Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.082
123.233.234
 
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử
Vũ Ngọc Tiến
Chương 3

HỒI THỨ BA

                              

Chùa Đàn Xuyên tâm linh khai mở

Núi Quế Trường văn võ luyện rèn

 

Ngày rằm tháng mười năm Giáp Thân (1584), nhằm giờ Sửu, trăng sắp tàn, gió heo may phơ phất ngọn lau bên bờ ngòi La, sương rơi ướt đầm mái tranh nghèo trong làng Hoa Trai, ông Danh khởi hành đưa Duy Từ ra phủ Trường Yên. Tiễn đưa hai người, ngoài bà Mạch còn có thầy đồ Mậu, Thục Nga và Hữu Dư. Duy Từ quỳ lạy mẫu thân rồi quay sang bái lạy thầy đồ. Bà Mạch ôm chầm đứa con trai duy nhất, không muốn rời xa. Mắt bà đẫm lệ, tay run run xoa đầu Duy Từ, miệng lắp bắp chẳng nói nên lời. Mọi người đúng vây quanh, ai cũng nghẹn ngào thương cảm. Thục Nga ôm gói hành lý của Từ thút thít khóc. Hữu Dư cứng rắn hơn, cố ghìm lòng đỡ Từ đứng dậy, kéo bạn ra bờ giậu cúc tần thì thầm những lời tâm huyết. Thầy đồ Mậu cũng lựa lời nhẹ nhàng khuyên giải, động viên bà Mạch. Ông Danh chờ mọi người vơi cơn xúc động, gọi Duy Từ vào nhận gói hành lý từ tay Thục Nga và nói với mọi người:

 

- Thôi chia tay nhau như thế đủ rồi. Đừng quá bịn rịn, yếu mềm cho con trẻ thêm lo nghĩ. Đi học là việc đại cát, mọi người phải vui lên mừng cho nó mới phải.

- Dọc đường trăm sự nhờ ông Danh chăm sóc, bảo ban cháu Từ hộ thiếp - Bà Mạch gạt lệ nói.

- Trò đi mạnh giỏi, giữ bền nhân cách, gắng học thành tài cho thầy được thơm lây. Nhờ trò bẩm với đại sư Duy Giác, ta ngưỡng mộ tài năng, đạo hạnh của ngài, mong có cơ được hạnh ngộ - Thầy đồ Mậu ân cần dặn Từ.

 

Thục Nga và Hữu Dư nằng nặc đòi đưa Từ một đoạn đường. Ông Danh lúc đầu mắng át đi, sau nhờ bà Mạch và thầy đồ nói đỡ nên chúng được toại nguyện. Con đường từ làng Hoa Trai ra đường cái quan chạy men theo ngòi La. Nước trôi lững lờ dưới ánh trăng loáng bạc. Những ruộng mía lao xao theo chiều gió. Xa xa núi Ngọc mờ trong màn sương. Từ làng Hoa Trai vọng lại tiếng gà gáy báo canh tư. Ông Danh lặng lẽ đi trước, lưng gài thanh đoản kiếm. Bóng ông lừng lững oai nghiêm và trầm tĩnh. Ba đứa trẻ đi sau ông, cách chừng mười bước, chuyện trò ríu rít. Hồi lâu Nga nũng nịu đòi Từ thổi sáo. Hữu Dư nhăn nhó gạt đi, nhưng Từ chiều ý Nga lấy sáo vừa đi vừa thổi một khúc dân ca. Tiếng sáo bay cao giữa không gian bốn bề vắng lặng chở đầy kỷ niệm tuổi thơ và nỗi lòng cậu bé xa quê...

