Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.059
123.234.387
 
Dầu máu
Vĩnh Trà
Chương 8

8                                                 

 

Trần Thuận hơn tuổi Lê Soán, nhưng có khổ người thấp hơn. Thuận trắng trẻo, thư sinh, kiệm lời, Soán ngăm đen, gương mặt đanh, nghiêm nghị. Có gì vui, hai anh cùng điệu cười sảng khoái. Mới gặp lần đầu, nhưng Lê Soán đã cảm mến Dương Liên, anh huých nhẹ cánh tay Trần Thuận

-                      Này, anh đội trưởng du kích làng Thượng trông khí khái, dứt khoát lắm. Mình nghe tiếng từ lâu giờ mới gặp mặt. Ông anh đã ngoài bốn mươi chưa.

            Thuận bật cười

-                      Khổ, cái đầu hiếm tóc làm hại cậu tôi rồi.

            Soán ngạc nhiên.

-                      Sao lại là cậu.

-                      Là thế này

            Thuận đặt tay lên vai bạn.

-                      Dương Liên mới ngoài ba mươi, đang yêu bà dì vợ mình.

-                      À, ra vậy - một con người cứng rắn, đang yêu.

-                      Mà cách tỏ tình của đội trưởng đu kích cũng kỳ quặc lắm! Đã nói thì mình kể nốt cho mà nghe. Dạo biểu tình giành chính quyền ở Hồ Xá, anh chị đã cảm mến nhau rồi, nhưng vì hoạt động cách mạng nay đây mai đó nên anh muốn chị phải trả lời dứt khoát là yêu và cưới luôn. Nghe vậy, chị sửng sốt muốn suy nghĩ thêm, anh liền rút dao găm định cứa ngón tay lấy máu ăn thề. Chị hoảng quá cầm tay anh, giằng dao vứt xuống đất nỉ non “xin anh bớt nóng, cho em thời gian”. Anh liền hô: được thì cho thời gian. Tôi đếm một hia ba đến năm là phải trả lời: được hay không.  Anh đếm đến năm thì chị oà khóc. Anh phi dao găm trúng phập gốc cây dầu máu. Anh rút dao, dòng nhựa đậu tròn trên cổ tay. Anh mút hạt nhựa cây thắm đỏ và ôm bổng chị lên quay một vòng “a ha… thần cây cho phép rồi, cưới thôi”. Chị hoảng hồn, anh cười đắc chí. Chị bảo khi nào hoà bình sẽ cưới. Anh hẹn sau trận chống càn thắng lợi là làm lễ thành hôn luôn. Nhưng rồi sau trận chống càn lại rào làng chiến đấu, diệt ác trừ gian nên cậu dì tôi chưa nên vợ nên chồng.

 

            Nhắc đến diệt ác trừ gian, Lê Soán dứt khoát:

 

-                      Loại như thằng Hóp má là phải diệt. Tôi rất đồng tình với đội trưởng du kích làng Thượng.

-                      Tôi cũng đồng ý với anh, nhưng còn chút băn khoăn.

-                      Anh còn đắn đo chuyện gì?

            Trần Thuận chậm rãi:

-                      Từ thuở mới lớn, Hóp má đã để ý và sau đó mê mệt vợ tôi. Đến bây giờ chúng tôi đã thành vợ chồng, có con mà Hóp má vẫn rình rập định giở trò đốn mạt. Tôi lên chiến khu, vợ tôi hết sức lo sợ. Nếu tôi ra lệnh trừ Hóp má, sợ các đồng chí cho là vì thù riêng.

-                      Thù riêng thì ai cũng có anh Thuận ạ. Vấn đề là cân nhắc cho đầy đủ. Trả được thù chung, giải toả được hận riêng thì cũng phải chứ sao? Tôi nói anh đừng giận. Cách nghĩ một phía của anh là tiểu tư sản đấy.

-                      Tôi cũng loáng thoáng thấy điều ấy. Lê Soán xiết chặt tay bạn giọng trầm mà chắc nịch.

