Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.078
123.233.514
 
Dầu máu
Vĩnh Trà
Chương 11

2

 

Đội trưởng đội cải cách ruộng đất phụ trách làng Thượng, không phải người làng Thượng, cũng không phải người Quảng Trị, mà ở tận Quảng Nam, hay Quảng Ngãi gì đó. Bà họ Huỳnh tên Thí, gọi đầy đủ, trang trọng là Huỳnh Thị Thí. Dân làng Thượng gọi gọn lỏn, dân dã là mụ đội Thí, có khi cộc lốc, trơn trọi là mụ Đội. Mụ có nước da trắng, thường mặc áo đen nên càng nổi. Giá như mụ bớt nóng nảy một chút thì cái nữ tính có cơ phát lộ, sẽ dễ chịu hơn. Vừa giáng cái mông chắc lẳn xuống cái ghế lung lay, ọp ẹp, mụ Đội đập mạnh tay xuống bàn. Mặt bàn lở lói, nham nhở sơn ta bật lên, chén nước chè nhảy tâng tâng.

-                      Cả cái làng to như vầy mà chỉ bắn mỗi địa chủ, thiệt là mất công đấu tố, toi công làm khán đài. Làm sao cho đủ chỉ tiêu phần trăm chứ. Đội của tôi phụ trách không thể kém hơn đội khác.. Các đồng chí tính đi. Thiếu địa chủ thì đưa quốc dân đảng vào cho đủ chỉ tiêu.

 

Mụ nói một thôi một hồi, những người ngồi phía trước dần dà tản ra phía sau. Thì ra khi mụ Đội hăng hái phát biểu, nước bọt bắn tứ tung.

Huỳnh Thí liếc xéo ai thì người ấy chỉ có thể nhìn lại hoặc cụp mắt, không có chuyện khép hờ, lừng khừng. Sự quyết liệt của đội trưởng có cái hay là đẩy công việc chạy băng băng. Người được Huỳnh Thí phát hiện đầu tiên đưa vào danh sách chuối rễ là lão Đam. Lão được cái đức ăn khoẻ, ngủ khoẻ, ít nghĩ ngợi nên hoà bình được mấy tháng đã đỏ da thắm thịt. Huỳnh Thí ưa khổ người cao to, chắc nịch của lão, mỗi tội hay nhìn xuống, xem ra đớn hèn và bất nhã.

 

Sau ngày lão Lỗi bị xử bắn, lão Đam gặp lại mụ Lỗi. Mụ bảo con gái Hừng Mưng lấy chồng bên Liêm Cao đã có con, tức là lão đã có cháu ngoại. Nếu muốn thì nhận con, cho đỡ phần đơn lẻ. Lão gạt phăng: “Việc đã qua, cho qua”. Lão Đam muốn giữ mình là cố nông sạch sẽ. Biết vậy, mụ Lỗi hứ một tiếng rõ dài sau cái bĩu môi khinh miệt.

Huỳnh Thí lấy gian giữa ngôi nhà chính trị tịch thu của địa chủ Hoàng Lỗi làm trụ sở của đội cải cách. Đàn chó canh cổng của Lão Lỗi bị giải thể nên mọi người ra vào thoải mái. Riêng lão Đam lúc nào cũng ngó nghiêng, dè chừng. Không biết lão cầm tinh con gì mà khắc tinh với lũ cẩu. Thời làm trai cày, lão bị chó cắn nhiều lần. Có lần con chó cái đang cho con bú nhảy bổ, ngoạm đúng của quý của lão. May mà không đứt, phải bó lá chập mạ mấy tháng liền mới khỏi. Từ đó hễ thấy chó là lão khom lưng, khép chân, tay khư khư giữ chặt của quý. Lão Đam được Đội Thí tin dùng cho làm chân giúp việc hàng ngày cho đội cải cách, mà tựu trung lại là lo ăn, nghỉ, bảo vệ đội trưởng. Cách cái sân gạch, dưới nhà ngang là chỗ ở của mụ Lỗi và o Câm, thằng cháu đích tôn gửi sang Liêm Cao ở với o Hừng Mưng.