 

Ở chùa Đàn Xuyên trên núi Quế Trường, đêm trước hôm rằm, đại sư Duy Giác trằn trọc không sao ngủ được. Ngài linh cảm thấy từ cõi giới vô hình, đức Phật đang phát ra một tín hiệu, trao cho ngài sứ mệnh cao cả. Nhưng đó là sứ mệnh gì, ngài còn chưa rõ. Ngài chỉ thấy trong tâm mình nôn nao, rạo rực khác thường. Đạo Phật Thiền tông mà ngài tu luyện bấy lâu lấy việc đốn ngộ thành Phật để rồi trở lại nhập thế, giáo hoá chúng sinh, kiến tạo thế giới đại đồng, kiêm ái, tương lợi. Ngài đã kiên tri vi thiền tập định, vật ngã đều quên để đạt được cái tâm yên tĩnh, tuệ giác thoát phàm, minh triết khai mở. Khi tâm còn bất an thì người mới vọng động. Nhưng khi tâm đã an, minh triết đã rạng ngời tâm thức, lại có tín hiệu từ cõi giới vô hình khơi cho tâm rạo rực, chính là lúc cõi đời dưới chân núi đang thỉnh cầu kẻ tu hành nhập thế, độ dân, cứu khổ chăng? Ngài tự hỏi mình như vậy, rồi Ngài chiêm nghiệm lại tâm trạng của mình từ buổi vô tình ghé chùa Thiên Phúc, cùng sư bà Diệu Minh đàm đạo. Ngày ấy cách đây đã lâu. Sư bà Diệu Minh trong lúc đàm đạo với ngài về Phật pháp và giáo lý của Trúc Lâm tam tổ, đôi lúc thường hay xen vào những mẩu chuyện chính sự kể từ khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, Nguyễn Kim phò Lê và chiến tranh Nam - Bắc triều giữa hai họ Lê - Mạc diễn ra liên miên suốt mấy chục năm. Đại sư nhớ hôm đó, nhân lúc kể lại sự biến năm Quí Dậu (1573), sư bà Diệu Minh có nhắc đến cái chết trong tiếng đàn của một nghệ sĩ cung đình có tên là Đào Tá Hán. Điều lạ lùng là sau đó, vào một đêm mưa gió, sư Diệu Minh đã nhận được tín hiệu từ cõi giới vô hình, mách bảo sư bà đi cứu đứa bé Đào Duy Từ đang gặp nạn. Câu chuyện ngỡ vô tình mà sao hình ảnh đứa bé Đào Duy Từ luôn ám ảnh đại sư Duy Giác. Theo lời của sư Diệu Minh thì tướng mạo và cung số tử vi của đứa bé này có nhiều điểm lạ. Đến năm nó tròn một giáp sẽ rời quê theo thầy học đạo. Hình như có một thứ nhân duyên vô hình cứ xui khiến đại sư Duy Giác ao ước có một ngày gặp mặt chú bé Đào Duy Từ. Ngài đọc trong ánh mắt của sư Diệu Minh cũng ngầm ý giới thiệu cho ngài một đệ tử xứng đáng truyền đạt hết cái sở học của mình.

 

