Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.078
123.233.451
 
Dầu máu
Vĩnh Trà
Chương 5

PHẦN II

 

            1                      Dân làng Thượng kể rằng:

                                    Ngày xửa…..

                                                          ngày xưa

Cái lưỡi câu của ông thợ câu cá tầm thước ở bãi lầy Rú Trằm đã được anh thợ săn đánh thành mũi tên. Cung làm bằng cây trằm ná bánh tẻ, càng dùng càng bền, càng hay. Có điều lạ thường là khi mũi tên nằm trên thân cung tự nhiên phát sáng. Dây cung càng kéo căng, mũi tên càng sáng loá. Mỗi lần mũi tên bay đi là một lần ác thú ngã xuống.

 

Một hôm trời đang trong xanh, nắng lóa thì mây đen từ biển Thái Lai, Mạch nước sầm sầm kéo đến. Mảng trời xanh khép dần lại cho đến khi mây đen nối liền với Núi Reng, Khe Lương, Cồ Kiềng, Bàu bạc thì sấm chớp nổi lên, xé rách bầu trời. Từ phía Tây có con diều hâu cực lớn bay về. Bà con gọi là diều cồ. Chim bay đến đâu, sấm chớp đến đấy, gà lợn, chó mèo đều hoảng loạn chạy toé ra sân, ra vườn. Diều cồ sà xuống, quắp luôn cả gà, cả lợn. Dân làng Thượng nháo nhác. Anh thợ săn dương cung. Mũi tên lao đi, nhưng con diều hâu vẫn vô sự. Mũi tên rơi xuống cắm phập vào thân cây cồ thụ. Con chó săn kéo mũi tên đưa về cho anh thợ săn. Diều cồ sà xuống cây cồ thụ không thấy mũi tên, mắt nó tự nhiên sáng loá. Diều hâu ngó nghiêng rồi quắp một trái cây to bay về làng Thượng. Anh thợ săn dương cung, mũi tên lao lên, cắm phập vào trái cây. Diều cồ vẫn ngậm chặt trái cây to, mang theo mũi tên sà xuống lùm cây cách Rú Trằm không xa. Anh thợ săn lao đi trong sấm chớp mưa to, gió lớn, băng qua bãi lầy Rú Trằm, đến lùm cây giữa làng Thượng thì kiệt sức. Không thể đánh mất mũi tên quý, anh thợ săn lấy hết sức lực cuối cùng trườn về phía mũi tên đang cắm phập xuống đất. Diều cồ rã cánh nằm sóng soài trên mặt đất đẫm nước. Anh vươn tay cầm lấy chuôi mũi tên. Mắt diều hâu mở to, sáng loá rồi nhạt dần, xanh lè. Cánh diều hâu quật mạnh, bàn tay anh thợ săn cắm phập vào mũi tên, máu chảy thấm đỏ mặt đất. Anh thợ săn kiệt sức, kêu lên tiếng “mẹ ơi” rồi tắt thở. Diều cồ hé mắt, thở hộc một tiếng như hổ gầm rồi lịm dần cho đến lúc kêu ai oán như con chim ngửi mùi xác chết -  “te te le hót”.

 

Mưa gió, sấm chớp liền ba ngày, ba đêm thì tạnh hẳn. Cả Rú Trằm, cả làng Thượng là hồ nước mênh mang. Dân làng chạy dạt lên bờ tránh cơn đại hồng thuỷ. Nơi anh thợ săn và con diều cồ chết mọc lên cây gỗ xanh tốt vô chừng. Thân cây to, sần sùi như cây bời lời, lá nhỏ xanh thắm như lá lim. Rễ cây có chỗ trồi lên mặt đất cuồn cuộn như bắp thịt anh thợ săn, có chỗ cong quắp như mỏ diều hâu. Nơi vỏ cây bị thương chảy ra dòng nhựa sánh như dầu, đỏ tươi như máu. Dòng nhựa đọng lại phủ đầy vết thương và lâu ngày phồng lên như quả trứng gà, tím bầm như mắt diều hâu lúc lâm nạn. Dân làng Thượng gọi là cây Dầu máu.

