Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.083
123.232.954
 
Dầu máu
Vĩnh Trà
Chương 12

***

5

            Nhà kho đầy muỗi

 

Bà Khế cố chợp mắt, nhưng không tài nào ngủ được. Vắt tay lên trán, bà nghĩ: hay là cải cách sai. Sai từ đâu? Có phải từ lúc toàn bộ quyền hành dồn về cho Đội trưởng, từ khi các đảng viên, cán bộ nồng cốt bị nghi ngờ, từ khi quần chúng bần cố nông được chia ruộng đất, trâu bò, mải làm ăn không để ý đến việc chung. Hay là…. việc này nếu có thì nguy hại vô cùng là trong nội bộ có địch? Bà Khế muốn nhắn tin cho Lê Soán, nhưng dân quân tự vệ canh gác thay đổi liên tục mà chưa có ai đáng tin cậy để nhắn gửi. Thục mang cơm vào cho mẹ, nhìn mẹ hốc hác, mắt thâm quầng, Thục khóc tức tưởi. Cầm cối trầu con gái đưa, bà Khế nói nhỏ, Thục như hiểu ý thôi khóc, nhưng vai vẫn rung lên vì nấc khan. Tự vệ đến đổi gác không phải người làng Thượng giọng hách:

-                      Đã kiểm tra chưa?

-                      Có mỗi bát cháo! Có chi mà kiểm.

-                      Xem ở dưới đáy bát có thư từ gì không?

-                      Có chi mà coi?

-                      Mất cảnh giác, mất đầu có ngày đó nghe?

            Trời làng Thượng đầy mây, nặng trĩu. Đường viền chân trời nứt toác bởi chớp biển và theo sau là sấm đất ầm ì….. lòng đất như đang trở dạ.

*

Sau ngày đêm mưa tầm tã, mái nhà như trĩu xuống, thấp hơn. Cây chay bên bờ giếng khơi năm nay quả chĩu chịt vít cong cành lá cúi sát mặt nước. Bà Cao xếp những quả chay chín mọng vào đĩa đặt lên bàn thờ bằng nan tre đen bóng. Hương chay, khói nhang quện vào hoàng hôn tím đong đầy nỗi nhớ. Bà Cao thầm gọi tên con. Sinh thời Trần Thuận thường tha thẩn bên gốc chay, hái quả chay chín mọng đầu mùa mời mẹ. Ngày đầu về làm dâu, Thục được chồng kể cho nghe rành rẽ cây chay có từ thời ông nội. Cây chay năm nào cũng có quả, nhưng qua nhiều hay ít, sai hay không sai lại do người hái quả đầu tiên dâng lên cha mẹ. Từ ngày Thuận mất đi, Thục thay chồng hái quả chay đầu mùa dâng lên mẹ. Năm nào cây chay cũng trĩu quả. Vậy là mẹ chồng nàng dâu hợp nhau. Mắt bà Cao mờ loà lắm rồi, nhìn vào đĩa chay thấy muôn vàn vòng tròn bay lên với khói nhang lấp loá điệu cười đôn hậu của Thuận. Bà Cao thảng thốt: “Con về đấy hử! Có phải Thuận không?”

-                      Con là Soán đây, mạ ơi!

Bà Cao lùi lại chớp chớp mắt, tay sờ soạng

-                      Soán thiệt à? Răng bây chừ mới về!

Soán ôm chặt đôi vai gầy, nhô cao của mẹ, Thục nói nhỏ:

-                      Chú Soán có việc phải đi ngay mạ nờ.

Cu Phương nãy giờ đứng nép bên mẹ. Phương được nghe kể nhiều về chú Soán, cao to, chỉ huy đánh giặc giỏi như một vị tướng, là bạn rất thân của ba. Soán kéo cu Phương vào lòng dặn dò.

-                      Đây là cái tráp của ba Thuận để lại cho con. Trước khi nhắm mắt ba chỉ mong con lớn khôn, học giỏi, nhớ chưa?