Đêm trên núi Quế Trường tĩnh lặng và huyền bí. Trăng mười tư tháng mười có quầng tán vàng viền quanh như viên đá ngọc khổng lồ treo lơ lửng giữa trời cao. Đại sư Duy Giác đứng ở sân chùa, phóng tầm mắt ra những vách núi đá vôi điệp trùng lô xô chạy tít đến chân mây. Ngài thấy lâng lâng, xao xuyến, muốn nhập hồn vào vũ trụ bao la. Dẫu không phải giờ nhập thiền theo thông lệ, nhưng cảnh vật đêm nay thôi thúc ngài ngồi xuống tảng đá phẳng lì, bên gốc cây tùng. Đại sư Duy Giác ngồi xếp bằng tròn, nén hơi, thở đều, khép hờ đôi mắt và tưởng tượng hồn mình đang thoát khỏi xác cưỡi sóng ra biển Đông Bắc quê nhà. Họ Trần của ngài là dòng dõi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thuộc chi nhánh Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tảng, định cư ở vùng biển Đông Bắc đã mấy trăm năm. Thời Trần, gia tộc Ngài được truyền đời tập tước, thay nhau trấn giữ vùng lãnh hải trọng yếu từ cảng Vân Đồn đến cửa sông Tam Bạc. Sang thời Lê, trong họ tộc của Ngài cũng nhiều đời vượng phát cả văn lẫn võ. Ngài thuộc lòng sách “Binh thư yếu lược” và “Vạn kiếp tông bí truyền thư” của tổ phụ Trần Quốc Tuấn, lại tinh thông cả 18 ban võ nghệ. Học vấn của Ngài uyên thâm, bao chứa sự quảng bác của Nho giáo, vi huyền của Lão giáo, vi diệu của Phật giáo. Thủa thiếu thời, còn chưa xuất gia làm kẻ tu hành, Ngài đã từng là bạn vong niên của Bạch Vân cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Giữa buổi loạn ly, cái ác lộng hành, thói gian bung nở, Ngài không chọn cách sống ẩn dật như Bạch Vân cư sĩ mà tìm đến cửa Thiền, những mong nối nghiệp Trúc Lâm tam tổ, giáo hoá và phổ độ chúng sinh. Nhưng giang sơn Đại Việt đang đắm chìm trong cảnh hỗn độn tranh bá đồ vương khiến dân chúng lầm than, ly tán. Có lúc Ngài muốn hạ sơn, trút bỏ cà sa, dấn thân vào thế cuộc để thay trời hành đạo, nhưng lòng đã nguội lạnh từ lâu, đành như thi sĩ Lục Du nước Tống “u nhân chẩm bảo kiếm”, gối đầu lên thanh kiếm báu mà ngủ vùi. Nay giữa đêm thanh tịnh, trên núi Quế Trường, khí thiêng của trời đất dồn tụ thành tín hiệu đánh thức trong Ngài niềm khát khao nhập thế. Ngài cần phải nhập thế giúp đời theo cách riêng của kẻ tu hành, sao cho đúng giới luật mà vẫn thoả chí bình sinh. Chưa bao giờ trong lúc ngồi thiền Ngài thấy mình nhẹ bẫng trong cảm giác siêu trọng lượng như lúc này. Cảm hứng tìm ra phương cách đem đạo vào đời đã đưa Ngài vào giấc mơ kỳ lạ. Đại sư Duy Giác thấy mình đằng vân trên vịnh Bái Tử Long, rồi sau đó phi như gió về phía Yên Tử. Bước chân Ngài lướt trên ngọn cỏ, chưởng lực của ngài thoát ra từ vầng trán và lòng bàn tay, va đập vào các vách đá toé lên ánh hào quang như các tia chớp. Cứ thế, Ngài băng lên núi, qua chặng đường tùng và đậu xuống tháp tổ, qua chùa Hoa Yên, từ đó lững thững rẽ lau, đạp cỏ, bước vào chùa Vân Tiêu. Đại sư Duy Giác thắp nhang, thỉnh chuông, ngồi trước điện thờ lầm rầm tụng kinh, cậy nhờ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông khai mở tâm linh chỉ đường nhập thế. Bát nhang bốc cháy và bức tượng cựa mình đứng dậy. Trần Nhân Tông hiện ra giữa muôn ánh hào quang.

 

- Duy Giác con, vì sao chậm thế?

- Thưa Điều Ngự Giác Hoàng! Con chưa nghe lệnh gọi.

- Ta đã phát tín hiệu gọi con về đất tổ thiền được vài canh giờ.

- Điều Ngự Giác Hoàng có gì dạy bảo?

- Con bấy lâu tu luyện ở chùa Đàn Xuyên có lưu tâm dõi nhìn thế cuộc, hãy nói cho ta nghe.

