HỒI THỨ HAI
Đàn một bên và con một bên
Gánh tang bồng trĩu đè vai mẹ
Xã trưởng Đặng Phấn ngồi ngả lưng trên ghế tràng kỷ khảm trai, khoan khoái thở làn khói xanh để tận hưởng thú đê mê sau điếu thuốc lào buổi sáng. Người hầu gái mới mua của nhà tá điền mắc nợ thuế ruộng, thuế đinh của làng đã quen dần với phận sự của kẻ tôi đòi. Cô chải tóc, búi tó củ hành cho chủ rồi chạy vào buồng lấy áo the, khăn xếp và đôi giày vải, cẩn thận đặt tất cả lên chiếc sập gụ kê chính giữa nhà. Xã trưởng chìa tay đón chén trà hoa ngâu nóng hổi do cô hầu trẻ măng đưa mời, mắt hấp háy cười. Từ ngày vợ chết, ông ta đã thay mấy lượt hầu gái trẻ măng, nhưng chưa một lần ưng ý. Chỉ vài tháng là ông ta đã chán ngấy, đuổi họ ra đồng làm việc hay băm bèo nuôi lợn hoặc chăn thả đàn dê dưới chân núi Ngọc. Trong lòng xã trưởng, không có cô gái quê nào có thể sánh với Nguyễn Thị Mạch. Nàng có nước da trắng mịn, vóc người thon thả, giọng nói như hát. Dân gian có câu: “Gái một con trông mòn con mắt” quả không sai chút nào. Xã trưởng đã từng ngẩn ngơ nhìn nàng đưa ngón tay búp măng uyển chuyển lướt trên sáu dây tơ của cây Nguyệt cầm gia bảo do Đào Tá Hán để lại, giữa tiếng trầm trồ của đám đông quan khách trong những ngày hát hội. Mỗi điệu hát chầu văn qua giọng hát như chim oanh chim yến hót ngân, luyến láy theo nhịp trống khiến xã trưởng nhiều phen hồn phách bay lên tận mái đình, ngọn tre. Người đàn bà như thế, đến quan phủ Bá Sinh trên phủ An Trường còn phải lặn lội về tận Hoa Trai nghe đàn hát cũng là lẽ thường tình. Ngài đã nhiều lần lệnh cho xã trưởng tìm cách o ép, đánh bật mẹ con nàng ra khỏi làng. Nhà ấy không có ruộng, nên cái uy lực của xã trưởng là đám ruộng công cho dân nghèo cấy rẽ nộp tô cho làng. Ác một nỗi, tướng quân Nguyễn Hữu Danh đã vì tình bạn với ông Đào Tá Hán đứng ra bảo lãnh cho Nguyễn Thị Mạch. Ông ấy tuy đã cáo quan về làng, nhưng là cận thần từ đời vua Trang Tông và tướng quốc Nguyễn Kim, khiến ngài Bá Sinh còn phải nể sợ, thì một viên xã trưởng quèn sao dám trái ý. Âu cũng là cớ để xã trưởng Phấn bẩm lại với quan trên và lẳng lặng giữ phần cho mình. Quan thì xa, bản nha thì gần. Dân làng Hoa Trai không vượt tầm mắt ra khỏi luỹ tre làng, nên với họ, xã trưởng là ông vua con, bảo gì mà họ chẳng phải nghe. Tướng quân Nguyễn Hữu Danh không là gỗ đá, ắt có khi đau yếu nằm bệt trong nhà. Đợi khi ấy Phấn này sẽ ra tay xem nàng Nguyễn Thị Mạch xoay sở cách nào. Vật cản lớn nhất trên bước đường chinh phục người đẹp có giọng ca vàng lại chính là thằng bé Đào Duy Từ. Xã trưởng nghĩ vậy và nhếch mép cười. Nghe nói ông Danh đã bàn với Nguyễn Thị Mạch quyết chí cho Duy Từ đi học xa tận chùa Đàn Xuyên, trên núi Quế Trường thuộc phủ Trường Yên. Đất ấy là nơi giáp ranh giữa quân nhà Mạc với nhà Lê, thuộc quyền tướng Mạc Kính Điển cai quản. Chỉ riêng điều ấy mà đem bẩm với quan trên là Bá Sinh có thể loại bỏ Nguyễn Hữu Danh, nhưng xã trưởng không làm, cứ lờ tịt đi. Đây là cơ hội trời cho để ông ta tách Duy Từ ra khỏi người mẹ goá. Hôm nay xã trưởng dự định sẽ đến nhà người đẹp báo trước cho nàng biết, vụ tới sẽ thu hồi mấy thửa ruộng đạc điền, đổi cho nàng sang cấy lúa ở chân ruộng bạc mầu nơi bờ tre xó luỹ. Bước đầu hãy thử đánh động cho nàng như vậy để thăm dò ý tứ người đẹp. Đợi khi ông Danh vắng nhà, dắt Duy Từ đi bái kiến thầy học ở xa, Phấn này sẽ dấn thêm từng bước chinh phục nàng. Xã trưởng Phấn lấy làm đắc ý về kế hoạch của mình. Luân chuyển ruộng công cho người cấy rẽ là việc thường xảy ra, ông Danh sẽ không có lý gì để can thiệp, còn Nguyễn Thị Mạch sẽ tá hoả trong lòng, cuống lên lo vụ tới sẽ thiếu thóc ăn vì thóc thu hoạch ở các chân ruộng bờ tre xó luỹ chỉ bằng một phần ba ở ruộng đạc điền. Không những thế, sức đàn bà làm sao cày bừa trên những thửa ruộng như vậy.