-                      Dạ

Cái tráp bằng gỗ đen bóng đựng chiếc kéo thợ may, cái vạch bằng xương để vạch vải, cắt áo, cái thước bằng gỗ và chiếc bút máy calô là gia sản của Ba để lại cho Phương. Thục nhắn lại lời của bà Khế, Lê Soán nhíu mày rồi nói nhỏ:

-                      Chị nói với Bác là tôi phải tạm lui ít ngày. Tình hình phức tạp lắm. Đừng nghĩ quẩn, đừng làm điều gì manh động nghe.

 

Thục đốt thêm ba thẻ hương cầu trời phật phù hộ cho chú Soán được bình yên

 

6

            Chiều sụp xuống nhanh

            Trời đầy mây

            Sấm khan

            Rặn mãi không ra mưa!

            Lệnh báo động:

Truy bắt phản động nguy hiểm

            Tin mật báo: “Có tên phản động lén lút gặp người nhà ở khu rừng gìa Hôôc Khiến. Dân quân làng Thượng, Mỹ Lộc, Lai cách bao vây từ phía dưới. Phía trên, từ đường sắt, dân quân Tân Định, Mạ ca ép xuống, mọi ngả được được canh gác cẩn mật. Phương chạy lúp xúp theo mẹ và các chú, vừa thở, vừa hỏi:

-                      Phản động là cái chi hở mạ?

-                      Là bọn người xấu!

Ông Khảm chỉ huy dân quân còn mang theo mấy con chó săn. Từng hốc đá, gốc cây, bãi vọt ở Hôốc Khiến như bị xáo tung cả lên. Nhá nhem tối mà cả người, cả chó vẫn chưa tìm ra tên phản động. Phương bé người, nhưng nhanh nhẹn nên được ông Khảm gọi là chú nhỏ dân quân lùng sục tích cực nhất.

 

Những giọt nắng cuối ngày cố đọng lại trên mái lá rồi cũng tắt dần. Màn đêm buông xuống. Xã đội trưởng Khảm ra lệnh tạm dừng lùng sục. Mọi người lục tục kéo về bãi cỏ giữa khe nước Lạnh. Người nằm, kẻ ngồi, bức bối, chửi đổng, thề là tìm được tên phản động thì xử bắn ngay, không cần đấu tố. Phương chạy ngược lên khe cạn, có tiếng ho khan, cố nén lại trong cổ. Phương sựng lại, trong hốc đá thò ra hai bàn chân. Phương định la to: “thằng phản động đây rồi!” thì từ trong hốc đá, thò ra gương mặt quen quen. Phương gọi nhỏ:

-                      Có phải chú Soán không?

-                      Chú đây. Chú là Soán đây. Cho chú ngụm nước.

 Phương lấy nón cời múc nước dưới khe cho chú.

-                      Chú Soán là thằng phản động à?

-                      Họ nói vậy, nhưng chú không phải là việt gian, phản động cháu ạ.

-                      Chú phải trốn đi thật xa. Ở nhà chú dân quân canh gác hết rồi…

Lê Soán ra hiệu cho Phương đến gần.

-                      Cháu ghé qua nhà, nói với thím là đừng đưa cơm cho chú. Cháu nhớ nói với mệ ngoại là đừng trốn, không khai báo gì hết, chờ Trung ương về, nghe chưa?

-                      Dạ cháu nhớ rồi!

-                      Dân quân có hỏi thì cháu nói thế nào?

-                      Cháu trả lời là không biết chi cả!

-                      Đúng rồi. Giỏi lắm! Cháu về đi.

            Phương lầm lũi đi trong bóng đêm đang chụp  xuống, cầu mong cho dân quân không bắt được chú Lê Soán

*

 

     -    Lê Soán lấy vợ từ phía sau.

 

Sự thể là như vầy: Cô gái ngồi ở bậu cửa đăm đắm nhìn ra ngõ như đón đợi ai. Lê Soán cùng cha là chủ tịch Lê Phồn ngồi trong hầm bí mật ngay dưới buồng nhà cô gái. Hễ cô gái hắng giọng chào hỏi ai đó thì tuỳ ám hiệu mà cha con đậy nắp hầm hoặc theo giao thông hào  thoát ra lòi Dầu máu.

