêm công đông, quyết định sáu điểm: một là gấp rút xây dựng các đội tự vệ, hai là lập căn cứ cách mạng từ Quảng xá đến Bến quan, ba là võ trang tuyên truyền và tổ chức mít tinh nhiều nơi trong phủ, bốn là tổ chức lạc quyên thóc, gạo, tiền của, năm là rèn đúc vũ khí, thứ sáu là thành lập các “ban hoà giải” ở các làng xã, lôi kéo người theo “thanh niên ái quốc đoàn” của Trần Trọng Kim về phía mình. Bác nhớ kỹ chưa? Bác nói với các đồng chí là làm ngay, làm gấp cả sáu việc, không chần chừ, mạnh dạn đưa quần chúng xuống đường, tham gia mít tinh vạch tội đế quốc phong kiến, một lòng theo Việt minh mới đổi đời được. Bác nhớ chưa?

-                      Tui nhớ rồi.

-                      Bác nhớ giao nhiệm vụ cho cậu Thuận, soạn thảo khẩu hiệu, lời kêu gọi đánh đuổi phát xít ủng hộ Việt Minh, giành độc lập dân tộc. Giúp đỡ cậu ấy trở thành đồng chí.

-                      Tui nhớ kỹ mà.

-                      Rứa thì yên tâm rồi, tui đi bác hý.

            Ra đến sân dượng Liên chần chừ rồi quay lại.

-                      Bác ơi, Thảo có khoẻ không?

-                      Khoẻ, dì vẫn chờ dượng đó….

            Tự nhiên Thục úp mặt xuống gối… nước mắt tràn…. thương dì dượng quá…!

            Mẹ lẩm nhẩm sáu nhiệm vụ, mỗi việc làm nhớ kỹ, mẹ bẻ gấp một ngón tay làm dấu. Đếm ngón tay thứ sáu, mẹ lắc đầu: “thành lập cái chi hè”?

Thục nói khẽ vào tai mẹ: “Thành lập ban hoà giải”

-                      Tổ cha mi, nghe lén à?

-                      Rứa thì chừ con ngủ, không nhớ chi nữa.

-                      Dưng mà …. lập tổ hoà giải rồi thì lôi kéo ai? ở mô về phía mình?

-                      Chỗ ni dượng nói nhỏ, ngoài trời sấm chớp con không nghe được.

            Thục tủm tỉm cười, mẹ vuốt tóc con gái:

-                       Nhớ “nhiệm vụ” giúp mạ cũng là mần cách mạng đó.

-                      Rứa thì con nói hý. Phải vận động lôi kéo thanh niên trong tổ chức thanh niên ái quốc của Trần Trọng Kim về phía Việt Minh.

-                      Con ni giỏi, mần liên lạc được đó.

            Mẹ nghiêm mặt:

-                      Nì, giả thử, địch bắt được o liên lạc ni đánh đập, bắt khai thì o mần răng.

-                      Đánh đau con chịu được, nhưng mà cù nách thì không chịu thấu. Con có máu buồn mà.

-                      Không chịu nổi thì mần răng.

-                      Thì con khai

-                      Khai ai?

-                      Mẹ, dượng, dì

-                      Có khai ra thằng Thuận không?

-                      Mạ thì, lúc mô cũng nhắc đến người ta.

            Thục cười rúc rích rồi rúc vào ngực mẹ.

 

Mùi mồ hôi đượm mùi trầu cau hăng hắc, lâng lâng như hoà quện trong hơi ấm áo tơi hồi đầu năm. Gương mặt khôi ngô, điệu cười đằm thắm của Thuận lướt qua. Thục xiết mẹ trong đôi tay trần sung sức. Mẹ tém bã trầu ném vào góc nhà, vuốt nhẹ mái tóc dài mềm mại xanh mướt của

cô con gái cưng mắng yêu:

-                      Mồ tổ o, xiết chặt như rứa thì ai mà thở được.

-                      Chắc lúc này dì Thảo cũng nhớ dượng Liên dữ lắm. Dì dượng chỉ gặp nhau trong bốn con mắt, chưa được ngồi cạnh nhau, vò nát chuỗi hoa mưng mà không nói nổi một lời như Thục trước đôi mắt hiền từ mà sâu thẳm của Thuận hôm nào.

Chương : 1    2   3    4    5    6    7    8    9    10    11    12   
Vĩnh Trà
Số lần đọc: 2218
Ngày đăng: 20.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Dầu máu (truyện dài)