Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.078
123.233.724
 
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử
Vũ Ngọc Tiến
Chương 1

Phần III

QUÂN SƯ ĐÀO DUY T

 

HỒI THỨ NHẤT

Núi Ngọc con côi gặp ẩn sĩ

Hoa Trai mẹ goá khóc trong mơ

 

Chiều tắt nắng. Đỉnh núi Ngọc đã ngậm già nửa mặt trời. Rừng cây xào xạc lá. Tắc kè lục cục ném lưỡi vào thinh không. Tu hú gọi bầy trên những lùm cây dẻ nở đầy hoa vàng.Những con suối nhỏ trườn mình qua các tảng đá hoa cương bám đầy rêu mốc, rì rào đổ nước vào ngòi La, bọt tung trắng xoá. Xa xa, phía làng Hoa Trai mọi nhà đã nổi lửa cơm chiều và trên mỗi nóc nhà  tranh lãng đãng bay lên từng vạt khói mỏng tang. Men theo sườn núi, trên con đường mòn dốc đứng có hai chú bé lặc lè gánh củi trên vai. Cả hai chừng đã thấm mệt, lưng áo bệt bợt mồ hôi hoà lẫn bụi đất. Đi trước là cậu Hữu Dư, ước độ 15 tuổi, vóc người săn chắc và đen trũi. Theo sau là Duy Từ hổn hển, chùng gối dò dẫm bước một, khoảng 12 tuổi, nom gày gò và trắng trẻo. Gánh củi to hơn người cậu cứ lắc lư  trên vai như muốn lật nhào kéo theo cậu cùng lăn xuống dốc. Thỉnh thoảng Hữu Dư lại dừng bước ngoái nhìn Duy Từ, khẽ thở dài thương xót. Cậu đã khuyên Từ đừng nên cố sức mà Từ chẳng chịu nghe. Lúc ngồi bó củi trên núi, Từ bảo:

- Đệ sắp phải đi học. Mùa đông sắp đến, thân mẫu ở nhà một mình chắc sẽ rét lắm. Đệ phải kiếm thật nhiều củi cho bà đỡ vất vả.

- Lo gì, đệ đi vắng vẫn còn có ta thi thoảng chạy sang giúp bá mẫu.

- Đành rằng vậy, nhưng từ nay đến hôm rằm, đệ cố kiếm thêm ít nào hay ít ấy.

- Vài ngày kiếm củi bõ bèn gì cho cả mùa đông. Người nghèo đói ăn thì rét càng thêm rét.

Hữu Dư chợt thấy mắt Duy Từ rớm lệ. Cậu biết mình lỡ lời nên ngừng nói, lẳng lặng giúp Từ nhấc gánh củi lên vai rồi hai đứa cùng xuống núi. Lòng Dư tràn ngập nỗi thương cảm, chỉ lo bạn trượt ngã dọc đường. Đã quen leo núi, Dư  hiểu khi gánh nặng thì xuống dốc khổ hơn leo dốc. Sức Từ lẻo khẻo, non gân, chịu làm sao thấu. Dư thầm ước mình lớn bổng thành lực sĩ để gánh cả Từ lẫn củi chạy băng xuống núi như các sơn thần trong truyện cổ tích. Đôi bạn dìu nhau, chẳng mấy chốc đã xuống chân núi Ngọc. Đến bờ ngòi La, Hữu Dư đặt gánh xuống bãi cỏ bảo Từ:

- Nghỉ thôi. Sắp tới nhà rồi.

- Vâng. Đệ cũng muốn tắm táp một lúc. Nước trong và mát quá!

- Ấy đừng. Chờ ráo mồ hôi rồi hãy tắm. Đang còn ướt mồ hôi mà xuống nước dễ bị cảm lạnh, Từ ạ!