 

Đời sau, một lùm cây Dầu máu thành đại thụ, toả rộng cả một vùng che chở cho bao loài cây khác tạo nên Lòi Dầu máu. Tán cây xanh tươi xoè rộng như bàn tay, như bát nước trời hứng mưa chặn dòng nước xói lở, chặn cát vùi lấp đất ruộng vào mùa lũ. Nước ngấm vào đất, giữ lại trong cát đến mùa hè khô nắng lại chắt ra dòng nước mát lành cho dân làng. Giữa ba cây dầu máu đại thụ có đến thờ anh thợ săn và diều cồ rất thiêng. Con trai, con gái trong làng yêu nhau, muốn nên vợ nên chồng, thì đến thử bằng dầu máu. Người con trai lấy dao nhọn sắc, chích ngọt vào thân cây, dầu máu chảy ra. Người con gái đưa cồ tay vào hứng. Nếu giọt dầu máu đọng lại trên cồ tay thì tình yêu của cô gái với chàng trai là chung thuỷ, trọn vẹn; nếu giọt dầu máu vỡ ra chảy tràn thì đôi trai gái có lấy nhau cũng không nên duyên chồng vợ. Có thành chồng vợ cũng người còn kẻ mất. Giọt máu tươi nguyên của cây qua bao đời như là phép thử đầu tiên của những mối tình….

 

Thục ngửa bàn tay. Cổ tay tròn lẳn, trắng mịn đón đợi. Gió như ngừng thổi, mây như ngừng trôi, chỉ còn ánh nắng ban mai chan hoà mặt đất và không gian yên ắng lạ kỳ, nghe rõ hơi thở nồng nàn của chàng trai, trái tim thổn thức của cô gái. Giọt dầu máu đầu tiên rơi nhẹ xuống cổ tay Thục, giọt nước đỏ tươi ngưng đọng giây lát như ánh mắt tròn xoe mong đợi…. rồi từ từ vỡ ra. Thục không tin vào mắt mình nữa. Thuận mím chặt môi, chẳng lẽ ông trời không cho họ sống trọn đời bên nhau ư?! Thục đưa hai tay ôm chặt gưong mặt đang hồng lên vì lo sợ. Thuận lấy khăn lau nhẹ những vết dầu máu nhoè nhoẹt trên đôi má trắng hồng của Thục.

 

…. Một lần nữa Thục ngửa bàn tay đón đợi…. giọt dầu máu đậu nhẹ nhàng trên cổ tay: tròn xoe, rung rinh. Thuận nắm chặt bàn tay Thục. Bốn con mắt như hoà vào nhau. Giọt dầu máu vẫn nguyên ô mắt tròn trịa trong hơi thở nhẹ, trong nguyện cầu mãi mãi bên nhau. Hai người cùng nhẩm đếm từ 1 đến năm thì giọt nước đỏ tươi chao nghiêng. Thục vội kêu lên khe khẽ: “được rồi!” và ôm chầm lấy Thuận, vít chặt cái đầu dễ ưa khét nắng vào bộ ngực nở nang của mình. Lần đầu tiên Thục làm như vậy! Lần đầu tiên Thuận được hưởng như vậy. Tất cả như lặng yên. Chỉ có sợi nắng mai xuyên qua kẽ lá dầu máu chứng kiến, nô giỡn trên gương mặt ngập tràn hạnh phúc của họ.

 

Mâm cơm đạm bạc kính cáo gia tiên. Chú, bác, cô, dì, quây quần uống chén rượu quê. Thuận Thục nên vợ nên chồng. Cạn chén rượu, dượng Liên trịnh trọng:

-                      Đồng chí đảng viên trẻ tuổi Trần Đức Thuận được bầu làm Uỷ viên Uỷ ban hành chính xã Vĩnh Hội. Vui duyên mới, mong đồng chí không được quên nhiệm vụ.