 

Chiều ngày đầu kháng chiến trời làng Thượng đầy  mây, oi nồng, lá dầu máu ngửa lên trời như những bàn tay khô ráp. Không một ngọn gió. Hơi nóng từ hầm bí mật phả  ra hầm hập. Giá như được lên nhà nằm thẳng lưng, thẳng chân, giang tay giữa sàn nhà thì sảng khoái biết bao nhiêu. Lê Phồn chỉ cho phép con trai thò đầu ra khỏi cửa hầm. Cô gái chủ nhà áo đẫm mồ hôi đăm đắm nhìn ra ngõ. Lê Phồn rỉ rả kể cho con nghe: Cô gái quay mặt ra ngõ tên là Hiếu, con gái đầu của chú Phận bạn chiến đấu trong đội du kích chiến khu Thuỷ ba. Hiếu kém Lê Soán hai tuổi, hiền  hậu, nết na. Lê Soán nhìn kỹ đôi vai tròn, tấm lưng dài và mái tóc thướt tha. Bỗng Hiếu chào to:

-                      Ối chà! Anh Hóp đến chơi à?

-                      Ừa. Hôm nay o Hiếu có chuyện chi mà vui vẻ quá hề.

-                      Dạ, không chi. Trời nóng, ngồi hóng mát một mình, buồn quá, thấy anh đâm mừng quýnh lên đấy thôi!

-                      Có ai trong nhà không?

-                      Một mình út thôi. Anh Hóp uống nước, để út vô nhà lấy

-                      Khỏi cần

 

Hóp má xăm xăm vào nhà. Hiếu vẫn ngoảnh mặt ra ngõ, lặng thinh như trời chiều không gió. Lê Soán đậy nắp hầm cẩn thận, theo cha rút nhanh ra ngách hào lòi Dầu máu. Tốp lính áo vàng đang ôm súng đi lại quanh mương sắn. Hai cha con thoát khỏi cái nóng hầp hập của hầm bí mật lại phơi nắng chang chang giữa mương sắn.

                                                                 Trời tối sập

Địch rút

Chi bộ họp bàn rào làng chiến đấu

Hiếu đứng ngoài ngõ canh gác. Lê Soán muốn nhìn thấy cô gái có mái tóc dài mượt cũng không được. Bóng Hiếu nơi đầu ngõ nhoà vào bóng đêm.

Trong trận chiến đấu bảo vệ chiến khu Thuỷ ba, Nguyễn Phận trút hơi thở cuối cùng trên cánh tay của Lê Phồn. Phút cuối cùng gặp con trai ở hầm chỉ huy, Lê Phồn dặn lại: “Dù thế nào con cũng tìm gặp Hiếu hai đứa nên vợ nên chồng là cha mừng, mà chú Phận cũng mát vong linh”.

 

Từ chiến khu Cây sy về làng Thượng chẳng bao xa. Nhưng phải chờ hoàng hôn buông, Lê Soán mới dám gọi đò. Bến Đôộc có cầu tre tay vươn bắc qua. Sau trận lụt năm Sửu, cầu bị trôi. Dân làng qua lại bằng đò nan. Chỉ gọi “đò ơi” là từ trong lùm tre chiếc đò nan lách ra. Lão chăn vịt thành ông lái đò. Lê Soán bụm miệng gọi: “Đò ơi!”. Im lặng.

-                      Đò ơi tui vội lắm!

Tiếng sào gõ vào mạn “bộp bộp bộp”.

-                      Cho sang ngay nhé.

Con đò trôi xuôi một đoạn mới ghé bờ. Người lái đò không phải là lão chăn vịt như mọi ngày. Cô gái thon thả, có mái tóc dài, đôi mắt to đỏ hoe, đói ngủ, ngập ngừng.

-                      Eng là Lê Soán đúng không?

-                      Em là…

-                      Là Hiếu! - Đúng là em rồi! Anh về với em, với mạ đây.