-                      Nói thiệt với anh. Sau khi ba tôi hy sinh, hễ nhớ đến tên Việt gian nào là tôi giết nó từ trong ý nghĩ. Hễ gặp loại như thằng Hóp là tôi cho đi ngủ với giun liền. Như bây giờ thằng Hóp dẫn xác qua đây thì anh đừng cản tôi. Loại người như chúng nó không sớm thì muộn đều phải trừ khử hết! Thuận nhìn vào mắt bạn, mắt hằn tia máu như muôn vàn tia lửa.

 

9

            Chủ tịch xã Lê Phồn ra lênh đanh và dứt khoát:

-                      Tất cả rút lui . Một mình tôi ở lại.

-                      Không được. Cháu ở lại với chú.

-                      Em xin ở lại cùng rút lui với anh.

-                      Anh Phồn ơi! Tất cả cùng đánh, cùng sống, cùng chết. Anh cho em ở lại với anh!

            Ông Phồn đứng bật dậy:

-                      Tôi chủ tịch xã ra lệnh:

-                      Rút lui theo kế hoạch tác chiến!

Tất cả im lặng. Loạt đạn rát rạt của địch bên kia sông cũng im bặt. Ông ôn tồn

-                      Các đồng chí hãy nghe tôi. Chúng ta rút lui không phải thua mà phải bảo toàn lực lượng cho kháng chiến. Tôi có kinh nghiệm ở lại cản địch rồi rút sau. Đồng chí cấp dưỡng nấu nồi cháo thiệt ngon bồi dưỡng cho anh em nghe. Tôi sẽ về ăn cháo với các đồng chí! Bây giờ, đồng chí Trần Thuận chỉ huy anh em rút lui an toàn. Nhớ qua bên kia sông là đánh đắm thuyền ngay. Tôi sẽ rút lui theo đường của tôi. Các đồng chí yên tâm! Lúc này thời gian là vàng. Lệnh của tôi là cao nhất. Chỉ có một tiếng nói: Rút!

            Người chạy theo đoàn quân rút lui cuối cùng bỗng quay trở lại, chạy ào đến nhà chỉ huy như cơn lốc. Lê Phồn hét to:

-                      Ai đứng lại, không tôi bắn!

-                      Cha ơi! Con đây.

            Lê Soán phục dưới chân cha:

-                      Cha ơi cho con được ở lại bên cha.

-                      Không được con ơi! Con phải thắng, phải về với mạ, với em

-                      Nhưng còn cha

-                      Nói đến sự cùng, nếu cha hy sinh thì con là chỗ dựa duy nhất của mạ con của cả gia đình mình. Thôi con hãy rút lui với anh em. Đứng quá lo cho cha.

            Xung quanh Lê Phồn là những băng đạn, những lựu đạn và cả cây dao rựa sắc lẹm, sáng quắc. “Ý cha là tử thủ đến viên đạn cuối cùng”. Hiểu ra, Lê Soán ôm chặt cha khóc nức nở. Ông Phồn ôm con vào lòng, xoa nhẹ lên mái tóc rễ tre khét nắng của con trai. Giọng ông trầm xuống.

-                      Lúc này không còn chỗ cho nước mắt con ạ.

            Không gian yên tĩnh lạ lùng. Du kích lặng lẽ rút lui. Địch kiên nhẫn ém quân. Khoảng lặng quý giá cho cha con ông Phồn sống bên nhau. Và khoảng lặng quá ngắn ngủi, như một khoảnh khắc có thể làm con người ta mềm lòng. Ông Phồn đẩy nhẹ, nhìn thẳng vào mắt con trai:

-                      Đi đi con

-                      Không! Cha ơi

-                      Tôi chủ tịch xã ra lệnh - đồng chí Lê Soán rút. Thi hành ngay.

 

Mé sông. Bọn địch phát hiện đường rút lui của du kích chặn đánh quyết liệt. Lê Phồn ôm chặt con trai rồi đẩy nhẹ ra khỏi hầm chỉ huy. Lê Soán gạt nước mắt kêu to: “Cha!” rồi vụt chạy.