            Dượng hạ giọng.

-                      Thuận có biết nhiệm vụ hàng đầu bây chừ là chi không?

-                      Là bảo vệ chính quyền cách mạng ạ.

-                      Đúng rồi, nhưng với riêng Thuận là giết giặc dốt. Bà con mình không biết đọc, không biết viết tên mình thì không thể đi bầu cử Quốc hội được.

            Học trò đầu tiên của thầy giáo Thuận là Thục và Thà. Ban ngày lam lũ với việc đồng áng, tối đến hai chị em miệt mài học bên ngọn đèn mỡ vàng nhạt, bốc mùi khét lẹt.

            Một hôm hai chị em bỏ buổi chợ, chạy về nhà. Thà khóc thút thít. Thục lén chui vào buồng. Thuận gạn hỏi, Thà tức tuởi

-                      Dạy người ta học, mà lú thêm thì dạy mần chi?

            Thuận xoa đầu em gái nhẹ nhàng:

-                      Nói cụ thể eng nghe coi nào?

-                      Cụ thể là họ bày đặt ra phiên chợ mù với phiên chợ sáng. Ai đọc được trong rổ bán cái chi, mua cái chi thì sang phiên chợ sáng, ai không đánh vần được thì phải ở phiên chợ mù. Có o ngoài  Sen Thủy bán mớ tôm để mua chè xanh, anh cán bộ hỏi o bán chi, mua chi, đánh vần đi. O Sen thủy đọc luôn “Xê-hát-e-che-huyền-tôm” cả chợ cười ngất, còn o Sen Thuỷ phải sang chợ “mù”.

-                      Rứa thì út ở phiên chợ chi hè?

-                      Chợ mù. Tức chết đi được. Người ta hỏi, o bán chi. Út trả lời là “ca-hát-o-kho-là-khoai”. Eng cán bộ cười chảy cả nước mắt, nước mũi hỏi ai dạy như rứa. Út nói luôn: Eng trai tui đó, eng Thuận tui mần việc ở Uỷ ban xã đó. Eng cán bộ cười to hơn. Tui tức lắm. Tức nhất là bị eng cán bộ cao to, trắng trẻo đẹp trai cười chê!

-                      Không học thuộc thì học lai,học thêm có chi mà hổ người, mà tức?

-                      Tui tức cho mình một thì tức cho ả Thục mười.

-                      Rứa à?

            Thuận tủm tỉm cười, Thà ngúng ngoẩy:

-                      Tức đầy ruột mà eng còn cười: người ta hỏi ả Thục như ri: khuya mà mấy o đã đi chợ. O đánh vần chữ khuya nghe coi nào. Ả Thục cứ “ca-hát-u-khu” rồi để đó, không đọc tiếp được. Út tức quá đọc luôn “ca-hát-u-khu-là khuya”. Eng cán bộ đẹp trai ôm mặt cười ngặt nghẽo. Út tức lộn ruột hét lên: Ai mà bày đặt ra chợ sáng chợ mù mà mần khổ người ta như ry!

            Eng cán bộ đẹp trai vừa cười vừa nói: “Còn ai vô đây nữa, chính ông uỷ viên uỷ ban Trần Đức Thuận bày đặt ra đó”

            Thục ló đầu ra khỏi cửa buồng hỏi to: “Có thiệt không?”

            Thà sấn sổ: “Đúng là eng phải không?”

            Thuận vui vẻ: - Đúng rồi!

            Hai chị em xúm lại đấm thùm thụp vào lưng Thuận, anh kêu:

-                      Bà con ơi, đến mà coi học trò đánh thầy giáo! Bà con ơi!