Duy Từ ngước nhìn Hữu Dư thầm biết ơn. Mấy ngày qua, nghe tin Từ  sắp  đi học xa, Dư luôn tìm cách gần gũi ân cần chăm sóc Từ. Tuy Dư không nói ra lời, nhưng Từ biết cả hai đều rất buồn. Rồi đây xa Dư, một mình theo học ở tận chùa Đàn Xuyên, Từ biết lấy ai bầu bạn. Những ngày học ở trường thầy đồ Mậu trong làng, Từ luôn bị đám cậu ấm con nhà giầu khinh rẻ, nhiếc móc thân phận con nhà phường hát. Mỗi lần bị chúng gây sự kiếm cớ đánh đập, Từ đều được Dư kịp thời bênh vực. Chữ Nho Dư học chỉ loàng xoàng, nhưng rất giỏi võ nên đám cậu ấm con xã trưởng hay phú hộ đều phải nể sợ. Hai nhà cách nhau một giậu cúc tần nên Dư với Từ thân thiết như tình ruột thịt. Hồi Từ mới lên năm, thân mẫu bận việc ngoài đồng đều phải sang nhà nhờ Dư cõng em bé đi chơi quanh làng. Ai cho bắp ngô hay củ khoai nướng, Dư đều nhường cho Từ phần hơn. Phụ thân Dư là tướng quân Nguyễn Hữu Danh, từng theo Nguyễn Kim sang Ai Lao phò giúp vua Lê Trang Tông kéo quân về lấy thành Nghệ An. Từ ngày Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm nắm giữ binh quyền, ngầm giết hại Nguyễn Uông và chèn ép Nguyễn Hoàng, nên ông nghĩ mình đã hết thời bèn thác bệnh về quê cày ruộng. Ông vốn là bạn thân với Đào Tá Hán, phụ thân của Duy Từ. Hơn 10 năm qua, nhờ ông bỏ tiền mua cho Từ một suất đinh của làng nên thân mẫu của cậu mới được xã trưởng cho nhận cấy rẽ năm sào ruộng công. Mỗi năm, vào lúc nông vụ chí kỳ, ông còn đem trâu sang cày bừa giúp, có năm còn đỡ thêm mạ hoặc thóc giống. Suốt đời Từ sẽ không quên cái ngày được ông Danh dắt đi bái kiến thầy đồ Mậu. Năm ấy Từ vừa tròn bảy tuổi. Thân mẫu nhiều năm dành dụm, ao ước cho con trai được đi học chữ thánh hiền, nhưng xã trưởng và các quan viên, chức dịch trong làng đều răn đe thầy đồ, cấm không được nhận con nhà phường hát vào học chung với con cái họ. Từ đi chăn trâu thường hay ghé qua trường học, rình nghe thầy đồ Mậu giảng chữ Nho cho đám con cái các nhà giầu hay có thế lực trong làng. Cậu thuộc lòng từng chữ, nhập tâm lời giảng của thầy. Ra đồng cậu lấy que tập viết trên nền đất. Rồi cậu nghĩ cách lấy lá nhọ nồi vò ra làm mực, viết chữ vào gốc cây hay tảng đá. Tối về cậu lân la sang nhà ông Danh học chung với Hữu Dư. Ông Danh từ lâu buồn bực vì đứa con trai độc nhất của mình chỉ ham tập võ, còn chữ Nho học trước quên sau, chữ tác đánh chữ tộ, ngữ nghĩa thì chàng màng lõm bõm. Từ khi có cậu bé Duy Từ sang học chung, Hữu Dư tiến bộ trông thấy. Ông quan sát thấy con trai mình viết các bộ “liễu leo”, bộ “thuỷ” hay bộ “tâm” đã mềm mại dần. Các nét sổ ngang hay sổ dọc cũng mạch lạc và đều đặn. Rồi một đêm ông nằm thao thức, chợt nghe hai đứa trẻ kể cho nhau nghe về các mẩu giai thoại của “Thất thập nhị hiền” ghi trong sách “Luận ngữ”. Duy Từ say sưa giảng giải cho Hữu Dư về ý nghĩa chiếc trâm bằng cỏ thi của người đàn bà cắt cỏ bên sông. Cậu bảo rằng cả gánh cỏ thi kia đều vô nghĩa với người đàn bà vì chiếc trâm bằng cỏ thi ấy là kỷ vật của thân mẫu để lại lúc lâm chung. Đức Khổng Tử muốn nhắc nhở học trò rằng mọi vật trên đời không phải chỉ nhất thiết đo đếm bằng tiền bạc mà có khi ý nghĩa của một vật tầm thường còn quý giá hơn châu báu, ngọc ngà, không gì thay thế được. Ông Danh cảm động ứa nước mắt, choàng dậy ôm hai đứa trẻ vào lòng. Sáng hôm sau, ông sang nhà hàng xóm xin phép bà Nguyễn Thị Mạch được nhận Đào Duy Từ làm nghĩa tử, nguyện với vong linh người bạn cũ Đào Tá Hán sẽ bảo lãnh và chu cấp cho đứa con nuôi học thành tài. Thế rồi ông sai người nhà sửa lễ, khăn áo chỉnh tề, dắt Từ đi bái kiến thầy đồ Mậu. Có tướng Nguyễn Hữu Danh bảo lãnh, nghe ông kể lại chuyện đêm trước, thầy đồ Mậu không còn e ngại gì, hồ hởi thu nhận Duy Từ vào học. Thoắt đã năm năm trôi đi, Từ đến trường học bao nhiêu điều lạ. Thầy đồ Mậu thương Từ nhà nghèo nên không nhận tiền, nhận gạo, còn giúp Từ giấy mực. Ông quý cậu học trò nghèo từ khi chăm chăm ngồi lén nghe giảng bài qua khe liếp, rồi khi cậu vào học, mỗi ngày ông lại phát hiện thêm tư chất thông minh, học một hiểu mười, luôn có những câu hỏi hoặc ý tưởng lạ. Ông nhớ có lần giảng về chữ Nhân trong đạo Nhân của Khổng Tử. Vì sao chữ Nhân lại bao gồm bộ nhân đứng và hai vạch sổ ngang? Bộ nhân đứng chỉ người, còn hai nét ngang chỉ trời và đất. Người có đạo Nhân có thể cảm động đến trời, thấm nhuần ân đức vào đất. Con người là trung tâm của vũ trụ. Trong bộ tam tài gồm Thiên - Địa - Nhân thì người là vật nối thông giữa trời với đất. Làm người có đạo Nhân hay bất nhân đều có trời soi xét, đất kiểm chứng... Ông đang say sưa giảng, chợt thấy một bàn tay nhỏ ở cuối lớp rụt rè giơ lên.