 

Hai gọng kìm của địch xiết dần, xiết dần đến nhà chỉ huy. Tiếng súng phía bờ sông im hẳn, hoả lực địch tập trung vào nhà chỉ huy. Hướng rút lui của Lê Soán có tiếng súng nổ. Kiểu bắn điểm xạ của Lê Soán. Ông Phồn bồn chồn: Con trai chia lửa, hút hoả lực địch, hay mở lối tấn công. Lúc này ông không thể kiểm soát được con trai. Tiếng súng rộ lên hướng Lê Soán, nghe rõ tiếng tên chỉ huy: “Bắt! bắt sống Việt Minh”.  Lê Phồn nổ súng. Hoả lực địch tập trung về phía ông. Hơn chục tên khố xanh, khố đỏ đang bò lên con dốc nhà chỉ huy. Đợi thật gần, ông Phồn ném lựu đạn. Khói mịt mù, địch kêu la. Tiếng súng hướng Lê Soán im hẳn. Lê Phồn vận động theo giao thông hào đến gần chân dốc nghe rõ tiếng tên chỉ huy chửi rủa.

-                      Chúng mày là một lũ ăn hại. Có mỗi tên Việt Minh mà không bắt được.

            Ông Phồn thở phào quay lại hầm chỉ huy. Ông Phồn quấn điếu thuốc to bằng ngón tay. Thuốc quẩn thuốc, dòng khói nặng trĩu, bay là là mặt đất. Ông tự hỏi: tại sao bọn địch lại mở trận càn bất ngờ và quá lớn như vậy, đúng lúc đoàn cán bộ của tỉnh, của khu đang họp. Lộ bí mật do việt gian hay có nội gián? Ông tính sau trận càn này phải rà soát lại toàn bộ quy chế bảo vệ chiến khu. Việc trước mắt là thu hút hoả lực địch để cán bộ, du kích rút lui an toàn. Bọn địch đã hình thành ba mũi tấn công vào hầm chỉ huy. Súng máy quét ràn rạt. Ụ đất trước cửa hầm bị cày xới. Không có tiếng súng bắn trả. Quân địch dàn hàng ngang tràn vào. Chờ đến thật gần, Lê Phồn ngắm chính xác tên chỉ huy bóp cò. Hắn ngã bật ra phía sau. Ông đứng thẳng người ném cả chùm lựu đạn. Tốp đi đầu tan tác. Mũi phía sau bắn xối xả. Cánh tay trái ông tê dại, máu đầm đìa. Ông ghì súng, bóp cò. Răng cắn giật nụ xoè, tay ném lựu đạn. Tiếng súng và lựu đạn nổ liên tục. Chỉ một mình ông mà bọn địch tưởng cả một cứ điểm đang chống trả. Hết đạn, chúng ùa lên bắt sống ông. Lê phồn ngồi yên, hai chân xếp bằng, một tay rỉ máu, tay kia cầm dao rựa sắc lẹm. Tên chỉ huy cánh quân sau lưng gầm lên:

-                      Đầu hàng đi

            Lê Phồn lừ mắt:

-                      Mi là chỉ huy hử - đến gần đây, ta thảo luận quy chế đầu hàng.

-                      Ha ha, hơ hơ… thằng Việt minh này lạ thiệt. Đầu hàng là đầu hàng, cần chi phải quy chế.

            Lê Phồn quắc mắt:

-                      Tao chỉ huy Việt Minh ở đây. Đứa đến bắt tao phải là chỉ huy của chúng bay.

 

Thằng chỉ huy cười sằng sặc đến giật vai Lê Phồn. Ông vung dao rựa. Năm tên lính xông vào. Ông đứng thẳng dậy. Lựu đạn bật nắp đồng loạt nổ vang trời. Thằng chỉ huy và năm tên lính chết ngay, mắt trợn ngược. Hình hài và linh hồn của chủ tịch Lê Phồn quyện vào khói lựu đạn hoà vào dòng, sông Sa Lung.

 

Anh em du kích nhặt từng miếng thi thể của chủ tịch Lê Phồn thận trọng đặt vào quan tài phủ cờ đỏ sao vàng. Mộ ông đặt trên đồi cao chiến khu lộng gió. Lê Soán nhặt bảy chiếc vỏ đạn súng trường nơi cha hy sinh gói cẩn thận đặt sâu trong ba lô. Ngày giỗ cha, anh đặt trang trọng bẩy vỏ đạn lên bàn thờ: “cha ơi! Con đi suốt cả cuộc đời này để trả thù cho cha”.