-                      Thiệt ư? Nhưng anh ơi, mạ mất rồi!

 

Hiếu ngả đầu vào ngực Lê Soán khóc oà. “Sau ngày ba hy sinh ở chiến khu Thuỷ ba, thằng Hóp má chỉ điểm, Tây lai đem quân về càn, gọi là chiến dịch diệt tận gốc. Mạ kéo em chạy xuống hầm. Chúng đốt nhà. Mạ bảo em chạy thoát. Em không nghe. Mạ bảo, không thể chết cả hai, phải có một người sống để trả thù cho ba. Trước khi rời khỏi hầm đang bị hun nóng, mạ bảo em phải tìm bằng được anh. Hai nhà đã hứa cho chúng mình thành chồng vợ. Mạ cởi đôi bông tai đưa cho em gọi là của hồi môn và chúc phúc cho hai đứa. Anh ơi! Thằng Tây lai bắn mạ ngay dưới gốc cây dầu máu. Máu của mạ, máu cây dầu đẫm cát trắng”. Bao lần Lê Soán ngắm lưng cô gái, có mái tóc dài mượt, nay mới nhìn tận mặt. Nước mắt trào ra từ đôi mắt to tròn dẫm môi anh. Hiếu đánh đắm đò nan, theo Lê Soán lên chiến khu. Chạy hết Bàu bạc, lên Khe lương, Cổ kiêng về sống ở Mạ ca chỉ có Hiếu và hai con là Hoà và Bình. Hiếm hoi lắm, Lê Soán mới có vài ba ngày ở nhà với vợ con. Hiếu ước có một ngày bình yên, cả nhà vui vầy, Hiếu nấu cho anh bát cơm trắng, đĩa cá kho dưới mía trên ớt, bát canh rau tập tàng. Anh bày cho Hiếu muốn có “treéc” cá ngon phải lót nồi bằng những khúc mía chẻ tư dài gang tay, bên trên xếp lớp cá, trên cùng là hạt tiêu xanh và ớt xanh. Cá chín nục, ăn cả xương vừa ngọt, vừa cay, như cuộc đời anh có cay có ngọt.

 

Lần này, đưa cơm cho chồng, có cá kho cay ngọt, có cơm trắng mà không có canh rau tập tàng. Hiếu bủn rủn chân tay khi nghe ông xã đội trưởng hô: “phải bắt cho bằng được tên phản động”. Lệnh phát ra từ chiều hôm trước mà đến sáng hôm sau vẫn như chiếc cối đá đè nặng lên ngực Hiếu. Con Hoà ngủ ngon, thằng Bình vẫn vô tư chơi trò ú oà với con chó vàng. Hiếu nát ruột gan với giỏ cơm bên người.  Không biết anh ở đâu? Cả ngày không có chút cơm mà nói dại, người ta bắt được, người ta bắn chết thì thành ma đói mất thôi. Suốt cuộc đời anh chưa có ngày bình yên. Hoà bình lập lại, anh vẫn đi biền biệt. Ngày Hiếu được nhận ruộng, mừng vui trào nước mắt không có anh bên cạnh. Đột nhiên người ta đồn anh là phản động, là quốc dân đảng, là hoạt động bí mật cho Ngô Đình Diệm ở bên kia cầu Hiền Lương. Hiếu không  hiểu nổi, muốn tìm anh, gặp anh cho rõ nguồn cơn. Nhưng anh đi biệt tăm, mà bà con làng xóm đi qua không dám nhìn, không thèm nhìn vào túp lều tên phản động”. Có gì khổ cực tủi nhục hơn là cô đơn giữa xóm làng. Dỗ thằng Bình ngủ yên, Hiếu ôm chặt giỏ cơm ra ngõ. Phương hớt hải chạy lại. Hai thím cháu nép vào gốc cây.

-                      Thím ơi! chú Soán trốn ở Khe Cạn. Chú đói mà chân lạnh lắm. Mà thím đừng nói là cháu mách nhé.