 

Đêm đêm cả làng Thượng sáng đèn, người nào cũng học, nhà nào cũng học. Gặp cái cột đánh vần cái cột. Gặp người thân, đánh vần tên người thân. Người mới biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Người biết nhiều dạy cho người biết ít chữ. Không ai bực mình vì có phiên chợ mù. Phiên chợ sáng ngày một đông hơn. Ấy vậy mà đến sáng ngày mùng sáu tháng giêng, lần đầu tiên được cầm lá phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, nhiều người phải điểm chỉ. Hai chị em Thục, Thà tự mình viết tên người tín nhiệm vào Quốc hội, tự viết, tự ký tên của mình. Nhìn vợ và em gái trước hòm phiếu, Thuận cười mãn nguyện.

 

            2                                              

 

 

Ngày cuối vụ gặt lúa tháng Mười năm Bính Tuất, nhà bà Cao tất bật, người ra kẻ vào. Thục đau đẻ, kêu khản cả giọng. Thuận thương vợ, chạy ra chạy vào. Bà Cao lo lắng cho con dâu cả, thắp hương cầu trời khấn phật cho con qua cơn vượt cạn, mẹ tròn con vuông.

            Bà Khế ngoáy thêm một cối trầu đỏ au, cho gọn vào mồm, thủng thẳng:

-                      Kêu ít thôi, để sức mà rặn. Canh giờ nữa mới mãn nguyệt khai hoa, đừng có nôn nóng.

Sốt ruột, Thuận thò đầu vào cửa buồng. Thục bò lổm ngổm trên gường, váy nâu loè xoè. Một tay ôm bụng, một tay bám thành gường, mồm cắn chặt gấu chiếu. Cơn đau tột độ, dồn dập. Nhác thấy Thuận, Thục xua tay:

-                      Eng đi ra đi, ra đi…. đau quá mạ ơi!

Thuận mím chặt môi, ra giếng dội gáo nước lạnh lên đầu. Trong nhà bật tiếng khóc oa… oa…. Bà Khế cười khà khà như đàn ông

-                      Ố chà chà…… thằng cu, nục nặn lắm, có cả giây hoa… sau ni mần quan, mần tướng đây

            Bà Cao âu yếm nhìn con dâu rồi thắp hương khấn vái:

-                      Ông ơi thằng Thuận sinh con trai rồi, nhà ta có cháu nối dõi tông đường rồi. Ông về vui với con cháu.

            Thuận đặt tên cho con trai là Cảo Phương, theo chữ nho là sách thơm, những mong sau này học hành tấn tới. Bà Khế gạt phắt:

-                      Sau ni kêu sách thơm tho chi cũng được, dưng bây giừ thì cứ kêu là thằng Đái cho gọn.

            Thục nựng con

-                      Thằng chó của mạ sáng sủa như ri mà mệ kêu là Đái thì thiệt quá!

-                      Đặt tên xấu cho ma quỷ khỏi quở.

            Bà Cao đồng ý với bà Khế.

 