 

Trần Thuận ôm chặt vai bạn đang rung lên trong tiếng nấc.

 

-                      Bây giờ tôi mới hiểu vì sao anh không rời bảy chiếc vỏ đạn súng trường.

 

                                                                       

10                                                                                                                              

            Lụt tháng chín!

 

Nước trắng đồng. Từ Bến bè, đến Bến Đa, bến Đọôc là một màu trắng đục. Chiến khu Cây si thành hòn đảo giữa biển nước mênh mông. Lê Soán mới được bầu làm chủ tịch xã đứng ngồi không yên. Trần Thuận cắt, khâu nối từng miếng vải vụn thành chiếc áo trấn thủ tặng Lê Soán. Chị cấp dưỡng nhẹ nhàng đến bên Chủ tịch xã chép miệng:

-                      Anh ơi! Hết gạo rồi! chỉ còn dăm lon thôi.

            Lê Soán cài chặt cúc áo, hơi chật một chút. Anh nói với Trần Thuận mà ánh mắt đổ dồn về chị cấp dưỡng.

-                      Hết gạo, mặc chật thế này cho đỡ đói phải không chị?

-                      Lúc này mà anh còn đùa được à?

-                      Tôi không đùa đâu. Còn chút gạo dành cho người ốm, thương binh. Anh em chúng tôi ăn rau, khoai, sắn là được.

-                      Khoai sắn cũng chỉ còn vài bữa thôi!

            Thường năm, lụt tháng chín dăm ngày là rút nước. Lần này đã nửa tháng mà nước vẫn mênh mông, mưa vẫn như nước trút. Rau, củ, quả có trên đất chiến khu đã ngập sâu trong nước bạc, ngầu bọt. Lon gạo cuối cùng đã pha thành nồi nước hồ cho chín người. Bữa ăn cuối cùng, chín con người nằm dài trên chõng. Chị cấp dưỡng khóc tức tưởi.

-                      Chẳng lẽ chúng ta chết như thế này ư?

            Trần Thuận nhỏ nhẹ:

-                      Không phải chết mà là hy sinh chị ạ.

 

Chị cấp dưỡng trạc tuổi Trần Thuận, hơn tuổi Lê Soán nhưng lúc nào cũng xưng em. Chị tên là Dịu quê tận ngoài Bắc, thoát chết qua trận đói bốn lăm. Bố mẹ và hai em chết đói rải rác từ Đèo ngang đến Hồ xá. Chị sống sót nhờ bát nước cháo loãng của bà bán bánh ướt ở chợ Huyện. Bà nhận Dịu làm con nuôi. Dịu vào du kích. Địch đánh chiếm Hồ Xá. Chúng không truy bắt được Dịu liền bắn chết bà cụ. Đêm trốn về chôn cất mẹ nuôi, rồi Dịu lên chiến khu.

 

Vùng quê chiêm trũng của Dịu cũng sống ngâm da chết ngâm xương “cũng trắng băng khi mua lũ về. Cơn lũ đi qua tuổi thơ của Dịu như trò trẻ con nghịch nước. Cứ nô đùa, cứ chạy nhảy theo từng con nước cho đến lúc bị mẹ đánh mắng,, kéo về nhà sũng nước. Bây giờ Dịu phải đối mặt với biển nước đục ngầu, phải nhìn từng người nằm lả trên chõng tre. Dịu hỏi Lê Soán:

-                      Chủ tịch này, con người ta nhịn đói được bao lâu nhỉ?

-                      Có thể dăm ngày, một tuần…. chưa biết được….

            Dịu thở dài đề nghị::

-                      Tất cả nằm yên, không nói chuyện, không đi lại, cố sống đến lúc nước rút.

            Thuận chậm rãi:

-                      Tôi đề nghị mọi người ăn mặc chỉnh tề, chải tóc cẩn thận, nằm ngay ngắn. Nếu phải chết chúng ta chết trong tư thế đẹp.