 

Đội trưởng Huỳnh Thí bận tối mắt, hết hội họp, đi phát triển cốt cán, chuối rễ ở các xóm lại hội ý, tổ chức đấu tố. Lão Đam được đội trưởng long trọng gọi là “trợ lý” cũng bận rộn tối ngày. Nào là chạy giấy tờ, truyền lệnh, nào là cơm nước, có lúc làm cả việc giặt giũ. Lúc đầu lão hơi hổ người, nhưng sau rồi vò giặt áo quần của đàn bà cũng thấy hay hay. Lão làm tất, chả ngần ngại. Đội trưởng chi có hai cái áo cánh. Chiếc áo trắng mặc lúc về cơ sở vận động quần chúng trông nền nã, dễ ưa. Chiếc áo đen mặc khi chủ toạ đấu tố vừa nghiêm, vừa quyết liệt. Túi áo luôn có sẵn mùi xoa để khi phát biểu nhiều, phải lau mồm liên tục. Thành ra việc giặt giũ của “trợ lý” thêm phần bận rộn.

 

Cơm chiều xong, mụ Đội ngồi tênh hênh đầu cầu ao uống nước, quạt phành phạch. Mỏi tay, mụ đội buông quạt là trợ lý đỡ ngay, quạt lấy quạt để. Mụ Đội giao việc

-                      Anh để ý phát triển cốt cán, tìm vài xâu chuỗi để đấu tố bọn quốc dân Đảng, nghe không?

Lão Đam nghe ngay. Nghe nhiệm vụ rồi để đấy, nhưng lão khoái nghe đội trưởng gọi bằng anh. Từ ngày biết cầm cày theo sau đuôi trâu đến nay chưa ai một lần gọi lão Đam bằng anh cả, trừ mụ Lỗi, thời trẻ trong cơn đê mê gọi như cắn vào tai lão. “Ôi anh trâu húc….. khốn khổ”. Quen tai nhất là thằng thợ cày, thằng đầy tớ, thằng bỏ đi, thằng khốn nạn. Từ thằng chuyển sang lão già, lão khọm, lão dê, lão ăn hại, lão ăn mày. Sòng phẳng ra Đam đã ngoài năm mươi, đội trưởng Huỳnh Thí ngoài ba mươi thì gọi anh là phải đạo. Lão Đam rân rấn xúc động hứa tìm cốt cán. Đôi trưởng giục phải tìm ngay, Đam lật đật ra ngõ.

            Đêm túi thui, cánh cửa liếp đã sập xuống. Túp lều tranh như mái gà đen đang ủ con. Lão Đam lần theo cửa, gọi nhỏ:

-                      O Thục ơi! O Thục ngủ chưa hè?

-                      Ai đó!

-                      Tui, Đam đây mà

-                      Đam, cua cấy chi? Túi rồi, ông về đi.

-                      Đái con đó à, mở cửa đi!

-                      Không Đái ẻ chi hết, về đi.

Lão Đam hé cửa. Bốp! đùi chống cửa phang thẳng vào ống đồng, lão khuỵu  xuống, lết ra ngoài lầu bầu:

-                      Chao ôi! thằng nhỏ dữ quá hè.

 

Từ ngày có người đến hỏi mẹ làm vợ, cứ xưng xưng là dượng, Phương tức lắm. Vốn hiền lành, dễ bảo, nhưng ai đụng đến mẹ là cu cậu nổi quặu. Phương hay sợ ma, nhưng dạo này kiên quyết nằm ngoài cùng, mẹ ở giữa và trong cùng là bà nội, sắp xếp như vậy, theo cu cậu là an toàn nhất. Nghe lão Đam rên rỉ, Thục chống cửa:

 

-                      Có việc chi gấp gáp mà đêm hôm, ông đến đây?

-                      Tui đi phát triển cốt cán. Mụ Đội nói là phải thêm nhiều cốt cán, chuổi rễ nữa để đấu tố!

-                      Địa chủ chết hết rồi, còn đấu ai nữa.

-                      Nghe mụ Đội nói là Quốc dân đảng, lũ này còn khó hơn đấu tố địa chủ cường hào nhiều.

-                      Ông có biết Quốc dân đảng là ai không?

-                      Tui không biết. Tui chỉ biết nghe lời mụ Đội nhờ o làm cốt cán thôi.

-                      Tui mần chuối rễ à?

-                      Chớ còn ai nữa. O là cố nông, mới nhận ruộng, nhận trâu quả thực mà. O ưng hỷ. Để tui về báo cáo với đội trưởng.

 

Nhìn thằng bé một tay ôm chân mẹ, một tay nắm chặt que lành ngạnh tua tủa gai, lão Đam cụp mắt đi thẳng.

Huỳnh Thí cho gọi Thục lên trụ sở đội cải cách. Đội Thí nhìn Thục từ đầu đến chân giọng tỉnh queo:

-                      Cố nông mà sáng sủa, trắng trẻo quá hỷ.

Thục kéo hai tà áo ngay ngắn, sốt ruột.