Mặt trời đã lên tới ngọn tre. Vạt nắng thu vàng soi gần kín cái sân gạch rộng thênh. Đàn chó dữ canh nhà con vàng, con đen, con vện rủ nhau ra nằm phơi nắng. Xã trưởng Phấn ra đến hiên còn tần ngần ngắm lại bộ cánh khá tươm tất chỉ được dùng vào những buổi ăn khao ngoài đình làng. Ông ta gật gù hồi lâu ra chiều mãn ý, chống gậy, thẳng lưng, ưỡn ngực đi về phía cuối làng, nơi có căn nhà của mẹ con Đào Duy Từ. Vừa đi Phấn vừa nghĩ cách mở đầu câu chuyện với bà Mạch sao cho tự nhiên như thể vô tình ghé qua mà thuận mồm nói công việc của làng cho đúng danh phận xã trưởng. Đến nơi, ông ta gõ nhẹ chiếc gậy vào cửa vài tiếng rồi hắng giọng hỏi:
- Trong nhà có ai không?
- Ai đó? -Tiếng bà Mạch hỏi lại.
- Tôi xã trưởng đây. Có chút việc công muốn báo lại để bà rõ.
- Xin ngài đợi một lát, tôi ra ngay đây.
Bà Mạch ra mở cổng, khép nép chào xã trưởng. Ông ta đủng đỉnh bước vào sân, đảo mắt nhìn sang bên kia giậu cúc tần, quan sát ngôi nhà ông Danh, buông lời lấp lửng:
- Ngày xưa, tôi với ông Hán và tướng quân Nguyễn Hữu Danh vẫn thường đuổi bắt chuồn chuồn, châu chấu đậu trên giậu cúc tần này. Thoắt đã vài chục năm có lẻ.
- Vâng. Lúc nhỏ ông Hán không rõ thân phận mình nên mới dám cá mè một lứa với các quan. Ngài xã trưởng hôm nay hạ cố đến nhà, chắc có điều muốn dạy bảo. Mời ngài vào trong nhà xơi nước cho thiếp hầu chuyện.
Xã trưởng khẽ mỉm cười, liếc nhìn bà Mạch, hất hàm về phía đống củi:
- Ở đâu ra lắm củi thế? Không chặt phá bừa cây cối trong làng đấy chứ?
- Dạ thưa, hai cháu Từ và Dư phải lên tận núi Ngọc kiếm về suốt mấy ngày đấy ạ!
- Thằng nhỏ đi đâu rồi?
- Dạ, cháu nó theo anh Dư vào rừng chặt cây vầu về đan phiên liếp từ mờ sáng.
- Trong rừng nhiều hổ dữ lắm, bà phải nhắc lũ nhỏ cẩn thận, đừng có vào sâu.
- Cám ơn ngài xã trưởng đã chỉ bảo. Xin rước ngài vào trong nhà xơi nước.
Xã trưởng gật gù theo bà Mạch bước vào ngôi nhà tranh xiêu vẹo. Đồ đạc bên trong sơ sài nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Chiếc Nguyệt cầm treo trên vách, bên cạnh đó là bức đại tự ghi sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất cầm ca”, bút tích Nguyễn Kim đề tặng Đào Tá Hán, khi Ngài ghé làng Hoa Trai, trên đường dò tìm tung tích vua Lê Trang Tông. Nhờ bức đại tự này và sự bảo lãnh của Nguyễn Hữu Danh nên xã trưởng chưa dám mạnh tay o ép mẹ con Đào Duy Từ theo lệnh Bá Sinh.
- Nhà kẻ tiện dân xềnh xoàng, chẳng có lấy một chỗ ngồi tử tế cho khách. Xin mời xã trưởng ngồi tạm lên chiếc chõng tre ọp ẹp này.
Bà Mạch lật đật trải chiếu lên chõng tre, lấy bình tích rót bát nước chè tươi mời khách. Xã trưởng đón bát nước, cố tình nắm lấy bàn tay chủ nhà.