 

Rừng về đêm tối như bưng, Hiếu lần theo trí nhớ, theo thói quen, theo niềm thương anh cháy ruột gan. Khe Cạn ken dày muỗi, mòng, áo quần anh rách nát, môi khô nẻ, tím tái. Hiếu ôm anh vào lòng, sưởi ấm cho anh. Hiếu rửa mặt, cho anh ăn. Chỉ có đêm đen và thấp thoáng ánh sao qua kẽ lá nhìn thấy, như đếm được từng giọt nước mắt của Hiếu. Sao lạ lùng vậy hả anh. Chẳng phải xã đội trưởng Nguyễn Khảm từng là chiến sỹ của anh. Chẳng phải dân quân đi lùng bắt anh đêm nay đã từng tuyên thề sống chết có nhau? Sao đất trời điên đảo, đổi trắng thay đen đến vậy. Hiếu muốn hỏi, muốn nói hết cho vợi chút đắng cay, cho nhẹ bớt tủi hờn. Nhưng Hiếu không nói được, chỉ ôm anh, mong cho anh tai qua nạn khỏi. Cuối cùng rồi Hiếu cũng nói thành lời:

-                      Anh ơi, em sẽ làm hết thảy mọi việc để anh được sống

*

 

Khán đài dã chiến được dựng lên nhanh chóng. Cũng cây mâấc đứng thẳng, cây tre bắc ngang, cũng lá đung buộc quanh thân cây, xanh rì, cũng bẹ dừa vít cong lên cổng chào….. như tháng trước tạo thành khán đài tử hình địa chủ cường hào Hoàng Lỗi.

 

Toà án nhân dân đặc biệt lưu động, xét xử phần tử phản động quốc dân đảng Lê Soán. Không tố khổ, không đấu tố, không hô khẩu hiệu. Mọi hành vi mờ ám của Lê Soán từ đâu đó, xa xôi, lạ lùng đổ sập xuống đầu ông chủ tịch xã một thời được dân làng Thượng yêu mến kính nể. Sáng nay, bà đội trưởng cải cách ngồi ghế chánh án tuyên đọc nghe lạ hoắc. Bằng chứng hiển nhiên trên bàn là lá cờ tam tài vẽ trên giấy học trò lem nhem vết bồ hóng. Bức ảnh nói là vẽ Ngô Đình Diệm, nhưng kỳ thực đã có ai ở làng Thượng nhìn thấy Diệm.

             Đội trưởng cải cách, Chánh toà Huỳnh Thí dõng dạc.

-                      Lê Soán là một tên quốc dân đảng, đã luồn sâu leo cao lên chức chủ tịch xã để phá hoại cách mạng, có nhiều nợ máu với nhân dân. Hoà bình đã gần hai tháng nay mà y vẫn liên lạc qua bờ Nam, cất dấu cờ tam tài, ảnh Ngô Đình Diệm, trên chái bếp trong nhà. Nhờ cốt cán, chuổi rễ cảnh giác, phát hiện nên Lê Soán đã sa lưới pháp luật. Nhân danh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Toà án nhân dân đặc biệt lưu động tại làng Thượng  tuyên phạt Lê Soán án tử hình. Bản án được thi hành ngay tại chỗ.

 

Đất dưới chân Hiếu như sụp xuống, hố đen sâu tựa đáy giếng, chao đảo, ngả nghiêng, ngọn cây dầu máu quay cuồng, rồi cũng đổ sập xuống đè lên người Hiếu, tức thở. Mọi người cõng Hiếu đi thật xa khán đài. Lê Soán đứng cao,hơn ngọn cột, hai tay bị trói chặt. Lê Soán không chịu bịt mắt, bịt mồm. Lê Soán mở to mắt nhìn khắp hàng ngàn khuôn mặt, nước mắt rân rấn, giọng run lên:

-                      Thưa bà con. Tôi không có tội chi hết. Tôi có lỗi với Đảng, với Bác Hồ, với và con, với cha tôi, với bạn bè tôi. Tôi đau đớn xót xa vì chưa hoàn  thành nhiệm vụ.