-                      Đội cho gọi tui có việc chi gấp mà nửa đêm gà gáy như ri

Huỳnh Thí thủng thẳng:

-                      Cũng chẳng có chi to tát. Tôi muốn hỏi thăm o Thục sau khi nhận ruộng, nhận trâu quả thực thấy thế nào.

-                      Dạ thưa Đội, mẹ con tui cảm ơn Đảng, Chính phủ, cảm ơn Đội nhiều nhiều lắm.

-                      Nói như thế tức là Đội yêu cầu gì o cũng làm phải không?

-                      Dạ phải.

-                      Tôi muốn o tham gia đội ngũ cốt cán.

-                      Dạ

-                      Để đấu tố, lột trần bộ mặt xảo quyệt ngấm ngầm hại dân hại nước của bọn quốc dân Đảng.

-                      Dạ phải

-                      Ngày mai mở cuộc đấu tố mới. Kẻ thủ của bần cố nông chúng ta bây giờ không phải là địa chủ cường hào mà là bọn loạn đảng, không có ruộng, không có trâu bò, không nhiều đôn lúa, nhưng nguy hiểm không kém bọn địa chủ

-                      Là ai mà ghê gớm rứa?

-                      O nói đúng rồi đó. Bọn này ghê gớm lắm, tinh vi lắm. Chúng nó có thể là cha, mẹ, anh, em chú bác, bấn cố nông của chúng ta. Nhưng chúng nó ngấm ngầm cố kết với đế quốc phong kiến chống lại ta.

Thục tròn mắt nhìn mụ Đội

-                      Ối chao. Như rứa thì qúa quắt lắm.  loại người nớ ở làng Thượng e không có?

-                      Tôi nói là có. Ngày mai sẽ đấu tố tên đầu tiên.

O Thục có biết là ai không?

-                      Tui chịu thôi

-                      Mụ Khế

-                      Mạ của tui

-                      Phải

-                      Mụ nói láo

Huỳnh Thí đập bàn. Bát chè gừng mà lão Đam mới bưng lên nhảy cẫng, đổ nghiêng, dòng nước màu bã trầu chảy theo kẽ nứt rơi tong tỏng xuống sàn.

Thục chạy theo lối mương qua cây mưng già thì gặp đội du kích chặn lại. Đường ra Nương hoang bị cấm. Anh du kích trẻ măng lăm lăm súng trường lạnh lùng giải thích. Đường vào nhà mụ Khế được canh gác, vì mụ là phần tử quốc dân đảng, phản động. Thục sững sờ, chới với quay về nhà, ôm con khóc tức tưởi.

-                      Mạ ơi! mạ ơi

Phương khóc theo

-                      Mạ ơi, mệ ngoại chết à?

-                      Chưa! Dưng mà sống cũng như chết con ơi!

*

Sân giữa nhà lão Lỗi được chọn là trung tâm đấu tố. Dưới mái hiên nhà giữa đặt bàn chủ toạ, được phủ tấm vải nilon màu nước mắm, cốt là che kín bốn chân bàn bị mối mọt. Dưới thềm nhà đối diện với bàn chủ toạ là chiếc ghế dài dành cho người bị đấu tố. Hai bên là tiểu đội du kích. Hàng ghế đầu là cán bộ đội cải cách, cốt cán, chuổi rễ.

Sân nhà lão Lỗi tối nay chật người làng Thượng. Nhiều người tận Hầm hoà, Tứ Chính, Lai Cách, xóm Rú tìm đến. Họ đến vì tò mò. Họ đến vì ngạc nhiên. Họ đến vì chưa hiểu đầu cua tai nheo vì sao bà Khế theo quốc dân Đảng làm phản động. Mụ Lỗi lên giường sớm, tai áp vào phên cửa…..

Đội Thí mặc áo đen ngồi giữa, một bên là xã đội trưởng, một bên là thư ký. Tay trái đội Thí cầm chắc miếng gỗ đen trũi hình con triện, đấm mạnh xuống mặt bàn, tiếng đanh, khô khốc. Xã đội trưởng hét lạc cả giọng, gân xanh nổi rõ trên cổ khẳng khiu.

-                      Dẫn vô

Như lần đấu tố địa chủ Hoàng Lỗi thì xã đội trưởng hô “dẫn tên địa chủ vô” . Nhưng lần này xã đội trưởng ngần ngại không giám kêu tên bà Khế, xã đội trưởng cúi gằm nhìn vào miếng gỗ hình con triện trên tay đội Thí đang rung lên từng nhịp.