- Sang hèn là cốt ở người chứ đâu phải đồ vật. Nàng là báu vật của làng Hoa Trai, muốn đổi phận giàu sang đâu khó.
- Ấy chết, ngài xã trưởng lượng thứ. Thiếp là gái đã có chồng. Phận mẹ goá con côi, dám đâu đũa mốc lại chòi mâm son.
Việc đổi cách xưng hô từ bà sang nàng và cử chỉ sỗ sàng của xã trưởng Phấn khiến bà Mạch giật mình cảnh giác. Bà rút vội bàn tay, lùi lại vài bước. Phấn biết mình lỡ lời, sửa ngay tư thế, ngồi vắt chân chữ ngũ, nghiêm giọng nói:
- Bà cấy rẽ mấy sào ruộng công gần đầm sen đã lâu rồi đấy nhỉ? Thuế má nộp cho làng đủ chứ?
- Bẩm ngài, được hơn mười năm. Nhà thiếp neo đơn, thóc lúa không được bằng người khác, nhưng chiêm mùa hai vụ vẫn nộp đủ tô thuế, không dám chậm trễ hay thiếu nợ một đấu nào.
- Nhưng ruộng công có loại nhị thục điền, loại nhất thục điền[1], chiểu theo lệ làng, phải luân phiên phát canh cho các nhà tá điền, bà biết không?
- Đội ơn ngài xã trưởng và các vị chức dịch trong làng đã chiếu cố đến cảnh mẹ goá con côi, thiếp chưa phải luân chuyển sang loại nhất thục điền.
- Thế đấy. Bấy lâu làng xã nể tình ông Hán là nhạc công của triều đình, lại có tướng công Nguyễn Hữu Danh bảo lãnh, bỏ tiền ra mua suất đinh cho thằng Từ nên chưa bắt bà đổi ruộng cho nhà khác. Nay nghe nói thằng Từ nhà bà sắp đi học xa, làng sẽ chiểu theo lệ trong hương ước mà đổi ruộng.
- Ngài xã trưởng định cho nhà thiếp sang cấy rẽ ở chân ruộng nào?
- Mé tây làng, sát luỹ tre có mấy sào ruộng công loại nhất thục điền sẽ dành cho nhà bà cấy rẽ tính từ vụ chiêm sắp tới.
- Xin ngài xã trưởng xem lại. Ngài đã thương thì thương cho chót, đã vót thì vót cho tròn. Chân ruộng ấy lâu nay cả làng không ai nhận cấy vì rễ tre ăn bạc đất, lại bị lẫn sỏi và cớm nắng, thiếp lấy gì sống qua ngày.
- Tôi chưa nói hết. Làng sẽ giảm thuế cho nhà bà từ một quan xuống sáu tiền một mẫu. Như thế làng đã ưu ái bà lắm đó. Lẽ ra thằng Từ đi học thì làng sẽ cắt luôn suất ruộng công cấy rẽ của bà mới đúng. Ai bảo bà không chịu biết điều. Thằng Từ thân phận con nhà phường hát đã bị cấm vào trường thi cơ mà. Nó học thầy đồ Mậu là quá đủ, sao còn bầy đặt tìm thầy học xa.
- Mẹ con thiếp tự biết thân phận hèn kém chẳng dám màng công danh phú quý. Ông Danh, thầy Mậu bảo sao thì thiếp nghe vậy. Cháu Từ học thêm được chữ thánh hiền để hiểu đạo lý làm người. Ngài xã trưởng rộng lòng xem xét, cho thiếp được cấy rẽ ở chân ruộng cũ, ơn ấy thiếp sẽ không quên. Người nhà nông, ngoài ruộng đất ra, thiếp biết bám vào đâu để độ nhật qua ngày và nuôi con ăn học.
- Có đấy. Người tài sắc như nàng muốn ăn trắng mặc trơn, có kẻ hầu người hạ dễ lắm.
Xã trưởng Phấn lại ỡm ờ đổi cách xưng hô, nhìn bà Mạch thăm dò rồi nói tiếp:
- Chỉ cần nàng chịu về sống với tôi thì sẽ tha hồ sung sướng. Đã nhiều lần tôi nhờ người đánh tiếng sao nàng cứ thờ ơ? Về với tôi nàng sẽ có tất cả, lại được tự do đàn hát, thằng Từ muốn gì tôi cũng sẽ chiều. Nàng nghĩ cho kỹ đi.