- Trò Duy Từ, có gì thắc mắc cứ hỏi.

- Thưa thầy, chữ Tiên gồm bộ nhân đứng với bộ sơn, còn chữ Phật gồm bộ nhân đứng với bộ thiên là nghĩa thế nào?

- Bộ nhân đứng đương nhiên là chỉ người. Khi con người thoát khỏi cám dỗ cõi phàm, lên núi tu luyện sẽ thành tiên, tâm hồn trong như con suối đầu nguồn. Nhưng tiên còn thấp hơn Phật một bậc, bởi Phật có cái tâm bao cả trời. Trúc Lâm Thiền tổ Trần Nhân Tông nói “Phật tức tâm” là theo nghĩa đó.

-Vậy thưa thầy cho con hỏi tiếp.

-Con cứ tự nhiên, ta biết đến đâu sẽ giảng cho các con hay, chữ thánh hiền rộng nghĩa lắm.

-Thưa thầy, con vẫn thường tự hỏi, vì sao chữ Nhân chỉ người lại chỉ có hai nét tựa như một ngã ba sông?

- Điều con hỏi, thầy còn chưa thật rõ lý do vì sao chữ Nhân lại như vậy. Có lẽ vì chữ Nho có gốc gác từ bên nước Tàu. Thời cổ xưa, con người mông muội, ăn lông ở lỗ, chẳng khác thú rừng là bao. Từ khi con người rời bỏ hang đá đi về phía các dòng sông lớn như Hoàng Hà, Dương Tử bên Tàu hay sông Nhị Hà bên ta để quần cư cấy lúa, dựng nhà thì lúc đó con người mới thực sự sống một kiếp người trọn vẹn. Mỗi con sông đều có dòng chủ lưu và rất nhiều phụ lưu. Tại những nơi có ngã ba sông, đất đai trù phú, loài người quần tụ đông đúc thành bộ lạc, quốc gia, nên có lẽ chữ Nhân vì thế mang hình dáng như ngã ba sông. Phải chăng Chu Công khi xưa mơ thấy Hà đồ, Lạc thư mới làm ra kinh dịch cũng vì lẽ ấy.