            Dịu nói to:

-                      Anh Soán, anh Thuận ơi, trong bụi cây có nấm, kia kìa.

            Lê Soán ngồi dậy:

-                      Chị để tôi….

 

Soán lê từng bước đến lùm cây to trước mặt, hái đầy một mũ nấm. Không phải là nấm trang, nấm tràm, chẳng phải nấm rơm. Loại nấm này lạ lắm. Tai nấm to tựa nấm cuông, nhưng lại dày như nấm mỡ. Bẻ tai nấm để rửa, nhựa tứa ra màu vàng rồi đỏ sẫm. Chưa biết là nấm lành hay độc. Dịu nấu một nồi đầy. Mỗi người húp thử một thìa nước ăn vài miếng nấm. Ai cũng khen ngon, ngọt. Mỗi người ăn vài bát, tỉnh táo hẳn. Dịu chọn tai tấm to đầy đặn dành cho Thuận và Soán. Thuận bảo:

-                      Dịu san nấm cho anh em, tôi uống nước  là đủ rồi.

-                      Tiếng đồng hồ sau, mọi người đau bụng dữ dội, chóng mặt,nôn oẹ. Những người uống nước, nhường phần cái cho bạn bị nặng hơn. Thuận chỉ nôn khan, mặt tím tái, tức ngực, khó thở. Thuận cầm tay Lê Soán đặt lên ngực giọng đứt đoạn.

-                      Trai nam nhi phải chết ở Sa trường sao lại chết oan ức như thế này….

            Lê Soán an ủi:

-                      Anh sẽ khỏi thôi mà, đừng nói dại.

            Dịu khóc tức tưởi:

-                      Em giết các anh rồi. Tội là do em. Tại sao em không biết nấm độc kia chứ! Anh Thuận ơi, tỉnh lại đi anh.

            Thuận nắm chặt tay Dịu

-                      Dịu không có lỗi. Tội là của giặc, của lụt….

            Thuận nấc liên tục, quằn quại. - Soán ôm bạn vào lòng. Thuận chỉ vào góc giường.

-                      Tôi chết…. anh đưa cái tráp này cho vợ tôi, con tôi….

            Dịu lay bàn chân lạnh, co quắp của Thuận.

-                      Anh không thể chết như thế này được! Em biết ăn nói với chị, với cháu như thế nào đây!

            Lê Soán nhìn vào mắt Thuận:

-                      Có phải giữa trận tiền mới biết hy sinh đâu. Vì đói, vì khổ, vì lụt mà chết cũng là hy sinh. Chiến tranh là thế mà. Phải không Thuận.

 

Phải hay không phải nhỉ? Thuận không mở mồm để đối đáp lại với Lê Soán được. Tai ù ù như cối xay lúa. Trước mắt là cánh đồng lúa vàng ruộm. Không phải lúa chín mà nước lụt, vàng như nghệ. Mặt trời đỏ tía như tai nấm ngụp lặn trong đó. Nước cứ táp tai nấm vào ngực đau nhói, vào tai ù đặc. Nước vàng đặc quánh dâng lên cổ, lên mồm. Ngạt thở quá. Ôi sao thằng Đái cứ chạy phăm phăm trên đồng nước vàng úa thế kia? Sao Thục cứ đứng như trời trồng, tay chới với trong nước. Hai mẹ con chạy lại… sao không ngả vào lòng ba…. Thục ơi! Sao em cứ nhìn anh xa vời vợi đến thế. Em ôm lấy con đi. Đừng để con chạy trên đồng lụt như thế. Kìa con rơi xuống nước… kìa …. con tôi….. Hai tiếng “con tôi” bật ra, mắt Thuận hé mở như thu hết khoảng trời đang hoe nắng rồi nhắm lại…. mãi mãi. Năm anh chị em khác cũng nằm lại với chiến khu Cây sy ngày hôm ấy… ngày hoe nắng sau tháng mưa….