Con chưa kịp nhận mặt cha thì Thuận thoát ly, lên Thuỷ Ba xây dựng chiến khu. Thuận kiếm nhiều mảnh vải vụn xanh, vàng, tím đỏ may cho con trai nhiều bộ quần áo ngộ nghĩnh. Trẻ con làng Thượng quen mặc áo nâu, áo đen. Người già ở làng Thượng gọi áo quần trẻ con là xơ. Chiếc xơ mới may phải ném cho chó mặc trước mới mặc cho đứa trẻ. Làm như thế sẽ tránh được ma quỷ quở trách, quấy rầy. Thằng Đái đã biết toét miệng cười khi cha quay chiếc chong chóng bằng giấy màu. Cả chiều nay, Thuận không làm gì, không đi đâu, quây quần bên vợ con. Mưa thu cứ rỉ rả, rỉ rả rơi trên mái tranh cứa nhẹ vào nỗi đau ly biệt. Đêm nay Thuận lên chiến khu. Thục ngồi bó gối nhìn ra xa xăm. Cuối màn mưa giăng giăng là Bến bè. Chỉ vài lần chống, chục lần chèo là con đò sang bên kia sông. Anh sẽ đi trên con đường lầy thụt qua cánh đồng xâm xấp nước đến đồi sim chạy thun thút lên chiến khu. Anh ở đó với bao công việc đè nặng lên vai. Thục ở lại việc đồng áng, cũng nặng trĩu hai vai. Biết khi nào anh mới về, đến bao giờ cha con mới gặp nhau. Nếu lỡ ra…. Thục không dám nghĩ tiếp…. nước mắt rân rấn. Thuận thổi phù vào rốn thằng Đái cười khanh khách. Thục không chịu nổi, nấc dồn rồi oà khóc. Thục chạy thẳng ra giếng mội, vốc nước táp lên mặt lên cổ. Thuận lạy mẹ, ôm vợ, thơm con khắp người rồi xách tráp, đứng thẳng người bước đi dứt khoát. Trong tráp vỏn vẹn bộ quần áo, mấy tờ giấy, chiếc bút máy ca lô và bộ vạch, thước, kéo của thợ may. Đến cây mưng đầu làng, Thuận sững lại, hai tay ôm chặt gốc mưng già chia làng Thượng thành thôn trong, thôn ngoài. Hôm đầu tiên, Thuận Thục gặp nhau, cây mưng già cũng ngã dài qua mương nước như chiếc cầu nối đôi bờ. Hôm ấy, búp mưng mới nhú, nhọn như tháp bút, đỏ sẫm trong giá rét nàng Bân. Nay lá mưng đã xanh, hoa mưng đã mọc dài xoè cánh như chuỗi hoa tai đong đưa trong mưa bụi. Thuận ngắt búp mưng non cho vào miệng vừa đăng đắng, chan chát, nhai lâu ngọt mãi, thấm vào hoài niệm…. ngân lên, xao xuyến lạ lùng. Thuận ngoái lại, thân mưng như cánh tay, lá mưng như bàn tay vẫy vẫy trong mưa, trong gió như cả làng Thượng nói lời tạm biệt… hẹn ngày về…. hẹn ngày gặp lại….

 

*

Tết Đinh dậu đến chậm chạp, như lão già khó tính, cứ cau có đứng lỳ ngoài ngõ không chịu vào xông đất nhà ai, không hé mồm chúc một câu bình yên. Chiến dịch “vết dầu loang" và “xiết chặt” của thực dân Pháp và nguỵ quyền bắt đầu tràn vào Vĩnh Linh. Tên Cavin (can-vin) chủ sự Ty liêm phóng Quảng Trị tung một loạt tên phản động làm gián điệp trà trộn vào trong dân. Dân làng nghi kỵ lẫn nhau. Ra đường có người hỏi: Việt Minh hay Việt Nam thì ai cũng trả lời không do dự là Việt Nam. Hễ ai quen mồm xưng: “Việt Minh” là bị ghi vào sổ đen. Những gia đình có con em thoát ly lên chiến khu không giám gói bánh tét vì sợ vu là tiếp tế cho Việt Minh. Thà cắt mấy là dong gói đôi bánh tày trước cúng gia tiên, sau cho thằng Đái hưởng lộc. Thục vo mấy lon gạo nếp râu, đậu xanh lòng. Chị em đang lúi húi gói bánh thì có tiếng đàn ông cười sằng sặc sau lưng:

-                      Hơ.. hơ… hơ.. gói gánh cho Việt Minh mà ít quá. Sang bên nhà tui cho vay vài ba thúng nếp mà gói bánh tiếp tế đầy đủ cho Uỷ ban kháng chiến nghe.

            Thằng Hóp má. Nó đi biệt tăm từ ngày 23 tháng tám năm Ất Dậu cho đến bây giờ. Thục mừng thầm là hắn chết rấp, chết bụi, chết bờ ở đầu rồi…. Ấy thế mà hắn về, mặt hắn hau háu nhìn vào cổ, gáy Thục. Hóp má vỗ bồm bộp vào mông Thà, giọng phả mùi rượu:

-                      O Thà bữa ni coi béo tốt, ngon lành hý.