Huỳnh Thí với tay tìm ca nước. Lão Đam luống cuống chạy xuống bếp. Huỳnh Thí nuốt khan, hắng giọng.

-                      Mụ tên gì?

            Bao nhiêu tuổi?

-                      Thiếu hai tuổi đầy sáu mươi.

-                      Quê quán?

-                      Dân làng Thượng gốc.

-                      Vào Quốc dân đảng năm nào?

-                      Chưa khi nào.

-                      Ngoan cố.

-                      Ta vào Đảng cộng sản Đông Dương từ năm ba mươi hai.

-                      Láo! Chỉ huy mụ là ai?

-                      Lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh!

-                      Cứng đầu, nói càn. Đội lưu ý, mụ thành khẩn khai đúng sẽ được hưởng lượng khoan hồng của Chính phủ.

Lão Đam lập cập mang ca nước đặt lên bàn, đội Thí trừng mắt, lão nhìn xuống bắt gặp ánh mắt như có lửa của bà Khế. Mi mắt lão cụp xuống, người chúi về phía trước, lủi ra phía sau hiên nhà. Đội Thí nhấp ngụm nước, cao giọng.

-                      Có cốt cán tố cáo là năm 1933, mụ đi buôn trâu đúng không?

-                      Đúng một nửa!

-                      Nghĩa là thế nào?

-                      Là đi mua trâu thì có, buôn bán thì không?

Đội Thí ngẩn người, bà Khế thủng thẳng.

-                      Ta nói như rứa mà mụ Đội không hiểu à?

Năm đó khó khăn lắm, Chi bộ thành lập chưa được bao lâu, không có tiền để hoạt động, ta dấu cả chồng con, lấy tiền dành dụm được mua con nghé về nuôi. Năm sau bán được ít tiền làm quỹ cho chi bộ hoạt động.

Đội Thí mặt đỏ bừng, giọng run:

-                      Tên quốc dân đảng nào chỉ đạo mụ buôn trâu.

-                      Đừng nói rứa mà có tội với vong linh các đồng chí Cách mạng đã hy sinh.

            Đội Thí uống cạn ca nước, nhìn xuống hàng ghế đầu:

-                      Bà con cốt cán, chuổi rễ, ai biết việc này thì lên đấu tố, vạch mặt bọn quốc dân đảng.

            Tất cả im lặng, ai cũng nhìn xuống rồi liếc chéo sang bà Khế. Đội Thí gay gắt.

-                      Ai cũng biết mà không giám nói thì tui chỉ định:

Mời o Thục lên đấu tố.

 

Thục giật thót, nhìn lên bắt gặp ánh mắt của mẹ. Hai tay bà ngọ nguậy, miệng nhai không. Thục hiểu mẹ đang thèm một cối trầu. Thục đứng lên chạy lại, đưa cho mẹ một cối trầu đỏ au. Bà tém gọn miếng trầu vào mồm, mắt nheo cười. Thục ôm chặt tay mẹ, nói một thôi một hồi

-                      Đúng là mạ tui mua con nghé về. Tui chăn trâu một năm mà khi bán lấy tiền, mạ không cho tui một đồng tiền nào

-                      Mụ đưa tiền cho ai, o biết không?

            Đội Thí quát.

-                      Dạ thưa Đội tui biết.

-                      Biết thì nói thật đi. Có phải quốc dân đảng không?

-                      Dạ tui không biết ông ni có phải quốc dân đảng không?

-                      Ai

-                      Dạ ông Trần Ngoạn.

-                      Đưa tiền ở đâu?

-                      Dạ ở Rú Trằm. Hôm nớ mạ cho tui đi cùng. Ông Ngoạn gọi mạ tui là đồng chí và cảm ơn mãi.

 

Mọi người lao xao. Đội Thí gõ miếng gỗ xuống mặt bàn, giọng đanh như hai miếng gỗ đánh vào nhau:

-                      Đội lưu ý o Thục. O là cố nông, là chuỗi rễ, đang đứng trước tên quốc dân đảng đầu sỏ, phải giữ vững lập trường giai cấp nghe chưa? Bây giờ đến lượt anh Thịnh. Anh là cốt cán của Đội?

-                      Dạ phải

Thịnh đứng thẳng, hai tay xuôi chéo mép quần như chú học trò không thuộc bài.

-                      Anh phải nói những gì anh biết?

-                      Dạ

-                      Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên nghe chưa?

-                      Dạ

-                      Anh đã bị tên quốc dân đảng này bóc lột đè nén như thế nào?

-                      Dạ, nhiều lắm!