 

                                               

11

 

Kẻ đối mặt căn vặn Thục là một gã đàn ông cao lớn, ria mép thưa, nhưng rậm, giống như hai con sâu róm quá già đang kỳ rụng lông vắt qua khoé miệng. Hai mắt gã to, đảo nhanh,lòng đen cứ xô về một phía để lại lòng trắng như vẩy cá. Mặt gã choắt lại mỗi khi nói khiến cái mũi đã cao càng cao hơn, cằm cũng nhọn hơn. Người ta bảo hắn là sản phẩm của cha Tây mẹ Việt. Nói gọn hơn là Tây lai. Trước khi cầm roi “ C… bò” đánh phủ đầu ai, hắn cười khùng khục.

-                      Ta đã cho mấy đứa chầu trời rồi, không biết tên ni sẽ ra sao đây?

 

Phòng tra tấn rộng bằng chiếc chiếu đôi, thấp tè, ngột ngạt, tối om. Chính giữa chiếc chiếu là cột sắt to đen bóng. Sát trần là chiếc xà ngang cũng bằng sắt. Căn phòng như một hộp diêm có ba cửa. Một lối vào thấp, hẹp, cánh cửa sắt dày cũng đen bóng đóng sầm lại, là người vừa bước vào bị một cú đạp cực mạnh, ngã sấp xuống chân cột sắt. Hình như gã Tây lai đã tính toán kỹ: Loại người như thế nào, to hay bé, đàn ông hay đàn bà thì có cú đáp thích hợp để rơi trúng đích là cột sắt. Một lối ra, thấp, hẹp hơn lối vào và dốc. Khi người bị tra tấn chỉ còn là xác không hồn thì Tây lai cũng dùng cú đá chuyên nghiệp cho cái xác trúng cánh cửa hẹp, mở toang hoác, đen ngòm như miệng con thú dữ, đói mồi chờ sẵn. Cú đá nhẹ thứ hai, cánh cửa sắt cũng bóng loáng, đen ngòm đóng sập lại. Người ấy không bao giờ trở lại trên mặt đất, cõi đời này nữa. Lối ra thứ ba cũng bằng lối thứ nhất cả bề cao lẫn chiều rộng. Nhưng không dốc. Nạn nhân ngất xỉu, gã Tây lai vẫy tay, một xô nước dội thẳng lên đầu, lên mặt. Nạn nhân tỉnh lại, hắn gầm lên “thu dọn”, tiếng “dọn” kéo dài rồi chui trở lại xuống họng của hắn, khùng khục như khi cười. Một người tù từ trong cái lỗ vuông vuông đen ngòm chui ra, nhìn kỹ, rùng mình rồi kéo hoặc cõng bạn tù vào. Vào lối này thì còn sống, nhưng mấy ngày sau lại chui vào cửa trước chịu một vòng đấm đá, đày ải nữa… cho đến lúc chui tọt vào cửa tử…

 

Thục bị trói giật cánh khuỷu vào cột sắt. Mái tóc đen dày búi tròn hơn quả bòng to xổ ra quét lê trên mặt xi măng đen hơn bồ hóng, nhớp nháp. Mái tóc của Thục từ thời con gái cho đến bây giờ được đám trai tân làng Thượng bình chọn là dày nhất, mượt nhất, dài nhất và ưng nhất. Mỗi lần chải tóc, Thục phải đứng lên giường cho tóc chảy xuống chiếu trải dưới đất. Có khi là một cái sàng hay cái nia. Mỗi lần gội đầu, Thục quay tóc vun vút, tạo vòng tròn rộng đen mượt, hương sả, hương bưởi thơm thơm vương vương. Thuận ngắm mãi, không chán.

 

Thằng Tây lai quấn hai vòng tóc trong tay giật ngược, Thục đau điếng chảy nước mắt.

-                      Mày là du kích?

-                      Phải!

-                      Ai chỉ huy?

-                      Chủ tịch xã.

-                      Tên gì

-                      Lê Soán

-                      Cả tổng này ai cũng biết, không đợi đến mày!

-                      Lê Soán đang ở đâu?

-                      Chiến khu?

-                      Ai chẳng biết Việt Minh ở chiến khu. Mày giỡn với quan Tây hả.

-                      Tui nói thiệt mà!

            Hắn giật mái tóc sang phải đến ù tai.

            Thục nhìn thấy lỗ vuông vuông đen ngòm đến rợn người.