-                      Tui hỏi thiệt đã lấy ai chưa hè.

            Thà ôm lưng chị dâu, giọng run:

-                      Tui không lấy ai hết, ông về đi, về đi!

-                      Nè! Tui nói cho mà hay. Đi hay ở là quyền của tui. Loại như o, kéo tay cũng không ở lại, mà không cần mời, tui cũng “ale hấp” đi luôn hơ… hơ…

            Hóp choàng tay qua vai Thục. Thục chộp ngay con dao thái rau. Hóp vẩy tay, cười nhăn nhở:

-                      Đúng là gái một con trông mòn con mắt. Mấy thằng Việt Minh ngu thiệt. Vợ ngon như ri mà nỡ bỏ lên rú, ôm bồ công văn…. Ngu quá là ngu….. hi hi hi….

            Bà Cao sợ hãi, ôm chặt cháu nội ngồi chết lặng trên chõng tre. Bà Khế đủng đỉnh.

-                      Cậu Hóp đó hả. Cậu về nhớ nói với ông mụ bên nhà là mấy hôm ni tui mắc nhiều việc quá nên chưa lấy thuốc được. Ông mụ gắng chờ hý.

            Hóp lặng người, rồi lúng búng

-                      Dạ… a hà… tui nhớ rồi, tui về nghe mụ.

            Hắn vỗ vào thắt lưng, nắp bao súng bật ra, báng súng lục đen ngòm.

-                      Về tụi bay!

            Ba thằng bảo vệ nấp sau hè chạy theo.

 

*

Khoảng trống giữa ba bụi tre gai chính giữa Rú Trằm đã mọc lên chiếc chòi mới đủ chỗ cho chục người ngồi. Ông Trần Ngoạn, cán bộ Việt Minh của huyện chủ trì cuộc họp. Người ông gầy, mặt hốc hác, nhưng giọng nói lại khoẻ, rõ ràng:

-                      Bây chừ o Khế báo cáo tình hình hý.

            Bà Khế tém gọn bã trầu, từ tốn:

-                      Tình hình thì nỏ có chi. Hôm tê hai ông mụ Lỗi đều đau bụng. Tui đã tìm lá cho uống đỡ rồi. Mụ Lỗi đến tận nhà báo ơn, cho không nồi gạo trắng. Gạo nhà giàu có khác, ngon lắm!

            Ông Liên sốt ruột gõ gõ vào cọc lều:

-                      Bác kể chuyện không đâu vào đâu cả. Tình hình gấp gáp mà bác cứ con cà con kê.           Ông Ngoạn thẳng thắn:

-                      Tình hình hay lắm. O nói tiếp đi. Lão Lỗi có cảm ơn o không?

-                      Có chớ, chính lão sai vợ mang gạo đến cho tui đó.

-                      Rứa là tốt rồi. Họ biết mình rành rành ra là cán bộ Việt Minh mà vẫn nể nang.

-                      Dưng mà … thằng Hóp lại về rồi chú ạ.

-                      O đã gặp hắn chưa?

-                      Gặp rồi. Hắn đến tận nhà, trêu chọc con Thục,con Thà, nhưng cũng nể tui… Dưng mà tui ngại nhất là hắn có súng lục….

            Ông Liên bức bối

-                      Rứa thì phải khử thôi!

            Ông Ngoạn rải tấm bản đồ bằng tờ giấy học trò ra sàn, giọng ráo hoảnh:

-                      Như rứa là hồi đầu tháng giêng hơn 500 tên lính Pháp đã từ Lào đánh thẳng vào Quảng Trị. Hai ngày sau, chúng chiếm luôn Khe Sanh, tháng sau chiếm luôn Cam Lộ, tuần sau đánh chiếm thị xã Đông Hà. Chúng đã đánh nhanh thắng mau, hòng không cho chúng ta kịp trở tay. Các cơ quan của tỉnh kịp tản cư ra huyện ta để bảo toàn lực lượng.