Đặng Phấn đứng dậy, tiến dần về phía bà Mạch. Vẻ oai vệ của viên xã trưởng biến mất, chỉ còn lại gương mặt si mê và ánh mắt khẩn cầu, chờ đợi. Bà Mạch hoảng hốt, luống cuống lùi về phía cửa. Chợt có tiếng chân người gấp gáp chạy ngoài sân. Thục Nga, con gái thầy đồ Mậu xuất hiện, tay cầm tập giấy và nải chuối vàng ươm. Con bé chừng 10 tuổi, là con út của thầy đồ Mậu. Nó với Từ và Dư hợp thành bộ ba thân thiết từ lâu. Nga bước lên hè, khép nép chào xã trưởng và bà Mạch. Xã trưởng bực bội, nhìn Thục Nga từ đầu đến chân, khiến con bé sợ hãi nép vào sau lưng bà Mạch. Ông ta liếc sang bà Mạch, gằn giọng:
- Việc cấy rẽ ruộng công là ý của làng, việc nhà quan không nói hai lời đâu. Bà liệu thu xếp, tính toán cạn nhẽ rồi trả lời cho làng biết nhận hay không nhận. Điều cần nói, tôi đã nói hết rồi. Sướng khổ là ở như bà quyết định. Tôi về.
Bà Mạch lễ phép cúi mình, chắp tay chào xã trưởng. Ông ta hầm hầm chống gậy bước ra sân, miệng còn lẩm bẩm những gì nghe không rõ. Bà thở dài nhìn theo bóng xã trưởng Phấn khệnh khạng bước. Bên kia giậu cúc tần, ông Danh đang lững thững dạo gót quanh hòn núi non bộ và mấy chậu cây cảnh. Bóng dáng ông oai nghiêm, tự tại. Miệng ông khẽ ngâm những vần thơ hào sảng của quan tư đồ Nguyễn Trãi mà thầy đồ Mậu vừa chép tặng ông:
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu
Thầy đồ Mậu đã rất hiểu, tâm trạng của ông nào khác gì tiên sinh Nguyễn Trãi khi xưa cáo quan về ở ẩn trên núi Côn Sơn, đau xót nhìn cảnh dân chúng lầm than, triều đình vừa qua khỏi chiến tranh đã sớm lục đục, mục nát. Kim cổ không cùng dòng sông lặng lẽ, và người anh hùng có lúc chỉ còn biết ôm hận nhìn lá lao xao, tả tơi rơi đầy trong vũ trụ khôn cùng. Ý tứ của hai câu thơ đang vận vào hoàn cảnh của ông lúc này. Một thời theo Nguyễn Kim xông pha nơi trận mạc để rồi ghê sợ chốn quan trường hiểm ác, đành lui về sống cô độc trong làng Hoa Trai heo hút. Những loại tiểu nhân như xã trưởng Đặng Phấn làm sao hiểu được cội nguồn mọi nhẽ tận thẳm sâu trong tâm thế của ông. Chính trường chẳng qua chỉ như bàn cờ thế, càng tàn cuộc càng nhiều mưu sâu, kế hiểm, thủ đọan tàn ác nhằm triệt hạ lẫn nhau mà thôi. Mới hôm qua anh và tôi cùng nằm gai nếm mật, niềm vui xẻ nửa, nỗi buồn nhân đôi, nhưng hôm nay quyền đã về anh, ngôi cao đang tới thì tôi sẽ là vật cản đầu tiên để anh giẫm đạp, là kẻ thù không đội trời chung để tôi băm nát. Nơi chốn quan trường: trung quân là thứ bàn thờ mục để kẻ tiểu nhân đễ bề vu họa hoặc lợi dụng tài trí của kẻ ngu trung mà đắc lợi; ái quốc là câu lừa mị cho người quân tử chui sâu vào bẫy, xả thân vì một thứ xa vời, mục nát hay mở ruột phơi gan nói lời ngay thẳng vì bách tính khốn cùng để kẻ thù dèm pha, sàm tấu ghép vào tội chết. Kể từ ngày Nguyễn Kim chết rồi, họ Trịnh nắm quyền, ông càng hiểu sâu thêm mình đã bị lừa, xả thân cho một thứ bàn thờ mục vua Lê mà thực ra là đang cúc cung tận tụy cho những mưu đồ quyền lực tạm nấp vào bóng tối mà vẫn ngấm ngầm tranh giành, cắn xé lẫn nhau. Sớm muộn gì ông cũng chết, không phơi xác ở chiến trường với nhà Mạc vẫn sẽ chết oan bởi các phe phái phò Lê mà thực đang ngầm tiếm quyền về tay họ. Ông Danh cáo quan về quê ngỡ tưởng yên bề cày ruộng, chăm sóc vợ con người bạn quá cố Đào Tá Hán, nào ngờ nơi chốn quê mùa lại càng phơi bày sự lỏng lẻo của vương quyền, sự thối rữa của chiếc bàn thờ mục mà bấy lâu ông tôn thờ, xả thân vì nó…
Đặng Phấn đứng ở mép hiên nhà bà Mạch, liếc nhìn qua bờ giậu cúc tần sang phía nhà ông Danh nhếch miệng cười mát. Hắn nghĩ, cái lão khờ thất thế, cáo quan về vườn ma còn làm bộ làm tịch. Song hắn lại chợt ngán vì có lão khờ bên cạnh nhà người đẹp, thật khó o bế nàng… Xã trưởng đi rồi, Nga vẫn thấy bà Mạch ngồi thẫn thờ bên chiếc chõng tre, nhìn ra ngoài. Mắt bà rưng rưng lệ. Nó cảm thấy có điều gì chẳng lành. Nga chạy lại ôm lấy lưng bà, rụi đầu vào nách bà nũng nịu:
- Bá mẫu làm sao thế? Ông xã trưởng có xúc phạm bá mẫu không? Hay ông ấy ngăn cản việc Duy Từ đi học?