- Thưa Điều Ngự Giác Hoàng! Nhà Lê truyền ngôi báu đến đời Uy Mục, Tương Dực thì chính sự mục ruỗng, xã hội rối ren còn tệ hại hơn cả Nghệ Tông, Thiếu Đế khi xưa. Mạc Đăng Dung theo gương Hồ Quý Ly cướp ngôi, ban hành nhiều cải cách tiến bộ, nhưng sĩ phu Đại Việt vốn quen nếp sống giáo điều, cuồng tín, ngu trung với một chính thể đã đồi bại, suy vong. May cho nước nhà vì ở phương Bắc nhà Minh lúc này cũng đến hồi mạt vận, thấy ở bên ta Lê - Mạc lục đục mà không còn đủ sức diễn lại trò xưa, đã từng lấy cớ giúp Trần diệt Hồ, ồ ạt kéo quân sang đô hộ. Nhưng hoạ ngoại xâm chưa đến thì nội chiến đã xảy ra giữa hai họ Lê - Mạc ròng rã mấy chục năm chưa dứt. Đã thế, ở Đông Đô, nhà Mạc qua vài đời đã hư đốn, còn ở Thanh - Nghệ thì vua tôi cũng bắt đầu lục đục, tranh giành quyền lực. Đệ tử nhìn giang sơn đổ nát, dân chúng lầm than mà đau xót, quên ăn biếng ngủ.

- Ta ở trên cõi giới vô hình quan sát thấy con kiên trì tu luyện, đạt đến cái tâm vô vi, thuần khiết, hư vô, không che không chứa, ngõ hầu có thể cảm thông được thiên hạ. Việc học của con đã lầu thông kinh sử, trên hiểu thiên văn, dưới tường địa lý. Võ nghệ và binh pháp của con kế thừa được tinh hoa của dòng tộc nhà Trần ta. Vậy hà cớ gì con không tạm quên giới luật để ra giúp đời? Thiền phái Trúc Lâm của ta lấy việc nhập thế làm trọng cơ mà!

- Đệ tử không màng công danh, chỉ muốn giấu tên trong sách sử.

- Đạo Phật Thiền phái Trúc Lâm của ta quan niệm vô ngã rồi phải tự giác - giác tha, đem đạo vào đời để hoá cải thiên hạ đâu phải vì công danh mà vì sứ mạng thế thời phải thế. Cuối thời Bắc thuộc, Lý Phật Tử được dân trong động Dã Năng miền Tây Bắc suy tôn lãnh đạo khởi nghĩa đánh đuổi quân nhà Lương, giành độc lập hơn 30 năm. Đầu triều Trần, Thái Tông hoàng đế và ta đều coi ngai vàng quyền lực như chiếc giầy rách, vứt bỏ đi lúc nào cũng được. Nhưng Thái tông khi cần vẫn rời am cỏ trên Yên Tử về Thăng Long điều hành chính sự, còn ta cũng có lúc hạ sơn vào tận đàng trong giáo hoá dân chúng hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp và kiến tạo mối bang giao hoà hiếu giữa hai nước ấy.

- Thưa Điều Ngự Giác Hoàng! Đệ tử đã xuống tóc tình nguyện theo tam quy ngũ giới nên muốn tìm phương cách giúp đời mà không phải cưỡi ngụa múa gươm, điều binh khiển tướng hay trực tiếp can dự vào việc triều chính.

- Ta hiểu ý con định sẽ gián tiếp nhập thế giúp đời bằng việc dạy dỗ, rèn cặp học trò của mình. Như vậy cũng tốt, con làm đến đâu rồi?

- Đệ tử đã thu nhận hàng trăm học trò. Hầu hết đều vì cảnh ngộ éo le phải xuống tóc đi tu. Vài người trong số học trò đến xin học văn luyện võ nhưng xem ra tài trí còn chưa đủ cho đệ tử yên tâm truyền dạy và gửi gắm hy vọng. Chẳng lẽ thời nay tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu hay sao?

- Chưa có rồi con sẽ có. Việc đời có 12 thứ nhân duyên, quy kết lại thành chân lý đơn giản là “không ham thì được, không tìm thì thấy, không hẹn thì gặp”. Sắc sắc không không là như vậy...

 

Đại sư Duy Giác bừng tỉnh sau giấc mộng Thiền. Rừng cây vách đá trên núi Quế Trường còn đang chập chờn giữa cõi mơ và thực. Miệng Ngài chợt mấp máy gọi lên ba tiếng "Đào Duy Từ"...