            Ông Liên bức bối đứng bật dậy, đầu hói đội mạnh vào nóc lều đau điếng, nhưng vẫn nghiến răng:

-                      Chẳng lẽ chúng ta cứ lui mãi à. Phải oánh chớ.

-                      Chủ trương của tỉnh, của huyện là phải đánh và phải thắng, nhưng trước hết phải nắm dân thật chắc, phải phân hoá, lôi kéo bọn địa chủ, cường hào, khống chế, diệt tề, trừ gian. Lúc này việc làm của o Khế là rất trúng đó

            Ông Liên hứng khởi:

-                      Tui báo cáo với các đồng chí: Đội tự vệ làng Thượng đã sẵn sàng rồi. Trên ra lệnh là đánh.

-                      Đánh có chắc thắng không?

-                      Tinh thần anh em là quyết thắng!

-                      Nhưng mà thiếu vũ khí phải không?

-                      Đồng chí nói trúng rồi đó. Giá mà có vài ba khẩu súng thì chắc ăn lắm.

            Ông Ngoạn chỉ vào bản đồ:

-                      Tình hình bây giờ nguy cấp lắm. Kẻ địch có tàu bay, pháo binh, súng máy. Quân Pháp, quân Nguỵ càn đến đâu là giết người không ghê tay, hãm hiếp phụ nữ, cướp phá tan hoang. Dân chúng vừa tức, vừa sợ. Mấy ngày trước, chúng đã chiếm phủ lỵ Vĩnh Linh rồi. Hồ Xá, Hiền Lương, Ba bình, Chấp Lễ, Lò heo đã thành chốt điểm rồi. Làng Thượng mình có khác chi cá nằm trong chậu.

            Huyện chủ trương phải rào làng chiến đấu, ngày đêm canh gác nghiêm ngặt. Tây đến thì phải ra sức chống càn. Việc của đồng chí Liên là mau chóng phát triển đội tự vệ. Việc của đồng chí Khế là vận động bà con, nhất là chị em sẵn sàng làm việc đồng áng cho chồng con rảnh rang luyện tập. Các đồng chí rõ chưa?

            Dương Liên gãi gãi thái dương, nơi còn sót lại ít tóc:

-                      Nhiệm vụ của đội tự vệ thì quá rõ rồi, chừ tui xin đề nghị cấp trên cho anh em phúc kích đoạn truông Nhà Hồ, chặn đánh xe địch từ Hạ Cờ về Hồ xã, kiếm ít súng trang bị cho đơn vị.

-                      Lực lượng của ta mỏng lắm, chỉ có gươm giáo, gậy gộc, chớ chưa đủ sức chặn đánh bất ngờ xe nhà binh được mô.

-                      Chẳng lẽ bó tay?

            Bà Khế thong thả:

-                      Mần chi cũng phải có súng. Đàn ông đàn ang lo việc của đàn ông. Chị em tụi tui cũng lo kiếm vũ khí với anh em. Mần chi thì mần. Làng Thượng ta phải chống càn không thua Hoàng Công.

-                      Hoan hô o Khế

-                      Cứ rứa mà mần nghe!. Ông Trần Ngoạn chấm một ngôi sao trên bản đồ làng Thượng

                                                            *

            Nắng tháng tư rây rây trên cánh đồng lúa đang vào chắc. Trà lúa sớm đã uốn câu. Mụ Lỗi nhẩm tính vụ tháng Năm này chất đầy mấy đôn lúa. Mụ gọi Hóp.

-                      Cha thằng Lỗi nì. Liệu quan tây đồn ở có lâu không?

            Hóp cười khùng khục

-                      Mạ hỏi chi lạ rứa. Lần ni quan Tây về là đóng lâu dài. Việt Minh sức mấy mà chống nổi.

-                      Có thiệt không?