- Thưa thầy con lại có cách lý giải khác.

- Con hãy thử nói cho ta và các bạn nghe.

- Chữ Nhân khởi thuỷ đúng như thầy đã dạy. Nhưng chữ Nhân mang hình ngã ba sông còn có nghĩa là người ta sống ở trên đời luôn phải lựa chọn giữa chính- tà, giữa thiện- ác. Dòng chủ lưu là chính, là thiện, sẽ dẫn dắt ta ra biển rộng, trời cao, làm người quân tử hữu ích cho muôn dân, bách tính. Dòng phụ lưu là tà, là ác, sẽ lôi kéo ta vào rừng rậm không biết lối ra, suốt đời làm kẻ tiểu nhân hại dân, nhục nước. Trong bộ tam tài thày vừa dạy, loại người đó không có trong chữ nhân mà là chữ quỷ. Ác thay, thời nào cũng vậy, quỷ nhiều hơn nhân nên đã có sách của Mạnh Tử lại cần thêm sách của tuân Tử, Hàn Phi Tử. Dòng chủ lưu dẫu mênh mang vẫn chỉ có một, còn dòng phụ lưu thì nhiều vô kể. Điều này nhắc ta trên con đường đại nghĩa luôn gặp điều tà ác vây bủa, cám dỗ, buộc ta phải lựa chọn, tranh đấu với chính mình. Quyền càng to, danh vọng càng nhiều thì con người càng dễ bẻ nhánh sang dòng phụ lưu kia…

  Thầy đồ Mậu sững người kinh ngạc nhìn trò Đào Duy Từ. Ông không dám tin ở tai mình vì cái điều phát hiện mới lạ chưa hề có trong sách thánh hiền ấy lại được nói ra từ miệng đứa trẻ 12 tuổi. Xưa nay đọc sách hiểu được đã khó, nhưng lý rộng ra ngoài sách như chú bé Đào Duy Từ này, thầy đồ Mậu chưa từng thấy. Là bạn học của quan trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, ông có cảm giác chú bé này không thua kém gì trạng Bùng lúc nhỏ hay trạng Hiền thời xưa. Ông tự thấy vốn liếng chữ nghĩa của mình đã cạn dần theo lực học của đứa trò yêu, nhỏ tuổi, gầy yếu nhất lớp này. Ngay chiều hôm đó, thầy đồ Mậu vội khăn áo chỉnh tề đến nhà tướng quân Nguyễn Hữu Danh. Hai người thi lễ ngoài hiên rồi dắt nhau vào trong nhà uống trà, đàm đạo. Hết một tuần trà, thầy đồ Mậu cầm tay Nguyễn Hữu Danh nói:

- Tôi sang đây muốn bàn thêm với tướng quân về việc học của lũ trẻ.

- Chắc Hữu Dư hay Duy Từ có điều gì thất lễ, khiến thầy phải buồn lòng?

- Thưa không. Hữu Dư học chậm nhưng chắc và rất trung thực, khảng khái, có thể theo gót tướng quân sau này làm nên nghiệp võ.

- Thế còn Duy Từ?

- Mừng cho tướng quân đã thâu nhận một nghĩa tử khác thường. Đứa trẻ này chỉ trong mấy năm đã nuốt sạch vốn liếng của một ông đồ quê mùa nơi thôn dã như tôi. Nó cần phải có thầy dạy uyên bác, ngang tầm với các ông trạng Trình, trạng Bùng mới thoả sức học.

- Nhưng thầy cũng là bậc túc Nho, dư thừa học vấn để dạy cho một đứa trẻ như Đào Duy Từ.