-                      Anh phải dũng cảm, kể hết ra cho Đội hay, cho bà con bần cố nông biết, nghe chưa?

-                      Dạ, thưa đội, thưa bà con, tôi là đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. May mà được bác tôi cưu mang, cho ăn, cho mặc, cho ra tận Vinh học hành nên người. Bác ơi, con đội ơn bác.

 

Thịnh chạy lại, lạy ba lạy trước bà Khế. Bà muốn giang tay đón cháu, nhưng hai cánh tay bà bị trói, giật ra phía sau. Bà Khế nhìn mọi người rồi nói với Huỳnh Thí:

-                      Bà Đội cứ hỏi cho hết dân làng Thượng, bà con sẽ chỉ cho ai là cộng sản, ai là quốc dân đảng. Bà ở xa ngái đến chỉ làm theo lệnh trên, nên trúng ít trật nhiều. Bà nghĩ cho kỹ đi. Mần sai là phải tội đó!...

Huỳnh Thí đứng lên, ngồi xuống liên tục như phải đống lửa, rồi dằn giọng:

-                      Các đồng chí quân dân tự vệ, khoá mõm mụ này lại.

-                      Khỏi! Tui biết mở miệng ra nói thì cũng biết ngậm câm khi cần thiết. Để cái thứ này khoá mồm kẻ khác hỷ.

Bà Khế nhổ bã trầu vào chân ghế, ngồi im.

            Chiếc khoá mồm là đoạn tre to bằng chuôi dao, dài hơn gang tay đặt giữa hai hàm răng bị cáo, hai đầu buộc chặt sau gáy bằng giây cao su đen. Bị cáo càng há mồm càng bị thít chặt. Lão Hoàng Lỗi đã ngất xỉu khi khoá mồm buộc chặt. Không biết ai nghĩ ra loại khoá có một không hai này, nhưng người dùng đầu tiên là Đội Thí. Dân làng Thượng quen mồm gọi là “ còng mõm của mụ Thí ”. Và người khước từ đầu tiên là bà Khế. Hai hàng dân quân tự vệ vẫn đứng im như không nghe thấy lệnh của cấp trên. Đội Thí nhìn xoáy vào lão Đam:

-                      Đưa còng đây.

Lão Đam cầm chiếc còng đưa lên ngang vai, mặt cúi gầm.

Huỳnh Thí giật phắt chiếc còng đối mặt với bà Khế. Bà Khế nhìn thẳng, đôi mắt như phát sáng, môi mím chặt, nước cốt trầu dính hai mép như tia máu. Huỳnh Thí ngửa mặt nhìn lên. Trời làng Thượng đầy mây, không khí oi nồng như muốn vỡ tung. Đội Thí nói như thở dài: “Thôi đã không nói thì khỏi phải còng!”. Theo lệnh Đội Thí bà Khế được giải về nhà kho chờ đợt đấu tố sau.

*

 

Bà Khế không thể hiểu nổi cơ sự này. Xưa nay, việc làng, việc xã đều được chi bộ họp bàn. Chủ trương cải cách ruộng đất, đánh đổ địa chủ cường hào, chia ruộng đất cho nông dân là rõ ràng, sáng sủa. Sao bây giờ lại có thêm bọn quốc dân đảng, bọn phản động chống phá đảng Lao động hại dân, hại nước. Mà lạ lùng nhất là chính bà trở thành quốc dân đảng. Như một cái mơm úp xuống, mà bà là con cá quẫy đạp trong đó. Hay là trong đảng mình có bọn phá hoại. Tại sao đội trưởng cải cách không phải là Lê Soán, Trần Ngoạn mà là Huỳnh Thị Thí? Đội Thí là ai? từ đâu tới mà toàn quyền chỉ đạo cải cách ở làng Thượng, mà tự cho mình cái quyền “trên trời, dưới đất, giữa Đội”? Mỗi bước đi về nhà kho ẩm mốc, tối thui, muỗi mòng như trấu là một câu hỏi mà bà Khế không sao hiểu nổi, đầu óc như mớ chỉ rối không tìm thấy đầu. Bà Khế bước vào buồng tối. Cánh cửa gỗ đóng sầm lại, giọt sáng cuối cùng rớt xuống thềm, ổ khoá xiết vào thanh sắt ghê lạnh….

            Bà sực tỉnh: bên ngoài trời vẫn còn nắng….