            Chục ngón tay run rẩy đặt vào cò, đạn nổ: Lê Soán vẫn ngẩng cao đầu:

-                      Đảng Lao động Việt Nam muôn năm

            Loạt đạn nữa, một chân Lê Soán khuỵ xuống.

-                      Bác Hồ muôn năm.

            Viên đạn cuối cùng găm vào ngực, trào máu tươi.

-                      Vĩnh biệt bà con

*

 

Dân làng Thượng kể rằng: Cây dầu máu không ra hoa, kết trái như cây bời lời. Rễ cây dầu máu lan đến đâu nhú mầm đến đấy. Cho nên ở đâu có một cây là dần dà mọc lên cả lùm, cả lòi, cả rừng dầu máu. Dầu máu uống nước nguồn. Nước mưa ngấm vào cây thấm vào đồi cát. chắt lọc, thanh khiết, nuôi sống cây Dầu máu. Rồi một ngày, dân làng Thượng thấy rễ cây dầu bật ra, rỉ máu, quánh lại vo tròn như những giọt nước mắt trôi theo dòng nước.

 

Những đêm nực nấm tràm, lá dầu máu quệt vào nhau, bật thành tiếng khóc đứt đoạn. Bà Khế bảo: Chủ tịch Lê Soán thiêng lắm. Máu Lê Soán ngấm vào mạch nước, đầu nguồn lòi Dầu máu. Khi nào Lê Soán được giải oan thì rễ dầu mới thôi rỉ máu.

 

Kế hoạch được ghi trong cuốn sổ công tác của Đội các cách ruộng đất Huỳnh Thí là ba ngày tới  sẽ đấu tố và xử án Trần Thị Khế, một phần tử quốc dân đảng.

 

Bà Khế bảo tổ dân quân là không cần phải canh gác vì bà yếu nhiều và không biết chạy đi đâu ngoài làng Thượng. Bà muốn được đến gốc dầu máu thắp nén nhang. Tổ dân quân đứng gác, bà Khế thắp nén nhang cắm vào cạnh rễ cây đang rỉ máu. Bà khấn nhiều lắm, anh dân quân gần nhất chỉ nghe là “ Dầu máu phải sống, để đến một ngày nào đó không còn rỉ máu”.

 

7

            Có người đàn bà mặc bộ đồ đen bạc màu đeo túi “dết” chạy bổ về làng Thượng. Vừa chạm gốc lựu đầu ngõ đã bật tiếng kêu:

-                      Thục ơi! Thục có nhà không?

-                      Ới trời ơi! Ả Dịu, ả đi mô mấy năm ni, chừ mới ngó chộ.

Thục mứng quýnh, ôm chầm Dịu, ôm cả cái túi dết lủng củng tài liệu. Dịu nhìn quanh

-                      Bà đâu hả Thục

-                      Mạ đang bị nhốt ở nhà kho

-                      Dẫn chị đến đó ngay.

            Dân quân chéo nòng súng hình chữ (X) cấm vào nhà. Dịu mở túi dết, lấy ra tờ giấy màu vàng bằng nửa trang giấy học trò. Một người đứng cản, một người đưa tờ giấy lạ vào cho Đội Thí. Huỳnh Thí hớt hải chạy ra, mặt tái xanh, lắp bắp.

-                      Mời chị, mời chị vô!

Thí quắc mắt, hai chú dân quân lùi lại.

-                      Đồ chết tiệt. Còn đứng đó à!

Hai dân quân cùng chạy ra ngõ, Huỳnh Thí sấp ngửa chạy vào nhà đóng chặt cửa. Mụ Lỗi mở tung cánh cửa nhà ngang vừa đi vừa nhằn rận trên chiếc áo nâu lâu ngày không giặt. Mụ ngó nghiêng rồi bắt chước lũ trẻ hát nghêu ngao:

            Đội về đây

            Dân vui ấm no

            Có ruộng cày

            Đoàn kết một lòng

            Lá là la la

            Hai … ba….