- Không... không có gì, con ạ! Chuyện ruộng đất của người lớn ấy mà. Nga sang chơi hay có việc gì mà chạy như ma đuổi thế? Thầy đồ bên ấy có khoẻ không?
- Thầy đồ nhà con được người ta biếu mấy muôn giấy dó, bảo con mang sang một muôn cho Duy Từ tập viết. Nải chuối kia để bá mẫu cúng rằm, cầu trời khấn Phật cho Duy Từ đi đường may mắn.
- Con về bên nhà cho ta có nhời cảm ơn thầy đồ.
- Duy Từ đi đâu hở bá mẫu?
- Nó và Hữu Dư vào rừng từ mờ sáng. Hai anh em rủ nhau đi chặt vầu đan phên liếp để sửa nhà.
- Lúc nào chẻ vầu, con sẽ sang làm giúp.
- Thôi, ở nhà nấu cơm hầu hạ thầy đồ. Con ngoan quá !
Thục Nga còn nấn ná ở lại chuyện trò và dọn dẹp nhà cửa giúp bà Mạch. Bà âu yếm kéo Nga vào lòng thủ thỉ mọi chuyện và cố quên đi nỗi ấm ức, lo âu sau cuộc gặp xã trưởng. Nga đi rồi, bà lại thấy căn nhà trống hoác, lòng buồn tủi, cô đơn. Bà thèm muốn giữ lại hơi ấm, giọng nói của Thục Nga. Con bé thật xinh và ngoan nết. Chẳng ngày nào là nó không quanh quẩn bên Duy Từ và Hữu Dư. Nga với Dư lâu nay đều xem bà như mẹ, cũng hiếu thảo chẳng kém Duy Từ. Chúng đều thiếu tình cảm của mẹ, còn Duy Từ lại thiếu vắng bóng cha. Những ngày mưa gió, bà thường hay rang ngô cho ba anh em và kể chuyện, đàn hát cho chúng nghe. Bà ấp ủ một hy vọng mong manh, mơ hồ với Thục Nga. Xét về mặt môn đăng hộ đối thì ông Danh với thầy đồ Mậu sẽ tương xứng hơn. Nhưng con bé Thục Nga lại tỏ ra quyến luyến Duy Từ có phần trội hơn với Hữu Dư. Thầy đồ Mậu vốn thâm trầm, kín đáo mà đôi lúc cũng tỏ ra quý mến khác thường với con trai bà. Mỗi lần ghé thăm trò Từ, thầy đồ đều mang theo Thục Nga đi cùng, hẳn đã có chủ ý vun vào cho hai đứa trẻ. Thật ra ông Danh đối với mẹ con bà ơn trọng như núi, còn Hữu Dư cũng khác gì con bà dứt ruột đẻ ra. Dư hay Từ sau này tác hợp với Nga đều tốt cả. Dẫu sao bà vẫn hy vọng ông trời sẽ xe duyên Nga về cho Từ. Nếu ông Hán còn sống chắc cũng hả lòng mát dạ. Bất giác bà chạnh lòng thương nhớ chồng. Câu chuyện xảy ra vừa rồi với xã trưởng càng làm bà tủi hận, lo nghĩ mông lung. Bà định chờ Duy Từ về sẽ dắt con sang nhà ông Danh, nhờ can thiệp giữ lấy mấy sào ruộng loại nhị thục điền ở gần đầm sen, tiếp tục cấy rẽ. Riêng việc xã trưởng bờm xơm, ve vãn và gợi ý thì bà tạm giấu kín trong lòng. Nói ra việc ấy chỉ thêm phiền phức cho bà và Duy Từ. Đành ngậm trái bồ hòn làm ngọt mà tương kế tựu kế, mình bà ứng xử với xã trưởng vậy thôi. Nếu khăng khăng từ chối dứt khoát, ông ta sẽ tìm cách đẩy bà sang tay của Bá Sinh sẽ còn tồi tệ hơn. Nghĩ đến Bá Sinh, bà Mạch lại thấy ruột gan bầm uất. Chính hắn đã dồn ép, bức tử chồng bà trong cái năm Quý Dậu kinh hoàng ấy. Sự việc xảy ra thoắt đã hơn mười năm nhưng bà còn nhớ như in. Đào Tá Hán chàng ơi! Sao thân phận đàn bà của thiếp lại bị xô đẩy đến nông nỗi này? Trời cao đất dày ơi! Tài tình chi lắm cho đời ganh ghét, lắm kẻ mưu toan chiếm đoạt? Bà Mạch gục mặt xuống đùi, giàn dụa nước mắt. Bà vật vã cấu ngực, dậm chân mà khóc. Hồi lâu bà đứng dậy với cây Nguyệt cầm, kỷ vật của chồng, thẫn thờ bật từng dây tơ. Sáu dây đàn căng mảnh rung lên như tiếng nấc của trời, tiếng than của đất. Ôi, những tiếng tơ lòng làm nhói buốt tâm can người goá phụ đơn côi, tơi bời, ngơ ngác giữa cuộc săn đuổi của số mệnh và những gã đàn ông! Trong ký ức của bà Mạch hiện dần lên hình ảnh người chồng trong đêm mưa giông, chớp giật vào năm Quí Dậu, khi Duy Từ vừa tròn một tuổi.