- Tôi tuy là bạn học với trạng Bùng thủa hàn vi, nhưng tự lượng được sức của mình, giỏi lắm là đóng khung cái hiểu biết trong các câu chữ của sách Luận Ngữ, Trung Dung, Đại Học... mà thôi. Nơi cửa Khổng sân Trình, việc học là vô cùng vô tận. Người trí giả phải biết vượt ra ngoài sách, thâu tóm lấy điều tinh tuý nhất của đạo thánh hiền và biến nó thành kiến giải cho riêng mình mới mong vận dụng nó để hành đạo. Xưa nay các bậc tuấn kiệt đều coi hành đạo trọng hơn học đạo. Mạnh Tử cũng đã từng nói: “Nếu xét lẽ trước sau thì học đạo trước mới biết để hành đạo. Nếu đem lẽ nặng nhẹ mà cân thì hành đạo nặng hơn học đạo.” Học mà không hành thì học để làm gì? Hôm nay tôi chợt nhận ra cái thiên năng hiếm có của đứa trò yêu. Nó đã vượt thầy về cách kiến giải một chữ Nhân, ắt sẽ còn vượt thầy ở nhiều chỗ khác. Không thể để một nhân tài như thế giam mình trong xóm nhỏ Hoa Trai hẻo lánh này.

- Vậy theo thầy thì ta nên cho Duy Từ đến học ở đâu?

- Ngoài phủ Trường Yên, trên núi Quế Trường có đại sư Duy Giác ngồi vi thiền tập định ở chùa Đàn Xuyên. Ngài là bậc chân tu, quyền năng tối thượng. Về Phật học ngài tinh thông cả Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Còn về các mặt Nho - Y - Lý - Số, ngài cũng uyên thâm không thua gì trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Võ thuật của ngài lập nên hẳn môn phái Đàn Xuyên, lấy nhu thắng cương, biến ảo khôn lường thành những tuyệt chiêu. Tôi còn nghe đồn rằng đại sư Duy Giác tuy xa lánh thế tục, vẫn đau xót vì nước nhà chìm đắm trong cảnh loạn ly, thường khuyên các đệ tử nếu có cơ hội nên nhập thế, độ dân, cứu khổ, đem lại cảnh thái bình cho trăm họ.

  Nghe thầy đồ Mậu nhận xét về đại sư Duy Giác, tướng quân Nguyễn Hữu Danh bồi hồi xúc động. Từ lâu ông vẫn coi thầy đồ Mậu là một danh Nho, ẩn sĩ, không thiết tha với chốn quan trường, về dạy học ở Hoa Trai, Hữu Dư và Duy Từ được theo học người thầy như vậy đã là may mắn lắm rồi. Không ngờ trong dân gian còn có nhiều bậc phi phàm, xuất chúng. Hữu Dư nông cạn, võ biền đã đành một nhẽ. Nhưng Duy Từ, đứa con nuôi của ông, giọt máu của người bạn đã khuất Đào Tá Hán, là đứa trẻ có nhiều triển vọng, nếu được theo học đại sư Duy Giác, nhất định sẽ thành tài, giúp ích cho đời. Là người theo nghiệp võ, ông có nhiều bạn bè trong giới giang hồ. Họ đã từng ca ngợi võ công của đại sư Duy Giác và môn phái võ thuật ở chùa Đàn Xuyên. Họ còn kể với ông rằng, đại sư Duy Giác đã dày công nghiên cứu binh thư của Tôn Tử, Gia Cát võ hầu và Trần Hưng Đạo, nhưng chưa hề truyền dạy cho ai. Có lẽ ngài chưa tìm được học trò ưng ý chăng? Nếu cơ duyên, phúc phận dành cho Đào Duy Từ cái vinh hạnh được ngài truyền cho binh pháp bí truyền, sẽ đắc dụng gấp nhiều lần học võ đơn thuần. Luật vua ban từ thời Hồng Đức đã cấm con nhà phường hát dự vào khoa bảng. Duy Từ thông minh, giỏi giang đến mấy cũng không có cơ hội bước chân vào trường thi. Vả chăng, theo quan niệm của ông, trai thời loạn đọc sách thánh hiền cốt hiểu đạo lý, còn muốn giúp đời thì phải học võ và nắm vững binh pháp. Ông gửi gắm hy vọng vào đứa con nuôi Đào Duy Từ. Nó thành đạt sẽ dắt dẫn Hữu Dư làm nên sự nghiệp rạng danh dòng họ Nguyễn Hữu ở Hoa Trai. Chợt ông nhớ tới chiếc túi vải do sư bà Diệu Minh ở chùa Thiên Phúc trao cho bà Nguyễn Thị Mạch hơn mười năm trước. Hôm làm lễ nhận Duy Từ làm nghĩa tử, bà Mạch đưa lại cho ông giữ và kể: “Ngày thiếp mang con trốn khỏi phủ An Trường, giữa đường gặp nạn, được sư Diệu Minh cứu sống cả hai mẹ con. Sư bà xem tử vi rồi quả quyết rằng cháu Duy Từ sau này sẽ có lúc cần thầy dạy cả văn lẫn võ. Đến lúc ấy cứ mở túi này ra khắc rõ.” Tướng quân Nguyễn Hữu Danh vội đứng dậy, lập cập chạy vào buồng trong lấy ra chiếc túi vải nâu, cùng thầy đồ Mậu mở ra xem. Trong túi có một vuông lụa trắng, ghi mấy câu thơ:

 

 Núi Ngọc có ẩn sĩ

Hết chữ dạy trò yêu

Nên sư huynh Duy Giác

Phải nhọc công sớm chiều.

Hai người lặng nhìn nhau bàng hoàng sung sướng. Hồi lâu, Nguyễn Hữu Danh nhờ thầy đồ Mậu xem tuổi Đào Duy Từ rồi bấm lịch, chọn ngày rằm tháng mười sẽ cho cậu xuất hành ra phủ Trường Yên, tìm chùa Đàn Xuyên trên núi Quế Trường để bái kiến đại sư Duy Giác...

Duy Từ ngâm mình giữa dòng ngòi La trong vắt, mải mê với bao ý nghĩ ngổn ngang trong đầu. Cậu không hề biết Hữu Dư đã tắm xong, lẳng lặng lên bờ mặc quần áo. Dư lại gần gánh củi của mình lấy ra dăm củ măng và nắm rau rừng buộc thêm vào gánh củi của Từ.

- Từ ơi! Về thôi, sắp tối rồi - Dư gọi.

-Vâng. Đệ thật vô ý để huynh phải đợi lâu.

Dư ân cần đưa quần áo cho Từ mặc. Đôi bạn cùng nhấc gánh, nhằm hướng làng Hoa Trai rảo bước. Dọc đường Dư bảo Từ:

- Đống củi bên sân nhà đệ cũng đã tạm đủ dùng. Nếu thiếu, ta sẽ kiếm thêm cho đệ sau. Ngày mai, hai đứa mình vào rừng lấy vầu về đan phên, thay mấy tấm liếp cũ cho bá mẫu che gió mùa đông, Từ ạ!

- Đệ cũng toan nói với huynh điều ấy. Cứ nghĩ đến việc phải đi xa, để thân mẫu một mình vò võ trong túp lều tranh, lòng đệ thấy xót xa.

- Đi học cũng là cách báo hiếu. Đệ phải cứng rắn lên, uỷ mị thế phỏng có ích gì. Ở nhà, phụ thân ta đã nhận đệ làm nghĩa tử, tất biết cách lo liệu giúp đỡ bá mẫu.

- Đệ chịu ơn của nghĩa phụ và huynh, biết bao giờ mới báo đáp được!

Hoàng hôn thẫm dần theo từng bước chân của đôi bạn nhỏ. Núi rừng chìm vào bóng tối. Mấy con dơi núi chạng vạng bay giữa bầu trời bao la. Con đường về làng sương rơi đầy mép cỏ...