            Câm theo sau vỗ tay đều đặn, múa cười khách khách.

            Huỳnh Thí thò cổ ra cửa sổ, nhổ toẹt bãi nước bọt.

-                      Một lũ điên. Hứ!

            Mụ Lỗi trừng mắt, đứng thế chân chèo, tay xỉa xói, nhìn về phía bờ sông

Hú ba hồn mi Trí trọp

Hú ba hồn mi Hóp má

Hú ba hồn mi Đặng xá

Hú ba hồn mi Liêm cao

            Đoạn mụ quay ngoắt về phía cửa sổ…

Hú ba hồn Lão Lỗi

Hú bảy hồn Lão Đam

Hú ba hồn, chín vía mi, Đội Thí

Mụ vòng qua nhà kho, cúi đầu, cằm sát ngực rồi lẳng lặng về phía nhà ngang. Câm lầm lũi theo sau.

            Dịu khóc tức tưởi, dìu bà Khế về nhà. Đến gốc cây Mưng già chia đôi làng Thượng, bà không kìm được

-                      Dịu ơi! Chúng nó bắn chết thằng Soán rồi.

Dịu sững sờ

-                      Con về muộn mất rồi, mạ ơi!

*

            Hiếu tỉnh lại

            Mắt mở trừng trừng,

            Hai tay đấm ngực thùm thụp

La hét, lăn lộn rồi ngất xỉu

            Mở mắt

            Hiếu gào qua nước mắt:

-                      Tôi giết chồng tôi rồi! Trời ơi là trời.

            Không ai dỗ được Hiếu lúc này, trừ con Hoà và thằng Bình. Nhưng hai đứa khóc mềm người, mệt lả, thiếp dần….

            Dịu ôm Hiếu vào lòng bón từng thìa cháo loãng. Hiếu mở đôi mắt to tròn như dán vào Dịu giọng khản đặc.

-                      Chị ơi! Anh ấy đứng đó, đầu cao hơn đỉnh cột, em không dám nhìn. Súng nổ, em ngoảnh lại, anh ấy nhìn em như hút hồn. Anh ấy thương em nhiều lắm, nên giận em nhiều lắm phải không chị?

-                      Chị hiểu, thôi em đứng nói nhiều mà mất sức.

-                      Nhưng chị ơi! Tại sao anh Soán phải chết vội vàng, chết tức tưởi như rứa! Người ta bảo vuốt mãi mà mắt anh không nhắm được. Oan quá mà. Cũng tại em cả chị ơi!

-                      Em đừng nói thế. Cái sai này lớn lắm

-                      Tại em cả tin. Chị biết không- Sau cái tối em đưa cơm cho anh Soán, thì sáng ra anh bị bắt liền. Đội Thí đến. Thí cam đoan là chỉ cần anh Soán thú nhận có ảnh Ngô Đình Diệm, có cờ tam tài là được hưởng lượng khoan hồng, cùng lắm là đi tù vài năm rồi về sống với vợ con. Em bảo với Đội Thí làm gì có cờ, có ảnh, Đội Thí bày cho em vẽ cờ Tam tài, vẽ ảnh Diệm đặt lên gác bếp, loang lổ bồ hóng rồi đem nộp cho Đội. Ai dè mụ Thí tuyên bố tang chứng rõ ràng, rồi khép anh Soán vào tội chết. Tại em thương anh quá, hoá nghe theo lời phỉnh gạt của mụ Thí. Chị ơi, đời này, kiếp  này, em làm sao quên được nỗi oan ức này.

 

Bà Khế khóc mấy ngày, không còn nước mắt. Bà trân trân nhìn lên tán lá dầu máu, mồm trễ tràng nhai trầu. Thục ngồi bên mẹ, ngoáy sẵn cối trầu đỏ au. Bà ngồi trước mâm cơm cúng tuần cho Lê Soán. Bà bảo tuần đầu, linh hồn của người vừa khuất núi còn quanh quẩn bên gia đình, vợ con, hàng xóm. Người dương làm gì, nói gì, người âm biết  hết cả. Bà nói với Dịu, với Hiếu, với Thục, với linh hồn Trần Thuận, Lê Soán và cả thần Dầu máu.