 

Lúc này, trên đường đi, ông Danh và Duy Từ bỗng cảm thấy từ đâu đó giữa không trung vang lên tiếng gọi. Hai người chân bước nhẹ tênh, lòng đầy phấn khích, mải miết ngày đi đêm nghỉ, đói ăn khát uống, không hề mệt nhọc hay vướng vân suy nghĩ. Dường như có Phật phù hộ nên tiết trời mưa nắng điều hoà mát mẻ. Những nơi ngủ trọ họ đều gặp người mến khách, hết lòng giúp đỡ. Qua các đồn canh, trạm gác họ cũng không gặp điều gì phiền phức. Ngày cứ qua nhanh, chẳng mấy chốc hai người đã đến phủ Trường Yên, hỏi đường lên núi Quế Trường, vào chùa Đàn Xuyên. Ông Danh đứng trước cổng chùa có đắp nổi mấy chữ "Đàn Xuyên tự ” bằng các mảnh bát sứ. Nét chữ chân phương và cứng cáp. Ngôi chùa nằm giữa khuôn viên rộng và bằng phẳng trên núi Quế Trường. Từ cổng chùa nhìn xuống thung lũng bên trái là cả một rừng mơ và bên phải là rừng trúc, gió reo vi vút. Xa xa, chếch về mé Tây, quãng lưng chừng núi đá, có ngọn thác ào ào đổ nước xuống con suối nhỏ. Cảnh vật nên thơ và hùng vĩ. Ông tần ngần hồi lâu, chưa dám bước vào sân chùa, chợt gặp chú tiểu lớn hơn Duy Từ độ vài tuổi, gánh nước từ trong rừng mơ về. Chú tiểu vừa đi vừa hát:

 

Câu có câu không

Lập chỉ lập tông

Dùi rùa đập ngói

Trèo núi lội sông

Câu có câu không

Chẳng có chẳng không

Khắc thuyền tìm gươm

Bản đồ kiếm ngựa

Câu có câu không

Đắp đổi hay không

Nón tuyết giầy bông

Ôm cây đợi thỏ

Câu có câu không

Từ nay từ xưa

Quên trăng giữ ngón

Chết đuối trên bờ

Câu có câu không

Như vậy, như vậy...

 

Duy Từ nghe hát mỉm cười thích thú. Cậu chạy lại hỏi chú tiểu:

- Huynh tên gì?

- Ta là tiểu Tuệ Năng, còn thí chủ?

- Đệ là Đào Duy Từ. Huynh hát bài gì lạ thế?

- Bài thơ trong lần giảng đạo ở chùa Sùng Nghiêm của vua Trần Nhân Tông, có nhiều sự tích và giáo lý nhà Phật, người phàm tục như thí chủ không dễ gì hiểu được đâu.

- Còn bài nào nữa, huynh hát cho đệ nghe với.

- Nhiều lắm. Ví dụ bài "Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca" của Ngài có đoạn:

  Trúc hoá nên rồng

 Một hai là hoạ

 Bởi lòng vờ vịt

 Trỏ Bắc làm Nam

 Nhất chỉ đầu thiền

 Sát na hết cả...

 

- Huynh dậy đệ hát nhé?

- Thí chủ rồi khắc biết. Thí chủ đây lên núi quy y hay xin học văn, học võ?

- Đệ xin vào học thầy Duy Giác.

- Thế thì phải làm việc công quả cho nhà chùa trước đã.

- Có lâu không hả huynh?

- Cũng còn tuỳ người, sư phụ sẽ cho học sớm hay muộn. Làm việc công quả cho chùa để rèn chữ Nhẫn và chữ Xỉ. Sư phụ dạy rằng Nhẫn là cốt yếu của học, còn Xỉ là cái gốc của hành. Biết kiên trì và nhẫn nại mới học thành tài. Biết xấu hổ thì mới hành đạo giúp đời được.

Lúc này Tuệ Năng đã nhận ra ông Danh đang ngồi dưới gốc cây đại ở cổng chùa, bên cạnh là đống hành lý. Tuệ Năng lại gần ông Danh chắp tay trước ngực:

 

- Mô Phật! Lão thí chủ đây hẳn là phụ thân của tiểu thí chủ Duy Từ?