*

*        *

Bà Nguyễn Thị Mạch trằn trọc không sao ngủ được. Bà vùng dậy, lại gần chiếc chõng tre, ngắm nhìn đứa con trai đang say sưa giấc điệp. “Tội nghiệp con tôi!” - bà khẽ thở dài. Liền mấy ngày qua, nó thương mẹ, suốt ngày lên núi Ngọc kiếm củi, đào măng và củ mài, tối về mệt lả, ngủ vùi, không biết trời đất là gì nữa. Số phận bắt nó phải mồ côi cha từ lúc chưa đầy một tuổi. Đào Tá Hán chàng ơi! Nếu có linh thiêng, chàng hãy về phù hộ cho Duy Từ, con của chúng mình. Nó thông minh, hiếu thảo mà sao cái ách con nhà phường hát lại xiết chặt vào thân phận, bịt lối công danh, ngăn đường khoa bảng. Nếu không có tướng quân Nguyễn Hữu Danh, bạn cũ của chàng bao bọc, dìu đỡ hơn mười năm qua, liệu thiếp có còn cơ hội nuôi con khôn lớn thành người? May mà ở Hoa Trai này còn có danh Nho, ẩn sĩ như thầy đồ Mậu thu nhận nó vào trường dạy cho chữ nghĩa. Nhưng ông Danh, thầy Mậu đều bảo thiếp phải cho Duy Từ đi tìm thầy học lên nữa kẻo uổng phí cái tài của nó. Thiếp chỉ là cô đào hát ở đất làng Se. Bao năm, thiếp cùng chàng theo đuổi nghiệp cầm ca là bởi chúng mình tha thiết yêu nghề, sống chết với nghề. Đó là thứ nghề thanh cao mà ông trời chỉ ban phát cho một số người như thiếp với chàng, những kẻ tầm thường dễ gì có được. Vua chúa và các bậc vương công, quý tộc đều đã từng mê mẩn bởi tay đàn của chàng, giọng hát của thiếp, sao còn chê nghề này là thấp hèn! Cao xanh hỡi, hãy phân xử giùm cho thiếp, vì sao luật Hồng Đức từ thời vua Lê Thánh Tông đã bất công gạt bỏ người con nhà phường hát ra khỏi trường thi? Thiếp là đàn bà không hiểu chính sự, nhưng sinh thời lúc trà dư tửu hậu, chàng và các bạn bè thường đàm tiếu về Nguyễn Hoá văn dai như chão, chữ vuông như hòm, dốt đặc kinh nghĩa mà tốt tiền lo lót vẫn đậu thám hoa thời Mạc Phúc Hải. Hắn bị các danh sĩ Bắc Hà khinh bỉ, tẩy chay nên chạy vào theo Trịnh Kiểm, hiến cả vợ yêu cho ông ta, rồi sau lại khéo nịnh Trịnh Tùng nên mới được cất nhắc làm quan thượng thư Bộ Hộ. Như thằng Bá Sinh, quan tri phủ An Trường thì thiếp còn lạ gì. Cả ban nhạc trong cung vua Lê Anh Tông đều khinh bỉ hắn. Hồi ở làng Se hắn đã từng ve vãn thiếp, còn tài chơi đàn nhị của hắn sao bì được với tiếng sáo và tiếng Nguyệt cầm của chàng. Hắn không lấy được thiếp, ganh với tài của chàng nên hồi cùng ở ban nhạc cung đình luôn kiếm cớ gây sự và chèn ép vợ chồng mình, nịnh bợ quan trưởng ty giáo phường[1]. Thế rồi khi xảy ra sự biến năm Quý Dậu (1573), hắn đã bán rẻ vua Anh Tông, khai với Nguyễn Hoá việc Vua và Thái tử bàn bạc với tướng quân Lê Cập Đệ để tước binh quyền của Trịnh Tùng. Ngày cha con vua Anh Tông bị tướng Tống Đức Vị giết chết ở thành Lôi Dương, cũng là lúc Nguyễn Hoá tiến cử Bá Sinh với tể tướng Trịnh Tùng xin cho làm tri phủ An Trường. Nước nhà đến hồi mạt vận nên chốn quan trường mới lắm thằng tiểu nhân, bất tài, nịnh bợ như Bá Sinh, Nguyễn Hoá. Lạ cho cái triều đại mà lúc hết giặc thì các bậc công thần như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn đều bị chết thảm, nên đất nước thái bình được một thời gian đã rối ren, loạn lạc. Nhà Mạc cướp ngôi, rồi chiến tranh Nam - Bắc triều đã mấy chục năm đẩy dân đen vào vòng binh lửa, chết chóc, đói nghèo thê thảm. Chàng chết vì vua, còn thiếp bỏ nghề ca hát, về quê làm ruộng nuôi con đã đành một nhẽ. Nhưng Duy Từ, con của chúng mình có tội tình gì mà sớm phải mồ côi cha, học hành lận đận?...