Đêm ấy đất trời ở phủ An Trường run rẩy trong tiếng trời gầm, mưa rơi xối xả. Tin dữ về vụ thảm sát cha con vua Lê Anh Tông và tướng Lê Cập Đệ từ thành Lôi Dương bay về đã khiến nhạc công Đào Tá Hán ngã bệnh nằm liệt giường suốt mấy ngày. Sinh thời, vua Anh Tông rất yêu tiếng đàn Nguyệt cầm và tay cầm dùi trống cầm chịch cho các đêm hát chầu văn của Đào Tá Hán. Ngài thường ban thưởng rất hậu cho ông sau mỗi đêm diễn. Vua chết rồi nghĩa là đã mất đi một đôi tai nghe nhạc sành điệu, liệu còn ai biết thưởng thức tài năng của người nghệ sĩ. Điệu nhạc ông soạn ra, tiếng đàn ông gảy, nhịp sênh phách do tay ông gõ chắc gì còn được có người trân trọng. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ làm ông buồn. Cái điều làm ông thất vọng nhất là triều Lê vừa được trung hưng, mới thu phục mấy xứ Thanh Nghệ và Thuận Hoá, hiện đang còn nhà Mạc ở phía Bắc, mà nội bộ rối ren, tể tướng Trịnh Tùng dám làm điều nghịch đạo giết vua, đưa Duy Bang mới năm tuổi lên ngôi để thâu tóm hết quyền bính. Vua mất thiêng, lòng người ly tán, nên bạn ông là tướng Nguyễn Hữu Danh đã nhìn thấy từ lâu và sớm cáo quan về Hoa Trai cày ruộng. Ở An Trường ngoài vua Anh Tông và tướng Nguyễn Hữu Danh, ông không còn ai hiểu mình. Đã thế, sự ưu ái của vua dành cho ông lâu nay đã làm cho Bá Sinh căm ghét. Là bạn nghề với nhau, nhưng hắn bất tài, luôn đố kỵ với ông, lại thêm mối hận không lấy được bà Mạch từ khi hắn còn ở làng Se, sát ngay nhà của người đẹp. Trong giới nghệ nhân, kẻ bất tài thường lắm mưu mẹo, luồn lách ngoi lên tìm kiếm danh vọng và quyền lực bằng thủ đoạn thấp hèn. Bá Sinh đã rình nghe trộm vua Lê mật đàm với tướng Cập Đệ định truất quyền của Trịnh Tùng. Hắn đã báo với Nguyễn Hoá toàn bộ kế hoạch và ngày giờ khởi sự của tướng Lê Cập Đệ từ Nghệ An đem quân ra vây phủ An Trường, kết hợp với quân ngự lâm do thái tử chỉ huy đánh vào dinh tể tướng. Kẻ tiểu nhân nỡ rắp tâm bán vua cầu lấy thưởng, nay lại công khai đánh tiếng sẽ tính sổ với vợ chồng Đào Tá Hán. Ngày nhận chức tri phủ An Trường, hắn gọi mấy nhạc công cùng phe cánh trong ban nhạc cung đình đến uống rượu và bảo rằng sẽ cho Đào Tá Hán thân bại danh liệt mới hả giận. Nỗi buồn vì thế sự và mối lo tai hoạ giáng xuống gia đình đã làm ông Hán sinh bệnh trầm uất, lo nghĩ, thổ ra hàng chậu máu. Bà Mạch phải bán hết tư trang lo thuốc thang chạy chữa cho chồng mà bệnh lao tâm vẫn ngày thêm trầm trọng.