- A di đà Phật! Chú tiểu thật lanh lợi, thông minh và hát rất hay những câu kệ của Điều Ngự Giác Hoàng. Tôi là nghĩa phụ của Duy Từ. Nó mồ côi cha từ nhỏ, nay lên chùa ăn nhờ cửa Phật, theo học đại sư Duy Giác.

- Vậy lão thí chủ chính là tướng quân Hữu Danh?

- Sao chú tiểu biết?

- Sáng nay, lúc đem thùng đi gánh nước, sư phụ có dặn nếu gặp tướng quân Hữu Danh dắt theo Duy Từ đến xin học thì đón về chùa.

- Ngài biết trước việc này sao?

- Vào lúc canh năm, sư phụ đọc sách đến câu “Hữu danh vô tướng, vi cầu sở đắc” trong kinh Pháp Hoa thì nghe có tiếng chim khách kêu nên ngài đoán vậy.

- Vậy chú tiểu mau đưa ta vào bái kiến đại sư.

- Xin lão thí chủ theo cháu vào ngồi đợi ở nhà khách.

 

Tuệ Năng hớn hở gánh nước vào chùa. Ông Danh hồi hộp cùng Duy Từ đi theo. Tuệ Năng mời hai người ngồi đợi trên ghế tràng kỷ bằng tre, rót trà hoa cúc vào hai chén sành mời, rồi tất tưởi chạy lên trai phòng của sư phụ. Hồi lâu, một cụ già tiên phong đạo cốt, mặc áo cà sa, chống gậy trúc bước ra. Ông Danh vội đứng dậy, vòng tay xá:

- Bạch cụ, tiểu bối là Nguyễn Hữu Danh ở Hoa Trai đến bái kiến tôn nhan.

- Mô Phật. Bần tăng nghe nói tướng quân theo Nguyễn Kim phò giúp vua Lê Trang Tông, sao lại đến đây?

- Bạch cụ, việc ấy có thật, nhưng tiểu bối đã cáo quan về cầy ruộng lâu rồi. Nay có nghĩa tử là Đào Duy Từ thông minh, sức học hơn người, được sư bà Diệu Minh mách bảo nên tiểu bối dẫn nó lên chùa ra mắt đại sư.

- Tướng quân muốn nó quy y hay đến xin học?

- Bạch cụ, tiểu bối cũng có một đứa con trai xấp xỉ tuổi với Tuệ Năng, nhưng nó thô lỗ, tối dạ không dám phiền đến đại sư. Duy Từ là con trai của Đào Tá Hán, với tiểu bối tình như thủ túc. Tiểu bối coi con bạn cũng như con mình, mong sao nó được theo học đại sư làm người hữu dụng cho xã tắc sau này.

- Tướng quân có lòng nghĩa hiệp như vậy, bần tăng sao nỡ chối từ.

 

Ông Danh sung sướng gọi Duy Từ bước ra quỳ lạy sư phụ làm lễ nhập môn. Đại sư Duy Giác ngắm nhìn đứa học trò nhỏ hồi lâu, quan sát tướng mạo và gật đầu mãn nguyện. Ngài gọi Tuệ Năng đi thu xếp chỗ ăn nghỉ cho ông Danh và Duy Từ. Ông Danh vội xin phép đại sư ngồi đàm đạo thêm nửa canh giờ rồi sẽ lập tức trở về lại Hoa Trai. Hai người trò chuyện rất tâm đắc. Lúc chia tay, ông Danh còn nấn ná xin đại sư đoán xét hậu vận. Ngài chỉ tủm tỉm cười, tặng ông Danh mấy câu kệ:

Người giồng cây phúc

Tích đức ba đời

Cây rồi kết trái

Nọ phải số trời

 

Tiễn ông Danh đi rồi, đại sư phác qua trong đầu những dự định thử thách đứa trò mới của mình. Tối hôm đó, Ngài cho gọi Duy Từ và Tuệ Năng lên trai phòng. Đại sư ân cần hỏi chuyện gia cảnh và việc học của Duy Từ ở trường thầy đồ Mậu. Ngài ngậm ngùi chia xẻ nỗi lòng với cậu bé mồ côi, luôn bị người đời coi rẻ vì thân phận con nhà phường hát. Quay sang Tuệ Năng Ngài bảo:

- Con có nhân duyên là người đầu tiên gặp Từ trên núi Quế Trường. Vậy ta giao Từ cho con kèm cặp trong những ngày làm việc công quả cho nhà chùa, luyện rèn chữ nhẫn, chữ xỉ. Hai con phải coi nhau như anh em liền một khúc ruột.