 

3

 

Có lẽ cái làng nhỏ phơi mặt ra biển tựa lưng vào vách núi dựng đứng do người họ Hoàng lập ra nên có tên là làng Huỳnh. Từ đỉnh núi nhìn xuống làng như cái ao nhỏ. Ba phía là núi cao, đằng trước là bãi cát dài, lối vào là con đường “độc đạo”. Nếu như không có rặng dừa xanh che phủ mái nhà, lối đi thì làng Huỳnh như nơi lưu đày biệt xứ. Có cái lạ là nắng cháy, hơi nước mặn chát không khí oi nồng, mà nước da con gái ở đây trắng nõn nà, tóc dài xanh mướt. Con gái lớn lên phụ việc trong nhà, chằm nón, đan bẹ dừa, gội đầu bằng dầu dừa. Con trai theo cha lên núi đốn củi, hái lá nón và chẻ đá. Nghề đá chẻ có từ lâu đời và đeo đẳng suốt cuộc đời người đàn ông làng Huỳnh.

 

Con bé Thí được mẹ đẻ rơi bên hòn đá chẻ, lớn lên phổng phao, trắng trẻo, nhưng lầm lỳ. Thí không chịu ở  nhà đan nón với mẹ, mà nằng nặc theo cha lên núi chẻ đá. Cha vào du kích đi kháng chiến, Thí đòi đi theo, mẹ can ngăn mắng chửi, rồi van nài, Thí cũng không nghe. Cha đi hôm trước, hôm sau Thí bỏ nhà theo cha. Thí được cha và các chú dạy chữ, cho làm giao liên, học làm y  tá. Thí khoái theo đàn ông đi đánh trận hơn là ở nhà nấu cơm, chăm sóc thương bệnh binh. Chiến dịch giải phóng làng Huỳnh mở ra, Thí xung phong ra trận. Ba bảo trong chiến đấu ở hậu cứ cũng quan trọng như ở mặt trận, Thí hiểu, nhưng không theo lời ba. Thí viết lá đơn bằng máu xin chỉ huy cho về giải phóng quê hương. Thí không ngần ngại xin chỉ huy: “ Cho cháu được gặp mẹ cháu trong ngày giải phóng, để cháu xin lỗi đã trốn mẹ theo kháng chiến ”. Cuối đơn ký tên: “chiến sỹ Huỳnh Thí” cho đúng khí khái con gái làng Huỳnh chẳng chịu kém con trai.

Làng Huỳnh được giải phóng trong bom đạn, khói lửa và nước mắt. Thí khóc đến cạn sức, kiệt lực và không còn nước mắt. Thí nói hàng ngàn lời xin lỗi, nhưng má không nghe được nữa rồi.

 

Dân làng Huỳnh kể rằng: biết làng Huỳnh thế nào cũng bị Việt Minh đánh nên lính Tây, lý trưởng đã vây ráp, bắt tất cả những người bị tình nghi là cán bộ, Việt minh, đảng viên nhốt vào kho chứa bẹ dừa. Năm thằng tây và lính nguỵ thay nhau hãm hiếp mẹ của Thí trước mặt mọi người. Mỗi lần hành hạ chị, chúng kêu lên là nhìn cho kỹ nói lại tường tận cho thằng chồng Việt minh trên xanh hay. Không chịu nổi cay cực và tủi nhục, chị cắn lưỡi tự tử. Ba của Thí bị thương rất nặng, trước khi nhắm mắt ba nhắn lại: “Vì kẻ cơ hội hèn nhát trong chi bộ mà mẹ con bị lộ - con nhớ đừng bao giờ tin lũ ấy. Và dù đến mấy đời cũng phải loại hết lũ sâu mọt ấy. Con nhớ chôn ba bên cạnh má”. Thí châm lửa đốt túp lều của ba má để lại, rời làng Huỳnh lên xanh, đi ra Bắc. Ba năm sau, Thí trở thành cán bộ phụ nữ xuất sắc của liên khu và được điều động làm đội trưởng đội cải cách ruộng đất.

 

4

 

Đội Thí đặt ngay ngắn trên mặt bàn cóc gặm cuốn sổ ghi chép to đùng. Năm thếp giấy học sinh kẻ ngang được đóng thành một tập dày, áp bên ngoài là tấm bìa đỏ chót. Dòng chữ “Sổ công tác đội cải cách ruộng đất làng Thượng  - năm 1956” được kẻ in hoa nắn nót, chắc nịch. Hàng trên cùng trang đầu tiên là dòng chữ nghệch ngoạc, thiếu nét: “Địa chủ hết thời

                    Nông dân vạn đại”

Chính giữa trang cùng nét chữ xiêu vẹo, to nhỏ đậm nhạt không đều ấy ghi rõ:

“Kiên quyết thanh thải những phần tử thuộc giai cấp bóc lột, và những phần tử xấu khác ra khỏi đảng” (yêu cầu thứ nhứt của nghị quyết tiến hành cải cách ruộng đất đợt 5) ký tên Huỳnh Thí chữ (T) có chân đá cao quá trán. Cuốn sổ là vật bất ly thân của Đội Thí chiếm hết một ngăn của cái xắc vải xanh công nhân. Đội Thí lật trang chính giữa ghi họ tên của nhiều người quan trọng. không ai được dòm vào ( trừ lão Đam ). Lão chả biết chữ tịt nào, có đốt thành tro uống vào bụng lão cũng chẳng biết ai với ai. Huỳnh Thí nhìn mọi người dự họp rồi phát biểu:

-                      Các đồng chí có biết hạng người nào là kinh tởm nhứt không? Là bọn cơ hội, bọn nịnh nọt, cái bọn lúc nào cũng úp úp mở mở như buôn bạc giả. Miệng thì yêu đồng chí, đồng đội hơn cả cha mẹ, anh em mà tay thì cầm dao găm xỉa vào hông đồng chí lúc nào không hay. Tôi căm thù nhứt là loại đó. Mạ tôi chết thê thảm, xót xa, uất nghẹn cũng vì bọn đê mạt ấy.

Huỳnh Thi kéo vạt áo chấm mắt.

-                      Tôi thử hỏi các đồng chí? Vì sao chi bộ làng Thượng có nhiều cuộc họp kín đến thế. Tại sao bà Khế là đảng viên cộng sản mà vợ chồng lão địa chủ cường hào Hoàng Lỗi nể vì, e sợ. Tôi chưa nói đến mấy ông quan cách mạng khác, có cái gì đó chưa rõ ràng là bọn quốc dân Đảng hay Cộng sản, có phải thế không? Mai mốt phải đấu tố, phải lôi chúng ra ánh sáng, phải loại bỏ chúng ra khỏi hàng ngũ của Đảng thì công cuộc cải cách ruộng đất mới thành công được.

Càng nói, mồ hôi càng túa ra, nước bọt tung toé, càng khát nước, Huỳnh Thí liếc sang thư ký giúp việc. Lão Đam rút xoạch chiếc khăn từ trong cái xắc vải xanh công nhân. Chiếc khăn màu cỏ úa, lỗ chỗ như miếng sách bò quá già, to quá cỡ.

-                      Tôi nói thật. Đã theo cách mạng phải triệt để. “lòm cho ra lòm” “eng cho ra eng” (làm cho ra làm, ăn cho ra ăn).

 Huỳnh Thí lúc hăng lên là nói nhiều từ địa phương không ai hiểu nổi. Nhiều người không hiểu, tức cười. Huỳnh Thí bực bội muốn tự vả vào mồm cho quên đi mớ từ cổ hủ của làng Huỳnh. Huỳnh Thí từng bảo: Đã thoát ly là thoát ly ráo cho đến khi nào thành người của Trung ương mới thôi.

Có ai đó, ngồi tận góc nhà lên tiếng.

-                      Tôi có ý kiến: “tán thành chủ trương làm triệt để, nhưng thận trọng khi quy kết cho đồng chí của mình. Phải có bằng chứng cụ thể, chớ không nói oan cho đồng chí là phải tội, là sai một ly đi một dặm.

Huỳnh Thí đứng bật dậy: Chiếc khăn như sách bò vắt qua vai, đẫm mồ hôi:

-                      Bằng cứ là chỉ thị của cấp trên. Nói toạc cho các đồng chí biết: Đó là lệnh của đồng chí tỉnh uỷ viên, phụ trách khu vực. Cấp trên đã nói là đúng, lúc này càng trúng. Nghi ngờ ý kiến cấp trên là do dự là sai quan điểm, lập trường, đồng chí có biết không?

Cả phòng im phắc, nghe rõ tiếng uống nước ừng ực của đội trưởng.