Nguyễn Thị Mạch thẫn thờ bên đứa con trai, lòng dạ bời bời. Thương con, cám  cảnh phận mình, bà lại nhớ chồng da diết. Đời người là kiếp sống tạm. Dễ gì trong cõi tạm ta tìm được bạn lòng tri kỷ, tri âm. Ông trời đã ghép đôi cho hai người nghệ sĩ một đàn một hát. Sênh phách, nhịp trống đã hoà quyện hồn bà với Đào Tá Hán từ thủa gặp nhau buổi đầu trên chiếu ca trù ở làng Se năm ấy. Ông năn nỉ với song thân, nhờ người mai mối, đem cơi trầu sang làng Se hỏi bà làm vợ. Cuộc sống lứa đôi ấm nồng hạnh phúc dưới mái tranh nghèo, ngập đầy tiếng Nguyệt cầm của chồng, giọng ca của vợ. Ông đã viết tặng bà bao ca khúc có sóng nước ngòi La, bóng mây núi Ngọc. Ông đệm đàn hay gõ nhịp trống cho bà hát đến tận lúc tàn canh. Hội làng, hội tổng hay các đám rước dâu, các lễ ăn khao khắp huyện Ngọc Xuân, người ta đều tha thiết mời ông bà đến cầm trịch cho đêm hát hội. Hai người như đón bắt được từng ý nghĩ, tâm sự của nhau. Thế rồi Nguyễn Kim đi tìm dòng dõi nhà Lê để dấy cờ nghĩa, làm cuộc trung hưng đã qua làng Hoa Trai. Ngài vốn sành âm nhạc, mê hát ca trù nên nghe tướng Nguyễn Hữu Danh giới thiệu đã mời vợ chồng Đào Tá Hán đến quân doanh hát liền mấy đêm. Sau này, khi Nguyễn Kim phò vua Lê Trang Tông về lấy được hai xứ Thanh - Nghệ, lập hành dinh ở phủ An Trường, đã sai người về đón Đào Tá Hán để lập ban nhạc cung đình. Bà Mạch không muốn xa quê, nhưng lệnh vua khó cưỡng. Vả chăng, chất nghệ sĩ đã thấm vào máu, vào hơi thở của đôi vợ chồng trẻ, nên ông Hán cũng muốn tiếng đàn của mình, giọng ca của vợ bay bổng đi khắp thiên hạ. Nào ngờ gần bệ ngọc của vua thì lành ít, dữ nhiều. Cái chết của ông Hán trong sự biến năm Quý Dậu đã cướp đi của bà chỗ dựa áo cơm, thần tượng nghề nghiệp và đẩy mẹ con bà vào cảnh khốn khó, cùng đường phải về quê. Đã thế, hết Bá Sinh ở An Trường, lại đến xã trưởng Đặng Phấn ở Hoa Trai, luôn tìm cách tán tỉnh, ép buộc bà tái giá làm tì thiếp cho họ. Lâu nay có Duy Từ bên cạnh làm cớ thoái thác, bà được tạm yên với xã trưởng. Từ hôm ông Danh sang bàn bạc việc gửi Duy Từ theo học đại sư Duy Giác, bà thấy phấp phỏng trong lòng vừa nhớ con, vừa lo tai hoạ sẽ ập đến bất ngờ. Bà chẳng dám mong Duy Từ đỗ đạt, bon chen giữa chốn quan trường hiểm ác. Bà chỉ mong nó học thông chữ nghĩa với thầy đồ Mậu, rồi theo gót thầy dạy chữ trong làng hay làm lang y chữa bệnh cứu người là đủ rồi. Nhưng cả ông Danh và thầy đồ Mậu đều khuyên giải nên bà phải dằn lòng nghe theo sự sắp đặt của ông Danh.

Đêm chìm vào sâu. Không gian bốn bề tĩnh lặng. Bà Mạch quay về giường mình, ngả lưng nằm nghe con trai thở đều. Bà thiếp đi và trong giấc ngủ chập chờn bà mơ thấy Đào Tá Hán. Nước mắt bà ướt nhoè mặt gối...

 




[1] Trưởng ty giáo phường: chức quan trông coi ban nhạc cung đình.

Chương : 1   2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12   
Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 6709
Ngày đăng: 28.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)