- Con xin ghi tạc lời dạy của sư phụ - Tuệ Năng đáp.

- Này Duy Từ - Ngài gọi.

- Sư phụ có điều gì nhắc nhở, xin cứ dạy bảo.

- Đạo học của ta lấy thường nhật thực hành làm trọng chứ không câu nệ tầm chương trích cú để khoe mẽ, loè người. Trước tiên con phải kiên trì từng việc nhỏ, không cần quá sức, nhưng ngày hôm nay phải làm tốt hơn ngày hôm qua, tốt rồi phải tốt mãi. Hãy lấy việc gánh nước ta sẽ giao cho con bắt đầu từ ngày mai. Trong rừng mơ dưới kia có một mạch nước quí lộ ra ở sườn núi. Thứ nước ấy vừa ngọt vừa mát, có thể bồi bổ nguyên khí cho người. Trong chùa có gần trăm người đều uống thứ nước tinh khiết ấy, nên cần mỗi ngày hai chục gánh. Đường đi rất trơn và dốc đứng. Sức con yếu gầy, có thể ngày đầu chỉ được một hoặc hai gánh. Con cố sức được đến đâu thì hay đến đó. Con gánh được một, Tuệ Năng bớt đi một gánh, được hai bớt hai, được ba bớt ba... cho đến khi con gánh đủ nước dùng thì Tuệ Năng sẽ yên tâm đi làm việc khác. Nhà chùa còn có nhiều việc khác phải làm như bổ củi, nấu ăn, cuốc đất, trồng rau, tỉa bắp... Khi con gánh nước xong mà vẫn dư thời gian lại phải biết tự giác mà tìm việc làm giúp đỡ Tuệ Năng, không chờ ta sai bảo. Hãy tập sao cho suốt ngày con chỉ nghĩ đến công việc, vận động không ngừng, lập tức sẽ quên nỗi nhớ nhà, cái tâm sẽ yên tĩnh. Thử nghĩ mà coi, lúc con ở nhà chơi trò con quay với chúng bạn sẽ thấy quay càng tít càng như nó đứng yên một chỗ. Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh, chí[1] tĩnh ắt sang động, chí động ắt sang tĩnh. Đó là cái lẽ vi huyền của vũ trụ và của tâm linh con người. Minh triết chỉ được phát ra khi tâm hoàn toàn tĩnh lặng. Nếu con rèn luyện đến mức tự điều khiển cho tâm tĩnh lặng bầng sự vận động ở bên ngoài thì ta bắt đầu dạy con học chữ, học đạo lý trong Nho, Phật, Lão giáo.

 

Đại sư Duy Giác tạm ngừng lời, ung dung ngồi uống trà. Ngài cho phép Tuệ Năng dắt Duy Từ đi dạo quanh chùa chừng nửa canh giờ để làm quen với hết thảy mọi người. Đợi khi hai trò quay lại trai phòng, Ngài ôn tồn giảng tiếp:

- Bài học nhập môn cho Duy Từ hôm nay có hai phần, lúc nãy là chữ Nhẫn, giờ tiếp đến chữ Xỉ. Xấu hổ là bản tính tự nhiên của con người khác với loài cầm thú. Này trò Duy Từ, hãy nghe ta lấy việc ăn của người và câm thú là điều ví dụ: con ruồi đậu trên đống phân, con quạ mổ miếng thịt thối rữa so với các bậc vương tôn, quí tộc ngồi quanh bàn tiệc đều có khoái cảm như nhau; nhưng con người bưng bát cơm lại hoàn toàn khác với con lợn sục mõm vào máng đựng cám, ấy là bởi chỉ có người mới biết xấu hổ trước sự cám dỗ của khoái cảm. Người biết xấu hổ càng nhiều thì tính thiện càng lớn, nhân cách càng cao. Người biết xấu hổ càng nhiều sẽ càng cảm thông, trân trọng sự xấu hổ người khác, nhờ đó mà thế giới đại đồng, kiêm ái, tương lợi. Ta mong sao con biết đem sự xấu hổ của mình ra thực hành ở mọi nơi mọi lúc. Muốn vậy con phải tuân thủ nghiêm ngặt phép ứng xử lục hoà bao gồm: thân hoà, khẩu hoà, ý hoà, kiến hoà, giới hoà và lợi hoà. Thân hoà có nghĩa mọi việc làm lớn nhỏ con đều tự hỏi làm như vậy có xúc phạm hay làm người khác xấu hổ hay không. Khẩu hoà, ý hoà, kiến hoà không có nghiã a dua theo mọi người, mà phải xem lời nói, ý nghĩ, cách nhìn của con có xúc phạm hay làm người khác xấu hổ hay không. Giới hoà có nghĩa dù nghề nghiệp, địa vị, học vấn có khác nhau thì con vẫn cần tôn trọng người ta, cũng chính là giữ thể diện cho mình. Lợi hoà là điều nói thì dễ làm thì khó, con chỉ làm được nếu biết tự xấu hổ.

 

Đêm ấy, Duy Từ thao thức suy ngẫm lại bài học nhập môn. Tuệ Năng bảo cậu rằng đã có hàng trăm đệ tử đến đây học, nhưng chưa hề có ai được sư phụ giảng kỹ về hai chữ nhẫn và chữ xỉ như với Đào Duy Từ. Mỗi lời của đại sư đã khai mở hồn cậu, đem đến cho cậu nghị lực và quyết tâm.

 

Những ngày sau đó, Duy Từ miệt mài rèn luyện theo lời dạy của sư phụ. Tuệ Năng luôn theo sát, động viên, chăm sóc cậu như em ruột. Chẳng bao lâu Duy Từ được đại sư tin tưởng, cho nghỉ làm việc công quả, chuyên tâm vào học tập. Ngày chẵn cậu học văn, ngày lẻ học võ. Sớm tối cậu chuyên cần, dù mưa bão hay giá rét vẫn không hề sai lịch. Đại sư mỗi ngày lại phát hiện ở đứa học trò yêu khả năng tự học và sáng tạo. Ngài thầm cảm ơn trời phật đã cho Ngài cơ hội nhập thế và gửi gắm nhiều hy vọng vào Duy Từ. Mỗi lần nhớ lại giấc mộng lên Yên Tử gặp Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, lòng Ngài rộn lên niềm vui, khao khát muốn truyền thật nhanh, thật kỹ cho học trò các sở học của Ngài. Cứ như vậy, Duy Từ sống, học tập và lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của đại sư, của tiểu Tuệ Năng và mọi người trong chùa. Đáp lại, cậu học hành tấn tới, luyện võ ôn văn, thấm nhuần tinh thần lục hoà của đại sư dạy dỗ trong buổi nhập môn. Bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, cậu luôn tâm niệm học để đền ơn sinh thành của mẫu thân, báo hiếu phụ thân, trả nghĩa thầy đồ Mậu và ông Danh. Mỗi khi nhớ về Hoa Trai, cậu lại hiểu mình đang học thay cả phần của Hữu Dư, Thục Nga. Lời hẹn của Dư và ánh mắt của Nga theo Từ vào giấc ngủ. Núi Ngọc, ngòi La hiện lên trong trí tưởng tượng bay bổng của Từ mỗi sớm ngồi thiền, tập luyện khí công. Hơi thở của mẫu thân, giọng nói của thầy đồ Mậu, nụ cười của ông Danh cứ đêm đêm dồn tụ vào ngọn bấc cháy leo lét trong đĩa dầu lạc, soi rõ cho cậu ngồi đọc sách...

 


[1] Chí: cực, cùng.

Chương : 1    2    3   4    5    6    7    8    9    10    11    12   
Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2851
Ngày đăng: 28.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)