Lại một đêm khác, cơn mưa đổ hồi vần vũ trên các ngọn cây, mái nhà. Ngôi nhà nhỏ bên cung vua Lê của vợ chồng Đào Tá Hán tơi tả trong gió rít, mưa gào. Ngọn nến đầu giường người bệnh cứ lập lờ leo lét như muốn tắt. Mấy người bạn trong ban nhạc đến thăm, kể chuyện xác vua Anh Tông và Thái tử được bó trong manh chiếu rách, chở trên xe ngựa đưa về cung đã làm cho ông Hán đau xót, đứt từng khúc ruột. Khách ra về, ngôi nhà chìm trong bóng đêm cô quạnh. Ông Hán thấy ngực nhói đau, đôi chân lạnh dần, mắt ông nhập nhoè đầy hoa lửa. Ông gọi bà Mạch bế con lại gần, vuốt ve vầng trán của Đào Duy Từ. Đứa bé ngủ ngon như đang mỉm cười.
- Tôi sắp đi rồi, mình ơi! - Ông thều thào với vợ.
- Đừng... chàng đừng làm thiếp sợ - Bà nghẹn ngào.
- Tội nghiệp con tôi. Nó mới vừa tròn một tuổi! - Ông thở dài.
- Chàng phải sống! Nhất định chàng phải sống với con và thiếp.
- Số tôi đã hết, muốn cũng chẳng được. Chỉ thương nàng goá bụa nuôi con. Đứa bé này, hôm đầy tháng, thầy tử vi trong cung vua Lê phán rằng nó sẽ không cam chịu phận thấp hèn mãi đâu. Nàng cố nuôi nó ăn học thành người.
- Bệnh tình rồi sẽ qua khỏi, thiếp van chàng đừng nghĩ quẩn.
- Tôi vừa nhìn thấy thần chết có khuôn mặt giống hệt Bá Sinh, nhưng mọc sừng trên đầu, lưỡi dài thè lè và đen kịt cứ liếm vào hai bàn chân của tôi lạnh toát. Đằng sau hắn là cả bầy quỷ dữ đầu trâu, mặt ngựa, toát ra đầy âm khí. Người ta nói, mơ thấy quỷ là lúc sắp về trời.
- Tại mấy người bạn lúc nãy kể lể việc vua Lê chết thảm làm chàng mê hoảng đấy thôi...
- Nàng đừng khóc kẻo con thức giấc. Hãy đặt nó nằm vào võng rồi lấy cây Nguyệt cầm lại đây cho tôi.
- Để làm gì, hở chàng?
- Đời nghệ sĩ, tôi muốn chết trong tiếng đàn của mình.
- Không... Thiếp không thể...
- Nhanh lên... Tôi cầu xin nàng... Thời gian còn ít lắm.
Bà Mạch cắn chặt làn môi, giàn giụa nước mắt, đỡ chồng ngồi dậy và đi lấy cây Nguyệt cầm. Ông nở một nụ cười buồn như ráng chiều lịm tắt, đỡ lấy cây đàn. Chợt mắt ông sáng bừng, dồn hết tâm lực vào đôi bàn tay lướt trên sáu dây đàn. Mở đầu là điệu nhạc du dương và ông nhìn thấy cánh đồng làng Hoa Trai lúa vàng trĩu bông, mẩy hạt. Ngòi La uốn mình quanh làng dưới ánh trăng sáng bạc. Đỉnh núi Ngọc chờn vờn mây phủ. Bầy trẻ thơ nô đùa quanh các đống rơm và các cô thôn nữ đập lúa, các bà mẹ bỏm bẻm nhai trầu. Rồi tiếng đàn chợt vút lên bay bổng, âm hưởng mênh mang đưa hồn ông phơi phới bay theo cùng biển rộng, sông dài. Ông như cánh chim đại bàng ở tận chín tầng mây nhìn thấu từ dãy Hoàng Liên Sơn đến núi Hồng Lĩnh và núi Hoành Sơn. Tiếng đàn đưa ông di du ngoạn ra miền Đông Bắc bát ngát những cánh rừng đại ngàn, lên cao nguyên Mộc Châu mênh mông đồng cỏ hay những xóm làng trù phú ở châu thổ sông Nhị Hà. Có lúc những sợi dây đàn dưới tay ông dồn dập biến tấu, vang lên những điệp khúc hùng tráng. Ông mơ thấy các bậc tiên liệt: Lý Thường Kiệt duyệt binh trên bến sông Như Nguyệt; Trần Hưng Đạo đuổi quân Nguyên trên sóng nước Bạch Đằng; Nguyễn Trãi đọc Đại cáo bình Ngô... Đang say sưa tấu lên những giai diệu hùng tráng, mênh mang, ông Hán lặng đi và đôi bàn tay ông run rẩy miết vào những dây trầm, làm bật lên khúc nhạc thê lương. Tiếng đàn kéo ông về với thực tại mấy chục năm chiến tranh Lê - Mạc, dân chúng điêu linh, Mạc Kính Điển và Trịnh Tùng như đang vật nhau, bơi trong một biển máu. Đàn như kể lại vụ việc Tống Đức Vị theo lệnh Trịnh Tùng giết vua ở Lôi Dương, xác bó chiếu đưa về An Trường. Đàn nguyền rủa đám nịnh thần, tham quan, ô lại như Bá Sinh, Nguyễn Hoá. Đàn khóc thương những số phận nổi nênh, kiếp người trôi dạt...