Cả một ngày đêm mệt mỏi, căng thẳng, không đấu tố thêm một tên quốc dân đảng nào mà chuốc thêm bực bội, bất lực trước thái độ chai lỳ, ngạo mạn của bà Khế, Huỳnh Thí nằm vật ra gường, quai xắc vẫn quàng chéo qua vai. Lão Đam lật đật bê chậu nước để đội Thí rửa mặt, một chậu nước khác pha tí nước nóng thêm nhúm muối để ngâm chân. Thí nửa ngồi nửa nằm hai chân thả vào chậu, ống quần xắn quá đầu gối. Thí húp một mạch hết bát cháo nóng trứng gà tươi, hành, tía tô mà lão Đam hỳ hục làm suốt thời gian mụ Đội ngâm chân. Nếu không có cái nhìn trộm rồi cúi gằm xuống thì lão Đam như là mẹ, là cha, là chú, là anh của Thí. Thí nghe nói “cái giống” của lão Đam đã bị chó cái nhà mụ Lỗi cắn đứt nên cô lúc nào cũng vô tư, thậm chí sàm sỡ. Thí chọn lão Đam giúp việc cũng có cái lý của nó. Lão khoẻ mạnh, không nề hà mọi công việc. Lão không đưa chuyện và đặc biệt an tâm là Đam không biết chữ. Lão “công công” này không làm ăn được gì, càng an toàn. Dẫu sao trong nhà có mùi đàn ông có hơn. Thí cúi gập người nắn bắp chân. Lão Đam đẩy nhẹ tay, nắn đều hai chân, Thí hít hà sảng khoái giang hai tay ra giường.

Lão Đam kín đáo đổ chậu nước ngâm chân rồi khép cửa đi ra ngoài. Thí gọi giật

-                      Này có biết tẩm quất không?

 

Lão Đam cười ngọng nhìn xuống, gật đầu. Thí nằm ngửa giang hai chân, giang tay thật thoải mái. Không biết là lão Đam học từ lúc nào mà đấm bóp khá bài bản. Lão ý tứ, khi tay lướt qua vùng ngực rất khẽ khàng. Thí tiếc cho lão Đam, con người đầy đặn, cổ to, bụng thon, bắp chân, bắp tay chắc đanh như gỗ lim mà mất “chất” đàn ông. Thôi không được gì cho ra hồn thì cũng thoả nắn bóp. Thí cầm tay lão Đam đặt lên ngực. Lão cứ để yên, không giám mân mê. Thí kéo tay lão Đam xuống nữa, lão ghé mồm định thổi tắt đèn. Thi cười: “cứ để đèn, người ta tưởng chúng mình đang hội ý”

Lão Đam buột mồm.

-                      Đấu tố chớ!

-                      Cũng được!

            Thí tự tay bật cúc áo. Lão Đam chồm lên ngấu nghiến. Thí quay cuồng, hả hê, hai tay xoa mái đầu húi cua, cái cổ to bè của Đam. Thí nói như thổi vào tai Đam:

-                      Nghe nói bị chó ăn hết kia mà.

-                      Nghe thì như rứa, thử nhìn coi?

            Thí bật dậy, nhìn kỹ rồi nằm xuống ôm lão Đam quay mấy vòng.

 

Có khuôn mặt dúm dó, vàng nhợt, hai mắt sáng áp sát vào cửa sổ, tiếng như vọng từ dưới mồ:

-                      Lão này ghê thiệt. Hơn  hai chục năm trước bóp chân cho choa, có mụn con gái, không dám nhận - chừ lại bóp chân cho mụ Đội. hé hé hé….

Có ai đó ra hiệu rút lui. Bốn chân đi xa lão Đam định nhổm dậy, Thí ghìm xuống, giọng khô: “Kệ nó, đang ngon!..”

 

Đam nhìn qua cửa sổ, mụ Lỗi vật vờ đi trước như ma hời, Câm theo sau ngật ngưỡng như say rượu. Cả hai nhoà vào bóng đêm, chui tọt vào chái nhà còn sót lại của gia tài địa chủ Hoàng Lỗi. Đội Thí búi lại tóc, xỉa theo

-                      Hứ, địa chủ hết thời mà còn…. đúng là cà cuống chết đến đít còn cay

Lão Đam nghệt mặt. Thí dằn giọng

-                      Còn đứng đó làm gì nữa!

Qua cơn cuồng loạn, đê mê, Thí tỉnh queo

-                      Như vừa rồi là vi phạm kỷ luật, biết chưa?

-                      Dạ biết, thưa đội.

-                      Nhìn mặt tui biết: nhận tội để lần sau tái phạm chớ gì?

-                      Dạ

-                      Lần sau, có lệnh mới được, nghe rõ chưa?

-                      Dạ, mới rõ một nửa.

-                      Còn nửa kia thì sao?

-                      Dạ….. lúc cần thì mức nước ngâm chân…. tẩm quất ….  hay là

-                      A… ha…. gọi là liên hoan văn nghệ.

            Xem ra…. về khoản này lão Đam chẳng ngờ nghệch tí nào.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11   12   
Vĩnh Trà
Số lần đọc: 1971
Ngày đăng: 20.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Dầu máu (truyện dài)