-                      Chắc chắn rồi. Tui sẽ mần ông cai, ông đội cho mà coi!

-                      Ừ…. rứa thì tốt

 

Mụ tính phải gọi mấy chục thợ gặt, mấy chục đôi trâu đạp lúa. Cho ăn bữa trưa chỉ có cơm hấp khoai với canh dưa. Bù đi, tính lại không mất xu tiền công nào. Dân làng Thượng đang đói. Đứa mô ưng thì mần, không ưng thì đói rã họng. Mụ Lỗi lim dim mắt, chìm vào tính toán thiệt hơn thì có tiếng loa từ lòi Dầu máu vọng tới. “Bớ làng Tây Tây,       Bớ làng Tây Tây!”. Dân làng bỏ ruộng nương, chạy về nhà. Mụ Lỗi đánh nạnh nhìn theo hể hả.

-                      Tây về thì chết Việt minh chớ choa thì… ha ha ha…. nỏ sợ.

            Lần đầu tiên, dân làng Thượng thấy máy bay khu trực thả bom. Tàu bay thực dân ném bom xuống Nương hoang. Khói bao trùm cả ngọn cây chập chạ cao hàng chục thước. Hố bom to bằng cái ao, sâu hơn cái đìa. Đàn bà, con gái đang chạy khuỵu chân trên đường kiệt, trẻ con khóc thét. Như có bàn tay vô hình nhấc cả làng Thượng lên, xoay vòng tròn náo loạn. Bà Khế đến từng nhà hướng dẫn bà con ra bến Bè lên xóm Rú. Dượng Liên chỉ huy đội tự vệ chặn giặc sau lòi Dầu máu. Moóc nhe nổ ùng oàng, cày xới Trạng sắn, chợ Hôm, Lòi đình. Đoàn người chạy giặc theo từng rặng tre, men theo bờ sông hướng lên chiến khu.

 

Lần đầu tiên, mụ Lỗi giáp mặt với cái chết. Moóc chê nổ vườn sau nhà mụ, hai con chó canh cổng bị hất tung lên rơi xuống ao chết thẳng cẳng, không kêu một tiếng. Một thằng ở bị mảnh đạn phát phạt ngang chân trái. Một thằng ở chết cùng lũ chó. Lửa khói, máu, tiếng la hét choáng ngợp khu nhà lão Lỗi. Hoảng hốt, mụ Lỗi chui vào đôn lúa, gọi với ra sân

-                      Thằng Hóp mô rồi. Đi kêu quan Tây. Đi báo quan tây là nhà mình không có Việt Minh. Quan tây mù hay sao mà bắn vào mâm cơm nhà mình chớ!

            Hóp má luống cuống xỏ tay vào ống quần của o Câm, giọng líu ríu.

-                      Quan tây không mù, nhưng đạn không có mắt thì mần răng được!

Lão Lỗi ôm khư khư bọc tiền và thằng cháu đích tôn thò đầu qua cánh cửa đôn hẹp như cũi chó:

-                      Rứa thì…. nhà mình có phải tản cư không?

            Hóp má dằn giọng.

-                      Chỉ có vợ con Việt minh mới tản cử thôi. Nhà mình phải ở lại đón quan Tây chớ!

            Một quả moóc nhê nổ ở cổng trước, cát rơi rào rào trên mái ngói, mụ Lỗi thụt đầu vào đôn lúa, gào lên

-                      Bớ bà hồn bẩy vía quan Tây. Quan mù hết cả rồi! Chuyến ni thì chết thiệt rồi… !

-                      Hóp má nhìn mẹ chằm chằm rồi nhổ toẹt bãi nước bọt giữa sân, vỗ mạnh vào bao súng. Hắn biến khỏi làng Thượng.

Chương : 1    2    3    4    5   6    7    8    9    10    11    12   
Vĩnh Trà
Số lần đọc: 2024
Ngày đăng: 20.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Dầu máu (truyện dài)