-                      Ta nghĩ mãi rồi, không biết chuyện tày trời ở làng Thượng này có ai biết không?

-                      Dạ thưa mạ, Trung ương thấu hiểu mới cấp tốc cử đội sửa sai về. Nhận được lệnh là con lên đường ngay.

-                      Rứa thì ông Ngoạn đi mô hè!

-                      Dạ từ ngày con lên làm việc ở Hội phụ nữ đến giờ chưa gặp lại bác Ngoạn. Lần này đồng chí Nguyễn Chí Thanh về chỉ đạo sửa sai ở khu vực ta. Con đã báo cáo tình hình làng Thượng với đội sửa sai rồi.

-                      Rứa thì tốt. Ta ngẫm ra việc chi dân làng Thượng tự làm lấy thì được, như rào làng chiến đấu, “hạ sơn”, trừ tề, diệt ác.. Đến đận cải cách này từ ở mô rớt xuống Đội Thí, học chưa qua cấp một mà cái chi cũng muốn, cũng đòi thành tích cao. Tóc dài, đầu ngắn, cạn nghĩ mà say sưa thành tích quá đâm ra hỏng việc, hoá ra phá hoại ghê gớm. May mà đội sửa sai về chớ không thì ta cũng xanh cỏ theo Lê Soán rồi.. thiệt như một cơn ác mộng vậy…!

*

Những ngày sau, linh hồn chủ tịch Lê Soán được giải oan. Trung ương đề nghị gửi cháu Hoà sang Liên Xô học tập, nhưng cháu không đi, xin được ở nhà chăm sóc mẹ và em trai. Thím Hiếu đã trở thành bà Hiếu với mái tóc điểm bạc. Đến bữa cơm, Hiếu ngồi trân trân trước bàn thờ, lẩm nhẩm kể hết mọi chuyện cho chồng nghe.

*

 

Tháng sau, ở bến đò ngã ba sông, cách xa làng Thượng, người ta vớt được xác người đàn bà mang thai dập dềnh trên sóng.

 

Ông lão chèo đò kể rằng: Tối hôm trước, trời oi nồng, có người đàn bà đứng trân trân trên bờ, mắt hướng về lòi Dầu máu hồi lâu rồi từ từ đi xuống bến, hai tay khoả nước đều đặn, cứ tưởng là có người đến tắm đêm, ai ngờ….

Người ta tìm thấy cái xắc vải xanh công nhân dựng tài liệu cách thi thể nạn nhân không xa. Bên trong là chiếc áo đen đã sờn và cuối sổ công tác dày cộp. Trong cuốn sổ ghi rõ ngày tháng đấu tố và xử tội phần tử quốc dân đảng Trần Thị Khế. Cuối cùng ký tên đội trưởng Đội cải cách ruộng đất: Huỳnh Thí, chân chữ T đá lên quá đầu.

 

Người đàn bà xấu số không có họ hàng, người thân, nên dân làng đắp cho nấm mộ nơi ngã ba sông. Ba ngày sau, trên nấm mồ ấy có người đàn ông to,cao nằm vắt ngang. Ba vỏ chai rượu nằm chỏng chơ. Thấy xác chết, lũ trẻ chăn trâu chạy về báo làng.

 

Hay tin, mụ Lỗi tựa lưng vào gốc cây Dầu máu, mặt hướng về ngã ba sông hú hồn:

Hú ba hồn mi Đội Thí.

Hú ba hồn mi Lão Đam

 

Mặt trời đỏ như mảng tiết chìm dần xuống đáy ngã ba sông.

 

Hà nội viết từ 9 giờ mùng hai tết BínhTuất

đến 12 giờ đêm 17 tháng 6 ta - 11/7/2006

                                                    NXB HỘI NHÀ VĂN, QUÝ IV/2006

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12  
Vĩnh Trà
Số lần đọc: 1997
Ngày đăng: 20.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Dầu máu (truyện dài)