-                      Mày đội khăn tang cho ai ?

-                      Chồng tôi !

-                      Láo

-                      Tui nói thiệt mà !

-                      Chồng mày là cán bộ Việt minh trên chiến khu. Đội khăn tang để che mắt quan  hả.

 

Hắn giật tóc sang trái, mắt Thục hoa lên, cái lỗ vuông vuông sâu như đáy giếng chao  nghiêng. Tây lai xốc chiếc khăn tang trắng xoá lên đầu gậy quay quay, tạovòng tròn số không nghiêng ngả.

-                      Ai giao việc cho mày?

-                      Chủ tịch Lê Soán.

-                      Lúc nào, ngày nào?

-                      Lâu rồi

-                      Láo

-                      Tui nói thiệt. Ông Soán giao cho tui gác ngày chẵn, thì cứ rứa tui mần.

-                      Láo toét.

Tây lai hét lên. Năm ngón tay dài, thô ráp, lông lá của hắn thụp vào cổ áo của Thục giật mạnh. Hắn giật tiếp chiếc yến nâu chỉ còn là mảnh giẻ rách. Hai bầu vú tròn chắc không còn miếng vải che. Tây lai nuối nước bọt, cười khùng khục rồi cả hai tay chụp vào đầu vú của Thục. Thục nhắm mắt toàn thân uốn cong chịu đựng. Hắn dùng hai sợi giây buộc thành hai vòng tròn thít chặt hai núm vú, từ từ kéo lên xà ngang bằng sắt đen trũi như con rắn hổ mang.

            Người Thục cứng đơ, hai chân như nhấc khỏi mặt đất. Tây lai nghiến răng.

-                      Mụ Khế giao việc này cho mày đúng không?

-                      Không!

-                      Không này.

            Hắn lại rút giây. Thục kêu thất thanh:

-                      Mạ ơi! mạ ơi!

-                      Đúng là mạ mày chỉ huy du kích?

-                      Không! Không.

-                      Không hả, không hả.

 

Hắn lại rút giây, Thục ngất xỉu, gục xuống, mái tóc dày đung đưa trên mặt xi măng ẩm ướt tanh nồng. Một chậu nước lạnh đổ ào lên người Thục. Lạnh quá mạ ơi! Thục đang chạy, tay gõ mõ kêu to “bớ làng, tây, tây bớ làng….”. Súng nổ, Thục nằm sóng soài trên đường cát mịn. Thục gắng hết sức “Bớ làng. Tây!…” rồi ôm chặt ngực. Hai đầu vú rỉ máu, tê dại. Tây lai hét to, khô khốc.

-                      Ngược

            Hai vòng dây thít chặt hai mắt cá chân, Thục bị treo ngược lên xà, mái tóc dài quấn chặt vào vòng sắt dưới chân cột.

-                      Mụ Khế ở đâu?

-                      Không biết!

-                      Lê Soán ở đâu?

-                      Không biết!

-                      Trần Thuận ở đâu?

-                      Chết rồi!

            Mỗi câu trả lời của Thục là một lần Tây lai rút giây. Cả người Thục như sợi giây đàn. Đầu đau nhói, từng mảng tóc như rơi ra. Tất cả quay cuồng, chao đảo, ù đặc Thục cố nhớ ra một chữ “không….không!”

-                      Có thương mẹ mày không

-                      Không

-                      Có yêu chồng mày không?

-                      Không!

-                      Có nhớ con không?

-                      Không

 

Thằng Tây lai cười sằng sặc. Trước mặt Thục là cánh đồng ngập lụt. Thục bơi trong dòng nước lạnh, mệt lã, thiếp đi… xa xa, là động Cây sy…. Ôi chao… sao thằng Đái lại bơi lội một mình. Nước lũ con ơi….. lại đây với mạ… Con ơi! Nước lạnh dội lên đầu. Thục bừng tỉnh kêu to: Con tôi đâu… nhưng bật ra chỉ là tiếng kêu dài…. “con …. tôi…”.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8   9    10    11    12   
Vĩnh Trà
Số lần đọc: 2095
Ngày đăng: 20.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Dầu máu (truyện dài)