Cây Nguyệt cầm buột khỏi tay ông Hán rơi xuống nền nhà. Một dây đàn đứt, làm nhói lên một nốt nhạc khô đanh và lạnh sắc. Ông Hán từ từ gục xuống, trút hơi thở cuối cùng, con tim ngừng đập. Bà Mạch ôm chầm lấy ông gào lên thảm thiết. Bé Duy Từ giật mình, oà khóc theo mẹ. Cả xóm nghệ nhân cung đình đêm ấy ngậm ngùi thương cảm. Họ nhớ mãi tiếng đàn chứa đầy huyết lệ của Đào Tá Hán lúc lâm chung...
Hơn mười năm qua đi, không đêm nào bà Mạch không nghe thấy tiếng Nguyệt cầm của chồng. Cuộc viếng thăm bất thường của xã trưởng Phấn hôm nay làm bà suốt ngày như kẻ mộng du, chìm đắm trong bản nhạc trước giờ ly biệt ấy. Nó dắt dẫn hồn bà ra khỏi thân xác đi vào cõi âm gặp lại người chồng yêu dấu, thần tượng âm nhạc của bà. Người như xã trưởng làm sao hiểu được mối tình sâu đậm ấy. Bà nghĩ, có lẽ tiếng đàn của ông Hán đã cảm động đến trời phật nên mới xui khiến cho bà gặp sư Diệu Minh ở chùa Thiên Phúc. Hồi đó, chôn cất cho chồng mồ yên mả đẹp xong, bà Mạch đi chào từ biệt hết lượt bạn nghề trong xóm nghệ nhân để đưa con về quê sinh sống. Bà đặt Duy Từ vào một bên thúng, còn đầu đòn gánh bên kia là chiếc thúng đựng cây Nguyệt cầm và ít quần áo, tư trang. Đặt gánh lên vai, bà âm thầm nuốt lệ, luyến tiếc nghiệp cầm ca, nhằm hướng Hoa Trai đi mải miết. Dọc đường đói ăn, khát uống, ngày đi, đêm nghỉ mà bé Duy Từ không hề quấy khóc. Hôm ấy về chiều, gặp đoạn đường vắng có nhiều giặc cướp, bà Mạch nghe có người chỉ dẫn, gánh đàn và con đi tắt qua cánh đồng. Nào ngờ bà càng đi càng bị mất phương hướng, loanh quanh mãi đến tận tối mịt vẫn chưa ra khỏi cánh đồng. Trời đổ mưa to, bà vội lấy chiếc áo tơi bằng lá gồi quây kín một đầu đòn gánh che mưa cho Duy Từ. Chiếc thúng đựng đàn và hành lý bà phủ lên mấy tầu lá chuối khô. Riêng bà đầu trần, chân đất, gánh con băng đồng chạy thục mạng. Mưa táp vào mặt như ném đá. Sấm chớp rượt đuổi, bủa vây tứ bề. Đến một gốc cây đa to, bà mệt lả, đặt gánh xuống ngồi khóc. Nước mưa làm bà ngấm lạnh mê man. Lát sau, trong cơn mê mệt, bà lờ mờ cảm nhận có đoàn người cầm đuốc đến cứu. Bà sốt li bì, mê man liền mấy ngày, tỉnh dậy thấy mình đang nằm ở chùa Thiên Phúc, có sư Diệu Minh đang ngồi chăm sóc. Sư kể rằng nửa đêm như có tiếng ai năn nỉ bên tai, xin sư bà mở lượng từ bi cứu giúp vợ con ông ta đang mắc nạn giữa đồng. Sư Diệu Minh choàng dậy, tất tả chạy vào xóm tìm người khoẻ mạnh đi cứu nạn. Vừa hay ra khỏi cổng chùa một quãng, sư bà gặp tốp trai làng đốt đuốc ra đồng soi bắt ếch. Họ sốt sắng cùng sư bà đi soi từng bờ ruộng, cuối cùng đã cứu được hai mẹ con bà Mạch... Duy Từ nếu được theo học thành tài ở chùa Đàn Xuyên của đại sư Duy Giác cũng là nhờ sư bà Diệu Minh tiên đoán và chỉ bảo từ lần gặp gỡ cách đây 10 năm đó. Tháng trước, ông Danh mở túi cẩm nang của sư Diệu Minh đã bảo với bà như vậy. Chư Phật có lẽ đã để mắt đến Duy Từ chăng?...